[...]
Đầu năm 1954, ta mở trận tấn công vào Điện Biên Phủ. Bộ đội ta kéo pháo lên đỉnh núi nã tới tấp vào các hầm hào của chúng, phá vỡ từng mảng. Dưới mặt đất, bộ đội ta vừa đánh vừa đào hầm tiến sát vào cứ điểm của chúng. Súng cao xạ đặt như chăng lưới bắn rơi máy bay của chúng như sung rụng. Tên de Castries, chỉ huy cứ điểm này và quân đội chúng rất đông bị bao vây luôn đánh điện cầu cứu. Nhưng không sao cứu nổi, vì ô-tô của chúng không thể tiến vào được nữa, còn máy bay của chúng tiếp tế quân và khí giới lương thực bị ta bắn rơi, những tên lính nhảy dù xuống đều bị ta bắt sống. Trong khi ta mở trận tiến công vào Điện Biên Phủ, thì các mặt trận khắp nơi từ Nam ra Bắc cũng đánh Pháp dồn dập.
Pháp bị thua đậm, chúng giận cá chém thớt, nã đại bác bắn vào làng Xuân Cầu thuộc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên là quê hương ông Tô Hiệu (một chiến sĩ Cộng sản bị hy sinh từ năm 1930) và của các ông đương tham gia kháng chiến như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Hiếu(1), Tô Gi, Tô Quang Đẩu và nhiều ông khác nữa. Ngôi đình cổ, ngôi miếu cổ và cả tòa nhà của ông bác ruột ông Nguyễn Công Hoan bị phá rụi.
Trận chiến Điện Biên Phủ là trận chiến quyết liệt và rực rỡ trong lịch sử nước ta. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, ta hoàn toàn thắng lợi, chiếm cứ điểm của chúng, cắm lá Quốc kỳ lên nóc hầm tên tướng chỉ huy Pháp de Castries. Toàn bộ tướng, tá, binh lính Pháp đều bị bắt làm tù binh. Chính phủ Pháp phải nhờ Chính phủ Ba Lan nói với ta xin điều đình để rút quân về nước. Từ Hội nghị Trung Giã (tại Thái Nguyên) đến hội nghị Genève do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn trong cuộc điều đình ta đều thắng lợi. Đế quốc Mỹ rất căm về trận đại bại này của Pháp, nên sau hội nghị Genève, Mỹ bắt de Castries phải sang Mỹ tường trình về việc bị ta tiến công và Pháp bị đại bại.
(1): Có lẽ tác giả nhầm; chắc là Nguyễn Công Miều (tức Lê Văn Lương).
No comments:
Post a Comment