Thursday, June 2, 2011

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977)


 


Nguyễn Công Hoan,
tự Trọng Lạc
Theo Wikipedia

Nguyễn Công Hoan là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam.

Ông sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, Hưng Yên, mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại  Hà Nội.)



Mời Xem:

  1. Tiểu sử
  2. Tác phẩm
  3. Thành tựu văn học - Nhận định
  4. Giai thoại
  5. Gia đình - Chú thích - Liên kết ngoài
  6. Tác phẩm (sưu tầm trên mạng)

Video: Nhà văn Nguyễn Công Hoan
(Thực hiện: Trí Dũng, Ngọc Oanh, Huy Hoàng, Thúy Lành, Thùy Trang, Tuấn Anh - Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh & Truyền hình Hưng Yên)


Tiểu sử


Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (thời ấy thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Cha là Nguyễn Đạo Khang đỗ Tú tài, làm Huấn đạo. Bác là Nguyễn Đạo Quán, đỗ Phó bảng, làm Tri huyện (sau thăng Tri phủ). Cha lương ít, lại đông con, nên người bác phải nuôi giúp một số. Trong thời gian ở với bác, Nguyễn Công Hoan được biết đến nhiều về quan trường. Đó là một thuận lợi sẽ giúp ông về đề tài này. Người bác tuy làm quan vẫn giữ lối sinh hoạt thanh bạch của một nhà nho nghèo. Bà nội ở với bác vẫn giữ nghề dệt vải. Nhân vật Lê Sĩ Cư trong “Thanh đạm” là hình ảnh của chính người bác tác giả.

Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này.

Ông có ba người em trai là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương), Nguyễn Công Bồng và Nguyễn Công Mỹ[1][2].

Thuở nhỏ, Nguyễn Công Hoan học chữ Hán. Năm lên 10, bác xin cho vào học trường Bưởi. Năm 1919, ông đỗ Sơ học Pháp Việt, sau đấy bỏ học 3 năm, đến năm 1922 mới thi vào trường Sư phạm.
Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, bắt đầu dạy học, vừa dạy học vừa viết văn ở nhiều nơi (như Hải Dương, Nam Sách, Kinh Môn, Lào Cai, Nam Định, Trà Cổ…...) cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, ông được tiếp xúc với nhiều bố mẹ học sinh, với đủ các hạng người giàu, nghèo, sang, hèn trong xã hội, lại bị đổi đi hết nơi này đến nới khác nên vốn sống càng thêm giàu, điều đó bổ ích cho một nhà văn. Ông lại là người có tinh thần cầu tiến, theo dõi thời sự thường xuyên, thích tìm đọc báo chí Việt Nam tiến bộ và những sách nói về danh nhân trong nước và ngoài nước. Những hoạt động của các nhà văn yêu nước cùng những phong trào quần chúng đều có ảnh hưởng đến ông.

Nguyễn Công Hoan viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.

Năm 1928, ông vào Việt Nam Quốc dân Đảng.



Thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939), Nguyễn Công Hoan được gặp một số chiến sĩ cách mạng mới ở nhà tù ra hoặc ở côn đảo về. Ông bắt đầu tiếp thu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông dương. Ông tìm đọc sách báo của đảng. Ông tham gia phong trào đấu tranh. Ông xin ra nhập chi nhánh Đảng xã hội Pháp. Vì có cảm tình với cách mạng, ông bị bọn thống trị để ý và đe dọa. Sau việc chúng định bắt ông hồi Quốc dân Đảng bị vỡ lở, sau việc chúng cấm cuốn “Bước đường cùng”, ra mật lệnh cho Sở kiểm duyệt cấm tác phẩm của ông, thì từ đại chiến thứ hai bùng nổ , chúng trừng trị ông ra mặt. Luôn luôn chúng khám nhà và có lần chúng truy tố ông trước pháp luật.

