Saturday, August 20, 2011

Người tù trong phòng giam sơn trắng - Merle L. Pribbenow (Đặng Mi Lộc dịch)

Người tù trong phòng giam sơn trắng

Merle L. Pribbenow (Đặng Mi Lộc dịch)




Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết

Lời nói đầu

Cuộc chiến chống khủng bố thực là đáng nản và khó xử. Đây là thứ chiến tranh đối đầu với những mục tiêu thường xuyên thay đổi và phương thức lại không chắc chắn, một cuộc chiến không quy ước trong mọi nghĩa của nó. Cái khó nhất đối với sự hiểu biết của một người Mĩ trung bình là sự rắc rối trong việc thu thập thông tin từ những phần tử khủng bố bị bắt giữ tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, Vịnh Guantanamo, Cuba, và những nơi khác trên thế giới. Mới đây một bạn học cũ biết tôi là cựu nhân viên CIA, có bày tỏ với tôi về chuyện anh rất sốt ruột với tiến độ của cuộc chiến chống khủng bố.

Anh nói rằng, anh tin là mối đe doạ khủng bố đối với nước Mĩ lớn đến mức, phải dùng bất kì phương pháp gì, kể cả tra tấn, miễn là lấy được thông tin, và rằng anh không thể hiểu sao các đồng sự của tôi không thể trấn áp thẳng tay bọn tù binh. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đương đầu với một cuộc chiến chống khủng bố, và những nỗ lực thẩm vấn các nghi phạm tại Hoa Kì, Afghanistan và Vịnh Guantanamo dựa trên những kinh nghiệm thu thập được từ những thập kỉ trước đây. Bài viết này mong được ghi lại một bài học như thế trong thời kì Việt Nam.



Nguyễn Tài

Hơn ba mươi năm trước, quân lực miền Nam bắt được một người có cấp bậc cao nhất trong suốt thời kì chiến tranh Việt Nam. Đây là người chỉ huy các hoạt động tình báo và khủng bố tại Sài Gòn hơn năm năm trời, đã giết hay gây thương tích cho hằng trăm người Việt miền Nam và Mĩ. Nhân viên an ninh và tình báo Mĩ và miền Nam thẩm vấn đương sự hơn hai năm ròng, dùng đủ kĩ thuật lấy cung tinh xảo ở cả hai nước để mong lấy được nhiều bí mật của đương sự.

Frank Snepp, nhân viên CIA đã tiến hành phần thẩm vấn cuối cùng, dành hẳn một chương của cuốn hồi kí nổi tiếng về những năm cuối của toán CIA tại Sài Gòn thẩm vấn người mà ông gọi là “người tù trong hầm bạch tuyết” [1] này.

Snepp tưởng rằng quân miền Nam đã thủ tiêu người tù này trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng Tư 1975 để tránh bị ông ta trả thù những kẻ đã tra tấn ông ta trong tù quá lâu.

Snepp đã lầm. Người tù kia thoát chết. Mấy năm trước ông ta đã xuất bản một tập hồi kí mỏng nhan đề là Đối mặt với CIA Mỹ [2] . Quyển sách đã đặc tả chuyện ông ta chống trả như thế nào với những cuộc thẩm vấn căng thẳng của một số nhân viên CIA cừ khôi, và những nhân viên thẩm vấn miền Nam thật độc địa. Quyển sách có thể cung cấp những vấn đề cả về mặt thực tiễn lẫn mặt đạo lí mà những nhân viên thẩm vấn hôm nay phải đối đầu.


Một thanh niên yêu nước

Giống như Osama bin Laden, Nguyễn Tài là một người có học, thông minh hoạt bát, con nhà dòng dõi. Cha ông, Nguyễn Công Hoan, là một nhà văn nổi tiếng. Bác ông, Lê Văn Lương, là một Uỷ viên Trung ương Đảng, và là nhân vật số hai của Bộ Công an (cơ quan an ninh và phản gián, tổ chức theo kiểu KGB của Liên Xô).

Tài tham gia “cách mạng” từ năm 1944, lúc mới 18 tuổi. Đến năm 1947, ở tuổi 21, là Trưởng Công an thành phố Hà Nội, trong vùng Pháp kiểm soát [3]. Suốt thời chiến tranh chống Pháp, Tài hoạt động trong lòng Hà Nội, chỉ huy các hoạt động tình báo chống lại ý đồ xâm nhập và tiêu diệt kháng chiến. Cuộc chiến đấu bí mật như thế là cuộc vật lộn khó khăn, bẩn thỉu, không kiêng dè các thủ đoạn ám sát và khủng bố.

Tài rất hăng say trong công tác. Theo một cuốn sử về các cuộc chiến dịch của công an, vào năm 1947, ngay khi vừa nắm chức chỉ huy công an thành phố, Tài lập ra những đội ám sát, gọi là Đội Thanh Việt, để diệt Pháp, trừ Việt gian. Cuốn sử về Hà Nội dành hết trang này sang trang khác kể lại những cuộc săn lùng ám sát do những đội này lãnh trách nhiệm [4]. Tháng Chín 1951, trong một chiến dịch phối hợp giữa lực lượng Bộ Công an và đội công an thành phố của Tài, một người phụ nữ giả vờ là vợ của một viên chỉ huy toán bảo an thân Pháp đã đánh đắm một tàu hải quân Pháp bằng một khối chất nổ nặng 30 cân đặt trong va li mà cô đem lên tàu. Người phụ nữ đó ôm chiếc va li đến khi nó nổ tung, có lẽ đây là trường hợp đánh bom cảm tử đầu tiên trong lịch sử.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, rồi phe cộng sản kiểm soát miền Bắc, Nguyễn Tài thăng cấp rất nhanh trong hàng ngũ Bộ Công an.

