"Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập" đã được biên soạn như thế nào?

Sunday, July 24, 2011
_ ĐÀO PHƯƠNG CHI _

Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (TĐHB) của Gia Cát thị là một văn bản khá đặc biệt trong số các tác phẩm văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại. Tên của tác phẩm cho ta thấy rằng, tác giả của nó đã dựa trên cơ sở một tác phẩm có từ trước để sáng tác, đó là Việt điện u linh tập (VĐULT) của Lý Tế Xuyên. Mặc dù tác giả cho rằng, mình chỉ làm một công việc rất nhỏ: tân đính hiệu bình (hiệu đính và bình luận mới), nhưng thực chất, tác giả đã "hoán cốt" cho VĐULT, biến một tác phẩm thần tích thành tác phẩm văn học nghệ thuật. Điểm đặc sắc của TĐHB là ở chỗ, tác giả của nó đã lấy cảm hứng sáng tác từ VĐULT của Lý Tế Xuyên, hay nói một cách khác là trên cơ sở nhân vật và cốt truyện từ VĐULT, tác giả đã biên soạn lại, khiến cho qui mô tác phẩm của Lý Tế Xuyên được mở rộng rất nhiều. Tác phẩm đã tự khẳng định mình qua bút pháp độc đáo, tạo dựng một khung cảnh hoành tráng về cuộc đấu tranh kiên cường chống sự xâm lược từ phương Bắc của dân tộc Việt Nam thời Bắc thuộc, qua đó, địa linh nhân kiệt Việt Nam trong VĐULT một lần nữa lại được tái hiện đầy đủ hơn, cụ thể và sinh động hơn trong TĐHBT.

VĐULT là sự hòa trộn của cả ba tư tưởng Nho, Lão, Phật, cùng tập quán thờ cúng tổ tiên. Có thể nói, mục đích bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là để phục vụ cho việc thờ cúng. Đây là điều rất phù hợp với tâm lí "truy viễn" của dân ta. Phải chăng chính vì điều này mà tác phẩm đã trở thành một trong những sản phẩm văn tự có ảnh hưởng khá lớn đến dòng văn học tự sự lịch sử Việt Nam suốt thời Trung đại. Liên tiếp trong 7 thế kỉ, bắt đầu từ Lý Tế Xuyên (thế kỉ XIV), cho đến Nguyễn Văn Chất (thế kỉ XV), Nguyễn Hàng, Đoàn Vĩnh Phúc, Lê Tự Chi (thế kỉ XVI), Lê Hữu Hỉ, Kim Miện Muội, Gia Cát thị (thế kỉ XVIII), Cao Huy Diệu (thế kỷ XIX), Ngô Giáp Đậu (thế kỷ XX)... nó luôn là mối quan tâm của các học giả. Và theo bước chân của Lý Tế Xuyên, các tác giả nói trên đã dồn nhiều công sức vào việc tục biên, tăng bổ, trùng bổ, tân đính, hiệu bình... khiến cho tác phẩm luôn mang hơi thở của thời đại. Có thể nói, đây là một hiện tượng khá đặc biệt của dòng văn học tự sự Trung đại. Một trong số những người có tâm huyết với VĐULT kể trên là Gia Cát thị. Tuy tiếp tục con đường của những người đi trước, nhưng Gia Cát thị đã bứt lên khỏi công việc "tăng bổ", "trùng bổ"... và đã lựa chọn cho mình một phương thức khác: biến đổi một tác phẩm văn học chức năng lễ nghi[1][1] Chúng tôi theo từ dùng của tác giả Tìm hiểu quan điểm biên soạn và phương pháp biên soạn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên. Tạp chí Văn học - Số 1/1986. thành một tác phẩm đậm đà sắc thái văn học nghệ thuật. Có thể nói, đến TĐHBT, VĐULT đã được thay đổi về chất.

Đây là một trong số những tác phẩm có giá trị trong văn học Việt Nam thời Trung đại, văn bản của tác phẩm cũng có khá nhiều điều thú vị, nhưng thật tiếc là nó chưa từng được xuất hiện một cách hoàn chỉnh trong một bản dịch nào[2][2] Chỉ có 3 trong số 41 truyện của TĐHB là Lệ Hải bà vương ký, Hương Lãm Mai đế ký và Trường Tân nhị tướng quân phả được GS. Đinh Gia Khánh giới thiệu trong Việt điện u linh. Nxb, Văn học, H. 1972.. Bởi vậy, trong bài viết này, chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải giới thiệu một số vấn đề về văn bản cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm và bước đầu tìm hiểu về tác giả của TĐHB.

