Nguyễn Công Mỹ (1909-1949)

Wednesday, May 18, 2011

  



Nguyễn Công Mỹ (1909-1949)
Nguyễn Công Mỹ (1909-1949) là một nhà hoạt động xã hội Việt Nam, hoạt động tích cực trong phòng trào truyền bá Quốc ngữ và Bình dân học vụ, đóng góp rất lớn cho công cuộc xóa mù chữ tại Việt Nam đầu thế kỷ 20,[1] là nhà giáo cách mạng, Giám đốc Nha Bình dân học vụ đầu tiên.

Nguyễn Công Mỹ sinh năm 1909, trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.



Nguyễn Công Mỹ (1909 - 1949)

Người làng Xuân Cầu xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Xuân Cầu là một làng văn hiến ở cạnh quốc lộ 5 và có nhiều người đến làm ăn sinh sống ở nội thành Hải Phòng sống khá đông ở khu chợ Con. Gia đình Nguyễn Công Mỹ cũng vậy, em ông là Nguyễn Công Bồng, đảng viên cộng sản dạy ở trường Tổng sư Đại Lộc, trường Tiểu Bàng (Kiến Thuỵ) từ 1937-1943. Cháu ông là Nguyễn Tài Khoái (Tĩnh) tham gia thành uỷ Hải Phòng sau cách mạng thành công. Dòng họ Tô làng Xuân Cầu cũng có nhiều người hoạt động cách mạng nổi tiếng gắn bó với Hải Phòng như Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu. Xuất thân trong một gia đình nhà nho, anh em Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Mỹ, Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương), Nguyễn Công Bồng đều được gia đình chăm lo dạy dỗ, cho ăn học, mặc dù nhà nghèo, có khi phải dựa vào ông bác ruột làm quan.

Nguyễn Công Mỹ học ở Hải Phòng năm 1925 tham gia biểu tình đòi tha nhà chí sĩ Phan Bội Châu.
Năm 1930 đang học năm thứ tư trường Sư phạm Hà Nội bị đuổi học vì tham gia hoạt động cách mạng.
Sau đó ông về dạy tư ở nội thành Hải Phòng và tiếp tục hoạt động. Là nhà giáo đức độ, tài năng, ham hoạt động nên có uy tín, ảnh hưởng rộng.
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông được Đảng phân công hoạt động công khai, ông đã cùng các thầy giáo Nguyễn Hữu Tảo, Lê Xuân Phùng cộng tác với Vũ Quí tổ chức Hướng Đạo Sinh Hải Phòng đi vào con đường hoạt động yêu nước. Khi bầu cử hội đồng thành phố, Thành Đảng bộ Cộng sản Hải Phòng đã chọn Nguyễn Công Mỹ ra tranh cử với đốc tờ Đệ. Lúc này theo chủ trương của Đảng, Nguyễn Công Mỹ hoạt động công khai trong hội Ánh Sáng và đã thay Bùi Vũ Trụ làm trưởng ban Uỷ ban chống nạn thất học. Với hoạt động xã hội rộng rãi nên Nguyễn Công Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng, nhưng do chính quyền Pháp tổ chức bầu cử gian lận nên đốc tờ Đệ đã thắng. Ngày công bố kết quả bầu cử, thanh niên công nhân đã công kênh rước Nguyễn Công Mỹ trước quảng trường toà Đốc lý, hô vang khẩu hiệu đòi tự do dân chủ.
Tháng 5/1938, Hội Truyền bá quốc ngữ thành lập, cơ sở của hội ở Hải Phòng - Kiến An lần lượt ra đời và là những nơi có phong trào mạnh của Bắc Kỳ lúc ấy. Nguyễn Công Mỹ đảm nhiệm công tác trưởng ban cổ động.

Cánh mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Công Mỹ giữ chức Uỷ viên tư pháp trong Uỷ ban nhân dân cách mạng thành phố.
Ngày 8/9/1945 Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, Nguyễn Công Mỹ nguyên trưởng ban Uỷ ban chống nạn thất học học của Thành uỷ Hải Phòng, được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Nha. Nhiệm vụ chống nạn thất học là một trong ba quốc sách hàng đầu của nhà nước cách mạng non trẻ và được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Vừa nhận nhiệm vụ, ông đã bắt tay chuẩn bị xây dựng bộ máy, chương trình, nội dung, sách giáo khoa, nguồn giáo viên, học viên...
Ngày 17/9/1945, ông chủ trì hội nghị cán bộ toàn Nha để bàn và thông qua kế hoạch.

