Văn Giang ngày nay là một huyện ở phía Bắc tỉnh Hưng Yên, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội. Không chỉ nổi tiếng về làng nghề cây cảnh, Văn Giang còn nổi tiếng từ thời xa xưa về sự hiếu học, là “Đất đa văn” và có “Làng Tiến sĩ”.
Trước thời Lê, Văn Giang được gọi là Tế Giang thuộc xứ Kinh Bắc
Thời nhà Nguyễn, Văn Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1947, Văn Giang nhập về tỉnh Hưng Yên.
Nho giáo và Hán học cùng vào Văn Giang từ đầu công nguyên, nhưng đến đời Lý mới được phát triển.Tới năm 1232,triều Trần bắt đầu cấp học vị Thái học sinh cho những thí sinh đỗ kỳ thi Hội, một học vị tương đương Tiến sĩ.
Khoa thi Đình chủ yếu là xếp hạng tiến sĩ. Tùy theo số điểm đạt được người đỗ được xếp vào ba hạng gọi là Tam giáp.
Bậc 3 là bậc thấp nhất, đại trà nhất là Tiến sĩ đệ Tam giáp, gọi chung là Tiến sĩ. Bậc 2 là Tiến sĩ đệ nhị giáp hay còn gọi là Hoàng giáp.Bậc 1 là Tiến sĩ đệ nhất giáp. Trong bậc 1 lại chọn ra ba thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi. Đỗ hạng 3 là Thám hoa, hạng nhì là Bảng nhãn, đỗ đầu là Trạng nguyên.
Thời Nguyễn có thêm học vị Phó bảng và Cử nhân
Người mở đầu cho làng Tiến sĩ là ông Trần Chu Phổ – làng Đan Nhiễm, huyện Tế Giang (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đỗ Đệ tam giáp khoa thi Thái học sinh đầu tiên năm Nhâm Thìn, niên hiệu Kiến Trung thứ 8 (1232) đời vua Trần Thái Tông. Ông làm quan đến chức Tư đồ tước Phụ quốc công, từng làm sử quan ở Quốc sự viện triều Trần Thái Tông.
Ông Trần Chu Hinh(em ông Trần Chu Phổ) cùng người làng Đan Nhiễm đỗ Bảng nhãn khoa Thái học sinh năm Bính Tuất niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256) đời vua Trần Thái Tông. Ông làm quan Hàn lâm thị tộc.
Tiếp sau đó, các khoa thi thời nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn, làng Đan Nhiễm còn có 10 Tiến sĩ được khắc tên trong bia đá văn miếu Bắc Ninh: Ngô Tảo, Nguyễn Đức Ký, Nguyễn Nhiêu Thần, Nguyễn Khắc Kính, Đỗ Khắc Niệm, Nguyễn Huy Trạc, Nguyễn Công Cao, Đỗ Mỹ, Nguyễn Kiều và Hoàng Công Trù
Làng Đan Nhiễm là làng có nhiều Tiến sĩ(12 vị) trong huyện Tế Giang xưa (nay thuộc thị trấn Văn Giang), nơi đây có truyền thống cứ vào tháng tám hàng năm nhân dân làm hình Tiến sĩ bằng giấy cho trẻ em chơi rước Tiến sĩ trong tết Trung thu, nhằm giáo dục tinh thần hiếu học cho thế hệ sau.
Với nét đẹp truyền thống văn hóa độc đáo đó, nhân dân trong vùng còn gọi làng Đan nhiễm với tên độc đáo là “Làng Tiến Sĩ”
Tế Giang (Văn Giang) không chỉ có “Làng Tiến sĩ”, mà còn là “Đất đa văn”.
Xứ Kinh Bắc đỗ đại khoa có tới 700 người thì Tế Giang (Văn Giang) có 72 vị.
Có gia đình bố, con, anh em đều đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ. Có dòng họ liên tục nhiều đời có người đỗ đạt cao, nổi tiếng thi thư,làm quan trong triều: Chánh Tiến sĩ Đỗ Nhân, người xã Lại Ốc (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang) là quan chức Đô Ngự Sử, Đông các Đại học sĩ. Con trai là Đỗ Tông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Kỷ Mùi (1529). Đỗ Tấn em Đỗ Tông cũng đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Thìn (1532). Đỗ Trực là cháu Đỗ Nhân đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn (1580)
Tiến sĩ Nguyễn Thư Khiêm người xã Xuân Cầu có 06 người con, một đỗ Tiến sĩ, năm đỗ Hương cống.
Cử nhân Chu Duy Tĩnh người làng Phú Thị xã Mễ Sở làm quan tới chức Ngự sử Nam kỳ đạo. Con là Chu Mạnh Trinh đỗ Tiến sĩ, (ông được khắc tên trong bia đá triều đình Huế). Dương Duy Thanh, đỗ cử nhân, con là Dương Bá Trạc đỗ cử nhân, Dương Quảng Hàm là giáo sư.
Liên tiếp 6 khoa thi từ năm Canh Dần 1710 đến khoa Kỷ Hợi 1779, xã Xuân Cầu (Hoa Cầu, Huê Cầu) có đồng Tiến sĩ Nguyễn Hành, Quản Danh Dương, Quản Đình Du, Quản Dĩnh…Các khoa thi năm sau có Tiến sĩ Tô Trân, cử nhân Tô Huân, cử nhân Tô Ngọc Huyền, cử nhân Tô Ngọc Nĩu.