1. Vấn đề Tác giả:


Theo các thư tịch hiện nay, tác giả của Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập là Lễ bộ Chủ bạ Hồng đô Gia Cát thị[3][3] Phần lớn các học giả đều phiên âm là Chư Cát thị. Chúng tôi phiên âm là Gia Cát, vì theo các ông Ngọc Hồ và Nhất Tâm (Việt điện u linh tập lục toàn biên - Sống mới - Sài Gòn, 1974), Trung văn đại từ điển, khi phân biệt chữ 諸, với nghĩa chỉ dòng họ, cho biết: "Họ ấy ở Lang Tà (tỉnh Sơn Đông) thì đọc Chư Cát (vì có huyện Chư), nếu ở nơi khác thì đọc Gia Cát".. Vậy Gia Cát thị là ai? Theo lời Dẫn nhập của VĐULT[4][4] VĐULT, Khai Trí, Sài Gòn, 1961. tr.11. và Lời dẫn của Việt điện u linh tập lục toàn biên [5][5] VĐULT lục toàn biên, Sống mới, Sài Gòn, 1972., thì ông là người Hồng Đô, tỉnh Hải Dương, đã từng làm Biên tu bộ Lễ, đời Lê Hiển Tông (1740-1786). Chẳng biết hai tác giả trên căn cứ vào đâu để khẳng định điều này. Hiện chúng tôi chưa tìm được nguồn tài liệu nào để có thể biết về tiểu sử Gia Cát thị, chỉ biết rằng, Gia Cát thị viết TĐHB năm Cảnh Hưng 35 (1774) khi ông giữ chức Chủ bạ bộ Lễ. Rất có thể, ông sống vào khoảng cuối thời Lê - Trịnh, qua thời Tây Sơn và đầu thời Nguyễn. Theo Hoàng Việt long hưng chí, trong khoảng thời gian này, có một người cũng làm ở bộ Lễ (nhưng giữ chức Tham tri) là Nguyễn Gia Cát[6][6] Chữ gia ở đây được viết là 嘉 .. Chẳng biết Gia Cát thị và Nguyễn Gia Cát có phải là một không[7][7] Giả thiết này đã được PGS - PTS Nguyễn Đăng Na đặt ra lần đầu tiên trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại - Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.. Nếu quả là một người, thì Gia Cát thị đã từng đi sứ sang nhà Thanh năm 1805[8][8] Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 8b. Nxb. KHXH. Hà Nội. 1996. tr.549. và cũng đã từng bị tù vì tội mạo cấp sắc phong, suýt bị xử chém, rồi lại được tha[9][9] Tổng tập văn học Việt Nam. Sđd. tr.585.. Và ngoài TĐHBT, với bút danh Gia Cát thị, ông còn có một số tác phẩm khác như Bi Nhu quận công phương tích lục[10][10] Bi Nhu quận công phương tích lục 悲 柔 郡 公 芳 績 錄: Đốc học Hoa Xuyên hầu Nguyễn Gia Cát 阮 嘉 葛 soạn. Nam Trung ẩn sĩ Trương Sĩ Tải 張 士 載 khảo lược. In tại Hương Cảng năm 1897. 悲 柔 郡 公 芳 績 錄 Hoa trình thi tập[11][11] Hoa trình thi tập 華 程 詩 集: Nguyễn Gia Cát, hiệu Địch Hiên soạn. Lý Trần Lại 李 陳 賴 biên tập. Lê Lương Thận 黎 良 慎 và Nguyễn Du 阮 攸 hiệu duyệt. 華 程 詩 集 và viết tựa cho cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí[12][12] Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 皇 越 一 統 輿 地 志: Còn được gọi là Nhất thống dư địa chí, do Lê Quang Định 黎 光 定, Binh bộ Thượng thư, Mẫn Chính hầu biên soạn năm Gia Long Bính Dần (1806). Nguyễn Gia Cát Lễ bộ Tả tham tri, Quỳ Giang hầu viết tựa năm Gia Long 5 (1806). 皇 越 一 統 輿 地 志 . Điều này có thể tin được, vì từ 1774, năm Gia Cát thị viết TĐHBT đến 1805 không xa. Giả thiết này khiến chúng tôi nghĩ tới ý nghĩa của chữ thị trong cụm từ Gia Cát thị. ở đây, chữ thị có thể mang một trong hai ý nghĩa sau:

a. Có thể tác giả hâm mộ tài năng Gia Cát Lượng, rồi lấy họ ấy chăng? Trong trường hợp này, chữ thị có nghĩa là họ.

b. Nếu Gia Cát thị chính là Nguyễn Gia Cát, thì Gia Cát là tên. Nếu vậy, thị sẽ không có nghĩa là họ nữa. Tra trong Hán ngữ đại từ điển, chúng tôi thấy chữ này có một nghĩa khác là từ tôn xưng. Từ điển cho biết, Mạnh Tử được tôn xưng là "Mạnh Kha thị", thậm chí, khi muốn tỏ ý trân trọng với người em gái, người ta cũng dùng từ "muội thị"[13][13] Hán ngữ đại từ điển. Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã. Hồ Bắc từ thư xuất bản xã. 1988.... Và như vậy, chữ thị ở đây đã mang một nghĩa khác ngoài nghĩa thông thường là họ. Và nếu quả là chữ thị mang nghĩa tôn xưng, thì rất có khả năng, cụm từ Gia Cát thị không phải do tác giả tự viết, mà do người đời sau gọi.

Hai nghĩa trên của từ thị đã dẫn đến sự khó chọn lựa giữa hai khả năng: Gia Cát là tên hay là họ. Vì hiện nay chưa tìm được nguồn tài liệu thật chính xác, bước đầu, chúng tôi tạm đưa ra hai giả thuyết trên. Còn để khẳng định được chắc chắn, chúng tôi thiết nghĩ, vẫn cần có những tư liệu khác để soi sáng thêm.

