Câu chuyện lịch sử trong ngày tiếp quản Hà Nội (10-10-1954)

Wednesday, October 10, 2018

Câu chuyện lịch sử trong ngày tiếp quản Hà Nội (10-10-1954)

(TL tổng hợp)

ÔNG NGUYỄN TÀI - NGƯỜI CHỈ HUY CÔNG AN HÀ NỘI TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CHO BIẾT: “MỘT TRONG NHỮNG NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA CÔNG AN NỘI THÀNH TRONG NHỮNG NGÀY TIẾP QUẢN LÀ BẢO VỆ TUYỆT ĐỐI AN TOÀN CHO ĐOÀN LÀM PHIM XÔ VIẾT CỦA ROMAN KARMEN”.

Trong những dịp chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), trên sóng truyền hình, mỗi chúng ta không khỏi xúc động được xem những hình ảnh tư liệu (màu) ghi lại thời khắc lịch sử của Thủ đô trong ngày tiếp quản cách ngày nay nhiều thập kỷ, chắc nhiều người tự hỏi: “Không biết đoàn làm phim của nước tư bản nào đã quay được những thước phim quí giá như thế?". Tác giả của những thước phim vô cùng quí báu về Hà Nội ấy là chính là đạo diễn Xô viết kiệt xuất Roman Karmen. Việc đưa đoàn làm phim của Roman Karmen vào nội thành Hà Nội và bảo vệ an toàn cho đoàn trong những ngày quân ta thực hiện việc tiếp quản đã được Đảng ủy Tiếp quản & Thành ủy Hà Nội giao cho lực lượng Công an chịu trách nhiệm chính, mà người chỉ huy lực lượng công an hoạt động ở vùng tạm chiếm khi đó là đồng chí Nguyễn Tài.

1 - NHIỆM VỤ ĐỘT XUẤT, ĐẶC BIỆT CỦA CÔNG AN HÀ NỘI TRONG NHỮNG NGÀY TIẾP QUẢN

Nhiều năm trước, trong một lần cung cấp tài liệu lịch sử, đồng chí Nguyễn Tài (tức Tư Trọng - Anh hùng lực lượng VTND) cho tôi biết:
-“Công việc của lực lượng Công an Hà Nội trong những ngày trước tiếp quản vô cùng bận rộn. Nào là phải lên danh sách các địa điểm, vị trí mà hai bên Pháp - Việt cần thống nhất bàn giao. Nắm chính xác số tù binh quân sự, tù binh chính trị của ta mà địch còn giam giữ để buộc chúng trao trả, chống âm mưu thủ tiêu của chúng. Nắm chắc cơ sở bí mật của ta ở các trọng điểm kinh tế như: nhà máy Điện, nhà máy Nước, ga Xe lửa, Sở Xe điện, một số bệnh viện lớn . . . để chống âm mưu phá hoại của địch. . . Đặc biệt là phải nắm cho bằng được âm mưu cài gián điệp, chôn giấu vũ khí, điện đài của địch để thực hiện kế hoạch hậu chiến. Công việc nhiều như thế, mà trên địa bàn thành phố khi đó lực lượng công an hoạt động bí mật của ta chỉ có chừng 200 đồng chí. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, anh, chị em công an phải dựa vào màng lưới cơ sở rất nhiều, chúng tôi rất biết ơn bao nhiêu quần chúng cơ sở bí mật trong các tầng lớp nhân dân Hà Nội & trong cả giới công chức, bác sĩ, sĩ quan, cảnh sát phía địch mà ta xây dựng thành cơ sở, đã giúp đỡ, chở che, hy sinh cho lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.
Về chuyện đảm bảo an toàn cho đoàn làm phim Xô viết của đạo diễn Roman Karmen thì tôi (Nguyễn Tài) nhận trách nhiệm trực tiếp từ lãnh đạo Thành ủy. Trong bối cảnh Hà Nội lúc đó, khi quân Pháp chưa rút hẳn, hàng chục đảng phái phản động chưa bị tan rã hoàn toàn, việc chúng bất chợt nổ mìn, nổ súng vào bộ đội ta hay đoàn làm phim là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho đoàn làm phim, chúng tôi phải phối hợp với bên quân đội (vì bên quân đội có xe ô tô đưa đoàn làm phim đi lại), vạch ra lộ trình thời gian & địa điểm làm việc cụ thể của đoàn trong nội thành. Căn cứ vào lộ trình đó, bên công an sẽ rà soát các tuyến đường đi, chống âm mưu phá hoại, ám sát của địch. Tại các địa điểm mà đoàn làm phim dừng lại tác nghiệp, lực lượng công an bí mật sẽ bảo vệ tiếp cận & đứng lẫn vào khối quần chúng để sẵn sàng can thiệp nếu có sự cố xảy ra. Quá trình bảo vệ đoàn làm phim của Roman Karmen được lực lượng công an nội thành lên kế hoạch và rà soát trước cả tuần lễ. Căng nhất là trong hai ngày mùng 9 & 10 tháng 10, nhưng cũng rất mừng là nhiệm vụ trên giao chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn. Đó cũng là một trong những thành tích đáng ghi nhận của lực lượng Công an Hà Nội trong những ngày tiếp quản”.
Ông Nguyễn Tài (Tư Trọng - Anh hùng LLVTND)



