GIAI THOẠI VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI HAI THÔN

Monday, March 18, 2013


TIỂU DẪN:

Từ xa xưa cặp địa danh Đồng Tỉnh, Hoa Cầu luôn tồn tại và song hành cùng nhau qua các bài vè, ca dao, tục ngữ, đồng dao, huyền tích còn lưu truyền trong dân gian. Lược bóc đi những yếu tố tâm linh thần thoại hoá - lớp mây mù vốn có sẵn trong bản chất của loại hình văn hoá phi văn bản này, sẽ giải mã được phần nào sự thật và truyền thống cũng như khát vọng sống cao đẹp trải bao thế hệ người xưa gửi gắm lại, qua đó cũng phản ánh được phần nào bản chất thực của những sự kiện đã từng xảy ra trên vùng đất này.

Câu ca dao ghi lại nghề truyền thống của 2 làng:

Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.

Phản đối lại việc các chức sắc, nha dịch hai làng kình địch nhau, ra sức đốc thúc tiền của dân làng, thuê thợ tạc tượng voi đá, hổ đá:

Đồng tỉnh có tính trộm mèo
Hoa Cầu bắt được đem treo xà nhà...

Mục đích của việc tạc tượng để chôn đánh dấu mốc địa giới với hàm ý của bên chôn voi muốn mượn uy “Đức Ông” thạch tượng, ám chỉ việc “voi giày”.
Bên hổ đá đáp lại bằng việc mượn oai Chúa sơn lâm “Ông ba mươi” ám chỉ hổ tướng nào biết sợ ai...

Hoa cầu có tượng ông voi
Bị hổ Đồng Tỉnh cắn lòi ruột ra...
Chuyện tạc tượng hổ và voi của hai làng được bắt đầu từ việc thuần tuý tâm linh, làng Đồng Tỉnh thờ vị nhân thần tuổi Ất Mão làm thành hoàng làng. Làng Hoa Cầu thờ vị Á thần Nguyễn Tính. Bên võ bên văn. Danh trạng của hai vị lược ghi như sau:

“Hương Chàng lang công” - thành hoàng làng Đồng Tỉnh


Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết


Lời mở:

Trong dòng chảy văn hoá Việt Nam từ ngày xuất hiện niên sử, việc phong thần cho những người có công với dân, với nước vẫn thường được các sách sử xưa chép lại. Đó cũng là nét đặc sắc trong nền văn hiến Việt Nam.
Phong thần trong tín ngưỡng dân gian phản ánh lại những ước mơ, nguyện vọng của các tầng lớp dân cư gửi gắm niềm tin vào đời sống tâm linh nhằm thoả mãn nhu cầu đáp ứng và được đáp ứng niềm tin tín ngưỡng của mình vào vị thần mà họ cầu mong được hưởng sự trợ giúp trước mọi bế tắc đời sống. Các vị nhân thần, Á thần thường là người có tri thức, đức tín đặc biệt hay có sức mạnh siêu nhiên, hoặc có khả năng tiếp thu được sức mạnh từ các lực lượng siêu nhiên, thần bí qua việc phù hộ che chở, run rủi cho con người vượt qua mọi hoạ nạn sắp xảy ra (âm phù).
Nguồn gốc của việc phong thần là niềm tin tín ngưỡng khởi nguồn từ quan niệm tâm linh của người Việt cổ xưa qua việc cầu đảo lễ bái các vị thần sông, thần núi, thần đất, thần nước (thiên thần) do nhà vua là đại diện tối cao của toàn dân chủ trì tế lễ, kết hợp cùng tục thờ Mẫu Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Thượng Ngàn... trong tín ngưỡng dân gian mỗi khi xảy ra nạn lụt lội, hạn hán, hoàng trùng, dịch bệnh xảy ra đe doạ trực tiếp đến đời sống con người, sau đó được cộng hưởng thêm luồng tư tưởng Nho, Đạo từ Trung Quốc du nhập vào. Chỉ đến khi luồng tư tưởng này đủ sức thống trị toàn xã hội, yếu tố con người mới được ghi nhận và đưa lên ngang hàng với các yếu tố tự nhiên trong vũ trụ qua mối quan hệ (Thiên - Địa – Nhân) thì việc tôn thờ các vị nhân thần có sức mạnh phi phàm (trí, lực) mới bắt đầu được nhìn nhận, coi trọng và được tôn vinh, bằng việc các vị vua (thiên tử) đứng đầu triều đại ban sắc phong thần ghi nhận công trạng cho các vị, khi ấy mới được coi là vị nhân thần chính thống, nếu dân gian tự ý tôn phong mà không có ý chỉ của vua dụ xuống thì bị coi là thờ nguỵ thần, tà đạo (tuỳ theo từng triều đại).
Khi xét phong thần (nhân thần, á thần) cho một con người cụ thể nào đó, dân gian thường căn cứ vào những hành tích (công thần) và công trạng (mối lợi chung) mà vị đó đã đóng góp cho dân vùng đó hoặc cho đất nước như đánh đuổi giặc giã, lập công lớn giúp vua qua cơn hoạn nạn, cứu giúp cho dân cư một vùng khỏi nạn oan cừu, đói khát, dịch bệnh, hay cụ thể như đem lại cho dân một làng một nghề mới nào đó giúp cải thiện cuộc sống dân sinh, chứ không truy xét nguồn gốc, xuất thân địa vị hoặc giai tầng xã hội của người đó.


