Tuesday, August 23, 2011

Tô Lan Phương



Tô Lan Phương là Nghệ sĩ Nhân dân.

Tô Lan Phương sinh ngày 26 tháng 8 năm 1948,
trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nghệ thuật,
quê ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên,
hiện cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tô Lan Phương
Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết
  1. Sự nghiệp
  2. Ca khúc tiêu biểu
  3. Các bài viết sưu tầm trên mạng



Sự nghiệp

Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nghệ thuật. Chị là học sinh trường Chu Văn An và ngụ tại phố Hàng Cót Hà Nội. Thời học sinh Tô Lan Phương là thành viên của Đội Sơn Ca thuộc Đài Tiếng nói VN. Được đào tạo chính quy thanh nhạc tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học Viện Âm nhạc Hà Nội), tốt nghiệp loại xuất sắc.

Năm 1967 được nhà trường cử đi học nước ngoài nhưng chị tình nguyện đi vào chiến trường miền Nam (B2) và là ca sĩ chính trong Đoàn Văn công Giải phóng miền Nam – trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Trong những năm tháng dài của cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, chị là Nghệ sĩ – Chiến sĩ đã đem tiếng hát của mình phục vụ quên mình, là nguồn cổ vũ, lôi cuốn đối với quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam, được đồng bào và chiến sĩ vô cùng quý mến. Một đại đội của Sư đoàn 9 trước giờ chiến đấu vào Sài Gòn đã lấy tên “Đại đội Tô Lan Phương” làm tên của đơn vị mình.

Với những khúc hát như: Xuân chiến khu, Những cô gái quan họ, Bài ca năm tấn… , giọng hát của chị đã có sức cổ vũ lớn đối với những người chiến sĩ trên đường Trường Sơn và chiến trường Nam Bộ, góp phần tạo nên những chiến công trong thời kỳ đạn lửa chống Mỹ cứu nước.

Sau khi đất nước thống nhất, Tô Lan Phương công tác tại Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc Bông Sen Thành phố Hồ Chí Minh, với giọng hát của mình Tô Lan Phương tiếp tục phục vụ biểu diễn trên sân khấu vùng mới giải phóng, trong cả nước và cả ở nước ngoài.

Chị có giọng hát đẹp, có kỹ thuật thanh nhạc vững vàng qua đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội và tu nghiệp ở nước ngoài.

- Năm 1981, tại Tiệp Khắc (cũ), chị giành giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế mang tên “Bratislavski” với bài Bóng cây Kơnia (Phan Huỳnh Điểu – Ngọc Anh).
Sau cuộc thi, chị được tiếp tục tập huấn tại Tiệp Khắc, giúp chị nâng cao thêm một bước phong cách biểu diễn nhạc nhẹ.

- Tháng 8 năm 1984, Tô Lan Phương cũng đã giành được giải thưởng Ấn Tượng nhất trong cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế “Gala 84” Habana – CuBa.

- Huy chương vàng tại Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

- Nhà nước tặng thưởng:

  • Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (đợt đầu tiên)
  • Huân chương Kháng chiến hạng 1-2-3.
  • Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 1
  • và nhiều huân huy chương các lãnh vực Văn hoá Nghệ thuật…
  • Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (2019)

Hiện Tô Lan Phương là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.




 ❧ ❀ ❧ 



❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖ ❖



DVD ca nhạc thực hiện tại Đài Truyền hình TPHCM về NSUT Tô Lan Phương:

  


Các bài viết sưu tầm trên mạng
Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết
  1. Tô Lan Phương - Thông tin nghệ sĩ - Trang Bài ca đi cùng năm tháng.
  2. Tìm hiểu lý lịch ca sỹ được hâm mộ - Tô Lan Phương - Asin, 10/9/2003, Việt Nam Thư quán.
  3. Ca sĩ Tô Lan Phương Diễn đàn Nhạc Cách Mạng forum > Đại sảnh > Ca sĩ
  4. Hát trong đêm mưa Côn Đảo... - Hữu Thân, 14/5/2002, Báo Người Lao Động Điện tử.
  5. Ngọt ngào ký ức ngậm ngùi một chút hôm nay - Bình Nguyên Trang, 27/2/2008, Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An.
  6. 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân : Tiếng hát hành quân - Hoài Minh, 2008, www.sggp.org.vn.
  7. Tiếng hát của nghệ sĩ Tô Lan Phương - GIAI ĐIỆU QUÊ HƯƠNG, 05 Tháng Mười 2013, VOV5 Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam.
  8. Tô Lan Phương hát ở chiến trường - TRẦN THANH PHƯƠNG, 28 Tháng Mười 2015, Tạp chí điện tử Hồn Việt.
  9. Tô Lan Phương - Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, 02/09/2016, Tạp chí điện tử Hồn Việt.

