Thưa các đồng chí.
Tôi đã định không tham gia Hội thảo, không viết bài tham luận vì tuổi đã cao, trì nhớ mòn mỏi, không có tài liệu tham khảo, sức khỏe kém, đi lại khó khăn, không sẵn có phương tiện nhưng vì tình cảm sâu đậm với ATK, với căn cứ địa cũ, đặc biệt là đối với cán bộ, đồng bào địa phương mấy chục năm nay vẫn nung nấu nên xin được phát biểu mấy ý kiến nhân kỷ niệm 50 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh về sống, làm việc tại ATK Định Hoá trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (20.5.1947- 20.5.1997).
Thưa các đồng chí.
Hôm nay chung ta trao đổi về Định Hoá, ATK cách mạng, căn cứ địa kháng chiến chống Pháp. Tôi nghĩ rằng để đánh giá được sâu hơn, toàn diện hơn vị trí của Định Hoá cần ngược lên thời kỳ trước năm 1947, đặc biệt là thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 8.1945. Vì vậy tôi xin được cung cấp trước hết một số tư liệu sống trong giai đoạn tiền khởi nghĩa trước cách mạng tháng 8.1945...
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, tôi được phân công từ Cao Bằng về xuôi công tác, đi cùng đồng chí Vũ Anh. Đến Bắc Cạn, chia tay với đồng chí Vũ Anh, tôi gia nhập đoàn quân của anh Võ Nguyên Giáp nam tiến qua đèo So về Chợ Chu, Định Hoá, Thái Nguyên. Dọc đường chúng tôi phân công nhau tỏa đi các nơi giúp cơ sở Đảng, thành lập các đoàn thể cứu quốc, xây dựng chính quyền, huấn luyện dân quân, du kích và tuyển lựa thanh niên tham gia Giải phóng quân.
Khi đến Chợ Chu thì cán bộ địa phương đã thành lập chính quyền của ta rồi nhưng chưa có kế hoạch công tác mới. Anh Giáp tập hợp anh em quyết định tổ chức mít tinh toàn dân trong huyện thông báo tình hình phong trào, tuyên truyền đường lối, chính sách chủ trương công tác của chính quyền cách mạng; anh Giáp là diễn giả chính, ngoài ra có anh Chu Văn Tấn và tôi. Trước cửa trường tiểu học, hàng nghìn quần chúng hàng ngũ chỉnh tề, cờ đỏ sao vàng, băng và biểu ngữ rợp trời, tiếng hoan hô vang dội, người người vui mừng phấn khởi, sau đó người ta lại về các làng bản tổ chức mít tinh rầm rộ truyền đạt lại cho nhân dân địa phương những gì đã nghe được tại cuộc mít tinh ở huyện. Làm việc ở Định Hoá được ít ngày thì anh Giáp phải đi tiếp về xuôi gặp Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trước khi đi, anh cho tôi biết tôi được phân công phụ trách huyện Định Hoá, xây dựng Định Hoá thành một căn cứ vững chắc. Theo anh Định Hoá với huyện lỵ Chợ Chu là một thị trấn đông đúc, nơi buôn bán sầm uất giữa miền xuôi và miền ngược, đồng bào các vùng dân tộc đem các thứ lâm thổ sản về đây trao đổi, buôn bán với bà con người Kinh, có hàng hoá đưa từ dưới xuôi, từ Hà Nội, Hải Phòng lên. Định Hoá ở giữa tuyến đường từ biên giới phía Bắc (Cao, Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái) xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Có đường giao thông thuỷ bộ rất thuận lợi đi khắp các phía đông tây nam bắc, là một địa điểm ở vào vị trí "tiến khả công, thoái khả dĩ thủ". Đây là một huyện mà cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trội nhất trong vùng. Tại đây đế quốc Pháp đã lập đồn trại và xây dựng nhà giam nhốt chính trị phạm không có án tích, không qua xét xử. Tóm lại đây sẽ là một an toàn khu hoàn hảo, một căn cứ địa kiên cố nếu chúng ta quan tâm xây dựng và kiên trì củng cố. Anh có nhiệm vụ phát động quần chúng làm việc này. Tôi sẽ bàn tính với các đồng chí khi Bác Hồ từ biên giới về xuôi, sẽ mời Bác tạm dừng chân ở đây một thời gian tạo cơ sở mưu việc lớn.
Nghe anh Giáp nói - tôi vui mừng vì được giao nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng rất lo lắng không biết mình có cáng đáng được không. Như đọc được ý nghĩ của tôi anh Giáp nói tiếp: Muốn làm được việc này trước hết phải tìm được cán bộ địa phương có năng lực và tận tâm tham gia cách mạng đưa họ vào các tổ chức có trách nhiệm thực hiện kế hoạnh. Chi bộ Đảng còn yếu cần phát triển và bồi dưỡng thêm, phải thành lập UBND huyện, Ban chấp hành Việt minh huyện, huyện đội... đủ khả năng chỉ đạo các đoàn thể quần chúng, các tổ đội vũ trang ở cơ sở, xã, thôn, để họ tuyên truyền động viên cổ vũ nhân dân xây dựng căn cứ địa vững mạnh.