Năm 1945, ông bị phát–xít Nhật bắt vì ông hoạt động chính trị và gia đình có người làm cách mạng. Sau Cách mạng Tháng 8, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Ông đã làm Giám đốc Sở kiểm duyết báo chí Bắc bộ, Phó Giám đốc Sở Thông tin tuyên truyền Bắc bộ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập quân đội, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo.

Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948.

Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, viết sách giáo khoa và biên soạn cuốn “Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950” dùng cho lớp 7 hệ 9 năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ. Nguyễn Công Hoan cũng là một trong những nhà văn hiện đại mà tác phẩm đưa vào sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu quan trọng là dạy cho học sinh hiểu, nói, viết tiếng Việt đúng nhất, tốt nhất.

Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề văn với cương vị Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó.
Ông cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).

Nguyễn Công Hoan mất ngày 6 tháng 6 năm 1977 tại Hà Nội, thọ 74 tuổi.

Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vinh dự được là một trong 14 nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học nghệ thuật năm 1996.


Tác phẩm


Ông để lại một di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học, các tác phẩm chính của ông là:

  • Kiếp hồng nhan (truyện ngắn, 1923)
  • Răng con chó của nhà tư sản (truyện ngắn, 1929; đăng Annam tạp chí số 23 năm 1931 với nhan đề Răng con vật nhà tư bản)
  • Hai thằng khốn nạn (truyện ngắn, 1930)
  • Thật là phúc (truyện ngắn, 1931)
  • Người ngựa, ngựa người (truyện ngắn, 1931)
  • Thế là mợ nó đi tây (truyện ngắn, 1932)
  • Xin chữ cụ nghè (truyện ngắn, 1932)
  • Tắt lửa lòng (truyện dài, 1933)
  • Lá ngọc cành vàng (tiểu thuyết, 1934)
  • Kép Tư Bền (tập truyện ngắn, 1935)
  • Cô làm công (tiểu thuyết, 1936)
  • Oẳn tà roằn (truyện ngắn, 1937)

  • Vợ (truyện ngắn, 1937)
  • Bước đường cùng (tiểu thuyết, 1938)
  • Tinh thần thể dục (truyện ngắn, 1939)
  • Phành phạch (truyện ngắn, 1939)
  • Cái thủ lợn (tiểu thuyết, 1939)
  • Nông dân và địa chủ (truyện ngắn, 1955)
  • Tranh tối tranh sáng (truyện dài, 1956)
  • Người cặp rằng hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn 1930 (1960)
  • Hỗn canh hỗn cư (truyện dài, 1961)
  • Đống rác cũ (tiểu thuyết, 1963)
  • Ðời viết văn của tôi (hồi ký, 1971)
  • Tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập)


Năm 1936, truyện dài Tắt lửa lòng của ông đã được Trần Hữu Trang chuyển thể thành vở cải lương nổi tiếng Lan và Điệp.


Thành tựu văn học - Nhận định



Nguyễn Công Hoan viết văn rất sớm, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ngay từ những ngày đầu cầm bút, ông đã xác định được hướng đi và phong cách viết. Ông chuyên viết về những đề tài phản ánh hiện thực xã hội, sở trường là bút pháp hiện thực trào lộng. Ông đã vẽ lên bức tranh sinh động về xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công, giả dối. Ông đả kích không thương tiếc bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, chức cao nhưng ít tài đức, bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt, bọn tư sản vô lương tâm chỉ biết chạy theo đồng tiền và lối sống tư sản lố lăng, đồi bại, đồng thời ông rất thương cảm với cảnh cơ cực của những người nghèo khổ, bênh vực họ.

Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán, trong phê phán lại có tính trữ tình rất sâu đậm. Chính vì vậy mà văn của ông được người đọc yêu mến và trân trọng.
Tác phẩm in đầu tay “Kiếp hồng nhan” (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng tiếng quốc ngữ.
Đến “Kép Tư Bền” (viết năm 1927, xuất bản năm 1935) thì ông thực sự trở thành “một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng (Lê Thị Đức Hạnh)”. “Kép Tư Bền” đã gây lên một chấn động lớn trên văn đàn, 18 tờ báo suốt từ Nam đến Bắc đăng bài khen ngợi. Đây cũng chính là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Là một nhà văn tài ba và tâm huyết với đời, với nghề, Nguyễn Công Hoan độc đáo từ cách nhìn rọi vào cuộc đời, ông lắng nghe và lọc từ trong đó ra những tấn bi kịch và đưa nó vào tác phẩm bằng một giọng văn giễu cợt, mỉa mai. Những cái đó tạo nên phong cách truyện ngắn vô cùng độc đáo, một phong cách rất riêng làm cho ông khác hẳn những nhà văn hiện thực đồng thời với ông.

Nguyễn Công Hoan viết nhiều trong những năm 1920 - 1945. Truyện dài của ông cũng chiếm khối lượng lớn, song cái phần đặc sắc chỉ riêng Nguyễn Công Hoan mới có lại ở truyện ngắn. Trong số những truyện dài của ông tiêu biểu là tác phẩm “Bước đường cùng” (xuất bản năm 1938), cuốn truyện ra đời vào lúc phong trào Mặt trận Dân chủ lên cao, có ảnh hưởng rất sâu rộng. Chính quyền thực dân đã phải ra lệnh cấm lưu hành. Từ sau năm 1954, ông cũng có nhiều truyện ngắn viết về cải cách ruộng đất và chiến sĩ cách mạng.

Qua hơn 50 năm cầm bút, ông để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hơn 200 truyện ngắn, hơn 30 truyện dài cùng nhiều bút ký, hồi ký, tiểu luận về ngôn ngữ, văn học, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Bungari, Ấn Độ, Nhật Bản, Anbani…

Năm 1988, tại cuộc hội thảo khoa học “Nguyễn Công Hoan, con người và sự nghiệp” tổ chức ở Hà Nội nhân 85 năm ngày sinh của nhà văn (1903-1988), nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi trong nước đã tỏ lòng trân trọng và đánh giá đúng mức giá trị bộ tiểu thuyết “Đống rác cũ” của ông, bộ tiểu thuyết đã bị thu hồi năm 1963.

...Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời" mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một "vũ khí của người mạnh" để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng... Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với đặc điểm của nó đã nâng cao khả năng nhận thức và khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp... Chúng ta có quyền tự hào về Nguyễn Công Hoan và coi ông là bậc thầy truyện ngắn...

Nguyễn Công Hoan là nhà văn có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại... Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực.


Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là "cổ điển" trong nền văn học hiện đại."[3]

Từ điển bách khoa Việt Nam đánh giá:
Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam... Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót."[4]

Ngoài sáng tác, những bài tiểu luận, phê bình văn học của ông cũng được đánh giá cao vì có cái nhìn, cách tiếp cận sắc sảo về các tác giả văn học Việt Nam.

... Nguyễn Công Hoan là người lao động nghệ thuật đích thực, là người sống giản dị, khiêm nhường với tất cả sự chân thành của mình... Nguyễn Công Hoan là tấm gương của một người đã trọn vẹn đời mình cống hiến cho sự nghiệp văn học, tấm gương của một người đã miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật hơn nửa thế kỷ. Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa và tài năng trong văn chương.

Tên tuổi của ông đã được ghi trong Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô từ những năm 60[5] và cũng ngay những năm 60 giáo sư tiến sĩ Niculin đã gọi ông là “bậc thầy về truyện ngắn châm biếm”.