  1. Chú Năm Xuân, chú Mười Hương và chúng tôi - Trần Mùi, 14/07/2008, Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An.
  2. Người ca sĩ hát trước các đoàn quân - Trần Lan Chi, 15/4/2011, Báo cựu chiến binh online.
  3. Trích từ một bài báo của Trần Mùi viết về Tô Lan Phương - Hà Tùng Sơn, 28/10/2010, Nhạc Cách Mạng forum.
  4. Tô Lan Phương – Nghệ sĩ Chiến sĩ - Nguyễn Chiến, Nguyệt san Báo Đại Đoàn Kết tháng 11/2008.
  5. Nghĩ và nhớ - Trần Mùi, Số báo Xuân Văn nghệ TPHCM - 2011.
  6. Một kỷ niệm đẹp - Thế Hải, Số báo Xuân Văn nghệ TPHCM - 2011.








Chú Năm Xuân, chú Mười Hương và chúng tôi



LTS: Bài viết này kể về kỷ niệm của hai vợ chồng nghệ sĩ Trần Mùi và Tô Lan Phương với hai nhà cách mạng là Đại tướng Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương... trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Tình cảm thương yêu của các nhà lãnh đạo với các văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải Phóng đã góp thêm nét son tươi đẹp vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam...


1.
Xóm Cây Xoài - vùng ráp ranh biên giới với Campuchia năm 1970 - chúng tôi được gặp các chú ở đó khi Đoàn Văn công Giải phóng đến phục vụ đợt tập huấn chính trị do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức cho các đơn vị biệt động và lực lượng vũ trang hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn.

Cả một đêm ròng rã hết đi trong rừng lại ra đồng bằng, chúng tôi đi giữa bầu trời đầy sao, không một tiếng máy bay, không tiếng đại bác bắn đêm như mọi khi. Nơi tập kết là một xóm nhỏ với những cây xoài mọc rải rác khắp nơi cùng những căn nhà sàn kiểu Khơmer xen lẫn nhà tranh vách đất của người Việt. Một nhánh sông nhỏ bao quanh nuớc đã cạn tới gần đáy. Phía xa hàng cây thốt nốt mọc rải rác trên những bờ ruộng. Và chúng tôi đã gặp chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) vào một buổi sáng khi mọi người vừa mới thức dậy...

Chú Năm Xuân khi ấy là Phó bí thư Khu ủy Y4 - Sài Gòn - Gia Định. Ngay sau đêm biểu diễn của chúng tôi, chú Năm đã đến thăm anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn. Sau đó chú gặp riêng Tô Lan Phương. Bằng linh cảm của một người hoạt động trong ngành an ninh, chú chợt thấy phảng phất khuôn mặt của người ca sĩ này rất giống một khuôn mặt thân quen của người đồng chí trước đây cùng ở với chú trong nhà tù ở Sơn La.

Đó là nhà cách mạng lão thành: Tô Hiệu. Không ngờ rằng người ca sĩ này chính là cháu gọi bằng ông của nhà cách mạng Tô Hiệu.

Trong những năm tháng dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, chú Năm Xuân ngày càng quan tâm chăm sóc đối với chúng tôi. Mỗi lần đi công tác, có điều kiện chú đều tạt qua căn cứ nơi chúng tôi ở để thăm hoặc nếu ở xa, chú viết thư gửi cho chúng tôi với những dòng chữ viết vội ở mặt sau mảnh giấy đã đánh máy.

Chú thường căn dặn, chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất, từ việc tập "cốc đại phong" chữa bệnh cho đến việc ăn uống hàng ngày. Chú nhắc nhở phải luôn trui rèn ý chí và làm bất cứ công việc gì để đóng góp và cống hiến cho cách mạng. Những lời chỉ bảo đằm thắm chân tình của chú đã làm cho lòng chúng tôi ấm áp, vượt qua những khó khăn gian khổ...

Có một lần, chú cho giao liên đón chúng tôi đến căn cứ nơi chú làm việc ở Bình Dương sát với Củ Chi ở mấy ngày liền. Trước khi đi họp, chú giao chiếc máy ghi âm cátxét cho chúng tôi và dặn: ở nhà tranh thủ thu một số bài hát vào chiếc máy đó để khi rảnh rỗi chú nghe và để kỷ niệm.

Chúng tôi thu băng bài hát giữa những tiếng rít của đạn pháo Mỹ bắn từ căn cứ Đồng Dù bắn qua... Sau khi nghe những bài hát đó chú viết cho chúng tôi: "Chú rất thích Phương hát bài Dáng đứng Việt Nam. Bài hát của cháu bị ngắt quãng bởi pháo rồi cháu lại chui trong hầm ra hát tiếp là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Mỗi lần rảnh nghe lại chú thấy rất nhớ các cháu" (trích thư chú Năm Xuân gửi ngày 31 tháng 5 năm 1972).