Nhiều trường hợp khi soạn thần phả cho các vị nhân thần, các vị vâng chiếu phụng soạn, (hoặc do các dịch giả chưa bám sát được diễn tiến thời cuộc và đời sống tâm linh xã hội đương thời) thường bỏ sót nhiều chi tiết cơ bản hoặc gắn thêm vào một số tích truyện mang đậm màu sắc huyền thoại khiến các đời sau rất khó tra cứu cho tường tận khi muốn hiểu về tung tích và hành trạng của các vị nhân thần dẫn đến sự hiểu nhầm, ngộ nhận.
Trường hợp phong thần cho thần hoàng làng Đồng Tỉnh và Á thần Nguyễn Tính là những điển hình.

Vị nhân thần làng Đồng Tỉnh là Công thần triều Lê (?) có công giúp vua đánh đuổi giặc phương Bắc (Ai Lao) (?) giữ yên bờ cõi, được nhà vua xuống sắc phong tặng “Thượng đẳng Tối linh Đại vương”. Và bản thần Phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân (1572) hiện còn được lưu trữ tại viện Hán Nôm, (bản dịch của Lê Thị Mãng do Mai Xuân Hải hiệu đính năm 1999) có ghi sơ lược một vài chi tiết căn bản về quá trình xuất thân và lập công trạng của vị đương cảnh thành hoàng làng Đồng Tỉnh cùng 2 bài thơ xướng hoạ của vua triều Lê đương thời và bài thơ ứng mộng của vị tổ phụ có công sinh ra vị nhân thần. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều chi tiết cần phải làm rõ như ngày tháng năm sinh, năm mất, công trạng cụ thể của vị nhân thần này ra sao? giúp vị vua nào trong số các vị vua thuộc kỷ nhà Lê (Lê sơ), và đặc biệt thời gian của sự kiện lịch sử làm lên công trạng đó, có phù hợp với thời gian các sự kiện đã ghi trong các cuốn cố sử của các triều đại phong kiến Việt Nam hay không? Rất cần phải làm rõ là yêu cầu chính đáng và tất yếu của lịch sử.

Vị Á thần - Tiến sĩ Nghĩa quận công Nguyễn Tính, ngoài công lao đi sứ phương bắc dưới triều Lê - Trịnh, còn có công hai lần chỉnh trang tu sửa đình làng Hoa Cầu.

Nhiệm vụ của bài viết nhỏ này chỉ mang tính tham khảo, không tham vọng đưa ra một quan điểm cụ thể nào đối với các chi tiết thần tích cha ông đã ghi, ngoài mục đích bóc đi lớp sương mù huyền thoại từ nhiều trăm nay vẫn che phủ, mong tìm trở lại gần đúng với bản chất sự kiện lịch sử đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp vị nhân thần và á thần của hai làng.

