Bông hoa lan từ lửa đạn chiến tranh

Wednesday, June 3, 2020

Bông hoa lan từ lửa đạn chiến tranh

DƯƠNG TRANG HƯƠNG

Trong danh sách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 9 (tháng 8-2019) có 2 cái tên: Ca sĩ Tô Lan Phương và Rơ Chăm Phiang. Không phải bây giờ mà hơn 50 năm trước, tiếng hát của những ca sĩ này, đặc biệt là Tô Lan Phương đã nổi tiếng trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam và trên chiến trường chống Mỹ lửa đạn.
Đĩa nhạc Tô Lan Phương.


Những người đã trải qua chiến tranh chống Mỹ vẫn nhớ đến một đại đội của Sư đoàn 9 vùng miền Đông Nam Bộ có phiên hiệu “Đại đội Tô Lan Phương”. Đó là vì khi nghe cô ca sĩ Hà Nội vào tận chiến trường Nam Bộ hát phục vụ mình, các chiến sĩ say đắm giọng hát của nàng nên đồng thanh đặt tên đại đội anh hùng của mình là “Đại đội Tô Lan Phương”. Có một chi tiết rất cảm động là cuối tháng 5-1975, ca sĩ Tô Lan Phương tìm tới đại đội thì được biết họ hy sinh gần hết, riêng đại đội trưởng nằm xuống cánh rừng bên sông Đồng Nai. Nữ ca sĩ xúc động đặt bó hoa bách hợp trắng muốt lên mộ anh vừa như tri ân vừa chia tay vĩnh viễn một thời bi tráng của chiến tranh. Đây là kỷ niệm xúc động nhất trong sự nghiệp của nữ ca sĩ.

Ca sĩ Tô Lan Phương sinh năm 1948 tại Thái Bình (quê gốc ở Vân Giang, Hưng Yên), là cháu nội của nhà cách mạng Tô Hiệu. Mẹ là nghệ sĩ đàn tam thập lục của Đài Tiếng nói Việt Nam nên từ bé, Lan Phương đã được những âm thanh nâng niu vào giấc ngủ. Hơn 10 tuổi, Lan Phương đã tham gia đội ca nhạc Sơn Ca của đài. Với điều kiện như thế, cô ca sĩ nhí được chăm lo rất chu đáo: học trường âm nhạc Việt Nam, được mời đi du học nước ngoài. Nhưng trên tất cả, với năng khiếu bẩm sinh, lại thêm có nhan sắc nên Tô Lan Phương thực sự là ngôi sao nổi trội từ khi rất trẻ. Điều đáng nói, nếu như nhiều người coi đi du học là cơ hội phát triển thì Tô Lan Phương lại chọn chiến trường. Năm 1967, khi đó vừa tròn 19 tuổi, cô ca sĩ trẻ đã vào tới tận cửa ngõ Sài Gòn để cùng các binh đoàn tiến vào tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân.

Tô Lan Phương có giọng nữ trung nhưng âm vực chị thể hiện rất lảnh lót vang vọng như lời hiệu triệu của tiếng kèn xung trận qua các bài hát: Lên ngàn, Tình ca, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Nổi lửa lên em… Có chi tiết rất cảm động và thể hiện sự say đắm của những chiến sĩ khi ngay cả con dốc nơi ca sĩ đứng hát cũng đặt là: Dốc Tô Lan Phương.

Điều đó để thấy giá trị lan tỏa và khích lệ của nữ ca sĩ với quân và dân Nam Bộ lớn như thế nào. Ngay cả Đoàn Văn công giải phóng mà Tô Lan Phương là thành viên, cùng với trưởng đoàn là nhạc sĩ Xuân Hồng năm 2019 cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc của họ.

Sau những giờ phút sôi nổi bi tráng trên chiến trường, Tô Lan Phương trở lại với đời thường cùng thanh sắc càng đằm thắm hơn. Nhắc tới Tô Lan Phương không thể nhắc đến những bài hát do chị thể hiện thành kinh điển của thanh nhạc: Câu hát bông sen, Đường tàu mùa xuân, Chúng tôi bắc cầu, Khúc hát người Hà Nội, Khát vọng mùa xuân, Bài ca hy vọng… Sau giải phóng, tại các liên hoan âm nhạc ở các nước XHCN như: Tiệp Khắc, Cuba… chị đều giành giải thưởng lớn. Trong nước, chị giành những huy chương vàng đầu tiên của các liên hoan nhạc nhẹ Việt Nam. Chị được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên năm 1984.

Vậy, vì sao hơn 35 năm nữ danh ca mới được phong tặng nghệ sĩ nhân dân? Có lẽ khác với nhiều ca sĩ khác, sau giải phóng, chị có tham gia Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen của TP. Hồ Chí Minh nhưng ít tham gia các hoạt động âm nhạc lớn. Có vẻ như chị muốn nhường cho lớp sau mình nên vô tình tiếng hát vang lừng đó ẩn khuất ở một góc phố nào đó giữa Sài Gòn hoa lệ và cả sự vô tình của những người làm quản lý văn hóa “quên” Tô Lan Phương. Vào mùa thu cách mạng tháng 8-2019, tiếng hát sơn ca từ thời Trường Sơn được Chủ tịch nước phong tặng: Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương.

Chúng ta hôm nay vẫn được nghe rất nhiều bài hát trên không gian điện tử với cái tên Tô Lan Phương.



DƯƠNG TRANG HƯƠNG
Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử - Thứ Ba, 02/06/2020, 20:52 [GMT+7]

Trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 - 2019

Saturday, May 2, 2020

Trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 - 2019

Bài -ảnh: Thanh Hiệp

391 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT
(Trích đăng)


(NLĐO) – Chiều 29-8-2019, lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho 391 nghệ sĩ đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


NSND - ca sĩ Tô Lan Phương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ
Trong lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, hội đồng cấp nhà nước đã nhận được 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 307 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ 46 hội đồng cấp bộ -ngành, tỉnh - TP.

Sau khi 5 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước họp xét duyệt, thảo luận theo từng chuyên ngành, có 79 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 299 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện trình hội đồng cấp nhà nước. Hai nghệ sĩ cao tuổi được xét tặng danh hiệu đợt này là NSND Đường Tuấn Ba (Hãng Phim Giải phóng, SN 1927) và NSND Phó Thị Đức (Đài Tiếng nói Việt Nam, SN 1931).

Hội đồng cấp nhà nước đã bỏ phiếu kín về từng hồ sơ và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu cho 79 NSND và 299 NSƯT, đồng thời truy tặng 5 NSND và 3 NSƯT

Đánh giá về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Các hồ sơ đề nghị xét tặng NSND, NSƯT đều được thực hiện qua 3 cấp hội đồng. Trong đó, hội đồng cấp nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên nghành cấp nhà nước và hội đồng cấp nhà nước. Các nghệ sĩ chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ từ hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên hội đồng cấp trên; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ, đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định".


Phát biểu tại lễ trao tặng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý mà Đảng, nhà nước trao tặng những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghiệp, có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn, góp phần trực tiếp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.

Những năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, là những cán bộ, chiến sĩ tài năng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ - những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền văn hóa nghệ thuật cách mạng, trong đó có những đóng góp tích cực của những NSND, NSƯT.

