Sở dĩ gọi bánh dầy Gầu, bởi quê tôi trước đây là làng Gầu. Bánh dầy Gầu ngon có tiếng, có mặt ở các lễ hội, đám cưới các tỉnh, thành phố phía Bắc và trong lễ khởi công xây dựng cầu Yên Lệnh bắc qua sông Hồng, thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Buổi chiều, tôi đến nhà ông Ý. Trước bà con làng xóm gọi là ông giáo Ý, bởi ông có hàng chục năm đứng trên bục giảng. Gia đình ông làm bánh dầy ngon có tiếng ở xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông Ý hỏi tôi:
“Chú có dự khởi công xây dựng cầu Yên Lệnh không?”. Tôi cười, ông giải thích:
Bánh dầy tiếp khách hôm ấy là của gia đình tôi làm đấy. Hồi đó làm hai loại bánh dầy, loại làm quà là bánh ngọt cho vào hộp nhựa; loại ăn “tại trận” là bánh mặn. Cả nhà phải làm suốt đêm để kịp thời gian giao bánh.
Tôi hỏi:
- Mỗi mẻ nấu được bao nhiêu cân xôi?
Ông cười:
- Hơn chục cân thôi, nhiều bê sao được!
Dừng một lát, ông giãi bày:
Làm nghề bánh dầy cực nhọc lắm, thức cả đêm để giã, mỏi rời cả tay, cố làm cho kịp giờ để đưa hàng cho khách, nên sức làm bánh dầy mấy mà kiệt. Giờ tôi để các cháu làm. Chú có làm bánh dầy loại ngon, tôi bảo các cháu chọn gạo nếp cái hoa vàng, chọn đỗ tiêu ngon (đỗ xanh hạt nhỏ) để làm.
Tuy nhiên trong câu chuyện, ông vẫn cho rằng, làm nghề bánh dầy kiếm ra tiền. Không có nghề bánh dầy, tiền đâu để mua xe gắn máy, làm nhà khang trang như thế này.
- Bánh dầy Gầu trước đây có vẻ thơm ngon hơn bây giờ?
Ông cười, giải thích:
- Đúng thôi, xuất phát từ hai phía. Phía người mua không chấp nhận giá thành cao, buộc người bán (làm bánh dầy) phải nghĩ ra mọi cách để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thế là họ làm bánh dầy bằng gạo nếp pha tẻ, có khi pha cả tấm gạo dẻo để lấy lãi. Ngày nhà tôi làm phải giã bằng tay, làm xong mỏi rã cả người. Chứ bây giờ họ giã bánh dầy bằng máy, gạo nếp lẫn tẻ, ngon sao được.
- Làm bánh dầy mặn với bánh dầy ngọt, bánh nào phức tạp hơn?
- Tất nhiên là bánh dầy mặn phức tạp hơn nhiều. Để có bánh ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh hạt tiêu, thịt nạc, mắm ngon, cay cà cuống… sao cho hợp khẩu vị. Ngày xưa, thiếu chất béo, làm bánh dầy mặn bằng thịt gáy lợn, mỡ dầy, nay làm mỡ đó, chả ai ăn, phải làm bằng thịt nạc.
Ngày trước, quê tôi chỉ có bốn gia đình làm bánh dầy, đó là nhà cụ Tế ở thôn Hạ, cụ Nhinh, cụ Ngẫu ở thôn Nguyễn, cụ Toàn ở thôn Vàng. Nay do nhu cầu của khách hàng, nhất là vào mùa cưới, những tháng cuối năm, khách thập phương đến đặt hàng nhiều nên cả xã có đến vài chục gia đình làm bánh dầy. Nhà ông Hợi, cậu con trai có ngày làm đến vài tấn bánh dầy, gia đình phải mua xe vận tải loại nhỏ để đi giao hàng.
Ông Ý cho tôi xem bộ đồ nghề làm bánh dầy đã cũ, giảng giải:
chày giã bánh dầy phải bịt bằng lá dừa, bôi mỡ nước cho trơn; buồm để giã bánh dầy bằng cói, rộng 80x80cm, hỏng buồm, phải ra phố Hàng Chiếu, Hà Nội mới có để mua.
Được biết, trước đây nhà ông Ý chuyên nấu xôi bằng củi khô, chõ sành, bánh dầy thơm ngon, được khách hàng tín nhiệm. Giờ họ nấu xôi bằng xoong gang, bếp than. Có điều, đi ăn cỗ cưới, rượu vào, ăn bánh dầy cảm thấy được. Cách đây vài năm, mỗi khi Tết đến, UBND xã lại đến nhà ông Ý đặt làm bánh dầy để đi biếu cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, mọi người ăn đều khen ngon.
“Làm bánh dầy ngon thì lãi ít nhưng tôi vẫn làm để giữ cái tiếng bánh dầy Gầu” - ông Ý nói vậy.
Bánh dầy Gầu có vị thơm ngon đặc biệt, được khách hàng đón nhận từ gần trăm năm nay, nhưng đến nay chưa có thương hiệu trên thị trường. Để bánh dầy Gầu vang xa, bay xa, cần có một chiến lược quảng bá và tất nhiên, khi làm bánh phải chọn gạo nếp, đỗ xanh thật ngon, có như vậy, bánh dầy Gầu mới trở thành thương hiệu, mới được khách hàng xa gần đón nhận.
❧ ❀ ❧
No comments:
Post a Comment