Ngôi nhà Hà Nội

Wednesday, February 29, 2012
_ Tùy bút của Nhà văn Đỗ Chu _

ANTĐ - Ở bộ đội ra, mấy tháng đầu tôi còn phất phơ bên xưởng phim truyện, một hai thề sẽ theo đuổi việc viết kịch bản, sau đó được gọi về Hội Nhà văn, biên chế vào tổ sáng tác, ăn rồi viết, muốn đi đâu thì đi, ra vào là các bậc thầy nổi tiếng từ thuở mình chưa đẻ. Trụ sở Hội lúc đó ở bên đường Nguyễn Du, mãi sau mới chuyển qua đường Nguyễn Đình Chiểu. Một cụ lênh đênh trăm năm trong cõi người ta, một cụ lòa đôi con mắt còn thét đòi cầm bút đâm tà. Xem ra cả hai cụ đều ghê gớm.


Một sớm đông cụ Nguyễn Công Hoan ngồi chuyện trò với ông Nguyễn Đình Thi trong phòng khách vắng tanh. Cụ Hoan bệ vệ trong chiếc pardessu đen, ông Thi như sắp đi họp đâu, complet cravate. Thoáng thấy bóng tôi cả hai cùng giơ tay vẫy. Cụ Hoan choàng rộng tay trên bàn nhẩn nha nói, mình cũng là người Bắc Ninh đấy nhé, đầu kháng chiến Pháp chiếm vùng nam phần sông Đuống, Văn Giang được cắt về Hưng Yên cho tiện. Lúc còn nhỏ mình đã lên tỉnh thi Sectiphica trọ ở nhà một người quen trong Thị Cầu. Giờ đến mùa nhãn mình là người Hưng Yên còn giỗ chạp vẫn là người Kinh Bắc. Mả bà Đoàn Thị Điểm nay nằm đất Hưng Yên mà sách cũ vẫn chép bà nằm đất Bắc Ninh. Cũng là chuyện bể dâu nhỉ.

Ông Thi đứng dậy nói như vừa chợt nhớ, viết gì là tùy nhưng Đỗ Chu cũng cứ nên để ý đến những ngôi nhà Hà Nội, nó vẫn đang thì thầm kể chuyện. Mỗi ngôi nhà ở thành phố này là một pho tiểu thuyết, là một trường ca. Nói rồi ông bắt tay chúng tôi.

Cụ Hoan ngồi thẳng dậy, giơ một ngón tay thầy giáo, mình biết đang có một ngôi nhà đường Lý Thường Kiệt, hồi Pháp thuộc gọi là Boulevard careau, đó là ngôi nhà của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, cũng là người Bắc Ninh nhưng ở bên bắc phần, cụ thể là làng nào tổng nào thì không rõ, ông Luyện tốt nghiệp bác sĩ tại Paris, một chủ báo có tầm, là thường vụ Quốc hội khóa một, được cụ Hồ tin cậy lắm. Trước Cách mạng một lần từ Trà Cổ về mình gặp Tô Ngọc Vân giữa đường, ông Vân tính ra còn là người nhà bên ngoại của mình, cũng là người Xuân Cầu mà.

Hỏi đang đi đâu, ông ấy chỉ tay vào ngôi nhà vừa xây trong khu vườn gần đó mà bảo, ông Luyện mời tôi và kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đến nhà uống rượu vang. Mình đã tặng “me sừ” một bức sơn dầu mừng nhà mới còn Nguyễn Trực Luyện thì vẽ kiểu và làm thiết kế. Nhân thể ông cũng nên tạt vào chuyện trò cho vui, có thể hiểu đây là một ngôi nhà bạn bè. Ngôi nhà xinh xắn quét vôi trắng, phòng khách rộng thoáng sang trọng, bức sơn dầu Tô Ngọc Vân vẽ ba cô gái áo dài đứng dưới gốc cây bồ kết hoa vàng rực, thân cành tua tủa gai. Bức ấy mà còn đến giờ thì phải biết.


Minh họa Internet

Rượu vừa rót ra là ông bác sĩ liền quay lại nói chuyện với mình về cuốn Kép Tư Bền. Nghe bàn văn chương biết ngay trước sau gì người này rồi cũng sẽ có ngày cầm bút, thành nhà văn dễ như bỡn. Vậy mà thật tiếc, vào đêm toàn quốc kháng chiến ông ấy cùng hai anh con trai và một người em vợ đều đã hy sinh tại nhà trong một trận đánh dữ dội không cân sức. Trên đường lên Việt Bắc cụ Hồ bùi ngùi bảo, một nhà anh hùng liệt sĩ là nhà ấy.

Đã mấy chục năm vậy mà tôi vẫn chưa thể viết nổi về ngôi nhà thiêng liêng kia, tôi bồn chồn như người mang nợ đến hồi phải trả. Đất Kinh Bắc đâu có rộng, tới đâu tôi cũng hỏi thăm có biết ông Luyện không, quê chúng ta có một ông Luyện, nhưng gần như tất cả đều lắc đầu, một vài cụ già lưỡng lự, thuở bé có nghe nói. Đấy là một trí thức yêu nước, còn như người làng nào thì chịu, anh cứ thử dọc sông Đuống mà tìm.

Đã buồn càng thêm buồn, cứ tưởng mình là người viết sớm viết nhiều mà hóa ra không khéo vẫn là chưa viết gì.

*

Dạo này tự dưng ít muốn ra ngoài, thích ngồi nhà để nhớ lại, để chiêm nghiệm như người ta vẫn thường nói. Loanh quanh tu sửa những gì đã viết, đọc thiên hạ chẳng được là bao, âu cũng là cái cách thu vén sớm, đợi một ngày chào anh em lên đường.

Tôi vốn không quen chỗ đông người, ở chỗ đông bỗng lóng ngóng, lâu ngày hóa sợ. Nhớ có lần từng nói, ngay từ nhỏ tôi đã thích mình được như con hoàng điểu nhảy nhót trong gò vắng. Kinh thi có câu, miên man hoàng điểu chỉ khâu ngung. Hoàng điểu không đi đàn, lang thang suốt ngày, ít ai đã gặp và nó cũng chẳng hề lấy thế làm buồn. Tôi xem việc cầm bút chẳng qua cũng chỉ là để bày tỏ tâm tình của mình, bày tỏ với mọi người xung quanh, đã đành là thế, nhưng trước hết hãy bày tỏ với chính mình cái đã. Đó vừa là tâm sự lại vừa là tự sự. Có thể dối giả với tất cả chứ chả thể dối giả được bản thân. Hoàng điểu không phải là một vẻ đẹp trong trời đất chăng?

14/07/2013

 ❧ ❀ ❧ 

0 nhận xét:

Post a Comment