Tuesday, July 20, 2010

Vải thâm


  Vải thâm - Vải nhuộm thâm


Theo truyền thuyết thì nghề nhuộm vải thâm ở Huê Cầu (Xuân Cầu) cũng có ngót nghét 2.000 năm. Thuốc nhuộm là củ nâu, đun trong nước lá sòi (một loại cây thân gỗ mọc hoang), có nơi dùng lá bàng, hoặc hạt dền như trong câu ca dao, sau đó lấy bùn trát kín vài lần. Sau khi nhuộm xong, tấm vải có mầu đen thâm, không phai và tấm vải cực kỳ dai và bền, dày dặn nhưng mặc lại không nóng, không bí.


Dư địa chí (viết xong năm 1435) của Nguyễn Trãi chép:
"XXIV ... Làng Bát-tràng (2) làm đồ bát chén, làng Huê-cầu (3) nhuộm thâm; ...

Bát-tràng thuộc huyện Gia-lâm, Huê-cầu thuộc huyện Văn-giang. Hai làng ấy cung ứng đồ cống Trung-quốc là 70 bộ bát đĩa, 200 tấm vải thâm".


Theo GS. Trần Quốc Vượng (Sách Hà Nội như tôi hiểu, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr193-216)
"... Hà Nội có phố Hàng Vải Thâm (nay chỉ gọi là phố Hàng Vải), đoạn từ phía đông phố thuốc bắc đến phố Hàng Gà. Người phố này trước phần đông là dân Huê Cầu.


Phố Hàng Bông
Hàng Bông Thợ Nhuộm, gọi tắt là Hàng Bông Nhuộm, đoạn phố ngắn cuối phố Hàng Bông trông ra cạnh phía đông của vườn hoa Cửa Nam trên đất thôn cũ Đông Mỹ. Hồi đầu thế kỷ, người phố này gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, Hải Hưng) có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa.

Mời xem:
  1. Vải nhuộm thâm làng Huê Cầu - Phạm Thị Thu Thủy



  Ca dao "Vải thâm"

Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
Nào ai đi chợ Thanh Lâm
Mua anh một áo vải thâm hạt dền.


Hỡi cô yếm thắm lòa xòa
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
Ước gì anh được ở gần
Để anh nhuộm hộ, thấm nhuần công anh.

Hỡi cô yếm trắng lòa lòa!
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
Hay là ta hãy làm thân
Ðể anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh!


Hỡi anh áo trắng quần là
Sao anh không bảo mẹ già nhuộm thâm.
Ví dù áo ấy em cầm
Thì em sẽ nhuộm màu thâm, màu vàng.
Vạt áo em nhuộm màu vàng
Vạt con em cũng nhuộm vàng cho anh.
Bốn nách kết đôi trường linh
Đôi tay em kết chim xinh rõ ràng.
Ngày mai anh ra ngoài làng
Cho lắm kẻ ngắm, cho làng xóm trông.


Một năm chia mười hai kỳ
Thiếp ngồi thiếp tính làm gì chả (chẳng) ra
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai rõi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.
Tháng sáu em đi buôn chè
Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô.
Chín mười cắt rạ đồng mùa
Một chạp vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn, rồi anh lại nằm.
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Chẳng thà lấy chú lực điền
Gạo bồ thóc đống, còn phiền nõi chi!







 ❧ ❀ ❧




Chương II - LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ




PHẦN 3 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỜI NHÀ TIỀN LÊ

[...]
Năm Kỷ Dậu (1429) đất nước sạch bóng quân giặc, tháng 2, triều đình lập phép chia ruộng và cho thao diễn quân thuỷ bộ ở 5 đạo, mỗi đạo chia 5 phiên, lấy một phiên làm nhiệm vụ đồn thú bảo vệ kinh sư còn 4 phiên cho về quê quán sinh sống sum họp cùng gia đình. Giai đoạn này Vùng đất Nghĩa Trụ được đổi thành Xuân Cầu và làng Hoa Cầu được đổi thành Huê Cầu.
Ở Nghĩa Trụ, ruộng đất được chia cấp cho các quân giải ngũ trở về lấy từ quỹ đất chung của các hương xã, chủ yếu là ruộng của các quan lại thân vương triều cũ đã bị bỏ hoang hoá và thêm một phần đất mới ở các bãi bồi ven rừng lau sậy.
Nghề canh cửi ở Huê Cầu trở lại thời kỳ phát triển rầm rộ, các bãi hoang ven sông lần lượt được phủ xanh màu dâu lá, xóm thôn ngày đêm rộn rã tiếng quay tơ suốt chỉ, có thêm lực lượng quân binh giải ngũ về làng góp công sức, xóm thôn thêm trù phú. Thương thuyền các nơi nườm nượp kéo về, bến thuyền Huê Cầu mang dáng dấp của một khu chợ sầm uất với người mua kẻ bán tấp nập, các mặt hàng lâm thổ sản và sản vật địa phương được trao đổi phong phú, đa dạng.

Lại thêm lệnh trưng thu vải thâm của Huê Cầu từ triều đình sắc xuống làm lễ vật tiến cống sang Trung Quốc, nghề nhuộm thâm ở đây bắt đầu được phát triển theo diện rộng, không còn là sản phẩm độc quyền của một vài dòng họ nữa, cả làng Huê Cầu cùng bắt tay tham gia vào từng công đoạn nhuộm, phơi, sấy để cho ra đời những tấm vải nâu tươi bền.


Chàng đi trấn chốn phương xa
Nhớ chăng dải đất Cầu Huê quê mình
Bến trăng sóng nước lung linh
Tấm nâu thiếp nhuộm tình riêng Huê Cầu.




No comments:

Post a Comment