Vị nhân thần làng Đồng Tỉnh

Bắt đầu khởi nguồn từ sự kiện năm Nhâm Thân (1572), xảy ra vào tháng giêng, đương giữa tiết xuân, khi nhà vua (Lê Anh Tông) làm lễ tế giao. Trong lúc đang thắp hương quỳ khấn thì lư hương bỗng đổ nhào xuống. Tự biết đó là điềm chẳng lành, vua Lê Anh Tông mới nhân cơ hội đó ban chiếu đổi niên hiệu từ Thiên Hựu thành Hồng Phúc. Lấy năm 1572 làm năm Hồng Phúc thứ nhất với mong muốn đổi dữ thành lành, giảm nhẹ đi những tác hại của điềm báo. Liền thời gian sau đó nhà vua xuống chiếu ban tặng sắc phong cho các vị thiên thần, nhân thần mà dân gian đang thờ trong cả nước nhằm bố cáo việc thay đổi niên hiệu cầu mong an lành và cầu xin sự linh ứng phù hộ của các vị thần chủ trong cả nước.
Bản Thần phả của vị Đương cảnh thành hoàng làng Đồng Tỉnh tổng Hoa Cầu huyện Văn Giang trấn Bắc Ninh, được soạn vào năm Nhâm Thân (1572) thời vua Lê Anh Tông trị vì (1557 - 1573). Trong phần sơ tả về quê cha (trang An Tường - Thanh Hoá), Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính có chép lại Bài thơ:

Hổ lang chi mộng báo Lê gia
Phúc hậu hồn trung báo hải hà
Ất Mão đương niên sinh quý tử
Thiên thu hưởng lộc mộc ân ba.

Bài thơ có thể coi là cái mốc đầu tiên để xác định năm sinh của vị nhân thần theo năm âm lịch, Ất Mão (nội dung câu thơ thứ 3), nhưng năm dương lịch là năm nào? Có công giúp vua Lê đời thứ bao nhiêu trong triều đại nhà Lê? Hành trạng (năm 13 tuổi giúp vua Lê (?) đánh giặc phương Bắc (Ai Lao)(?) là thật hay chỉ là những ngoa truyền trong dân gian, được các sử gia đời sau nhặt nhạnh chép lại mà thành thần tích?

Ta đã biết khởi đầu triều Lê sơ (Bình Định vương Lê Lợi) từ năm Đinh Dậu (1418) – năm Bình Định vương thứ nhất, khi ấy theo yêu cầu của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và cũng là nguyện vọng của đại đa số quân dân Đại Việt, Lê Lợi lên ngôi vua nhưng ông chỉ xưng Vương chứ không xưng đế, kéo dài đến năm Nhâm Thân (1572) đời vua Lê Anh Tông (thời Lê trung hưng) là tròn 154 năm, tính theo can, chi thì được hơn 2 hoa giáp (mỗi hoa giáp 60 năm). Lấy mốc khi Lê Lợi ra đời (năm Ất Sửu – 1385) đến khi bản thần tích này được soạn là 187 năm, hơn 3 hoa giáp. Để thuận việc tính toán, ta lấy năm Ất Mão (1375) làm cơ sở và làm mốc tính cho cả 3 hoa giáp tiếp theo là các năm 1435; năm 1495; năm 1555. (Năm 1375 thuộc đời vua Trần Duệ Tông, 1435 thuộc đời vua Lê Thái Tông; 1495 thuộc đời vua Lê Thánh Tông; 1555 thuộc Lê Trung Tông Vũ hoàng đế).

Bản Thần phả còn ghi lại sự kiện năm ông 13 tuổi, có công phò tá giúp vua Lê tiến đánh giặc phương Bắc (tức giặc Ai Lao) khi ấy giặc đang đóng đồn ở Vân Đồn (?) tiếm xưng nguỵ tướng, chiếm giữ địa giới các châu huyện biên giới, quấy nhiễu dân cư... Trong trận đánh này ông được cưỡi voi cùng nhà vua, được vua đích thân đặt tên cho là: Hương Chàng lang công, đi trước làm tiên phong tấn đại tướng quân... sau trận đánh trở về, được nhà vua đích thân kéo quân về trang Đồng Tỉnh, mở tiệc ăn mừng và ban thưởng... đến buổi trưa sau khi ăn tiệc xong thì ngài hoá, hôm đó là ngày 25 tháng 10 năm Mậu Thìn...


A - Xét theo lôgic của sự việc
1. Giả thiết thứ nhất: Ông sinh năm Ất Mão (1375) thời vua Trần Duệ Tông, tức hơn Bình Định vương Lê Lợi 10 tuổi. Năm ông 13 tuổi tức năm Mậu Thìn (1388) khi ấy Lê Lợi mới lên 3 đương thời vua Trần Đế Hiện, tháng 11 năm ấy là thời vua Trần Thuận Tôn. Vậy ông không thể sinh vào thời điểm này.

