Đi về chiều 23/8/1979, chú Lương điện thoại nói là đã nhận thư tôi nhờ giục.
TƯ Đảng họp xong ngày 27/8/1979. Chiều ngày 28/8/1979, chú Lương bất thình lình đến chơi, nói chưa đọc văn bản, nhưng nghe nói văn bản nói có khai và nhiều tài liệu chưa có điều kiện nghiên cứu. Vậy đợi xem văn bản mới rõ được. Tôi làm thư giục anh Bách – Văn phòng TƯ Đảng, và nhờ anh Trần Đông ở Bộ Nội vụ nhắc. Chiều 29/8/1979 được điện thoại của anh Đông nói anh Bách nói trong tuần sẽ có văn bản.
Trưa 3/8/1979, giao thông mang văn bản kết luận số 908 đến tận nhà. Phải nói là anh em giao thông rất nhiệt tình.
Văn bản 908 do anh Nguyễn Duy Trinh ký ngày 18/8/1979, nội dung có 3 điểm, nội dung như sau:
“1. Xét toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Tài cho đến trước khi bị địch bắt, đồng chí nguyễn Tài là một đảng viên tốt. Trong thời gian bị địch bắt, tuy đồng chí có tinh thần chịu đựng sự tra tấn của địch, nhưng cũng có lúc đồng chí Tài đã dao động, do đó đã phạm khuyết điểm khai báo với địch một số cơ sở của Đảng”. Nội dung không đúng sự thật.
2.
Hiện nay đối với một số người trước đã bị địch bắt giam, trong đó có đồng chí Nguyễn Tài, Đảng chưa có điều kiện để làm rõ một vài điểm cần phải làm rõ trong tài liệu ta lấy được của địch, những điểm đó còn cần phải tiếp tục tìm hiểu rõ thêm. Rõ ràng là treo lại rất mập mờ, có hại.
3.
Tuy nhiên, dựa trên bản kiểm điểm của đồng chí nguyễn Tài đã báo cáo với tổ chức Đảng, và căn cứ vào kết quả thẩm tra của Tiểu ban Bảo vệ Đảng, nay quyết định chấm dứt thời gian đình chỉ công tác của đồng chí Nguyễn Tài, và phân công công tác cho đồng chí Nguyễn Tài theo yêu cầu công tác của Đảng và năng lực của đồng chí Tài. Nếu cứ thế mà đi làm, thì sẽ không bao giờ được làm rõ nữa.
Tôi liền làm ngay văn bản khiếu nại lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư ngày 1/9/1979; thông qua Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ gửi; đồng thời cũng gửi thẳng bản đó đến từng đồng chí. Bản này đồng gửi Tổ chức TƯ Đảng, Thành ủy Sài Gòn, BCSĐ/BNV.
Một giai đoạn đấu tranh nội bộ mới lại bắt đầu, nhằm làm rõ sự thật về những việc gọi là chưa rõ, trong việc thẩm tra đối với tôi.
Sáng 3/9/1979, do chỗ anh Hoàn hoãn việc gặp, nên tôi đến trao văn bản cho anh Quyết. Gặp anh Sỹ Huynh và Dương Thông cũng đang ở đó. Tôi trao văn bản, giải thích rõ từng ý, và giới thiệu rõ yêu cầu đối với Bộ Nội vụ: Xác định chỗ nói lờ mờ về cơ sở, là phía Bộ CA cũ không đả động gì, để khoanh lại còn làm việc với Sài Gòn thôi; không yêu cầu Bộ Nội vụ can thiệp nội dung, nhưng vì trách nhiệm bảo vệ chân lý, trên tinh thần trách nhiệm trước Đảng và cán bộ CA, nếu tôi nói có lý thì yêu cầu đặt vấn đề lên TƯ Đảng cho kiểm tra, xét sự khiếu nại; và nếu có sai thì cho sửa.
Anh Quyết hứa sẽ làm công văn chuyển văn bản của tôi lên TƯ Đảng. Nhưng do việc hành chính chậm trễ, nên đến trưa 4/9/1979, văn bản gửi lên TƯ Đảng vẫn nằm ở Văn phòng anh Hoàn. Tôi đã yêu cầu cho một bản lưu công văn chuyển giao văn bản của tôi lên TƯ Đảng; được anh Bảo ở Văn phòng anh Hoàn cho biết đã làm công văn chuyển lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tiểu ban BVĐ; có văn bản lưu gửi cho tôi.
Trong lúc đi vắng về, anh Luân nghe có bản kết luận nên đến thăm. Anh ấy nói với vợ tôi là cách đây một tuần, có gặp anh Thân; nhân nói đến tôi, anh Thân nói đã có kết luận, nhưng khác với trước đã nghe, thì có khai cơ sở. Anh Luân ngạc nhiên, nên muốn biết sự thật ra sao: Khi nghe rõ, anh ấy thấy cách làm việc như vậy không được.
Đáng chú ý là: ngày 30/8/1979 tôi mới nhận được văn bản. Tối 31/8/79, tôi gặp anh Trần Đông Bộ Nội vụ, anh ấy nói cũng mới được đọc; và kể là sau khi đọc thì anh Quyết nói với anh Đông
“Kết luận vậy thì ông Tài ông ấy không chịu đâu.” Theo ý anh Đông, thì đã ký rồi, khó sửa được lắm. Và cũng kể là, ở địa phương bao giờ cũng cho người được nhận xét được đọc văn bản trước khi ký; và cũng ngạc nhiên cách làm ở Trung ương. Cách đây đã lâu, chú Lương nói là lúc phụ trách Tổ chức và Thường trực Ban Bí thư, thì bao giờ cũng cho đảng viên được đọc trước.
Vậy
tại sao trường hợp của tôi, có yêu cầu hẳn hoi, mà người ta lại dường như cố ý làm lướt đi, không cho tôi biết trước nội dung, có vẻ như muốn làm việc đã rồi.
Sau này anh Thành cho biết, anh Nguyễn Duy Trinh đã gọi anh Thành báo cáo. Sau khi nghe, anh Trinh khen việc thẩm tra như vậy là tốt, nhưng ta “không nên kết luận khác với ý kiến anh Thọ và anh Hai Văn”.
Tối chủ nhật 26/8/1979, tôi thăm anh Sỹ Huynh, anh ấy kể là trước khi anh Trinh đi nghỉ thì dự thảo do anh Trinh làm có mấy ý chính: 1. Đình chỉ công tác là cần; 2. Sau thẩm tra thấy không có vấn đề liên quan chính trị địch, và không có gì phải lưu; 3. Có khai, nhưng không gây tác hại (ý anh Trinh còn muốn ghi là có ý thức làm giảm nhẹ thiệt hại trước ý “không gây tác hại”, nhưng không được anh Song Hào đồng ý); 4. Giao cho Tổ chức nghiên cứu công tác. Và theo ý anh Trinh, thì làm Phó Ban Thanh tra Chính phủ.
Sau khi có văn bản kết luận, chiều 31/8/1979, tôi gặp lại anh Huynh như đã hứa với nhau là đối chiếu tình hình trước và văn bản, thì anh ta rất ngạc nhiên; nhất là đọc công văn của Thành ủy Sài Gòn thì càng ngạc nhiên.
Trở lại chiều 3/9/1979, bỗng nhiên cậu Hiếu - thư ký anh Thân điện thoại nói định đến chơi. Gặp nhau, cậu ta hỏi chuyện. Nhưng lập luận một số ý không hiểu của ai:
“Người ta có thể nói hôm anh Thọ gặp anh, nói không có văn bản và không ghi âm, nên văn bản chỉ là do anh ghi lại, chứ anh Thọ không nhận nói như vậy (!); người ta có tài liệu của Thành ủy, nhưng người ta cũng có báo cáo của Tiểu ban BVĐ, và tin ở báo cáo đó, mà anh thì chưa được đọc báo cáo đó, đã ký thì không sửa được đâu, nên chấp nhận cái gì thoả đáng, rồi làm tiếp”.
Nên chú ý là trong quá trình thẩm tra, mọi việc trả lời, tôi đều đã có gửi anh Thân, nên cậu Hiếu đã đọc. Và trước đây cũng không thấy bao giờ nói chuyện về cơ sở; mà cậu ấy chỉ cho biết vài lập luận của người ta xung quanh mấy chuyện mà Tiểu ban BVĐ định treo lại.
Tôi có trả lời ngay mấy ý:
“Cải cách ruộng đất đã tổng kết bài học sai lầm là chỉ dựa và tin Đoàn Cải cách ruộng đất, cho nó to hơn Tỉnh ủy, gây sự lộng quyền; nếu TƯ Đảng không tin và dựa vào cấp ủy địa phương về các vấn đề quản lý chính trị địa phương, trong đó có vấn đề cơ sở thì là sai lầm về nguyên tắc (Hiếu phải công nhận); từ sai về nguyên tắc, thì thấy các sai lầm khác bên cạnh đã dẫn đến kết luận sai, anh Thọ là người lớn, tôi cũng đã lớn tuổi, không lẽ nói láo, hay nói rồi nuốt lời, tôi tin anh Trinh nếu thấy sai thì sửa, vì anh ấy phải là người cộng sản chân chính, trung thành với chân lý, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; hơn nữa, đáng chú ý tình hình anh Trinh bệnh hiện nay, nên không chừng không kiểm soát được văn bản”.
Văn phòng anh Hoàn hẹn gặp anh ấy
[1] vào sáng 4/9/1979; rồi lại hoãn đến chiều. Mở đầu, tôi chuyển giúp anh Tư Ánh đề nghị gặp anh Hoàn vấn đề tôn giáo; anh ấy xoay vào đó nói một tràng dài.
Đang nói dở chuyện, tôi sắp nói vào việc tôi, thì thình lình anh Viễn Chi và một cán bộ mang theo một tấm bản đồ đến. Nói chuyện bâng quơ một chút, tôi hiểu là các anh ấy làm việc. Nên về. Ra cửa, tôi định nói việc, thì anh Hoàn nói: Anh Quyết đã gửi tôi, tôi đã xem, và đã gửi lại để Ban Cán sự Đảng bàn tập thể. Trước đó, buổi sáng, thư ký anh Hoàn điện thoại cũng nói như vậy, và thêm ý: Anh Hoàn nói cá nhân không dám có ý kiến, để tập thể bàn; và gửi tài liệu lại cho tôi. Tôi bèn nói đây là văn bản tôi gửi Ban Cán sự Đảng, thì lưu ở Ban Cán sự Đảng.
Một cán bộ Hà Nội cũ kể là: anh Lành kể cho anh ta rằng Ban Bí thư kết luận không có vấn đề gì; hỏi ý kiến Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, thì không ai có ý kiến trả lời. Trừ anh Hoàng Thao nói:
Nếu kết luận như vậy, chẳng hóa ra chúng tôi bịa đặt ư? Chuyện này cần kiểm tra. Nhưng cũng là điều đáng suy nghĩ, cộng với các chuyện đã nghe. Với thời gian sẽ rõ hơn.
* * *
Do tôi khiếu nại, nên vẫn chờ. Anh Mười Hương ra Hà Nội thấy vậy, nên đã đề xuất với Tổ chức trung ương cho tôi đi dự một lớp học ở trường Nguyễn Ái Quốc trong một năm. Khóa học bắt đầu từ tháng 9/1979. Lớp học cũng bận liên miên. Nên nhật ký lúc đó mới đến tháng 9/1979. Nay, mới tiếp tục ghi việc xẩy ra từ tháng 9/1979 đến tháng 12/1979.
Tiếp theo những chuyện đầu tháng 9/1979.
Anh Mười Hương họp TƯ bị bệnh, nằm bệnh viện Việt-Xô, điện thoại hẹn đến chơi, mới biết anh ấy còn ở Hà Nội. Nghe nội dung văn bản 908, anh ấy rất bất bình. Đã gặp anh Hoàn, nhưng mắc đông người, không nói chuyện được nhiều. Anh Hoàn thanh minh rằng Bộ không có hoạt động trực tiếp ở Sài Gòn, bởi thế không có gì để phát biểu về chuyện đó. Đã gặp anh Vũ Oanh, và gợi ý nên cho đi học trường Đảng trong khi chờ xem xét lại. Hứa chuyển văn bản cho Thành ủy, và sẽ có ý kiến của Thành ủy.
Tiện có người đi, tôi gửi thư cho anh Sáu Hoàng, yêu cầu An ninh Miền xác nhận chuyện cơ sở; cách không lâu, nhận được thư anh Sáu Hoàng xác nhận; thư của anh Sáu Hoàng đã đồng gửi Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.
Vì anh Trinh bệnh, nên tôi có thư cho anh Song Hào, yêu cầu được gặp để được giải thích về văn bản 908. Không có trả lời gì cả.
Gần hết tháng 9/1979, đột ngột được điện thoại của Ban Tổ chức TƯ Đảng gọi đến nhận giấy triệu tập đi học lớp 8 tháng ở Trường Đảng.
Từ đầu tháng 10/1979, học ở Trường Đảng.
Gặp rất nhiều bạn bè quen biết; thành ra sự có mặt ở Trường Đảng cũng mặc nhiên làm cho nhiều người hiểu vấn đề một cách gián tiếp. Nhiều đồng chí được tin đi học tỏ ra rất mừng.
Theo thủ tục của Trường, mỗi học viên tự báo lý lịch. Ở chi bộ, tôi cũng tự báo, trong đó có việc đình chỉ công tác, và chấm dứt đình chỉ công tác. Chuyện này cũng dần dần đến tai nhiều người.
Cũng ở Trường, gặp Lê Minh Nghĩa. Đã cùng làm việc ở Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương năm 1954. Anh này bị ghép tội tham gia nhóm chống Đảng, và nằm nhà 7 năm. Khiếu nại mãi, đầu năm 1979 mới được sửa lại kết luận. Theo anh ta cho biết thì dự thảo kết luận lại, được đưa cho xem; có điều không đúng, anh ta đòi chữa và đã được chữa. Càng tỏ ra cơ quan BVĐ không phải không biết thủ tục, khi mà bản kết luận của tôi không hề cho tôi có ý kiến vào dự thảo, mặc dù tôi có thư yêu cầu. Rõ ràng là một cách làm việc để thành chuyện đã rồi, có tính cách không minh bạch.
Chờ hai tháng sau khi có văn bản 908, mà Ban Bí Thư không triệu tập tôi để giải thích nội dung bản 908, tôi đã có văn bản phát biểu về toàn bộ nội dung văn bản 908, cũng như về công văn 149 của Tiểu ban BVĐ.
Tháng 11/1979,
được biết ý kiến của một số đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
- Anh Ba Duẩn thì thấy phải kết luận lại.
- Anh Văn Tiến Dũng tỏ sự thông cảm, hứa nói chuyện với anh Thọ, và khi Bộ Chính trị bàn thì sẽ phát biểu ý kiến; khuyên nên nhận công tác, không chờ.
- Anh Đỗ Mười cũng thế, hứa phát biểu với anh Thọ, và khuyên kiên nhẫn.
- Anh Mười Cúc nhắn tỏ thông cảm BVĐ làm bậy, khuyên hãy cứ đi học đã.
- Thường vụ Thành ủy Sài Gòn phân công anh Sáu Dân phát biểu ý kiến theo cương vị; nếu Ban Bí thư hỏi thêm thì Thường vụ Thành ủy Sài Gòn sẽ phát biểu thêm.
- Anh Lê Quang Đạo thì tỏ sự thông cảm về những điều sai lầm xẩy ra, và góp ý là cần tranh thủ trình bầy lại với anh Thọ.
Cũng cần ghi lại là, cuối tháng 9/1979;
anh Vũ Oanh lúc đó ở Tổ chức TƯ Đảng hẹn gặp và đã để một buổi chiều nghe tôi trình bầy. Anh ấy hỏi xem anh Thọ đã nghe tôi nói hay chưa? Và hỏi sâu một vài chi tiết xung quanh những chuyện rắc rối. Tuy không phát biểu ngay ý kiến, nhưng
anh ấy tỏ vẻ ngạc nhiên về những cách làm việc xung quanh việc thẩm tra.
Bởi thế, đầu tháng 11/1979, tôi có thư nhắc lại, yêu cầu sau khi làm việc với anh Thọ, thì anh Vũ Oanh
đề xuất ý kiến cho làm rõ hai vấn đề chính: cơ sở, và tài liệu đoàn nước ngoài. Chưa có ý kiến trả lời.
Tôi cũng có thư cho anh Thọ yêu cầu được gặp để nói rõ xung quanh văn bản 908. Cũng chưa thấy trả lời.
Tháng 12/1979, anh em cùng học Trường Đảng có người được cơ quan gọi chụp ảnh
chuẩn bị làm thẻ Đảng. Tôi có thư nhắc chi bộ thì được trả lời là hiện không có tên trong danh sách chi bộ; và việc làm thẻ Đảng cho tôi cần hỏi Tổ chức TƯ. Thật là một sự làm việc - hoặc là dốt về nguyên tắc - hoặc là có dụng ý. Tôi chưa làm thư lên Trung ương, nhưng có thư cho chú Lương, nhờ hỏi thẳng anh Thọ. Không gặp anh Thọ, nhưng chú Lương có nói với anh Vũ Oanh và anh Khiêm; hai người này cho là Đảng ủy Bộ Nội vụ làm bậy. Có lẽ có phát biểu gì đó, nên Đảng ủy cho mời đến chụp ảnh làm thẻ. Thật là buồn cười và đáng buồn.
Đến nay là bốn tháng mà Ban Bí thư vi phạm Điều lệ Đảng về sự khiếu nại, bởi không hề trả lời báo nhận và không hẹn giải quyết ra sao cả. Tôi định nhắc; nhưng có đồng chí khuyên là lúc này công việc đang bê bối, nhắc cũng chưa được giải quyết; lại sinh hiểu thế này, thế nọ. Ráng chờ thêm, rồi lúc vãn việc sẽ nhắc một thể.
BCSĐ/BNV đến làm việc cuối năm với anh Thọ. Có đồng chí nhắc anh Thọ nên giải quyết việc của tôi. Nghe nói anh Thọ ừ ào là lúc nào ở Hà Nội, sẽ thu xếp.
Nhưng BCSĐ/BNV vẫn không ra thông báo lại trường hợp của tôi. Và anh Quyết cũng nói rằng chuyện cơ sở đã bàn, nhưng BCSĐ/BNV không ai biết; hỏi anh Hoàn, thì cũng được trả lời là Bộ không hoạt động trực tiếp ở Sài Gòn; thế rồi anh Hoàn bệnh, nên bỏ đó. Người nọ đùn cho người kia, không ai dám nhận trách nhiệm giải quyết cả.
Những hành động sai trái, do Đảng ủy hay cá nhân trong lãnh đạo Bộ gây ra, cũng lờ luôn.
Tối hôm BCSĐ/BNV gặp anh Thọ, bỗng nhiên cậu Hiếu - thư ký anh Thân - điện thoại hỏi thăm sức khỏe, và đánh tiếng rằng anh Thân có ý kiến đề nghị thuyết phục tôi nhận công tác Pháp chế. Tôi nhắc lại là đã từ chối và đã viết nói rõ với anh Trinh rồi. Cậu Hiếu cũng kể là anh Bách có ý kiến nếu tôi nhận làm Hiệu trưởng Trường pháp lý thì hay. Tôi cũng nói không nên nêu chuyện ấy làm gì, bởi vì tôi, biết đồng chí Vụ trưởng Pháp chế Bộ Nội vụ đã được gợi ý đó, mà anh ấy đáp rằng:
“Đó là việc chỉ đòi hỏi một cán bộ lương 145 đồng, còn anh ta thì 160, lại không hiểu nhiều pháp luật, sẽ gây thắc mắc nội bộ”. Vậy người ta định xếp tôi vào việc đó, không hiểu đó là ý gì.
Từ khi đi học, nhiều đồng chí có thư thăm hỏi mừng rỡ; nhiều đồng chí tới thăm và thanh minh; có những đồng chí ở địa phương xa, khi về công tác Hà Nội cũng tìm đến thăm. Nhiều người tỏ không đồng tình, không những về cách làm việc của TƯ Đảng, mà chê trách thái độ của lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Trong tháng 1 và 2/1980, có những chuyện:
Ngày 30/1/1980, tôi gửi thư cho anh Thành / Bảo vệ Đảng, nhắc lại việc anh ấy hứa cung cấp cho tôi một bản đánh máy kiểm điểm của tôi 9/11/1977. Rất lâu không có trả lời. Sáng 20/2/1980, bỗng anh Thành điện thoại báo là đã soạn xong cho tôi một tập, và hẹn đến nhận. Tôi nhận lời sẽ đến lấy vào sáng thứ bẩy 23/2/1980.
Việc thẻ Đảng thì lại có rắc rối trước khi thanh toán
Sau khi làm thủ tục chuẩn bị, chi bộ nhắn đến lãnh thẻ vào sáng 3/2/1980. Đùng một cái, chiều 2/2/1980, đồng chí Bí thư chi bộ đến nhà báo là hoãn, do Ban Bí thư chưa cho ý kiến xác nhận tư cách đảng viên. Ngày 3/2/1980, tôi đã có thư ngay lên Ban Bí thư, đại ý nói rõ, xưa nay tôi vẫn có Đảng tịch liên tục.