Là một nhà lãnh đạo của Đặc khu Sài Gòn, người lãnh đạo về an ninh tình báo, trong những giai đoạn cam go khó khăn nhất của chiến tranh chúng tôi vẫn luôn thấy ở chú Năm Xuân một tính cách lạc quan yêu đời lẫn sự lãng mạn của một trí thức cộng sản. Điều này đã tác động và ảnh hưởng với hai đứa chúng tôi rất nhiều.


Một bức thư gửi cho Tô Lan Phương tháng 6 năm 1972 chú viết: "Cháu Phương thân mến, từ hôm hai cháu về căn cứ tới nay, chú luôn lấy cuốn băng mà các cháu đã hát, chơi đàn ra nghe và lại nhớ đến hai cháu. Chú thường nói với cháu là mỗi lần nghe những bài hát cách mạng của mình sao chú cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thơi thới đến thế. Sau lúc làm việc, đầu óc mệt mỏi nghe ca nhạc thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng…

Chú muốn cháu hát một bài vọng cổ. Tại sao thế? Vì cháu hát một bài vọng cổ mà đạt thì những bài hát khác có xuống "xề" thì giọng sẽ ngọt, trong, êm và ấm hơn... Chú mong rằng các cháu phải lấy lý tưởng cộng sản, lấy nghệ thuật chân chính làm mục tiêu phấn đấu để rèn luyện phẩm chất của mình, chỉ có thế mới có thể hy sinh cái cá nhân mà vươn lên cái đẹp cao cả, không sợ khó khăn gian khổ…

Phải hát những bài hát thật trong sáng giàu tính chiến đấu, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, đem tất cả tình cảm của mình vào đấy, sống với nó, từ đó nâng cao nghệ thuật lên phục vụ cho nhân dân và chiến sĩ miền Nam…".


Chiến tranh là gian khổ, là đói cơm, thiếu muối, có những lúc chúng tôi phải đi vào rừng sâu hái lá rừng, hay mò trong lòng con suối cạn bới từng con trai con hến còn sót lại nấu cháo ăn qua ngày. Có lúc giặc bỏ bom căn cứ phải dời đến những nơi ở mới nằm thật sâu trong rừng già. Có một dạo chiến sự diễn ra ở khắp nơi, chúng tôi bặt tin chú Năm Xuân. Nhưng những lời căn dặn của chú chúng tôi luôn mang theo trong "hành trang" của mình.

Đại tướng Mai Chí Thọ (bên trái ảnh) và vợ chồng nghệ sĩ Trần Mùi - Tô Lan Phương.
Chú Năm Xuân cũng chính là cầu nối để chúng tôi đến với một số anh chị em học sinh, sinh viên hoạt động trong nội thành Sài Gòn như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Thiện Tứ, Phạm Chánh Trực, Trương Quốc Khánh…

Hôm nay nhìn những kỷ vật còn lưu giữ lại: tập thư chú viết gửi cho chúng tôi, cả những bức thư chú viết ở đường Trường Sơn trên đường ra miền Bắc một năm trước ngày giải phóng miền Nam 1975.

Trong đó chú kể: "Chú bàng hoàng về vẻ đẹp của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ở đó có những con sông, những thác nước đổ tuôn trào như Serepok, Đắk Đam, Poko, Sa Thầy và đi trên những đỉnh cao nguyên hùng tráng không phải chỉ có bụi bay mù mịt trên kính xe mà còn có những cơn gió mát làm dịu cả tâm hồn…".

Chúng tôi lại nhớ về chú như nhớ về một người cha đầy tình cảm, người đã dẫn dắt, chỉ bảo, thương yêu chúng tôi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và giải phóng miền Nam… Đó là những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi không bao giờ quên trong cuộc đời của mình…


2.
Chúng tôi gặp chú Mười Hương (Trần Quốc Hương) lại trong một hoàn cảnh khác. Đó là ở vùng đất thép Củ Chi năm 1973. Địch càn quét khiến chúng tôi phải chạy sâu vào trong rừng già phía đông bắc… Căn cứ Ban An ninh Y4 đóng ở đây, trên mảnh đất không còn sự sống, không còn một cây nào cao quá đầu gối. Đứng từ xa nhìn muốt mắt đến tận chân trời toàn là cỏ lau.

Một căn hầm dã chiến nhưng rất kiên cố, phía trên nắp hầm được ngụy trang cũng bằng những mảng cỏ lác là nơi chúng tôi đã gặp chú Mười Hương, trong một đêm không tiếng máy bay, chỉ có trăng và sao. Thảng hoặc có những tiếng rít nghe rợn người của phi pháo bắn qua, bên đống lửa nhỏ bập bùng để xua tan cái lạnh về đêm.