Với kinh nghiệm hoạt động chống thất học và vận động thanh niên ở Hải Phòng thời kỳ bí mật, Nguyễn Công Mỹ đã cùng đồng sự dựa vào chính quyền các cấp hoạt động tích cực. Chỉ một năm sau ngày 8/9/1946 cả nước đã có 2.520.678 học viên, 95.665 giáo viên, 74.957 lớp học, do nhân dân, giáo viên, học viên tự nguyện tự giác tham gia. Rồi kháng chiến nổ ra ở Miền Nam đến 19/12/1946 lan ra toàn quốc, nhưng phong trào diệt dốt vẫn duy trì phát triển khắp nước không chỉ ở vùng tự do, vùng du kích mà cả nhiều nơi để vùng địch tạm chiếm.

Đến tháng 6/1950, cả nước đã có trên 10 triệu người thoát nạn mù chữ, 10 tỉnh, 80 huyện, 1424 xã, 7248 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Cũng năm này, Quốc hội họp kỳ II đánh giá: Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và thành tích chống giặc đói, thành tích bồi dưỡng học viên chống giặc dốt rất là vĩ đại... Những thành tích vĩ đại trên có phần đóng góp to lớn của người Tổng giám đốc Nha đầu tiên, nhà giáo cách mạng Nguyễn Công Mỹ, mặc dù ngày 6/1/1949 ông đã hi sinh khi đi công cán.

Ngô Đăng Lợi

  1. Lịch sử đảng bộ Hải Phòng.- Tập I.-Tr.150 - 152.
  2. Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Hải Phòng.-Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng,1994.-Tr.64.
  3. Việt Nam chống nạn thất học/Ngô Văn Cát.-H.: Giáo dục,1980.- Tr.40, 58, 78.


Nguyễn Công Mỹ - một góc khuyết trên bản đồ văn học Việt Nam?


Bạn đọc hồi kí, nhật kí của các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... giai đoạn tiền khởi nghĩa và đầu kháng chiến chống Pháp, hẳn không chỉ một lần thấy có nhắc đến hai cái tên: Nguyễn Công Mỹ và Gió tây. Gió tây là tên một bản thảo tiểu thuyết giờ đã trở thành ẩn số, vì đã bị thất lạc trước khi được in ra. Tất cả những gì người ta biết về nó thì đó là một tác phẩm của Nguyễn Công Mỹ, viết theo lối hiện thực tả chân mà những ai từng được đọc - trong đó có cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - đều rất thích. Còn về tác giả của nó, thông tin cũng không hơn gì, vì ông đã hy sinh ngay trong những năm đầu kháng chiến, khi đang làm công tác bình dân học vụ. Nguyễn Công Mỹ sinh năm 1909, người làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông hy sinh năm 1949, khi mới 40 tuổi, chưa kịp đóng góp nhiều hơn cho cách mạng, cũng không kịp viết thêm tác phẩm nào ngoài cuốn Gió tây bị-mất-bản-thảo nói trên. (Còn có thể kể thêm vở kịch Tô Hiệu ông viết ngay trong những ngày sục sôi cách mạng, và đã được ban kịch Tháng Tám trình diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội đêm 12-1-1946, nhưng giá trị nghệ thuật có lẽ không cao nên giờ chỉ được nhắc đến như một sự kiện của lịch sử sân khấu cách mạng). Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, Nguyễn Công Mỹ thuộc dạng người mà như nhà thơ Lê Đạt sau này sẽ nói, quan tâm đến việc lập thân hơn là lập danh. Chắc chắn ông đã ra đi thanh thản, không bận bịu luyến tiếc gì. Dẫu sao, bằng vào những gì được biết về ông thông qua nhật kí của cha mình và những tư liệu thu thập được, tôi thiết nghĩ ông cần phải được tìm hiểu kĩ càng hơn, không chỉ như một nhân vật lịch sử mà trước hết như một nhân cách lớn của một người làm công tác giáo dục-khuyến học nước nhà.

