Tương Bần

Monday, July 26, 2010



Tương Bần hay tương làng Bần, tương Bần Yên Nhân là tên gọi một loại tương được sản xuất tại thôn Bần Yên Nhân - trước kia thuộc xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào, hiện đã được nâng lên thành Thị trấn Bần Yên Nhân - Mỹ Hào, Hưng Yên, Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong những loại tương ngon của Việt Nam. Đặc trưng cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ.



Tương Bần đậm đà vị quê - Truyền hình Hưng Yên - HYTV, 17/5/2021.

Tương Bần


1. Lịch sử

Tương Bần có từ khoảng cuối thế kỷ 19, khi đó nó còn được dùng để tiến vua. Hiện giờ nó đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của Việt Nam.

... hỏi ngọn ngành ai là tổ nghề, ai là người đầu tiên đem nghề này về làng thì người làng không ai còn nhớ. Các cụ già làng cho biết rằng, vào đầu thế kỷ XX, làng Bần thuần nông, nghèo lắm, nhà nào vào mùa hoa mướp cũng làm một vài chum tương dùng làm nước chấm trong sinh hoạt ăn uống của gia đình. Sau đó, nhờ có đường quốc lộ số 5 chạy cạnh làng Bần, một số người làng ra bám mặt đường, mở cửa hàng, hình thành phố Bần vào những năm 35 - 40 của thế kỷ trước. Ở làng Bần lúc bấy giờ có cụ bà Thân Thị Lựu khéo tay làm tương. Cụ mạnh dạn làm tương và đưa sản phẩm ra bán ở quán lấy tên hiệu là Cự Lẫm. Ai ngờ cái quán tương đầu tiên ở cạnh đường số 5 ấy lại là một sự mở màn cho việc đưa tương làng Bần hội nhập với thị trường cả nước.


Sau nhà sản xuất hiệu Cự Lẫm có thêm nhà sản xuất tương hiệu Dân Sinh.

Khách thập phương qua lại mua tương về ăn thấy ngon và lời đồn, tiếng thơm vang đến Hà Nội. Thế rồi thương hiệu tương Cự Lẫm bỗng chốc nổi tiếng khắp vùng và sản phẩm tương Cự Lẫm được Hà Nội ưa chuộng, cạnh tranh với tương Cự Đà (Hà Đông) nằm kề Hà Nội.
Kế thừa truyền thống nghề tương của cha ông, người làng Bần luôn bảo nhau giữ gìn chữ tín. Và họ đã không làm phụ lòng khách mến mộ sản phẩm tương của làng cho đến tận ngày nay.

Những năm gần đây do quá trình đô thị hóa và những thông tin về an toàn thực phẩm, khiến nghề làm tương của làng mai một dần. Hiện chỉ một số gia đình còn truyền thống làm tương tại nhà, thay vào đó, tương được làm theo công nghệ hiện đại, bán trên khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

2. Chế biến

2.1 Chọn Nguyên liệu
Nguyên liệu để làm tương cơ bản chỉ có đỗ tương (đậu nành), gạo nếp, muối, nước. Cách làm tương Bần cũng không khác gì các nơi khác. Thế nhưng, sở dĩ tương Bần ngon nổi tiếng bởi mỗi một công đoạn trong quá trình làm tương đều được chăm chút tỉ mỉ. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu đã được người làm tương chú trọng.