Anh Giáp đi, hẹn vài tuần sẽ trở lại. Tôi bắt tay ngay vào công việc. Trước hết đi gặp Chi bộ bàn kế hoạch. Sau đó triệu tập đại hội đại biểu Việt Minh để bầu Ban chấp hành Việt Minh huyện, hội nghị đại biểu nhân dân xã để bầu ra UBND huyện. Những ngày đại hội là những ngày tưng bừng náo nhiệt chưa từng có ở địa phương vì đó là lần đầu tiên nhân dân được quyền bầu ra những người lãnh đạo của mình. Những người trúng cử, không phải là các quan trên được coi trọng như cha mẹ của dân, ban phúc, ban lợi cho dân mà ngược lại, là người tiêu biểu cho dân, của dân, được cử ra để phục vụ nhân dân, vì dân mà đảm nhiệm công việc. Đáng chú ý có ba vị Hương sư trạc tuổi trên dưới 30 đã trúng cử
Ông Ma Đình Tương làm chủ tịch UBND huyện
Ông Nguyễn Văn Sạch làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện
Ông Ma Duy Bân làm Uỷ viên BCH Việt Minh huyện
Tôi cấp tốc mở một lớp huấn luyện cho khoảng 30 thanh niên nam nữ trong khoảng một tuần rồi phân công họ đi các xã xung phong tuyên truyền. Đồng thời cũng mở một lớp huấn luyện quân sự cho khoảng 50 người trong khoảng một tháng do đốc Lý (tức đồng chí Kháng, sau này là Cục trưởng Cục cảnh vệ thuộc Bộ công an) một cán bộ trước đây bị giam ở căng Chợ Chu phụ trách phần quân sự, còn tôi phụ trách phần chính trị. Đi thăm thú nhiều nơi trong huyện chúng tôi bàn nhau dự kiến lấy xã Định Biên làm nơi để đón Bác về tạm trú và làm việc. Quá cao hứng chúng tôi còn vạch kế hoạch tổ chức cuộc mít tinh quần chúng đông đảo đón "ông Ké" (tức là Bác Hồ) và nghe ông nói chuyện.
Kế hoạch đã gần hòm hòm thì đùng một cái, một tiểu đoàn quân Nhật đã từ Thái Nguyên kéo lên chiếm đóng Chợ Chu. Đối với tôi lúc bấy giờ là một tin như sét đánh ngang tai.
Chúng có bị đại đội "Quang Trung" (do đồng chí Quang Trung làm chi đội tưởng) chặn đánh nhưng số thương vong không đáng kể. Lên đến Chợ Chu bọn địch chia quân chặn hết các ngả đường ra vào khu phố chợ, lùng bắt cán bộ và đồng bào, tra tấn tìm Đội Văn (tức anh Võ Nguyên Giáp), đội Lê (tức Lê Giản) nhưng lúc đó anh Giáp còn ở dưới xuôi và tôi thì đang ở trường huấn luyện quân sự. Tình hình mới buộc tôi phải giải tán lớp học quân sự dẫn anh em đi thực tập bảo vệ các điểm xung yếu theo dõi động tĩnh của quân giặc, đề phòng đem quân đi lùng sục, phá hoại các ông bản, khủng bố giết hại đồng bào.
Chúng tôi cũng phái quân cảm tử đến các cửa ngõ vào ra khu phố Chợ vừa để ngăn địch tung gián điệp ra dò xét tình hình ta, vừa tìm cách đi sâu vào lòng địch, bắt liên lạc với đồng bào cơ sở điều tra tình hình địch. Tin báo về là địch án binh bất động, người của địch phải ra đến tìm tôi để báo cáo tình hình và xin được ở lại với ta, còn ở trong khu phố chợ thì địch ngày đêm tuần tiễu nghiêm mật, nhưng không tỏ ra có thái độ hung ác, ngược lại cho nguời đi tuyên truyền quân đội Nhật chỉ trừ Việt Minh cộng sản phản động, người Việt Nam lương thiện được đi lại làm ăn buôn bán tự do, nhưng ai muốn vào vùng Việt Minh hay từ vùng Việt Minh ra khu phố Chợ đều phải trình báo với nhà chức trách của quân đội Nhật hoàng. Ai biết người ra, kẻ vào mà không trình báo ắt bị nghiêm trị, kẻ nào tư thông với Việt Minh sẽ bị treo cổ hoặc bêu đầu trước công chúng. Hàng ngày chúng cho lính đi tuyên truyền nói xấu Việt Minh cộng sản, ca tụng công ơn của quân đội Nhật hoàng đối với nhân dân Việt Nam và trước khi di chuyển đi nơi khác chúng thường lớn tiếng kêu gọi:
"Đội Văn, Đội Lê lẩn trốn ở đâu sao không dám ra mắt đối đáp với quân đội Nhật".