Nếu như bản thân Nguyễn Công Mỹ chưa hẳn đã được nhiều người biết, thì hầu như những ai am hiểu văn học đều biết ông là em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan, và đồng thời, cũng là anh của đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Với ba anh em ông, cha tôi, trong cương vị một người lãnh đạo văn nghệ một thời, đương nhiên đều có quan hệ công tác, chẳng nhiều thì ít. Nhưng tôi dám nói, cha tôi chỉ thân và hợp với bác Nguyễn Công Mỹ thôi. Nhật kí của cha tôi bắt đầu nói đến bác vào cuối năm 1944, khi ông có việc với nhà xuất bản Người Bốn Phương, một nhà xuất bản mà có lẽ các ông đang muốn tranh thủ để in các sách của anh em; trong câu chuyện với "đối tác" như cha tôi ghi lại trong nhật kí, ông đã nghĩ đến cuốn Gió tây như một dự định hợp tác. Hơn một tháng sau, cuối tháng 1-1945, cha tôi có một chuyến đi "công tác" dài ngày, hết Nam Định lại Hải Phòng, về các công việc của Hội Truyền bá quốc ngữ. Lúc này, Nguyễn Công Mỹ làm Trưởng ban cổ động của Hội ở Hải Phòng, còn cha tôi làm thư kí Ban dạy học của Hội ở Hà Nội. Đồng thời, ông cũng đã tham gia các hoạt động của Hội văn hóa cứu quốc bí mật. Gặp bác Mỹ ở Hải Phòng, cha tôi đã nói chuyện về nhà xuất bản Người Bốn Phương và giục bác đưa in cuốn Gió tây. Rồi trong câu chuyện, giữa nhiều gợi ý, thăm dò, ông đã đưa cho bạn xem bản Đề cương về vấn đề văn hóa Việt Nam, một tài liệu có tính cương lĩnh của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút. Có thể bác Mỹ đã ngạc nhiên. Có thể bác không nghĩ cái anh bạn kém mình ba tuổi, dáng công chức, người hiền lành, luôn tận tụy với công việc truyền bá chữ quốc ngữ và nhất là rất đam mê văn chương, cái anh bạn ấy lại nắm giữ một tài liệu quan trọng như thế, lại đang dấn thân vào một hoạt động đặc biệt như thế. Song, có thể tin chắc một điều rằng, kể từ đây, hai ông đã trở thành những người đồng chí, không chỉ trong sự nghiệp phổ cập chữ quốc ngữ cho người dân, mà cả trong việc phấn đấu xây dựng một nền văn hóa mới, dân tộc, đại chúng, khoa học.

Tháng 7 năm 1945, Hội nghị toàn thể của Văn hóa cứu quốc họp ở làng La Cả, Hà Đông, cha tôi được cử đại diện cho văn giới đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào. Trước khi bí mật rời Hà Nội lên chiến khu, ông được tin Nguyễn Công Mỹ bị ốm, đang nằm bệnh viện Vũ Thanh ở Hà Nội. Cha tôi đã tức tốc đến thăm bạn. Trong ông vẫn còn nguyên ấn tượng tốt đẹp về cuốn Gió tây mà ông mới đọc - "giản dị, nhẹ nhàng, sáng sủa", đó là những gì toát lên từ cuốn tiểu thuyết của bạn ông. Đó cũng là cái hợp với quan niệm về văn chương của chính ông. Thế mà cuốn sách thì cứ trầy trật mãi. Mới hôm rồi, ông lại phải đến nhà xuất bản Người Bốn Phương để đòi lại bản thảo cuốn tiểu thuyết của bạn. Viên thư kí trẻ ranh ngạo mạn, bẻ hành bẻ tỏi người đến giao dịch, bất kể là ai, khiến ông tức điên lên. Biết làm sao đây để những kẻ như thế hiểu được giá trị của những tác phẩm văn học đích thực, ông ngao ngán nghĩ đến tương lai không dễ gì của cuốn tiểu thuyết Gió tây...

