Monday, August 22, 2011

TS Tô Thị Tường Vân - Nhà nữ khoa học gắn cuộc đời với cây dâu, con tằm

_ Theo Báo Nhân Dân _

Nhiều năm qua, rất nhiều người biết đến TS Tô Thị Tường Vân bởi chị nguyên là Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, kiêm giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông - lâm nghiệp Lâm Đồng thuộc viện này. Chị còn là nhà khoa học tin cậy của nông dân trong việc trồng dâu nuôi tằm.

Những cống hiến trong lĩnh vực quản lý cũng như nghiên cứu khoa học của TS Tô Thị Tường Vân đã được ghi nhận qua tấm Huân chương Lao động hạng ba mà Nhà nước đã trao tặng cho cá nhân chị vào năm 2003 và giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể khoa học nữ xuất sắc của Trung tâm mà chị là người phụ trách.

Tô Thị Tường Vân sinh năm 1946 ở Mỹ Văn, Hưng Yên. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp ngành dâu tằm tại Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), chị lên đường đi tu nghiệp tại Bulgary, bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại đó. Những năm sau, chị tiếp tục thực tập, nghiên cứu về ngành dâu tằm tại các nước Trung Á, Ần Độ và Nhật Bản. Về nước, chị gắn bó với cao nguyên Lâm Đồng trong những năm tháng sung sức nhất của cuộc đời mình.

Chị say mê về cây dâu, con tằm. Chị kể về những giống tằm đa hệ có đánh dấu giới tính BV1, BV2, BV3 mà chị và các nhà khoa học tại trung tâm đã từng nghiên cứu, lai tạo thành công từ những năm 1988-1990 và đã được nhân rộng trên địa bàn Lâm Đồng từ những năm 1990-1992. Đây là những giống tằm có nhiều ưu điểm.

Chị Vân giải thích: Tằm này có kén mầu trắng, loại mầu mà thị trường thế giới ưa chuộng. Đồng thời, trên con tằm có đánh dấu giới tính từ giai đoạn sâu non nên rất dễ phân biệt con đực - con cái, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình sản xuất trứng. Không những thế, do có thể chọn bỏ được tằm đực trong giai đoạn tuổi bốn, nên giúp nông dân giảm được nhiều công nuôi và tiết kiệm được 40% lượng lá dâu của cả lứa. Các giống tằm đa hệ mới tạo ra này, tức là BV1, BV2 có năng suất và chất lượng kén cao hơn hẳn một số giống khác, độ dài của tơ đơn cũng cao hơn, khoảng từ 500-600 mét, trong khi một số giống đối chứng chỉ đạt 25-300 mét. Một ưu điểm nữa, khi lai với các giống lưỡng hệ như BV1-K09, BV2-K09 thì ưu điểm của các cặp lai này càng nổi trội hơn nữa; năng suất đạt đến 35-40 kg kén/hộp giống, độ dài tơ đơn 900-1.000 mét, tơ đạt cấp A, kén có thể ươm trên mọi công cụ ươm tơ, từ thủ công đến cơ khí hoặc tự động.

TS Tường Vân còn chỉ cho chúng tôi những giống tằm khác mà chị và tập thể cán bộ khoa học của Trung tâm nghiên cứu, lai tạo. Đó là các cặp lai lưỡng hệ, đa hệ cho nông dân nuôi vào mùa khô, mùa mưa và các tiểu vùng khí hậu khác nhau. Những giống tằm mới ra đời, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất dâu tằm tơ trên địa bàn Lâm Đồng. Từ các giống tằm BV1-K09, BV2-K09 năm 1990 đến bốn giống tằm lưỡng hệ từ BV8, BV10, BV11, BV12 và cặp lai tứ nguyên TN10 đã tạo nên sự nhảy vọt về năng suất cũng như chất lượng tơ kén.

Từ nhiều năm trước, với sự nhạy cảm của TS Tô Thị Tường Vân, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã thực sự thành công khi đồng hành công tác nghiên cứu khoa học với thực nghiệm sản xuất và sản xuất thật sự mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện.
Nuôi tằm ở Lâm Đồng.


Năm 2002, thời gian mà giống tằm Trung Quốc nhập về nhiều, trong đó có những loại giống chất lượng rất thấp, nhiều bệnh. Tằm nhà nông bị chết lên chết xuống, có nhà khuynh gia bại sản. Mô hình nuôi tằm con tập trung do trung tâm khởi xướng đã ra đời. Theo đó, tằm con (từ lúc ấp trứng đến khoảng mười ngày tuổi), được trung tâm nuôi ở nơi có đủ điều kiện về kỹ thuật, được chăm sóc tốt, sau đó mới chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi. Cách làm này đã tạo nhiều thuận lợi cho bà con vì lúc này con tằm khỏe, dễ nuôi, tỷ lệ sống đạt cao, thời gian nuôi được rút ngắn. Thời gian đó, chị Vân nói, trung tâm chịu một sức ép rất cao về mặt nghiên cứu, nuôi tằm con và cung ứng cho nông dân, vì nhu cầu của bà con quá cao.

Phận tằm tang gắn bó với người nông dân và những nhà khoa học, TS Tô Thị Tường Vân cũng đã gắn bó gần hết cuộc đời mình với cây dâu, con tằm, với những người sản xuất. Chị coi đó vừa là sự nghiệp và cũng là cuộc sống của mình. Từ 1986 đến 2004, chị đã trực tiếp nghiên cứu, chủ trì trên mười đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ liên quan đến cây dâu, con tằm. Chị cũng là tác giả của 14 giống tằm mới, trong đó có hai giống được Nhà nước cấp bằng sáng chế. Đến nay, mặc dù không còn tham gia quản lý, nhưng TS Tô Thị Tường Vân với tư cách là cố vấn khoa học của trung tâm vẫn đang dốc hết tâm huyết của mình để truyền nghề, dìu dắt, đào tạo những nhà khoa học trẻ.

Chị tâm sự: "Hạnh phúc lớn nhất của nhà khoa học là những kết quả nghiên cứu của mình được xã hội chấp nhận. Tôi là người hạnh phúc".

Vâng, nhà khoa học ấy xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã ghi nhận sự đóng góp của chị, và một hạnh phúc lớn nữa của TS Tô Thị Tường Vân là danh hiệu mà những người trồng dâu, nuôi tằm đã "phong" cho chị: "Nhà khoa học của nông dân".


 ❧ ❀ ❧

1 comment: