Saturday, March 16, 2019

Lược khảo thần tích của làng Đồng Tỉnh - tổng Xuân Cầu - huyện Văn Giang - tỉnh Bắc Ninh (nay là Hưng Yên) - BÀI 3

Lược khảo thần tích của làng Đồng Tỉnh - tổng Xuân Cầu - huyện Văn Giang - tỉnh Bắc Ninh (nay là Hưng Yên) - BÀI 3

dienbatn

XIN THEO DÕI TIẾP
BÀI 1
BÀI 2
BÀI 3


VÀI LỜI DẪN NHẬP: Năm vừa rồi, dienbatn có dịp ghé thăm LÀNG ĐỒNG TỈNH - TỔNG XUÂN CẦU - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH BẮC NINH (nay là HƯNG YÊN). Đây là một vùng quê có nhiều di tích lịch sử rất lâu đời, có một dòng chảy văn hóa cuồn cuộn hàng ngàn năm và còn để lại nhiều chứng tích hiếm có. Trong bài này dienbatn dựa vào các bản dịch của Nguyễn Thị Măng - Viện Hán Nôm, các tư liệu trong cuốn "HUYỀN TÍCH ĐỒNG TỈNH XUÂN CẦU"của tác giả Trần Xuân Đạt cùng một số tư liệu khác trong quá trình điền dã. Xin trân trọng cảm ơn các tác giả.
dienbatn.

PHẦN III. TÌM HIỂU THÊM VỀ LÀNG ĐỒNG TỈNH - TỔNG XUÂN CẦU - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH BẮC NINH (NAY LÀ HƯNG YÊN)






1.LỊCH SỬ
Muốn tìm hiểu một cách sâu sắc và triệt để về lịch sử của làng Đồng Tỉnh, Xuân Cầu phải bắt đầu từ lịch sử của vùng đất đã từng và vẫn đang dung chứa nó, ở đây chính là vùng đất Nghĩa Trụ và con sông Nghĩa Trụ (Sông Tế Giang) trải hàng ngàn năm luân chuyển phù sa đắp bồi kiến tạo mà thành, và muốn tìm hiểu lịch sử phát triển của vùng đất Nghĩa Trụ ta phải bắt đầu từ lịch sử của những con người đầu tiên tạo lập nên vùng đất.

Theo các tư liệu: "Nghĩa Trụ là một vùng đất lịch sử có từ lâu đời.
Thời các Vua Hùng vùng đất này thuộc Bộ Vũ Ninh.
Thời Bắc thuộc, thuộc đất Luy Lâu.
Sang thời Lý-Trần thuộc Phủ Siêu Loại.
Thời Lê thuộc Huyện Văn Giang, Phủ Thuận An Trấn Kinh Bắc.
Dưới thời Bắc thuộc, các thôn Xuân Cầu, Đồng Tỉnh, Thọ Vực thuộc Tổng Xuân Cầu, thôn Đại Tài thuộc Tổng Đại Tài, cả hai Tổng thuộc Huyện Văn Giang Phủ Thuận Thành Tỉnh Bắc Ninh.
Cuối năm 1946, bốn thôn nằm trên triền sông Nghĩa Trụ là Xuân Cầu, Đồng Tỉnh, Đại Tài, Thọ Vực sát nhập thành xã Nghĩa Trụ.
Tháng 10 năm 1947 Huyện Văn Giang cắt về Tỉnh Hưng Yên. Xã Nghĩa Trụ thuộc Huyện Văn Giang, gồm bốn thôn và một ấp là Xuân Cầu, Đồng Tỉnh, Thọ Vực và ấp Đồng Tỉnh. Làng Đồng Tỉnh có giai đoạn gọi Cửu Tỉnh, làng Xuân Cầu có giai đoạn gọi Hoa Cầu, Huê Cầu, Huê Kiều, ngày nay gồm ba thôn (Tam Kì, Phúc Thọ, Lê Cao) xã Nghĩa Trụ có thời kỳ gọi Tổng Xuân Cầu, xã Xuân Cầu.