Tóm lại, về tác giả của TĐHBT, cho tới nay chúng ta chỉ mới có thể biết như vậy mà thôi. Sau này, nếu có điều kiện và tư liệu, chúng tôi sẽ.

2. Văn bản:


Hiện nay, tại Việt Nam, TĐHBT chỉ còn một văn bản duy nhất, lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A. 335. Sách không còn bìa gốc. Bìa sách hiện nay làm bằng một tờ giấy xi măng phết sơn ta, mới được đóng thêm vào. Tác phẩm gồm 155 tờ, viết tay, giấy dó loại tốt, khổ 32 x 22cm, trang 9 dòng, dòng 20 chữ. Mở đầu sách là đầu đề tác phẩm 新 訂 較 評 越 甸 幽 靈 集 Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập) được viết riêng ở một mặt giấy. Tiếp đó là phần chính văn. Ở tờ 1a, tên tác phẩm được viết lại một lần nữa. Tiếp theo là bài tựa của Lý Tế Xuyên, nhưng không được mở đầu bằng 5 chữ 越 甸 幽 靈 序 V iệt điện u linh tự) mà lại là 5 chữ 第 二 奇 書 序 Đệ nhị kì thư tự (Lời tựa cho cuốn sách lạ thứ hai)[14][14] Theo GS. Đinh Gia Khánh, đệ nhất kì thư có thể là Lĩnh Nam chích quái hoặc Truyền kì mạn lục.. Cuối lời tựa (tờ 1b) là dòng lạc khoản ghi năm tháng soạn và tác giả VĐULT: 開 佑[15][15] Đáng lẽ là chữ 祐, ở văn bản lại viết là 佑. 元 年 春 正 月 上 浣 日 序 大 藏 書 大 正 掌 中 品 奉 御 安 越 還 路 轉 運 使 李 濟 川 謹 序 Khai Hựu nguyên niên xuân chính nguyệt thượng cán nhật tự Đại Tạng thư Đại chính chưởng Trung phẩm phụng ngự An Việt Hoàn lộ Chuyển vận sứ Lý Tế Xuyên cẩn tự: Viết Lời tựa vào ngày thượng cán (mùng 1-10) tháng Giêng mùa xuân năm Khai Hựu nguyên niên. Đại Tạng thư Đại chính chưởng Trung phẩm phụng ngự An Việt Hoàn lộ Chuyển vận sứ là Lý Tế Xuyên kính cẩn đề tựa). Sau đó là lời Tự dẫn của Gia Cát thị (tờ 1b-tờ 2b). Cuối lời Tự dẫn là dòng lạc khoản ghi: 景 興 甲 午 秋 中 浣 日 序 禮 部 主 簿 鴻 都 諸 葛 氏 謹 頓 序 Cảnh Hưng Giáp Ngọ thu trung cán nhật tự. Lễ bộ Chủ bạ Hồng Đô Gia Cát thị cẩn đốn tự: (Viết lời) Tự dẫn vào ngày trung cán (11-20) mùa thu năm Giáp Ngọ Cảnh Hưng (1774). Chủ bạ bộ Lễ là Hồng đô Gia Cát thị kính cẩn cúi đầu đề tựa).

Mở đầu tờ 3a là phần Mục lục, với bốn quyển:

Quyển 1: Lịch đại nhân quân 歷 代 人 君, gồm 8 truyện (kể về các nhân vật lịch sử tự xưng, hoặc được tôn xưng là vương, đế): Xã Tắc Đế quân kí, Lệ Hải bà vương kí, Vạn Xuân quốc đế kí, Nhất Dạ trạch vương kí, Dã Năng động vương kí, Ô Diên thành đế kí, Hương Lãm Mai đế kí, Đường Lâm Phùng vương kí .

Quyển 2: Lịch đại nhân thần 歷 代 人 神, gồm 11 truyện: An Trì Linh Lang lục, Than Lại Cao công lục, Long Đỗ Tô công lục, Nam Bình nhị Trương lục, Bộ Đầu Lý công lục, Đô hộ Phạm công lục, Na Sơn Lê công lục,Long Khang Lý công lụcThái Hòa Lý công lục, Dâm Đàm Mục công lục, Thiên Mạc Đô úy lục 

Quyển 3: Hạo khí anh linh 灝 氣 英 靈, gồm 12 truyện: Ma Lôi đại đế truyệPhù Đổng thần vương truyện, Bà Như thổ thần truyệnBạch Mã thần miếu truyện, Phong Châu thổ lệnh trưởng truyện, Thanh Hải địa thần truyện, Bố Bái đại vương truyện[16][16] Trong phần chính văn, tên truyện lại là Bố Bái long quân truyện 布 拜 龍 君 傳. Theo chúng tôi thì hai chữ Long quân hợp lý hơn hai chữ đại vương, vì truyện cho biết "Thần là tinh Anh long ở thủy cung Đông hải" (tờ 99b) và phần ghi chép về các mỹ tự được sắc phong của thần ở cuối truyện ghi là Long vương (tờ 103b).Đằng Châu linh đài truyện, Đồng Cổ sơn chúa truyện, An Lãng nguyên quân truyện, Vĩnh Lâm Bồ trĩ truyện,Lạng Sơn Kì Cùng truyện.