NSND Thanh Tuấn, người được trao tặng danh hiệu NSND dịp này, bày tỏ: " Cho đến thời điểm này, tôi vẫn bảo lưu ý kiến không nên lệ thuộc vào giải thưởng để xét danh hiệu mà chỉ cần sự ghi nhận của nhân dân. Để tránh làm theo cảm tính, vai trò của Hội Văn học nghệ thuật địa phương rất quan trọng. Tôi được biết nhiều nghệ sĩ đã được xét đặc cách khi có những đóng góp đặc biệt về nghề nghiệp. Hãy ghi nhận sự cống hiến của nghệ sĩ qua thành tựu được công chúng biết đến, chứ đừng đong đếm HCV, HCB".

Bài -ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: Báo Người lao động - 29-08-2019 - 03:53 PM

Người nghệ sĩ gắn liền với những huyền thoại

Người nghệ sĩ gắn liền với những huyền thoại

Hội Quân

Được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đợt đầu tiên, năm 1984, nhưng phải chờ đến 35 năm sau, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) mới đến với Tô Lan Phương. Kể cũng là muộn, nhưng ít nhất nó cũng an ủi chị phần nào.


1.
Cách đây 10 năm, tôi đến thăm gia đình NSƯT Tô Lan Phương ở TP Hồ Chí Minh. Buổi đó, tiếp tôi là chồng chị, anh Trần Mùi, nghệ sĩ violon, Tô Lan Phương không được khỏe nên xin phép vào trong. Theo lời anh Trần Mùi thì từ lâu chị Phương rút vào sống lặng lẽ, tĩnh tâm để thiền, không tiếp xúc với báo chí.

Anh Mùi lén chia sẻ rằng, Tô Lan Phương có chút tâm trạng vì nhiều đợt phong danh hiệu NSND qua đi, tên của chị vẫn không có trong danh sách, dù chị là lứa nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT.

Hình ảnh nghệ sĩ Tô Lan Phương trên bìa một đĩa nhạc



Anh Mùi bảo: “Không phải là Phương cần cái danh hiệu đó đâu, tôi rất hiểu tính Phương. Vấn đề chỉ là Phương thấy lòng bị tổn thương. Bạn phải đặt mình vào vị trí của Phương, một người nghệ sĩ, từ bỏ tất cả mọi vinh quang, kể cả suất học bổng nước ngoài năm 19 tuổi, tình nguyện mang tuổi thanh xuân cùng tiếng hát vào chiến trường bạn mới hiểu tâm trạng của Phương bây giờ”.

Một người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, không dễ để có thể hiểu hoàn toàn tâm trạng của người nghệ sĩ mà câu chuyện về tuổi trẻ của chị trước đó tôi đã từng nghe giống như một huyền thoại.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, có một đại đội thuộc Sư đoàn 9 đã lấy tên nữ nghệ sĩ Tô Lan Phương đặt tên cho đại đội mình trước giờ tấn công. Những người lính trong đoàn quân ấy quá yêu và say mê tiếng hát của người ca sĩ bé nhỏ. Họ giữ hình ảnh chị trong trái tim để ra trận.

Câu chuyện xúc động đó là một minh chứng cho thấy tiếng hát của nghệ sĩ Tô Lan Phương có một ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với những người lính trong những năm chiến tranh.

Quá khứ đó nay đã lùi xa và bánh xe lịch sử vẫn đang tiến về phía trước, nhưng những người cùng thời vẫn nhớ mãi hình ảnh Tô Lan Phương với chiếc mũ tai bèo và áo bà ba đứng hát trên những dốc cao của núi rừng Trường Sơn để động viên tinh thần chiến sĩ, thương, bệnh binh.

2. Nghệ sĩ Tô Lan Phương sinh năm 1948. Chị có mẹ là một nghệ sĩ đàn dân tộc, ông ngoại rất mê nhạc cổ. Lớn lên trong một gia đình như vậy nên Tô Lan Phương biết chơi đàn từ rất sớm. Bố của chị là một cán bộ cách mạng. Ông nội chị chính là nhà cách mạng Tô Hiệu, người từng bị giặc Pháp bắt giam trong nhà tù Sơn La.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương những năm tháng ở chiến trường.



Từ nhỏ, Tô Lan Phương đã là đội viên đội sơn ca của Đài phát thanh. Tốt nghiệp phổ thông, Tô Lan Phương thi vào Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hết trung cấp khoa Thanh nhạc, đang học dở năm thứ nhất hệ đại học, nhà trường chọn Tô Lan Phương đi học 7 năm tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên), nhưng thật bất ngờ cô gái nhỏ đã từ chối cơ hội may mắn này.

Tô Lan Phương xung phong đi B, vào chiến trường miền Nam. Với một người con gái 19 tuổi, lứa tuổi rực rỡ nhất, sự lựa chọn ấy của Tô Lan Phương có lẽ đến hôm nay còn là một bài học thấm thía cho những người trẻ tuổi, về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

Tô Lan Phương bảo rằng chị không bao giờ quên những đêm hành quân, trên những gò đất nổi, xung quanh ngập nước, chị đứng hát để động viên những người lính trước giờ vào trận đánh.

Ở bất kỳ nơi nào, hễ gặp bộ đội là Tô Lan Phương hát phục vụ. Bộ đội Trường Sơn còn lan truyền câu chuyện về cô văn công có khả năng hát một mạch hàng chục bài liền, rằng người con gái đó sẵn sàng đứng hát ngay bên một quả bom nổ chậm để cổ vũ bộ đội. Và cả cái đầu dốc, nơi người con gái đứng cất cao tiếng hát, anh em bộ đội đặt luôn một cái tên mới: Dốc Tô Lan Phương.


Những năm tháng sau hòa bình, nghệ sĩ Tô Lan Phương vẫn có mặt trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.


Tô Lan Phương nhớ lại một kỷ niệm, một lần nhóm xung kích của Tô Lan Phương thuộc Đoàn văn công Quân Giải phóng nhận nhiệm vụ đi phục vụ một đơn vị chiến đấu ở cách đoàn chừng nửa ngày đường. Con đường đến với đơn vị rất xa vì nhiều đoạn phải đi vòng để tránh biệt kích, thám báo.

Cuối cùng, sau những chặng đường rừng, nhóm của Tô Lan Phương đã đến được địa điểm đóng quân của đơn vị nhưng bất ngờ là nơi này vắng ngắt. Thì ra, mới cách đó chừng một tiếng đồng hồ, đơn vị nhận được lệnh hành quân gấp.

Nếu trở về đoàn báo cáo không gặp đơn vị, đó cũng là điều thường gặp của anh em văn nghệ sĩ đi biểu diễn ở chiến trường, nhưng Tô Lan Phương nghĩ, điều chủ yếu với người ca sĩ ở mặt trận là phải đưa bằng được tiếng hát của mình động viên các chiến sĩ dù trong hoàn cảnh nào.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương thời trẻ.


Và chị cùng mọi người trong đoàn quyết định đi tiếp. Sau một ngày lặn lội, có lúc phải đánh lạc hướng để thoát ra khỏi vòng vây của giặc, Tô Lan Phương mới đuổi kịp đơn vị. Biết các chiến sĩ hành quân cũng có lúc tranh thủ nghỉ dọc đường, Tô Lan Phương đón gặp và hát ngay cho các chiến sĩ nghe hết bài này đến bài khác. Ai cũng xúc động, rưng rưng.

