PHẦN 5 - GIAI ĐOẠN SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 CHO ĐẾN NAY

Monday, March 18, 2013

Chương II - LÀNG ĐỒNG TỈNH – LÀNG XUÂN CẦU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ



PHẦN 5 - GIAI ĐOẠN SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 CHO ĐẾN NAY



Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mở ra cho nhân dân Việt Nam một trang sử mới, hào hùng, vĩ đại. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành quả lớn nhất đã xây dựng một Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam, Nhà nước dân chủ, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nhiệm vụ chống nạn thất học là một trong ba quốc sách hàng đầu của nhà nước cách mạng non trẻ, ngày 8/9/1945 Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, Nguyễn Công Mỹ người con của quê hương Xuân Cầu đang gắn bó với phong trào cách mạng Hải Phòng, được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Nha.
Chính sách giảm tô, xuống còn 25% của Chính phủ cách mạng ban hành qua sắc lệnh tháng 11 năm 1945 (Sắc lệnh này được áp dụng trong cả nước, kể cả những vùng vẫn thuộc sự quản lý của chính quyền Pháp), đã đem lại không khí hào hứng phấn khởi trong mỗi xóm ngõ nông thôn Việt Nam. Ủy ban khởi nghĩa sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình trong cuộc vận động nổi dậy cướp chính quyền, được cơ cấu lại thành Ủy ban nhân dân làng, phủ theo yêu cầu mới của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa "Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó". Với các nhiệm vụ mới: "Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống" "Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người "trong nhà trong họ" vào làm việc với mình" (...) "Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng”. Nhân dân xã Xuân Cầu dưới sự lãnh đạo của Tô Tu khi ấy tạm Quyền chủ tịch Ủy ban nhân dân xã triệt để thực hiện theo chủ trương đó.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ vừa ra đời, phải đối phó với nhiều kẻ thù. Ở miền Bắc, với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng vào đóng quân từ bắc vĩ tuyến 16 đến biên giới Việt–Trung, tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng mới, tạo điều kiện cho lực lượng tay sai lên nắm chính quyền. Ở miền Nam, với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, quân đội Đồng Minh (quân đội Anh) đổ bộ vào chiếm giữ, công khai tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp chính phủ Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Với chiêu bài giải giáp quân đội Nhật Hoàng nhưng thực chất, chính phủ Anh lại ngầm trang bị vũ khí cho quân đội Nhật để sử dụng tiếp tay cho Pháp hòng chống phá cách mạng và chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam. Được sử ủng hộ của quân đội Anh, ngày 2-9-1945, quân đội Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn bắn vào các đoàn người đi tham gia mít tinh biểu tình ủng hộ chính quyền cách mạng của nhân dân Nam Bộ. Ngày 23-9-1945, quân đội Pháp chính thức ồ ạt tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần hai.
Sự hiện diện và hoạt động của hàng chục vạn quân Tưởng, Anh, Pháp, Nhật trên lãnh thổ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đám tay sai của Việt Quốc, Việt Cách quay ra chống phá cách mạng Việt Nam ráo riết, khiến tình hình chính trị xã hội Việt Nam hết sức phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam vốn đã kiệt quệ, tiêu điều bởi hậu quả của chính sách cai trị, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật trải gần 100 năm, khiến nguồn tài chính quốc gia trống rỗng lại chịu thêm nạn các loại tiền mất giá của quân đội Tưởng tung vào thị trường khiến cho tài chính Việt Nam càng khó khăn hơn. Nạn đói năm 1945 làm cho gần hai triệu người chết chưa khắc phục xong, thì nguy cơ nạn đói mới lại rập rình đe doạ nhân dân bởi những yêu sách của quân đội Tưởng Giới Thạch.
Để đáp ứng cho nhu cầu và diễn tiến của tình hình cách mạng thực tiễn, hàng loạt các tổ chức cứu quốc được củng cố, mở rộng hoặc được lập thêm trên khắp chốn thôn quê, thị thành như Hội Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Viên chức cứu quốc, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam v.v. Nha Dân tộc thiểu số được thành lập nhằm tăng cường khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời đã mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tranh thủ tập hợp mọi lực lượng và cá nhân yêu nước vào mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc. Ủy ban Kháng chiến xã Xuân Cầu hưởng ứng triệt để theo chủ trương mới của chính phủ cách mạng, đã vận động khối đại đoàn kết trong toàn dân xã, thành lập các đội vũ trang tự vệ, du kích cứu quốc, các tổ chức mặt trận cứu quốc như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc... cũng được nhanh chóng thành lập tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã.