Gạo nếp: Xưa kia dân làng thường chọn gạo nếp cái ré hoặc nếp cái hoa vàng (loại nếp khi hạt chín có ra thêm nhành hoa màu vàng), được trồng ở trong vùng. Ngày nay nếp ré, nếp cái hoa vàng đã thoái hóa, người làm tương chọn loại gạo nếp sẵn có ở các chợ quê. Nếp phải đều hạt, không lẫn gạo tẻ, không xát trắng quá. Xưa kia gạo nếp giã dập 600 chày là được. Khi nấu không vo kỹ mà chỉ xát nhẹ để gạo giữ được lớp vỏ cám bên ngoài góp phần làm tương ngọt thêm.
Đỗ tương (đậu nành): Loại đỗ tương quê, còn gọi là đỗ tương ré trồng nhiều ở đất bãi ven sông, hạt nhỏ, tròn có màu vàng xen lẫn màu mận chín, vỏ mỏng, cùi dày, rang chín ăn bùi và thơm béo.
Muối: Lựa muối hạt trắng tinh, đem về nhà để một thời gian cho chảy nước chát mới mang ra dùng.
Đặc biệt nước ngâm đỗ phải là nước mưa, nước giếng đá thật trong, thật sạch, tuyệt đối không dùng nước máy. Làng Bần có một cái giếng duy nhất dùng để lấy nước làm tương, không được dùng vào việc tắm, rửa khác.
Thứ dùng để lên men là mốc Aspergillus Oryzae.




Dụng cụ làm tương gồm:
Cối xay đá để xay vỡ vụn hạt đỗ tương sau khi đã rang chín;
Nồi đồng và chõ để thổi xôi;
Chảo gang để rang đỗ, là chảo lớn đường kính đến 100cm, thành chảo cao để đỗ không bắn ra ngoài;
Nong, nia để tãi cơm và ủ mốc;
Vải màn để đắp cơm;
Chum sành để ngả tương. Ở làng Bần có các loại chum 30lít, 50 lít, 80 lít, to nhất là 100lít. Chum bằng đất sét nặng mới chịu được nước mặn và phơi giữa nắng hè không bị nứt vỡ. Loại chum này được sản xuất ở lò gốm thuộc tỉnh Thái Bình và chum ở làng Thổ Hà (Bắc Ninh);
Chậu: chậu nhôm, chậu sành, chậu nhựa dùng để đãi gạo, đỗ và lọc nước muối;
Quấy tương, còn gọi là trang tương: dụng cụ bằng gỗ cán dài, có lưỡi gỗ hình bán nguyệt dài 15cm, rộng 6 đến 8 cm cắm ở đầu cán dùng để quấy tương trong chum. Dụng cụ quấy tương phải bằng gỗ mới chịu được mặn, không nứt vỡ. Quấy tương còn là công cụ đảo đỗ tương khi cho đỗ vào chảo rang.
2.2 Làm tương
Các công đoạn làm tương:

2.2.1 Làm mốc:

Ngâm gạo:
Chọn gạo nếp tốt, đều hạt, không lẫn tẻ, cho vào chậu nước khoảng 6 giờ thì vớt ra,

Đồ xôi:
đợi nước sôi mới cho gạo vào chõ để đồ thành xôi mốc, có thể đồ xôi bằng xoong nhôm lớn, đường kính miệng 60cm, đáy nồi để giá nhôm 3 chân có lỗ thủng tròn, trên đặt vỉ đan bằng nan tre, lại đặt 2 sợi dây thừng gấp đôi trên mặt vỉ để khi xôi chín thì kéo xôi ra (kể từ khi hơi nước sôi ở nồi thông lên miệng chõ gạo chừng 25 - 30 phút thì được xôi chín tới). Đồ xôi chín nát quá, tương sẽ bị đen. Xôi sống thì tương bị chua.

Ủ mốc:
Xôi nếp đang lên mốc vàngXôi nếp đang lên mốc vàng
Xôi chín tới mang dỡ tơi ra nia, dày khoảng 2-3cm. Nếu làm mốc vào mùa nóng, tãi xôi đến lúc nguội hẳn thì phủ vải màn kín lên mặt cơm xôi. Làm mốc vào mùa lạnh, tãi xôi khi còn âm ấm tay thì phủ vải lên cơm xôi và cho xếp nia lên giá đặt nia mốc.
Phủ vải màn làm mốc là một sáng tạo của người làng Bần. Trước kia họ ủ mốc bằng cành lá nhãn hoặc lá mướp (giữ độ nóng ẩm, nhưng phải để ý không cho nước hấp hơi). Hơi nước ở cơm xôi bốc lên ngưng thành hạt và nhỏ xuống. Chỗ nào bị nước nhỏ, xôi nát, mốc bị đen ảnh hưởng đến chất lượng của tương. Phủ vải màn hơi mốc thoát ngay, không bị đọng giọt nước nên mốc lên đều hơn.