Giai thoại



(1)
Mặc dù sinh thời, Phạm Quỳnh nhận xét về Nguyễn Công Hoan rằng: "Truyện viết hay như Tây" nhưng ông rất ít đọc các tác phẩm văn học nước ngoài, kể cả tác phẩm của các tác giả bậc thầy. Theo ông kể lại, ngày còn đi học, ông được một người thân cho ba đồng bạc để mua sách, ông góp thêm tiền vào mua được bộ tiểu thuyết "Bá tước Monte Cristo" (bấy giờ được dịch sang tiếng Việt là "Ngọc Sơn bá tước") của Alexandre Dumas. Sách mua về, ông chỉ đọc có chương đầu tiên rồi bỏ, từ đấy cuốn sách chỉ để cho mượn. Khi ông được người bạn cho mượn một tập truyện ngắn của Guy de Maupassant thì ông cũng chỉ đọc có truyện đầu là truyện "Lão ăn mày", rồi không xem thêm nữa.[6]

(2)
Một lần, cảnh sát khu vực phường Trần Hưng Đạo đến nhà gặp Nguyễn Công Hoan để kê khai bổ sung về hộ khẩu, lý lịch. Đến mục "Trình độ văn hóa", ông khai là "đọc thông, viết thạo". Người cảnh sát khu vực tròn xoe mắt thắc mắc: "Thưa bác, bác là nhà văn lớn mà khai như thế này, liệu có khiêm tốn quá không?".

Ông Hoan nói: "Ghi đúng đấy. Tôi hồi trước học theo văn bằng của Pháp chỉ tương đương hết phổ thông bây giờ. Tôi từng chỉ là thầy giáo tiểu học. Nhưng bây giờ nhiều trường đại học vẫn mời tôi giảng bài cho các thế hệ sinh viên. Theo anh, tôi nên khai như thế nào?".[7]

(3)
Ông nội của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đức Liên, đưa ra quy ước về cách đặt tên đệm lần lượt theo các đời là "Đức, Đạo, Công, Tài, Trường, Thiên, Thế, Tộ", do vậy ông được đặt tên đệm chữ "Công". Các con trai của ông được đặt tên đệm chữ "Tài" (Nguyễn Tài Khoái, Nguyễn Tài Đông, ngang hàng có "Nguyễn Tài Dư, Nguyễn Tài Anh"...).
Cháu nội ông lấy đệm chữ "Trường" (Nguyễn Trường Thống Nhất, Nguyễn Trường Đại...). Cũng theo quy ước đó, khi đến chữ "Tộ" thì quay lại chữ "Đức".
Ý nghĩa của tám chữ được dùng để đặt tên đệm đó đại ý là có đạo đức, có tài năng thì tiếng tăm được lưu truyền trên thế gian này mãi mãi.[8]




Gia đình - Chú thích - Liên kết ngoài



Gia đình
Con trai là Nguyễn Tài, Đại tá nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (Việt Nam)|Bộ Công an.

Cháu Nguyễn Trường Đại, hiện là Đại tá Cục phó Cục Thông tin liên lạc (H47), Tổng cục Hậu Cần Kỹ thuật - Bộ Công an.

Con gái là nhà văn Lê Minh (Nguyễn Tài Hồng).

Liên kết ngoài
Chú thích
  1. [1] "Đồng chí Lê Văn Lương: vì nước, vì dân". Báo Công an Nhân dân. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2008.
  2. [2] "Nguyễn Công Mỹ". Thư viện Hải Phòng. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2008.
  3. [3] Bài giới thiệu về Nguyễn Công Hoan trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt nam
  4. [4] Bách khoa toàn thư Việt Nam online
  5. [5] Danh nhân Hưng Yên.
  6. [6] Báo Tổ quốc online truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2009
  7. [7] [8] Báo Công an Nhân dân và An ninh thế giới online truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2009



Tác phẩm (sưu tầm trên mạng)