Lực lượng Việt quốc, Việt Cách ngay từ đầu đã đòi xóa bỏ hệ thống chính quyền nhân dân, đòi hỏi phải chia các ghế trong quốc hội thành ba phần bằng nhau. Lực lượng thực dân đế quốc chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trước tình hình đó. Một mặt chính phủ nhân dân kiên quyết bác bỏ những đòi hỏi vô lí của đối phương, đồng thời nhân nhượng thoả mãn một số yêu sách tạo điều kiện cho cuộc bầu cử được thuận lợi. Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật để thực hiện quyền lãnh đạo một cách kín đáo, có hiệu quả và chỉ để lại một bộ phận hoạt động công khai với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Trước thái độ mềm dẻo, nhưng kiên quyết của Chính phủ cách mạng, các tổ chức Việt quốc, Việt Cách đã phải cam kết cùng Việt Minh phấn đấu vì độc lập, đoàn kết dân tộc, tổ chức Tổng tuyển cử, đình chỉ công kích lẫn nhau, mở rộng Chính phủ tạm thời, ủng hộ kháng chiến.
Ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời đã mở rộng thêm cho một số thành viên Việt quốc và Việt Cách được tham gia và đổi tên thành Chính phủ liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ liên hiệp lâm thời là tổ chức Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội trong cả nước. Ngày 6-1-1946, bất chấp khủng bố của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của chế độ mới được tiến hành, với khoảng 90% tổng cử tri đi bỏ phiếu. Tổng tuyển cử dân chủ, tự do đã bầu ra Quốc hội khoá I, gồm 333 đại biểu thuộc các giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái khác nhau.
Lực lượng giải phóng quân Việt Nam được củng cố và đổi tên thành Vệ quốc đoàn, Ngày 22-5-1946, Vệ quốc đoàn được đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ tổng tham mưu. Cùng với lực lượng vũ trang cách mạng tập trung, lực lượng dân quân tự vệ được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố. Cuối năm 1946, bên cạnh khoảng gần 10 vạn bộ đội tập trung, còn có gần 1 triệu đội viên thuộc lực lượng dân quân tự vệ trên khắp cả nước. Bộ đội tập trung và lực lượng dân quân tự vệ là những bộ phận nòng cốt bảo vệ hiệu quả nhà nước dân chủ nhân dân trong thời kỳ cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn thử thách.
Ngay từ những ngày đầu năm 1946, thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch mưu tính kế hoạch đưa quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng. Sau một thời gian mặc cả, thương lượng, Hiệp ước Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng được ký vào ngày 28-2-1946. Theo Hiệp ước này, Pháp sẽ đưa quân ra miền Bắc thay quân Tưởng. Sự thoả hiệp giữa hai thế lực ngoại bang chà đạp lên chủ quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, đặt Chính phủ Việt Nam vào thế phải đương đầu đối phó với những âm mưu mới của hai lực lượng đối kháng.
Nhận thức đầy đủ tình hình mới, Đảng và Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương đàm phán với Pháp, nhằm mục đích để Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng và tranh thủ thời gian hoà hoãn, bảo toàn và chuẩn bị lực lượng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nguyên tắc đàm phán với Pháp là: “Pháp thừa nhận quyền dân tộc và tự quyết của nhân dân Việt Nam; chính phủ , quân đội, nghị viện, tài chính, ngoại giao… và sự thống nhất quốc gia của Việt Nam” và “Điều cốt tử trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc”. Diễn tiến của cuộc đàm phán giữa Chính phủ lâm thời Việt Nam và chính phủ Pháp diễn ra rất căng thẳng. Đại diện chính phủ lâm thời Việt Nam yêu cầu Pháp phải công nhận quyền độc lập dân tộc, trong khi Pháp chỉ công nhận quyền tự trị cho Việt Nam, khiến đoàn Việt Nam cương quyết phản đối. Cuối cùng, Pháp đã phải đồng ý với giải pháp do phái đoàn Việt Nam đưa ra “Nước Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do”. Ngày 6-3-1946, với sự có mặt của đại diện một số nước, phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã ký với đại diện Chính phủ Pháp G.Xanh tơmi (Sainteny) bản Hiệp định sơ bộ. Để tỏ rõ thiện chí muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam và để tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân chắc chắn sẽ xảy ra, trước khi rời Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Mu tê (Moutet) bản Tạm ước 14-9-1946. Bản Tạm ước quy định một số điều về quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Pháp với Việt Nam, về đình chỉ chiến sự và kế hoạch đàm phán tiếp theo của hai bên.