Kết luận thẩm tra cũng không hề đặt vấn đề gì về tư cách Đảng viên; đợt sinh hoạt chỉ thị 72 chi bộ đã quyết nghị đủ tư cách. Vậy việc chưa cấp thẻ Đảng là không có cơ sở.
Năm đồng chí Đảng ủy viên đến nhà; nhưng tôi đi vắng. Giải thích rằng chi bộ cũng như Đảng ủy đều thống nhất phát thẻ Đảng cho tôi. Nhưng vì 5 ngày trước khi phát, có điện của anh Thọ và chỉ thị của anh Tố Hữu là phải soát kỹ. Nên có việc phải xin lại chỉ thị Ban Bí thư. Và do Ban Bí thư chậm trả lời nên phải đợi.
Sáng 11/2/1980, Đảng ủy triệu tập tôi đến nhận thẻ Đảng, coi là vẫn trong đợt 3/2/1980. Gần Tết, gặp anh Tâm Long, Đảng ủy viên. Theo anh ấy thì chi bộ, liên chi đều nhất trí tôi đủ tư cách đảng viên, kể cả khi bỏ phiếu kín. Nhưng không hiểu có một chi bộ nào đó trong Bộ Nội vụ có ý kiến đặt vấn đề về tôi. Do vậy, theo quy định, hễ có ý kiến thắc mắc là phải xét. Đảng ủy bàn, cũng nhất trí phát thẻ. Nhưng nghiên cứu kỹ ý kiến của Tổ chức trung ương, thì thấy tuy không thuộc diện đưa ra khỏi Đảng hay lưu Đảng, nhưng có việc cần được kết luận rõ rồi phát. Ý kiến Đảng ủy đa số đồng ý phát; có mượn bản kết luận 908 để nghiên cứu, và ý kiến Ban Cán sự Đảng cũng là phát. Nhưng ý kiến cán bộ Tổ chức TƯ và Kiểm tra Đảng tham dự là nên hỏi lại Ban Bí thư. Anh Vũ Oanh nói là phát. Nhưng cũng phải hỏi lại anh Tố Hữu. Thì anh Tố Hữu đùn cho anh Thọ. Nên chậm. Sau thì anh Thọ đã trả lời là nên tiếp tục phát.
Ngoài lề, có con một cán bộ Vụ trưởng nào đó ở Ban Tổ chức TƯ Đảng nói chuyện với bạn ở Bộ Nội vụ rằng: Bố nó nói “
ông Tài, sao lại phát thẻ Đảng”. Anh Trinh nhận thư phản ảnh, thì nói là:
Sao họ cứ gây thêm chuyện rắc rối.
Việc khiếu nại
Ngày 27/1/1980, do tôi gửi thư nên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhắc lại việc yêu cầu xét khiếu nại. Đại ý: Nói về việc văn bản 908, nội dung khiếu nại; quy định của Điều lệ về xét khiếu nại; những đề xuất cụ thể của tôi nhằm chuẩn bị cho việc xem xét của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Anh em quen đều thấy nội dung nhắc vậy là đúng.
Anh Tùng, rất bất bình cách xử lý, nghiên cứu Điều lệ và góp ý nên thông qua Đảng ủy cơ sở. Nhân có rắc rối việc thẻ Đảng, tôi đã gửi đến Đảng ủy, nay trực thuộc Trung ương Đảng như cấp Tỉnh, các văn bản chủ yếu, và yêu cầu thi hành theo Điều lệ Đảng, nhất là Điều 35, 36. Nhân nói chuyện với anh Tâm Long, tôi nêu rõ yêu cầu Đảng ủy có ý kiến để Bộ Nội vụ chấp hành đúng luật pháp, kiểm tra giám định, và can thiệp để Ban Bí thư xét khiếu nại. Cá nhân anh Tâm Long cho yêu cầu như vậy là đúng và vừa phải. Nhưng trước đó, tôi có yêu cầu làm việc với Đảng ủy, thì đồng chí Bí thư hơi có ý muốn thoái thác.
Về công tác
Tổ chức TƯ chưa gặp gì. Nhưng Nguyễn Vũ ở Sài Gòn ra, kể rằng anh Sáu Dân, Mười Hương hỏi anh Thọ, thì anh ấy trả lời làm Phó chủ nhiệm Thanh tra. Gặp anh Tố Hữu, thì anh ấy cho biết Viện Kiểm sát đã chính thức yêu cầu xin tôi về đó. Có đồng chí tốt tự ý vận động anh Phạm Hùng - mới về làm Bộ trưởng - nên để tôi ở lại Công an.
Tháng 3/1980 xẩy vài việc và hiểu thêm một số việc.
Do có rắc rối xung quanh việc phát thẻ Đảng, tôi gửi đến Đảng ủy Bộ Nội vụ các tài liệu về việc tôi và yêu cầu gặp. Chiều 27/2/1980, Thường vụ Đảng ủy tổ chức gặp; nhưng chỉ có anh Trọng, Bí thư; và anh Thao, nguyên Bí thư, nay ở Thường vụ Đảng ủy. Tôi xác định rõ vì sao đặt vấn đề, kể lại quá trình thẩm tra, những sai lầm trong việc lý do đình chỉ công tác, nội dung đặt vấn đề, mà có thể coi nguyên là do có những vi phạm trong nguyên tắc Đảng và luật pháp Nhà nước, nêu một số đề nghị với Đảng ủy Bộ Nội vụ. Phát biểu của cả hai người đều là chưa đọc các văn bản của tôi; riêng anh Thao thì coi như đã biết việc, nhưng ngỏ ý là nhiều việc không được tham gia, vì anh Hai Văn không tin. Hai anh này hứa sẽ bàn trong Thường vụ Đảng ủy. Riêng anh Trọng tỏ ý thấy trong những việc nêu ra có lý; cho là bây giờ anh em trong Bộ đã nhận thức vấn đề khác lúc đầu rồi.
Sau đó, tôi gặp anh Trần Đông, đặt lại với BCSĐ/BNV về những việc thuộc trách nhiệm của BCSĐ/BNV (có thư kèm gửi Ban Cán sự và Đảng ủy). Anh Đông hứa sẽ nêu. Cũng cho biết có mấy lần nêu, nhưng không khí chung là thoái thác. Vấn đề cơ sở, anh Hoàn đã có ý kiến miệng, nhưng cứ chờ anh Hoàn để làm văn bản. Việc kiểm tra giám định, có lẽ lần này anh Đông mới thủng chuyện, là Bộ chưa làm đúng trách nhiệm.
Để mọi người khỏi quên, tôi đã có thư thêm cho anh Đông, chỉ dẫn những văn bản cần tham khảo để hiểu cách đặt vấn đề của tôi. Và gửi lại Đảng ủy văn bản đã đồng gửi hai nơi, cùng với những đề nghị đã nói miệng với Thường vụ Đảng ủy.
Đã gặp anh Hoàn, cho biết có đặt lại vấn đề, để anh ấy khỏi hiểu nhầm do có việc thay đổi nhân sự (anh Hoàn thôi ở Bộ Nội vụ, anh Phạm Hùng sang thay làm Bộ trưởng) mà tôi là kẻ cơ hội chăng.
