Cố Phó Chánh án TANDTC Lê Giản: Cả cuộc đời tận tâm với sự nghiệp cách mạng

Monday, May 16, 2011
_ Trần Minh Giang _

Là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945, với hơn 50 năm công tác, ông Lê Giản đã đảm nhiệm những cương vị khác nhau. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ hoạt động bí mật, mặc dù bị địch bắt, tù đày, ông vẫn một lòng một dạ kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong kháng chiến hay trong hòa bình, dù ở lĩnh vực công tác nào ông cũng tận tâm, tận lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC Lê Giản
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Lê Giản


Một con người đầy nhiệt huyết cách mạng

Ông Lê Giản (tên khai sinh là Tô Gĩ), sinh ngày 2-8-1913, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh sống trong một gia đình nghèo nông thôn hiếu học và ở địa phương giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ ông đã theo học chữ Nho, chữ quốc ở trường tổng hợp tại quê hương. Năm 11 tuổi, ông được gia đình cho học tại các trường Hàng Vôi, Sinh Từ ở Hà Nội. Năm 1929 (lúc đó 16 tuổi), ông Lê Giản thôi học và đi làm thư ký giúp việc cho một nhà buôn Pháp ở Hàng Gai (Hà Nội).

Hàng ngày nhìn thấy cảnh phong kiến, thực dân bóc lột thậm tệ người dân nghèo, ông Lê Giản luôn nung nấu ý chí phải tham gia cách mạng và đã gia nhập Xích vệ đoàn rải truyền đơn trong những ngày lễ của Đảng tại Hà Nội. Tháng 12-1929, ông Lê Giản vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 6-1930, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn hoạt động. Do thời gian này thực dân Pháp thẳng tay đàn áp cách mạng, ông bị mất liên lạc với tổ chức nên tham gia hoạt động Việt Nam quốc dân đảng. Năm 1931, địch khủng bố quyết liệt nên Việt Nam quốc dân đảng tan rã, ông Lê Giản xin vào làm cho một chủ tàu biển chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng - Hương Cảng - Singapore với ý định trốn đi Pháp, đi Liên Xô hoạt động. Nhưng một điều không may, khi đến Hải Phòng thì ông bị chỉ điểm nên bị thực dân Pháp bắt giam. Suốt nhiều tháng dài đối mặt với những cuộc thẩm vấn, điều tra, thực dân Pháp không có chứng cứ gì nên buộc phải trả tự do cho ông Lê Giản.

Trụ lại ở Hải Phòng, ông Lê Giản hoạt động ngầm ở địa phương và gặp lại các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kinh… nối liên lạc được với Đảng và hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, Hội Ánh sáng, Truyền bá quốc ngữ, Ái hữu tư thục… cho đến năm 1937. Năm 1938 đến 1939, ông Lê Giản được giao nhiệm vụ phụ trách Cơ quan giao thông liên lạc, ấn loát ở Hải Phòng, rồi công tác tại Thành ủy Hải Phòng. Trong thời gian này, ông Lê Giản nhiều lần bị thực dân Pháp bắt bớ, tra khảo, nhưng vì không có bằng chứng nên chúng không buộc tội được.

Đầu năm 1940, do cơ sở bị lộ, ông Lê Giản nhận được lệnh phải di chuyển khỏi Hải Phòng trong vòng 24 giờ, nhưng do mất liên lạc nên ông bị thực dân Pháp bắt đưa đi tù đày ở nhà tù Bắc Mê, tỉnh Hà Giang (tháng 6-1940), ở nhà tù Sơn La (tháng 11-1940), ở nhà tù Madagasca thuộc Châu Phi (từ tháng 5-1941 đến tháng 5-1943). Tháng 6-1943, nhân dịp quân đội Anh thuộc Đồng minh chiếm Madagasca, ông Lê Giản được trả tự do và tình nguyện ở lại Châu Phi tham gia chống phát xít. Sau đó ông được đưa sang Ấn Độ làm việc cho Đồng minh. Tháng 8-1944, ông Lê Giản được quân đội Đồng minh bố trí cho nhảy dù về nước, liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động ở Việt Bắc cho đến tháng 9-1945.



Người cán bộ thẳng thắn, tận tụy, công tâm


Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10-1945, ông Lê Giản được Chính phủ lâm thời điều động về hoạt động cách mạng ở Hà Nội và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an Bắc bộ cho đến tháng 1-1946. Từ tháng 2-1946 đến năm 1952, ông Lê Giản giữ chức vụ Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, được bầu làm ủy viên Đảng đoàn trong Hội đồng Chính phủ. Thời gian toàn quốc kháng chiến, ông đảm nhiệm chức vụ Khu ủy viên An toàn khu. Năm 1953, ông giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Trị an hành chính Bộ Công an, rồi tham gia công tác cải cách ruộng đất. Từ năm 1955 đến tháng 5-1958, ông Lê Giản tiếp tục công tác tại ngành Công an với chức vụ Cục trưởng Cục Biên phòng. Trong thời gian công tác ở ngành Công an, với trọng trách của mình, ông đã có những đóng góp đáng kể đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Công an, góp phần đắc lực bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, bị địch bắt, tù đày và trải qua nhiều cương vị công tác, đến tháng 5-1958, ông Lê Giản được Đảng, Nhà nước phân công sang công tác tại TANDTC với chức danh Thẩm phán, Ủy viên Ủy ban Thẩm phán TANDTC. Thời gian này, để đáp ứng được yêu cầu công việc, ông miệt mài trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Qua hơn 2 năm tham gia công tác giải quyết các loại vụ án, tháng 9-1960, ông Lê Giản được bổ nhiệm là Phó Chánh án TANDTC.