Các làng xã khác trong huyện như: Cửu Cao, Công Luận, Như Lân, Như Phượng, Khúc Lộng, Vĩnh Bảo… đều có từ 1 đến 3 Tiến sĩ được tôn vinh trong Kim Bảng Lưu Danh Quốc Triều (từ triều Trần đến triều Nguyễn)
Làng Đa Ngưu xã Tân Tiến ngày nay, không chỉ nổi tiếng về sự giàu có với nghề chuyên buôn bán thuốc bắc, mà còn rất tự hào về “đất đa văn”, có nhiều người thành danh, học hành đỗ đạt cao… Ở cổng làng Đa Ngưu xưa có 4 chữ đại tự “Đa văn vi phú”. Câu này có thể hiểu rằng lấy sự dồi dào, giàu có về văn hóa làm niềm tự hào hơn cả giàu có về tiền bạc. (Đây là bút tích của nhà văn hóa Nguyễn Thừa Ưng thời Trần thế kỷ thứ 13). Cổng vào làng Phú Thị xã Mễ Sở khắc 3 chữ Hán Nôm“Văn Nhã Hạng” (Hạng là cái ngõ, 3 chữ này có nghĩa là ngõ xóm văn chương tao nhã)…
Tiếp sang thế kỷ thứ 20-21, phát huy truyền thống của cha ông, đội ngũ trí thức, nhân tài của Văn Giang ngày thêm đông đảo và có nhiều đóng góp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa nghệ thuật, tư pháp…Văn Giang, nơi sản sinh nhiều cán bộ cách mạng, lãnh đạo nổi tiếng, nhà văn hóa tên tuổi tiêu biểu như:
Phó Đức Chính, Tô Chấn – Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng năm (1927-1930); Lê Văn Lương – Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; Tô Hiệu – Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ; Quản Trọng Hoàng – Xứ ủy Nam Kỳ; Quản Trọng Linh – Bí Thư Chi Bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên (1932) ở tỉnh Kiên Giang (ông Quản Trọng Linh và ông Quản Trọng Hoàng là hai anh em ruột), người gốc làng Xuân Cầu, hoạt động Cách mạng ở Nam Bộ trước năm 1930); Tô Gĩ tức Lê Giản – Giám đốc Nha Công an Trung ương đầu tiên, Phó Chánh án TAND Tối cao (1945-1975); Tô Lâm – Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An; nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sỹ Phó Đức Phương vv
Ngoài những nhà chính trị, văn hóa tên tuổi trên, Văn Giang còn là huyện đứng đầu trong cả nước đóng góp nhiều cán bộ cao cấp cho ngành Tòa Án ( từ năm 1965 đến 1997, Văn Giang có 5 vị được Chủ Tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó có ông Lê Giản và ông Quản Trọng Công – giữ chức vụ Phó Chánh án TAND Tối cao, người gốc làng Xuân Cầu).
Đầu xuân 2017, khách về thăm Văn Giang, đi theo đê sông Hồng đã được trải nhựa phẳng bóng, tới đầu xã Thắng Lợi gặp một cổng làng mới xây, nổi bật đôi câu đối: “Làng Gềnh xưa, cha ông oanh liệt phù vua nên nghiệp lớn; Phù Liệt nay, con cháu hiền tài làm rạng rỡ quê hương”.
(Làng Gềnh xưa có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968 vua Đinh Tiên Hoàng cho đổi tên Làng Ghềnh thành làng Phù Liệt, với ý nghĩa tôn vinh làng đã có công phù vua giúp nước oanh liệt kiên cường…)
Ngày nay làng Phù Liệt thuộc xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang; nơi đây đầu năm 2014 đã thành lập Hội luật gia làng Phù Liệt với 16 Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật đã và đang công tác ở các ngành: Tòa Án, Công An, Tư Pháp, Thanh Tra, Kiểm Tra… từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt có một Luật sư đang làm việc tại Văn phòng Điều tra án Dân sự bang INDIANA – HOA KỲ.
Văn Giang quả là “Đất Đa Văn”, là niềm tự hào của các thế hệ xưa và nay…
Văn Giang, đầu xuân 2017
Văn Trọng
Tác giả: Trần Bình Trọng – bút danh Văn Trọng
Quê quán: Văn Giang – Hưng Yên
Hiện trú quán: 142 Đường Lý Tự Trọng, P3, TP. Vũng Tàu – ĐT: 0913.949 030
Tài liệu tham khảo: – Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tự Giám,Văn Miếu Bắc Ninh và cố đô Huế
– Khoa cử Việt Nam dưới thời phong kiến;
– Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang
– Lịch sử Nam bộ kháng chiến
– Lịch sử đình làng Phù Liệt – tài liệu xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa
– Danh sách các thẩm phán tòa án tối cao từ năm 1975 – 1997
– Kỷ yếu Hội những người làm nghề luật làng Phù Liệt
Một bài thơ của tác giả Văn Trọng
QUÊ HƯƠNG
“Nơi bền lâu là nơi lắng sâu… ”*
Quê hương, xa mấy cũng về
Làng xưa, trường cũ, sông quê, mái đình
Nhà tranh – ký ức đẹp xinh
Vẫn còn in đậm bóng hình mẹ cha
Bao đêm thao thức phương xa
Trong tôi sâu lắng mãi là Quê hương…
Văn Trọng
------
* Lời trong nhạc phẩm Về Quê của Phó Đức Phương.
No comments:
Post a Comment