Nghe chúng rêu rao khiêu khích đồng bào rất căm giận, có người nói:
"Vì sao các anh không kéo quân đến bao vây tiêu diệt gọn bọn giặc đi". Cũng có người nói:
"Các ông ấy ở ngay trong bản làng chứ phải lẩn trốn đi đâu? Chúng mày giỏi đánh Đông dẹp Bắc sao không dám kéo quân vào gặp các ông ấy mà hoạnh hoẹ? Chẳng phải sợ các ông ấy và đồng bào cho ăn đòn, đập cho vỡ đầu, đánh cho tan xác hay sao?" Mấy ngày liền, từ những tin tình báo và dư luận quần chúng, chúng tôi nhận định:
- Không phải quân Nhật kéo lên Chợ Chu là vì nghe được tin Bác Hồ sẽ về đây để chỉ đạo phong trào mà nó về để lùng sục, truy bắt cán bộ cách mạng. Tuy nhiên địch có thể cũng nhận định như chúng tôi về việc Chợ Chu, Định Hoá là một đầu mối giao thông thuỷ bộ rất thuận lợi từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam nên cho quân lên chốt ở đây để ngăn chặn ta gây trở ngại.
Quần chúng đồng bào ta vững tin ở cách mạng sẽ thắng lợi cho nên vẫn một lòng ủng hộ Việt Minh chống phát xít Nhật là kẻ thù dã man hung bạo. Vậy thì chúng ta phải kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao giác ngộ và cảnh giác của quần chúng.
Sau đó chừng năm ngày thì anh Giáp trở về Định Hoá và đến gặp tôi để nắm tình hình. Tôi báo cáo cặn kẽ mọi chuyện, không che dấu được nỗi buồn bị mất một dịp may hiếm có được cùng đồng bào Định Hoá đón Bác Hồ về nơi căn cứ mình đang chuẩn bị.
Hình như thông cảm với nỗi buồn bực của tôi, đồng chí Võ Nguyên Giáp tươi cười bảo tôi:
"Anh cứ yên tâm đi, không sử dụng được nơi này thì ta tìm chọn nơi khác, đất nước ta thiếu gì nơi để xây dựng căn cứ địa". Tôi cũng nghĩ giặc Nhật kéo lên đây chỉ vì là muốn chiếm đóng một đầu mối giao thông liên lạc thuận lợi chớ không phải do ta lộ kế hoạch đón Bác về đây, cứ theo dõi hoạt động của chúng trong mấy ngày qua thì biết. Còn về quần chúng đồng bào Định Hoá thì ta cũng phải công nhận là rất tốt, rất trung thành ủng hộ cách mạng. Dù không đón Bác về đây ta vẫn phải kiên trì tăng cường tuyên truyền giáo dục quần chúng đoàn kết một lòng ra sức chống giặc giữ nước, bảo vệ bản làng quyết không để địch toả ra lùng sục, cướp phá, giết hại đồng bào và gia súc, cản trở nhân dân tăng gia sản xuất.
Bộ đội Quang Trung được tăng cường đi phòng vệ nhưng cũng không làm gì náo động phá vỡ tình hình im ắng giữa ta và địch. Một tuần sau tôi được tin anh Võ Nguyên Giáp đã chọn Sơn Dương (thời đó gọi là châu Tự do) ở phía Nam giáp giới huyện Định Hoá, có con đường Đèo Rè nối liền hai huyện với nhau làm căn cứ...
Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước tiên chúng tôi phải nhờ cậy huyện Định Hoá vì nếu không có giặc Nhật đến gây trở ngại thì Định Hoá nhất định phải được chọn là căn cứ địa và phải gánh vác mọi việc như Sơn Dương sau đó. Và quả thật là cán bộ và nhân dân Định Hoá có trình độ giác ngộ chính trị khá vững vàng nên họ đã không từ chối trách nhiệm vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vinh quang của mình là đóng góp phần mình xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cũng do có trình độ chính trị của quần chúng khá vững vàng cho nên không một tên tay sai gián điệp nào của địch lọt được vào vùng tự do của ta để lấy tình báo, ngược lại thì người mình vào ra Chợ Chu bắt liên lạc với cơ sở cũ rất dễ dàng. Tôi không nhớ được chính xác là quân đội Nhật chiếm giữ khu phố Chợ Chu từ ngày nào đến ngày nào chỉ mang máng là trong khoảng một tháng, có điều rõ rành là chúng chỉ án binh bất động, ở chán rồi đi hầu như không lập được "chiến công" gì đáng kể. Các lực lượng vũ trang của ta, dân quân, du kích cũng như bộ đội giải phóng quân đều tích cực thừa hành nhiệm vụ, vừa bố trí lực lượng phòng vệ bản làng một cách nghiêm ngặt, vừa chăm chỉ tập luyện cho thao tác tinh nhanh thành thạo quyết chiến thắng quân thù.