Quyển 4: Túy tinh vĩ tích 粹 精 偉 績, gồm 10 truyện: Hội Xuyên Lê công phả, Trường Tân nhị tướng quân phả, Kiêu Điền Trần Phò mã phả, Phùng Uyên long thần phả, Hoan Tân Chiêu trưng phả, Sâm Thành Đỗ miếu phả, Khắc Dương Nguyễn hầu phả,Mục Lịch Từ sinh phả, Minh Động tượng từ phả,Hồi Sơn Bố Lộ phả.

Cuối phần mục lục là câu: 以 上 四 卷 共 四 十 一 記 錄 傳 譜 (Dĩ thượng tứ quyển cộng tứ thập nhất kí, lục, truyện, phả: Trở lên là 4 quyển, tổng cộng 41 kí, lục, truyện, phả). 

Tiếp sau đó, từ giữa tờ 4a đến tờ 4b, là một đoạn có tính chất gần như phàm lệ của tác giả, qui định rõ 3 qui tắc biên soạn TĐHBT. Sau đoạn này là 5 chữ 書 序 目 錄 完 Thư tự mục lục hoàn: Hết phần Tựa sách và Mục lục).

Đầu tờ 5b, dòng thứ nhất là hàng chữ: 新 訂 較 評 越 甸 幽 靈 集 卷 一 (Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập quyển nhất) và 4 chữ Đệ nhị kì thư được lặp lại. Tiếp đó, tác giả một lần nữa khẳng định nguồn gốc tác phẩm và tác giả: 大 正 掌 中 品 濟 川 李 氏 撰 禮 部 主 簿 鴻 都 嘉 葛 氏 校[17][17] ở đây không viết là 較 như phần trên, mà lại viết là 校.. Đại chính chưởng Trung phẩm Tế Xuyên Lý thị soạn. Lễ bộ Chủ bạ Hồng Đô Gia Cát thị hiệu: Đại chính chưởng Trung phẩm Tế Xuyên họ Lý soạn. Chủ bạ bộ Lễ Hồng đô Gia Cát thị hiệu đính).

Sau đó, bắt đầu vào nội dung truyện với
Quyển 1: Lịch đại nhân quân, từ giữa tờ 5b đến giữa tờ 43a.

Quyển 2: Lịch đại nhân thần, từ giữa tờ 43a đến hết tờ 81b.

Quyển 3: Hạo khí anh linh, từ giữa tờ 82a đến hết tờ 118b.

Quyển 4: Túy tinh vĩ tích, từ đầu tờ 119a đến hết tờ 155a.

Tờ 155b kết thúc tác phẩm bằng dòng chữ:明 命 五 年 五 月 十 三 日 Minh Mệnh ngũ niên ngũ nguyệt thập tam nhật : Ngày 13 tháng 5 năm Minh Mệnh 5, tức 1824).

Tác phẩm không ghi ai sao lục và sao lục từ văn bản nào. Năm Minh Mệnh 5 (1824) có thể là ngày được sưu tầm hoặc sao chép lại.

Như đã trình bày ở trên, TĐHBT, hiện nay, tại Việt Nam, chỉ còn một văn bản duy nhất, được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sở dĩ nói như vậy là vì, trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, một công trình hợp tác giữa Việt Nam, Pháp và Đài Loan[18][18] Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san; Trần Khánh Hạo - Trịnh A Tài - Trần Nghĩa đồng Chủ biên; Pháp quốc Viễn đông học viện xuất bản; Đài Loan học sinh thư cục ấn hành.  (gọi tắt là VNHv) cũng có in toàn văn TĐHBT. Theo như lời Xuất bản thuyết minh của cuốn sách này, TĐHBT ở đây là bản in theo một bản sao khác, cùng thế hệ (đồng bản dị sao) với bản A.335, do GS. Đái Mật Duy 戴 密 維[19][19] Theo GS. Phan Văn Các, ba chữ này được phiên âm từ tên Pháp: Demiéville. lưu giữ (gọi tắt là bản Đái Mật Duy). Dựa trên phần Thư ảnh (chụp từ đầu đến một phần đầu của truyện Xã Tắc đế quân ký), chúng tôi thấy A.335 và bản này có nhiều khác biệt. Chẳng hạn như:

Ở bản A.335, các chữ Hoàng Việt 皇 越 (tờ 1a), Việt 越 (tờ 1b), Cảnh Hưng 景 興 (tờ 2b) v.v. không được viết đài, ở bản Đái Mật Duy được viết đài; trong bản A.335 là chữ Khai Hựu 開 佑 và diên thảo 沿 草 (tờ 1b), thì ở bản Đái Mật Duy là Khai Hựu 開 祐 và diên cách 沿 革; ở bản A.335, phần Mục lục, hai chữ công 公 bị viết nhầm thành sĩ 士 (tờ 3b, 4a), thì ở bản Đái Mật Duy là 公. Trên đây đều là những trường hợp bản A.335 chép sai, mà bản Đái Mật Duy lại chép đúng. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp bản A.335 sao chép đúng, mà bản Đái Mật Duy lại chép sai, như ở bản A.335 là tuy 雖 (tờ 2a), ức 抑 (tờ 2a), quí 癸 (tờ 2a), thì ở bản Đái Mật Duy là nan 難, ức 臆, quí 季 v.v.; và một trường hợp cả hai bản cùng sai. Đó là chữ Hội Xuyên 會 川 bị chép thành Hội Lăng 會 陵 ở phần Mục lục. Có lẽ, sự lầm lẫn này là do chính từ văn bản được người sao chép bản A.335 và người sao chép bản Đái Mật Duy dùng để sao lại. Từ những trường hợp sai dị nhiều hơn là tương đồng trên giữa hai văn bản, chúng tôi thấy băn khoăn về kết luận A.335 và Đái Mật Duy là 2 văn bản "đồng bản dị sao" của VNHV. Nhưng dù kết luận của VNHV có chính xác hay không, thì chúng tôi vẫn cho rằng có thể coi bản Đái Mật Duy như một dị bản và vì không có toàn bộ văn bản này trong tay, nên, chúng tôi tạm gác lại trong bài viết. Sau này, khi có điều kiện, sẽ xin tìm hiểu tiếp.