Trên cương vị lãnh đạo của ngành TAND, ông Lê Giản tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy ngành Tòa án nói chung và TANDTC nói riêng, hợp tác chặt chẽ với các ngành. Trong công việc, ông coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Ông luôn là người tập hợp đoàn kết nhất trí nội bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ông cũng là người thẳng thắn dám nhận khuyết điểm, thiếu sót; trong các bản kiểm điểm cá nhân hoặc bản tự nhận xét định kỳ hàng năm, ông đều dành phần lớn để kiểm điểm lại các khuyết điểm của mình.

Khi được phân công phụ trách các Tòa chuyên trách của TANDTC, mỗi khi cấp dưới báo cáo một vụ án nào đó, ông đều thận trọng lật đi lật lại từng vấn đề rồi mới đưa ra ý kiến hoặc có quyết định. Có nhiều vụ án, cấp dưới trình bày còn có những quan điểm chưa rõ hoặc trái chiều nhau thì ông mượn hồ sơ để nghiên cứu lại từ đầu. Đã nhiều lần, ông cương quyết không chấp nhận đề nghị của các Tòa chuyên trách về một số vụ án sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Chính vì vậy, các Tòa chuyên trách do ông phụ trách, công tác giám đốc thẩm được đẩy mạnh, các vụ án được xét xử kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phát hiện kịp thời những sai sót của các Tòa án địa phương hoặc các Tòa phúc thẩm TANDTC. Đặc biệt, ông chú trọng sửa chữa hiện tượng hữu khuynh của các Thẩm phán như xử quá nhẹ những tội phản cách mạng, những tội hình sự có tính chất nghiêm trọng, các tội phạm về hiếp dâm, giết người, xâm phạm tài sản XHCN.

Trong thời gian công tác tại TANDTC, ông thường đi xuống địa phương tìm hiểu tình hình để kịp thời phát hiện những thiếu sót, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc. Ông cũng xây dựng tốt mối quan hệ giữa TANDTC với TAND các địa phương và cấp ủy địa phương. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia giảng dạy tại Trường Tư pháp, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đào tạo cán bộ cho ngành Tòa án.

Suốt quá trình công tác trong ngành TAND, ông Lê Giản luôn thể hiện là một cán bộ mẫu mực, thẳng thắn, trung thực, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tận tụy với công việc, khiêm tốn, giản dị được cán bộ, công chức ngành Tòa án và đồng nghiệp kính trọng, quý mến. Cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch nhận xét: Phó Chánh án TANDTC Lê Giản là người có thái độ kiên quyết, dứt khoát, có tư tưởng chính trị vững vàng, thận trọng, tiếp thu những cái mới; có tinh thần trách nhiệm, việc gì được phân công, phụ trách đều làm rất tốt. Ông Lê Giản có thái độ vô tư, khách quan, thẳng thắn trong công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức, nhân viên, sống giản dị, chan hòa với anh em, gần gũi với quần chúng lao động.

Nguyên Chánh án Lê Giản và nguyên Chánh án Phạm Hưng trong một dịp gặp gỡ cán bộ hưu trí TANDTC


Bắt đầu nhận công tác tại TANDTC từ tháng 5-1958, đến tháng 6-1979 ông Lê Giản được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Hơn 21 năm công tác liên tục tại ngành Tòa án, trong đó có 19 năm giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC, ông Lê Giản đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của ngành TAND. Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông Lê Giản đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, cuối năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh đối với cố Phó Chánh án TANDTC Lê Giản, đây là một vinh dự lớn đối với cá nhân ông Lê Giản nói riêng và ngành TAND nói chung.

Cố Phó Chánh án TANDTC Lê Giản đã tạ thế cách nay gần 10 năm (hưởng thọ 91 tuổi) nhưng ở căn nhà số 8 phố Nguyễn Thượng Hiền, Tp. Hà Nội, các thế hệ cán bộ, công chức ngành TAND và những người được ông dìu dắt vẫn thường lui tới để hồi tưởng những kỷ niệm về ông trong niềm kính trọng, ngưỡng mộ.



Trần Minh Giang



 ❧ ❀ ❧ 

1 nhận xét:

Anonymous said...[Reply]

http://www.indochine.uqam.ca/en/historical-dictionary/765-le-gin-to-g.html

Post a Comment