Sự thành công của các cuộc đàm phán thổi luồng gió vào bầu không khí yêu nước, khao khát tự do và ước mơ hoà bình của nhân dân Việt Nam, không khí cách mạng ở tổng Xuân Cầu bừng bừng trỗi dậy, các tầng lớp dân cư trong tổng Xuân Cầu không phân biệt trẻ già, trai gái, giàu nghèo đều nô nức tự nguyện tham gia vào các hoạt động xã hội trong các tổ chức, các phong trào do chính phủ lâm thời phát động, đặc biệt một số các hào mục, có chân trong hội đồng kỳ mục của mỗi làng đều có chung xu hướng hoạt động cầm chừng, nghe ngóng tình thế, không còn ra mặt đàn áp, phá hoại các phong trào trong làng trong tổng.
Từ khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3 đến Tạm ước 14-9 -1946 là thời gian quý giá cho Chính phủ mới chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc chiến đấu lâu dài chắc chắn sẽ xảy ra một thời gian sau, không khí ráo riết chuẩn bị kháng chiến đã hâm nóng bầu nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân trong tổng Xuân Cầu, các đội dân quân tự vệ địa phương, các đội cứu quốc, các đội xung phong tuyên truyền tranh thủ thời gian hoà hoãn quý giá giữa chính phủ lâm thời với Pháp ra sức luỵên tập, củng cố đội ngũ kết hợp tăng gia sản xuất gián tiếp góp phần ủng hộ kháng chiến.
Tháng 11/1946 Pháp gây xung đột và khiêu khích ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Đầu tháng 12/1946, quân đội Pháp ngang nhiên chiếm đóng Đà Nẵng, Lạng Sơn. Ngày 17/12/1946, quân đội Pháp khiêu khích ở Thủ đô và bắn đại bác vào phố Hàng Bún, phố Yên Ninh, cầu Long Biên… Nghiêm trọng hơn, ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chính phủ Pháp trong vòng 48 giờ.
Ngày 18/12/1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Ngày 19.12.1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc được toàn dân thực hiện. Nhân dân sơ tán khỏi vùng có chiến sự, xây dựng nếp sống chiến đấu, sản xuất tự túc. Các cơ quan, kho tàng, nhà máy, vật tư được di chuyển về các vùng căn cứ an toàn. Lực lượng vũ trang cách mạng đã phát triển đến khoảng 12 vạn quân chủ lực, cùng hàng triệu tự vệ và dân quân. Tổng Xuân Cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi những làn đại bác của Pháp từ các đồn Bần, Cầu Ghênh, bốt Thiết Trụ Văn Giang liên tục bắn phá, hoa màu, gia súc chưa kịp thu hoạch, sơ tán bị thiệt hại rất nhiều.
19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Sáng ngày 20/12/1946, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát đi khắp cả nước:
Không khí chuẩn bị tiếp sức cho cuộc kháng chiến ở Xuân Cầu hừng hực hoà theo khí thế chung của cả nước, sự phân công kẻ ở người đi lên chiến khu tham gia kháng chiến diễn ra thường nhật trong mỗi gia đình, trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân.
Sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cho xuất bản cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, xác định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến.
Tổng Xuân Cầu nằm trong vùng trung tâm kiểm soát chiến lược của Pháp bởi hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm ngăn chặn cắt đứt sự chi viện kinh tế và nhân lực cho chiến khu từ các vùng đất phía đông bắc bộ theo đường giao thông thuỷ, bộ khiến nhân dân Xuân Cầu phải sống trong cảnh “đêm ta, ngày địch”, các làng trong tổng bất đắc dĩ phải trở thành làng Tề, Nguỵ để bám đất giữ dân.
Sự cổ vũ tinh thần lớn nhất và mạnh mẽ nhất cho nhân dân Việt Nam khi ấy là sự kiện những ngày đầu năm 1947, quân và dân Việt Nam đã đánh bại cuộc hành quân của hơn 12 nghìn quân viễn chinh lên chiến khu Việt Bắc, làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của chính phủ Pháp, buộc chúng phải lúng túng tìm ra những phương pháp đối phó với tình hình mới, tạo ra điều kiện thuận lợi về thời gian cho công cuộc chuẩn bị kháng chiến lâu dài của chính phủ cách mạng.
