KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG TIỂU HỌC TÔ HIỆU (XÃ NGHĨA TRỤ, HUYỆN VĂN GIANG, TỈNH HƯNG YÊN) (1938 - 2018)

Monday, March 11, 2019

KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG TIỂU HỌC TÔ HIỆU (XÃ NGHĨA TRỤ, HUYỆN VĂN GIANG, TỈNH HƯNG YÊN) (1938 - 2018)



Sáng Chủ nhật (ngày 18/11/2018), tại Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh Trường Tiểu học Tô Hiệu, cùng các thế hệ giáo viên, học sinh của Trường Tiểu học Tô Hiệu về dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) và 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018).

Đoàn Hội đồng Họ Tô Việt Nam do ông Tô Văn Thặm, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn và ông Tô Quyết Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam (cháu ruột của liệt sĩ Tô Hiệu) tham dự Lễ Kỷ niệm; trước khi vào dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Trường Tiểu học Tô Hiệu, đoàn Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam cùng đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yênvào thắp hương tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Tô Hiệu.
(chú thích ảnh: Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam cùng đại diện Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Hưng Yênthắp hương, chụp ảnh lưu niệm tại nhà tưởng niệm liệt sĩ Tô Hiệu)


Báo cáo trong Lế Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường, cô Cao Thị Kim Chinh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã ôn hoàn cảnh lịch sử ra đời rất vẻ vang và đặc biệt của ngôi trường gắn liền với cuộc đời hoạt động và tên tuổi của liệt sỹ Tô Hiệu.

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ nội Tô Hiệu là cụ Đốc Nam Tô Ngọc Nữu (nguyên Đốc học Nam Định). Khi vua Tự Đức ký hiệp định đầu hàng Pháp, cụ Đốc Nam từ quan về nhà dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, Đốc học Bắc Ninh (là ông ngoại của Tô Tu, Tô Chấn, Tô Hiệu…). Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước tán tương quân vụ, là một lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy - Hưng Yên do cụ Nguyễn Thiện Thuật tức Tán Thuật lãnh đạo. Cụ bà Ngô Thị Lý - con gái danh tướng Ngô Quang Huy - thân mẫu của các đồng chí được nhân dân địa phương kính trọng vì lòng yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, năm 2014 cụ bà Ngô Thị Lý đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Cụ Đỗ Mười, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết trong lời tựa cuốn sách “Tinh thần Tô Hiệu”: Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cách mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát động phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền Duyên Hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho cách mạng".

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt và phong phú, nhà cách mạng Tô Hiệu đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo cán bộ, nâng cao dân trí, giác ngộ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng trong quần chúng.

Năm 1934 sau khi mãn hạn tù Côn Đảo về, Tô Hiệu bị thực dân Pháp quản thúc tại quê hương Xuân Cầu. Không chấp nhận sự bao vây phong tỏa của kẻ thù, Tô Hiệu đã cùng với một số đồng chí trung kiên tích cực khác khôi phục lại Xứ ủy Bắc kỳ, phát động cao trào mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1938). Với cương vị là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện, Tô Hiệu cùng với Võ Nguyên Giáp đã được xứ ủy cử lãnh đạo hội truyền bá quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch; Tô Hiệu đã bố trí ông Quản Xuân Nam, người thôn Phúc Thọ, xã Xuân Cầu, Văn Giang (nay là xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang) làm Tổng Thư ký Hội Truyền bá quốc ngữ.
Đồng chí Tô Hiệu rất quan tâm đến phong trào cách mạng tại quê nhà, đồng chí đã lập ra các hội chơi cờ tướng, hội thể thao bóng chuyền để tập hợp quần chúng; đặc biệt đồng chí đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ tại đền Quan Công trong khuôn viên nhà mình. Đỉnh cao của hoạt động sáng tạo nhằm tập hợp quần chúng nâng cao dân trí là việc đồng chí vận động dân làng xây dựng trường kiêm bị Xuân Cầu - tương đương trường tiểu học bây giờ để dạy dỗ cho con em trong xã Xuân Cầu và trong vùng. Bà con trong thôn xã rất tự hào và phấn khởi nên đã tích cực đóng góp sức người sức của vào công việc xây dựng trường. Đồng chí Tô Hiệu đã đề ra khẩu hiệu:

“Kẻ góp của, người góp công

Mong sao trường học chóng xong

Tinh thần đoàn kết muôn năm”

Những thanh niên trí thức của Xuân Cầu đang học tập và làm việc tại Hà Nội ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật cũng đạp xe về tham gia lao động xây dựng trường.