Ông Nguyễn Tài (1970),
ảnh trong tác phẩm Decent Interval của Frank Snepp, Random House New York, 1977
Một phần cũng là nhờ thành tích ông ta tiếp tay trong đợt đấu tố cha mình về tội chống chế độ. [5] Năm 1961, Tài được bổ nhậm Giám đốc cơ quan phản gián do Bộ Công an mới lập ra, gọi tắt là KG2 [Cục bảo vệ Chính Trị 2] [6]. Trong cương vị này, ông điều khiển các hoạt động gián điệp hai mang chống miền Nam và lực lượng Mĩ, trong đó phải kể thành tích tóm gọn các gián điệp và các toán phá hoại miền Bắc được thả dù hay đổ bộ bằng thuyền vào những năm đầu thập niên 1960 [7].
Tài cũng đảm nhận công tác đàn áp không nương tay những người bất đồng chính kiến trong nội bộ và tiến hành thẩm tra sơ bộ dẫn đến vụ “Hoàng Minh Chính” nổi tiếng, thực chất là một vụ thanh trừng các phần tử “xét lại” ở tầng lớp cán bộ cấp cao trong Đảng. Chiến dịch này nhằm triệt hạ thành phần thân Nga và thân Võ Nguyên Giáp, trong số đó có những Uỷ viên Trung ương Đảng và thành phần nội các và một số tướng lãnh lúc bấy giờ chống đối đường lối của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn [8] .


Vào Nam

Năm 1964, Tài từ giã vợ và ba con nhỏ để xuôi Nam tham gia chiến đấu chống Mĩ và miền Nam. Năm 1966 ông là trưởng công an của Thành uỷ Sài Gòn-Gia Định [9]. Về mặt nào đó, việc bổ nhậm Tài vào chức vụ đó là việc đúng: ông có một kho kinh nghiệm điều khiển những hoạt động an ninh tình báo và khủng bố bí mật trong lòng địch từ thời làm Trưởng Công an Hà Nội những ngày chống Pháp. Tuy nhiên, Tài là người biết quá nhiều về những chuyện cơ mật, gồm luôn cả chi tiết về những “gián điệp” của Mĩ và miền Nam cài ở Bắc nay đang làm việc cho miền Bắc; danh tính những gián điệp miền Bắc cài vào hàng ngũ lãnh đạo miền Nam; và những rạn nứt cùng những phe cánh trong nội bộ lãnh đạo miền Bắc. Do vậy, cử Tài vào nắm hoạt động bí mật trong lòng địch là một liều lĩnh lớn của chế độ Hà Nội. Tài bắt tay vào việc ngay. Lệnh công tác đề ngày 17/5/1965 của Công an Trung ương Cục miền Nam chỉ thị ông phải “khai thác mọi cơ hội để giết lãnh đạo phe địch và bọn Việt gian, tăng cường các cuộc tấn công chính trị thông qua việc gieo rắc sợ hãi và hoang mang trong hàng ngũ địch, đồng thời tiến hành thu dùng cảm tình viên ở các cấp thấp trong đội ngũ cảnh sát”. [10]

Tài tiến hành sứ mạng này rất năng nổ, gây ra hàng loạt vụ đánh bom và ám sát nhân viên cảnh sát và an ninh miền Nam cũng như giới lãnh đạo miền Nam. Theo thông cáo báo chí của công an Việt Nam năm 2002 thì “Dưới sự chỉ huy của ông Tài, lực lượng công an đã đưa được nhiều điệp viên và vũ khí vào thành phố, và đã tạo nhiều đợt tiến công làm kinh hoàng kẻ địch. Trong số này đáng chú ý là vụ ám sát viên thiếu tướng trực thuộc văn phòng Tổng thống Sài Gòn và vụ đánh bom bãi đậu xe Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia”. [11] Tài chỉ huy nhiều vụ khủng bố khác, bao gồm những vụ đánh bom nhắm vào các nhân viên cảnh sát và những nơi nhân viên cảnh sát và tình báo thường lui tới; vụ ám sát một chức sắc cao cấp của Quốc hội miền Nam; vụ mưu sát ông Trần Văn Hương, về sau là một tổng thống miền Nam; những vụ ám sát sĩ quan cảnh sát và những phần tử Việt cộng phản bội hàng ngũ. [12]


Bị bắt

Năm 1969, Tài phải chuyển hoạt động về vùng đồng bằng Cửu Long cho an toàn hơn, do hạ tầng cơ sở tại Sài Gòn bị Mĩ và miền Nam làm tiêu hao nặng nề sau cuộc tổng tấn công của phe cộng sản Tết 1968. Tháng Chạp 1970, Tài và một số tuỳ tùng bị quân miền Nam bắt được trên đường đi dự phiên họp chính trị. Lời khai lí lịch và giấy tờ tuỳ thân của họ sớm bị phát hiện là giả mạo.

Sau cuộc thẩm vấn và tra tấn sơ bộ của nhân viên an ninh miền Nam, Tài thay đổi lời khai để tránh bị ép buộc phải tiết lộ địa điểm và danh tính của nhân viên tại cơ sở. Ông “thú nhận” mình là một đại uý quân đội miền Bắc vừa mới thâm nhập. Khi cuộc thẩm vấn trở nên căng, ông “thú tội” rằng thật ra ông là một điệp viên quân đội được cử vào Nam làm giấy tờ hợp pháp để đi Pháp nhận công tác (mà ông khai là chưa biết là sẽ được giao việc gì). [13] Mỗi lần thay đổi lời khai, Tài làm ra vẻ chống cự và chỉ giả vờ chịu thua khi thẩm vấn viên “ép buộc” ông phải khai.