Đây là vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Trải qua 26 đời vua Lê sơ, Lê trung hưng và triều Hậu Lê, làng Hoa Cầu có nhiều người thành danh trong đường khoa cử. Đáng lưu ý nhất là vào giai đoạn triều hậu Lê với các vị:
Đồng tiến sĩ Nguyễn Hằng thi đỗ khoa Bính Tuất (1586), làm quan tới chức Tham chính, tước Thái Bảo Thọ Kiền hầu (Khi nhà Mạc mất, ông cùng một số quan lại trong triều đình Mạc đều bị bắt).
Đồng tiến sĩ Nguyễn Tính đỗ Khoa Nhâm Thìn (1640), làm quan tới chức Thượng thư, tước Nghĩa hầu công.
Đồng tiến sĩ Nguyễn Hành, đỗ khoa Mậu Thìn (1688) làm quan tới chức Thượng thư, tước Dương Trạch Bá.
Đồng tiến sĩ Quản Danh Dương, đỗ khoa Canh Dần (1710), làm quan tới chức Thị lang, tước Hoa phái hầu.
Đồng tiến sĩ Nguyễn Quốc Dực, đỗ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan tới chức phó Đô ngự sử.
(1) Cử nhân Nguyễn Nhã Trực, đỗ khoa Bính Ngọ (1726), làm quan tri huyện Yên Dũng.
Đồng tiến sĩ Quản Dĩnh, đỗ khoa Đinh Mùi làm quan tới chức Đại học sĩ.
Chánh tiến sĩ Quản Đình Du, đỗ khoa Tân Hợi (1731) làm quan đến chức Hàn lâm thị chế.
(2) Cử nhân Nguyễn Viết Thục, đỗ khoa Mậu Ngọ (1735).
(3) Cử nhân Nguyễn Giản Kính đỗ khoa Quý Mão (1747) làm quan tri huyện Thanh Châu (Phú Thọ).
Đồng tiến sĩ Nguyễn Gia Cát, đỗ khoa Đinh Mùi (1787).
Hương cống Nguyễn Thủ Phác, đỗ khoa Kỷ Mão (1819).
(4) Cử nhân Tô Ngọc Huyền, đỗ khoa Ất Dậu (1825)
Đồng tiến sĩ Tô Trân, đỗ khoa Bính Tuất (1826), làm quan tới chức Tham tri bộ Lễ, toản tu Quốc sử quán. 6.Tô Trân (1781-?) người xã Xuân Cầu huyện Văn Giang phủ Thuận An (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Cử nhân năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Biên tu, Tuần phủ Định Tường (1826), Án sát Thái Nguyên, Thái bộc tự Thiếu khanh sung làm Toản tu tại Quốc sử quán, rồi thăng Tả tham tri Bộ Lễ. Sau ông xin cáo lão về quê.
(5) Cử nhân Nguyễn Đức Huy, đỗ khoa Giáp Ngọ (1834), làm quan Án sát Cao Bằng.
(6) Cử nhân Tô Ngọc Nữu, đỗ khoa Canh Tuất (1850), làm Giáo thụ.
(7) Cử nhân Nguyễn Mệnh Phương, đỗ khoa Nhâm Tý (1852)
Tô Đăng (con trai Tô Trân) đỗ Cử nhân năm 1867
Phó bảng Tô Huân đỗ khoa Mậu Thìn (1868)
(8) Cử nhân Tô Ngọc Sướng, đỗ khoa Bính Tuất (1886)
(9) Cử nhân Đào Quản, đỗ khoa Tân Mão (1891)
Phó bảng Nguyễn Đạo Quán, đỗ khoa Mậu Tuất (1898)
Cử nhân Tô Nha, đỗ khoa Canh Tý (1900)

Bước sang thế kỷ 20, Xuân Cầu lại xuất hiện nhiều danh nhân văn hóa, điển hình là ông Nguyễn Công Hoan (1903), họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906)...
Cũng vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, Xuân Cầu lại xuất hiện một đội ngũ thanh niên còn rất trẻ, giàu lòng yêu nước căm thù giặc, cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho đất nước. Đó là các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Chấn, Lê Giản, Tô Quang Đẩu.
Ngày nay có Đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ Đại tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư đảng ủy công an Trung ương, bộ trưởng Bộ công an".






