Bánh giầy Gầu

Thursday, July 29, 2010



Loại bánh giày ngon nổi tiếng của làng Gàu (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Trên cơ sở của loại bánh giày truyền thống, người làng Gàu đã sáng tạo ra chiếc bánh giày với hương vị đặc trưng: bánh giày có nhân.
Vỏ bánh được làm từ chính gạo nếp cái hoa vàng trồng trên đất làng Gàu, được vo kỹ và ngâm bằng nước giếng làng Gàu rồi đồ chín đem giã cho thật mịn. Nhân bánh, nếu là nhân ngọt thì được làm bằng đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín đánh nhuyễn nắm thành nắm nhỏ trộn với đường, nếu là mặn thì bằng thịt nạc băm nhuyễn xáo chín cùng các loại gia vị.

Mỗi dịp lễ tết đến, bánh giày luôn có mặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên trong những gia đình người dân làng Gàu, thể hiện một nét đẹp văn hóa đáng gìn giữ.



Bánh giầy


Bánh giầy (còn được viết là bánh giày, bánh dầy hay bánh dày) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn.
Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giổ tổ Vua Hùng).
Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh chưng hình vuông, màu xanh tượng trưng trái Đất, âm. Bánh giầy hình tròn, màu trắng tượng trưng Trời dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.
Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh giầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh giầy là thức ăn sang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Tuy nhiên, GS Trần Quốc Vượng nói rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vậtâm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam. [1]
Các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, như H'Mong, Dao, Mường cũng có bánh dày; tuy rằng họ không gói bánh chưng. Thay cho bánh chưng, họ gói bánh ú hay bánh tét, loại bánh hình tròn dài, mà theo giải thích của Trần Quốc Vượng là phù hợp với quan niệm tín ngưỡng phồn thực.

Người Nhật cũng có món bánh tương tự như bánh giầy mà họ gọi là "mochi".

Sự tích
Bánh dày có liên quan đến truyền thuyết Lang Liêu, xảy ra vào đời vua Hùng thứ 6. Trong đó vị hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, dùng để dâng cho vua cha trong ngày đầu xuân. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về:


Cách làm
Người ta chọn loại gạo nếp ngon, đồ kỹ (có thể đồ hai lượt), rồi giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị "lại" bánh. Thường thường người ta có thể dùng chút mỡ lau vào đầu chày giã cho đỡ bị bết dính, nhưng óc lợn hấp chín được sử dụng cho mục đích này nhiều hơn.


Sử dụng và bảo quản
Bánh dày loại phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay, nặn hình tròn dày chừng 1 đến 2 cm. Cứ 2 cái bánh thì thành một cặp. Người mua có thể chọn mua một cái hay cả cặp và thường kẹp ăn chung với giò lụa, giò bò, chả quế, ruốc,...
Trong các địa phương làm bánh giày, thì bánh giày Quán Gánh, bánh giày làng Gàu là nổi tiếng nhất.
Bánh dày Quán Gánh (của làng Thượng Đình, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây - nay đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội), từ xưa làm ra đã được bán trong các quán nước ở dọc phố Quán Gánh cách đây đã 400 năm cho khách vãng lai thưởng thức và mua về làm quà biếu người thân hoặc thắp hương tổ tiên trong ngày tuần rằm. Ngày nay, phố Quán Gánh không còn giới hạn trong phạm vi 1 cây số trên đường quốc lộ 1A nữa mà dọc từ hai bên đường từ làng Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) cho đến thị trấn Thường Tín dài gần 4km, đã có trên 200 quầy đại lý bán đặc sản bánh giày Quán Gánh. Loại bánh này thường bán thành một cọc gồm 5 bánh, nhân mặn hoặc nhân ngọt, gói trong lá chuối tươi.
Các loại bánh của nông thôn miền Bắc Việt Nam kể trên thường để không được lâu, có lẽ chỉ một ngày là se mặt hoặc lại gạo, hoặc ôi thiu.
Với loại bánh dày của người vùng cao thì khác. Bánh được chế biến cùng cách kể trên mỗi dịp Tết, song được nặn to như cái bánh đa. Bánh được trữ trên gác bếp, để khô cả năm trời và là món ăn quý. Mỗi khi dùng, người ta xắt bánh ra thành miếng nhỏ, rồi nướng phồng trên bếp than như bánh tổ.




Thơm ngon bánh dầy Gầu


Sở dĩ gọi bánh dầy Gầu, bởi quê tôi trước đây là làng Gầu. Bánh dầy Gầu ngon có tiếng, có mặt ở các lễ hội, đám cưới các tỉnh, thành phố phía Bắc và trong lễ khởi công xây dựng cầu Yên Lệnh bắc qua sông Hồng, thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Buổi chiều, tôi đến nhà ông Ý. Trước bà con làng xóm gọi là ông giáo Ý, bởi ông có hàng chục năm đứng trên bục giảng. Gia đình ông làm bánh dầy ngon có tiếng ở xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông Ý hỏi tôi: “Chú có dự khởi công xây dựng cầu Yên Lệnh không?”. Tôi cười, ông giải thích: Bánh dầy tiếp khách hôm ấy là của gia đình tôi làm đấy. Hồi đó làm hai loại bánh dầy, loại làm quà là bánh ngọt cho vào hộp nhựa; loại ăn “tại trận” là bánh mặn. Cả nhà phải làm suốt đêm để kịp thời gian giao bánh.

Tôi hỏi:

- Mỗi mẻ nấu được bao nhiêu cân xôi?

Ông cười:

- Hơn chục cân thôi, nhiều bê sao được!