Ông làm thế chỉ là đánh đòn cân não với thẩm vấn viên, làm như thể ông bị họ “chiếu tướng” nên phải khai thật, cốt là để đánh lạc hướng chú ý của họ đối với những việc mà ông muốn che giấu – như nơi đóng bộ chỉ huy, danh tính những người liên hệ, và chính danh tính và chức vụ của ông.

Những cố gắng của Tài phần nào đạt mục đích là có được thêm thời gian cho đồng đội và giao liên trốn thoát về chỗ ẩn mới và cũng là đánh lạc hướng đối phương. Nhưng việc ông khai là một một sĩ quan tình báo quân đội khiến cấp trên rất chú ý. Thay vào chỗ những nhân viên thẩm vấn cấp dưới (và chỉ được huấn luyện nghiệp vụ ít ỏi) ở vùng đồng bằng Cửu Long, Tài được đưa về Sài Gòn để giao cho những chuyên viên thẩm vấn ở Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia trực thuộc cơ quan Tình báo Trung ương miền Nam. [14]


Kế hoạch phản cung

Ai làm nghề thẩm vấn chuyên nghiệp cũng đều biết rõ một điều là phải có hiểu biết về đối tượng thì cuộc thẩm vấn mới đạt yêu cầu. Các thẩm vấn viên ở Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia gặp phải cái khó là khi Tài mới về đó, họ chẳng biết ông ta là ai. Tài giấu thật kĩ căn cước thật, khai tên tuổi hành trạng và công tác hoàn toàn giả mạo. Ông làm bộ khai báo thật thà, nhưng chỉ là cho biết những thông tin ai cũng biết rồi hoặc là không ai kiểm chứng được. Để cho thấy là mình chẳng biết gì về cơ quan và sự liên hệ ở địa phương, ông khai rằng ông vừa mới ở Bắc thâm nhập bằng thuyền (dạo tháng 11/1970 có chuyện một chiếc thuyền mới vào đến cửa sông ở vùng đồng bằng Cửu Long thì bị quân miền Nam tiến đánh và phá huỷ). Ông khai là được chọn đi công tác ở Pháp nhờ giỏi tiếng Pháp, và được trên cho biết là ở Sài Gòn đang làm thủ tục giấy tờ, khi nào giấy tờ xong xuôi thì sẽ được giao việc cụ thể.

Tin tức về việc huấn luyện tình báo quân đội và những huấn luyện viên ở ngoài Bắc đều là những chi tiết mà ông biết là đã được những đồng sự bị bắt trước đây đã bảo nhau. Như vậy có vẻ là Tài đã cung cấp nhiều thông tin “nhạy cảm” mà đối phương có thể kiểm chứng được, làm tăng độ tin cậy cho lời khai, nhưng kì thật những thông tin đó chẳng hé thêm điều gì phương hại đến chính nghĩa của ông.  Việc lúc đầu ông “giấu” thông tin này và chỉ “thú” ra khi bị nhân viên miền Nam đánh đau quá, theo ông, chỉ làm tăng thêm độ xác tín của lời khai mà thôi.

Tài bảo là những thẩm vấn viên CIA đầu tiên, một người đứng tuổi tên là “Fair” (sic) và một người còn trẻ tên là “John” đều tin lời ông.

Người ta bắt đầu nghi ngờ lời khai của Tài. Tài cho rằng sở dĩ những lời khai của mình bị đặt vấn đề là vì có một số thuộc cấp trong cơ quan công an Sài Gòn nóng lòng truy tìm dấu tích thủ trưởng, bèn bắn tiếng cho cán bộ nằm vùng trong thành đi săn tin về một người có bí danh như thế (hẳn nhiên là không phải tên thật), với ngày giờ và địa điểm bị bắt. Khi tình báo miền Nam bắt được cán bộ nằm vùng này thì cơ quan an ninh trung ương miền Nam thắc mắc là tại sao công an lại bỏ công dò tìm tung tích một tù nhân tự khai là một tình báo quân đội, là người trực thuộc một cơ quan khác hẳn. Có thể Tài tin thật đó là nguyên do lời cung của ông bị đổ. Nhưng thật tình có lẽ ông không ngờ là ông không che mắt được tình báo Mĩ như ông tưởng. Theo lời cựu nhân viên CIA Peter Kapusta, là người đã kể cho soạn giả Joseph J. Trento (1990) rằng ông có can dự vào việc chấp cung Tài. “John” bén nhạy nhận ra kẽ hở của lời Tài khai và tiến hành thẩm tra ngay. [15] Tài thừa nhận là sau khi trắc nghiệm nhịp tim đập, Tài đã thách thức “John” khi “John” muốn thẩm tra chi tiết về tiểu sử của Tài [16]. Bất kể là sự hoài nghi nhen nhúm từ đâu, Tài được chuyển giao lại cho tình báo miền Nam, là những người có cách thẩm vấn kiểu của họ.


Lấy cung

Lần này tình báo miền Nam quyết bắt Tài phải khai thật lí lịch, bước đầu để bẻ gãy ông ta. Họ bắt đầu hạch ông ta về những khoảng trống trong tiểu sử, khi ông một mực bảo là ông đã khai thật thì họ tra tấn ông. Họ cho điện giật, đánh bằng dùi cui, đổ nước vào lỗ mũi nhưng bịt chặt miệng lại, “nhỏ nước kiểu Tàu” (nhỏ từng giọt nước xuống sống mũi ròng rã nhiều ngày), giữ chặt trên ghế ngồi qua nhiều ngày không cho ăn uống trong lúc thẩm vấn liên tục không nghỉ. Nhưng Tài vẫn giữ nguyên lời khai.