Anh Hoàn hẹn, nhưng lại vướng mấy cán bộ khác đến thăm, nên không còn nhiều thì giờ nói hết ý. Chỉ thống nhất là cứ tiếp tục đặt vấn đề với tổ chức. Sau đó tôi có thư giải thích thêm mấy việc nêu trong thư gửi Ban Cán sự, đồng gửi anh Hoàn, anh Phạm Hùng.
Tối 1/3/1980, gặp anh Ngân, Thường vụ Đảng ủy. Anh này đúng đắn, nay Thường trực. Anh ấy đồng tình những vấn đề nêu lên, đã đọc văn bản. Hứa sẽ bàn ở Thường vụ Đảng ủy theo chức trách để làm. Cho biết anh Trọng đã thông qua cán bộ Tổ chức TƯ vẫn theo dõi cán bộ Bộ Nội vụ, yêu cầu Tổ chức TƯ đặt vấn đế với Ban Bí thư để xét lại việc cho tôi; và thêm ý, có lẽ phải làm văn bản. Nhân nói chuyện, cũng hiểu thêm ý của những anh này là, tuy thấy việc nêu ra chính đáng, nhưng ngại đụng đến toàn những cán bộ cao ở trên mà đã giải quyết sai, nên cũng ngại tiếng nói của mình không hiệu lực (mà quên nguyên tắc, và quyền trong Đảng). Cũng ngỏ ý cho thấy anh Hoàn có sự dè dặt, mặc dù nhìn nhận vấn đề là tốt; chẳng hạn anh Hoàn được hỏi ý kiến về thẻ Đảng, thì nói cấp được, nhưng khi Tổ chức TƯ hỏi lại anh Thọ thì lại nói cứ theo Tổ chức TƯ (thái độ anh Vũ Oanh Tổ chức TƯ cũng rõ ràng: điện cho anh Thọ nói rõ ý mình là phát thẻ Đảng được). Nói trở lại năm 1978, lúc CA miền Nam phong Anh hùng, mấy anh này đề xuất đưa tôi vào danh sách, anh Hoàn đồng ý, và bảo lấy ý kiến Thành ủy Sài Gòn; nhưng Thành ủy Sài Gòn không trả lời, nên theo ý anh Ngân là trong Thàn ủy Sài Gòn thì thái độ anh Mười Hương rõ, còn các anh khác thì nên suy nghĩ thêm.
Sáng 2/3/1980, gặp anh Tâm Long, Thường vụ Đảng ủy. Anh ấy đã được đọc tài liệu của tôi, chứ chưa tiện dịp đọc bản do tôi gửi đến Đảng ủy. Trước đây chỉ nghe, nay đọc trực tiếp thì thấy đúng là phải xem xét lại. Ủng hộ việc Thường vụ Đảng ủy phải bàn, và phải có thái độ. Hứa sẽ tìm hiểu chi bộ nào có ý kiến nêu ra hỏi việc phát thẻ Đảng cho tôi (vì đây chính là một quy định sơ hở, tạo điều kiện cho bọn xấu có thể lạm dụng gây rối. Vì thực tế, đã có trường hợp có 8 ý kiến về một đảng viên, mà là nói bậy). Vậy ý kiến nêu ra về tôi là ở đâu, phải chăng là có chỉ đạo?
Cũng tối 1/3/1980, gặp anh Châu. Anh ta nói mấy ý:
“Người không ra mặt, nhưng đang cản ngại việc xét việc của tôi, cũng như thọc gậy vào việc phân công tác cho tôi, lại chính là một người rất quen tôi”.
Chiều 2/3/1980 anh Dân kể rằng: Gặp Huy là cán bộ Tổ chức TƯ theo dõi cán bộ Quân đội và CA. Tay này có lẽ cũng đã đọc khiếu nại. Nên hai người có trao đổi ý kiến. Ý kiến Huy có thể là do tiếp thu của một cán bộ nào đó cấp trên anh ta. Nói rằng: “
Sẽ không xét khiếu nại nữa, mà chỉ thu xếp sao cho công tác được thỏa đáng. Hướng công tác có nhiều phần là ủy ban Pháp chế, mà sau này là Bộ Tư pháp”. Lại nói:
“Trong ba điều, thì căn bản là điều 3. Hai điều trên, viết đã cân nhắc kỹ lắm”. Anh Dân chất vấn:
“Cân nhắc trên cơ sở nào? Làm gì có tài liệu?” Thì Huy tỏ ý là:
“Không tính đến chuyện tài liệu Anh văn đâu, nhưng hiện nay còn nhiều tài liệu địch mà chưa nghiên cứu xong. Và cho rằng, còn có gì đó rất tế nhị”. Anh Dân cho hay:
“Thấy rõ là cách nói không thỏa đáng. Nhưng có lẽ cũng là thái độ đã được xác định của những người có trách nhiệm. Cho nên làm sao gỡ cho được, phải dầy công suy nghĩ”. Vì nếu Bộ Chính trị không gặp, không nghe lại thì chắc chắn sẽ là: Giải quyết công tác, mà không sửa nội dung. Và như vậy, đặt cho mình phải tính sẵn thái độ ra sao trước tình hình đó.
Định gặp anh Vũ Oanh Tổ chức TƯ; nhưng chưa gặp được. Những ý kiến như của tay Huy nói, nếu chính diện thảo luận, thì đều bác bỏ rất dễ dàng. Đã thảo thư, nhưng không gửi mà sẽ tìm cách gặp trực tiếp.
Những chuyện tháng 3 và tháng 4/1980.
Ngày 15/3/1980, gặp anh Vũ Oanh trong một giờ đồng hồ tại Ban Tổ chức TƯ. Nhắc việc TƯ xét khiếu nại. Nói những điều cho thấy cần xét giải quyết khiếu nại. Có một dàn bài nội dung đã lưu. Qua cuộc nói chuyện cũng có nhắc lại ý kiến đã từ chối trước đây nếu phân công về cơ quan Pháp chế.
Anh Vũ Oanh nói mấy điều đáng lưu ý:
“Anh Thọ nói đã gặp hai lần rồi (đã đính chính miệng ngay);
nghe nói đã có kiểm tra giám định bản tài liệu Anh văn (đã có đính chính miệng, sau đó ngày 16/3/80 đã làm văn bản phân tích riêng chuyện này gửi anh Oanh, có lưu).
Ngày 17/3/1980 gặp anh Quyết nói
về yêu cầu kiểm tra giám định. Sở dĩ vậy, vì chiều 15/3/1980, gặp anh Quyết ở Trường Đảng, anh ấy cho biết Ban Cán sự Đảng đã bàn, quyết định ra văn bản việc cơ sở, và xem lại chuyện tài liệu Anh văn. Tối 16/3/1980, gặp anh Trần Đông, nhưng sau khi nói chuyện thì được biết đã phân công anh Quyết chuẩn bị.