Mùa thu năm 1938, trường kiêm bị Xuân Cầu được khánh thành trong niềm phấn khởi to lớn của phụ huynh và học sinh. Viên công sứ Bắc Ninh (trước năm 1947, Văn Giang thuộc Bắc Ninh) mặc dù biết những người cộng sản đứng sau việc xây dựng trường, vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt về dự lễ khánh thành trường. Nhờ có trường học này mà hàng chục, hàng trăm học sinh trong vùng lần đầu tiên được cắp sách đến trường. Sau Cách mạng Tháng Tám trường học này được đổi tên thành “Tô Hiệu học đường” và nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Tính từ mùa thu năm 1938, khi trường được thành lập đến nay đã tròn 80 năm. "Tô Hiệu học đường” - Trường Tiểu học Tô Hiệu đã góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trường Tiểu học Tô Hiệu là niềm tự hào của quê hương Hưng Yên: học sinh của trường đều trưởng thành, trở thành các công dân có ích được xã hội kính trọng, có người được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, như: Tô Quyền, Đào Văn Vinh; có 3 học sinh của trường sau này giữ trọng trách cao, như: Trung tướng Nguyễn Hòa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân đoàn 1, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam; Vũ Đại (Nguyễn Thúc Kha), Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước; Tô Duy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước…

Phát huy truyền thống của ngôi trường mang tên nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu, nhà trường đang tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, bình đẳng; quan tâm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống.

Nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, mỗi thầy cô giáo tiếp tục học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, duy trì kỷ cương, kỷ luật, thật sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo. Các em học sinh trường tiểu học Tô Hiệu luôn luôn nêu gương rèn luyện, trao dồi đạo đức để sau này trở thành công dân phát triển toàn diện cả về đức trí thể mỹ, coi đó là việc làm thiết thực để đền đáp công ơn của các thầy, các cô, gia đình và xã hội.



ảnh: Họ sinh Trưởng Tiểu học Tô Hiệu biểu diễn văn nghệ chào mừng


Tự hào 80 năm trường tiểu học Tô Hiệu

Không chỉ tự hào là ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Nghĩa Trụ anh hùng, thầy và trò trường tiểu học Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang còn tự hào hơn khi chính Tô Hiệu là người trực tiếp vận động thành lập trường vào năm 1938 và trực tiếp dạy chữ cho con em trong vùng.


Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang


Tô Hiệu sinh năm 1912, mất năm 1944. Ông quê ở làng Xuân Cầu xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Năm 14 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Thời kỳ 1934 – 1939 mãn hạn tù, Tô Hiệu bị giặc quản thúc tại địa phương.

Trong giai đoạn này, Tô Hiệu cùng các chiến sĩ yêu nước tích cực vận động thành lập trường để dạy chữ quốc ngữ, vừa nhằm tập hợp quần chúng vào các tổ chức cách mạng, chống lại chế độ thực dân phong kiến.

Trong bối cảnh đó, năm 1938 trường kiêm bị Xuân Cầu - tiền thân là trường tiểu học Tô Hiệu ngày nay được thành lập. Ban đầu trường chỉ có 3 phòng học với hơn 100 học sinh. Được sự dạy bảo trực tiếp của thày giáo Tô Hiệu, nhiều học sinh của trường đã trở thành những cán bộ ưu tú, có công phát triển phong trào cách mạng ở nhiều vùng trên cả nước. Các thế hệ học trò luôn coi Tô Hiệu là tấm gương mẫu mực để học tập, noi theo.

Ông Đặng Xuân Chính từng là một học sinh của trường Tô Hiệu ở xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang cho biết: “Cả thế hệ học sinh chúng tôi thời đó và các thế hệ sau này luôn cảm thấy tự hào vì từng được học tại trường học mang tên vị tiền bối cách mạng, cả cuộc đời cống hiến vì nước vì dân. Chúng tôi tự nhủ rằng, mình phải học tập, rèn luyện tốt để noi gương bác Tô Hiệu.”

Một tiết dạy của cô và trò trường Tiểu học Tô Hiệu



Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, 80 năm qua các thế hệ thầy cô giáo, học sinh của trường luôn ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng mái trường phát triển về mọi mặt từ cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng dạy học cho đến chất lượng đào tạo.

Năm học 2018 – 2019 này, trường có gần 1.000 học sinh. Chất lượng giáo dục của nhà trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện Văn Giang. Năm 2011, trường đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Em Khương Nhật Linh, học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Tô Hiệu cho biết: “Chúng cháu hứa sẽ học tập thật tốt và luôn là con ngoan trò giỏi để bố mẹ, thầy cô được vui lòng.”

Cô giáo Cao Thị Kim Chinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiệu cho biết: “Để tiếp nối truyền thống những năm qua, tập thể các thầy cô giáo của nhà trường luôn tâm niệm sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, noi gương người anh hùng Tô Hiệu cả về phẩm chất, đạo đức, tư cách và trách nhiệm của người thầy…”





Mời xem:
Trang WEB: Trường Tiểu học Tô Hiệu - Tô Hiệu, Văn Giang, Hưng Yên
Trang FB: Tiểu học Tô Hiệu



Video: Trường Tiểu học Tô Hiệu - Nơi chắp cánh những ước mơ

MegosztásBeágyazásE-mail

0 nhận xét:

Post a Comment