Thất bại ở Việt Bắc, thực dân Pháp đã phải thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" với mục tiêu ổn định vùng chiếm đóng, mở rộng phạm vi kiểm soát, tạo điều kiện thực hiện chiến lược lấn dần từng bước. Để đối phó, quân kháng chiến đã chủ trương phát động chiến tranh du kích theo quy mô lớn. Hàng trăm đội xung phong công tác, đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền, cùng hàng ngàn cán bộ dân, chính, đảng đi vào vùng địch tạm chiếm hoạt động, bám dân, bám địch, bám đất, tổ chức chống càn quét, lập làng chiến đấu, phá hoại chính quyền cơ sở của địch, xây dựng chính quyền nhân dân. Sự kiện ra đời trung đội nữ du kích Trưng Trắc những ngày đầu năm 1947, đã kịp thời thu hút được toàn thể chị em phụ nữ trong tổng Xuân Cầu hưởng ứng, tham gia hoạt động hăng hái, với công tác tuyên truyền kêu gọi địch vận, gây cho địch nhiều hoang mang tổn thất.
Hưởng ứng theo chủ trương lớn, bám địch mà đánh nhân dân và các đội tự vệ, du kích đã nổ súng tấn công địch ở khắp nơi, chiếm giữ được nhiều vị trí quan trọng. Nhưng do sự phản công của Pháp quá mạnh, buộc lực lượng tự vệ, du kích Văn giang phải rút lui vào hoạt động bí mật nơi các gò hoang, đống bãi, trên những cánh đồng và trong những xóm thôn. Để đối phó lại sự hoạt động tích cực của du kích, tự vệ, Pháp cho lập ở Văn Giang thêm nhiều đồn bốt gác, bố trí nhiều đại bác tập trung bắn phá. Làng Đồng Tỉnh, Xuân Cầu bị quân đội Pháp đóng đồn ở Đại Tài, Cầu Gênh khống chế chặt chẽ, nhân dân sống trong làng thường xuyên bị quân đội Pháp bắt lên đồn Bần Yên Nhân để làm phu xây đồn, hoặc bắt phải đóng góp tre, gỗ, nguyên vật liệu và lương thực cho chúng mỗi khi chúng ra lệnh trưng thu. Nhiều người dân Đồng Tỉnh và Xuân Cầu không chịu sự đè nén của Pháp, đã tiếp tục trốn qua hệ thống đồn gác dày đặc của quân Pháp tìm đường lên căn cứ tham gia kháng chiến.
Như vậy, sau 3 tháng chiến tranh, thực dân Pháp về cơ bản chỉ chiếm được những vùng đô thị đổ nát do chiến tranh phá hoại và chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Cơ quan đầu não kháng chiến vẫn tồn tại cùng với một phong trào kháng chiến mạnh mẽ ở các vùng nông thôn và miền núi, góp phần làm cho kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp thất bại, phá sản hoàn toàn. Nhân dân xã Xuân Cầu nô nức hưởng ứng theo chủ trương kháng chiến mới của chính phủ kháng chiến lâm thời, giai đoạn này đã tích cực vận động con em thoát ly lên chiến khu Việt Bắc tham gia quân đội kháng chiến và xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài, Tô Tu, Tô Duy, Tô Khôi, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tài (người làng Xuân Cầu), Trần Vinh, Trần Loát, Trần Trác, Trần Huấn, Tô Tuấn (người có vinh dự được chụp ảnh chung cùng Hồ Chủ Tịch khi Bác hồ tới thăm và đọc bia trên chùa Côn Sơn năm 1960), Tô Bao (làng Đồng Tỉnh), đã tham gia công tác ngay những ngày đầu tiên của cuộc vận động toàn quốc kháng chiến.