Chú Mười Hương nói chuyện nhiều nhất về âm nhạc, về nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng. Hình ảnh của chú Mười Hương không giống như chúng tôi nghe chú Năm Xuân ví von hài hước: "Ông già lôcốt". Chú Mười Hương thích nghe nhạc. Với cây vĩ cầm bạc màu đã theo tôi trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã đàn để chú nghe những giai điệu của Beethoven, Tchaikovsky, Chopin , những bản: "Chiều tà", "Trở về mái nhà xưa", "Nhạc buồn"…

Chú Mười Hương ngồi đó im lặng nghe, lãng mạn chìm đắm trong tiếng vĩ cầm trầm bổng cao vút giữa khoảng không gian yên tĩnh hiếm có của chiến tranh. Không ai hiểu rằng giữa mảnh đất bị cày nát bởi bom đạn ở Củ Chi, giữa ranh giới mong manh của cái sống và cái chết, một nhà tình báo như chú lại có những giây phút mơ màng với những giai điệu đẹp như vậy.

Thời gian gần đây, khi đến thăm chú Mười Hương ở nhà riêng, ngôi nhà nhỏ nằm sát bên sông Sài Gòn, chúng tôi thấy sức khỏe của chú không được tốt lắm. Nhưng khi nhắc đến kỷ niệm năm xưa thì đôi mắt chú rực sáng lên.

Tôi nhắc lại kỷ niệm những lần gặp chú ở chiến khu và có hôm tôi đã nằng nặc xin chú Mười Hương một khẩu súng lục K54 với lý do để phòng thân, khi tôi và Phương đi công tác xa, nhưng chú dứt khoát không cho. Tôi nghĩ với cương vị và công tác thì chú thiếu gì súng. Tôi cứ ấm ức mãi về việc đó.

Hôm nay tôi hỏi về vấn đề này, chú Mười mới giải thích rằng, trong chiến tranh, khi đi công tác đụng độ với kẻ thù, nhất là bọn biệt kích, chúng thấy ai đeo súng lục thì người đó hẳn là chỉ huy phải bắn trước, chết trước. Thì ra chú Mười thương bọn tôi, không muốn chuyện ấy xảy ra...

Những kỷ niệm về chú Năm Xuân và chú Mười Hương còn ăn sâu mãi mãi trong cuộc đời của hai chúng tôi. Ngẫm lại những câu chuyện chúng tôi có may mắn được tiếp xúc với hai chú đều toát lên tính nhân văn sâu sắc.

Chúng tôi luôn nghĩ rằng mọi sự quan tâm đối với chúng tôi cũng là sự quan tâm của hai chú đối với anh chị em văn nghệ sĩ Giải Phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...

Trần Mùi

Theo Báo Công An Nhân Dân - 14/07/2008




Người ca sĩ hát trước các đoàn quân



Cô sinh viên mười chín tuổi ấy vừa tốt nghiệp khoa thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp loại xuất sắc và được cử đi học tiếp ở nước ngoài.

Cô đã có một quyết định làm ngạc nhiên không ít người thời bấy giờ là xung phong vào công tác tại chiến trường miền Nam, theo yều cầu của Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam. Đó chính là ca sĩ NSƯT Tô Lan Phương. Chị kể:
“... Thế là tôi đã có mặt ở nơi đây, bên dòng sông Vàm Cỏ Đông mùa trăng tỏ. Từ ngày còn là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam, tôi đã nhiều lần đi hát phục vụ bộ đội ở các trận địa pháo cao xạ khi Mỹ ném bom Hà Nội; bài hát Vàm Cỏ Đông của nhạc sĩ Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ đã làm cho tâm hồn tôi xao xuyến nghĩ về miền Nam, nghĩ về một dòng sông với cái tên giản dị đậm chất Nam Bộ: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông...”.

Tuổi trẻ mới lãng mạn làm sao và bước đường tham gia cách mạng ở miền Nam của người ca sĩ trẻ ấy xuất phát từ lòng yêu quê hương, từ một dòng sông nhỏ và dòng chảy của con sông nhỏ ấy, đã rèn giũa người con gái tuổi mười chín thửa ban đầu ở trong rừng còn sợ từng con kiến bù nhọt, từng đàn đom đóm lập lòe về đêm, trưởng thành trong khói lửa bom đạn của chiến tranh. Với thân gái dặm trường, vai ba lô cùng cây đàn rong ruổi khắp các chiến trường miền Đông và có những lúc băng rừng lội suối đi ròng rã suốt đêm tới sáng để đến với những đơn vị quân giải phóng trước giờ ra mặt trận đã yêu cầu được nghe Tô Lan Phương hát, đối với chị - ấy là niềm xúc động lớn lao bởi vì chiến tranh với sự ác liệt của nó, sự hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Hôm nay nghe chị hát, ngày mai có những người không còn trở về để nghe chị hát nữa, cứ nghĩ như vậy người ca sĩ của núi rừng miền Đông đã hát không biết mỏi mệt, say sưa trong niềm xúc động trào dâng.

