Những việc sau Đại hội VI, chủ yếu là từ 1987 đến hết 1988
1. Sau Đại hội VI, anh Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng.
Cần phải nói rằng, từ đầu, anh Linh vẫn cho rằng việc của tôi, do cơ quan Tổ chức trung ương ở ngoài Bắc không hiểu rõ miền Nam, nên làm sai. Tôi bị bắt lúc anh Linh là Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, có lúc về trực tiếp làm Bí thư Khu Sài Gòn, nên anh ấy theo dõi được tình hình về tôi.
Lần anh Sáu Dân rủ tôi vào Nam chơi, lúc chưa được làm rõ mọi chuyện, là cũng có ý kiến anh Linh. Hồi đó, ủy viên Bộ Chính trị còn đi chuyên cơ. Nên chuyến đi vào Nam chơi, là tôi đi cùng chuyến chuyên cơ với anh Linh, anh Sáu Dân. Gặp tôi trên máy bay, anh Linh đã tỏ thái độ mình. Hôm ở Sài Gòn, do nhà anh Mười Hương và nhà anh Linh, anh Sáu Dân thông sang nhau, nên dịp đó tôi có đến thăm. Anh ấy vẫn tỏ rõ ý mình.
Cho đến khi làm Tổng Bí thư, có lần họp Bộ Chính trị ở Sài Gòn, nội dung bàn có liên quan đến xuất nhập khẩu, thuế, ngân sách, nên tôi được triệu tập đến dự để có ý kiến gì thì phát biểu. Gặp tôi, anh Linh hẹn buổi nào rỗi, đến chơi nhà anh ấy. Anh ấy vẫn cho rằng Tổ chức làm sai; và nói rằng theo ý anh ấy, tôi phải trở lại làm Công an, nhưng anh ấy chưa tranh thủ được đồng tình của đa số. Tôi cũng kể việc anh Thọ vẫn ký kết luận sai; tôi đã khiếu nại.
Đến 6/4/1987, tôi chính thức gửi một thư cho anh Linh, với chức danh Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng. Nêu việc kết luận sai năm 1981, tôi đã khiếu nại đúng Điều lệ Đảng, nhưng vẫn chưa được xét. Yêu cầu xét khiếu nại cũ của tôi.
Anh Linh đã có thư trả lời tôi, ký tên theo lúc ở miền Nam là Mười.
Tiếp đó ngày 24/6/1987, ngày 7/9/1987, và ngày 27/2/1988, tôi lại có thư nhắc anh Linh; vì anh ấy đã hứa sẽ xem xét.
Hôm Tết Nguyên đán năm ấy, nhân buổi chúc Tết tại nhà anh Linh ở Hà Nội, anh Linh bảo tôi lúc mọi người về, đợi lại, anh ấy gặp một chút. Lúc gặp anh Linh nói đại ý anh ấy muốn nắm để giải quyết việc của tôi. Nhưng thực tế quá bận, nên anh ấy đã bàn giao cho anh Đỗ Mười lúc đó là Thường trực Ban Bí thư làm thay; hứa thế nào cũng giải quyết dứt khoát.
Căn cứ ý kiến anh Linh, tôi đã có thư cho anh Đỗ Mười là đã được anh Linh cho biết như trên. Và đề nghị anh Mười quan tâm.
Nhưng chưa được bao lâu, có việc anh Phạm Hùng từ trần; anh Đỗ Mười phải sang thay làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
2. Do vậy, ngày 27/2/1987, tôi có gửi anh Linh, đề nghị giao Ban Nội chính chuẩn bị cho Ban Bí thư; vì Hải quan thuộc khối Nội chính.
Ngày 18/8/1987, anh Mười Hương có thư khuyên tôi chớ nôn nóng.
Ngày 14/10/1987, tôi có thư cho anh Thành BVĐ lúc đó đã nghỉ hưu; thông báo ý kiến anh Linh; nói rằng: vì anh ấy đã nắm việc, biết hồ sơ tài liệu nào cần, và nằm ở đâu, nên tìm sẵn, để khi Ban Bí thư xét là cung cấp được kịp thời.
3. Ý kiến của tôi được chấp nhận. Anh Linh giao việc chuẩn bị cho anh Mười Hương. Để đảm bảo đúng chức năng, anh Mười Hương đề nghị anh Tâm, Tổ chức Trung ương chủ trì; chính thức huy động anh Thành là người biết việc cũ, tuy đã nghỉ, nhưng vẫn tham gia cung cấp tài liệu và chuẩn bị báo cáo.
Anh Thành đã làm một báo cáo ngày 19/11/1988 gửi Ban Tổ chức trung ương và anh Mười Hương. Các anh Nguyễn Đức Tâm, Chín Cần và Mười Hương đều nhất trí báo cáo lên Ban Bí thư xét sửa kết luận sai cũ.