2. Giả thiết thứ hai: Ông sinh năm Ất Mão (1435) thời vua Lê Thái Tông, khi ấy Lê Lợi vừa qua đời được 1 năm. Năm ông 13 tuổi tức năm Mậu Thìn (1448) thời vua Lê Nhân Tông. Năm 1442 vua Thái Tông chết, vua Lê Nhân Tông lên nối ngôi từ lúc mới 2 tuổi, tức ông hơn vua Lê Nhân Tông 5 tuổi.

3. Giả thiết thứ ba: Ông sinh năm Ất Mão (1495) đời vua Lê Thánh Tông, năm ông 13 tuổi là năm Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục.

4. Giả thiết thứ tư: Ông sinh năm Ất Mão (1555) đời vua Lê Trung Tông vũ hoàng đế, năm ông 13 tuổi tức năm Mậu Thìn (1568) đời vua Lê Anh Tông.



Giả thiết thứ nhất đã được loại bỏ, còn ba giả thiết sau đều có thể.



B. Xét theo điều kiện lịch sử được ghi trong chính sử ta thấy:
1. Giả thiết thứ hai:
năm Mậu Thìn (1448), vua Lê Nhân Tông vừa tròn 8 tuổi
Mậu Thìn, năm (Thái Hòa) thứ 6 (1448). (Minh, năm Chính Thống thứ 13) xảy ra một số sự kiện lớn như:
- Tháng 2, mùa xuân.
+ Ðèo Mạnh Vượng, tri châu Phục Lễ, có tội. Triều đình cho phép Mạnh Vượng được chết, rồi trao chức Chiêu thảo sứ cho em hắn là Dao.
+ Miền Đông đạo đồn ngoa rằng có sứ nhà Minh sang ta. Triều đình sai bọn Lê Khắc Phục đi lên biên giới.
Bấy giờ miền Đông đạo đồn ngoa rằng sứ nhà Minh đến nơi biên giới để hội đồng với ta làm việc khám nghiệm. Triều đình sai Trình Dục, Đông đạo tham tri, đến tận nơi để thăm dò. Dục vừa mới đến biên giới, đã vội quay về tâu rằng quan khâm sai nhà Minh kết hợp với các quan trấn thủ Quảng Đông đem nhiều binh mã đến. Triều đình liền sai bọn Tư khấu Lê Khắc Phục, tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Văn Phú, Hữu thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật, cùng với Tây Đạo đồng tri Nguyễn Thúc Huệ đi lên biên giới, chờ đợi để hội khám. Lại sai Nam Sách lộ Đồng tri Lê Thiệt đem hơn vạn quân kết hợp với quân sĩ ở trấn An Bang làm việc tuần phòng biên giới. Mọi người đều được ban cho tiền nhiều ít có khác nhau. Lại sắc sai miền Đông đạo chuẩn bị làm việc khao quân. Vì thế trăm họ nôn nao nhộn nhạo.
Khi đến biên giới, mọi người ở lại chờ đợi hàng tuần, hàng tháng, chẳng hề thấy có tin tức gì cả. Ai nấy mua các hàng hoá Trung Quốc rồi về, nói thác ra rằng quan khâm sai nhà Minh vì cớ riêng, không đến được. Quan Ngự sử đài là Hà Lật, vì bè đảng không chịu nói. Triều đình cũng bỏ qua không xét hỏi đến việc này nữa.
- Tháng 11, mùa đông.
+ Gả Vệ quốc trưởng công chúa cho Lê Quát.
+ Các thổ tù ở Tuyên Quang là bọn Nông Thế Ôn, Dương Thăng Kim và Nguyễn Châu Quốc làm phản, dẹp yên và giết chết cả.
Trước kia, bọn Nông Thế Ôn ở Bảo Lạc, Thắng Kim ở Thám Già và Châu Quốc ở An Phú, đều cậy có địa thế hiểm trở xa khơi, không chịu cung nộp phú thuế và sưu dịch. Đến đây chúng định mưu cùng nhau liên hợp quân lại, giữ lấy bản châu, nổi lên làm phản. Việc lên đến triều đình. Nhà vua sai Lê Luân, Tổng quản Tuyên Quang, đem quân bản trấn đi đánh dẹp, bắt được bọn Thế Ôn và Châu Kim, giải về kinh đô, giết chết.