Xoa mốc:
Ủ hai ngày đêm thì cơm xôi xuất hiện nấm mốc tơ trắng, cậy mốc ra đảo cho mốc rời từng hạt và tãi đều ra nia, phủ vải màn ủ tiếp. Trời nóng ủ thoáng. Gặp trời lạnh phủ thêm bao tải để giữ nhiệt.



Giai đoạn này gọi là xoa mốc. Sau xoa mốc, tùy vào nhiệt độ nóng hay lạnh (dân gian gọi là tùy theo chiều trời) đến 3 hoặc 4 ngày sau nấm mốc phát triển, ta mở vải ra xem thấy mốc lên đều, ngả màu hoa cau, hoặc hoa thiên lý thì hạ nia dùng nậy mốc (hay gọi là xẻng nậy mốc) bậy, lấy mốc ra bóp nhỏ trộn đều chuẩn bị muối mốc. Mốc hỏng có màu đen, màu đỏ nếu ép cho vào ngả tương, chất lượng tương sẽ kém. Xoa mốc là việc vất vả nhất trong các công đoạn làm tương. Mùa nắng nóng, mốc lên nhanh, khô cứng, bụi mốc dày, mỗi lần xoa đảo bụi bay khắp nhà làm nhiệt độ trong phòng tăng lên.

Trước cảnh xoa mốc, đảo mốc bằng tay vất vả và năng suất không cao trong công nghệ làm tương cổ truyền, năm 2001, anh Lê Đình Đạt đã sáng tạo ra máy đảo mốc. Máy là một bộ phận khung sắt hình chữ nhật cài thêm các răng sắt gắn vào trục của mô tơ điện. Khi mô tơ điện chạy, khung sắt và răng sắt đánh tơi mốc ra. Đơn giản là vậy nhưng anh Đạt phải mày mò thử nghiệm trên 1 năm mới có một khung sắt chuẩn để khi mô tơ quay khung sắt không làm nát mốc, không đẩy mốc ra ngoài khuôn và không làm mốc bị dồn vào một chỗ dẫn tới kẹt cứng khung sắt. Từ khi có máy đánh mốc, năng suất xoa mốc mỗi giờ bằng 4 người làm thủ công, giải phóng một phần sức lao động ở khâu nặng nhọc nhất của công nghệ làm tương cổ truyền.
Năm 1997, Trung tâm ứng dụng và tiến bộ khoa học, Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Hải Dương đã thực hiện dự án ứng dụng công nghệ mốc trung gian vào sản xuất để nâng cao chất lượng đặc sản tương Bần, ứng dụng ở 11 hộ nông dân đạt kết quả tốt. Khi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mốc trung gian thì thời gian lên mốc nhanh từ 2-3 ngày so với sản xuất theo công nghệ cổ truyền. Mùa đông sử dụng mốc trung gian thì mốc lên nhanh, đều, đẹp cho chất lượng tương khá tốt.

(Làm mốc cũng có thời như con gái có thì, tốt nhất vẫn là vào tháng tư tháng 5, độ nóng ẩm của thời tiết đủ để cho hoa mốc lên nhanh. Nên vào thời điểm này, người ta có thể làm mốc dự trữ, cất gói cẩn thận để lúc nào cần ngả tương là mọi thứ đã sẵn sàng!)
2.2.2 Ngâm đỗ:

Đồng thời với thổi cơm xôi là cho đỗ tương vào chảo rang. Rang đỗ phải nhỏ lửa, quấy đều, đỗ chín vừa tầm, vỏ ngoài vẫn giữ được màu trắng nhưng cùi đỗ thì chín vàng, tỏa mùi thơm.
Nếu đỗ rang già quá thì cùi đen, màu tương sẽ bị đen. Nếu rang non quá thì cùi trắng, tương dễ bị thối.
Rang đỗ xong thì cho vào cối đá xay nát đỗ ra,
ngày hôm sau cho vào chum sành, đổ nước vào ngâm.