Tôi thường đi công tác với cán bộ chính quyền và đoàn thể nên hiểu rõ anh chị em luôn luôn đi sâu, đi sát với đồng bào các làng bản, đôn đốc động viên, khuyến khích bà con, cô bác, anh chị em thanh niên đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ, bạc tiền, lương thực thực phẩm để giúp đỡ tiếp tế cho cán bộ, bộ đội đánh giặc, cứu nước, dành độc lập tự do. Hàng chục hàng trăm cô bác tuổi trung niên và những chàng trai cô gái còn trẻ dưới ánh nắng hè chói chang gánh gánh, gồng gồng nặng trĩu trên vai hoặc những thúng cái, thúng nhồi đè chặt trên đầu đang từ phía Đèo So đầu huyện đi về phía nam cuối huyện xuyên qua đèo Re đầu huyện Sơn Dương, tốp thì líu lo tiếng hát, nhóm thì râm ran chuyện trò, thỉnh thoảng rộ lên tiếng cười nói xôn xao vui nhộn như quên cả nhọc nhằn chỉ nhằm chóng đến Tân Trào tiếp tế cho căn cứ cách mạng.
Những công việc kể trên đã diễn ra hàng ngày, liên tiếp từ tháng tư cho đến cuối tháng 8.1945, Bác Hồ được đón về Hà Nội thành lập chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bao gồm toàn thể Bắc Trung Nam và tuyên bố toàn dân tộc Việt Nam đã được giải phóng khỏi ách phát xít Nhật và đế quốc Pháp, nước Việt Nam được độc lập tự do. Tình hình như tôi vừa kể trên cho thấy: huyện Định Hoá hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn và rất xứng đáng là một căn cứ địa, một ATK cách mạng của Việt Nam từ tháng 3.1945, hơn nữa huyện còn rất xứng đáng là một căn cứ địa anh hùng.
Tháng 11.1946 bắt đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp thì từ đầu năm 1947, Định Hoá thực sự trở thành căn cứ địa kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1947 Bác có ý kiến xây dựng Sơn Dương, Định Hoá thành một căn cứ địa kháng chiến. Các cơ quan đầu não kéo lên đóng ở đây. Bác, Trung ương Đảng và các cơ quan trực thuộc Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh và các cơ quan trực thuộc thì ở Định Hoá. Quốc hội, chính phủ và các cơ quan trực thuộc thì ở bên Sơn Dương. Bộ quốc phòng ở Định Hoá, Nha công an trung ương ở Sơn Dương ra phối hợp tổ chức lực lượng bảo Vệ An toàn khu căn cứ địa - cơ quan của Bác đóng ở Định Hoá nhưng Bác vẫn thường sang Sơn Dương họp với Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và thăm viếng kiểm tra các Bộ, ngành. Sẵn có kinh nhiệm 5 tháng ở đây thời kỳ tiền khởi nghĩa chúng ta đã xây dựng được một căn cứ địa, một ATK kiên cố và ta đã trụ được an toàn trong suốt 8-9 năm lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp, buộc chúng phải vác bộ mặt xấu xa đến Hội nghị Giơnevơ cam kết rút lui ra khỏi miền Bắc Việt Nam mặc dầu được đế quốc Mỹ, một đế quốc lớn mạnh nhất thế giới đứng đầu phe đế quốc viện trợ, hậu thuẫn cho chúng. Trên cơ sở vững chắc hữu lý, hợp tình như vậy hỏi ai còn cố phủ nhận huyện Định Hoá của ta chẳng phải là một an toàn khu cách mạng, một căn cứ địa hùng vĩ của dân tộc Việt Nam anh hùng? Hơn 50 năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại hình ảnh hàng trăm cán bộ, đồng bào Định Hoá đầu đội, vai gánh, lưng đeo, tay sách, nách mang nào thúng, nào mủng, nào gùi, nào sọt đầy đồ nhu yếu phẩm từ Định Hoá vượt Đèo Re đến Sơn Dương tiếp tế cho cán bộ, bộ đội đang tập luyện chờ ngày Tổng khởi nghĩa, khối người vượt đá trơn như mỡ, trượt ngã bươn đầu sứt trán, máu chảy đầm đìa, có người chân tay va đập dẫm đạp vào đá sắc nhọn như mảnh chai, bị xé da, toạc bắp, máu chảy ròng ròng nhưng khi gặp cán bộ, bộ đội là cười nói ríu rít, dáng vẻ hoan hỉ như đi xa lâu ngày nay được gặp lại người thân.
Ôi? những lúc đó lòng tôi xúc động biết bao, phần muốn cười, phần muốn khóc có lúc bật cười mà lại ràn rụa nước mắt, nghẹn ngào nói chẳng nên lời, có lần vỗ tay ú ớ reo hò giữa đêm khuya làm cho cả nhà kinh ngạc.