2. Giả thiết thứ ba:
Mậu Thìn, năm thứ 4 (1508), (Minh năm Chính Đức thứ 3) có các sự kiện:
- Tháng 2, mùa xuân.
+ Bổ dụng Mạc Đăng Dung là đô chỉ huy sứ ở ti Đô chỉ huy sứ thuộc vệ Thiên Võ.
- Tháng 10, mùa đông.
+ Bắt đô ngự sử Đỗ Nhân giao xuống ngục hình, ít lâu, Nhân lại được tha.
+ Nước Hắc La La xâm lấn cửa Chu Quan (Chu Thôn Điền). Nhà vua sai bọn Lê Quýnh đem quân đi đánh, chia lập mốc giới ở nơi quan ải rồi dẫn quân về.
Nhà vua sai Trần Thúc Mại, đô đốc Bắc quân làm phó tướng doanh Hữu du kích, Phạm Nhất Ngạc làm ký lục dẫn quân đi trước; một mặt hạ lệnh cho Mĩ quận công Lê Quýnh làm Chinh man tướng quân, Đan Khê bá Trịnh Hưu làm phó, thống lĩnh các vệ Thần Võ, Hiệu Lực, Điện Tiền và quân trong Ngũ phủ tất cả 6 vạn người đi đánh. Quân kéo đến cửa ải Chu Quan, chia lập mốc giới; lại hạ lệnh cho bọn Lê Quýnh chỉnh lý đất đai ở Chu Quan thuộc châu Thuỷ Vĩ, xứ Hưng Hoá, sửa sang xếp đặt công việc ở quan ải, rồi dẫn quân về.


3. Giả thiết thứ tư:
Mậu Thìn, năm thứ 11 (1568). (Mạc, năm Sùng Khánh thứ 3 - Minh, năm Long Khánh thứ 2 ) có sự kiện:
- Tháng 3, mùa xuân.
+ Dùng Nguyễn Bá Quýnh làm tổng binh Quảng Nam.
+ Thổ tướng Quảng Nam là Trấn quận công Bùi Tá Hán mất. Nhà vua sai quận Nguyên Nguyễn Bá Quýnh thay thế.
Đến đây, giả thiết thứ tư bị loại bỏ bởi trong năm này không hề xuất hiện sự kiện ngoại bang xâm lấn bờ cõi, hơn nữa giai đoạn này chỉ cách thời điểm soạn bản thần tích vài chục năm, và Đại học sĩ Nguyễn Bính cũng không cần phải bắt đầu bản thần tích bằng cụm từ “Thời bấy giờ, tương truyền ở trang Đồng Tỉnh...”. Chỉ còn lại giả thiết thứ hai và giả thiết thứ ba là đều có thể xảy ra.




C. Xét theo điều kiện vị trí địa lý và hành trạng của vị vua triều Lê.
1. Giả thiết thứ hai:
Ở giả thiết thứ 2 có hai sự kiện giặc xâm lấn bờ cõi.
- Sự kiện thứ nhất: xảy ra vào tháng 2, tại miền Đông đạo. Nhưng bản chất thực của sự kiện này chỉ là những ngoa truyền, đồn đại và sự tác trách của một số quan lại đương triều. Sự việc xảy ra trong vòng thời gian khoảng 1 tháng (tức khoảng tháng 3 thì trở lại bình thường, tuy triều đình có điều động hơn 1 vạn quân binh của lộ Nam Sách đi nhưng không xảy ra cuộc giao tranh nào.
Ở sự kiện này sự trùng lặp cùng bản thần tích về vị trí địa lý là địa danh Vân Đồn thuộc vùng An Bang, trấn An Bang cũng được lệnh kết hợp cùng quân triều đình tuần tiễu vùng biên giới. Địa danh Vân Đồn vào thời Trần, Trần Khánh Dư đã từng bố trí quân thuỷ, phục binh đánh đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy làm lên chiến thắng Vân Đồn lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại bang của quân dân Đại Việt trên biển Đông.
Sự trùng lập thứ hai theo bản thần phả ghi là giặc phương Bắc (tức giặc Ai Lao). Biên giới phía Đông bắc Đại Việt tiếp giáp vùng Lưỡng Quảng. Cụm từ “giặc phương Bắc” để chỉ quan quân nhà Minh trong sự kiện này là sát thực hơn cả.
Hơn nữa khi xét theo điều kiện khách quan, vua Lê Nhân Tông khi ấy mới được 8 tuổi chưa thể thống xuất binh lính ra trận, bởi đường tuần thú từ kinh thành tới Vân Đồn quá xa và đầy rẫy sự nguy hiểm đối với một ông vua trẻ, nên sự kiện này cũng không đáp ứng được yêu cầu khách quan. Sự kiện bị loại bỏ.
- Sự kiện thứ hai: Xảy ra vào tháng 11, mùa đông ở biên giới phía tây bắc Đại Việt, do các thổ tù ở Tuyên Quang liên hợp với nhau gây ra, quân trấn Tuyên Quang đánh dẹp và bắt sống được các thủ lĩnh giải về kinh đô.
Ở sự kiện thứ hai, về thời gian và địa điểm xảy ra đều không phù hợp với bản thần tích, bản chất của sự kiện này là cuộc nội chiến trong nước, và các thổ tù đều là những người có chức danh do triều đình phong, không phù hợp với nội dung ghi trong bản thần tích “tiếm xưng nguỵ tướng”. Sự kiện thứ hai được loại bỏ.


2. Giả thiết thứ ba:
Ở giả thiết này, chỉ có duy nhất 1 sự kiện xảy ra vào tháng 10, mùa đông năm Mậu Thìn (1508) nước Hắc La La ở mạn Vân Nam, động binh quấy nhiễu biên giới phía Bắc Đại Việt, vua Lê Uy Mục phải điều động tới 6 vạn quân đi đánh. Trong tất cả chỉ có giả thiết này là đúng, tuân thủ được đầy đủ nhất tính lôgic khách quan của sự việc cũng như đáp ứng được mọi yêu cầu đã đặt ra của vấn đề. Theo một số sách sử ghi lại thì các nước Hắc La La, Lão Qua, Sơn Lão... đều có mặt các tộc của bộ lạc Ai Lao, người Ai Lao sống thành từng nhóm rải rác trong các sơn động giáp biên giới phía tây, tây bắc Đại Việt. Trong trận đánh chiếm, tranh chấp biên giới này, họ đã chia quân theo nhiều ngả từ phía Bắc biên giới Đại Việt tràn xuống, đánh lan theo diện rộng, triều đình phải thống suất nhiều đạo binh đi chống đỡ, cánh quân của vua đến Chu Thôn Điền thì dựng cột mốc địa giới. Trận ở Châu Thuỷ Vĩ, ải Chu Quan (Chu Thôn Điền - đvsktt), Hưng Hoá chỉ là một trận đánh mang tính chất tiêu biểu mà các sử gia chọn ghi lại.
Trận đánh đồn giặc ở Vân Đồn do Lê Uy Mục đích thân dẫn quân đi, được ghi trong cuốn Thần phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn là một tư liệu lịch sử rất quý báu, giúp các nhà viết sử có thêm tư liệu để khảo cứu về trận đánh quân Hắc La La của vua Lê Uy Mục vào đầu tháng 10 năm 1508.
Lại xét thêm về hành trạng Vua Lê Uy Mục trong chính sử được ghi lại với chân dung của một ông vua tàn bạo. Vừa lên ngôi đã giết chết Thái hoàng thái hậu, cùng những trung thần của tiên triều như Nguyễn Quang Bật, Đàm Văn Lễ bởi khi trước, họ không chịu theo phe cánh của Kính Phi (mẹ nuôi thái tử Tuấn) cùng Nguyễn Nhữ Vi đồng mưu sửa đổi di chiếu của vua Hiến Tông, họ 1 lòng trung trinh giữ nguyên chiếu cũ lập vua Lê Túc Tông nối ngôi (di chiếu giao cho Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật thừa hành, lập thái tử Thuần).
Sự việc Nguyễn Quang Bật bị dìm chết ở Nghệ An bại lộ, bị danh sĩ trong cả nước phản đối, Uy Mục vội tỏ ra ân hận sai giết người cậu ruột của mình là Nguyễn Nhữ Vi để đổ tội lấy lòng danh sĩ. Bản tính tàn ác và hoang dâm vô độ của Uy Mục khi chưa lên ngôi thể hiện rõ qua việc lấy hiệu là “Quỳnh Lâm động chủ”. Khi được ngôi vua càng vô đạo hơn, thường xuyên tổ chức những buổi yến tiệc, ép mọi người uống rượu hễ ai say là giết liền, đến nỗi sứ Minh là Hứa Thiên Tích sang cấp sắc phong An Nam Quốc Vương cho Lê Uy Mục được nối ngôi vua, khi nhìn thấy tướng mạo nhà vua đã cảm thán mà đọc câu thơ:
An Nam tứ bách vận vân trường
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?
Sách Hồng Thuận Trung hưng ký của Nguyễn Dục ghi, Mẫn Lệ công thất đức, bọn Chủng, Thắng chuyên quyền. Thừa Nghiệp là thằng nhãi chăn trâu mà kiêm coi cả phủ Tông nhân; Tử Mô là đứa trẻ bán cá lại trông giữ hết quân Túc vệ. Tiến dùng bè lũ sài lang, đua mở rộng đường hối lộ. Xây phủ thì rừng núi các xứ Thái Nguyên, Tuyên Quang không còn cây đủ để lấp nguồn dục vọng, [54a] đòi mắm muối thì sông biển các vùng Nghệ An, Yên Bang không còn cá mà nhét miệng đói thèm. Gươm Thái A trở ngược, thần khí lung lay, tai dị sinh luôn, họ dân ta oán...
ĐVSKTT còn ghi, vua [46b] tính ưa vũ dũng, nhân khi đi tế Giao trở về cung, cưỡi trên đầu voi Viện Vân vào cửa Ðông Hoa. Hạ lệnh cho các ty năm phủ đem voi công vào trước mặt vua để lựa chọn và kê khai voi công của các trấn đem về kinh sư chọn làm voi ngự bổ sung cho các vệ.