Trở lên là sơ bộ khảo sát một số điểm chính trong văn bản của tác phẩm. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào giá trị nghệ thuật của TĐHB.

3. Vài nét về giá trị nghệ thuật:


Thế kỷ XVIII là thế kỷ nổi dậy của nông dân. Chưa bao giờ người dân chứng tỏ sức mạnh của mình bằng lúc này. Chúng ta có thể thấy được điều đó qua các cuộc khởi nghĩa liên tiếp và sôi động của Lê Duy Mật (1738); Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh (1739); Nguyễn Danh Phương - Quận Hẻo (1740); Nguyễn Hữu Cầu - Quận He (1742); và đỉnh cao là chiến thắng của anh em Tây Sơn (1771)...

Phong trào nông dân lớn mạnh bao nhiêu, thì chính quyền phong kiến suy yếu bấy nhiêu. Trước tình hình đó, một số người cầm bút trong hàng ngũ sĩ phu phong kiến cảm thấy lo ngại, thất vọng và có tâm trạng hoài cổ, muốn quay trở về với quá khứ. Một trong số đó là Gia Cát thị. Để thực hiện điều này, cũng như Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Hàng, Lê Tự Chi, Lê Hữu Hỉ, Vũ Khâm Lân... trước đó, ông cũng tìm đến với một tác phẩm quen thuộc: vđult. Nhưng so với tác phẩm của các học giả kể trên, về phương diện nội dung và nghệ thuật, có thể nói, TĐHB có vị trí đặc biệt.

Một trong những quy luật phát triển của văn học là quá trình đi từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Bởi vậy, bước chuyển từ VĐULT sang TĐHB là một bước tiến do sự vận động tự thân của thể loại, do thời đại mang tới và do tài năng của người nghệ sĩ.

Như chúng tôi đã trình bày, VĐULT của Lý Tế Xuyên là loại văn học chức năng tôn giáo. Mục đích biên soạn là để ghi chép lại sự tích các vị thần. Đây cũng là đặc điểm chung của các tác phẩm đầu thời kỳ Trung đại. Vì vậy, giá trị văn chương nghệ thuật không phải là điều được tác giả thực sự quan tâm. Còn tác giả của TĐHB không dừng lại ở việc tục biên, tăng bổ, trùng bổ... như những đồng nghiệp khác, mà đã phá bỏ được hàng rào văn học lễ nghi, vươn tới mảnh đất của thể loại văn học nghệ thuật. Và, tuy trong một số truyện vẫn còn mang "cái đuôi" thần tích qua việc liệt kê các đợt gia phong, nhưng thực chất, TĐHB đã là một tác phẩm có quan hệ họ hàng gần với văn học nghệ thuật. Tác phẩm đã đánh dấu một bước nhảy vọt so với một số tác phẩm cùng loại trước đó.

Không chỉ dừng lại ở việc thêm bớt các truyện, viết TĐHB, Gia Cát thị đã có ý thức sắp xếp chúng theo trình tự thời gian. Ví dụ như: ở phần Lịch đại nhân quân, truyện Xã tắc đế quân được Lý Tế Xuyên xếp thứ 3, sang đến Tđhb, Gia Cát thị đã đưa lên đầu; truyện Phùng Hưng, ởVĐULT là truyện đầu tiên, sang TĐHB, lại là truyện cuối cùng[20][20] Thứ tự các truyện mà chúng tôi nêu lên ở đây là không tính đến truyện Sĩ Nhiếp, truyện đầu tiên trong Việt điện u linh tập, vì truyện này đã bị Gia Cát thị bỏ đi rồi (Xin xem phần "Phàm lệ" ở đầu tác phẩm).. Nhờ sắp xếp lại các truyện theo trình tự thời gian, mà nhiều truyện đã được kết nối với nhau theo kiểu liên hoàn một cách liền mạch, sự kiện trước tạo tiền đề cho sự kiện sau. Vượt qua rào chắn chung của nhiều truyện văn xuôi trước đó, TĐHB gần như đã đặt chân sang một vùng đất mới: Tiểu thuyết chương hồi. Tiêu biểu nhất cho xu hướng này là trường hợp chuyển từ truyện Khâm Minh Anh Liệt Nhân Hiếu Thánh Vũ hoàng đế - Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế (Triệu Việt vương - Lý Nam đế) trong VĐULT sang thành 4 truyện Vạn Xuân quốc đế kí (Lý Bí), Nhất Dạ trạch vương kí (Triệu Quang Phục), Dã Năng động vương kí (Lý Thiên Bảo) và Ô Diên thành đế kí (Lý Phật Tử) trong TĐHB. Nếu như Lý Bí và Lý Thiên Bảo chỉ được nhắc tới một cách thoáng qua, để làm nền cho hai nhân vật là Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử trong VĐULT, thì ở TĐHB, những nhân vật lịch sử này đã hiện lên thật sống động, qua những lời kể kĩ lưỡng, đầy hấp dẫn về nguồn gốc, gia thế cũng như mưu lược của họ... Ta hãy cùng so sánh một số dẫn chứng sau trong hai tác phẩm:

* Ở VĐULT:

"Khâm Minh Anh Liệt Nhân Hiếu Thánh Vũ hoàng đế họ Lý, húy là Phật Tử, tục gọi là Lý Nam đế (đền thờ tại cửa biển Tiểu An). Minh Đạo Khai Cơ Thánh Liệt Thần Vũ hoàng đế họ Triệu, húy là Quang Phục, tục gọi là Việt vương. Theo Sử ký và Thế truyền, hai ngài đều là tướng tá của Tiền Lý Nam đế Lý Bí cả.

Thời Lương Vũ đế, ở Giao Châu ta, huyện Thái Bình, có Lý Bí, đời đời giàu có, bẩm sinh có tài lạ, làm quan. (...một đoạn nói về Tinh Thiều...) Bí cùng Thiều trở về làng. Nhân quan Thứ sử nước ta là Tiêu Tư tàn bạo, rất mất lòng người, hai người bèn tính kế chống lại.

Bấy giờ, Bí đến châu Cửu Đức, liên kết với hào kiệt mấy châu cùng nhau khởi binh. Tư biết chuyện, chở đồ đến hối lộ cho Bí, rồi về Quảng Châu. Bí ra chiếm đóng châu thành. Gặp lúc người Lâm ấp vào cướp đất Nhật Nam, Bí sai tướng là Phạm Tu đánh giặc ở Minh Đức. Vì thắng địch, Đế bèn tự xưng là Việt đế, đặt trăm chức quan, đổi niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Vua nhà Lương nghe thấy thế, bèn phong Thứ sử Quảng Châu là Trần Bá Tiên[21][21] Văn bản chép là Trình Bá Thiên 呈 霸 偏. làm Thứ sử Giao Châu, đem quân đánh. Bí đánh nhau được mấy trận thì tan, phải rút về, không đánh nữa, lui quân về động Khuất Lạo, chờ quân địch mệt mỏi thì tính kế sau. Không bao lâu, mắc bệnh mà chết. Bá Tiên vì thế mà thu được thành công. Kể từ lúc xưng vương hiệu, tức là năm Đại Đồng 7 đến năm Thái Thanh 2 thì được 8 năm. (...) Nam đế là người có họ với Lý Bí. Khi lệnh đệ là Lý Bí chết, thì Phật Tử theo anh của Bí là Thiên Bảo dẫn ba vạn quân chạy về Cửu Chân. Bá Tiên đem quân đuổi theo, đánh Cửu Chân. Thiên Bảo chỉ cần thoát thân, cùng Nam đế đem hai vạn quân chạy về động Khuất Lạo. Bá Tiên treo giải thưởng để tìm, nhưng không ai biết họ đi đâu. Thiên Bảo đến động Dã Năng, ở đầu nguồn sông Đào, thấy đất đai rộng phẳng mà lại màu mỡ, bèn xây thành mà ở, dần dần trở thành nước Dã Năng. Mọi người bèn suy tôn Thiên Bảo lên làm Đào Lang vương. Chẳng bao lâu, Thiên Bảo chết không có con. Mọi người bàn bạc tôn Nam đế lên thay..."

* Ở TĐHB:

... "Tiên tổ Đế người phương Bắc, có tên là Lý Thuận, cuối thời Tây Hán, thiên hạ đại loạn, khổ vì chinh chiến, mới đem gia đình sang định cư ở đất Nam. Lý Thuận chết, con trai là Lý Hành có chút của cải, lại chăm chỉ việc ruộng đồng, trở nên giàu mạnh, người làng vốn rất tôn phục. Hành sinh ra Lý Năng, Lý Năng sinh ra Lý Như, Lý Như sinh ra Lý Quỹ, Lý Quỹ sinh ra Lý Uy. Được bảy đời thì thành người Nam. Lý Uy lấy người cùng châu là Ma thị, hiền hậu lại có đức, việc nhà trong ngoài không gì không chu toàn. Hai người sinh được tám trai, đều có sức khỏe, thuộc loại họ lớn trong làng. Họ đặt tên cho các con là Thanh, Tân, Quí, Thuần, Hanh, Hội, Tần, Câu. Vào niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, Lý Thanh đem hơn 300 người trong dòng tộc, theo Thứ sử Đàn Hoà Chi đánh dẹp Lâm ấp, vì có công nên được cho thế tập chức Thổ tù. Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Hoa sinh ra Lý Căng. Căng lấy Phí thị, sinh các con trai, cả là Thiên Bảo, thứ là Đế, sau lại sinh thêm Xuân và Hùng, cả 4 người con trai đều có khí phách, là những người đứng đầu trong châu" (Vạn Xuân quốc đế ký) [12b - 13a]...