So với công nghệ làm tương cổ truyền, hiện nay việc rang đỗ và xay đỗ đã được cải tiến. Ngày xưa rang đỗ bằng chảo gang, mỗi mẻ 5 ca (khoảng 7,5kg), người rang phải đảo liên tục trong thời gian một giờ. Ngày nay, do cải tiến kỹ thuật rang đỗ bằng kiểu lò bánh mì, mỗi lần cho vào lò 4 đến 5 khay, rang được khoảng trên dưới 30kg đỗ trong vòng một giờ. Cách rang này đảm bảo đỗ chín đều và năng suất lao động tăng 4 đến 5 lần so với rang thủ công. Xay đỗ được cơ khí hóa, nếu như trước đó nhà sản xuất tương phải dùng cối đá để xay (thường là quay bằng tay), mỗi giờ chỉ xay được từ 1-5kg, thì ngày nay nhờ việc xay bằng máy (mô tơ điện) năng suất xay đỗ tăng từ 10 đến 15 lần.



Loại máy xay này giống như máy xay bột trẻ em, hầu như nhà nào cũng sử dụng. Để sản xuất 1 lít nước tương cần có 0,2kg đỗ.

Nước là yếu tố quan trọng góp phần vào chất lượng của tương làng Bần. Người làng Bần sử dụng nước mưa đã được tích trữ vài tháng và nguồn nước ngầm ở làng, trong như nước mưa và không có mùi vị, để làm tương. Xưa dân làng lấy nước ở giếng Đanh. Bây giờ bà con làm giếng khoan bơm tay, nước từ giếng khoan lấy lên vẫn trong và không có mùi vị nhưng được lọc qua bể cát để khử tạp chất.
Chum nước đỗ tương phải để chỗ râm mát, nhiệt độ vừa phải, không để nóng quá nước tương mau ngả mùi thiu. Ở làng Bần có câu "Cha thiu mẹ thối", nghĩa là xôi mốc phải hơi thiu, nước đỗ phải hơi thối thì làm tương mới ngon.

(Có tài liệu viết: ngâm nước đúng 7 ngày 7 đêm, không ít hơn hoặc nhiều hơn, nếu không thì hạt sẽ bị chua (ít hơn 7 ngày) hoặc úng (nhiều hơn 7 ngày). Trong thời gian ngâm, thông thường hạt đỗ tương phải 3 lần nổi 3 lần chìm thì mới bảo đảm lúc thành tương, hạt đỗ nát ngấu. Nước ngâm đỗ có váng bọt được vớt bỏ ra ngoài).
2.2.3 Muối mốc (ủ mật):

Mốc ủ 7 ngày ngả màu hoa cau, hoa thiên lý thì mang ra bóp nhỏ, vẩy nước tương trong (nước ngâm đỗ chưa có muối) trộn đều khi nào mốc nắm cơm chim đặt cạnh mà không dính vào nhau là được.
Bốc mốc trộn nước tương cho vào thúng ủ kín 3 đến 4 ngày tùy vào thời tiết nóng hay lạnh để cho mốc ra nước mật.
2.2.4 Lọc nước muối:

Muối trắng tinh cho vào chậu đổ nước mưa hay nước ngầm vào quấy đều để đất cát lắng xuống đáy, váng nổi lên mặt nước và lọc nước muối trong ra một chậu khác.
2.2.5 Ngả tương:

Cho nước muối vào chum trước,
tiếp là nước tương cùng bột đậu,
sau cùng cho mốc đã được muối vào chum
và cho quấy tương vào đánh tan mốc hoà với tương đỗ, nước muối.

Vị đặc trưng của tương phụ thuộc khâu chọn tỷ lệ các thành phần.
Công thức chế biến cho 1 lít tương được mỗi chủ sản xuất gia giảm đỗ, gạo và muối khác nhau. Mỗi gia đình có một “bí kíp” khác nhau và chỉ được truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình.