Sông Vàm Cỏ Đông phía đầu nguồn, mùa xuân năm 1967, nơi tập kết những đoàn quân giải phóng. Tết cũng sắp đến, rừng miền Đông vốn yên ắng êm đềm từ bao lâu nay được đánh thức bởi sự có mặt của những trung đoàn, sư đoàn chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào Sài Gòn.



Tô Lan Phương có nhiệm vụ trong chiến dịch X4 - với nhiệm vụ tải đạn và vũ khí cũng như tải gạo, thực phẩm, thuốc men ra tiền tuyến, những thùng đạn B40 nặng trĩu trên đôi vai mảnh mai, áo đẫm ướt mồ hôi hòa trong dòng người của chiến dịch; sau đó theo yêu cầu của chiến sĩ, chị lại hát, hát không mỏi mệt trên những gò mối, bên những vạt rừng được phát vội vàng, quanh đống lửa hồng được đốt lên khi màn đêm buông xuống. Giữa chị và chiến sĩ không có khoảng cách - đầm ấm chân tình và gần gũi, bởi vì chị là nghệ sĩ và cũng là chiến sĩ... Tiếng súng ở Sài Gòn đã vang dội ở khắp nơi, Tô Lan Phương lại vượt đồng “chó ngáp” ở Đồng Tháp Mười, ở đất thép Củ Chi cho đến Bình Dương để phục vụ. Trong thời điểm ấy, chị đã chứng kiến nhiều mất mát và đau thương của chiến tranh, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng vì nền độc lập tự do của dân tộc, sự hy sinh anh dũng của những người đồng chí, đồng đội... Với những yếu tố đó đã hun đúc, trui rèn cho Tô Lan Phương một sức mạnh trưởng thành để vượt qua mọi khó khăn gian khổ ác liệt của bom đạn; vượt qua những trận sốt rét rừng dai dẳng mong cho tiếng hát của mình vang xa, vang mãi trong suốt một thời gian dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Năm Mậu Thân 1968, tên của chị vinh dự được một đại đội quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9, trước lúc lên đường tiến vào Sài gòn lấy làm tên đơn vị: “Đại đội Tô Lan Phương” và tiếng hát của người ca sĩ ấy đã theo cùng các anh trong từng trận đánh của mùa xuân lịch sử năm Mậu Thân 1968.

Trần Lan Chi







Trích từ một bài báo của Trần Mùi viết về Tô Lan Phương:



(...)
Năm 1967 một số anh chị em nghệ sĩ đang hoạt động tại miền Bắc nhận nhiệm vụ vào chiến trường Nam Bộ để bổ xung cho Đoàn Văn công Giải phóng. Chân ướt chân ráo vào tới chiến khu những hình ảnh đập ngay vào mắt chúng tôi là xác những chiếc xe tăng, xe thiết giáp bị hoả lực của các chiến sĩ Sư đoàn 9 cùng với lực lượng du kích các cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn TW Cục bắn cháy nằm trơ trọi trên những con đường mòn nhỏ trong rừng. Ngoài trảng trống, xác những chiếc trực thăng cháy xém, vương vãi khắp nơi những hộp đạn to nhỏ, vỏ đồ hộp thức ăn của lính Mỹ cùng vô số những mảnh vỡ của đạn pháo, cây cỏ chung quanh cháy xém cả một vùng…những dấu tích của một trận đánh vô cùng khốc liệt như mới xẩy ra không lâu ở khu rừng này…Trận càn với mật danh Johnson City của Mỹ Ngụy (1966 – 1967) nhằm triệt phá, tiêu diệt cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN đã bị thất bại. Chúng tôi đã chứng kiến chứng tích anh hùng của sư đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng của Nam Bộ là như vậy… Trong những năm tháng sau đó, anh chị em nghệ sĩ chúng tôi có nhiều điều kiện để sát cánh bên những người chiến sĩ trẻ tuổi đến từ nhiều miền của Tổ Quốc nhưng đại đa số là những chiến sĩ người ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Những năm đầu từ ngày thành lập Sư đoàn, do còn nhiều khó khăn trong việc cung cấp quân trang quân phục, vì thế mỗi người ăn mặc một kiểu, người quần áo ka ki chính quy mũ cối, ba lô con cóc nghiêm chỉnh, còn lại hầu hết các chiến sĩ trang bị tự phát : áo quần màu đen bằng ni lông mỏng, mũ tai bèo, boòng nilon nhẹ (cho phù hợp với địa hình sông nước) như những du kích địa phương. Tác phong và phong cách đặc trưng Nam Bộ: Vui vẻ, phóng khoáng nhưng chiến đấu cực kỳ dũng mãnh đã làm cho kẻ thù phải run sợ mỗi khi nhắc tới sự có mặt của Công trường 9…