2. VÀI NÉT VỀ DÒNG SÔNG NGHĨA TRỤ (CÒN ĐƯỢC GỌI LÀ SÔNG TẾ GIANG)
"Nghĩa Trụ – một chi lưu/phân lưu của dòng sông Hồng (tức sông Cái/sông Mẹ/sông lớn) ngậm đỏ phù sa. Đây là một dòng sông cổ, do bồi lấp và trải qua thời gian mà dòng sông này có khúc chỉ còn như một con mương hoặc bị đứt đoạn. Tìm trong sử sách và nhất là khảo sát thực địa, chúng tôi thấy dòng sông Nghĩa Trụ được bắt nguồn từ sông Hồng mà điểm đầu phân lưu thuộc địa phận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1958, khi xây dựng công trình thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải, đoạn này được đào rộng và phải di chuyển một phần dân cư Bát Tràng vào trong làng, trong đó có ngôi chùa Kim Trúc. Như vậy, hiện nay đôi bờ đoạn đầu sông này (tức đoạn công trình thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải) là cư dân của hai xã Bát Tràng và Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm.
Sau đoạn đầu phân lưu/chi lưu này thì dòng Nghĩa Trụ được chia làm hai nhánh lớn. Nhánh thứ nhất chảy vào địa phận tỉnh Hưng Yên, nhánh sông này bị đứt đoạn làm hai. Đoạn thứ nhất chảy qua địa phận Văn Giang, Xuân Cầu, Đồng Tỉnh rồi đổ vào sông Hoan Ái. Đoạn thứ hai ở phía nam tỉnh Hưng Yên, gọi là sông Cầu Cáp hoặc sông Điềm Xá/Mai Xá. Sông bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông (Phan Sào Nam) chảy qua Cầu Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), rồi chảy đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng xuống Mai Xá (Tiên Lữ). Nhánh thứ hai của dòng Nghĩa Trụ chảy vào địa phận Hà Nội, đi qua địa phận xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) gọi là sông Cầu Chùa (vì ven sông có một ngôi chùa Minh Ngộ), chảy lên đến địa phận xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) được gọi là sông Đào Xuyên (tức sông Đào), theo hồi cố của các cụ cao niên thì ven sông đoạn thôn Đào Xuyên trước đây có trồng nhiều Đào, chảy qua địa phận thôn Lê Xá (xã Đa Tốn) thì hợp lưu với sông Đài Bi tại miếu Cầu Vương (dòng sông Đài Bi bị “chết” vào thế kỷ 18, nay chỉ còn dấu vết là dải đầm chạy dọc hai thôn Khoan Tế và Thuận Tốn thuộc xã Đa Tốn). Tương truyền xưa kia, nơi đây là ngã ba sông sầm uất đông vui. Nhân dân Đa Tốn còn truyền câu ca dao xưa nói về phong cảnh phồn thịnh:
“Cầu Vương có chốn thanh nhàn
Có sông tắm mát có hàng nghỉ ngơi
Tháng tám thì đi xem bơi
Tháng hai xem hội, tháng mười đúc chuông”
Sách Đại Nam nhất thống chí, Nhà xuất bản Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1971, tập 4, trang 83 cho biết:
“Sông Nghĩa Trụ ở cách huyện Gia Lâm 22 dặm về phía đông nam, do nguồn nước ruộng các xã Lê Xá, Phú Thị, Nông Vụ và Cổ Bi đổ xuống... Năm đầu niên hiệu Vĩnh Khánh triều Lê (1727), đê Cự Linh và các xã bị vỡ, triều đình sai Hữu thị lang bộ Lễ, tiến sĩ Hồ Phi Tích đôn đốc việc khai sông để thuỷ chế các lưu thông...”.
Dòng Nghĩa Trụ tiếp tục chảy qua địa phận xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đến đầu địa phận thôn Thạch Kiều (Thạch Cầu) xã Thạch Bàn (nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên) chỗ giao lưu với con đường thiên lý về xứ Hải Đông (Hải Dương, nay là đường quốc lộ số 5) thì được gọi là sông Cầu Bây. Cái tên Cầu Bây chắc là có muộn, vì rằng vào giữa thế kỷ 19, dòng sông này vẫn được gọi là Nghĩa Trụ. Văn bia đợt tu sửa cầu dưới thời Nguyễn Thiệu Trị thứ 6 (1846) hiện còn tại đình Cầu Bây có ghi:
“Trưởng làng, chức sắc cùng mọi người thôn Thạch Cầu, xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh làm bài minh văn ghi lại sự việc. Ruộng đất của làng được phân chia bởi giữa sông Nghĩa Trụ, cầu cũ đã bị đổ. Vào ngày tháng năm Tân Sửu (1841) cùng sửa lại 10 bộ vì cầu đá. Cho đến mùa Hạ năm Bính Ngọ (1846) việc tu sửa hoàn thành, toàn dân mỗi người một chút bằng những tấm lòng đã gom được công đức...”.