Khi đưa cho Tài xem tấm ảnh chụp gồm nhiều cán bộ công an cộng sản nay đang bị giam giữ hay ra đầu thú, tình báo miền Nam mau chóng lần ra được lí lịch thật của người trưởng công an Sài Gòn Gia Định. Kế đó họ cho những tên chỉ điểm, những thuộc viên từng biết ông ra nhận diện vị thủ trưởng. Một tên chỉ điểm là một phụ nữ mà, theo lời Tài kể, đã cài bom tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia theo lệnh của Tài [17].

Tài vẫn giữ nguyên lời khai và (dựa vào thành tích quá khứ) có thái độ hăm dọa những kẻ tố giác ông, khiến một kẻ trong đám đó đã phải tự vẫn sau đó ít lâu [18].

Tình báo miền Nam đưa ra một kế mới. Họ bảo Tài là họ đang dự trù trao đổi tù binh cấp cao, nhưng ông chỉ được chấp nhận trao đổi nếu chịu khai thật hành tung của mình. Họ hứa hẹn là sẽ không bắt ông phải khai thêm điều gì ngoài chuyện khai báo thực hành trạng của mình [19]. Họ trưng bằng chứng là tờ chỉ thị do chính tay ông viết, và những tấm ảnh chụp ông đi bảo vệ an ninh cho ông Hồ Chí Minh trong chuyến công du Indonesia. Quá mệt mỏi và kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, Tài đành chịu thua, vì cho là đằng nào thì người ta cũng biết hết cả rồi. Tài viết lời khai rằng “tên thật tôi là Nguyễn Tài, bí danh Tư Trọng, và là đại tá của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” [20].


Không được nghỉ ngơi

Chắc Tài cũng biết rằng thú nhận rồi cũng chưa phải là xong chuyện. Sau một thời gian giải lao ngắn ngủi coi như một món quà thưởng, thẩm vấn viên miền Nam quay trở lại bắt ông phải khai rõ chi tiết về hành trạng của mình. Tài từ chối, thế là lại tra tấn. Ông bị đặt ngồi trên ghế nhiều ngày không nghỉ; bị đánh đập; bị bỏ đói; không cho uống nước trong nhiều hôm; bị treo lên sà nhà, hai tay muốn rụng khỏi thân mình. Ròng rã hơn sáu tháng như thế, Tài cảm thấy nghị lực như muốn suy sụp; ông biết sức kháng cự đã muốn tiêu tan. Trong một lần nghỉ xả hơi giữa buổi thẩm vấn, Tài tìm cách cắt cổ tay tự vẫn để tránh phải khai ra những điều cơ mật chỉ vì ngã quỵ về cả thể xác lẫn tinh thần. Nhân viên miền Nam phát hiện kịp và tạm ngưng tra tấn để ông lại sức [21]. Tài kể rằng ông giữ được mình trong khoảng thời gian này là nhờ ông luôn ghi nhớ trách nhiệm đối với đồng chí và gia đình. Có một lúc, khi người ta chìa tấm ảnh thân phụ ông, ông đã thề với lòng là “không bao giờ làm điều gì hại uy tín của Đảng và danh dự gia đình.” [22]

Khó đoán biết đâu là động cơ đã thúc đẩy ông, nhưng mấu chốt ở đây chính là “danh dự gia đình”. Là người có học trong một gia đình trí thức chứ không phải thành phần giai cấp “công-nông”, chắc là lòng trung kiên của Tài đối với Đảng đã bị thử thách nhiều lần. Tài không hề nói ra, mà người ngoài cũng chẳng hề biết rõ, khi bố ông bị kiểm điểm và bị Đảng thất sủng không lâu sau khi kiểm soát miền Bắc sau 1954.

Trong thời gian này ông cần phải chứng tỏ lòng trung thành. Nếu đúng như lời Snepp viết cũng như những thẩm vấn viên tin như thế, rằng Tài đã tiếp tay tố giác cha mình trong giai đoạn này, thì hồi kí của ông cho biết rằng sau đó cha con ông đã làm lành trở lại, không còn chuyện đau nhức trong gia đình nữa. Tất nhiên tâm lí con người thật phức tạp, nhưng đối với người ngoài thì việc Tài phản bội cha đẻ có thể là một điểm yếu mà xem ra lại biến thành một điểm mạnh của Tài.

Xin ai đó đừng vội lên án những thẩm vấn viên miền Nam đã xử tệ với Tài, ta nên nhớ là trong vòng năm năm trời, người tù này đã điều khiển nhiều cuộc tấn công ác liệt chống lại chính họ, bạn bè họ, đồng nghiệp họ, và gia đình họ. Họ biết chắc là nếu Tài trốn thoát hoặc được thả về, thì ông ta sẽ trả miếng họ ngay lập tức. Trong năm 1970, năm cuối cùng trước khi Tài bị mất tự do, cho dù biến cố Tết Mậu Thân có gây thiệt hại nặng nề, chỉ riêng ở Sài Gòn đã có ít nhất ba lần đánh bom và mấy vụ ám sát do thuộc cấp của Tài nhắm vào nhân viên cảnh sát và tình báo miền Nam [23]. Chuyện này chẳng khác nào bỗng nhiên có người đem Osama bin Laden giao cho cảnh sát New York bảo họ chấp cung. Nếu sự việc có “hơi nặng tay” thì cũng đừng lấy làm ngạc nhiên. Vả chăng, theo lời kể của tù binh Mĩ bị các thẩm vấn viên miền Bắc đối xử trong “khách sạn Hilton Hà Nội” nổi tiếng, thì những biện pháp tra tấn thể xác của họ cũng y hệt như người ta đối xử với Tài mà thôi. Chiến tranh là tàn nhẫn ở cả mọi phía; chẳng tay ai sạch sẽ cả.