Anh Quyết cho biết định làm trong một tuần cho xong. Để tránh tình trạng không hiểu việc, nên có yêu cầu gặp để giới thiệu tình hình. Tối 24/3/1980 tại nhà anh Quyết đã cùng gặp anh Minh Tiến, giới thiệu quá trình của việc. Nhưng không có hiện vật để phân tích. Sau đó
có đề nghị một buổi riêng đề phân tích hiện vật, nhưng chưa làm.
Những tuần sau đó, phần do công việc, phần do sao chưa rõ, việc để chững lại. Hỏi thì anh Quyết trả lời
muốn làm từ gốc, anh Minh Tiến thì nói
để chuẩn bị kỹ. Việc phân tích hiện vật vẫn chưa làm được.
Đầu tháng 4/1980, một số cán bộ cấp Cục ở Bộ gặp nhau nói chuyện, có được trả lời là đã có nhắc ở trên rồi. Mấy anh em này có thư cho Ban Cán sự Đảng, nghe nói lại là họ nêu ba vấn đề: Yêu cầu cho công bố việc chấm dứt đình chỉ công tác tôi, vì nghe nói đã đi học gần một năm nay rồi; yêu cầu thông báo việc này, vì lúc đình chỉ công tác có thông báo miệng và giấy, nay ra sao; họ cũng đề nghị được phát biểu ý kiến về chuyện này, kể cả vấn đề phân công công tác trên lợi ích chung. Nghe kể lại là cũng có ý kiến muốn cử đại diện để phát biểu, nhưng sau lại ngại bị quy chụp, nên họ sẽ từng người hay vài người phát biểu. Trong số này, có đồng chí tốt - nhưng trước nay không hiểu gì - nay nghe nói mới bật ngửa người ra.
Ngày 7/4/1980, tại Trường, nhận được
thư của anh Ngọc, thư ký anh Thọ. Nói lại ý anh Thọ
“cho là đã gặp nhau, đã nói hết ý rồi, không có gì gặp lại nữa, gửi thư cũng không xem nữa; cứ học xong rồi về nhận việc thôi”. Trước thái độ trái nguyên tắc như vậy (có lẽ anh Thọ quan niệm chỉ cần cho anh ấy nói hết ý mình; còn không cần cho tôi trả lời đầy đủ các câu hỏi của anh Thọ)
tôi đã có thư đánh máy trả lời anh Ngọc.
Sau đó cũng tinh thần này, có thư
báo cho anh Lê Quang Đạo - là người góp ý nên gặp anh Thọ - về chuyện này, đồng thời giải thích
rõ là anh Thọ chưa bao giờ nghe tôi nói; sự thật xung quanh việc anh Trinh gặp; cung cấp tình hình về Thành ủy Sài Gòn, Ban An ninh R cũ, BCSĐ/BNV đã ra văn bản tình hình cơ sở, và những điều đáng quan tâm xung quanh chuyện bản tài liệu nói là của người nước ngoài.
Cũng có thư xác định trách nhiệm cho anh Thành Tiểu ban BVĐ là người tham dự từ đầu đến cuối, cũng như các cuộc gặp; là phải nói lại sự thật để các anh Thọ, anh Trinh khỏi nhầm.
Để tránh các đồng chí BCSĐ/BNV và Đảng ủy khỏi hiểu nhầm, cũng coi như báo cho các đồng chí đó hiểu sự thật; bởi vì anh Đông, thì cho biết hồi đầu năm 1980, anh Thọ đã nhận lời gặp tôi; còn anh Quyết thì lại cho biết
ý anh Thọ trả lời là đã gặp mấy lần rồi (sau đó vài ngày, thì có thư của Ngọc).
Được nghe nói anh Quyết, Minh Tiến và Bí thư Đảng ủy đã nghe cán bộ
Cục E4 tường thuật lại chuyện tài liệu nói là của người nước ngoài. Lúc đầu anh Quyết nói rõ là trên tinh thần Đảng, nếu có sai thì cứ nhận. Nhưng trong quá trình làm, thì
các cán bộ Cục G3 đều khẳng định là việc đúng, và họ phân công nhau mỗi người mỗi ý đề chứng minh là họ làm đúng. Cuối cùng, sau khi họ chụp thử ảnh thì anh Quyết lại có sự phát biểu coi rằng cũng có thể không có nhầm. Nhưng xét về nghiệp vụ, thì cách làm như vậy không chu đáo, và dễ bị người làm bố trí dắt đi lạc hướng. Những điểm quan trọng cần phân tích thì không có ai ngồi đó để nêu lại, nên thường bị bỏ qua. Đặc biệt, một Cục phó thì lại nêu rằng, hiện mới có tài liệu nói việc khi Mỹ hỏi cung tôi thì hồ sơ dầy thêm. Người biết chuyện thì hiểu ngay đó là chuyện nói ở cuốn sách của thằng F.Snepp, mà đã được thanh toán rồi. Nhưng hình như có sự bố trí để cho nói chuyện đó, tuy không liên quan gì đến kiểm tra giám định, nhưng vì có ghi âm nên chuyện đó được ghi vào, nhằm gieo cho người nghe không hiểu việc sinh nghi ngại. Nghe nói thái độ Bí thư Đảng ủy cũng không được khách quan như anh Quyết. (Nhưng cán bộ cấp Cục kể trên cũng nhận thấy đồng chí Thường trực Đảng ủy thì mặn mà, đóng góp hơn là Bí thư Đảng ủy).
Tối 20/4/1980, tôi điện thoại hỏi lại anh Quyết xem định tiếp tục ra sao, bao giờ có thể tổ chức phân tích trên hiện vật. Anh Quyết đáp là cứ để các anh đó làm rồi sẽ báo cáo Ban Bí thư. Không nói gì đến việc phân tích trên hiện vật cả. Đến nay càng thấy rõ,
quan niệm công tác kiểm tra giám định không giống nhau. Và cách tiến hành, mỗi người nghĩ theo một cách.
Tối 19/4/1980, bỗng nhiên anh Thành BVĐ điện thoại đến thanh minh vài chuyện. Nhưng sau đó đã thỏa thuận gặp nhau chiều 21/4/1980 tại cơ quan BVĐ. Cuộc gặp đã diễn ra từ 14 đến 16 giờ 20. Hệ thống lại, thì có mấy việc:
Thư trả lời anh Ngọc, anh Thọ đã xem. Cho là tôi xoay chữ nghĩa giữa thư riêng và khiếu nại. Cuộc gặp tôi là có ý anh Oanh.
Anh Thành cho biết là
việc xét khiếu nại khó khăn. Vì trước chuẩn bị đã kỹ lắm. Nhưng lúc đầu anh ta dự thảo, không có một số ý như ở 908. Sau thì Văn phòng anh Trinh làm, sau khi anh Trinh đã gặp anh Thọ bàn lại, sau cuộc gặp 4/1979.
Lúc đó
anh Trinh định cho biết dự thảo để được có ý kiến. Không hiểu sao, sau đó không đưa ra. Nên tinh thần của anh Thành cũng thấy
về nguyên tắc là không đúng.
Tôi cho biết là
khiếu nại cả thủ tục lẫn nội dung. Nội dung tôi phân tích về điều 1 và 2 kết luận 908.