Dòng sông tiếp tục chảy qua địa phận Nông Vụ, xã Hội Xá (nay là phường Phúc Lợi) đi ngược lên Lệ Mật, xã Việt Hưng (nay là phường Việt Hưng) rồi nhập vào dòng Thiên Đức (nay là sông Đuống). Đôi câu đối hiện còn tại chùa Lệ Mật (chùa Cổ Giao), nói về vị thế của ngôi chùa, đề rằng:
“Đối diện Thường Sơn phiếu nhật nguyệt
Cận lâm Nghĩa thuỷ tẩy trần ai”
Nghĩa là:
“Đối diện núi Thường khều nhật nguyệt
Gần sông Nghĩa Trụ rửa bụi trần”
Núi Thường là núi gì? thì chưa có điều kiện bàn đến nhưng ở đây, chúng tôi muốn nói đến cái thuỷ danh Nghĩa Trụ và cũng là nói đến điểm kết của dòng chảy này, của nhánh thứ hai trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên thuộc Hà Nội.
Điểm qua một chút cơ bản về dòng chảy địa lý – dòng sông Nghĩa Trụ chẳng qua là cái cớ/cái mở đầu để tìm về quá khứ, tìm về vẻ đẹp muôn đời qua đúc kết của dòng chảy lịch sử. Đó chính là những giá trị có trong bản thân một vài di chỉ, di tích tiêu biểu bên dòng Nghĩa Trụ thuộc địa phận huyện Gia Lâm và quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Như trên đã đề cập, sông Nghĩa Trụ là dòng sông cổ, ngoài chức năng/nhiệm vụ tiêu/cấp nước của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thì nó còn là huyết mạch giao thông chính của người Việt cổ nơi đây. Chính hai bên dòng sông này, người Việt cổ đã từng sinh sống, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Điều này được minh chứng qua kết quả các đợt khai quật khảo cổ học. Địa bàn xã Đa Tốn (Gia Lâm), dấu tích Đông Sơn phát hiện thấy trên một vùng đất khá rộng. Tại di tích “Nghè Cũ” giáp bờ phải sông Nghĩa Trụ, vào năm 1974 đã phát hiện một chiếc thạp đồng thau loại lớn ở độ sâu 30 cm. Khi mới phát hiện, lòng thạp đầy đất; đáy thạp có màu đen của than củi. Thạp còn khá nguyên lành, bề ngoài có màu vàng xám xen nhiều mảng rỉ xanh. Thạp cao 42 cm, đường kính miệng 44 cm, đáy thạp thu vào, đường kính 37 cm. Thạp có đôi quai kiểu mui thuyền. Trang trí trên thạp có 8 băng hoa văn nổi, gồm hai loại vạch: vạch đứng song song và văn tròn có chấm giữa và tiếp tuyến. Đây là hai loại hoa văn trang trí trên trống đồng, thạp đồng, vũ khí và các dụng cụ khác bằng đồng của văn hoá Đông Sơn. Trong khu vực “Nghè Cũ” còn thấy nhiều mảnh gốm thuộc giai đoạn Đường Cồ, Đông Sơn muộn có trang trí hoa văn khắc vạch chéo, song song hoặc in ô vuông... “Tầng văn hoá” ở đây còn thấy nhờ các mặt cắt của thùng lò, có chỗ dày trên dưới 1m. Niên đại của di tích này vào khoảng đầu Công nguyên. Theo dòng Nghĩa Trụ, chạy đến địa phận thôn Lê Xá, ở phía bờ phải chúng ta lại gặp một di chỉ “Nghè ông Hai”. Di chỉ này phát lộ một chiếc rìu đồng lưỡi cong có họng hình chữ nhật. Trên một mặt rìu trang trí nổi hoa văn ô trám lồng và vạch song song. Rìu có chiều dài 9,3 cm; rộng lưỡi 6,4 cm. ở giữa thân rìu có tra chốt hãm, lưỡi rìu có nhiều vết xước lớn, chứng tỏ rìu đã qua thời sử dụng nhiều. Ngoài rìu còn thấy một chiếc dáo đồng kiểu “búp đa”, dài 10 cm nhưng đã hỏng phần họng và mẻ hai rìa lưỡi. Các mảnh gốm cũng phát lộ nơi đây thuộc cùng loại với như ở “Nghè Cũ”.
Khoảng cách giữa di tích “Nghè Cũ” và “Nghè ông Hai”, ở sát bờ trái sông Nghĩa Trụ là di tích “Gốc Đề”. Nơi đây phát lộ hai chiếc dáo “búp đa” còn khá nguyên lành, thường thấy trong các mộ quan tài hình thuyền, niên đại thế kỉ 1-2 sau Công nguyên.
Cũng tại các di tích nêu trên bên dòng sông Nghĩa Trụ còn tìm thấy nhiều di vật của thời văn hoá kiểu Hán – Lục triều - Đường, thuộc 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đó là những di vật như gạch xây mộ kiểu “Hán” có văn hoa trám lồng nổi trên một cạnh, gốm “Hán” in ô trám lồng, đồ bán sứ, bình hũ gốm men rất độc đáo.