Ngay các gia đình khá giả cũng giàu lòng ủng hộ cách mạng như có lần nửa đêm, tôi đang họp cán bộ ở Định Hoá thì được thư hỏa tốc của anh Giáp báo tin Bác mệt, đi tìm xem ai có sâm thì mua cho Bác dùng, thường thì các nhà giàu người ta hay giữ sâm để bồi dưỡng lúc tuổi già, ốm mệt, hãy nói với anh em đi tìm hỏi họ. Lập tức mấy anh em chia nhau đi lùng sâm. Anh Ma Duy Bấu đến một nhà, họ đang ngủ; cũng liều đánh thức họ dậy hỏi mua sâm cho một cán bộ lão thành. Chẳng quản đêm khuya ngái ngủ, bà chủ nhà (tôi tiếc rằng đã quên tên) đi mở khoá hòm, tìm được hộp để dành một con sâm đưa cho anh Bầu để tặng ông cán bộ cao tuổi mà bà chưa hề gặp, chưa hề biết nhưng bà thầm đoán phải là một lãnh tụ cấp cao mới được cán bộ địa phương quý trọng như vậy. Anh Bâu trả tiền, trả vàng bà đều không nhận và nói rằng:
nếu nhờ dùng sâm này mà ông cụ tiếp tục được công to việc lớn cho dân là sung sướng và hạnh phúc cho chúng tôi lắm rồi, xá gì đồng tiền phân bạc, tôi không dám nhận. Những chuyện tình nghĩa như vậy giữa nhân dân và cán bộ làm sao mà kể cho hết? Tình cảm giữa đồng bào và cán bộ là vô bờ bến, là đặc biệt thấm sâu không thước nào đo được. Đó là cơ sở, là nền tảng để xây dựng căn cứ địa.
Trong thời gian ở Định Hoá năm 1950, Bác Hồ có tiếp cố vấn Công an Trưng Quốc. Tôi nghĩ phải kể thêm chuyện này vì nó chứng tỏ cán bộ nhân dân Định Hoá đã được Bác Hồ tin cậy nhường nào.
Năm 1950 đáp ứng yêu cầu của ta Trung Quốc cử sang Việt Nam một cố vấn Công an. Tôi có nhiệm vụ báo cáo với cố vấn đầy đủ tình hình về tổ chức cán bộ và công tác nghiệp vụ của ngành để cố vấn góp ý kiến và phổ biến kinh nghiệm. Chúng ta ai cũng biết rằng năm 1949, chiến thắng Tưởng Giới Thạch, thành lập nước CHDCND Trung Hoa thì Trung quốc mới có Bộ công an nhưng thực tế thì Đảng cộng sản Trung Quốc đã có nhiều căn cứ địa kháng chiến chống Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch và đế quốc Nhật mà đặc biệt là căn cứ địa Diên An nổi tiếng từ hàng chục năm trước khi ta có căn cứ địa Sơn Dương - Định Hoá (tức là chiến khu Việt Bắc) cho nên Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ rất đáng quý để chúng ta cần học tập. Trong hội đàm với cố vấn, tôi cảm thấy dường như đồng chí cố vấn không mấy hài lòng về tổ chức và công tác của chúng tôi, nhất là việc bảo vệ căn cứ địa, các cơ quan trung ương và các lãnh tụ ở đó.
Là cố vấn nước ngoài, đồng chí được bố trí ăn ở và làm việc một mình trong một căn nhà ba gian, cột bằng cây tre rừng, vách là tre nứa đan phên, mái lớp lá gồi, núp dưới bóng cây rừng và ngủ trên một chiếc giường bằng tre nứa, mùa hè trải chiếu cói, mùa đông có đệm chăn, bàn chế làm việc riêng cũng như bàn ghế để hội họp đông người cũng bằng tre nứa, giấy tờ tài liệu sách vở để trong một cái hòm sắt người ta vẫn thường sắm cho cô dâu chú rể ngày kết hôn ra ở riêng. Mùa nực thì tắm suối, mùa rét tắm nước nóng ở gần suối có phên tre gió, có cần vụ nhưng cần vụ không ở chung nhà với cố vấn mà ở một gian riêng có phần dành làm bếp, ở cách nhà thủ trưởng vài mươi thước, có thể nghe được tiếng thủ trưởng kêu gọi sai bảo. Ngoài ra, cần vụ còn làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở bên ngoài, canh gác các đường lối ra vào khu vực. Nhà ở và nội thất như vậy, thời kháng chiến là ta dành cho những cán bộ Thủ trưởng cao cấp phải ở rừng. Như vậy là quá sơ sài, không đảm bảo an ninh ví như cái hòm sắt để cất tài liệu thì không phải ai cũng có nhưng đối với cố vấn thì đề nghị hòm tài liệu phải có giây xích lớn quàng vào chân cột hay chân giường, có đeo chuông báo động khi có người đụng đến, có mấy lần cố vấn đã trực tiếp phê bình chúng tôi và báo cáo về trưởng đoàn cố vấn về sự tổ chức quá sơ sài như vậy.