Xem: Blog "Nhà văn Nguyễn Công Hoan" - Tại Multiply

Nguyễn Công Hoan,
tự Trọng Lạc

  1. Chuyện thế-gian II, dịch-thuật (cùng Nguyễn Công Tỉnh, Bùi Huy Cường, Nguyễn Trọng Đường) (H.: Tản Đà Thư Điếm, 1923 - 63 p.)
  2. Kiếp hồng nhan (H.: Nghiêm-Hàm, 1924 - 178 p.; 13 cm)(viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923)
  3. Vần chữ Việt-Nam (Hải Dương: Văn Hải Thư Điếm, 1929 - 16 p.)
  4. Những cảnh khốn nạn I (H.: Dương Xuân Thư Quán, 1932 - 218 p.)
  5. Xã-hội ba-đào ký (Hải Phòng: Mai-Lĩnh, 1934 - 14 p.)
  6. Xã-hội ba-đào ký II: Chuyện chó chết (Hải Phòng: Mai-Lĩnh, 1934 - 14 p.)
  7. Xã-hội ba-đào ký III: Hai thằng khốn-nạn (Hải Phòng: Mai-Lĩnh, 1934 - 14 p.)
  8. Kép Tư Bền, truyện-ngắn (H.: Tân-Dân, 1er Juin 1935 - 150 p.) (Tiểu-Thuyết Thứ Bảy)
  9. Cô giáo Minh, truyện dài (H.: Tân-Dân, 1936 - 219 p.) (Tiểu-Thuyết Thứ Bảy)
  10. Tắt lửa lòng (H.: Tân-Dân, 1er Décembre 1936 ; 0$25) (Phổ-Thông Bán-Nguyệt-San 1)
  11. Hai thằng khốn-nạn (H.: Tân-Dân, 1937 - 166 p. ? ; 0$25) (P.T.B.N.S 5)

2 - Kiếp hồng nhan
8 - Kép Tư Bền
9 - Cô giáo Minh
10 - Tắt lửa lòng
11 - Hai thằng khốn-nạn

  1. Tấm lòng vàng, giáo-dục tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Juillet 1937 - 136 p. ; 0$25) (P.T.B.N.S 8)
  2. Đào kép mới (H.: Tân-Dân, 1er Décembre 1937 - 172 p. ; 0$25) (P.T.B.N.S 13)
  3. Tơ-vương, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Mai 1938 ; 0$25) (P.T.B.N.S 18)
  4. Bước đường cùng, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Octobre 1938 ; 0$25) (P.T.B.N.S 23 Bìa trắng, bị cấm)
  5. Sóng vũ-môn, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Décembre 1938 ; 0$25) (P.T.B.N.S 26)
12 - Tấm lòng vàng
13 - Đào kép mới
14 - Tơ vương
15 - Bước đường cùng
16 - Sóng vũ-môn

  1. Lá ngọc cành vàng (1er Mai 1939 ; 0$25) (P.T.B.N.S 34)
  2. Người vợ lẽ bạn tôi, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Décembre 1939 - 154 p. ; 0$25) (P.T.B.N.S 48)
  3. Tay trắng, trắng tay, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 16 Mars 1940 - 160 p. ; 0$25) (P.T.B.N.S 55)
  4. Chiếc nhẫn vàng, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Mai 1940 - 160 p. ?) (P.T.B.N.S 58)
  5. Ông chủ báo, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 16 Juin 1940 - 152 p.) (P.T.B.N.S 61)
17 - Lá ngọc cành vàng
18 - Người vợ lẽ bạn tôi
19 - Tay trắng, trắng tay
20 - Chiếc nhẫn vàng
21 - Ông chủ báo

  1. Nợ nần, tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 1er Octobre 1940 - 160 p. ; 0$30) (P.T.B.N.S 68)
  2. Trên  đường sự-nghiệp, tiểu-thuyết (H.:  Tân-Dân, 1941 - I: 1er Nobembre,  132 p. - II: 16 Nobembre, p. 119-250 -  III: 1er Décembre, p. 233-352 ;  0$30) (P.T.B.N.S 94-96)
  3. Thanh-đạm, truyện dài (H.: Đời Mới, 1942 - 473 p.)
22 - Nợ nần
23.1 - Trên đườngsự-nghiệp
23.2 - Trên đườngsự-nghiệp
23.3 - Trên đườngsự-nghiệp
24 - Thanh-đạm