Như vậy, đôi bờ sông Nghĩa Trụ dấu tích văn hoá và lịch sử ở 10 thế kỷ đầu Công nguyên còn thấy khá nhiều. Điều đó chứng tỏ trên vùng đất ven sông Nghĩa Trụ có dấu tích hoạt động liên tục của con người. Ở thời đại Hùng Vương đã có nhiều xóm làng quần cư đông đúc. Đó chính là tiềm năng làm nên điểm sáng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà bằng cứ là nghĩa quân của ba anh em họ Đào ở Lê Xá (Đa Tốn), rồi danh tướng Khoả Ba Sơn được thờ ở Xuân Đỗ Hạ (Cự Khối). Những bằng chứng vật chất ấy, những chiến công ấy vẫn được nhân dân ca ngợi, ghi lòng tạc dạ trở thành tấm gương soi, là niềm tự hào cho các thế hệ lưu danh, thờ phụng.
Dấu tích vật chất dưới thời Lý và Trần bên bờ sông Nghĩa Trụ cũng chỉ tìm thấy trong lòng đất ở các di chỉ khảo cổ học trải dài từ điểm đầu chi lưu của dòng sông Cái (sông Hồng) với hai bên bờ của địa phận xã Bát Tràng và Kim Lan, qua Kiêu Kỵ đến Đa Tốn. Bằng kết quả 3 đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực bãi Hàm Rồng, xã Kim Lan vào năm 2001, 2003 và 2005 cho thấy: Di vật ở bãi Hàm Rồng rất phong phú, bao gồm tiền đồng, gạch ngói, vật liệu kiến trúc trang trí, dấu tích lò gốm, bàn xoay, con kê... Ngoài những di vật có từ thời Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 10) thì nhiều và phổ biến là gốm thời Trần và Lê. Các nhà khai quật khảo cổ học kết luận nơi đây là nơi sản xuất gốm vào thế kỷ 13 – 14. Đó là một sự mở rộng phạm vi của trung tâm gốm Bát Tràng. Cũng tại các di chỉ khảo cổ học bên dòng Nghĩa Trụ được phát lộ vào những năm 1984 (di tích Nghè ông Hai) là cây tháp cao khoảng 50 cm có trang trí nổi ở khoảng giữa một hình phật bà quan âm ngồi trên toà sen và các hoa văn trang trí khác mang phong cách nghệ thuật Lý; rồi những phát lộ vào năm 1978 và năm 1982 tại di tích Nghè Cũ là những hiện vật gốm có trang trí hoa văn cánh sen với các thể loại gốm men nâu, âu gốm men ngọc, chậu và bát đĩa men ngà và rất nhiều những hiện vật khác, với các chủng loại khác nhau có phong cách nghệ thuật Trần. Như vậy với những phát hiện và kết quả khai quật khảo cổ học bên dòng sông Nghĩa Trụ như một khẳng định về giá trị to lớn của cái “Thuỷ danh” này là “nhịp cầu” giao lưu giữa các tiểu vùng miền ven sông nước của chốn Kinh bắc xưa hay nó là một huyết mạch giao thông rất quan trọng của khu vực nam phần tỉnh Bắc Ninh. Điều đó cũng quan trọng, nhưng vấn đề đặt ra là con sông tiêu/cấp nước này nó gắn liền với nghề nông, nghề buôn bán thương thuyền xuôi ngược để từ đó đưa ra nhận định về cách ứng xử của con người vùng ven sông nước này thông qua một vài di tích, lễ hội và những nghi thức cộng đồng tiêu biểu.

