Đùa với ông Nghè

Sunday, July 24, 2011
_ Giai thoại _

Nguyễn Gia Cát người làng Huê Cầu, huyện Văn Giang (xưa thuộc Kinh Bắc), sinh năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762) đời Hậu Lê. Năm ông 26 tuổi đời Lê Chiêu Thống, ông đậu đặc cách với học vị Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân (Tiến sĩ). Ông từng được cử đi sứ Trung Quốc, sau khi đi sứ về ông bị can gián vào việc khai gian thần tích cho Hoàng Ngũ Phúc nên bị cách chức.
Từ thủa nhỏ Nguyễn Gia Cát đã nổi tiếng thông minh nhưng cũng rất nghịch ngợm. Một lần có ông Nghè làng bên vinh quy, đường đi phải đi qua làng ông. Ông đang chơi với lũ trẻ liền lấy gạch viết ra đường một chữ MÔN Môn rất to. Ông Nghè nọ cưỡi ngựa đến trông thấy hỏi:

- Sao em lại viết chữ MÔN to thế?

Gia Cát đáp:

- Quan Nghè không nhớ câu "đồng khai trùng môn" của Tống Thái Tổ mà cháu vừa học hôm qua sao? Cổng không to thì voi ngựa võng lọng qua thế nào được.

Bị đứa trẻ lý sự, chất vấn, quan Nghè hơi ngượng nhưng bảo ngay:

- Đồng khai trùng môn có nghĩa là mở rộng cửa lớn phải không? Em bé thông minh lắm. nghe nhé, ta đọc vế đối này, nếu đối được ta thưởng:

Ngói đỏ lợp nghè lớp trên đè lớp dưới

Nghè là cái nhà, cái danh vua ban cho những người đỗ đạt, Nghè còn có nghĩa là Tiến sĩ nữa. Qua vế ra ông Nghè này còn tỏ ý: Ta là Nghè, là lớp trên - lớp trên đè lớp dưới.

Vế ra lời đẹp ý sâu như một sự thách đố. Thường thì những đứa trẻ bé như Gia cát thì làm sao đối được, thế nhưng Gia Cát chẳng cần nghĩ ngợi nhiều đối ngay:

Đá xanh xây cống hòn dưới nống hòn trên

Chữ Cống cũng có hai nghĩa như chữ Nghè, vừa là cái cống vừa là Hương cống (dưới Tiến sĩ).

Nhưng cái hóm hỉnh láu lỉnh của Nguyễn Gia Cát là những chữ như "hòn dưới nống hòn trên" có ý nghĩa răn đe: "trên đè dưới" nhưng nếu không có "dưới nống trên" thì cũng sụp. Nống còn được hiểu là chống lại nữa.

Biết là thơ văn của mình bị một đứa bé tóc còn để chỏm "bẻ gãy" nhưng quan Nghè cũng đành chịu, gật gù khen vế đối hay và thưởng cho một quan tiền. Gia Cát đem tiền ấy chia luôn cho các bạn chơi đánh đáo.


0 nhận xét:

Post a Comment