Tôi nhớ một lần, tôi cùng cố vấn dạo quanh nhà bỗng thấy có vết chân hổ, tôi chỉ cho cố vấn xem, tôi không ngờ cố vấn sợ tái mặt nói rằng các đồng chí làm công tác bảo vệ như thế này. Một lần khác cố vấn thấy từ nóc nhà rơi xuống một con rắn nghe nói là to bằng một đoạn cây sậy, nó rơi xuống rồi bò chạy lung tung tìm chỗ hổng bò ra ngoài.
Đồng chí nói tôi chưa nhìn thấy loại rắn ấy bao giờ, nếu là rắn độc gặp mình nó cắn thì thuốc đâu cứu được mình. Tôi biết đó chỉ là loại rắn săn chuột không cắn chết người, giải thích cho cố vấn bớt lo sợ nhưng hình như không thuyết phục được ông ta.
Qua tình hình như trên cố vấn càng thúc giục tôi phải đưa đi quan sát thực tế, cố vấn nói: Mao chủ tịch khi phái tôi sang đây có dặn rằng phải hết lòng giúp đỡ công an Việt Nam về kinh nghiệm bảo vệ, nhất là bảo vệ Hồ Chủ tịch. Vậy yêu cầu đồng chí phải đưa tôi đến thực đi mắt thấy công an Việt Nam đã bảo vệ lãnh tụ cẩn trọng như thế nào để về báo cáo lại với Mao chủ tịch. ở Diên An Mao chủ tịch có rất nhiều chỗ ở và nơi làm việc khác nhau. Ai muốn gặp Mao chủ tịch nếu không thông qua chúng tôi, thì sẽ không biết đâu mà mò... Nghe cố vấn nói như vây tôi cảm thấy có lẽ do chủ quan quá tin cậy ở đồng bào quần chúng mà chúng tôi không làm đầy đủ công tác bảo mật cho nên phải báo cáo tình tiết với Bác và xin Bác cho dẫn cố vấn đến thăm Bác. Được Bác đồng ý tôi đích thân báo tin và đưa cố vấn đi. Trời mùa hè, cố vấn nai nịt hẳn hoi, đem theo súng ngắn dao găm và rất ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ phong phanh bộ quần áo ngắn mỏng thường ngày và không có ai đi bảo vệ. Hai người, hai ngựa chạy từ xóm Lũng Cò (Sơn Dương) đến Định Hoá nơi có lán của Bác khoảng hơn 20 cây đồng ruộng rộng lớn với bản làng có nhà sàn lúp súp, với cư dân phần lớn là người dân tộc thiểu số. Khi đến một khu rừng khá rộng ở dọc ven sông, đi theo con đường mòn, khúc khuỷu ta sẽ phát hiện một khu có mấy cái lán, đó là khu "dinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" ở khuất dưới bóng những lùm cây. Đến tận nơi ta mới thấy dinh chủ tịch là một cái lán bằng tre nứa rộng khoảng hơn 10 mét vuông chia hai tầng, dưới là nền đất trống, có kê một cái bàn nhỏ với một cái ghế bằng tre nứa, Bác Hồ có cái máy chữ xách tay, thường khi cần thì Bác ngồi đánh máy hoặc đọc sách ở đó. Tầng trên là sàn bằng phên tre nứa để người nằm ngồi, chung quanh có vách liếp cũng bằng tre nứa, mái lá lợp lá gồi. Phòng trống không, không có giường bàn cũng chẳng có ghế, ngủ ngay trên sàn có chiếu giải, trên vách cắm mấy cái đũa để treo bị cói, túi lưới và ống tre khô, túi và bị đựng quần áo hoặc những đồ dùng lặt vặt, còn ống tre thì để những tài liệu, báo chí dùng hàng ngày của Chủ tịch Đảng và chính phủ. Vách có trổ cửa, trước cửa có cái thang tre để lên xuống, quanh năm Chủ tịch đi dép cao su...
Chúng tôi xuống ngựa và buộc ở những cây bên cạnh lán rồi cùng tiến đến chỗ Chủ tịch đang ngồi đánh máy, tôi cất tiếng chào người và giới thiệu cố vấn, cố vấn nói lời chào mừng bằng tiếng Trung Quốc, Bác cũng đáp lại bằng tiếng Trung Quốc. Đại khái cố vấn kính chào Chủ tịch thăm sức khoẻ của người và nói mục đích chuyến đi theo lời căn dặn của Mao Chủ tịch, Bác nói lời đáp lễ, cảm ơn cố vấn phải vâng lời Mao Chủ tịch xa rời tổ quốc và gia đình đến giúp đỡ Công an Việt Nam. Bác mời cố vấn đi quan sát tuỳ theo ý muốn của mình và Tổng giám đốc Giản sẽ đi theo giải đáp những câu hỏi của cố vấn, xong việc mời cố vấn trở lại đây dùng trà và trò chuyện.