  1. Nghịch cảnh (H.: Đời Mới, 1943 - 188 p.)
  2. Bơ vơ, tiểu thuyết (H.: Đời Mới, 1944 - 149 p.)
  3. Danh tiết, tiểu thuyết (H.: Đời Mới, 1944 - 230 p.)
  4. Lệ Dung, truyện dài (H.: Đời Mới, 1944 - 176 p.)
  5. Cô làm công, nhật ký (H.: Đời Mới, 1944 - 100 p.)
  6. Ông chủ bà chủ, những truyện thực từ mười năm về trước (H. : Đời Mới, 1944 - 213 p.)
  7. Tấm lòng vàng (H.: Đời Mới, 1944 - 133 p.)
  8. Cái thủ lợn (H.: Đời Mới, 1945 - 220 p.)
  9. Người An-Nam, tiểu-thuyết (H.: Đời Mới, 1945 - 166 p.)
  10. Tôi quyết sống: chuyện chiến sĩ miền Nam (H.: Văn Nghệ, 1955 - 35 p.)
  11. Nông dân với địa chủ, tập truyện ngắn (H.: Văn Nghệ, 1955 - 195 p.)
28 - Lệ Dung
30 - Ông chủ bà chủ
31 - Tấm lòng vàng
32 - Cái thủ lợn
35 - Nông dân với địa chủ

  1. Tranh tối tranh sáng, tiểu thuyết (H.: Văn Nghệ, 1956 - 461 p.)
  2. Gặp năm nhà văn Trung Quốc (cùng Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam) (H.: Văn Nghệ, 1956 - 65 p.)
  3. Viết tiểu thuyết (cùng Võ Huy Tâm) (H.: Văn Nghệ, 1960 - 51 p.)
  4. Hỗn canh hỗn cư, tiểu thuyết (H.: Văn Học, 1961 - 395 p.)
  5. Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng (H.: Văn Học, 1962 - 133 p.)
  6. Đống rác cũ I (H.: Văn Học, 1963 - 622 p.) (Tái bản trọn bộ 4 tập năm 1989)
  7. Đời viết văn của tôi (H.: Văn Học, 1971 - 402 p.)
36 - Tranh tối tranh sáng

39 - Hỗn canh hỗn cư

40 - Thăm nhà người anh em chiến đấu anh dũng
41 - Đống rác cũ

42 - Đời viết văn của tôi


  1. Hỏi chuyện các nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Chu Văn, Bùi Hiển, Tô Hoài, Tú Mỡ, Tế Hanh (H.: Tác Phẩm Mới, 1977 - 208 p.)
  2. Nhớ và ghi (H.: Tác Phẩm Mới, 1978 - 131 p.)
  3. Một kiếp người, tiểu thuyết (H.: Nxb Hà Nội, 1989 - 219 p.)
43 - Hỏi chuyện các nhà văn
44 - Nhớ và ghi



