Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng một loại
trống để đánh nhịp khi hát và đoạn "Lưu không" giữa những câu đối đáp.
Hát Trống Quân phổ biến ở
Bắc Bộ thường được tổ chức vào nhựng tuần trăng tháng bảy, tháng tám
âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc. Hát trống Quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần
đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.
...
Cuộc hát trống quân thường có 3 phần:
- Thăm hỏi, dò xét quê quán, tên tuổi, gia thất.
- Xe kết, trao đổi tình tứ, ví von, ướm, thách và ước hẹn.
- Chia tay và hẹn đêm mai hát tiếp.
Hai người ngồi đối diện nhau vừa hát vừa cầm dùi gõ nhịp lên dây mây, tiếng khoan tiếng nhặt, đều đặn hòa với lời hát đối đáp của trai gái, đôi này hát xong lại chuyển cho đôi khác hát tiếp cho đến khi tàn hội. Khi những lời hát chào, hát giã bạn cất lên, mọi người mới dần ra về.
...
Hội trống quân thường được mở ở các sân đình hoặc bên một bãi đất rộng ở đầu làng. Giữa sân, người ta đào một cái hố tương tự hố cá nhân. Một chiếc mâm đồng đặt trên miệng hố. Trên mặt mâm lại đặt một chiếc chuông làm bằng sắt tây. Một sợi giây đồng dài độ bảy tám mét được căng qua cái chuông sắt như một thứ dây đàn.
Người hát chia làm hai cánh ngồi đối diện nhau dùng dùi gỗ đánh trên “dây đàn”. Âm thanh phát ra tiếng thùng thình vang vọng điểm nhịp cho lời hát vào lúc ngắt nhịp lưu không. Cuộc hát kéo dài tới ba bốn đêm liền. Cánh nam thôn bên này hát thi với cánh nữ thôn kia để giật giải của làng.
Trống quân là hình thức đối ca nam nữ có tổ chức, có lề lối. Nam xướng thì nữ hoạ. Nam đố thì nữ giảng, nam hát sử thì nữ hát truyện...
Trước đây, lối hát Trống quân này thường được diễn ra sôi nổi vào những đêm trăng mùa thu, khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch ở khắp mọi nơi: trong nhà, ngoài ngõ, sân đình, bãi chợ, trên cầu, bên bờ sông… Chúng được một nhà nghiên cứu đặt cho cái tên khá lãng mạn - “bản tình ca mùa thu”. Tham gia vào cuộc hát là những nam nữ thanh niên trong cùng làng hoặc từ nơi khác đến. Họ chia thành hai nhóm: một bên nam, một bên nữ , đứng (hay ngồi) hát đối đáp với nhau.
Thông thường, một cuộc hát Trống quân luôn trải qua ba chặng:
- Chặng 1, tạm gọi là Hát mở đầu (hay Hát vào đám, Hát khai đám): Bao gồm các bài như hát vận (vận đôi, vận tư), hát chào, hát chúc, hát giao hẹn, hát huê tình, hát trắc…
- Chặng 2 gồm các bài hát xướng họa, hát đố, hát truyện, hát xin cưới, hát thách cưới… Đây là chặng hát trung tâm, thể hiện tài đối đáp của hai bên nam nữ. Trên cùng một làn điệu Trống quân nhất định, mỗi bên sáng tạo ra những lời ca đối nhau về nội dung (họa mưa-họa nắng, họa giời-họa đất, họa cầu-họa sông…), hay những lời đố - giảng (đố quả-giảng quả, đố hoa-giảng hoa…). Do vậy, một cuộc hát Trống quân nhiều khi kéo dài từ hết tối này sang tối khác.
- Chặng 3 là Hát giở giọng, hát chia tay ra về. Ở chặng này, người ta thường không hát làn điệu Trống quân, mà hát các làn điệu dân ca khác như Cò lả, Lý hành vân, Xẩm, Hát ru…
Cả cuộc hát diễn ra như cuộc trao duyên giữa một đôi trai gái.