Chúng tôi đã hát cho các anh nghe trước và sau mỗi trận đánh, hát xong thì trò chuyện, cùng nhau nấu cơm, may vá áo quần hay tới các lán thương bệnh binh thăm hỏi động viên, tặng nhau những chiến lợi phẩm từ những chiếc hộp quẹt Zipo, cho tới mảnh khăn vải dù, cái bình toong, ca muỗng inox cho đến những chiếc lược bằng vỏ máy bay, chiếc đèn dầu do các anh làm vô cùng khéo léo. Tình cảm gắn bó, thân thiết giữa những người chiến sĩ với những nghệ sĩ như anh em trong một nhà. Có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ… những chuyến cùng nhau vác đạn ra tiền tuyến, cùng nhau hành quân ròng rã vất vả ra mặt trận, nhìn thấy những mất mát hy sinh anh dũng, hôm nay các anh nghe chúng tôi hát, ngày mai có anh đã xa lìa vĩnh viễn với tuổi xuân phơi phới…


Tô Lan Phương
Sư đoàn 9 mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với nghệ sĩ Tô Lan Phương cô ca sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng, tiếng hát của ngưòi ca sĩ này quá đỗi thân quen với từng cán bộ chiến sĩ cùa Sư đoàn 9 trong suốt thời kỳ chiến tranh ác liệt ở Nam Bộ. Và chị đã vinh dự được một Đại đội Quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 đặt tên cho đại đội mình là “ Đại đội Tô Lan Phương “ trước giờ tấn công vào Sài Gòn năm Mậu Thân lịch sử.

Tháng 8.2010


P/S: Bài viết về ca sĩ NSUT Tô Lan Phương của Trần Mùi có lẽ chưa thể nói hết được về người nghệ sĩ -chiến sĩ tài danh của một thời đạn lửa này. Chỉ biết rằng sau 35 năm chiến tranh đã đi qua trong tâm tưởng những chàng trai trẻ đã từng để lại tuổi thanh xuân của mình trong những cánh rừng Trường Sơn của một thời đánh Mỹ vẫn ngân nga vang vọng mãi giọng ca bất hủ của chị.

Sau 35 năm đi qua, những nghệ sĩ cùng thời với Tô Lan Phương nhiều người đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Riêng Tô Lan Phương vẫn chỉ là NSƯT. Có lẽ những người có trách nhiệm trong việc này đã quên mất giọng hát Tô Lan Phương rồi. Đã có nhiều bài báo viết về việc cần phải vinh danh danh hiệu NSND cho Tô Lan Phương.

Tuy nhiên, dù có như thế nào đi nữa thì với công chúng yêu dòng ca nhạc truyền thống cách mạng, nhất là với những người lính từng đi qua chiến tranh Tô Lan Phương đã là nghệ sỹ Nhân dân từ rất lâu rồi. Bởi chính từ những lời ca sáng trong của chị đã góp sức đưa bước chân của những người lính ra trận và giành lấy chiến thắng về cho đất nước.


Hà Tùng Sơn

 ❧ ❀ ❧ 






Tô Lan Phương – Nghệ sĩ Chiến sĩ



(...)
Mặc dù chẳng ai phong thì chị cũng đã được mọi người yêu quý…và vẻ vang thay cho nghệ sĩ Tô lan Phương tên chị đã trở thành tên của một đại đội. Một nghệ sĩ cách mạng trở thành biểu tượng của những chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt thời chống Mỹ mà không phải một nghệ sĩ nào cũng có được…

Quả thực từ lâu, Tô Lan Phương đã là một hình ảnh đẹp trong lòng tôi và những người bạn tôi.
Một câu hỏi luôn đặt ra trong tôi? Hết năm nọ đến năm kia sau mỗi lần công bố của Nhà nước: các danh hiệu NSUT – NSND sao không có chị???
Và rồi tôi lại cho rằng: Ca hát không còn là người bạn đường của chị do một lẽ gì đó rồi chị đi làm kinh doanh (vì quả thực thỉnh thoảng tôi mới gặp lại chị trên sóng truyền hình)