Hầm sơn trắng

Chỉ có thể phỏng đoán, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ tiếp tục tra tấn. Mùa Thu 1971, cấp trên của Tài ra tay cứu mạng. Ngày 9 tháng 10, phía cộng sản thả một tù binh Mĩ tên là John Sexton, anh ta cầm về bức thư của Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Gia Định. Trong thư, ông đề nghị trao đổi Tài và một tù binh khác nữa tên Lê Văn Hoài để đổi lấy Douglas Ramsey, một nhân viên ngoại giao Mĩ nói sõi tiếng Việt đã bị bắt giữ từ năm 1966, mà phe cộng sản tin chắc là tình báo Mĩ. [24] Lập tức Tài thôi bị tra tấn và chấp cung. Mặc dù các cuộc thương lượng trao đổi bị bế tắc ngay sau đó, Tài bỗng nhiên trở thành một thứ của quý, đúng như cấp trên của ông dự liệu, và chẳng ai muốn làm xây sứt nó. [25] Giờ đây Tài là một quân cờ chính trị ở cấp cao.

Đầu năm 1972, Tài được thông báo là sẽ đổi đến nơi mới và sẽ do người Mĩ thẩm vấn. Người ta bịt mắt dẫn ông ra xe đi đến một địa điểm không rõ, đưa ông vào một căn hầm kín mít sơn trắng xoá được thắp sáng suốt ngày đêm, và có đặt máy lạnh công suất cao. (Như bao nhiêu người Việt khác, Tài rất kị máy lạnh, cho rằng gió lạnh thì độc). Tài bị biệt giam trong hầm này suốt ba năm trời, cốt để làm ông hoang mang và mất phương hướng. [26]

Việc thẩm vấn lại bắt đầu. Lần này thẩm vấn viên là một người Mĩ đứng tuổi mà Tài gọi là “Paul”. Paul chính là Peter Kapusta, một nhân viên CIA thâm niên, là chuyên viên phản gián công tác tại Vụ Xô Viết - Đông Âu, và là người thân cận với trùm phản gián CIA là James Jesus Angleton. [27] Chính Tài cũng thừa nhận là Kapusta và những thẩm vấn viên Mĩ khác (“Fair”, “John”, và Frank Snepp) không hề ngược đãi ông, mặc dầu ông luôn nghi ngờ là người Mỹ muốn gài ông vào chuyện gì có thể khiến cấp trên ông ở trong rừng nghi rằng ông đã thoả hiệp với “địch”. Kapusta và các thẩm vấn viên người Mĩ khác cố lấy lòng Tài qua việc cho thuốc uống, tăng phần ăn, quần áo mới (phần lớn Tài đã từ chối hoặc huỷ hoại chúng vì sợ làm thế thì sẽ mất phẩm chất “đạo đức cách mạng”). Họ cũng quan tâm đến những yếu đuối của con người - sợ lạnh, cần có bầu có bạn, tình cảm gia đình. [28]

Trong hồi kí, Tài cho biết rằng ông quyết định đổi chiến thuật ngay khi biết là được giao lại cho người Mĩ. Thay vào những câu đáp gọn lỏn “Không” hoặc “Tôi không biết” như khi trả lời thẩm vấn viên miền Nam, bây giờ thì ông dứt khoát: “Tôi sẽ trả lời câu hỏi và sẽ gắng kéo dài việc thẩm tra để chờ ngày dứt chiến tranh. Tôi sẽ trả lời nhưng không tự nguyện làm điều gì. Tôi có thể trả lời sai hoàn toàn, nhưng tôi cứ nhất quyết bảo là đúng”. [29] Nói khác đi, Tài chịu nói, đây là điều ông không tin ở lòng mình lắm khi còn bị người miền Nam tra tấn, vì sợ rằng trong lúc suy kiệt ông có thể lỡ miệng vô tình khai ra những chuyện cơ mật. Ông định chơi trò câu thời gian ở trong tay người Mĩ càng lâu càng tốt để khỏi rơi lại vào tay người miền Nam, mà ông tin chắc là họ sẽ đánh gục hoặc giết chết ông. Thế nghĩa là ông phải chơi trò đấu trí với người Mĩ, chọn lọc để nói với họ những điều họ đã biết rồi, hoặc những chuyện vô thưởng vô phạt, trong khi đó ông vẫn cảnh giác để bảo vệ những chuyện cơ mật của công an: danh tính các điệp viên, các giao liên, và những tay sát thủ.

Tuy vậy, đây là một việc khá gay cấn, chính Tài cũng phải nhận là đôi khi ông bị đẩy vào những khu vực cấm. Điều khá lí thú là Tài đổ lỗi cho báo chí và đài phát thanh cộng sản đã phổ biến những báo cáo về một số vấn đề tế nhị, khiến cho ông không thể nào nói rằng ông chẳng biết gì về những chuyện như thế. Tài viết như sau, nghe chẳng khác gì giọng điệu của những nhân viên tình báo và quân đội Mĩ:

Tôi luôn kiên quyết phản đối ý đồ của các cơ quan tuyên truyền của ta bàn thảo về những vấn đề bí mật trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Giờ đây, chương trình phát thanh “Vì an ninh tổ quốc” đã công khai nói về việc [Bộ] “kiểm điểm các đặc vụ công an”, tôi buộc phải hé cho chúng (nhân viên Mĩ) chút tin tức nào đó. [30] 

Peter Kapusta làm việc với Tài trong mấy tháng trời và nghĩ là có chút tiến bộ. Sau đó ông được chuyển công tác. Washington cử Frank Snepp thay thế. Snepp quyết định dùng chiêu mới để tạo chuyển biến với trường hợp của Tài. Như bao nhiêu thẩm vấn viên người Mĩ khác đã lấy cung Tài, Snepp không nói được tiếng Việt. Thẩm vấn phải cần thông dịch viên người Việt, thường là một phụ nữ. Snepp quyết định cắt hoàn toàn các thẩm vấn viên người Việt để Tài được nói thoải mái hơn. Một hôm ông ta đem theo một thông dịch viên người Mĩ nói được tiếng Việt để làm việc.