Các bài hát thì ngoài một số bài hát sử truyện, xướng hoạ quen thuộc, còn hầu hết các khúc ca đều do tập thể các nghệ nhân không chuyên xuất khẩu thành ca, ứng đối kịp thời ngay trong đêm hát. Do đó một cánh hát phải có người ứng đối giỏi, có người bỏ vận tài và có người hát hay. Sự phối hợp giữa bỏ vận tài và có người hát hay, giữa ứng tác và diễn xướng phải hết sức nhịp nhàng, tài hoa, mau lẹ.
Về cơ bản, trống quân chỉ có một làn điệu chính. Nhưng nội dung lời ca lại rất phong phú, đề cập tới nhiều vấn đề như lịch sử, địa lý, chim muông, cây cỏ, cuộc sống đời thường... thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè... Nhưng dù là hát chào mời hay hát đố giảng thì vẫn có vị ngọt ngào của tiếng hát trao duyên rất tình tứ trong sáng. Lời ca được soạn phổ biến theo thể lục bát (đôi khi là song thất lục bát).
Theo cụ Dương Quảng Hàm thì:
cuộc hát trống quân thường tổ chức ở các vùng quê về dịp tết Trung thu do các người đàn anh trong làng treo giải. Một người con trai và một người con gái ngồi đối diện nhau vừa hát vừa gõ vào dây để lấy nhịp (dây này căng thẳng trong khoảng hai cái cọc ở giữa buộc một tấm ván hoặc một cái thùng sắt tây chôn xuống đất để lấy tiếng vang). Hai bên đối đáp mượn những câu hát có sẵn mà biến hóa thay đổi cho hợp với tình ý mình: Ðến khi nào một bên không hát được là thua, bên kia sẽ được lĩnh giải
(Nguyễn Trúc Phương - Việt Nam Văn học bình dân - nxb Xuân Thu, Cali 1990, trg 98
Hát trống quân
Hát Trống quân cũng như hát Quan họ không phải thuộc hát lao động, mà thuộc về loại hát lễ hay hát hội.
Người hát thuộc về mọi tầng lớp trong xã hội nông thôn, nhà nho, thư sinh hát với con gái gia đình kỳ mục, giàu có hay gia đình thường dân. Họ hoàn toàn không phải ca sỹ chuyên nghiệp mà chỉ là “tài tử” nghiệp dư sinh hát, biết hát… Phần đông là trai và gái đến tuần cập kê, đi hát hội để tìm gặp tài sắc, định ước tương lai.
Từ hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vào Nam không có hát Trống quân.
Từ Thanh hóa trở ra loại hát này chỉ để hát vào thu nhất là trong tháng tám. Nhưng không hát vào ban ngày mà chỉ hát vào những đêm trăng, nhất là đêm rằm.
Hát hội có hai hình thức:
Hát vui chơi và hát thi lấy giải. Nơi hát có thể là nhà riêng, giữa làng, đầu xóm hay trên sân đình Thành hoàng.
Thi hát có khi tổ chức giữa hai xóm trai và gái. Có khi giữa hai thanh nam thanh nữ.
Ngoài mấy cuộc thi hát tại nhà, trai gái nông dân tự động tổ chức nhiều hội hát trên đám đất rộng giữa làng, bên bờ ruộng hay ở đầu cổng xóm. Trai gái ngồi ra hai bên cách nhau chừng mươi thước, giữa hai toán có một cái “trống quân” ngày xưa gọi là “thổ cò”. Trai hát xướng lấy que tre đánh vào dây kêu binh binh; gái hát đáp gõ cái sênh kêu cách cách làm nhịp.