Chủ sản xuất tương ở làng Bần với thương hiệu Triệu Sơn có công thức như sau: 1 lít tương bao gồm 4 lạng gạo, 2 lạng đỗ, 1,4 đến 1,6 lạng muối.

Một công thức khác: 30kg gạo nếp, 15kg đỗ tương, 15-16kg muối, trong 100 lít nước. Muối cho mặn quá thì tương mất vị ngọt, cho nhạt tương dễ chua, không để được lâu.
2.2.6 Đánh tương:

Ngả tương xong buổi sáng mở nắp chum dùng quấy tương đánh đều từ dưới lên và phơi nắng cho đến tối thì úp nắp chum, sáng hôm sau lại làm thế. Tránh quấy khi nước tương đang bị nắng nóng sẽ dễ làm chua tương.
Đánh mốc liên tục khoảng một tháng để cho bay hết hơi mốc, cái tương chìm xuống, nước cốt tương nổi lên là được.
Tương phơi nắng 3 tháng cho ngấu mới lấy ra ăn, khi đó từ 100 lít tương chỉ còn 80 lít.
Thời gian làm tương ở làng Bần từ tháng 3 âm lịch đến tháng 10 âm lịch. Tương ngon nhất là làm vào tháng 6 âm lịch. Dân gian có câu Tháng sáu máu rồng.

Đánh giá chất lượng của tương Bần, trước hết nhìn vào màu tương.
Tương đạt chuẩn màu vàng sẫm như mật ong, hoặc màu cánh gián.
Tương rót ra sánh đặc không có mùi ngái, dậy lên mùi thơm.
Nếm tương có cảm giác bùi béo, đậm, ngọt mặn là tương tốt, để được lâu.

2.3 Bảo quản tương:

Tương đạt chuẩn để lưu từ năm này sang năm khác, cho nên việc bảo quản tương đặt ra nghiêm ngặt.
Sau thời kỳ đánh tương từ 2 đến 3 tháng, cái tương đã chìm hết thì đậy nắp tương kín miệng, quanh nắp trát bổi gồm bùn trộn với rơm khô cho kín miệng để một năm sau mới lấy ra ăn. Mùa xuân múc tương xong phải lau sạch và bôi ớt quanh miệng chum, phủ một lần vải trước lúc úp nắp để chống các loại bọ tìm kẽ nứt đẻ trứng sinh giòi bọ trong tương. Mùa hè phải thận trọng múc tương khi trời có mưa. Tương rất kỵ nước mưa, sơ suất vài giọt mưa rơi vào là làm thối chum tương ngay ít ngày sau đó. Chớ có nhúng ngón tay có mồ hôi vào vại tương dễ làm thay đổi chất lượng của tương.
2.4 Đóng gói:

Ngày xưa các hộ sản xuất cho tương vào chum nhỏ hay thùng gỗ ghép quẩy tương đi bán rong ở các chợ hoặc rao bán ở các làng. Ai mua thì đong tương vào chai thủy tinh để bán.

Ngày nay tương Bần được đóng vào chai nhựa loại 1 lít, 2 lít, 3 lít hoặc cho vào can nhựa 5 lít, 10 lít.

Mỗi cơ sở sản xuất đặt ra một thương hiệu, in nhãn quảng cáo chất lượng tương, địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên hệ và dán vào chai tương, can tương. Nút tương cũng được gắn kín bằng đai nilông bảo vệ.

3. Vấn đề vệ sinh thực phẩm

Vì tương bần được làm theo cách truyền thống (ủ trong chum) và dùng mốc để ủ nên có các nhà khoa học lo ngại vì trong thành phần của tương có tận hai loại nấm trong thành phần của mốc dùng làm tương là Aspergillus Oryzae và Aspergillus Flavur, với Aspergillus Oryzae là nấm tốt men cao trong khi Aspergillus Flavur lại sinh ra độc tố Aflatoxin


(có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi, và sinh ra một số chất độc hại khác). Vấn đề vệ sinh ở đây là phải phải tách riêng và loại bỏ nấm Aspergillus Flavur.
Đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chính thức về vấn đề này.
4. Trong văn hóa Việt Nam

Tương Bần đã đi vào câu ca dao nổi tiếng:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muốn nhớ cà dầm tương

Cốm Vòng gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn

Dưa La, cà Láng
Nem Báng, tương Bần

Hoặc câu thành ngữ
Nát như tương Bần


Thơ mới
“Anh đi trăm quán ngàn cầu
Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen
Mà sao anh vẫn cứ thèm
Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần”.