2 - ĐẠO DIỄN XÔ VIẾT TÀI BA & NHIỆM VỤ VẺ VANG TẠI VIỆT NAM

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân & dân Việt Nam đang đi vào hồi kết với những chiến thắng oanh liệt, đạo diễn Roman Karmen cùng hai đồng sự Xôviết là Evghenhi Mukhin và Vladimia Echurin được Nhà nước Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim tài liệu vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Được sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ & các đồng nghiệp điện ảnh Việt Nam, ông Karmen đã miệt mài lao động, hoàn thành xuất sắc bộ phim màu "Việt Nam" (1954) ghi lại những giây phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.
Tháng 10/1954, từ chiến khu Việt Bắc, Roman Karmen về Hà Nội để chứng kiến giờ phút lịch sử bộ đội ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đoàn làm phim Xô viết đã được Đảng ủy tiếp quản giao cho quân đội đưa đạo diễn Roman Karmen vào nội thành Hà Nội bằng 3 chiếc xe Commăngca, xuất phát từ làng Vòng lúc 5h30 sáng ngày 9/10, tiến vào trung tâm thành phố. Đường phố Hà Nội vắng vẻ, chỉ có những người lính Pháp chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn... Đoàn làm phim Xô viết đã quay được nhiều thước phim tư liệu quí giá. Đến 16h30 cùng ngày, khi những chiếc xe cuối cùng của quân Pháp rút qua cầu Long Biên, Karmen cùng đồng sự của ông đã quay được nhiều thước phim quí về hình ảnh nhân dân Hà Nội đổ ra đường với nét mặt hân hoan & đường phố ngập tràn cờ hoa. Nhớ mãi những kỷ niệm đẹp đối với cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, sau này Roman Karmen viết: "Bảy tháng ở Việt Nam, thời gian trôi nhanh đến mức không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đã đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân… Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và suốt đời tôi còn yêu mến nó".
Bộ đội vào tiếp quản Hà Nội trong ngày 10-10-1954.
Nhân dân Hà Nội đón chờ đoàn quân chiến thắng trong ngày 10-10-1954.
Đạo diễn Xô Viết Roman Karmen