Tôi dẫn cố vấn đi thăm khu rừng quay về thăm mấy cái lán của tiểu đội bảo vệ ở gần bên lán "dinh" của Chủ tịch. Lúc bấy giờ chỉ có 4, 5 đồng chí bảo vệ ở nhà. Cố vấn vào thăm nơi ăn chốn ở và hỏi han về công việc hàng ngày họ phục vụ Chủ tịch như thế nào? Tôi trước kia có ở Hải Phòng, thường giao dịch với người Hoa kiều, nói tiếng Quảng Đông khá thành thạo, nhưng tiếng phổ thông Bắc Kinh thì mới bập bẹ mấy câu thường thức về sinh hoạt bình thường hôm ấy phải cố gắng làm phiên dịch. Qua nét mặt nghiêm nghị của cố vấn tôi thấy đồng chí ấy không vui hoặc có thể nói là quá ngao ngán về cung cách bảo vệ vị Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, vì thấy nó sơ sài quá mức tưởng tượng, hơn cả báo cáo của tôi. Khi quay lại chỗ Bác thấy người tươi cười đứng đón dưới bóng cây, chỉ tay ra hiệu bảo chúng tôi lên gác. Cố vấn vội cởi giày, vụng về lúng túng trèo lên thang gác, ngồi phịch xuống sàn. Bằng tiếng Trung Quốc, Bác hỏi:
- Chú đã đi xem hết mọi thứ rồi chứ? Chú thấy thế nào? Tốt đấy chứ?
Nghe Bác đặt câu hỏi cố vấn tỏ vẻ ngỡ ngàng, lúng túng. Một phút sau đồng chí mới trả lời: Khi cháu lên đường Mao Chủ tịch ân cần căn dặn, đến Việt Nam việc đầu tiên là phải đi thăm Hồ Chủ Tịch, chuyển lời Bác Mao thăm hỏi và kính chúc Hồ Chủ tịch sống lâu trăm tuổi luôn được bình an, vui khoẻ, công tác thắng lợi. Nhưng qua hơn hai tháng hôm nay cháu mới đạt yêu cầu, thật là lỗi lớn, xin Chủ tịch lượng thứ và cho cháu được thành thực tỏ bày mấy ý kiến thô thiển về chuyến đi công tác hôm nay. Trước hết cháu xin nói ngay là cách thức Công an Việt Nam bảo vệ Chủ tịch thật quá sơ sài. Như hôm nay từ căn cứ của Nha công an Việt Nam đến sát bên lán của Chủ tịch đường dài hơn hai chục cây số chạy qua hai huyện mà dọc đường không thấy một trạm gác cũng không bị xét hỏi giấy tờ, thậm chí vào đến đây cũng chẳng ai thèm hỏi anh vào đây làm gì. Tại Diên An, Bác Mao có mấy chỗ ở rất kín đáo. Không dễ gì người bình thường có thể lọt vào Xô khu (khu Xô viết); các đồng chí cao cấp uỷ viên Bộ chính trị hay ủy viên Ban Bí thư trung ương Đảng, muốn gặp Mao Chủ tịch cũng phải thông báo qua Ban bảo vệ hướng dẫn. Cháu rất ngạc nhiên thấy Hồ Chủ tịch lại chấp nhận một cuộc sống quá giản dị như thế này. Tuổi cao sức yếu, làm sao Bác ngủ được yên giấc trên chiếc sàn tre nứa này? Tầng dưới nơi Bác làm việc ban ngày thì trống rỗng giữa rừng, những ngày mưa to, gió lớn hoặc trời nắng chói chang thì che chở như thế nào? Hoàn cảnh sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hôm nay cháu tận mắt chứng kiến phải sớm được thay đổi, tổ chức lại, Chủ tịch cho phép cháu được đề nghị với Trung ương Đảng và chính phủ Việt Nam sớm tổ chức lại mới được.
Hồ Chủ tịch ngồi đối diện với cố vấn vẫn bình tĩnh lắng nghe cho đến khi đồng chí ngừng lời. Bác nghiêm túc ngỏ lời biết ơn Trưng ương Đảng, Mao chủ tịch và nhân dân Trung Quốc luôn luôn quan tâm đến Việt Nam là anh em hàng xóm, láng giềng với mình, luôn luôn chia xẻ ngọt bùi tìm cách giúp đỡ cách mạng Việt Nam giải phóng dân tộc dành được độc lập tự do và thành lập được chính quyền nhân dân, Việt Nam được như ngày nay cũng là có phần giúp đỡ to lớn của Quốc tế, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc. Hiện nay các nước đế quốc chủ nghĩa vẫn chưa bỏ ý đồ xâm lăng Việt Nam, đè bẹp cách mạng Việt Nam cho nên chúng tôi vẫn còn cần đến sự ủng hộ, sự viện trợ về mọi mặt của các nước và các Đảng anh em mà nhất là của Trung Quốc láng xiềng. Việt Nam tuy bị chiến tranh làm cho yếu kém nhưng vốn có truyền thống chống ngoại xâm, giành độc lập tự do hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam tha thiết thương yêu nhau, toàn thể đồng bào chúng tôi quyết tâm đoàn kết kháng chiến, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Đồng bào Việt Nam ngày nay rất tin tưởng vào Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cũng vô cùng yêu mến Hồ Chủ tịch là người hầu như đã hy sinh cả cuộc đời mình để lo toan cho nhân dân được ấm no, hoà bình, hạnh phúc, dân chủ và tự do; và chúng tôi cũng rất tin cậy đồng bào chúng tôi một lòng sắt son theo Đảng ủng hộ Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ Đảng. Đồng chí đi từ Nha công an đến đây không thấy một trạm gác, không bị xét hỏi giấy tờ là chuyện không lạ vì đồng chí đi cạnh với đồng chí Lê Giản nên tất nhiên không bị xét hỏi giả sử có kẻ xấu đến tấn công thì chắc chắn nó chẳng thoát khỏi tay quần chúng. Nghĩa là chúng ta, những chiến sĩ cách mạng đã có mạng lưới bảo vệ vô hình vô cùng chặt chẽ ở khắp nơi khắp chốn...