Một cán bộ chỉ huy xúc động nói: “Ngày mai ra trận, chúng tôi coi như chị luôn luôn có mặt bên cạnh, trận đánh của đơn vị sẽ có một phần đóng góp rất lớn của ca sĩ Tô Lan Phương…”.

Xuân Mậu Thân 1968, Tô Lan Phương vinh dự được đứng hát trước một đơn vị quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 trong một cánh rừng ở miền Đông Nam bộ. Chị hát mà nước mắt lăn dài, vì nghĩ, chỉ ít phút nữa thôi, những chiến sĩ ngồi đây sẽ vào tuyến lửa khốc liệt, ai còn ai mất sao mà biết được.

Những gương mặt trẻ trung tuổi 20 đẹp đẽ trong bộ quân phục màu cỏ úa đã khiến trái tim người nghệ sĩ nức nở. Người hát và người nghe cùng xúc động bên một cửa rừng già miền Đông chờ đợi giờ tổng tấn công. Bất ngờ người đại đội trưởng đầu đội mũ tai bèo đứng dậy nói: Chị hát hay quá, đề nghị chị cho chúng tôi đặt tên chị cho đại đội. Từ nay, sẽ gọi là Đại đội Tô Lan Phương”.

Và câu chuyện về một đại đội mang tên Tô Lan Phương còn được kể đến hôm nay như một minh chứng về tình quân dân gắn bó, tình đồng đội keo sơn của những người lính trong chiến trận. Anh Trần Mùi, người đồng đội vào sinh ra tử, sau này là chồng của nghệ sĩ Tô Lan Phương kể lại, sau ngày hòa bình anh chị có quay về cánh rừng năm xưa nơi đoàn quân đã đứng đó nghe chị hát, vừa thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những người đã khuất vừa hát cho linh hồn các anh nghe.

3. Tôi biết chị Tô Lan Phương giữ một tâm trạng không vui nhiều năm tháng đã qua. Tên tuổi của chị gắn liền với những câu chuyện mang bóng dáng huyền thoại. Chị được phong danh hiệu NSƯT ngay trong đợt đầu tiên, nhưng suốt 35 năm qua, tên chị luôn ở ngoài danh sách những người được phong tặng danh hiệu NSND.

Phải thừa nhận rằng công tác xét duyệt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ở ta, ở đâu đó, trong thời điểm nào đó vẫn còn không ít bất cập. Trong không ít trường hợp, chúng ta chỉ chăm chú vào hiện tại mà quên đi công lao của những người đã cống hiến cho Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh đã lùi xa vào lịch sử. Chúng ta đánh giá chưa đúng về những hy sinh lớn lao của họ.

Ở lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm tất cả để Tô Lan Phương được nhận danh hiệu mà chị xứng đáng, vì tất cả những gì chị đã cống hiến. Chúc cho người nghệ sĩ của núi rừng Trường Sơn, của miền Đông Nam bộ năm nào vẫn nồng nàn tình yêu dành cho nghệ thuật và cuộc đời.

Danh hiệu NSND đến vào thời điểm chị không còn quan tâm nhiều nữa, như chị chia sẻ, nhưng ít nhất nó cũng nói lên một điều, rằng việc đánh giá cho đúng công lao của những người nghệ sĩ như chị là việc cần phải làm và phải làm cho bằng được; chúng ta không bao giờ quên công lao của những người nghệ sĩ chiến sĩ đã cống hiến tuổi xuân, tài năng cho đất nước.

Hội Quân
NSND Tô Lan Phương từng giành các giải thưởng: Giải thưởng đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế "Bratislavski" năm 1981 tại Tiệp Khắc, Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba tháng 7-1984, Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1976...
Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử - 19:31 01/09/2019

Người nghệ sĩ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước

Người nghệ sĩ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước

QUỲNH TRANG

Trong danh sách phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 9 mới đây, có tên Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tô Lan Phương. Bà là nghệ sĩ được rất nhiều thế hệ người nghe nhớ đến bởi giọng hát đẹp và tinh thần quả cảm, đã cống hiến tuổi trẻ của mình phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương khi còn trẻ.
Những người lính có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1968 còn nhắc mãi câu chuyện một đại đội, vì yêu mến giọng hát Tô Lan Phương đã lấy tên của bà để đặt tên cho đại đội mình trước giờ xung trận. Tiếng hát Tô Lan Phương có sức cổ vũ rất lớn đối với những người chiến sĩ trên đường Trường Sơn và chiến trường miền đông, miền tây Nam Bộ, góp phần tạo nên những chiến công vang dội. Bà trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước của những người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Không chỉ với người cùng thời, mà cả đối với thế hệ trẻ hôm nay, câu chuyện về nghệ sĩ Tô Lan Phương còn mang bóng dáng của một huyền thoại.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chú ruột của Tô Lan Phương là nhà cách mạng Tô Hiệu, người tù cộng sản đã trồng cây đào giữa nhà ngục Sơn La. Thấm nhuần tinh thần yêu nước của gia đình, năm 19 tuổi, Tô Lan Phương tình nguyện gia nhập Đoàn văn công Giải Phóng đi vào chiến trường Nam Bộ, quyết mang tài năng và tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng. Khi đó, bà vừa học xong hệ trung cấp thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), được nhà trường cử đi học bảy năm ở Nhạc viện quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Thế nhưng, cô gái Hà Nội chân yếu tay mềm có giọng hát hay nổi tiếng từ những năm còn học Trường Chu Văn An đã bỏ lại cơ hội đó, để khoác ba-lô và bộ quân phục mầu xanh lá úa, hòa vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tô Lan Phương thường hồi tưởng những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với bom đạn khốc liệt; những đêm biểu diễn trên các đỉnh dốc cao hay mô đất ven đường làm sân khấu; phông màn là những mảnh dù pháo sáng, ánh đèn sân khấu có khi là ánh sáng của những chiếc xe ô-tô chở lương thực, vũ khí.


Người ca sĩ không son phấn, không thiết bị âm thanh hỗ trợ, chỉ có tiếng hát bay lên từ trái tim thiết tha yêu quê hương và khát khao một ngày hòa bình trở lại. Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn ta-lư, Câu hát bông sen, Qua sông… là những bài hát gắn với tên tuổi nữ ca sĩ Hà thành một thời. Là một người nghệ sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường, Tô Lan Phương không nề hà, chùn bước. Sau Chiến thắng mùa xuân năm 1975, Tô Lan Phương trở về với cuộc sống đời thường, kết hôn cùng nghệ sĩ vi-ô-lông Trần Mùi, người đồng chí, đồng đội và cũng là một nghệ sĩ từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm chiến tranh ở Đoàn văn công Giải Phóng. Bà không tham gia một cách sôi động vào đời sống biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh; chỉ nhận lời biểu diễn trong các chương trình kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của dân tộc, như một cách hồi tưởng về tuổi trẻ của mình; đồng thời tri ân những người lính, những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường.

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Tô Lan Phương đã giành nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Bratislavski năm 1981 tại Tiệp Khắc, Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba năm 1984, Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1976, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên.

