1.
Cách đây 10 năm, tôi đến thăm gia đình NSƯT
Tô Lan Phương ở TP Hồ Chí Minh. Buổi đó, tiếp tôi là chồng chị, anh Trần Mùi, nghệ sĩ violon,
Tô Lan Phương không được khỏe nên xin phép vào trong. Theo lời anh Trần Mùi thì từ lâu chị Phương rút vào sống lặng lẽ, tĩnh tâm để thiền, không tiếp xúc với báo chí.
Anh Mùi lén chia sẻ rằng,
Tô Lan Phương có chút tâm trạng vì nhiều đợt phong danh hiệu NSND qua đi, tên của chị vẫn không có trong danh sách, dù chị là lứa nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT.
Anh Mùi bảo: “Không phải là Phương cần cái danh hiệu đó đâu, tôi rất hiểu tính Phương. Vấn đề chỉ là Phương thấy lòng bị tổn thương. Bạn phải đặt mình vào vị trí của Phương, một người nghệ sĩ, từ bỏ tất cả mọi vinh quang, kể cả suất học bổng nước ngoài năm 19 tuổi, tình nguyện mang tuổi thanh xuân cùng tiếng hát vào chiến trường bạn mới hiểu tâm trạng của Phương bây giờ”.
Một người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, không dễ để có thể hiểu hoàn toàn tâm trạng của người nghệ sĩ mà câu chuyện về tuổi trẻ của chị trước đó tôi đã từng nghe giống như một huyền thoại.
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, có một đại đội thuộc Sư đoàn 9 đã lấy tên nữ nghệ sĩ
Tô Lan Phương đặt tên cho đại đội mình trước giờ tấn công. Những người lính trong đoàn quân ấy quá yêu và say mê tiếng hát của người ca sĩ bé nhỏ. Họ giữ hình ảnh chị trong trái tim để ra trận.
Câu chuyện xúc động đó là một minh chứng cho thấy tiếng hát của nghệ sĩ
Tô Lan Phương có một ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với những người lính trong những năm chiến tranh.
Quá khứ đó nay đã lùi xa và bánh xe lịch sử vẫn đang tiến về phía trước, nhưng những người cùng thời vẫn nhớ mãi hình ảnh
Tô Lan Phương với chiếc mũ tai bèo và áo bà ba đứng hát trên những dốc cao của núi rừng Trường Sơn để động viên tinh thần chiến sĩ, thương, bệnh binh.
2. Nghệ sĩ
Tô Lan Phương sinh năm 1948. Chị có mẹ là một nghệ sĩ đàn dân tộc, ông ngoại rất mê nhạc cổ. Lớn lên trong một gia đình như vậy nên Tô Lan Phương biết chơi đàn từ rất sớm. Bố của chị là một cán bộ cách mạng. Ông nội chị chính là nhà cách mạng Tô Hiệu, người từng bị giặc Pháp bắt giam trong nhà tù Sơn La.
Từ nhỏ,
Tô Lan Phương đã là đội viên đội sơn ca của Đài phát thanh. Tốt nghiệp phổ thông,
Tô Lan Phương thi vào Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hết trung cấp khoa Thanh nhạc, đang học dở năm thứ nhất hệ đại học, nhà trường chọn
Tô Lan Phương đi học 7 năm tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên), nhưng thật bất ngờ cô gái nhỏ đã từ chối cơ hội may mắn này.
Tô Lan Phương xung phong đi B, vào chiến trường miền Nam. Với một người con gái 19 tuổi, lứa tuổi rực rỡ nhất, sự lựa chọn ấy của
Tô Lan Phương có lẽ đến hôm nay còn là một bài học thấm thía cho những người trẻ tuổi, về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.
Tô Lan Phương bảo rằng chị không bao giờ quên những đêm hành quân, trên những gò đất nổi, xung quanh ngập nước, chị đứng hát để động viên những người lính trước giờ vào trận đánh.
Ở bất kỳ nơi nào, hễ gặp bộ đội là
Tô Lan Phương hát phục vụ. Bộ đội Trường Sơn còn lan truyền câu chuyện về cô văn công có khả năng hát một mạch hàng chục bài liền, rằng người con gái đó sẵn sàng đứng hát ngay bên một quả bom nổ chậm để cổ vũ bộ đội. Và cả cái đầu dốc, nơi người con gái đứng cất cao tiếng hát, anh em bộ đội đặt luôn một cái tên mới: Dốc
Tô Lan Phương.
Những năm tháng sau hòa bình, nghệ sĩ
Tô Lan Phương vẫn có mặt trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.
Tô Lan Phương nhớ lại một kỷ niệm, một lần nhóm xung kích của
Tô Lan Phương thuộc Đoàn văn công Quân Giải phóng nhận nhiệm vụ đi phục vụ một đơn vị chiến đấu ở cách đoàn chừng nửa ngày đường. Con đường đến với đơn vị rất xa vì nhiều đoạn phải đi vòng để tránh biệt kích, thám báo.