Rau muống phải có tương bần
làm thơ thì phải có vần mới hay

“Tái dê chấm với tương bần
Ăn vào nó cứ tần mần như dê
Đêm về vợ lạy tỉ tê
Tối mai ta lại Tái dê tương bần”

5. Các món ăn với tương Bần

Rau luộc, đậu phụ, bánh đúc (Bánh đúc chấm tương Bần)
Cà muối dầm tương
Cá, tép kho tương (Cá chép kho tương bần)
Bò, dê tái tương gừng
Tương BầnTương Bần
Tương BầnTương Bần
Tương BầnTương Bần





Làng nghề tương Bần



Video: Tương Bần
Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh & Truyền hình Hưng Yên

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 5 khoảng 25 km là đến thị trấn Bần Yên nhân (trước đây là một thôn của xã Văn Phú) huyện Mỹ Hào.
Phố Bần nho nhỏ, nay đã là thị trấn Bần Yên Nhân sầm uất, được bao quanh bởi các khu công nghiệp lớn, hiện đại. Nhưng tương vẫn là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.
Làng nghề tương Bần có khoảng 300 lao động làm nghề, thu nhập bình quân 300.000 - 350.000 đồng/tháng (2008). Nhờ có máy móc xay nghiền nên làm tương giờ không vất vả như xưa. Tuy không tốn nhiều lao động song sản xuất tương cũng tạo thêm việc làm cho tới cả trăm người bán. Đi qua phố Bần người ta thấy cả phố bán tương, nhà nào làm thì nhà nấy bán. Nhà có mặt đường thì tiện, nhà không có mặt đường thì thuê chỗ bán hàng, ai cũng cố giành cho được một cửa hàng khang trang bề thế để trưng bày quảng cáo cho hiệu của mình. Sản xuất tương ở làng Bần hầu hết là các hộ gia đình, có hộ do được truyền nghề từ đời trước, có hộ mới vào nghề dăm bảy năm nay khi thấy làm tương phát đạt. Tuỳ theo uy tín, chất lượng mà có hộ làm ăn quy mô lớn, có tới ba trăm chum đại sức chứa tới 40.000 lít liên tục quay vòng.

Tương Bần trong cơ chế thị trường

Phải đến những năm đầu của thập kỷ chín mươi, khi đất nước ta mở cửa phát triển kinh tế thị trường thì tương Bần mới thực sự có chỗ đứng. Xu hướng chuộng dùng ẩm thực dân tộc trong đó có món tương và lợi thế làng Bần nằm bên quốc lộ số 5 đã tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nghề làm tương truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tính đến tháng 5-2003, làng Bần đã có tới 31 cơ sở hộ gia đình đầu tư sản xuất tương bán ra thị trường. Trải dài dọc quốc lộ 5 khoảng 2km thuộc thị trấn Bần có tới hơn 200 đại lý bán buôn và bán lẻ.
Từ năm 1994 đến nay, mỗi năm làng Bần Yên Nhân tiêu thụ trên 3000 tấn gạo nếp, trên 1000 tấn đậu tương để chế biến tương, thu lãi khoảng 1,5 tỉ đồng từ nghề làm tương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và dịch vụ nghề tương.
Năm 2004, ... Riêng nghề truyền thống sản xuất Tương Bần có 25 hộ tham gia, hằng năm xuất ra thị trường gần hai triệu lít tương, tạo giá trị thu nhập gần 10 tỷ đồng.

Tương Bần đã được xuất sang các nước Đức, Nga, Tiệp Khắc, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ… và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2002 xuất sang Mỹ 1 vạn lít. Những nước khác như Đức, Pháp, Séc, Nga… mỗi năm cũng nhập đến hàng ngàn lít tương Bần.