Nghi án:
Lê Uy Mục sinh giờ Tý ngày mồng 5 tháng 5, năm Hồng Ðức thứ 19 [1488]. Năm Thái Trinh thứ 1 [1504] lên ngôi mới 17 tuổi, mất khi 22 tuổi, ở ngôi được 5 năm, rất thích cưỡi voi và tiến phong những người còn trẻ tuổi như Thừa Nghiệp và Tử Mô, là hai đứa trẻ chăn trâu và bán cá được giữ chức vụ tối quan trọng trong triều. Vị nhân thần làng Đồng Tỉnh cũng là một trong những trường hợp như vậy, nhưng có thể do uống rượu quá say khi về mở yến tiệc mừng công tại trang Đồng Tỉnh, Uy Mục đã sát hại vị nhân thần của làng để loại trừ mầm loạn, bởi ngài khi ấy mới 13 tuổi mà tỏ rõ khí phách của một đấng anh hùng. Hơn nữa ở tuổi thiếu niên mà uống rượu ban của Uy Mục, không thể tránh khỏi sự say xỉn mà bị giết, bởi Uy Mục vẫn có thói quen giết người say khi uống rượu.
Qua tất cả các dữ liệu ở trên, kết hợp cùng chi tiết cùng vua cưỡi voi xung trận ghi trong bản thần phả, ta có thể khẳng định được một điều: Vị nhân thần “Hương Chàng lang công” sinh ngày 14 tháng 3 năm Ất Mão, tức năm 1495 đời vua Lê Hiến Tông. Có công đánh giặc Hắc La La giúp triều đình nhà Lê sơ và mất vào ngày 25 tháng 10 năm Mậu Thìn tức năm 1508 đời vua Lê Uy Mục.
Và bài thơ mừng công còn lưu chép trong thần phả làng đồng tỉnh hiện nay là của vua Lê Uy Mục:

Long Vân nhất hội hoán tinh thần
Hạnh ngộ nhân tài tại ngã nhân
Duy thị yến trung hoan ẩm ngữ
Tình lưu Đồng Tỉnh Ức niên xuân.



Vị Á thần làng Hoa Cầu.

Nguyễn Tính ứng thí khoa Canh Thìn (1640), đỗ tiến sĩ đời vua Lê Thần tông (tức thái tử Duy Kỳ), và chúa Minh đô vương Trịnh Tráng, làm quan bồi tụng, Lễ bộ Hữu thị lang. Sau khi đi sứ phương Bắc về được thăng phong Nghĩa quận công. Ông là con út của quan Tham chính, Thái bảo Thọ kiều hầu Nguyễn Hằng người đỗ tiến sĩ đầu tiên của làng Huê Cầu (khoa Bính Tuất (1586)).
Cha ông là người giữ tiết tháo, tuy làm quan to trong triều nhưng hoàn cảnh nhà chỉ tùng tiệm, đủ ăn, sống cuộc đời thanh bạch như bài thơ cha ông tự hoạ về gia cảnh mình.

Ứ hữ trên đầu tóc đã hai
Nghĩ mình khó ngọt chửa bằng ai
Nằm nhà dột khư khư gáy
Lắc đầu không khích khích cười
Cột thiếu mành to che tháng giá
Bếp không liêu đất nấu canh khoai
Lại nghe Chu Dịch lời này nữa:
Bĩ cực ngày rày ắt thái lai.