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, trong đó có nói đến giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Chưa đầy một tuần sau, ngày 8-9, Người kí quyết định thành lập Nha bình dân học vụ. Ông Nguyễn Công Mỹ nguyên là Trưởng ban cổ động Ủy ban chống nạn thất học ở Hải Phòng, được Hồ Chủ tịch chọn mặt gửi vàng, giao cho làm Tổng giám đốc Nha. Nhiệm vụ chống nạn thất học là một trong ba quốc sách hàng đầu của Nhà nước cách mạng non trẻ, nhưng chắc cũng đầy những khó khăn, thách thức. Với kinh nghiệm hoạt động chống thất học và vận động thanh niên suốt nhiều năm qua, Nguyễn Công Mỹ đã cùng đồng sự dựa vào chính quyền các cấp hoạt động tích cực. Chỉ một năm sau, tính đến ngày 8-9-1946, cả nước đã có hơn 2 triệu rưởi học viên, gần một trăm ngàn giáo viên, gần 75 ngàn lớp học, do nhân dân, giáo viên, học viên tự nguyện tự giác tham gia. Kết quả này về sau sẽ được Quốc hội khóa I kì họp thứ hai đánh giá: "Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và thành tích chống giặc đói, thành tích bồi dưỡng học viên chống giặc dốt rất là vĩ đại..."

Có thể hình dung, trong "thành tích vĩ đại" đó, có phần đóng góp to lớn của ông Nguyễn Công Mỹ, cũng như muôn vàn khó khăn thiếu thốn mà ông và các đồng sự đã phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thời gian này, cha tôi và bác Nguyễn Công Mỹ có lẽ ít có dịp gần nhau, vì mỗi ông công tác ở một lĩnh vực. Song tình thân mật giữa hai ông thì ngày một tăng. Đầu tháng 11-1946, Văn hóa cứu quốc tiến hành Đại hội toàn quốc, cả cha tôi và bác Mỹ cùng tham dự. Lúc này, các ông đều là những người giữ các cương vị quan trọng. Như cha tôi vừa làm công tác văn hóa, vừa làm báo, lại có chân trong Quốc hội... tất cả đều là những vai cần đến tài ăn nói. Nhưng xem ra ông lại kém về đường này. Bản thân cha tôi cũng rõ điều đó, như ông từng tự nói về mình trong nhật kí: "Nghĩ cũng buồn cười cho ta - Một nhà văn không biết nói". Tại hội nghị nói trên, hình như cha tôi đã có những lúc nói năng lúng túng lắm. Đến mức bác Mỹ phải góp ý thẳng thừng: "Cậu phải sửa lời ăn tiếng nói thế nào, chứ ấp úng thế thì không được". Cái cách nói thẳng thắn, chân thành với bạn như thế có lẽ là một nét riêng hiếm có trong quan hệ giữa bác Mỹ và cha tôi. Một lần khác, trên đường tản cư khỏi Hà Nội một ngày trước Toàn quốc kháng chiến, giữa đám người chạy loạn tha theo đủ thứ, bác Mỹ đã chê cha tôi trông phì nộn, xấu lắm. Cha tôi không giận mà chỉ tự trách mình, phì nộn là phải vì có làm gì đâu. Bác Mỹ cũng hiểu cha tôi đến mức, có lần, bác nhận xét cha tôi là một type [kiểu người] rất lạ, lúc thì rất cương quyết, khi lại rất flou [lờ mờ]...