Tài vốn đa nghi, nghĩ rằng ngày nào còn có người Việt can dự trực tiếp vào việc thẩm vấn thì ông còn có cơ may là sẽ có lời bay tới các “đồng chí” ở ngoài kia. Nếu chỉ toàn người Mĩ thì cấp trên của ông sẽ chẳng biết đâu mà lần ra tung tích hoặc tìm cách thẩm tra việc ông khai khẩu cung trong này. Tài thường băn khoăn làm sao giữ được hồ sơ sạch sẽ để cấp trên có thể xác minh là ông không hề giúp đối phương trong khi thẩm vấn. Ông nghĩ là chuyện này rất hệ trọng đối với tương lai bản thân và gia đình ông. Là một sĩ quan an ninh chuyên nghiệp, Tài thừa biết lối trừng phạt của Đảng Cộng sản là đến cả đời con cháu. Thế là ông giả vờ không hiểu người thông dịch viên người Mĩ nói gì cả, để đòi cho được thông dịch viên người Việt, dù ông phải nhận là người thông dịch viên Mĩ nói tiếng Việt khá tốt. [31]

Kế hoạch tiến triển khá trôi chảy. Tuy vậy, cũng lúc đó người viết bài này can dự vào vụ này. Như Tài đã định trước, Snepp ngày càng khó chịu và nóng lòng, trách cứ người thông dịch viên người Mĩ vì tiến độ quá chậm chạp. Sau một buổi lấy cung, Snepp lại gặp tôi (chúng tôi quen nhau từ chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam), nói với tôi là ông rất phiền lòng về “thành tích” của thông dịch viên (cũng là bạn đồng nghiệp khá thân với tôi), và hỏi xem tôi có rảnh thì làm việc với ông trong lần chấp cung tới. Tiếc là lần đó tôi không rảnh nên Snepp đành phải đưa thông dịch viên người Việt vào thay. Lúc đó tôi cứ thắc mắc tại sao có chuyện như Snepp nói hôm đó. Ba mươi năm sau, đọc hồi kí của Tài tôi hiểu vì sao.


Hệ quả của Hiệp định Paris

Ngày 27 tháng Giêng 1973, Hiệp định Hoà bình Paris được kí kết, khuyến nghị việc trao trả tù binh và những thường dân bị bắt giữ. Theo đó, Snepp không cần nhận lệnh từ cơ quan tình báo trung ương của Miền Nam (vẫn đang là cơ quan chủ quản trường hợp của Tài), đã thông báo cho Tài và những tù binh khác về chuyện trao đổi tù binh. Bị biệt giam đã lâu, hoàn toàn cách bức với bên ngoài, cho nên thoạt đầu Tài có phần nghi ngờ. Cuối cùng ông cũng tìm cách nói chuyện được với một lính gác (đã được chỉ dẫn là không được nói chuyện với tù nhân trừ những trường hợp khẩn cấp) và được xác nhận tin đó. [32]

Cuộc thẩm vấn của người Mĩ chấm dứt cùng thời điểm kí Hiệp định Paris, mặc dù Tài vẫn còn bị giam ở căn hầm trắng. Tài dùng thông tin lấy được từ Snepp về chuyện trao đổi tù binh để từ chối không chịu cho nhân viên miền Nam thẩm vấn mình nữa. Ông vẫn bị biệt giam nhưng được để yên trong thời gian hai năm sau đó, cho đến khi Sài Gòn thất thủ vào tháng Tư 1975. Ông cảm tạ Snepp đã cho ông tin tức về Hoà ước Paris để từ đó ông được yên thân cho đến khi được thả. Có lẽ Snepp đã cứu mạng Tài.

Theo hồi kí thì Tài vẫn vững lập trường và sống sót nhờ luôn tự nhủ lòng gắn bó với nước, với Đảng, với lí tưởng, và không nguôi nghĩ đến gia đình. Ông tuân thủ nghiêm ngặt nghi thức hàng ngày đứng nghiêm chào ngôi sao, biểu hiệu cho lá cờ miền Bắc (cờ đỏ sao vàng ở giữa) mà ông khắc lên tường, và hát thầm quốc ca miền Bắc, quốc ca của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, và Quốc tế ca – bài hát của phong trào cộng sản quốc tế. [33]

Ông làm thơ và đặt ca khúc trong đầu, luôn nhẩm lại để khỏi quên. Một số là những bài viết theo bổn phận để ca ngợi Đảng, phần lớn còn lại nói về tình thương dành cho các con và gia đình. [34]

Trước khi bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư 1975, một viên chức cao cấp miền Nam đã ra lệnh xử tử Tài, không cho các đồng chí thắng trận vào giải thoát cho ông. Một biện pháp như thế chẳng có gì là khó hiểu, như Snepp có ghi chú, “vì Tài là một kẻ khủng bố được huấn luyện hẳn hòi, khó có thể xem là một kẻ thắng trận mã thượng”. [35]

Nhưng lệnh ra quá trễ. Tất cả các viên chức cao cấp ở cơ quan tình báo trung ương mải lo tháo chạy, cấp thừa hành được tín nhiệm giao công tác canh phòng Tài thì không thể có cơ may trốn thoát, nhưng họ nghĩ để người tù này sống có lẽ lợi hơn. Họ sợ bị trả thù nếu những kẻ thắng trận biết là họ đã giết ông ta, và biết đâu họ còn được thưởng nữa. [36] Tài sống sót và trở về đoàn tụ với gia đình vào mùa thu năm 1975. Tài leo lên các chức vụ quan trọng, trong đó có một khoá đắc cử đại biểu Quốc hội. Tháng Sáu 2002, tại một buổi lễ long trọng tại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), Nguyễn Tài được chính thức tặng danh hiệu cao quý nhất “Anh hùng Quân đội Nhân dân”.



