QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI (Bài đã trích đăng trên Báo Hưng Yên số ra ngày 13/01/2017)

Monday, January 14, 2019

QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI

(Bài đã trích đăng trên Báo Hưng Yên số ra ngày 13/01/2017)
Văn Trọng

Làng Tiến sĩ, Đất đa văn…


Tô Hiệu - Ngôi trường mang tên người chiến sĩ cộng sản

Tô Hiệu - Ngôi trường mang tên người chiến sĩ cộng sản

BÀI & ẢNH: ĐỨC TUẤN, TÔ TIẾN

Thời nay Sáng chủ nhật ngày 18-11, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, diễn ra lễ kỷ niệm tròn 80 năm thành lập ngôi trường mang tên nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu.

1/ Đồng chí Tô Hiệu, người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ nội của đồng chí là cụ đốc nam Tô Ngọc Nữu, nguyên đốc học Nam Định. Cụ bà Ngô Thị Lý - con gái danh tướng Ngô Quang Huy - thân mẫu của đồng chí Tô Hiệu, được nhân dân địa phương kính trọng bởi có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Năm 2014 cụ đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt và phong phú của mình đồng chí Tô Hiệu đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo cán bộ, nâng cao dân trí, giác ngộ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng trong quần chúng. Đồng chí đã lập ra các hội chơi cờ tướng, hội thể thao bóng chuyền để tập hợp quần chúng; đặc biệt đồng chí đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ tại đền Quan Công trong khuôn viên nhà mình. Đỉnh cao của hoạt động sáng tạo nhằm tập hợp quần chúng nâng cao dân trí là việc đồng chí vận động dân làng xây dựng trường kiêm bị Xuân Cầu - tương đương trường tiểu học bây giờ để dạy dỗ cho con em ở Xuân Cầu và trong vùng.

2/ Bây giờ mỗi xã có một trường tiểu học là chuyện bình thường, nhưng trước năm 1945, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học, nên riêng ở Xuân Cầu có một trường tiểu học là cả một sự kiện lớn trong vùng. Bà con trong thôn xã rất tự hào và phấn khởi nên đã tích cực đóng góp sức người sức của vào công việc xây dựng trường. Đồng chí Tô Hiệu đã đề ra khẩu hiệu:
“Kẻ góp của, người góp công
Mong sao trường học chóng xong
Tinh thần đoàn kết muôn năm”


Những thanh niên trí thức của Xuân Cầu đang học tập và làm việc tại Hà Nội ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật cũng đạp xe về tham gia lao động xây dựng trường.

Mùa thu năm 1938, trường kiêm bị Xuân Cầu được khánh thành trong niềm phấn khởi to lớn của phụ huynh và học sinh. Viên công sứ Bắc Ninh (trước năm 1947, Văn Giang thuộc Bắc Ninh) mặc dù biết những người cộng sản đứng sau việc xây dựng trường, vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt về dự lễ khánh thành trường. Nhờ có trường học này mà hàng chục, hàng trăm học sinh trong vùng lần đầu tiên được cắp sách đến trường.

3/ Tính từ mùa thu năm 1938, khi trường được thành lập đến nay đã tròn 80 năm. Ở giai đoạn nào, thầy và trò của trường cũng phấn đấu không ngừng. Có thể nói, đại đa số người dân Nghĩa Trụ nay là các cụ già cao niên hay những thanh thiếu niên đều đã từng cắp sách đi học tại ngôi trường này. Hàng nghìn cựu học sinh trên những nẻo đường của Tổ quốc, ở nhiều lĩnh vực, trong hành trang tâm hồn, vẫn nhớ tới hình ảnh mái trường, lời dạy dỗ của thầy cô khi xưa, đặc biệt là truyền thống đáng tự hào của quê hương, của ngôi trường được gọi tắt rất thân thương là “Trường Tô Hiệu”.

Trường tiểu học Tô Hiệu ngày nay đã trở nên rộng rãi, đẹp đẽ khang trang, có cơ sở vật chất tương đối khá, đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Tiếp bước truyền thống quê hương cách mạng đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh của nhà trường tiểu học Tô Hiệu đang nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, tiếp tục xứng đáng với ngôi trường mang tên nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu - người cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nguồn: Báo Thời nay - Thứ tư, 21/11/2018 - 02:55 PM