Những năm tháng sau này, Tô Lan Phương chọn cách sống tĩnh tại, có phần khép kín, đây có lẽ là lý do bà bị “bỏ quên” trong danh sách đề nghị phong tặng NSND trong suốt hơn 30 năm vừa qua. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người trực tiếp đưa tên tuổi Tô Lan Phương vào danh sách những nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần này.

QUỲNH TRANG
Nguồn: Báo Nhân Dân - Thứ Sáu, 11/10/2019, 02:12:32

NSND Tô Lan Phương trong "Đất nước tình yêu 30/4/1975 - 30/4/2020"

NSND Tô Lan Phương trong "Đất nước tình yêu 30/4/1975 - 30/4/2020"

MC Mỹ Vân- Anh Tuấn


Nguồn: YouTube

Tưởng niệm 76 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu 7/3/1944 - 7/3/2020

Sunday, March 8, 2020
Tại Xuân Cầu
Tại Sơn La

Lễ giỗ tưởng niệm 76 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng LS Tô Hiệu

Nghĩa Giang Tô

Lễ giỗ tưởng niệm 76 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng LS Tô Hiệu tổ chức sáng nay 7/3/2020 tại nhà thờ họ Tô, quê hương Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên trong không khí trang nghiêm, đầm ấm.
Về dự có bà Tòng Thị Phóng, UBCT, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, UVBCT Bộ trưởng Bộ CA, Lãnh đạo hai tinh Hưng Yên và Sơn La; bà con trong dòng họ và quê hương; hội dòng họ Tô VN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn thị Kim Ngân đã gửi Lẵng hoa kính dâng.

Ba Tòng Thị Phóng đã có lời phát biểu chân tình và xúc động đồng thời tặng quĩ học bổng Tô Hiệu huyện Văn Giang 50 triệu đồng.

Vị “Tư lệnh ngành” đi tiên phong về cải cách

Wednesday, January 1, 2020

Phạm Khải

Sinh ra tại một làng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm đã thừa hưởng, kết hợp được trong mình nhiều tố chất: Đó là sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của một người làm khoa học; sự năng nổ, quyết đoán (thậm chí quyết liệt) của một nhà quản lý, một vị Tướng quân.

Nguyên tắc, bài bản, mạch lạc; coi trọng văn hóa và thượng tôn pháp luật - đó là phẩm chất, đồng thời cũng là phong cách sống của ông. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, với tầm tư duy chiến lược cùng những quyết định táo bạo, mang tính đột phá, hiện ông được xem là một trong những "Tư lệnh ngành" đi tiên phong về cải cách...

Địa danh đặc biệt với những nhân vật đặc biệt


Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm sinh ngày 10-7-1957, quê ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km, đây là “cái nôi” sinh ra nhiều nhà khoa bảng; nhiều danh nhân văn hóa và cách mạng.


Nói một cách mộc mạc, đất này “phát” cả về “đường văn” lẫn “đường võ”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở Xuân Cầu “nổi” nhất là hai dòng họ: Dòng họ Tô và dòng họ Nguyễn. Chỉ tính riêng trong thế kỷ XX, nếu như họ Tô có những nhà cách mạng tiền bối, từng giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước như đồng chí Tô Hiệu (nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ); đồng chí Lê Giản (tên thật Tô Gĩ, nguyên Giám đốc Nha Công an Trung ương - vị trí cao nhất của lực lượng Công an khi ấy; nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao); đồng chí Tô Quang Đẩu (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ); đồng chí Tô Duy (nguyên Chủ tịch Trọng tài Kinh tế Nhà nước, một vị trí hàm ngang Bộ trưởng)… thì họ Nguyễn cũng có những tên tuổi lớn: Đồng chí Lê Văn Lương (tên thật Nguyễn Công Miều, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội); đồng chí Nguyễn Công Mỹ (nguyên Giám đốc Nha Bình dân học vụ); đồng chí Nguyễn Tài (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an)…

Cũng vậy, nếu như họ Nguyễn có nhà văn Nguyễn Công Hoan (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật) thì phía họ Tô có danh họa Tô Ngọc Vân (nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật)… Đấy là chúng tôi mới chỉ sơ tính các cụ “lớp trước”.

Được biết, hiện trong số những nhân vật ưu tú sinh trưởng tại Xuân Cầu, đã có 5 người được đặt tên đường phố. Đó là các vị: Tô Hiệu, Tô Chấn (cán bộ tiền khởi nghĩa, anh trai đồng chí Tô Hiệu), Tô Ngọc Vân, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Lương…


Đại tá, Anh hùng LLVTND Tô Quyền cùng vợ và các con (người đứng thứ 3 từ trái sang là Bộ trưởng Tô Lâm). Ảnh chụp năm 1975.
Thiết nghĩ, chỉ trong phạm vi một làng thôi mà đã liệt kê được một “danh sách vàng” như vậy, hẳn là điều hiếm thấy trong cả nước. Lại nhớ, trong số 158 đại biểu chính thức về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (năm 1951), riêng thôn Xuân Cầu góp 5 đại biểu (gồm các đồng chí: Lê Văn Lương, Lê Giản, Tô Duy, Tô Quang Đẩu, Trần Bình), lập một kỷ lục “độc nhất vô nhị” trong các thôn làng của cả nước.

Trong “ngôi nhà lớn” thì vậy, trong “ngôi nhà nhỏ” là gia đình, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm cũng được thừa hưởng một truyền thống đáng tự hào. Cụ thân sinh ra ông chính là Đại tá Tô Quyền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, nguyên Phó ban An ninh Tây Ninh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng (tên gọi hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hiện nay), nguyên Cục trưởng các Cục: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý trại giam… Hiện ở Xuân Cầu, một trường học mang tên đồng chí Tô Quyền đã được khánh thành cách đây ít lâu.

đồng chí Tô Quyền từng là một nhân vật văn học. Cuốn truyện ký “Lá chắn thép” do nhà văn Diệp Hồng Phương chấp bút, NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2015 đã đề cập tới cuộc chiến đấu khốc liệt của lực lượng An ninh Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó, tác giả dành số trang thích đáng để nói về vai trò, hoạt động của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền. GS.TS Tô Lâm cho biết, ông rất cảm động và hoàn toàn bất ngờ khi biết có quyển sách này và quyển sách đã giúp gia đình hiểu thêm những năm tháng nhọc nhằn, đầy gian khổ, hy sinh của cha mình cùng những người đồng đội thân yêu.

Xuất hiện từ trang 67 đến trang 229 (tức trang cuối) của cuốn sách, đồng chí Tô Quyền là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng (có lúc gần như quyết định) trong khoảng thời gian gần 10 năm ở một địa bàn gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là cán bộ miền Bắc chi viện, đồng chí được Ban An ninh Miền cử về Ban An ninh Tây Ninh thay thế một đồng chí mới qua đời, giữ chức vụ Phó ban (có lúc đồng chí gánh trách nhiệm như một Trưởng ban).

Đồng chí là người thương dân, thương lính; có tinh thần cảnh giác cao; có óc phán xét nhạy bén. Đặc biệt, ngoài khả năng chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp cuộc chiến đấu ở cơ sở, đồng chí còn là người rất chịu đọc sách, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng. Tại Ban An ninh Tây Ninh - nơi nhiều năm đồng chí giữ cương vị Phó ban - đồng chí thường đảm trách nhiệm vụ biên soạn bài giảng huấn luyện cán bộ an ninh cấp huyện, tỉnh.


Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Dự thảo Luật An ninh mạng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-9-2017 (Ảnh: Quốc hội).
Qua phản ánh của những người từng được đồng chí Tô Quyền truyền giảng, thì đồng chí là người có năng lực truyền đạt hấp dẫn các văn bản có tính lý luận cao, khiến anh em cán bộ thuộc cấp tâm phục khẩu phục. Có thể nói, đồng chí là người hùng biện. Những ai từng tiếp xúc, được nghe diễn giả Tô Lâm nói chuyện, hẳn sẽ thấy ông được thừa hưởng cái “gien” này của cụ thân sinh, bên cạnh sự “giống nhau” ở phong cách cẩn trọng, sâu sát trong xử lý công việc.

Trong “Lá chắn thép”, đồng chí Tô Quyền xuất hiện với tên gọi… Tô Lâm. Tác giả Diệp Hồng Phương đã giải thích điều này qua đoạn đối thoại giữa hai nhân vật khi một người nhận được lá thư có ghi dòng chữ ngoài bì “Kính gởi đồng chí Tô Quyền”.

- “Đồng chí Tô Quyền” là ai chú Hai?

- Tô Quyền là Tô Lâm đấy! Ông ấy tên thật là Tô Quyền, vào Nam lấy tên con trai là Tô Lâm.

Đồng chí Tô Quyền vào Nam khi cậu bé Tô Lâm mới lên 8 tuổi, và trở ra Bắc nhận nhiệm vụ Giám đốc Công an Hải Hưng vào tháng 2-1977, khi con trai tròn 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba Học viện An ninh nhân dân.

Về phía đấng sinh thành thì vậy, về phía nhạc phụ, nhạc mẫu, GS.TS Tô Lâm cũng có quyền tự hào vì đó đều là những Nghệ sĩ Nhân dân; những “cây đa cây đề” được giới văn nghệ sĩ cả nước biết tiếng. Phu nhân cùng các anh chị của phu nhân GS.TS Tô Lâm cũng vậy. Họ là những người danh giá, thành đạt, đều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.


Một số tác phẩm đã xuất bản của Bộ trưởng Tô Lâm.
Có thể nói, GS.TS Tô Lâm đang sống giữa một khu vườn nghệ thuật đậm hương sắc. Đó tất nhiên là sự lựa chọn của ông và ít nhiều đã chi phối cách xử lý, nhìn nhận vấn đề của ông - một vị Thượng tướng, người đứng đầu lực lượng Công an toàn quốc.

Vì một môi trường an lành, xã hội an toàn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khoá XI) khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Với Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, đây không chỉ là nhiệm vụ ông cần quán triệt trong chỉ đạo công tác công an ở những lĩnh vực liên quan mà cao hơn thế, đó cũng chính là điều ông tâm đắc, là quan điểm, là nhận thức của cá nhân ông.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ Công an (ngày 9-4-2016), trên cương vị công tác mới, Bộ trưởng Tô Lâm đã nêu rõ mục tiêu của Lực lượng Công an là xây dựng môi trường an lành, xã hội an toàn. Mà để “an lành”, “an toàn” thì cái ác phải được ngăn chặn, loại trừ ngay từ trong trứng chứ không phải chờ đến khi nó “lớn” lên, bung ra thành vụ án rồi mới tính đến chuyện… phá.


Bộ trưởng Tô Lâm cùng một số thành viên trong gia đình bên thân mẫu.
Trong bài nói chuyện với trí thức trẻ Hà Nội về 10 vấn đề liên quan đến nguy cơ an ninh phi truyền thống ở Việt Nam sáng 8-5-2015, GS.TS Tô Lâm, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Công an đã thể hiện sự day dứt, trăn trở: “Chúng tôi nhiều khi băn khoăn lắm! Vụ án phá rất nhiều nhưng chưa ngăn chặn được tội phạm, để cho người dân không yên tâm, có cái gì đó bất an thì rất nguy hiểm”.

Có thể nói, ở đây, công tác đảm bảo an ninh, trật tự đã được vị Thượng tướng Công an nhìn ở cấp độ sâu rộng hơn, mang đậm yếu tố nhân văn, văn hóa. Điều ấy đồng nghĩa với việc ông không muốn - như ai đó - lấy thước đo chiến công của Lực lượng Công an từ số lượng tội phạm bị bắt và xử lý, mà soi chiếu từ chỉ số hài lòng, tâm lý yên tâm, tin tưởng vào môi trường sống của người dân.

Còn nhớ, khi thảo luận tổ ở Quốc hội (chiều 13-11-2017) về Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì, Bộ trưởng Tô Lâm không quên đề cập tới quyền riêng tư của người dân khi khẳng định, trong an ninh mạng, phải đảm bảo cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia.

Rõ ràng, nếu không quan tâm, xem trọng đời sống văn hóa tinh thần của người dân mà chỉ nhìn ở góc độ an ninh quốc gia thuần túy, hẳn ý kiến của người đứng đầu Lực lượng Công an toàn quốc sẽ trở nên “một chiều” và khó thuyết phục được đông đảo các tầng lớp nhân dân như vậy.

Năm 2016, 2017, tại Việt Nam đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Một trong những nguyên nhân chính khiến thiệt hại thêm nặng nề là do khi làm nhà, người dân không tính đến lối thoát hiểm phụ trong trường hợp xảy cháy. Vấn đề nhà ống, nhà lan can bị bít vì cơi nới “chuồng cọp” bắt đầu được dư luận chú ý, đặt vấn đề.

Trong khi trước đấy, khi còn là Thứ trưởng, GS.TS Tô Lâm đã cảnh báo về việc này. Thậm chí, ông còn nêu trăn trở về việc người dân đã tự xóa đi quyền thụ hưởng chất lượng cuộc sống của mình vì yếu tố an toàn (mà thực chất không an toàn khi xảy ra hỏa hoạn): “Văn hóa xây nhà cửa không nghĩ đến kiến trúc cho đẹp, gần gũi môi trường, thiên nhiên và cuộc sống mà đầu tiên nghĩ sao chống được trộm để xây cửa sắt, bao tường rào cho an toàn!”.


Bộ trưởng Tô Lâm cùng các thành viên trong gia đình tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày cưới của nhạc phụ, nhạc mẫu.
Bởi luôn nhìn vấn đề một cách đa chiều, suy xét từ nhiều góc độ; kết hợp giữa việc giữ gìn an ninh trật tự với việc duy trì nếp sống văn hóa, đảm bảo chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân, trong nhiều cuộc đối thoại với công luận, GS.TS, Bộ trưởng Tô Lâm đã có những lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

Đặc biệt, trong những vấn đề được xem là “khó”, là “nhạy cảm”, các ý kiến ông đưa ra thường được “minh họa” bằng những hình ảnh sinh động, gần gũi. Cách diễn đạt nhiều khi vui, hóm. Tất cả những yếu tố ấy khiến lời phát biểu của ông trở nên có sức nặng (mặc dù khi nói, âm sắc của ông khá nhẹ nhàng), dễ thuyết phục được các ý kiến trái chiều.