Vấn đề cơ sở, thì nhắc lại các sự thật chứng minh, những ý kiến anh Thọ và thái độ anh Trinh, anh Thành, nguyên tắc xét vấn đề, dẫn chứng thư yêu cầu tổ chức cuộc họp từ 1/3/1978, nhưng không ai trả lời. Nhắc việc đã yêu cầu Ban Bí thư giải thích lý do viết như 908, nhưng không ai gặp. Và nêu ý tôi, nếu phản ánh đúng thực tế thì phải viết như thế nào, phê phán những ý viết không đúng thực tế.
Về tài liệu Anh văn, thì nổi rõ về cách đặt vấn đề trái nhau; mà lẽ ra tôi ở ngoài cuộc. Nêu sự tồn tại về xuất xứ không ảnh hưởng gì đến tôi, nếu kiểm tra giám định thì phải làm như thế nào; những sai lầm vi phạm hồ đồ trong suốt quá trình gây ấn tượng cho lãnh đạo, một số việc làm có tính cách dối trên, lừa dưới. Cũng chưa được Ban Bí thư giải thích. Phê phán nội dung viết ở điều 2, và nêu ý kiến nếu viết đúng thực tế thì phải viết như thế nào.
Nói về việc cần thanh minh, hình thức có thể do Bộ Nội vụ thông báo rõ ràng. Nêu hậu quả đã có đến bản thân, và gia đình, do bản kết luận sai gây ra. Cho nên
nhất định phải sửa. Về yêu cầu làm trước khi mãn lớp. Yêu cầu anh Thành tìm cách báo cáo cho mấy anh có trách nhiệm, nếu thông suốt và chữa, thì trao đổi dự thảo. Nếu cần gặp trực tiếp để nghe tôi thì báo cho tôi đến. Anh Thành hứa, nhưng không dám khẳng định. Quá trình nói chuyện, anh ấy ghi chép tỉ mỉ mọi ý chính.
Những chuyện trong tháng 5 và 6/1980
- Cậu Đắc đến chơi, dịp 30/4/1980, cho biết cậu Thắng đã gặp anh Quyết và tố giác mấy chuyện không đúng xung quanh chuyện bản tài liệu Anh văn. Anh Quyết hỏi G3 sách của tên Mỹ, đi tìm cuống lên không thấy, phải đi mượn D1. Chưa trả lời anh Quyết.
- Anh Phạm Hùng nhắn là chuyện cũ thì muốn để anh em cũ làm. Anh ấy không được phân công xét việc này.
- Đề nghị và được anh Thành BVĐ đồng ý điện cho Thành ủy Sài Gòn yêu cầu gửi ra bản photocopy tôi gửi vào hồi tháng 7/1976. Để so sánh với bản tôi còn lưu. Vì thấy dạng photocopy của G3 có nhiều khả năng phù hợp. Nhân tình cờ thấy được một bản photocopy của G3 do cậu Hàm cho mượn, và đã xác minh qua C4.
- Ngày 10/5/1980, anh Minh Tiến hẹn đến làm phân tích trên hiện vật như tôi đề nghị. Có mời anh Thành dự; nhưng không hiểu sao không thấy đến. Cuộc làm này đã cho thấy nhiều tình hình khác hẳn lập luận trước đây của Cục G3, và cho thấy khả năng nhầm lẫn tăng lên. Tôi đã có bản báo cáo chính thức, gửi BCSĐ/BNV và Vụ BVĐ. Sau đó có gặp riêng anh Trần Đông để nói chuyện. Sáng 11/5/1980, anh Quyết điện thoại hỏi về việc người thư ký đưa đi photocopy ra sao? Tôi chỉ đáp là anh ta không làm. Mà yêu cầu D3.
Bản báo cáo này cũng có gửi cho anh Ngân, anh Trọng ở Đảng ủy. Hôm trả, không rõ anh Trọng có xem hay không, nhưng nói với vợ tôi “việc đơn giản thôi, mà sao anh ấy cứ băn khoăn mãi về chuyện này. Tôi và anh Quyết đã sục bắt con Trang nó diễn lại cả, thì không có gì khác”.
- Thêm anh Dịch ở G3 tố giác. Nhân gặp vợ tôi ở sân Bộ, anh ấy nhờ nhắn cho tôi là bọn nó báo cáo láo về chỗ để máy (điều này 10/5/80 họ đã đính chính), và sổ sách lung tung sao đó, chụp xong không hiểu sao lại có bản Anh văn, liền ghép vào của người nước ngoài, và đầu 1979 mới ghi lại vào sổ. Anh ấy nói sẽ đi báo cáo anh Quyết.
Nhân biết việc này, tôi có thư cho anh Quyết, anh Đông nói chuyện có hai người tố giác. Và đặt vấn đề có thủ đoạn đối phó khi mời anh Quyết, anh Trọng dự cuối 4/1980; nhưng làm với tôi hôm 10/5/1980, thì lại không mời hai anh ấy. Và yêu cầu cho chụp thử nghiệm chính thức.
Sau đó, lại gặp anh Thành, kể lại chuyện 10/5/80, sự thủ đoạn nội bộ. Anh Thành đồng ý yêu cầu chụp thử nghiệm chính thức để lưu hồ sơ BVĐ.
- Gặp Sáu Hoàng đến chơi ngày 31/5/1980. Hôm sau gửi cho BCSĐ/BNV và Sáu Hoàng bản đối chiếu tổng hợp. Khi giao cho anh Quyết, thì anh Quyết nói với vợ tôi “Việc cũng chả có gì, trước dịch sai, nay dịch đúng lại rồi. Anh ấy cứ cẩn thận thế thôi. Anh em chả ai có ý gì xấu cả. Buổi họp hôm nọ cũng rõ, máyphotocopy khác với máy chụp ảnh. Tôi còn đang xem ai đưa chụp cho anh ấy. Tôi cũng đã nói với anh Thọ: Thôi, việc chính bây giờ là xếp công tác cho anh ấy, chứ chờ mãi cũng sốt ruột”.
- Anh Tiến hẹn chụp ảnh thử nghiệm 1/6/80. Nhưng chiều 31/5/80 thì lại báo hoãn, lý do cô Trang đau răng, và anh Khiêm mới ở bệnh viện ra. Đã thấy có khác thường.
Kèm bản đối chiếu, có thư yêu cầu BCSĐ/BNV nghiên cứu kết luận chuyện bản tài liệu Anh văn, và góp ý với Ban Bí thư việc phân công vì đã mãn lớp học.
Đưa bản này cho anh Trần Đông. Anh ấy kể là mới họp, nghe anh Minh Tiến báo cáo. Không có nội dung. Nhưng nói cố làm hết các yêu cầu của anh Tài. Cô Trang đau răng thật.
- Chiều chủ nhật 8/6/1980, đi thăm mộ Ông về, thì điện thoại của anh Ngọc, Văn phòng anh Thọ. Đại ý: Anh Thọ đã nhận thư do anh gửi qua anh Năm Xuân (thực ra, có lẽ anh Năm Xuân đã đưa luôn anh Thọ thư tôi gởi anh ấy); anh Thọ nhắn là đã có nghe nói, nhưng lúc này bận việc lớn của cả nước, nên chưa thể kịp xét trước lớp học. Vậy tan học, hãy nhận công tác, rồi sẽ xét.