Như chúng ta được biết, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, triều đình nhà Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống và do vậy vào thế kỷ 15, phật giáo bị chính quyền hạn chế, ngôi chùa không còn điều kiện phát triển. Trước đó, trong cuộc chiến tranh xâm lược, giặc Minh đã tàn phá khá nhiều ngôi chùa. Và như thế, phật giáo bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, ẩn mình nơi thôn dã. Sang thế kỷ 16, nhà Mạc đã mở đầu cho giai đoạn mới. Trên bình diện mỹ thuật, đó là thời kỳ mở đầu của nền nghệ thuật dân gian phát triển. Sự vươn lên của nền kinh tế, trong đó là sự phát triển của thương mại gắn với thương thuyền, với mặt nào đó, tư tưởng được cởi mở hơn, khiến cho các tôn giáo, tín ngưỡng có điều kiện phục hồi và phát triển. Ngôi chùa và các kiến trúc khác đương thời đã phát triển mạnh mẽ dọc theo các đầu mối giao thông đường sông. Trong những con đường giao thông ấy phải nói đến con sông Hồng cùng các chi lưu của nó mà một trong số các chi lưu ấy cũng không ngoại trừ dòng sông Nghĩa Trụ. Dọc theo bờ dòng sông này phải kể đến những ngôi chùa tiêu biểu như chùa Minh Ngộ (xã Kiêu Kỵ), chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn), chùa Cầu Bây (phường Thạch Bàn), chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng) và nhiều ngôi chùa khác...
...Rõ ràng vào thế kỷ 16, 17 với sự phát triển của thương thuyền buôn bán xuôi ngược từ trung tâm Luy Lâu về Kẻ Chợ/ Kinh đô Thăng Long đã cho ra đời câu ca dao ấy để phản ánh sự tấp nập buôn bán, sự giao lưu thông thương bằng đường thuỷ. Trên con đường từ Thăng Long về Dâu/Luy Lâu ấy thì rõ ràng muốn từ sông Nhị/sông Cái/sông Hồng đến sông Dâu tất phải qua sông Thiên Đức/sông Đuống và cả việc đi qua sông Nghĩa Trụ ra sông Đuống về sông Dâu hoặc qua sông Nghĩa Trụ về thẳng sông Dâu qua khu vực Phú Thị, Dương Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm)...
...Trong quá trình khảo sát thực địa trên địa bàn quận Long Biên, chúng tôi thấy rằng sông Nghĩa Trụ còn có các chi lưu nhỏ mà nay chỉ còn là con mương nhỏ hoặc dòng lạch, hoặc chỉ còn tồn tại trong ký ức của người dân địa phương. Những chi lưu nhỏ này tiêu nước từ các khu vực làng quê và những cánh đồng rồi đổ ra sông Nghĩa Trụ. Điều đáng chú ý là bên cạnh các dòng lạch ấy xuất hiện các di tích thờ Linh Lang. Đó là những ngôi đình Ngô, Cầu Bây (phường Thạch Bàn), Thổ Khối (phường Cự Khối), Nha, Trạm (phường Long Biên), Trường Lâm (phường Việt Hưng), Sài Đồng (phường Phúc Đồng)... Và, trong các lễ hội đó còn có những trò diễn, những nghi thức dân gian gắn với việc cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp ven bờ sông Nghĩa Trụ này...