Trở lại với Dự thảo Luật An ninh mạng. Được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp tháng 11-2017, Dự luật đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận; tạo nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ, trong đó có những “cư dân mạng” - vì chưa hiểu đúng thực chất vấn đề, hoặc vì động cơ cá nhân - đã lên tiếng phản đối gay gắt.

Thậm chí, so sánh với việc Bộ Công an tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (một Nghị quyết được dư luận đồng tình, nhất trí rất cao), đã có ý kiến xem việc soạn thảo Dự luật An ninh mạng là một “sự thụt lùi của Bộ Công an”, là “có hai Bộ Công an”.

Vậy nhưng, đến khi Bộ trưởng Tô Lâm vào cuộc, giải thích vấn đề thì mọi việc trở nên “nhẹ nhàng” hơn nhiều. Ấy là khi ông khẳng định: “Mạng Internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, xã hội, giao lưu chung, giúp năng suất lao động cao. Vì vậy, không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì”.

Nói tới đây, ông dùng mấy chữ hết sức đời thường để nhấn mạnh vấn đề khiến ai nghe cũng “hởi lòng hởi dạ”: “Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”.
Từ cách nhập đề thấu tình đạt lý như vậy, Bộ trưởng Tô Lâm nói về nguy cơ nếu “chúng ta không làm chủ cuộc chơi đó”. Ông ví “Dòng chảy của thông tin giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, hệ tuần hoàn đó càng lưu thông, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh…

Dòng máu đó phải làm sao có nhiều ôxy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể, chứ máu đỏ ít, máu đen thì nhiều; ôxy thì ít, cácbonic nhiều thì rất nhức đầu, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay. Nôm na là an ninh mạng phải giữ được hệ tuần hoàn, an ninh mạng thông suốt”.

Khi những ý kiến tâm huyết nói trên của Bộ trưởng Tô Lâm được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyệt đại đa số các ý kiến hồi âm trở lại đều trên tinh thần ủng hộ. Bạn đọc ký tên Kim Ngân comment: “Tôi nghĩ rằng ý kiến này rất đúng đắn, đúng mực và trí tuệ”.

Bạn Quốc Quân thì cho rằng: “Ý kiến của ông rất chuẩn xác ông Bộ trưởng ạ. Không những chuẩn về mặt chuyên môn mà còn phù hợp với quy luật phát triển của quốc gia và nhân loại”. Có bạn đọc còn ủng hộ… bằng thơ: “Rất vui vì ý kiến này/ Bác nói rất đúng điều hay hợp thời/ Bây giờ mạng ở khắp nơi/ Tiến bộ phát triển cuộc đời là đây/ Thế giới ngày một đổi thay/ Cần phát triển mạng mỗi ngày mạnh thêm”.

Tôi không muốn so sánh Bộ trưởng Tô Lâm với các nhà lãnh đạo của một số bộ, ngành. Trước sau tôi vẫn nghĩ, đọc những bài viết sẵn hay “nói vo”; ít trả lời trực diện báo chí hay cởi mở, sẵn sàng trả lời… là phụ thuộc vào tác phong làm việc của mỗi người. Song quả là Bộ trưởng Tô Lâm đã tạo được sự gần gũi, tin cậy với nhiều phóng viên cơ quan báo, đài khi sẵn sàng trả lời những vấn đề “gai góc” ngay “tại trận” mà không cần chuẩn bị trước tài liệu.

Điều này chứng tỏ ông nắm bắt rất chắc, rất sâu nhiều vấn đề và tự tin vào cách xử lý mà ông cho là đúng đắn của Cơ quan Công an Việt Nam. Cựu Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã nhận xét về Bộ trưởng Tô Lâm: “Ông Tô Lâm là nhân vật cứng rắn, nhưng thông minh”.

Một trong những việc ông ghi dấu ấn và được báo giới, cả ở ngoài nước ca ngợi là lần ông trả lời phỏng vấn của trang BBC Việt ngữ và VOA Việt ngữ liên quan đến việc nghi phạm Đoàn Thị Hương được cho là đã “ám sát” ông Kim Jong Nam - người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đây là điều rất hiếm xảy ra với một quan chức cấp cao của Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm - một mặt cho biết lập trường của Việt Nam trong vụ việc này, mặt khác chỉ đạo điều tra, bảo vệ quyền chính đáng của công dân Đoàn Thị Hương. Bản thân người thực hiện cuộc phỏng vấn (một tiến sĩ hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore) đã phải nhận xét: “Những phát biểu của ông Tô Lâm, tôi nghĩ là phù hợp và hợp lý”.

Hai chữ “phù hợp” và “hợp lý”, theo cách diễn nôm chính là sự “thấu tình đạt lý”. Thực tế, nếu quan tâm theo dõi các bài trả lời phỏng vấn, chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm, ta thấy ông không chỉ nắm chắc luật mà luôn trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Kể cả với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, trước khi đưa ra ý kiến riêng (mang đậm tinh thần nhân văn), ông đều nói thêm pháp luật qui định điều này như thế nào, còn với riêng ông, theo ông thì không nên như thế. Như trước luồng dư luận phản ánh việc nhiều trang báo mạng đưa hình ảnh bữa ăn cuối cùng của tử tù Nguyễn Hải Dương (kẻ gây ra vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước) trước khi bị hành quyết; cảnh gia đình tử tù Nguyễn Hải Dương đến nhận xác con em mình; Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ: “Đó là những thông tin theo luật thì không cấm, nhưng không nên đưa như thế”. Cũng vậy, với việc công khai thời gian thi hành án tử hình với tử tù này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc này pháp luật không cấm, nhưng theo ông thì không nên đưa và “Bộ Công an sẽ xem xét lại việc này”.

Những công trình nghiên cứu giàu tính phát hiện

Ngoài những cuốn sách, tài liệu được dùng làm giáo trình riêng giảng dạy trong khối nhà trường Công an nhân dân và những công trình nghiên cứu nằm trong diện “bí mật nhà nước” tôi xin phép không điểm tới, đến nay, GS.TS Tô Lâm đã cho ra mắt bạn đọc 4 tác phẩm chính.

Đó là các cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân” (NXB Chính trị Quốc gia, 2015); “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân” (NXB Chính trị Quốc gia, 2017), “Quần chúng nhân dân - nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” (NXB Công an nhân dân, 2017) và “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự” (NXB Công an nhân dân, 2017).

Chúng ta đều biết, ở Việt Nam, đề tài tư tưởng Hồ Chí Minh (và những mệnh đề liên quan) hiện đã và đang được nhiều bậc thức giả quan tâm khai thác, với những công trình nghiên cứu khá bề thế. Như vậy, để có thêm ý kiến gì mới xung quanh vấn đề này quả là điều không hề đơn giản.

Ở đây, GS.TS Tô Lâm đã rất tỉnh táo khi chọn một góc nhìn có tính khu biệt - góc nhìn của một cán bộ Công an - để rồi từ đó, với vốn tri thức sâu rộng, cùng cách lập luận, phân tích sắc sảo, cách dẫn dụ sinh động, hấp dẫn, ông đã chứng minh một cách có hệ thống, rằng sự hiện diện của tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ Công an nhân dân nói riêng là một thực tế không thể phủ nhận trong đời sống tinh thần của dân tộc ta non một thế kỷ nay.

