Trong lời tựa của cuốn sách “Tinh thần Tô Hiệu” cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Đồng chí Tô Hiệu là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ thuở “thiếu niên” đã hi sinh ở Nhà ngục Sơn La năm 1944, lúc mới 32 tuổi. Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cách mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát động phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho cách mạng”…
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình nhà nho yêu nước, có 5 anh chị em ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Mồ côi cha từ nhỏ, Tô Hiệu được mẹ là bà Cả Y nuôi dạy nên người.
Học xong trường làng, năm 1926 Tô Hiệu sang thị xã Hải Dương học tiếp nhưng bị đuổi học vì tham gia “để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh”. Sau đó, Tô Hiệu lên Hà Nội học tiếp, rồi tích cực hoạt động trong các tổ chức yêu nước cách mạng Xích vệ đoàn. Chuyển vào Sài Gòn hoạt động cùng anh ruột là Tô Chấn. Năm 1930, Tô Hiệu bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo với án tù 4 năm. Không chịu khuất phục, Tô Hiệu cùng bạn tù dũng cảm đấu tranh chống bọn chúa ngục độc ác, tích cực học tập lí luận cách mạng, được bồi dưỡng trở thành đảng viên ưu tú, giàu nhiệt huyết, bản lĩnh cách mạng vững vàng.
Mãn hạn tù, năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế, Đảng ta ra hoạt động công khai, đồng chí Tô Hiệu vẫn bị Pháp đưa về quản thúc tại quê hương. Dù sức khỏe yếu, ông tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, được điều về đặc trách Bí thư Liên khu B, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, kiêm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.
Cuối năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp tan vỡ, Đảng rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt ở Hải Phòng, đày ải lên Nhà ngục Sơn La, khi ấy là nơi “sơn cùng thuỷ tận”, một ốc đảo cách Hà Nội trên 300 cây số.
Không đòn roi, tù ngục nào khuất phục được đồng chí Tô Hiệu. Trong 1.500 ngày ở Nhà ngục Sơn La, Tô Hiệu biến “nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”, đào tạo mấy trăm tù nhân trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư, mọi hoạt động cách mạng ở Nhà ngục có phương hướng rõ ràng, được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả. Với tầm nhìn xa, các đảng viên Nhà ngục còn tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho binh lính, công chức và đồng bào địa phương. Tờ báo “Suối Reo” của Chi bộ Nhà ngục được “phát hành” thường xuyên, động viên đảng viên, quần chúng trung kiên, giữ vững lập trường, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và cách mạng. Đặc biệt, Chi bộ Nhà ngục rất thành công trong việc tổ chức cho 4 đồng chí là Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu vượt ngục thành công.
Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu, linh hồn của Chi bộ Nhà ngục Sơn La đã “ra đi” sau 18 năm hoạt động cách mạng. Trước khi vĩnh biệt anh em, đồng chí để lại lời dặn dò thân thiết, khuyên mọi người giữ vững khí tiết, tin tưởng ở cách mạng, chuẩn bị tư tưởng và hành động để đương đầu với mọi hi sinh gian khổ và đón nhận tương lai sáng sủa đang ló rạng ở chân trời
Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng bên kẽ nẻ phòng giam đã hơn 70 năm vẫn khai hoa kết trái mỗi độ Xuân về. Cố Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Nó, một trong những “hạt giống đỏ” được Chi bộ Nhà ngục Sơn La gieo đã viết những vần thơ ca ngợi: “Lửa cháy/ bom san bằng/ kiếm chém ngang/ đào vẫn lớn/ hoa thơm/ quả trĩu cành…”
0 nhận xét:
Post a Comment