Đã làm một báo cáo ngắn gọn, nhưng đủ rõ, danh nghĩa Ban Tổ chức trung ương, gửi lên Ban Bí thư; do anh Chín Cần, Phó Ban thứ nhất Ban Tổ chức TƯ ký ngày 26/11/1988. Ngày 30/11/1988, anh Mười Hương ký báo cáo gửi Ban Bí thư, kèm báo cáo của Ban Tổ chức trung ương.
4. Trong một phiên họp tháng 12/1988 của Ban Bí thư, vấn đề đã được báo cáo để xem xét.
Được biết hôm đó Ban Bí thư khá đông đủ. Anh Linh không dự, nhưng đã có ý kiến chỉ đạo. Anh Nguyễn Thanh Bình, Thường trực Ban Bí thư chủ trì.
Bản báo cáo được tiếp nhận thuận lợi. Với các tài liệu ta, tài liệu địch trình ra, toàn Ban Bí thư đều thấy là rõ ràng. Đều là những tài liệu đã có từ trước khi có kết luận 908 và kết luận 1519. Đặc biệt, khi anh Thành báo cáo là kỳ anh Trinh và anh Song Hào gặp tôi năm 1978, trước đó anh Trinh đã nghe riêng anh Thành kỹ lưỡng, đã thấy rõ ràng; nhưng đến khi ký kết luận, thì anh Trinh nói nguyên văn “nhưng ta không nên kết luận gì khác với ý anh Thọ”; thì toàn Ban Bí thư khoá VI đều sửng sốt; và càng thấy rõ là phải sửa kết luận oan sai cho tôi.
Được toàn thể các đồng chí Bí thư có mặt nhất trí, anh Thanh Bình kết luận phải sửa kết luận cũ; đợi báo cáo lại để anh Linh biết, là ra văn bản.
Anh Nguyễn Thanh Bình nói: “Các Anh trong Ban Bí thư nhất trí là rõ rồi chứ. Ban Tổ chức TƯ và Ban Nội chính TƯ thấy cần thì báo cáo thêm với anh Thọ. Nếu anh Thọ vẫn cho là chưa rõ thì ta báo cáo cả 2 ý kiến với anh Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư”.
Tôi nhận được công văn của Ban Tổ chức trung ương mời đến để có ý kiến vào dự thảo kết luận. Lần này thì nguyên tắc dân chủ trong Đảng đã được áp dụng. Tại Ban Tổ chức TƯ, anh Nguyễn Đình Hương, Phó ban, và anh Thành đã cho tôi xem dự thảo kết luận. Sau khi đọc, tôi đề nghị thêm một ý về “tài liệu ban đầu dùng làm căn cứ để đình chỉ công tác tôi là sai”; hai anh Hương và Thành đều đồng ý.
5. Ngày 27/12/1988, tôi nhận được kết luận số 570 của Ban Bí thư, ký ngày 23/12/1988, nội dung đúng như dự thảo tôi đã đồng ý.
Nội dung như sau:
“1) Tài liệu làm căn cứ cho việc đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Tài để thẩm tra là không đúng. Các vấn đề đề ra để thẩm tra trong thời gian bị địch bắt, qua thẩm tra từ năm 1977 đến nay đã làm rõ, không còn điểm gì nghi vấn.
2) Đồng chí Nguyễn Tài đã có tinh thần chịu đựng sự tra tấn dã man của địch, khôn ngoan đối phó với địch, bảo vệ được cơ sở và những bí mật về Đảng mà mình biết.
3) Kết luận này thay cho các kết luận 908 ngày 18-8-1979 và 1519 ngày 31-7-1981.
Kết luận này thông báo cho đồng chí Nguyễn Tài, Bộ Nội vụ nơi trước đây đồng chí Nguyễn Tài công tác đã nhận thông báo các kết luận trước.”
Tôi đã làm thư báo cáo là đã nhận được kết luận 570.
Ngày 14/1/1989, Bộ Nội vụ đã căn cứ kết luận 570 của Ban Bí thư, ra thông báo số 20, gửi các cấp Công an.
6. Cuộc đấu tranh nội bộ dai dẳng 11 năm để sự thật và lẽ phải được chấp nhận, đến đây là màn chót.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Tôi bị địch bắt ngày 23/12/1970. Ngày Ban Bí thư khoá VI ký kết luận khôi phục chân lý và lẽ phải, là ngày 23/12/1988.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khác: Tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam 11 năm liền mới được gặp lại gia đình. Tôi đã bị oan sai 11 năm mới được minh oan.
Nhưng,nếu gọi đây là một “vụ án nội bộ”, thì phải chăng nó cũng thực sự đã kết thúc cùng với kết luận 570 của Ban Bí thư ?
Những ai đòi hỏi sự thật phải rõ ràng; hoặc những người đã có làm công tác Công an như tôi, đã từng điều tra những vụ án phức tạp, đều thấy còn có uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Và đó là lý do, tôi sẽ viết phần thay cho kết luận, tiếp theo phần này.
No comments:
Post a Comment