... "Đế (...) cho Lý Phục Man làm Tả vệ hiệu quân, Phạm Tu làm Hữu vệ hiệu quân, đem năm vạn quân ra đồn trú ở Vân Lâm để chuẩn bị; và lấy Tinh Thiều làm Tán nghị sứ, Triệu Túc làm Tán nghị sứ Tiếp ứng sứ, ba đường cùng tiến, giành đường mà đi. Khi đại quân sắp đến đầu địa giới Hợp Phố thì gặp quân của Tử Hùng. Triệu Túc xuất ngựa, một mình khiêu chiến với Tử Hùng. Hai bên giao chiến mới được hơn ba mươi hiệp thì Tinh Thiều từ trên gò cao nhìn thấy Tử Hùng rất dũng mãnh, Tôn Quýnh ở phía sau như đang có ý giận dữ, vội vẫy cờ trắng. Thế là hai cánh quân cùng hét vang. Phục Man dẫn quân tiến đánh từ mé trái. Phạm Tu dẫn quân tiến đánh từ mé phải, xông tới giết. Quân Tử Hùng đại bại bỏ chạy, chết sáu bảy chục mạng, vứt hết khí giới quân trang, chạy toán loạn. Quân ta toàn thắng" (Vạn Xuân quốc đế ký) [14b - 15a]...

... "Đến khi Bá Tiên đem quân xâm lược phương Nam, Nam đế lánh nạn ở động Khuất Lạo, Vương bàn với tộc tướng Lý Phật Tử rằng:

- Quân ta mới thành lập, rất hỗn loạn, sao có thể địch lại với quân phương Bắc mạnh mẽ. Nay nghe nói Triệu Quang Phục đóng quân ở Chu Diên, cầm cự với Bá Tiên, chưa phân thắng bại, Nam đế đóng quân ở Khuất Lạo, thủ hiểm tự trước. Nay quân Lương từ xa đến, tướng tốt mệt mỏi. Nếu dùng kế lạ ra tay ở chỗ chúng không ngờ tới, tấn công ở chỗ chúng không phòng bị, tất sẽ toàn thắng.

Sau đó, Vương và Phật Tử đem theo hơn ba vạn người, chia làm hai cánh, tiến vào Cửu Chân"...

Và cứ như vậy, ba nhân vật còn lại là Triệu Quang Phục, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử cũng được xuất hiện ở ba truyện kế tiếp trong cách miêu tả sinh động, cụ thể ấy, tái hiện một phần bức tranh lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, dưới sự chỉ huy của các lãnh tụ từ Lý Bí, Triệu Quang Phục và Lý Thiên Bảo cho tới Lý Phật Tử.

Tóm lại, qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy được bước chuyển rõ rệt về qui mô phản ánh của TĐHB, bằng bản lĩnh và tài nghệ độc đáo của mình, Gia Cát thị đã khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, gây hứng thú hơn cho người đọc. Với quy mô phản ánh rộng, tác giả đã vươn tới rất nhiều phương diện xã hội, từ những vấn đề bình dị như vai trò người phụ nữ, sự nỗ lực diệt trừ cái ác, cho tới chủ đề rộng lớn, phức tạp như cuộc đấu tranh chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc. ở phương diện nào, người viết cũng khá thành công. Qua đó, bản lĩnh của người cầm bút đã được thể hiện rõ rệt. Không chỉ có vậy, bằng "tay nghề" cao trong việc khắc họa tính cách nhân vật, nghệ thuật xây dựng tình tiết và đặc biệt là với yếu tố bất ngờ của xu hướng chương hồi hoá, TĐHB đã đem lại cho người đọc những giây phút thư giãn thực sự, khi thưởng thức tác phẩm. Vì những lí do trên, TĐHB xứng đáng được đứng trong hàng ngũ các tác phẩm văn xuôi tự sự đáng chú ý thời trung đại.

Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập là một hiện tượng khá đặc biệt trong kho tàng văn học dân tộc. Dựa trên chất liệu của VĐULT, Gia Cát thị đã biến đổi một tác phẩm chức năng lễ nghi thành một tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhờ tài năng của người cầm bút, bước đi đó đã thành công. Nếu đặc trưng thể loại đã khiến cho "nhân vật của Lý Tế Xuyên khuôn vào công thức âm phù dương trợ (...), không có cuộc sống riêng tư, chỉ có chân nguyên bất hủ (...), giản đơn và hoạt động không theo quy luật thực tại"[22][22] Nguyễn Đăng Na - Sự phát triển truyện văn xuôi Hán Việt từ thế kỷ X đến cuối XVIII đầu XIX qua một số tác phẩm tiêu biển. Luận án PTS. Khoa học. Chuyên ngành Văn học Việt Nam. Hà Nội. 1987., thì nhân vật trong TĐHBT cụ thể, sinh động và bám chắc vào mảnh đất thực, mỗi nhân vật như được gắn liền với từng hoàn cảnh xuất thân, với suy nghĩ và hành động riêng biệt. Hầu hết các nhân vật của Gia Cát thị đều được khắc họa kỹ lưỡng về gia thế, sự nghiệp, cũng như đời sống nội tâm. Có thể nói, đây là một nhịp cầu nối giữa văn học thế kỷ XIV với văn học thế kỷ XVIII và nếu như VĐULT gây được nhiều chú ý nhờ chức năng lễ nghi tôn giáo của nó, thì TĐHBT rất đáng được khẳng định và ngưỡng mộ vì tác phẩm đã ghi dấu ấn một bước chuyển từ quy mô văn học chức năng sang quy mô văn học nghệ thuật.