Cuối cùng, sau những chặng đường rừng, nhóm của
Tô Lan Phương đã đến được địa điểm đóng quân của đơn vị nhưng bất ngờ là nơi này vắng ngắt. Thì ra, mới cách đó chừng một tiếng đồng hồ, đơn vị nhận được lệnh hành quân gấp.
Nếu trở về đoàn báo cáo không gặp đơn vị, đó cũng là điều thường gặp của anh em văn nghệ sĩ đi biểu diễn ở chiến trường, nhưng
Tô Lan Phương nghĩ, điều chủ yếu với người ca sĩ ở mặt trận là phải đưa bằng được tiếng hát của mình động viên các chiến sĩ dù trong hoàn cảnh nào.
Và chị cùng mọi người trong đoàn quyết định đi tiếp. Sau một ngày lặn lội, có lúc phải đánh lạc hướng để thoát ra khỏi vòng vây của giặc,
Tô Lan Phương mới đuổi kịp đơn vị. Biết các chiến sĩ hành quân cũng có lúc tranh thủ nghỉ dọc đường,
Tô Lan Phương đón gặp và hát ngay cho các chiến sĩ nghe hết bài này đến bài khác. Ai cũng xúc động, rưng rưng.
Một cán bộ chỉ huy xúc động nói: “Ngày mai ra trận, chúng tôi coi như chị luôn luôn có mặt bên cạnh, trận đánh của đơn vị sẽ có một phần đóng góp rất lớn của ca sĩ
Tô Lan Phương…”.
Xuân Mậu Thân 1968,
Tô Lan Phương vinh dự được đứng hát trước một đơn vị quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 trong một cánh rừng ở miền Đông Nam bộ. Chị hát mà nước mắt lăn dài, vì nghĩ, chỉ ít phút nữa thôi, những chiến sĩ ngồi đây sẽ vào tuyến lửa khốc liệt, ai còn ai mất sao mà biết được.
Những gương mặt trẻ trung tuổi 20 đẹp đẽ trong bộ quân phục màu cỏ úa đã khiến trái tim người nghệ sĩ nức nở. Người hát và người nghe cùng xúc động bên một cửa rừng già miền Đông chờ đợi giờ tổng tấn công. Bất ngờ người đại đội trưởng đầu đội mũ tai bèo đứng dậy nói: Chị hát hay quá, đề nghị chị cho chúng tôi đặt tên chị cho đại đội. Từ nay, sẽ gọi là Đại đội
Tô Lan Phương”.
Và câu chuyện về một đại đội mang tên
Tô Lan Phương còn được kể đến hôm nay như một minh chứng về tình quân dân gắn bó, tình đồng đội keo sơn của những người lính trong chiến trận. Anh Trần Mùi, người đồng đội vào sinh ra tử, sau này là chồng của nghệ sĩ
Tô Lan Phương kể lại, sau ngày hòa bình anh chị có quay về cánh rừng năm xưa nơi đoàn quân đã đứng đó nghe chị hát, vừa thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những người đã khuất vừa hát cho linh hồn các anh nghe.
3. Tôi biết chị
Tô Lan Phương giữ một tâm trạng không vui nhiều năm tháng đã qua. Tên tuổi của chị gắn liền với những câu chuyện mang bóng dáng huyền thoại. Chị được phong danh hiệu NSƯT ngay trong đợt đầu tiên, nhưng suốt 35 năm qua, tên chị luôn ở ngoài danh sách những người được phong tặng danh hiệu NSND.
Phải thừa nhận rằng công tác xét duyệt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ở ta, ở đâu đó, trong thời điểm nào đó vẫn còn không ít bất cập. Trong không ít trường hợp, chúng ta chỉ chăm chú vào hiện tại mà quên đi công lao của những người đã cống hiến cho Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh đã lùi xa vào lịch sử. Chúng ta đánh giá chưa đúng về những hy sinh lớn lao của họ.
Ở lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm tất cả để
Tô Lan Phương được nhận danh hiệu mà chị xứng đáng, vì tất cả những gì chị đã cống hiến. Chúc cho người nghệ sĩ của núi rừng Trường Sơn, của miền Đông Nam bộ năm nào vẫn nồng nàn tình yêu dành cho nghệ thuật và cuộc đời.
Danh hiệu NSND đến vào thời điểm chị không còn quan tâm nhiều nữa, như chị chia sẻ, nhưng ít nhất nó cũng nói lên một điều, rằng việc đánh giá cho đúng công lao của những người nghệ sĩ như chị là việc cần phải làm và phải làm cho bằng được; chúng ta không bao giờ quên công lao của những người nghệ sĩ chiến sĩ đã cống hiến tuổi xuân, tài năng cho đất nước.
Hội Quân
0 nhận xét:
Post a Comment