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, khi các cơ quan ở Thủ đô tạm lánh ra vùng Hà Đông tập hợp lực lượng trước khi lên chiến khu, có lẽ là những ngày cha tôi được gắn bó với bác Mỹ nhiều hơn cả. Hai ông rủ nhau đi kiếm cà phê không được giữa những tiếng súng ì ầm từ Hà Nội vọng về. Hai ông cùng đợi ai đó ở bến đò Mai Lĩnh, cảnh đẹp một cách cổ sơ, khiến người ta càng cảm thấy chiến tranh là vô lý. Hai ông cùng trằn trọc, nửa đêm vùng dậy hút thuốc lào, rồi hỏi nhau, nếu nước nhà mất độc lập thì thế hệ nào đau đớn nhất? - người bảo thế hệ mình, người bảo thế hệ con cháu, vì hình ảnh độc lập đã in sâu vào óc chúng nó, chúng nó yêu Cụ Hồ biết bao! Hai ông cùng tưởng tượng tình huống, nếu lúc này có tiếng xì xồ, Tây vào, chúng sẽ bắn, tệ hơn, chúng sẽ tra tấn, hành hạ... Tất cả những điều này, tôi biết được là qua một cuốn nhật kí của cha tôi gia đình mới may mắn tìm ra. Cuốn nhật kí chỉ bằng nửa lòng bàn tay, phù hợp để đem theo trong trường hợp có chiến sự. Trên đó, cha tôi đã ghi lại nhiều chuyện xảy ra từ cuối năm 1946, khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến cho đến khi bắt đầu trận Việt Bắc, cũng là khi cha tôi và bác Mỹ mỗi người mỗi ngả. Chỉ có điều lạ, trong suốt gần một năm hai ông có nhiều dịp gần nhau, không hề thấy lần nào cha tôi nói về chuyện viết lách của bác Mỹ, cũng không thấy hai ông nhắc gì đến cuốn Gió tây. Có lẽ, đến thời điểm đó, tập bản thảo đã bị thất lạc. Phải chăng sự mất mát này đã khiến bác Mỹ đâm chán, không muốn viết gì nữa? Hay phải chăng trong lúc chiến sự thế này, bác cho rằng không thích hợp để viết văn? Tôi không dám võ đoán đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

* * *

Hơn một năm sau. Đêm 16-2-1949, cũng là đêm 18 tháng giêng năm Kỉ Sửu. Mười tám thật trăng, câu ngạn ngữ mới hay làm sao. Trăng xanh trùm khắp, thế mà lòng ông như rỗng. Sau một tháng đi với pháo binh về, cha tôi rơi vào một cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Vở kịch Những người ở lại của ông mới ra, vừa được khen chưa dứt lời đã bị phê phán kịch liệt. Nào là không cho người xem thấy được cuộc kháng chiến của Thủ đô. Nào là vuốt ve tiểu tư sản, thích thú với việc phân tích tâm lý mấy cô cậu Hà Nội, coi đi kháng chiến như đi chơi. Nào là quá đề cao một ông bác sĩ nào đó đã hết vai trò... Những lời, những ý phê bình có cái đúng có cái sai, nhưng sức ép đè lên tác giả thì thật là quá, rằng, tựu trung, vở kịch chả giúp được gì cho kháng chiến. Cơn khủng hoảng tinh thần đã dẫn cha tôi đến ý tưởng chán sống.

Ý nghĩ miên man về cái sống cái chết đưa cha tôi về với một thực tế xót xa. Ông vừa đi đưa người bạn Nguyễn Công Mỹ về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông Mỹ, cái người chả lo lắng, bận bịu gì đến bản thân mình, cái người chỉ coi việc làm cho người khác biết chữ mới là quan trọng, cái người tốt ấy đã chết rồi! Ngày 6-1-1949, trong lúc đi công cán, bạn ông đã bị đạn giặc, chết mất rồi... Một cảm giác mất mát khiến ngực ông quặn thắt. Ông Mỹ chết rồi. Chết đi mà chưa để lại được gì cho đời. Chết đi còn mang theo cả nỗi đau mất bản thảo, mất đứa con tinh thần mà nếu được hiện hữu, biết đâu lại không thay mình lưu lại với đời. Nhưng có đúng là Mỹ đau không? Hay bạn chỉ coi cái việc đang làm mới là quan trọng. Đúng quá, ông chơi với bạn mãi, chả nhẽ không nhận ra tính nết của bạn sao! Như chợt ngộ ra, ông vùng dậy, nhấc bút viết một mạch trong nhật kí: "Mỹ chết không uổng. Ta phải làm thế nào sống mà còn giúp đời một cái gì. Giúp đời, giúp cho cuộc chiến đấu, rút cục đấy vẫn là công việc chính của mọi người, của con người Văn nghệ. Phải như Mỹ cứ làm việc"...

Ấy là chuyện của bác Nguyễn Công Mỹ, của cha tôi đã hơn nửa thế kỉ nay. Riêng tôi, một kẻ hậu sinh, khi ngồi viết những dòng này, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi: Nếu bản thảo tiểu thuyết Gió tây không mất. Nếu cuốn sách đã được in ra. Nếu bác Nguyễn Công Mỹ không bị hy sinh khi ấy, nếu bác còn sống đến khi đã hoàn thành công tác bình dân học vụ để yên tâm ngồi viết cuốn sách thứ hai, thứ ba... Liệu tấm bản đồ văn học Việt Nam sẽ có gì khác không? Tôi chẳng biết!


Nguyễn Huy Thắng

 ❧ ❀ ❧


Ba sắc lệnh về bình dân học vụ năm 1945


Mục đích của nền giáo dục thuộc địa là duy trì vĩnh viễn ách thống trị của Pháp. Thống sứ Bắc Kì từng khẳng định: “Kinh nghiệm của các dân tộc châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”(1). Chính sách thâm độc như vậy đã đem lại hậu quả là hơn 90% đồng bào ta mù chữ dưới thời Pháp thuộc. Nhận thức rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(2), ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Vì thế Người đã ban hành ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục, đó là Sắc lệnh 17/SL thành lập nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền. Dưới đây là nội dung các sắc lệnh:

Sắc lệnh 17/SL thành lập nha bình dân học vụ.


Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân.


Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền.

Theo Việt Nam dân quốc công báo, 1945, tr. 7 – 8.

Ba sắc lệnh ra đời đã có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ trực thuộc Bộ Giáo dục với nhiệm vụ phụ trách việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19/SL yêu cầu thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối.


Điều này cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm và tạo điều kiện học tập cho đội ngũ nông dân, công nhân – vốn là lực lượng nòng cốt trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với số lượng đông đảo nhưng trình độ còn nhiều hạn chế do chịu hậu quả từ chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Sắc lệnh 19/SL còn quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có lớp học ít nhất có 30 người theo học. Việc đưa ra một chỉ tiêu cụ thể như vậy tưởng có phần cứng nhắc nhưng lại thực sự đem lại hiệu quả khi trở thành mục tiêu để từng làng, từng đô thị phải nỗ lực để đạt được. Sắc lệnh số 20/SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ, không mất tiền. Hạn một năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ, quả thực không thể không dùng biện pháp “cưỡng bách” bởi vì bên cạnh những người ham học, muốn biết chữ thì cũng còn không ít người trong đó có nhiều người lớn tuổi có tâm lý e ngại, xấu hổ nên không muốn đi học. Có thể nói những chủ trương này táo bạo, quyết liệt nhưng cũng rất đúng đắn và sáng tạo.

Để phong trào có sức lan toả hơn nữa, ngày 4.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Chống nạn thất học”. Trong bài, Người nêu rõ một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí:
“Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh nước giầu. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Và Người kêu gọi:
“Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng.”…(3)

Thực hiện Chỉ thị và lời kêu gọi của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu trong chiến dịch chống mù chữ, phong trào bình dân học vụ đã thu hút hàng triệu người theo học. Cán bộ kháng chiến phải huy động tìm nguồn ở các thôn xã, làng bản, tập hợp hết mọi người biết chữ dể dạy cho người chưa biết chữ. Phong trào học chữ Quốc ngữ được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, chữ được viết khắp nơi ở đình làng, ngõ chợ, bến sông, chữ viết trên vách nhà, công cụ lao động… Trình độ người dạy cao hơn người học không được bao nhiêu nhưng với nhiệt tình cách mạng vừa dạy vừa học, học lớp trên xuống dạy lớp dưới theo tinh thần người biết một chữ dạy người chưa biết chữ. Các đội tuyên truyền vận động có sáng kiến đặt ra những câu hò, vè, văn vần về chữ cái cho người học dễ nhớ như:

O tròn như quả trứng gà
Ô thời đội nón, Ơ thời có râu...