Giá 1 lít tương nhà sản xuất tính với các đại lý là 3.500 - 4000đ,
các đại lý bán cho người tiêu dùng từ 5000 đến 6000đ.
Tương đặt vào loại ngon giá 7000đ đến 8000đ/lít.

Cơ sở sản xuất tương có tiếng ở làng là Triệu Sơn, Hường Đạt, Minh Quất (tên mới là Đức Vinh), Nguyễn Thị Liên, Liên Vinh, Thiên Sơn, Nguyễn Văn Chính...






 ❧ ❀ ❧




Các bài viết sưu tầm trên mạng


  1. Tương Bần - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Nghề Làm Tương ở Làng Bần - Nguyễn Hữu Thức, 27/12/2006, Mùi vị - Ẩm thực Việt nam
  3. Tương Bần - Cẩm Tuyết, 27/12/2006, Mùi vị - Ẩm thực Việt nam
  4. Làng nghề Tương Bần - Báo điện tử Hưng Yên, 23/5/2005
  5. Tương bần Mỹ Hào - Cuộc Sống Việt
  6. Tương Bần - Vietgle - Tri thức việt
  7. Tương làng Bần - Đoàn Xuân, 20/11/2010, Giác Ngộ Online.
  8. Một lần về làng “bần” Yên Nhân - Thế Duyệt, 30/10/2009, Báo Người Lao Động Điện tử.
  9. Tương Bần - AmThuc365.vn., 16/02/2011.
  10. Tương bần làm thủ công - Trần Việt Đức, 06/06/2007, Báo điện tử sài gòn tiếp thị media.
  11. Thương nhớ… tương Bần - iCook.vn.
  12. “Ai Zô”... cho tương bần - Tân Linh, 30/10/2009, Web-site: www.thethaovanhoa.vn.
  13. TƯƠNG BẮC (TƯƠNG BẦN) - phivan, 12/10/2007, Diễn Đàn Phật Pháp Online.
  14. Đổi thay ở làng nghề truyền thống chế biến tương bần - Ths - Nguyễn Hải Tiến, Website Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên.

  1. Nghề làm tương - Đỗ Đức, 27/7/2007, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV).
  2. Tương làm theo lối truyền thống: Ngon miệng, rủi ro cao! - Mỹ Hằng, 10/10/2005, Tiền Phong Online.
  3. Sản xuất tương bần theo công nghệ mới - Mạnh Đồng, 09/09/2009, BÁO ĐẤT VIỆT.
  4. Công nghệ lên men truyền thống - Tương - CBHD Nguyễn Thúy Hương, Google Docs.
  5. Thực phẩm chức năng--Natto - Hồng Lê Thọ, 17/06/2008, Vietsciences.
  6. Tương Ta, Tương Tàu và Tương Nhật (Miso) - Dược Sĩ Trần Việt Hưng, 08/09/2010, Thư Viện Toàn Cầu.
  7. TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA ĐẬU NÀNH (ĐỖ TƯƠNG) - GS. Từ Giấy, http://www.ducquanam.com.
  8. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển làng nghề tương Bần huyện Mỹ Hào - Hưng Yên - Đề cương luận văn tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế (2008-2009), Google docs.


 ❧ ❀ ❧



TOP TOP

1 nhận xét:

Hoan said...[Reply]

Tam diện, tam đậu, lục thực, thủy tam tam, nhi tửu nước da cam.(61)

(61)Đây là công thức làm tương Bần:
“tam diện”: 3 kg muối.
“tam đậu”: 3 kg đậu tương.
“lục thực”: 6kg gạo nếp.
“thủy tam tam”: 33 lít nước.
“nhị tửu nước da cam”: khi vun mốc cho hai chén rượu sẽ được nước da cam.

Bài viết: tục ngữ.ca dao hưng yên

Nguồn
Zing Blog http://me.zing.vn/zb/dt/vuhieu_20/14818122?from=my

Post a Comment