Saturday, March 16, 2019

Cầu Nghĩa Trụ

Bài thơ: Kinh Nghĩa Trụ kiều thứ nguyên vận - 經義柱橋次原韻 (Phạm Đình Hổ)

Kinh Nghĩa Trụ kiều thứ nguyên vận 經義柱橋次原韻 • Lại qua cầu Nghĩa Trụ họa nguyên vần

Phạm Đình Hổ

經義柱橋次原韻
又從義柱溪頭過,
鷗爪依依篆白沙。
吟罷舊題還自笑,
窮途猶自步當車。


Kinh Nghĩa Trụ kiều thứ nguyên vận
Hựu tòng Nghĩa Trụ khê đầu quá,
Âu trảo y y triện bạch sa.
Ngâm bãi cựu đề hoàn tự tiếu,
Cùng đồ do tự bộ đương xa.


Dịch nghĩa
Lại theo đầu ngòi Nghĩa Trụ đi qua
Móng chim âu rành rành hằn trên cát trắng
Đọc xong bài thơ đề trên cầu khi trước, lại quay ra tự cười
Cùng đường còn tự bước đua với xe


Bản dịch của Kim Anh
Gửi bởi hongha83 ngày 24/04/2012 17:26
Lại qua Nghĩa Trụ cầu này
Móng âu trên cát nơi đây vẫn hằn
Thơ kia đọc lại cười khan
Cùng đường còn cố đua càn với xe

Bản dịch của Trương Việt Linh
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 31/08/2017 20:32
Nghĩa Trụ cầu nầy, nay lại đến
Móng âu trên cát vẫn chưa nhoè
Câu thơ vừa đọc, đầu quay lại
Lối chẹt còn đua với ngựa xe

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 27/06/2018 11:33
Theo đầu ngòi Nghĩa Trụ đi qua,
Móng chim âu trên cát vẫn chưa nhoà.
Bài thơ tự cười đề khi trước,
Cùng đường còn tự với xe đùa.

Nghĩa Trụ: Cầu bắc qua sông Nghĩa Trụ ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Con sông này do vua Vĩnh Khánh (1729-1732) Lê Đế Duy Phường cho đào vào năm 1729.
Theo K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c - Chính Biên - Quyển thứ 37
[...]
Kỷ Dậu, năm thứ 10 (1729). (Từ tháng 4 trở về sau là năm Vĩnh Khánh thứ nhất đời Đế Duy Phường-Thanh, năm Ung Chính thứ 7)...
Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Nước sông Nhị tràn ngập, đường đê nhiều chỗ bị vỡ. Triều đình sai bọn Hồ Phi Tích đào sông Nghĩa Trụ để cho thủy thế lưu thông. Một mặt mở kho thóc Vị Hoàng chẩn cấp cho dân bị thủy tai. Những ruộng cấy lúa mùa, bị ngập lụt được cấp cho thóc giống. Lại sai quan khuyến nông chia ra từng đạo đi khám xét, chia dân lưu vong làm 4 hạng, bàn định thi hành việc cứu vớt.

Lời chua-Bốn hạng dân: Theo Lê sử tục biên, thì lúc ấy chia dân lưu vong làm 4 hạng: hạng thứ nhất: những dân phiêu lưu mất tích; hạng thứ hai: những dân nhiều người phiêu tán, chỉ còn một hai suất; hạng thứ ba: những dân nghèo khổ sắp phải phiêu tán; hạng thứ tư: những dân chưa phải phiêu tán, chưa phải nghèo khổ, nhưng đã có khe kẽ khác xảy ra tệ hại.