Nhưng rồi mọi băn khoăn của tôi được giải tỏa khi tờ báo An Ninh cuối tháng 2.2008 đăng bài của Bình Nguyên Trang: “Nghệ sĩ Ưu tú Tô Lan Phương – Ngọt ngào ký ức Ngậm ngùi một chút hôm nay”
Đọc bài báo, sao tôi thấy ngậm ngùi quá… và với tôi: Cái vô lý cứ đè nặng, một Tô Lan Phương cô gái Hà Thành xinh đẹp từ chối không đi du học nước ngoài (một ước mơ của bao bạn trẻ hồi đó) để vào chiến trường mang ca hát và lòng nhiệt thành phục vụ kháng chiến.
Tiếng hát của chị đã động viên và khích lệ, là tiếng kèn xung trận của bao chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ, của nhiều chàng trai cô gái thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Chị đã cống hiến cả tuổi xuân cho chiến trường ác liệt và vẫn tiếp tục cống hiến cho đời bằng tất cả tâm sức của mình.

Nhưng sao chị lại thiệt thòi như vậy?

Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng làm sao để trả lời?
Tôi lại đem chị so sánh với bao nghệ sĩ khác và thật sự tôi không thể tự mình giải thích cho mình khi sự vô lý, sự thiếu công bằng đối với chị cứ làm tôi day dứt… Chất giọng có, tài năng có, cống hiến có, nhan sắc có, quần chúng yêu mến có… Vậy thì chị thiếu cái gì để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân?
Tôi nghĩ chị cần được Tổ Quốc phong tặng một danh hiệu xứng đáng với những gì chị đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng, một sự nghiệp cách mạng hào hùng của Đảng, của Bác Hồ trong đó có Tô Lan Phương đã từng như một huyền thoại.

Mặc dầu chẳng ai phong thì chị cũng đã được mọi người yêu kính và vẻ vang thay cho nghệ sĩ Tô Lan Phương đã trở thành tên của một đại đội, biểu tượng của một nghệ sĩ cách mạng – một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa khốc liệt thời chống Mỹ mà không phải nghệ sĩ nào cũng vinh dự có (ở đây như một nghịch lý: Cái chị có thì không mấy ai có – đại đội mang tên chị. Cái chị không có – nghệ sĩ nhân dân thì nhiều người có!

Tôi nghĩ con người vừa bản lĩnh xông pha nơi chiến trường, vừa mang bầu nhiệt huyết ca lên những bài ca đi cùng năm tháng đầy khích lệ động viên bao chiến sĩ lao vào cuộc chiến để đánh bại kẻ thù, cũng như công cuộc xây dựng thời bình: Với Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn Ta Lư, Qua sông, Câu hát Bông sen, Tiếng hát giữa rừng Pắc bó, Bóng cây Kơ Nia… âm hưởng của những bài hát ấy vẫn vang trong tôi mỗi khi nghe chị hát và lạ lùng thay nhiều ca sĩ khác khi hát những bài hát này tôi lại nghĩ ngay đến chị với một nỗi niềm xúc động: Giá đây lại là Tô Lan Phương.

Trong bài báo của chị Bình Nguyên Trang có đoạn: ...Anh Trần Mùi – chồng chị Phương nhớ lại:
“…Tôi nhớ có một lần tại rừng vùng Tây Ninh chỉ tích tắc nữa thôi là tôi và Phương đã vĩnh viễn không trở về nữa… Đó là một buổi trưa chúng tôi đi thăm các nghệ sĩ trong chiến khu. Đang lúc chuẩn bị ăn trưa thì máy bay B52 bất ngờ ập tới, chúng tôi chưa kịp định thần thì đã thấy cây cối quanh mình đổ rạp, cháy xém cùng những tiếng nổ lớn liên tiếp. Tôi nhảy vội xuống hầm nhưng Phương thì chậm hơn, tôi phải nhoài người kéo Phương xuống… khi hết bom chúng tôi ngoi lên được thì trước mắt mình với những cánh rừng tan nát, xác người và vật nằm ngổn ngang, chúng tôi bàng hoàng với khung cảnh ấy và ôm nhau khóc… ”


Đúng là một hình ảnh bi thương mà đậm tình người (ôm nhau khóc). Khi đọc đến đoạn này tự nhiên tôi lạnh cả người và lẩm bẩm:
“Ơn trời, anh chị hãy còn sống”

Bom đạn kẻ thù không giết được họ cũng như lời ca tiếng hát của họ, nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Nếu họ mãi mãi về cõi vĩnh hằng từ hôm đó, có lẽ ngày hôm nay mỗi lần nhắc đến họ chúng ta lại:
Tiếc quá, vô cùng tiếc nuối cho một cặp tài hoa đã bị bom đạn xâm lược Mỹ cướp đi cuộc sống đẹp đẽ của họ. Họ đã hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập và tự do của dân tộc. Tổ quốc mãi mãi ghi tên tạc tượng họ. Họ xứng đáng hơn tất cả…
Nhưng nay họ còn đó, sao ta nỡ quên họ, khắt khe với họ… và… đòi hỏi ở chị cái gì nữa?