Có thể nói, đây là một hướng đi đúng, và cần thiết, bởi trước khi xuất hiện những cuốn sách vừa nhắc tới trên của GS.TS Tô Lâm, ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự mang tính hệ thống, toàn diện xoay quanh vấn đề này.

Người đời thường nói, trong việc vẽ, vẽ rồng là dễ nhất, vì đó là con vật không có thật, người vẽ thích vẽ thế nào cũng được. Cũng vậy, nói dễ nhất là nói… chung chung, vì dù người nói có đề cập tới những điều to tát đến mấy thì cũng khó để người nghe kiểm chứng được đâu mới thực sự là kiến thức riêng của họ.

Đọc sách của GS.TS Tô Lâm, điều ta dễ nhận thấy là khi muốn chứng minh một luận điểm nào đó, ông thường đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể. Như khi nói về một trong những “cơ sở quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân”, ông viết: “Những kinh nghiệm hoạt động bí mật của Hồ Chí Minh như: Kỹ thuật đánh lừa địch, cách “cắt đuôi” bọn mật thám bám theo; kỹ thuật hóa trang, cách giữ bí mật… là những bài học quý báu cho công tác nghiệp vụ của công an”.

Khi nói về sự nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ông viện dẫn quan điểm của Người đối với việc bức cung, dùng nhục hình: “Tục ngữ có câu: có gan ăn cướp, có gan chịu đòn, những tên đại gian ác, có khi đánh mấy chúng cũng không thú, có chứng cứ đầy đủ rõ ràng thì chúng phải nhận tội. Còn người thường thì bị đánh đau chịu không nổi mà họ nhận bừa, khai bậy, đưa Công an đến chỗ sai lầm. Cho nên ta phải kiên quyết bỏ nhục hình”.

Không chỉ có vậy: “Người đánh giá: Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc tư bản phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có chính sách đúng, có lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao còn dùng cách dã man”.

Có thể nói, với việc đưa ra được những trích dẫn thuộc loại “ít phổ biến” nhưng rất đắc sách này, GS.TS Tô Lâm không chỉ thể hiện sự tỉ mỉ, công phu trong việc khảo cứu mà còn cho thấy ông hiểu rất sâu, rất kỹ vấn đề mình đang bàn luận.

Thước đo giá trị trước nhất của một công trình khoa học (ta có thể gọi mỗi cuốn sách được xuất bản của GS.TS Tô Lâm như vậy) là phải có tính phát hiện. Khi GS.TS Tô Lâm đặt bút viết: “Người yêu cầu công an phải khuyến khích nhân dân kiểm tra, đánh giá, giám sát công an. Để qua đó nhân dân vừa giúp đỡ công an, vừa kiểm tra công an.

Đây là điểm khác biệt hoàn toàn về bản chất của công tác kiểm tra, giám sát của Công an nhân dân Việt Nam với công an đế quốc và là một điểm độc đáo của chế độ ta, nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân” thì đó là một đúc kết có tính phát hiện.

Và khi ông trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, từ đó đi đến kết luận: “Hồ Chí Minh sử dụng sáng tạo phương pháp biện chứng để đánh giá toàn diện vị trí cán bộ” - đó cũng là một đúc kết có tính phát hiện.

Đặc biệt, khi GS.TS Tô Lâm nhắc lại giai đoạn Bác của chúng ta hoạt động tại các nước phương Tây, kèm nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc còn tiếp thu tư tưởng dân chủ và hình thành phong cách dân chủ của mình từ trong cuộc sống, trong văn hóa của các nước phương Tây. Nguyễn Ái Quốc còn học được cách làm việc dân chủ ngay trong cách sinh hoạt khoa học ở Câu lạc bộ Faubourg, trong sinh hoạt chính trị của đảng Xã hội Pháp v.v…

Phong cách làm việc dân chủ này được Người đưa trực tiếp vào công tác cán bộ như là một trong những nguyên tắc làm việc làm tăng tính sáng tạo và tính đồng thuận cao trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức” - có thể nói, đó là một nhận xét mới mẻ và hoàn toàn chính xác, thể hiện cảm quan chính trị nhạy bén, tinh tế trên một nền kiến thức đa diện.

Thực tế, vì từng nhiều năm sống trong lòng các nước có chế độ dân chủ tư sản trước khi đến với Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết nên việc tiếp thu quan điểm chính trị cũng như phong cách làm việc của Hồ Chí Minh có sự mềm mại, uyển chuyển.

Tất nhiên, ở đây cần phân biệt hai hình thái dân chủ, đó là sự dân chủ trong một chừng mực nào đó dành cho người dân “mẫu quốc” (tức nước Pháp) và sự “dân chủ” quá ư tệ hại dành cho người dân thuộc địa (tức các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát một cách giản dị: “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”.

Đã lâu rồi, cán bộ công chức Việt Nam thường có phản xạ “dị ứng” với các danh xưng giáo sư, tiến sĩ. Đặc biệt là với danh xưng tiến sĩ. Người ta cho rằng đa phần đó là những “tiến sĩ giấy”. Điều này không phải không xuất phát từ một căn cớ: Trong thực tế, nhiều người sau khi nhận tấm bằng tiến sĩ thì luận án của họ cũng đồng thời bị nhét luôn vào ngăn kéo, hầu như không có giá trị ứng dụng trong đời thực và cũng chẳng giúp gì cho việc “quốc kế dân sinh”.

Với những công trình nghiên cứu đã được chuyển tải thành sách của GS.TS Tô Lâm, mặc dù chỉ là đôi đoạn trích dẫn rất hạn chế ở trên, ta đã có thể thấy phần nào công phu tìm tòi cùng khả năng phát hiện vấn đề của ông. Và, điều quan trọng hơn, từ cơ sở những luận điểm riêng đúc kết được, trên cương vị, trọng trách mà ông đang nắm giữ, GS.TS Tô Lâm hoàn toàn có đủ khả năng để “biến nhận thức thành hành động”.

Được biết, hiện lãnh đạo Bộ Công an đang tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ thực hiện rốt ráo Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tinh thần của Đề án này (cùng một số biện pháp đi kèm) thực ra đã có tiền đề từ nội dung của cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân”, một cuốn sách tuy ra đời trước khi Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII được ban hành tới hơn một năm, nhưng nội dung có nhiều điểm tương đồng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ cuối năm 2016, Bộ trưởng Tô Lâm đã xác định, với Bộ Công an, năm 2017 là “Năm công tác cán bộ”. Và công tác này vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của Bộ Công an trong năm 2018.

Chất “văn” trong tâm hồn vị tướng võ

Thoạt mới tiếp xúc, có thể ai đó cảm giác ở Bộ trưởng Tô Lâm một sự nghiêm khắc đến độ… hơi “lạnh”. Đúng là, với Bộ trưởng Tô Lâm, làm việc phải có nguyên tắc. Phải lấy nguyên tắc làm trọng. Đặc biệt, về việc bổ nhiệm, giải quyết chế độ, không thể thoải mái ngẫu hứng, thích cho ai là cho như thể “của nhà trồng được”.

Kỳ thực, ông là người tình cảm, nhưng kín đáo trong việc biểu lộ cảm xúc. Điều này là cần thiết với đặc tính nghề nghiệp của ông; và càng cần phải có ở người giữ cương vị, trọng trách như ông.