3 - ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ VỀ ROMAN KARMEN

Roman Lazarovic Karmen sinh ngày 16/11/1906 tại Odessa, một thành phố cảng biển thuộc Ukraine. Bố ông là nhà văn Lazaoximovich Karmen. Do hoạt động cách mạng, cụ bị bọn Bạch vệ bắt giam và bị chết trong tù. Mồ côi cha từ năm 14 tuổi, cậu bé Karmen và mẹ phải trải qua những năm tháng nặng nề, cực nhọc. Cậu vừa đi học, vừa bán báo, làm thợ phụ ngoài cảng giúp mẹ kiếm sống. Lúc rảnh rỗi, cậu mày mò tập chụp ảnh với niềm say mê lạ thường.
Năm 16 tuổi, Karmen trở thành phóng viên nhiếp ảnh cho Tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" ở Moskva. Công việc cho phép cậu tiếp xúc với nhiều nhân vật và sự kiện tiêu biểu đồng thời giúp cậu hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh. Karmen mơ ước được cầm máy quay phim, quay những hình ảnh động để phản ánh hiện thực đầy đủ hơn. Năm 1928, cậu nộp hồ sơ và thi đỗ vào Trường Điện ảnh Quốc gia Moskva. Tốt nghiệp năm 1932, cậu về công tác Xưởng phim Tài liệu Trung ương.
Ngay trong các phim đầu tay, Karmen đã bộc lộ một tư duy sáng tạo độc đáo với lối dựng phim rành mạch, giàu tính tạo hình, giải pháp kịch bản mới mẻ, ống kính luôn hướng sự chú ý vào con người, dù đó là cá nhân hay tập thể. Ở người đạo diễn tẻ này đã thấy nổi bật đức tính kiên trì, bền bỉ, lòng khát khao công việc. Karmen được đánh giá là nhà làm phim tài liệu năng động và đầy triển vọng.
Hoạt động nghệ thuật của Karmen được tôi rèn & trưởng thành trên nhiều điểm nóng, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử ở nhiều đất nước khác nhau. Năm 1934 - 1935, Karmen đến với những chiến sĩ của khởi nghĩa Quảng Châu và Nam Kinh (Trung Quốc). Năm 1936, Karmen có mặt ở Tây Ban Nha, quay những thước phim nóng bỏng về cuộc nội chiến ở đất nước này. Năm 1938, Karmen làm phim về cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc (phim "Trung Hoa trong chiến đấu"). Trở về quê hương, ông lại say sưa với đề tài xây dựng đất nước Xôviết. Khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô tháng 6/1941, Karmen thuộc số ít những nhà quay phim đầu tiên sát cánh cùng Hồng quân trên các chiến tuyến. Ông quay được nhiều hình ảnh chân thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Leningrad, Moskva… Những cảnh phim ấy đã trở thành chất liệu cực kỳ qúy cho bộ phim "Thất bại của quân Đức ở ngoại ô Moskva" (1942 - đạo diễn L.Varlamova và I.Copalin). Phim đoạt giải Oscar và Giải thưởng Quốc gia năm 1943.
Roman Karmen là người đã đi suốt từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, có mặt tại hầu hết các mặt trận quan trọng nhất, từ Moskva đến Berlin, hang ổ của chủ nghĩa phát xít. Ông đã quay được những thước phim vô giá như: bắt sống Thống chế Đức Paolut, cảnh thảm khốc ở trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), hình ảnh những người lính Xôviết chiếm tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin, xét xử bọn trùm Quốc xã… Năm 1946, Karmen đạo diễn bộ phim "Tòa án của các dân tộc", một tác phẩm chính luận đặc sắc về tòa án quốc tế Nuremberrg xét xử tội phạm chiến tranh. Với giá trị tư liệu lịch sử to lớn, với tính nghệ thuật cao, đặc biệt là sự lý giải thuyết phục nguyên nhân của chiến tranh phát xít, bộ phim đã được tặng giải thưởng Quốc gia, được giới sử học điện ảnh Xôviết xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển về đề tài chống phát xít.
Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Roman Karmen lần lượt có mặt ở Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Cuba… Nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật quan trọng của thời đại (như Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Che Guevara, Salvador Allende...) được Karmen quay vào phim nhựa và xây dựng thành các tác phẩm điện ảnh tài liệu có giá trị như: "Việt Nam" (1954), "Buổi sáng ở Ấn Độ" (1959), "Hòn đảo rực cháy", "Ngọn đèn màu xanh" (1961), "Người khách của hòn đảo Tự do" (1963), "Chile - Thời gian âu lo và tranh đấu" (1973)…

- Roman Karmen (1906 - 1978) là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cuộc đời nghệ thuật của ông rất đa dạng trong các vai trò: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. Những thước phim tư liệu mà Karmen để lại cho hậu thế thật là vô giá.







(TL tổng hợp)






Nguồn: FB Dũng Đinh - 10 Tháng 10, 2017