Việc cổ động đôi khi còn phải áp dụng cả những biện pháp nghiêm khắc, đánh vào tâm lý e ngại của người dân như sáng kiến lập “cổng mù”, ai đi chợ mà không đọc được những chữ ghi trên tấm cót đặt bên đường thì phải chui qua “cổng mù” thậm chí không được đi qua cổng vào chợ mà phải lội xuống ruộng mà vào…

Từ đây, phong trào bình dân học vụ đã đem lại những kết quả khả quan. Tổng kết sau một năm thực hiện, chúng ta đã “mở được 75.805 lớp học, có 97.644 người tham gia dạy học và hơn 2,5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết.”(4)

Thành quả suốt một năm nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chế độ mới đã tạo được nền móng vững chắc để nhân dân ta tiếp tục vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng. Trong những thành công bước đầu ấy, chắc chắn không thể không kể đến vai trò của một nền giáo dục khoa học dân chủ và đại chúng mà Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng nên./.

ThS. Nguyễn Hồng Nhung -
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I


------------------
Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Kiệm, Lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX – 1918, NXB Giáo dục, H., 1979, tr.30
2. Hồ Chủ tịch bàn về giáo dục, Nxb Giáo dục, H., 1962, tr.192-194.
3. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chủ tịch hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn tất học. http://baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId/1551/PreTabId/503/Default.aspx.
4. Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, 2005, tr. 31 – 32.


 ❧ ❀ ❧



Ảnh sưu tầm trên mạng
Một lớp bình dân học vụ xóa mù chữ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945. (Ảnh: T.L)

Hồ Chủ tịch nói chuyện với các học viên nhân buổi khai mạc lớp huấn luyện Bình dân học vụ khóa Hồ Chí Minh năm 1945.

Diễu hành cổ động phong trào Bình dân học vụ năm 1946.



Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)


Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ tại Thái Bình, Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.


Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu.


Hóa trang thành nông dân để đi học - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ở Nhà kỷ niệm Hội truyền bá quốc ngữ Hà Nội


Lễ khai mạc Đại hội bình dân học vụ và Tổng kết một năm phong trào thi đua diệt dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Hình ảnh thầy giáo người Dao giảng dạy trong lớp học Bình dân học vụ, xóa mù chữ cho các học trò tại Đà Bắc (Hòa Bình) sau khi nước ta giành độc lập năm 1945


Người thương binh trở về mặt trận xóa mù chữ - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ở Nhà kỷ niệm Hội truyền bá quốc ngữ Hà Nội


Lớp bình dân học vụ


Lớp học bình dân học vụ ở Phú Yên


Lớp bình dân học vụ xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang năm 1947


Lớp học ở thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín, Hà Tây) dùng đèn bằng đĩa dầu lạc.


Một lớp bình dân học vụ sau năm 1945 ở miền Tây Nam bộ - Ảnh tư liệu


Đồ dùng học tập của lớp bình dân học vụ.


Vần Quốc Ngữ, một trong những sách giáo khoa xóa mù chữ quốc ngữ - Ảnh: Quốc Việt


Giấy chứng nhận “tốt nghiệp” Bình dân học vụ




Phong trào Bình Dân Học Vụ


Diệt giặc dốt


Diệt giặc đói, giặc dốt


(Loạt bài về "Phong trào bình dân học vụ")
CUỘC TRƯỜNG CHINH VƯỢT QUA ĐÊM TỐI - Báo Tuổi Trẻ Online
Kỳ 1: Đêm dài tăm tối - 23/08/2015 10:17
Kỳ 2: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu - 24/08/2015 09:34
Kỳ 3: Lớp học dưới tán rừng U Minh - 25/08/2015 10:51
Kỳ 4: Buổi học đầu tiên - 26/08/2015 10:50
Kỳ 5: Xóa mù chữ ở Sài Gòn - Gia Định - 27/08/2015 11:57
Kỳ 6: Cái chết của tổng giám đốc bình dân học vụ - 28/08/2015 15:07
Kỳ 7: Những ngọn đèn vẫn sáng - 29/08/2015 10:30
Kỳ 8: Hồn ái quốc đẫm trong từng con chữ - 30/08/2015 09:52



TOP


TOP

0 nhận xét:

Post a Comment