Nối gương cha, Nguyễn Tính thi đậu Đồng tiến sĩ, làm quan to trong triều, ông là người có công và khéo vận động mọi người trong làng hợp sức dựng đình chung. Ngôi đình làng Hoa Cầu được sửa sang tôn tạo mới đến hai lần đều nhờ công ông.
Sau này dân làng xin thờ ông làm thành hoàng làng và thờ trong ngôi đình đó, được triều đình chấp nhận và sắc phong “Dực Bảo Trung Lương Linh phù chi thần”.




Trải qua 26 đời vua Lê sơ, Lê trung hưng và triều Hậu Lê, làng Hoa Cầu có tới nhiều người thành danh trong đường khoa cử, Đáng lưu ý nhất là vào giai đoạn triều hậu Lê với các vị:
  1. Đồng tiến sĩ Nguyễn Hằng thi đỗ khoa Bính Tuất (1586), làm quan tới chức Tham chính, tước Thái Bảo Thọ Kiền hầu (Khi nhà mạc mất, ông cùng một số quan lại trong triều đình Mạc đều bị bắt).
  2. Đồng tiến sĩ Nguyễn Tính đỗ Khoa Nhâm Thìn (1640), làm quan tới chức Thượng thư, tước Nghĩa hầu công.
  3. Đồng tiến sĩ Nguyễn Hành, đỗ khoa Mậu Thìn (1688) làm quan tới chức Thượng thư, tước Dương Trạch Bá.
  4. Đồng tiến sĩ Quản Danh Dương, đỗ khoa Canh Dần (1710), làm quan tới chức Thị lang, tước Hoa phái hầu.
  5. Đồng tiến sĩ Nguyễn Quốc Dực, đỗ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan tới chức phó Đô ngự sử.
  6. (1) Cử nhân Nguyễn Nhã Trực, đỗ khoa Bính Ngọ (1726), làm quan tri huyện Yên Dũng.
  7. Đồng tiến sĩ Quản Dĩnh, đỗ khoa Đinh Mùi làm quan tới chức Đại học sĩ.
  8. Chánh tiến sĩ Quản Đình Du, đỗ khoa Tân Hợi (1731) làm quan đến chức Hàn lâm thị chế.
  9. (2) Cử nhân Nguyễn Viết Thục, đỗ khoa Mậu Ngọ (1735).
  10. (3) Cử nhân Nguyễn Giản Kính đỗ khoa Quý Mão (1747) làm quan tri huyện Thanh Châu (Phú Thọ).
  11. Đồng tiến sĩ Nguyễn Gia Cát, đỗ khoa Đinh Mùi (1787).
  12. Hương cống Nguyễn Thủ Phác, đỗ khoa Kỷ Mão (1819).
  13. (4) Cử nhân Tô Ngọc Huyền, đỗ khoa Ất Dậu (1825)
  14. Đồng tiến sĩ Tô Trân, đỗ khoa Bính Tuất (1826), làm quan tới chức Tham tri bộ Lễ, toản tu Quốc sử quán. 6.Tô Trân (1781-?) người xã Xuân Cầu huyện Văn Giang phủ Thuận An (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Cử nhân năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Biên tu, Tuần phủ Định Tường (1826), Án sát Thái Nguyên, Thái bộc tự Thiếu khanh sung làm Toản tu tại Quốc sử quán, rồi thăng Tả tham tri Bộ Lễ. Sau ông xin cáo lão về quê.
  15. (5) Cử nhân Nguyễn Đức Huy, đỗ khoa Giáp Ngọ (1834), làm quan Án sát Cao Bằng.
  16. (6) Cử nhân Tô Ngọc Nữu, đỗ khoa Canh Tuất, làm Giáo thụ.
  17. (7) Cử nhân Nguyễn Mệnh Phương, đỗ khoa Nhâm Tý (1852)
  18. Phó bảng Tô Huân đỗ khoa Mậu Thìn (1868)

    Phó Bảng Phan Văn Ái, đỗ khoa Canh Thìn (1880), làm tới Án sát tỉnh Sơn Tây, hàm Quang Lộc tự Thiếu Khanh.

  19. (8) Cử nhân Tô Ngọc Sướng, đỗ khoa Bính Tuất (1886)
  20. (9) Cử nhân Đào Quản, đỗ khoa Tân Mão (1891)



0 nhận xét:

Post a Comment