Vùng Lộc Ninh cách đây 2 năm (2006) tôi và các em sinh viên của trường có đến đây trong một chiến dịch “Mùa hè xanh” do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố HCM phát động – chúng tôi đến đây với nhiệm vụ xây nhà tình nghĩa, sửa sang hệ thống giao thông nông thôn, dạy học và xoá mù chữ.
Chúng tôi đã được nghe ngưòi dân ở đây tự hào khi nói:
“Vùng đất ác liệt này trong những ngày khói lửa của cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ đã từng có đại đội mang tên nghệ sĩ Tô Lan Phương…”

Và tôi đã nói với các bạn trẻ rằng :

“Các bạn có biết Tô Lan Phương không? Người con gái Hà Thành xinh đẹp đã tự nguyện vào chiến trường bất chấp hiểm nguy để trực tiếp chiến đấu, trực tiếp đem lời ca động viên chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Có những người như vậy mới có Việt Nam sạch bóng quân thù, mới có Việt Nam của độc lập tự do hôm nay. Hãy sống xứng đáng với họ các bạn ạ! Các bạn biết không? Stalin đã từng nói:
“Những bài thơ của Erenbua có giá trị khích lệ như một sư đoàn đang xông ra mặt trận…
Tiếng hát Tô Lan Phương cũng vậy, là hồi kèn xung trận, là hừng hực khí thế cho quân ta tiêu diệt kẻ thù…”

Một lời sau cuối khi viết bài này: Đề nghị với tất cả thành viên trong Hội đồng xét chọn Danh hiệu NSUT, NSND hãy đừng nâng lên đặt xuống so bì mà hãy vì công chúng, hãy vì những đồng đội còn, mất của chị mà thể hiện lòng tri ân với Tô Lan Phương người nghệ sĩ thật sự xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Với những cảm nhận trên đây, cho phép tôi gửi tới gia đình nghệ sĩ Tô Lan Phương – Trần Mùi sự chia sẻ sâu sắc và sự tôn vinh thầm lặng của tôi và cũng như bao người yêu kính Anh Chị.
Cái xứng đáng nhất, cái đẹp đẽ nhất vẫn là hình ảnh anh chị được sống đẹp đẽ trong lòng công chúng yêu thương, mến mộ, biết ơn anh chị.

Hy vọng Tô Lan Phương là Nghệ sĩ Nhân dân trong tương lai gần.
“Cô gái Hà Thành hiên ngang vào trận đánh
Chị Phương ơi vang mãi khúc quân hành
Giữa hoà bình dẫu đôi chút lăn tăn
Vẫn say hát với nụ cười kiêu hãnh

Đêm chiến trận vẫn sao trời lấp lánh
Máu xương rơi chị chẳng tiếc thân mình
Máu nghệ sĩ lồng trong tim người lính
Quyện vào nhau thành sức mạnh Việt Nam…

Gửi tặng Tô Lan Phương
Nguyễn Chiến – Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 Quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh.


Ghi chú: Bài viết này đã đăng trên Nguyệt san Báo Đại Đoàn Kết tháng 11.2008


 ❧ ❀ ❧ 






Nghĩ và nhớ






Trần Mùi

Chú thích ảnh trên báo:
Ảnh 1: Nhạc sĩ Trần Mùi cầm Violon bên trái nhạc sĩ Trần Mùi là nhạc sĩ Thanh Trúc
Ảnh 2: Nhạc sĩ Trần Mùi vác đồ lội qua thượng nguồn sông Vàm Cỏ đông






Một kỷ niệm đẹp






Thế Hải

Chú thích ảnh trên báo:
Ảnh 1: Nghệ sĩ Tô Lan Phương đứng thứ 3 từ phải (ảnh) qua trái.




TOP


TOP

2 comments:

  1. http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5029-t-lan-phng-ht-chin-trng.aspx

    ReplyDelete
  2. Mỹ Anh Shop chuyên đèn chùm pha lê tiệp khắc trang trí phòng khách đơn giản hiên đại cao cấp giá rẻ tphcm

    --------------------------------
    Giá rẻ nhất – nhanh nhất – bền nhất – Liên hệ ngay:
    Web: đèn chùm pha lê giá tiệp khắc
    ( Xem tai day): đèn chùm pha lê tiệp khắc
    ( xem tai day ): den chum pha le tiep khac

    ReplyDelete