    Truyện nhi đồng:
  1. Phần thưởng danh dự, giáo-dục tiểu-thuyết (H.: Tân-Dân, 25 Septembre 1941) (Truyền Bá 2)
  2. Chuyện ma (H.: Tân-Dân, 6 Nobembre 1941 - 36 p.; 0$10) (Truyền Bá 5)
  3. Nhà triệu phú thọt (H. : Tân-Dân, 1er Janvier 1942 ; 0$10) (Truyền Bá 13)
  4. Ma biên (H.: Tân-Dân, 26 Mars 1942 ; 0$10) (Truyền Bá 24)
  5. Đứa con đã khôn ngoan (H.: Tân-Dân, 2 Juillet 1942 - 30 p.) (Truyền Bá 38)
  6. Tấm lòng vàng, kịch (H.: Tân-Dân, I: 1er Octobre 1942, II: 8 Octobre 1942 - 30 p.; 0$15) (Truyền Bá 51-52)
  7. Xuân Đời Mới: Tết Quí Mùi 1943 (cùng Tam Thanh, Nguyễn Bính, Thao Thao, Thượng Sỹ, Trịnh Thục Anh) (H.: Đời Mới, 1943 - 50 p.)
  8. Trung Thu Trung Thu (cùng Doãn Kế Thiện, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Sanh) (H.: Kim Đồng, 1957 - 43 p.)
  9. Người cập rằng hầm xay lúa (H.: Kim Đồng, 1978 - 16 p.)
1 - Phần thưởng danh dự
6.1 - Tấm lòng vàng
6.2 - Tấm lòng vàng
9 - Người cập rằng hầm xay lúa




     Nguồn: http://my.opera.com/ntd1712/blog/nguyen-cong-hoan
    Xem thêm: http://sachxua.net/forum/index.php/topic,1805.0.html   -  http://s1208.photobucket.com/home/ntd1712c/tag/Nguyen%2520Cong%2520Hoan?view=slideshow


Nguyễn Công Hoan (1903-1977)


Nhà văn Việt Nam. Ông sinh tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh.
Lúc nhỏ học trường Bưởi. Năm 1922, học trường cao đẳng Sư Phạm. Sau khi tốt nghiệp 1926, đi dạy học cho tới năm 1945.
Ông bắt đầu sáng tác, viết truyện từ năm 1920.
- Truyện thế gian (1922).
- Xã hội ba đào ký (1930)
- Kiếp hồng nhan (1923)
- Kép Tư Bền (1935)

Nguyễn Công Hoan chứng tỏ có biệt tài viết truyện ngắn, trào phúng. Tuy nhiên, ông còn là tác giả của 20 truyện dài: Tắt lửa lòng (1933), Lệ Dung, Lá ngọc cành vàng (1935) Thường mô tả những mối tình éo le, bi thảm, phê phán xã hội phong kiến, bảo thủ. Cô giáo Minh (1935), Ông chủ (1935), Bà chủ (1935), Bơ vơ (1938), Cái thủ lợn (1939), Nhật ký cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938), Thanh Đạm (1942).

Sau cách mạng tháng tám, Nguyễn Công hoan làm giám đốc kiểm duyệt báo chí Hà Nội. Ông tham gia viết báo Vệ quốc quân, làm chủ nhiệm báo Quân nhân học báo. Khi hội nhà văn thành lập, ông được bầu làm chủ tịch khoá đầu (1957-1958).

Từ (1956-1963), ông cho xuất bản 3 truyện dài: - Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (1963, in tập I)

Với sự quan tâm và hiểu sâu về truyền thống dân tộc, văn học và ngôn ngữ dân tộc, ông đã viết những tiểu luận về Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thiện Kế, Ngô Tất Tố, Tản Đà… đăng trên các báo văn học.

Tập hồi ký: Đời viết văn của tôi (1971) đã kể lại cho chúng ta những tài liệu quí giá, sinh động về đời sống văn học Việt Nam trước 1945.

Nguyễn Công Hoan mất tại Hà Nội năm 1977, để lại một số bản thảo truyện dài, bút ký, hồi ký, tiểu luận đã hoặc đang được hoàn thành, ghi dấu hơn 50 năm lao động văn học bền bỉ trên văn đàn quốc ngữ, khẳng định vị trí hàng đầu của ông trong trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước cách mạng tháng tám.

(Nguyễn Hoàng Khung).
http://giadinhgpxuanloc.org/sach/ky-yeu-bn/9.htm



TOP

No comments:

Post a Comment