Nhị hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Sông Nghĩa Trụ: Ở địa phận các xã Lê Xá, Phú Thị, Nông Vụ và Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nước ở ruộng bốn xã trên đỗ ra, khi chảy đến địa phận xã Xuân Cầu thì hợp làm một dòng, rồi chia thành ba chi: một chi chảy qua địa giới huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương làm thành sông Đạo Khê chảy suốt ra cửa biển Thái Bình; một chi từ sông Đạo Khê chảy qua địa phận huyện Cẩm Giàng làm thành sông Vân Đậu chảy vào sông Hàm Giang rồi đổ vào biển; một chi về phía nam chảy vào địa giới huyện Đông An làm thành con sông nhỏ Đông Xá hợp vào với sông Nhị.

Nguồn: Tuyển tập thơ văn Phạm Đình Hổ, NXB Khoa học xã hội, 1998
Nguồn: Thi Viện - Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Phạm Đình Hổ » Đông dã học ngôn thi tập



Theo olympia.net.vn

Nguyễn Hằng người làng Hoa Cầu, huyện Văn Giang, đậu Tiến sĩ năm 39 tuổi khoa Bính Tuất, đời Hậu Lê, (1586) làm quan đến chức Đặc tiến kinh tử vinh lộc đại phu, Sơn Tây đẳng sứ thừa chính uy tham chính, tước Thọ kiều tử. Khi về hưu ông được vua tặng chức Thái Bảo, tước Thọ kiều hầu.

Làm quan to nhưng tính ông giản dị, ở thì nhà tranh, ăn thì rau luộc chấm muối, sống một cuộc đời thanh bạch. Ông luôn giữ vững khí tiết và rất vui tính.

Sinh thời ông làm bài thơ "Nghèo" vẫn được truyền tụng cho đến nay:

Ứ hữ trên đầu tóc đã hai
Nghĩ mình khó ngặt chửa bằng ai
Nằm nhà dột khư khư ngáy
Lắc hầu không khích khích cười
Cột thiếu mành to che tháng giá
Bếp không niêu đất nấu canh khoai
Lại nghe Chu Dịch lời này nữa
Bĩ cực ngày rày ắt thái lai.
Khi thi đỗ đạt rồi, ông Nghè Nguyễn Hằng về vinh quy bái tổ, cũng chỉ có rau muối dưa cà đãi khách.
Ba mươi chín tuổi đậu đăng khoa
Song biết ai bằng song biết ta
Đãi khách vẻ vang rau luộc muối
Liễn canh chan chứa nước dưa cà.

Bạn đồng khoa của Nguyễn Hằng là Tiến sĩ Lê Thế Lộc, người làng Hạ Yên Quyết (tức làng Cót) huyện Từ Liêm, sang chơi nhà ông nhân đi qua cầu bắc qua sông Nghĩa Trụ, đọc đùa một vế đối:
Sẻ đỗ đầu cầu đi lát xát

Vế ra khá hiểm vì lấy luôn địa danh làng Hoa Cầu của Nguyễn Hằng, nhưng ông cũng đối ngay:
Chuột ngồi miệng cót vẩy le te

Ai đã tận mắt quan sát những con chuột ngồi trên miệng cót thóc vừa ăn vừa vẩy trấu thóc tứ tung mới thấy vế đối lại của Nguyễn Hằng là sống động. Cót vừa là cót thóc vừa là làng Cót quê của Lê Thế Lộc. Vế ra đã hay, vế đối càng tuyệt, trong vế đối ta như nghe cả tiếng cười lạc quan của ông Nghè nghèo vậy.

Đồng chí Lê Văn Lương với một số người dân quê hương Xuân Cầu Đồng chí Lê Văn Lương với một số người dân quê hương Xuân Cầu.
Trong ảnh có thể thấy cầu cũ làm bằng tre và gỗ, xe ô tô không qua được, phải đỗ ở bờ bên kia.

Năm 1981, khi xã Nghĩa Trụ làm xong chiếc cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Nghĩa Trụ, nối xã với quốc lộ 5, đồng chí Lê Văn Lương về dự lễ khánh thành.

Photo Che Trung Hieu

No comments:

Post a Comment