Hà Nội 10/1999 - 4/ 2000



CHÚ THÍCH

[1] Chúng tôi theo từ dùng của tác giả Tìm hiểu quan điểm biên soạn và phương pháp biên soạn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên. Tạp chí Văn học. Số 1 / 1986.

[2] Chỉ có 3 trong số 41 truyện của TĐHB là Lệ Hải bà vương ký, Hương Lãm Mai đế ký và Trường Tân nhị tướng quân phả được GS. Đinh Gia Khánh giới thiệu trong Việt điện u linh. Nxb, Văn học, H. 1972.

[3] Phần lớn các học giả đều phiên âm là Chư Cát thị. Chúng tôi phiên âm là Gia Cát, vì theo các ông Ngọc Hồ và Nhất Tâm (Việt điện u linh tập lục toàn biên - Sống mới - Sài Gòn, 1974), Trung văn đại từ điển, khi phân biệt chữ 諸, với nghĩa chỉ dòng họ, cho biết: "Họ ấy ở Lang Tà (tỉnh Sơn Đông) thì đọc Chư Cát (vì có huyện Chư), nếu ở nơi khác thì đọc Gia Cát".

[4] VĐULT, Khai Trí, Sài Gòn, 1961. tr.11.

[5] VĐULT lục toàn biên, Sống mới, Sài Gòn, 1972.

[6] Chữ gia ở đây được viết là 嘉 .

[7] Giả thiết này đã được PGS - PTS Nguyễn Đăng Na đặt ra lần đầu tiên trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại - Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.

[8] Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 8b. Nxb. KHXH. Hà Nội. 1996. tr.549.

[9] Tổng tập văn học Việt Nam. Sđd. tr.585.

[10] Bi Nhu quận công phương tích lục 悲 柔 郡 公 芳 績 錄: Đốc học Hoa Xuyên hầu Nguyễn Gia Cát 阮 嘉 葛 soạn. Nam Trung ẩn sĩ Trương Sĩ Tải 張 士 載 khảo lược. In tại Hương Cảng năm 1897.

[11] Hoa trình thi tập 華 程 詩 集: Nguyễn Gia Cát, hiệu Địch Hiên soạn. Lý Trần Lại 李 陳 賴 biên tập. Lê Lương Thận 黎 良 慎 và Nguyễn Du 阮 攸 hiệu duyệt.

[12] Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 皇 越 一 統 輿 地 志: Còn được gọi là Nhất thống dư địa chí, do Lê Quang Định 黎 光 定, Binh bộ Thượng thư, Mẫn Chính hầu biên soạn năm Gia Long Bính Dần (1806). Nguyễn Gia Cát Lễ bộ Tả tham tri, Quỳ Giang hầu viết tựa năm Gia Long 5 (1806).

[13] Hán ngữ đại từ điển. Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã. Hồ Bắc từ thư xuất bản xã. 1988.

[14] Theo GS. Đinh Gia Khánh, đệ nhất kì thư có thể là Lĩnh Nam chích quái hoặc Truyền kì mạn lục.

[15] Đáng lẽ là chữ 祐, ở văn bản lại viết là 佑.

[16] Trong phần chính văn, tên truyện lại là Bố Bái long quân truyện 布 拜 龍 君 傳. Theo chúng tôi thì hai chữ Long quân hợp lý hơn hai chữ đại vương, vì truyện cho biết "Thần là tinh Anh long ở thủy cung Đông hải" (tờ 99b) và phần ghi chép về các mỹ tự được sắc phong của thần ở cuối truyện ghi là Long vương (tờ 103b).

[17] ở đây không viết là 較 như phần trên, mà lại viết là 校.

[18] Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san; Trần Khánh Hạo - Trịnh A Tài - Trần Nghĩa đồng Chủ biên; Pháp quốc Viễn đông học viện xuất bản; Đài Loan học sinh thư cục ấn hành. 

[19] Theo GS. Phan Văn Các, ba chữ này được phiên âm từ tên Pháp: Demiéville.

[20] Thứ tự các truyện mà chúng tôi nêu lên ở đây là không tính đến truyện Sĩ Nhiếp, truyện đầu tiên trong Việt điện u linh tập, vì truyện này đã bị Gia Cát thị bỏ đi rồi (Xin xem phần "Phàm lệ" ở đầu tác phẩm).

[21] Văn bản chép là Trình Bá Thiên 呈 霸 偏.

[22] Nguyễn Đăng Na - Sự phát triển truyện văn xuôi Hán Việt từ thế kỷ X đến cuối XVIII đầu XIX qua một số tác phẩm tiêu biển. Luận án PTS. Khoa học. Chuyên ngành Văn học Việt Nam. Hà Nội. 1987.


 ❧ ❀ ❧ 

0 nhận xét:

Post a Comment