Trống quân cũng như hầu hết các loại dân ca khác, vay mượn nhiều nơi kho tàng phong dao. Văn thể trống quân là thơ lục bát. Nhưng khi hát, câu 6 chữ và câu 8 chữ biến thể là cứ sau tiếng thứ hai của mỗi câu, người hát đệm tiếng thời, thì, hay, này v.v… Và cứ đến tiếng thứ tư của mỗi câu thì lên giọng và thêm vào mấy tiếng í a hay ư, ứ; có khi người hát lặp lại chữ chót của câu 8 chữ.
Thí dụ:
“Trên trời (này) có đám (ứ u) mây xanh
Giữa thì (này) mây trắng (ứ u) chung quanh mây vàng
Ước gì (này) anh lấy được nàng
Thi anh (nay) mua gạch Bát tràng (đem) về xây.
Xây dọc (rồi) anh lại xây ngang
(chứ) xây hồ (này) bán nguyệt (để) cho nàng (chân) rửa chân.
Nên ra (thì) tình ái nghĩa ân.
Chẳng nên (thì) phú giả (ừ) về dân (tràng) Bát (ứ) tràng”
Những tiếng thư; thời, này, rồi, rằng, mà, ấy, mấy nó, cái,com, anh, em v.v… Thêm vào khi hát gọi là tiếng đệm, và những tiếng như í, a, a, ư, ư ,ừ.. gọi là tiếng đưa hơi dùng để ngân nga. Âm hưởng dịu dàng hay réo rắt của tiếng đệm và tiếng đưa hơi làm giọng trống quân mang sức truyền cảm mạnh mẽ.
Đó là đặc điểm quan trọng của Trống quân về hình thức.
Đặc điểm này lại phù hợp với nội dung Trống quân là biểu lộ được nỗi vừa vui vẻ vừa chứa chan cảm động, và nói lên được những thích thú cao thượng của sự sinh hoạt nông thôn, những cảnh đẹp đẽ của quê hương, những điều trù phú đặc biệt của đất nước.
Trống quân còn là một loại hình hát tình tứ, hoặc nói đến nghĩa bạn bè, nhất là hay đề cao tình luyến ái giữa trai gái nông dân.
Trống quân có tính chất đối thoại, nó là một lối hát đối giữa trai và gái, một lối đối đáp hỏi qua lại.
Thí dụ:
Bên trai đố:
“Anh đố em câu này em giải làm sao?
Cái gì (mà) thấp cái gì (mà cao);
Cái gì (mà) mà sáng tỏ (ứ) hơn sao (ở) trên trời.
Cái gì (mà) em giải (cho) anh ngồi,
Cái gì (mà) thơ thẩn (ứ) ra chơi (ứ) (đào) vườn đào.
Cái gì (mà) sắc hơn dao (ứ)
Cái gì (mà) phơi phới (ứ) lòng đào (thì) em bảo anh”
Bên gái trả lời:
“Anh đã đố thì em xin giảng ra,
Dưới đất (thì) thấp, trên giời (thì) cao
Ngọn đèn (thì ) sáng tỏ (ứ) hơn sao (ở) trên trời…
Chiếu hoa (này) em giải cho anh ngồi (mà)
Đêm rằm (thì) mơ tưởng (ứ) ra chơi (ư) (đào) vườn đào.
(Chứ) Nước kia thì (nó) sắc hơn dao
(Chứ) Trứng gà (thì) phơi phới (ứ) lòng đào (thì em) bảo anh.”
Hát Trống quân, trai gái bao giờ cũng thiên về tình cảm. Hoặc bằng câu ướm hỏi, thử thách, hoặc bằng lời tâm sự. Do đó, Trống quân có tính chất trữ tình, tính chất giao duyên rất sâu sắc. Vì đối đáp, hỏi trả, nên hát Trống quân đòi hỏi người hát phải có tài mẫn tiệp, xuất khẩu thành thi, đột xuất nhanh trí…nhưng bao giờ cũng vẫn giữ thái độ phong nhã, lời không sàm sỡ, lố lăng.
1 nhận xét:
trống quân đón đào đâu
Post a Comment