Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) là con út trong một gia đình nho học nghèo, thân mẫu của đồng chí Tô Hiệu là người yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được nhân dân địa phương kính trọng. Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đ/c Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh khi mới 14 tuổi. Trưởng thành trong hoạt động thực tiễn, năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Học sinh đoàn, một tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia, tổ chức đấu tranh, tích cực học tập lý luận cách mạng và trở thành người đảng viên cộng sản giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh vững vàng.
Năm 1934 ra tù, dẫu bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê, nhưng với tinh thần yêu nước, đồng chí Tô Hiệu vẫn bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, rồi bắt liên lạc với Đảng. Khi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị mới, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng.
Năm 1939 đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt và kết án 5 năm tù đi đày ở Nhà tù Sơn La. Cũng thời gian này, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 02-1940, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi uỷ viên. Tháng 5-1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù, vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh…
Tháng 5-1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo, cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Báo Suối Reo ra đời là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên rất lớn đối với anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Ý chí kiên cường của Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ. Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Do căn bệnh hiểm nghèo và chế độ hà khắc của nhà tù, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7-3-1944 tại Nhà tù Sơn La, khi ở tuổi 32. Đồng chí được an táng tại Vườn Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La).
Cuộc đời tuy ngắn ngủi, song tấm gương, tinh thần cách mạng quả cảm, kiên trung của đồng chí Tô Hiệu là tài sản vô giá, là bài học to lớn về truyền thống cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng, liệt nữ trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nối dài trường tồn cùng dân tộc. Hơn 70 năm qua, dù bao phong ba bão táp, cây đào đ/c Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La vẫn ra hoa, kết trái mỗi độ xuân về. Cây Đào đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạnh năm xưa mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Sơn La trong thực hiện hoàn thành mục tiêu sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía bắc trong giai đoạn tới./.
Lê Hiền
0 nhận xét:
Post a Comment