Ngẫm lại

Có thể rút được bài học nào về hiệu quả và tính thich đáng của những kĩ thuật thẩm vấn mà viên chức miền Nam và Mĩ dùng để lấy cung trong vụ ông Tài? Phía miền Nam dùng các biện pháp tra tấn cuối cùng thì cũng có kết quả là bắt Tài phải khai thật tên tuổi, nhưng không giúp khai thác được những thông tin khác. Phía miền Nam đã đóng vai trò then chốt trong việc bẻ gãy lời khai của Tài, nhưng chính là những điều tra và phân tích đã ghép các mảnh rời lại với nhau để tạo thành khối xác minh chắc nịch và hợp lí về hành trạng thật của Tài, hoàn toàn không phải do tra tấn mà đạt được thành công đó. Một chuỗi những câu hỏi tế nhị và thông minh đã từng buộc Tài phải nhận chứng cứ, cũng như những chiêu dụ - chẳng hạn những nhân viên tra tấn đã hứa cứu xét trao đổi tù binh để buộc Tài khai thật tên tuổi - cùng đạt được những kết quả như nhau. Không còn hồ nghi gì nữa, sự tra tấn của viên chức miền Nam đã khuyến khích Tài dành cho người Mĩ chút hợp tác có giới hạn, nhưng chính kĩ thuật tra hỏi khéo léo và các mẹo tâm lí, chứ không phải đòn chấn thương, đã giúp người Mĩ khai thác được chút ít thông tin có ích (dù rất hạn chế) mà Tài cung cấp.

Điều này dẫn tôi trở về với câu hỏi của người bạn học cũ. Tôi trả lời anh bạn điều mà tôi hằng tin tưởng là người Mĩ chớ để phương tiện phản lại mục đích của mình. Tôi không phải là nhà luân lí. Chiến tranh là một việc đáng tởm, và người ta không thể vào chiến cuộc mà tránh khỏi bẩn tay. Tôi cũng không tin là chúng ta phải tuân thủ những những tiêu chuẩn do ACLU (Hiệp hội Tự do Dân sự Hoa Kì) và AI (tổ chức Ân xá Quốc tế) quy định. Chẳng có gì sai khi dùng những đòn tâm lí, doạ nạt, đèn chói, và còng tay, và không cho tù nhân ăn uống mỗi lần vào thẩm vấn. Tuy vậy, có những giới hạn, mà nếu bước qua những giới hạn đó thì người Mĩ chúng ta không còn là chúng ta nữa. Hoa Kì trên hết là một lí tưởng và là nơi mà kiểu tra tấn dùng ở Việt Nam (cả miền Bắc lẫn miền Nam) không có chỗ đứng. Xem vậy thì khai thác được chút thông tin hữu ích từ những phần tử cực đoan của thời nay – như kiểu Nguyễn Tài thời đó - vẫn còn là một thử thách to lớn.

Merle L. Pribbenow là nhân viên CIA đã về hưu.


Bản tiếng Anh © The Man in the Snow White Cell - CIA
Bản tiếng Việt © 2006 talawas


Tài liệu tham khảo

[1]Frank Snepp, Decent Interval (Khoảng cách vừa phải), New York, NY: Random House, 1977. Mặc dầu tôi được bổ nhiệm đến đội CIA Sài Gòn vào thời gian Tài bị bắt, tôi biết rất ít về vụ này. Những chi tiết ghi lại dưới đây hầu như dựa toàn bộ vào những tài liệu phổ biến rộng rãi.
[2]Nguyễn Tài, Đối mặt với CIA Mỹ (Hà Nội: nxb. Hội Nhà văn, 1999)
[3]Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, nhật báo, 13 June 2002, có thể vào trang báo điện tử ngày 15/6/2002: http:// www.cahcm.vnnews.com/1051/10510010.html. Lưu ý: Từ những năm 1960 trở đi đến giữa những năm 1990, Bộ Công an được gọi là Bộ Nội vụ, mặc dầu mọi người vẫn quen gọi là ngành công an, và các viên chức trong ngành thì vẫn gọi là “cán bộ công an”. Để cho giản tiện, tôi dùng chung một thuật ngữ Bộ Công an.
[4]Nguyễn Thế Bảo, Công an thủ đô: Những chặng đường lịch sử (1945-1954), Hà Nội: Nxb. Công an Nhân dân, 1990, tr. 124-25, 132-33.
[5]Snepp, tr. 35.
[6]Trung tá Hoàng Mạc và Thiếu tá Nguyễn Hùng Linh, Lực lượng chống phản động: Lịch sử biên niên (1954-1975). Lưu hành nội bộ, Hà Nội: Nxb. Công an Nhân dân, 1997, tr. 183.
[7]Nguyễn Tài, tr. 157; Phùng Thiện Tâm, bt., Kỷ niệm sâu sắc trong đời công an, Hà Nội: Nxb. Công an Nhân dân, 1995, tr. 71. Về chi tiết các nỗ lực lùng bắt các gián điệp/toán biệt kích để chuyển hoá họ quay lại chống Mỹ và miền Nam, xin xem: Sedgewick Tourison, Secret War, Secret Army: Washington's Tragic Spy Operation in North Vietnam (Chiến tranh bí mật, quân đội bí mật: Cuộc hành quân gián điệp bi thảm tại miền Bắc Việt Nam), Annapolis, MD: Naval Institute Press, 1995, và Kenneth Conboy & Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam (Gián điệp và biệt kích: Tại sao Hoa Kỳ thất bại trong cuộc chiến bí mật tại Bắc Việt), Lawrence, KS: University of Kansas Press, 2000.
[8]Vụ án Hoàng Minh Chính hiện vẫn đương còn là một chương đen tối của Đảng Cộng sản Việt Nam, được nhắc đến trong: Viện Khoa học Công an, Công an nhân dân, Tập II (Dự thảo) - lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh: Bộ Nội vụ, 1978), tr. 206; và Nguyễn Tài, tr. 166-67. Có thể tìm đọc một bản ghi chép đầy đủ hơn về vụ án này trong: Bùi Tín, Their True Face: The Political Memoirs of Bui Tin (Mặt thật: Hồi ký chính trị), Garden Grove, CA: Turpin Press, 1993, tr. 187-90, 370-87.
[9]Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nhật báo, 13 tháng Sáu 2002.
[10]Hoàng & Nguyễn, tr. 229.
[11]Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nhật báo, 13 tháng Sáu 2002. Lưu ý: Theo báo New York Times, 1 tháng Hai 1969, tướng bị đánh bom, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiệm, thuộc võ phòng Tổng thống Thiệu, bị thương nhưng không chết.
[12]Hoàng & Nguyễn, tr. 234-37; Hồ Sơn Đại & Trần Phấn Chấn, Lịch sử Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975), Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 575-76.
[13]Nguyễn Tài, tr. 27, 32.
[14]Sđd., tr. 40-41.