Dừng một lát, ông giãi bày: Làm nghề bánh dầy cực nhọc lắm, thức cả đêm để giã, mỏi rời cả tay, cố làm cho kịp giờ để đưa hàng cho khách, nên sức làm bánh dầy mấy mà kiệt. Giờ tôi để các cháu làm. Chú có làm bánh dầy loại ngon, tôi bảo các cháu chọn gạo nếp cái hoa vàng, chọn đỗ tiêu ngon (đỗ xanh hạt nhỏ) để làm.

Tuy nhiên trong câu chuyện, ông vẫn cho rằng, làm nghề bánh dầy kiếm ra tiền. Không có nghề bánh dầy, tiền đâu để mua xe gắn máy, làm nhà khang trang như thế này.

- Bánh dầy Gầu trước đây có vẻ thơm ngon hơn bây giờ?

Ông cười, giải thích:

- Đúng thôi, xuất phát từ hai phía. Phía người mua không chấp nhận giá thành cao, buộc người bán (làm bánh dầy) phải nghĩ ra mọi cách để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thế là họ làm bánh dầy bằng gạo nếp pha tẻ, có khi pha cả tấm gạo dẻo để lấy lãi. Ngày nhà tôi làm phải giã bằng tay, làm xong mỏi rã cả người. Chứ bây giờ họ giã bánh dầy bằng máy, gạo nếp lẫn tẻ, ngon sao được.

- Làm bánh dầy mặn với bánh dầy ngọt, bánh nào phức tạp hơn?

- Tất nhiên là bánh dầy mặn phức tạp hơn nhiều. Để có bánh ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh hạt tiêu, thịt nạc, mắm ngon, cay cà cuống… sao cho hợp khẩu vị. Ngày xưa, thiếu chất béo, làm bánh dầy mặn bằng thịt gáy lợn, mỡ dầy, nay làm mỡ đó, chả ai ăn, phải làm bằng thịt nạc.

Ngày trước, quê tôi chỉ có bốn gia đình làm bánh dầy, đó là nhà cụ Tế ở thôn Hạ, cụ Nhinh, cụ Ngẫu ở thôn Nguyễn, cụ Toàn ở thôn Vàng. Nay do nhu cầu của khách hàng, nhất là vào mùa cưới, những tháng cuối năm, khách thập phương đến đặt hàng nhiều nên cả xã có đến vài chục gia đình làm bánh dầy. Nhà ông Hợi, cậu con trai có ngày làm đến vài tấn bánh dầy, gia đình phải mua xe vận tải loại nhỏ để đi giao hàng.

Ông Ý cho tôi xem bộ đồ nghề làm bánh dầy đã cũ, giảng giải: chày giã bánh dầy phải bịt bằng lá dừa, bôi mỡ nước cho trơn; buồm để giã bánh dầy bằng cói, rộng 80x80cm, hỏng buồm, phải ra phố Hàng Chiếu, Hà Nội mới có để mua.

Được biết, trước đây nhà ông Ý chuyên nấu xôi bằng củi khô, chõ sành, bánh dầy thơm ngon, được khách hàng tín nhiệm. Giờ họ nấu xôi bằng xoong gang, bếp than. Có điều, đi ăn cỗ cưới, rượu vào, ăn bánh dầy cảm thấy được. Cách đây vài năm, mỗi khi Tết đến, UBND xã lại đến nhà ông Ý đặt làm bánh dầy để đi biếu cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, mọi người ăn đều khen ngon. “Làm bánh dầy ngon thì lãi ít nhưng tôi vẫn làm để giữ cái tiếng bánh dầy Gầu” - ông Ý nói vậy.

Bánh dầy Gầu có vị thơm ngon đặc biệt, được khách hàng đón nhận từ gần trăm năm nay, nhưng đến nay chưa có thương hiệu trên thị trường. Để bánh dầy Gầu vang xa, bay xa, cần có một chiến lược quảng bá và tất nhiên, khi làm bánh phải chọn gạo nếp, đỗ xanh thật ngon, có như vậy, bánh dầy Gầu mới trở thành thương hiệu, mới được khách hàng xa gần đón nhận.






 ❧ ❀ ❧





Các bài viết sưu tầm trên mạng


  1. Bánh giầy - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bánh giày - VietGle.
  3. "Bánh giầy" hay "bánh dầy"? - H.HG., 16/04/2008, Báo điện tử Tuổi Trẻ Online.
  4. Bánh chưng, bánh giầy là... bánh gì ? - Nguyễn Dư, 9/2007, Chim Việt Cành Nam.
  5. Ý nghĩa đích thực của bánh dầy, bánh chưng - Nguyễn Xuân Quang, 11/02/2011, http://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com.
  6. Triết lý bánh chưng - bánh dày - Giáo sư Trần Quốc Vượng, danangpt.vnn.vn.
  7. Bánh dầy - Hạ Lam, 29/07/2007, Mùi vị - Ẩm thực Việt Nam.
  8. Bánh dầy giò - Bếp Lọ Lem's Blog, 28/02/2009.

  1. Bánh dày làng Gàu - VietGle.
  2. Bánh dày làng Gàu - Hưng Yên - 03/06/2005, Báo điện tử Tuổi Trẻ Online.
  3. Bánh giầy làng Gàu - món quà dâng vua Tổ - NGUYỄN DỊU, 22/04/2010, Báo điện tử Tuổi Trẻ Online.
  4. Thơm ngon bánh dầy Gầu - VĂN HƯỚNG, 25/09/2008, Báo điện tử QDND VN.
  5. Bánh dày làng Gàu, nét đẹp văn hóa ẩm thực Hưng Yên - 20/01/2011, Vina Booking.



 ❧ ❀ ❧


TOP TOP

0 nhận xét:

Post a Comment