Vừa nói, vừa cười vui, Hồ Chủ tịch nói thêm: đồng chí không biết đấy chứ, ngoài quần chúng đồng bào ra, còn một lực lượng bảo vệ chúng ta rất đắc lực, đó là các loại thú dữ như hổ báo trăn rắn... bọn xấu có thể hung hăng lén đánh, giết người khác nhưng bản thân lại rất sợ chết, cho nên chúng thường không dám bén mảng vào rừng rú, sợ thú dữ ăn thịt. Còn chúng ta thì ai cũng biết, thú dữ vốn sợ người ta, nó chỉ phản ứng tấn công lại khi mình tấn công chúng. Ban đêm tĩnh mịch mình ngủ trong lán đóng cửa then cài, thú dữ cũng chỉ lủi thủi đi qua mà thôi.
Nghe Bác nói chuyện này, có lẽ cố vấn đã hiểu ra vấn đề nên chỉ biết cười. Thấy cố vấn lắng nghe nét mặt có rạng rỡ thêm lên, Bác tiếp tục: không biết chú Lê (tức là tôi) bố trí cho chú ăn ngủ và làm việc như thế nào, còn về phần Bác thì đã hơn 10 năm nay từ Trung Quốc về Việt Nam hoạt động, khi phải ở rừng núi Bác đã nói với đồng chí, đồng bào làm cho mình các nhà lán kiểu này, vừa dễ dựng, lại dễ phá rất nhanh chóng khi cần phải tránh chỗ này rời đi chỗ khác. Đồ dùng lặt vặt và vài bộ quần áo bó vào bị cói, vào túi lưới, tài liệu thì đút vào ống tre mang đi rất tiện lợi, các chú bảo vệ hàng ngày sách ống tre đưa tài liệu đi hoặc lấy tài liệu mang về thấy địch từ xa thì quẳng vào bụi rậm, dễ dàng lắm và không bị chúng nghi ngờ.
Tình hình Việt Nam ngày nay có nhiều điểm khác với Trung Quốc trước kia. Từ hơn chục năm nay chúng tôi thấy sống và làm việc ở căn cứ địa như thế này là tốt. Nó biểu thị lòng dân tin Đảng, theo Đảng là cách mạng còn; Đảng cũng tin ở dân, dựa vào dân mà tiến hành cách mạng. Đó là đường lối đoàn kết. Đoàn kết dân, Đảng, đoàn kết dân dân, đoàn kết Dân Chính, đại đoàn kết dân tộc. Chú hãy báo cáo lại với Mao chủ tịch, với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc những gì mắt thấy tai nghe để góp phần xây dựng đoàn kết quốc tế, đoàn kết Việt Trung, đoàn kết Việt Xô... tiến hành cách mạng thế giới đến thành công.
Từ chuyến viếng thăm Hồ Chủ tịch, tôi thấy đồng chí cố vấn tỏ ra rất vui vẻ mỗi lúc nghe tôi báo cáo và nghiêm túc trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ của hai nước. Tôi cảm thấy Bác đã giải quyết được những thắc mắc của cố vấn.
Thưa các đồng chí,
Hy vọng rằng chuyện kể trên đây có thể gợi ra cho mỗi chúng ta một ý niệm rõ nét về Định Hoá, với tư cách là An toàn khu cách mạng, là căn cứ địa cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, đã trở thành cái nôi từ đó xuất hiện nước Việt Nam mới bao gồm 6 tỉnh của Việt Bắc được giải phóng (Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái) trước tháng 8.1945, và ở đó chính quyền cách mạng đã ra đời và mở đường cho thành công của cách mạng Việt Nam năm 1945, cuộc cách mạng nhân dân được đánh dấu nổi bật bằng bản Tuyên ngôn độc lập mà đích thân Hồ Chủ tịch đã công bố với thế giới ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.
Lê Giản
❧ ❀ ❧
http://my.opera.com/doanducthanh/blog/show.dml/9804331
ReplyDeletehttp://www.caa.gov.vn/Default.aspx?tabid=0&catid=410.421&articleid=8272
ReplyDelete