[15]Joseph J. Trento, The Secret History of the CIA (Lịch sử bí mật của CIA), New York, NY: Prima Publishing, 2001. Ở trang. 352, tác giả viết: "Năm 1971, Peter Kapusta là nhân viên CIA có tiếng chuyên thẩm vấn các cán bộ dân sự Bắc Việt giam tại Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia. Đồng sự của ông là John Bodine thì đặc trách thẩm vấn tù quân sự. Một hôm, Bodine đến chỗ Kapusta cầu cứu. Lời khai của một viên đại uý quân Bắc Việt có điều gì đó không ổn. Kapusta bắt đầu xem xét nội vụ. Không lâu sau đó ông lần ra manh mối là viên “đại uý” kia thật ra là một viên tướng chỉ huy phản gián. Viên tướng này là tù binh quan trọng bậc nhất mà Hoa Kỳ bắt được tại Việt Nam.”
[16]Nguyễn Tài, tr. 71-73.
[17]Một tờ trình sau thời chiến cho biết là người phụ nữ này là con gái một viên chức cảnh sát miền Nam đã được một đội viên đội ám sát của Tài mua chuộc. Sđd., tr. 105-06; Phùng Thiện Tâm, tr. 224-28.
[18]Nguyễn Tài, tr. 100-02; Snepp, tr. 31.
[19]Nguyễn Tài, tr. 95.
[20]Sđd, tr. 114.
[21]Sđd, tr. 118-48. Tài kể lại là khi được giải cứu năm 1975, ông báo cáo cho cấp trên, trên đã phê bình Tài là đã toan tự tử, xem như một dấu hiệu của sự yếu đuối. (tr.145)
[22]Sđd, tr. 88.
[23]Hồ Sơn Đài & Trần Phấn Chấn, tr. 575-77.
[24]Nguyễn Tài, tr. 145; Snepp, tr. 32-33; New York Times, 9, 10, 12 October 1971.
[25]Tài kể lại rằng sau khi chiến tranh chấm dứt, Bộ trưởng Nội vụ Bắc Việt nói với ông rằng lãnh đạo nhận thấy khả năng trao đổi tù binh trước khi kí kết Hiệp định Paris rất là mỏng, nhưng mục tiêu trước mắt lúc ấy là “tạo cơ hội để Mỹ Nguỵ giết tôi đi" (Nguyễn Tài, tr. 145).
[26]Chỉ đến khi được thả ra dạo tháng Tư 1975, Tài mới biết là mình đã trở lại Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia ở Sài Gòn, đúng nơi mà nhân viên Mĩ “Fair” và “John” đã thẩm vấn ông một năm trước đó, Nguyễn Tài, tr. 149-51; Snepp, tr. 31, 35.
[27]William Corson, Susan Trento, & Joseph J. Trento, Widows (Goá phụ), London, UK: Futura Publications, 1990, tr. 98, 219, 260; David Wise, Molehunt (Săn lùng gián điệp), New York, NY: Random House, 1992, tr. 219.
[28]Nguyễn Tài, tr. 155-56, 182; Snepp, tr. 35-36.
[29]Nguyễn Tài, tr. 161-62.
[30]Sđd, tr. 175.
[31]Sđd tr. 203-04.
[32]Sđd, tr. 214-17; Snepp, tr. 36-37.
[33]Nguyễn Tài, tr. 70-71, 82.
[34]Sđd., tr. 24, 71, 186, 210-11.
[35]Snepp, tr. 37.
[36]Nguyễn Tài, tr. 243-44.

Nguồn:
The Man in the Snow White Cell - MERLE L. PRIBBENOW, CIA.
https://www.cia.gov/library/center-for-the-study-of-intelligence/kent-csi/vol48no1/pdf/v48i1a06p.pdf




TOP



TOP

No comments:

Post a Comment