Tôi không trả lời gì trên điện thoại. Nhưng hôm sau có thư, nhắc cả anh Ngọc lẫn anh Thành, chuyển cho anh Thọ xem tài liệu tin tức mới nhất chuyện Cục G3 làm ăn ra sao.
- Bận công việc cuối khoá của lớp học.
Ngày 21/6/1980, lớp nghe anh Thọ nói chuyện. Gặp cả anh Thành lẫn anh Minh Tiến. Anh Thành yêu cầu hẹn ngày chụp thử nghiệm, thì anh Minh Tiến mới lòi chuôi thoái thác: Chưa xác định loại giấy của bản Anh văn chụp 12/7/76 nên chưa thể chụp (!). Và hỏi: Các Anh không tin anh Quyết và tôi làm hay sao? Việc làm đã là rõ rồi (!).
Tôi đã có trao đổi để anh Thành thấy rõ sự vô lý và sự thoái thác cố ý của anh Tiến, cho thấy việc hoãn 1/6/1980 là cố ý; sự mâu thuẫn trong lập luận của anh Tiến. Anh Thành càng ngày càng thấy thêm. Có nói: Bây giờ chính là phải gỡ tư tưởng. Và cho biết là anh Quyết có mượn bản photocopy của Thành ủy Sài Gòn gửi ra và đã trả lại. Cho biết những lập luận khẳng định của anh Quyết không thể nhầm; chỉ hoặc có kẻ đưa vào đó chụp, hoặc là của tên người nước ngoài. Anh Thành đồng ý nhắc lại việc chụp thử nghiệm.
Tôi có thư cho BCSĐ/BNV, nêu rõ thái độ anh Tiến; nêu phương án chụp thử nghiệm trên nhiều loại giấy; yêu cầu đi thẳng vào chuyện bản Anh văn có gì đáng đặt vấn đề? Việc tôi gửi tài liệu Anh văn cho Thành ủy Sài Gòn đã đủ rõ chưa? Và khả năng xuất xứ tài liệu chụp 12/7/1976 là thế nào; dù xuất xứ ra sao thì ảnh hưởng gì đến kết luận?
Có hẹn gặp anh Quyết và anh Đông nhân dịp lớp học bế mạc. Nhận lời, nhưng chưa bố trí ngày cụ thể.
- Chú Lương đến chiều 24/6/1980, cho biết đã nhắc, nhưng không ai chịu giải quyết, nên kỳ này sẽ làm thư chính thức để việc được bàn. Có lẽ chú Lương cũng bắt đầu thấy rõ những sự làm việc sai trái xung quanh việc này; và những sự dụng ý trì trệ việc không đáng để chậm; để cho xong lớp học, rồi buông xuôi luôn.
Để chờ xem thái độ giải quyết tích cực sẽ có kết quả ra sao?
Những chuyện trong tháng 7/1980
- Lớp học đã bế mạc đêm 25/8/1980.
Tìm mãi mới kiếm được anh Khiêm Tổ chức TƯ bằng điện thoại. Hỏi về việc tôi, anh ta trả lời có mấy ý:
- Anh Thọ và các anh Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang đi nghỉ hè. Trước khi đi, anh Thọ có cho hướng. Tổ chức TƯ đang nghiên cứu sẽ bàn, rồi trình TƯ; cứ chờ, chưa chắc gì hết tháng 7/1980 đã có ý kiến ngã ngũ công tác được.
- Trường hợp của tôi cũng khó.
- Khi nêu yêu cầu tiếp xúc tham khảo ý kiến, thì anh ta trả lời để có quyết định sẽ thông báo cả một thể.
- Ngày 5/7/1980, tôi làm thư lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nói vắn tắt việc kết luận, khiếu nại... và nêu 2 vấn đề lớn: khiếu nại đã có đủ căn cứ để xét; căn cứ để bố trí công tác cho tôi. Đồng gửi Tổ chức TƯ và BCSĐ/BNV. Với Tổ chức TƯ thì có thêm thư nói rõ ý kiến trước đây đã từ chối công tác Pháp chế.
Trước đó ít ngày có thư cho anh Phạm Hùng, nói rõ việc xét khiếu nại do Bộ Chính trị quyết định, nhưng là Ủy viên Bộ Chính trị, anh Hùng cũng nêu vấn đề được; và nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì anh Hùng cần nêu vấn đề bàn công tác của tôi, vì tôi là cán bộ Công an.
- Có thư nhắc lại yêu cầu gặp anh Quyết về việc kiểm tra lại chuyện bản Anh văn; cuối tháng 6 hẹn sẽ thu xếp; sau giữa tháng 7/1980 chưa thấy có ý kiến gì trả lời.
Thư nhắc lại anh Trần Đông yêu cầu gặp với cương vị phụ trách cán bộ; thì đã thu xếp gặp sáng 25/7/1980, từ 10 giờ đến 12 giờ. Tôi đã nói vắn tắt tình hình của tôi sau khi lớp bế mạc, lý do vì sao phải qua tổ chức đang quản lý để phát biểu, yêu cầu phản ánh lên trên. Tôi phân tích thuộc về TƯ có ba vấn đề: vi phạm Điều lệ về khiếu nại; bảo thủ không tự phê bình sửa sai; dùng cách bố trí công tác để bao che người làm sai. Phần trách nhiệm của Bộ Nội vụ, thì nói về thẩm quyền đóng góp ý kiến về công tác và trách nhiệm làm rõ chuyện bản Anh văn. Thái độ anh Đông tỏ ra biết lẽ phải và khách quan.
- Trước đó vài tuần, anh Dịch - cán bộ Cục G3 - cho vợ tôi biết là đã gặp anh Quyết tố giác: máy để ở một phòng, mà nói là ở hai phòng, trước đây quy tắc công tác lỏng lẻo, chứ không phải như hiện nay, sổ ghi trình ra là viết lại năm 1979 chứ không phải hồi 1976. Nghe vậy, anh Quyết không ghi chép, chú ý, chỉ nói là việc còn rắc rối.
Đáng chú ý là không thấy anh Quyết hỏi lại cô Mai là người phát hiện một chuyện mờ ám khác mà cậu Thắng đã tố giác với anh Quyết.
Trong buổi làm ngày 25/7/1980, khi nêu việc này, anh Đông thừa nhận là có như anh Dịch nói.
- Anh Huynh Cục D3 cho biết theo yêu cầu của tôi, thì anh em D3 ở Sài Gòn mới cho biết có triển vọng tìm ra một số bằng cứ để giúp làm rõ những chuyện đang tranh cãi. Nhưng anh Huynh còn cho người vào Sài Gòn để cho lấy ra, nên chưa biết cụ thể là những gì.
Tôi đã yêu cầu anh Huynh khi có kết quả thì làm báo cáo và gửi tài liệu cho anh Quyết, đồng sao cho tôi biết.
- Khi gặp anh Đông, tôi có đưa một kiến nghị cụ thể với BCSĐ/BNV về những việc cần làm chót, xung quanh chuyện bản tài liệu Anh văn, và nhờ chuyển cho anh Quyết một bản.
[1] Phải là „tôi“ (Tài), có lẽ đánh máy sai. BT
No comments:
Post a Comment