Trích đăng từ cuốn sách "HUYỀN TÍCH ĐỒNG TỈNH XUÂN CẦU"của tác giả Trần Xuân Đat.
"Vùng đất Nghĩa Trụ bắt đầu được nhắc tới trong chính sử cùng sự xuất hiện của vị Kiến Quốc Vương Trần Tự Khánh, khi ông còn là chàng trai trẻ, tài ba của gia đình hào phú phủ Thiên Trường nhờ nghề chài lưới đánh bắt cá mà trở nên giàu có, vị tướng trẻ có tài năng quân sự, tổ chức các trận đánh chiến lược, chiến thuật tìm lập đại bản doanh cát cứ một vùng, mượn cơ hội triều đình nhà Lý lung lay, khủng hoảng trầm trọng đã chọn tướng tuyển quân dưới danh nghĩa giúp Thái tử Lý Hạo (Sảm) khôi phục kinh đô Thăng Long sau cuộc nổi loạn của Phạm Du trong đất Nghệ An khiến triều Lý nghiêng ngả....

Nghĩa Trụ khi ấy là vùng đất vừa được hình thành, khai phá, cải tạo sau công cuộc đại trị thuỷ của nhà Lý tiếp tục quai đắp, nối liền những đoạn đê bên tả ngạn sông Hồng, Nghĩa Trụ với hệ thống kênh ngòi dẫn nước tự nhiên, là cửa khẩu tiêu thoát úng lũ cho vùng đất cổ Tế Giang. Với mạng lưới giao thông thời kỳ đó chủ yếu bằng đường thuỷ lên rất thuận tiện cho việc di chuyển quân lương, thông thương buôn bán giữa dân các châu, lộ như lộ Hồng, lộ Khoái, với kinh thành Long Biên....
...Tháng 7 năm 1352 (Nhâm Thìn) Thiệu Phong thứ 12; Nguyên, năm Chí Chính thứ 12. Mưa lớn liên tục kéo dài nhiều ngày, dòng nước lũ theo sông Nghĩa Trụ dâng trào, các vùng đất trũng mới khai hoá ngập băng trong biển nước đỏ ngầu như máu, lúa má các xã thuộc đất Nghĩa Trụ chìm sâu dưới làn nước lụt. Nước từ thượng nguồn đổ về ngày thêm cuồn cuộn, dòng nước chảy xiết xoáy cuộn xói vào thân đê, lại thêm gió to, sóng lớn nối nhau dồn ép khiến đoạn đê hai xã Đại Bát (Bát Tràng) và xã Thổ Khối vỡ toang, toàn vùng Khoái châu, Hồng châu, đặc biệt ở phủ Thuận An, những gì còn lại trên vùng đất khả dĩ cao lần nữa lại bị cuốn trôi vào trong dòng nước lũ. Người và gia súc chết vì lũ cuốn nhiều vô kể...
...Sự kiện lớn đã đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc dân sinh tới từng người dân trong xã bắt đầu từ năm 1958, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khởi công xây dựng công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải phục vụ công cuộc trị thuỷ cho một vùng rộng lớn đất đai châu thổ, và Bác Hồ đã dành nhiều tâm huyết cho công trình này trong ngày lễ khởi công 20 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ đã phát biểu: "Ngày trước, dưới chế độ thực dân phong kiến, ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương mười năm chín hạn, năm nào cũng đói kém, nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giả phóng, đời sống nhân dân ba tỉnh được cải thiện ít nhiều, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết tâm cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào..."Theo lời Bác, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Hà Văn Tấn cùng hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh, sinh viên, cán bộ Trung ương và địa phương, các đoàn khách quốc tế và nhân dân Nghĩa Trụ cùng nhân dân trong các tỉnh bạn từ Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang, từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên, từ Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang đổ về với những công cụ đào đắp thô sơ, chủ yếu dùng sức người đã tiến hành khai thông, đào mới và nạo vét mở rộng dòng chảy hệ thống sông Nghĩa Trụ chỉ sau 7 tháng, đúng ngày 1 tháng 5 năm 1959 công trình được hoàn thành với khối lượng khổng lồ: Xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát đá 226.000 m3, đào đắp gần 3 triệu m3 đất..., đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác cải thiện cuộc sống mới cho nhân dân Nghĩa Trụ và nhân dân các tỉnh bạn có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua trong công tác thâm canh gieo cấy, chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tăng năng suất cây trồng".


Như vậy ta thấy rằng về mặt Phong thủy, con sông Nghĩa Trụ (Còn gọi là sông Tế Giang ) đã làm nên phát tích một làng Khoa bảng cực kỳ phát triển theo chiều dài của lịch sử.



XIN THEO DÕI TIẾP
BÀI 1
BÀI 2
BÀI 3


Nguồn: DIENBATN BLOG - Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019.


No comments:

Post a Comment