Một vị cán bộ lão thành từng công tác trong Lực lượng Công an kể: Ông có cô con gái làm việc tại một tòa báo trực thuộc Công an Thành phố… Một lần, cô “kêu” với ba, rằng cô bị đeo quân hàm vạch xanh (tức hệ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật) lâu quá.

Cô muốn ba “tác động” với cấp trên để cô được chuyển sang vạch vàng (tức hệ sĩ quan nghiệp vụ) cho đỡ thiệt thòi. Ông nghe mà giật mình. Thì ra, trước nay ông không để ý đến việc sao vạch của con, chỉ biết con vào công an là vào công an thôi. Nhưng khi ông đương chức thì không nói, nay nghỉ rồi… Biết làm sao? Thương con, cuối cùng ông quyết định nói với một vị làm chính sách. Vị này than “khó”.

Đến nước ấy, ông đành ra điều kiện: “Thôi thì cậu cứ làm công văn đề xuất, còn được hay không tôi sẽ lên gặp trực tiếp Bộ trưởng đề đạt nguyện vọng…”. Sở dĩ ông nói “cứng” vậy vì ông tin Bộ trưởng Tô Lâm vẫn còn “nhớ” đến những người như ông. Nói vậy mà rồi bẵng đi, ông dường như quên khuấy việc lên gặp Bộ trưởng.

Thế rồi, trong một cuộc gặp mặt cán bộ Công an hưu trí có Bộ trưởng Tô Lâm tới dự, đích thân Bộ trưởng bước tới bắt tay, ân cần hỏi thăm sức khỏe của ông, đồng thời thông báo: “Việc chuyển loại cho cháu, em ký rồi anh nhé”. Ông nghe mà sửng sốt và vô cùng xúc động. Ông hỏi, sao Bộ trưởng biết?. “Thì em duyệt, thấy lý lịch ghi tên bố cháu, nhận ra anh ngay…”.

Với Bộ trưởng Tô Lâm, trong giải quyết chế độ, chính sách, ông rất lưu ý đến lớp cán bộ từng chiến đấu tại những địa bàn ác liệt như chiến trường miền Nam. Không chỉ vì cụ thân sinh ra ông từng có thời kỳ lăn lộn sống chết ở đó, mà vì theo ông, đó là những đối tượng dễ chịu thiệt thòi trong cuộc sống gia đình khi đất nước bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập.

Trong căn cốt, Bộ trưởng Tô Lâm là người ưa hài hước. Những ai từng nghe ông nói vo về các vấn đề nổi cộm trong lực lượng, ngoài xã hội đều không khỏi bật cười khi - xen kẽ giữa âm giọng đều đều, rủ rỉ kiểu tâm sự thi thoảng lại “trồi” lên một câu nhận xét, một chi tiết giàu hình ảnh với ngôn ngữ đời thường đầy sắc thái hài hước. Cười đấy, nhưng ngẫm thấy vấn đề đặt ra thật thâm thúy, sâu sắc.

Bản thân phu nhân Bộ trưởng (hiện công tác tại một đơn vị liên quan tới mảng văn hóa nghệ thuật) từng cho biết: “Ở nhà, anh Lâm hay kể chuyện dí dỏm, hài hước”.

Như trái ngược với lối sống chuẩn chỉ, nguyên tắc, cách tổ chức công việc khoa học, Bộ trưởng Tô Lâm lại có phần xuề xòa trong sinh hoạt. Phòng làm việc của ông, không gian chủ yếu để dành cho… tài liệu. Ai tới chắc cũng không thể và ngại nán lại lâu. Ông cũng là người không cầu kỳ trong ăn mặc. Một cán bộ từng làm thư ký cho ông (thời ông làm Thứ trưởng) kể, lần ấy ông đi công tác nước ngoài.

Sắp đến giờ khai mạc hội nghị, anh này lấy chiếc áo sơ mi của ông từ trong vali ra thì tá hỏa khi thấy áo bị nhàu. Làm cách nào bây giờ? Trong khi anh nọ đang quýnh quáng lo gọi lễ tân nhờ tìm người là ủi thì Thứ trưởng Tô Lâm thản nhiên mặc luôn chiếc áo, vừa mặc vừa trấn an thuộc cấp: “Không sao, áo này mình mặc ở trong, có áo comple bên ngoài, hai vạt khép bớt lại, chắc không ai nhìn thấy chỗ nhàu”.

Đại tá Đặng Đình Thành, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, là chỗ “anh em con cô, con cậu” với GS.TS Tô Lâm cho hay, thời còn là Thứ trưởng, một lần GS.TS Tô Lâm về làng dự đám giỗ một người trong họ. Thấy ông tự lái xe, Đại tá Thành hỏi lái xe đâu. Ông cho biết, hôm nay là ngày nghỉ, ông cho lái xe ở nhà. Ông tự lái thế này thấy tâm lý thoải mái hơn.

Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân thì kể: Một tối nọ, ông đang ngồi xem màn thi bắn pháo hoa (trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng) bên bờ sông Hàn thì bất ngờ gặp Bộ trưởng Tô Lâm.

Bộ trưởng ngồi lẫn vào đám đông du khách thập phương thưởng thức màn bắn pháo hoa. Trung tướng Nam kêu lên: “Ủa, sao ông vô đây không báo cho anh em biết để tiếp đón”. Bộ trưởng Tô Lâm xua xua tay: “Không! Tôi đi nghỉ với gia đình chứ có phải đi công việc đâu. Đừng báo với anh em làm gì, thêm bận. Mà tôi cũng không thích như vậy”.

Nghe dặn thế song Trung tướng Lê Ngọc Nam vẫn thấy canh cánh. Ông bí mật nhắn tin cho lãnh đạo Đà Nẵng. Vị lãnh đạo không tin: “Làm gì có chuyện ấy. Nếu có Công an Thành phố đã báo. Mà này, có đúng là anh nhìn thấy bác Lâm không?”. “Sao lại không đúng. Tôi vừa hỏi chuyện, bắt tay ổng. Chẳng lẽ đến tôi còn nhầm ông Tô Lâm hay sao”.

Cách sống của Bộ trưởng Tô Lâm là vậy. Khi làm, ông làm tận lực, nhưng khi cần thì biết thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống một cách thoải mái, tự nhiên (theo nghĩa “tự do” nhất). Cũng bởi ông sống trong một môi trường thấm đẫm văn hóa, trong một gia đình toàn các văn nghệ sĩ.

Nhân đây xin được kể thêm câu chuyện: Trong một lần đề cập tới việc học hành của con cái, Bộ trưởng Tô Lâm bất ngờ tiết lộ với tôi, rằng cô con gái đang học phổ thông của ông được các thầy cô ở trường khen “bài viết rất có văn” (có lẽ ông nói điều này vì biết tôi là nhà văn). “Con bé có tư chất nghệ sĩ, sau này dễ theo nghề diễn viên” - Ông nói.

Sau này, có dịp kể lại tình tiết ấy với phu nhân của Bộ trưởng, tôi thấy chị rất vui khi biết đức phu quân của mình có cách nhìn nhận như vậy - cách nhìn nhận thể hiện thái độ trân trọng lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Tôi hiểu và chia sẻ niềm vui với chị, bởi trong thực tế, đây là điều rất đáng quý và không phải lúc nào cũng có thể gặp được ở một vị Tướng Công an.

Phạm Khải