Tháng 10 năm 1947, theo yêu cầu mới của tổ chức kháng chiến, huyện Văn Giang được tách ra khỏi tỉnh Bắc Ninh sát nhập vào địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên. Phong trào vận động kháng chiến trong xã Xuân Cầu được đẩy mạnh, các đội du kích, tự vệ cứu quốc hoạt động có hiệu quả ở ngay trong lòng địch, tiêu biểu là đội nữ du kích Hoàng Ngân thường xuyên vận động những cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại sự càn quét và khủng bố trắng của Pháp bằng đại bác bắn phá những làng có phong trào cách mạng, tổ chức rải truyền đơn binh vận kêu gọi binh sĩ Pháp không bắn giết bà con. Các tổ chức bí mật nằm vùng bám dân hoạt động ở xã Xuân Cầu đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại như vụ phá sập cây cầu bắc qua sông không cho binh lính của Pháp đưa quân sang càn quét bắt bớ nhân dân, bí mật thanh trừng những tên Việt gian ôm chân Pháp phá hoại cách mạng, tiêu biểu như nhóm du kích Nguyễn Dự, Hoàng Dĩ hoạt động nằm vùng ở làng Đồng Tỉnh nổi tiếng gan dạ, những hương lý, hội đồng kỳ mục trong làng đều hoạt động hai mang “Đêm ta, ngày địch”, bởi họ xuất thân là những người có học vấn Tây học, hoặc giáo học biết tiếng Pháp, bị Pháp chỉ định ra nhậm chức như Điển tép, Trùm Ấu, Lý Sản, giáo Thuật, Giáo Thính...vv, hơn nữa làng Đồng Tỉnh và làng Xuân Cầu giai đoạn này bị coi là làng Tề, ngụy bởi bị Pháp quản chế rất chặt chẽ với hệ thống đồn bốt dày đặc ở 3 xóm Trại (Ấp Tây Đen, Đại Tài, Cầu Ván), lại thường xuyên bị ảnh hưởng của súng đại bác của Pháp từ Gia Lâm, Thiết Trụ, Bần liên tục bắn phá trên các cánh đồng để triệt hạ du kích), các đội viên đội Nữ du kích Hoàng Ngân xã Xuân Cầu cũng phát triển mạnh mẽ với sự tham gia hoạt động tích cực của các nữ du kích cô Tỳ, cô Mỵ, cô Đen (em gái Tô Hiệu làng Xuân Cầu), cô Chắt, cô Chất, cô Liên (làng Đồng Tỉnh). (Cô Liên, là nữ du kích Hoàng Ngân, được đội du kích Nghĩa Trụ cử vào đồn nấu cơm cho quân đội Pháp để nắm bắt thông tin quân sự, sơ đồ bố trí canh gác, và dò la tin tức về những trận càn sắp diễn ra, kết hợp hoạt động binh vận). Chiến dịch đường 5 của du kích, tự vệ địa phương đã gây cho quân Pháp đóng tại đây nhiều thiệt hại. Thời gian này xã Xuân Cầu được thay đổi cơ bản về địa danh, địa giới, đặc biệt tên xã được thay đổi thành xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
Cuộc kháng chiến vệ quốc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các nước bè bạn trên thế giới, nhân dân Việt Nam không còn đơn độc trên trận tuyến chống thực dân Pháp. Ngày 01/10/1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đã công khai thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, . Tháng 01/1950, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 6/1950, Ủy Ban dân tộc giải phóng Campuchia thành lập và tháng 8/1950 Chính phủ kháng chiến Lào ra đời đã gây khó khăn cho thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Những sự kiện này đã giúp phong trào kháng chiến trong nước thêm một bước tiến quan trọng, nhân dân Việt Nam càng vững tin vào sự lãnh đạo và đường lối kháng chiến đúng đắn của chính phủ cách mạng.
Đối phó với phong trào kháng chiến ngày một lên cao của nhân dân Việt Nam, nước Mĩ đã công khai giúp Pháp đẩy mạnh chiến tranh qua chính sách viện trợ 2,7 tỉ đô la, 350 máy bay, 390 tàu chiến, 1,4 nghìn xe thiết giáp, 16 nghìn xe ô tô và các phương tiện chiến tranh khác, để Pháp tiếp tục kéo dài chiến tranh, phát triển quân đội ngụy, xây dựng lực lượng cơ động, tập trung lực lượng giữ đồng bằng Bắc Bộ lập nên Phòng tuyến Taxinhi, bình định và củng cố các vùng tạm chiếm ở Trung Bộ và Nam Bộ, kết hợp tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4 để khoá chặt biên giới Việt – Trung. Thiết lập một “hành lang Đông – Tây” (Hải Phòng – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La) để cô lập căn cứ Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc tấn công lên căn cứ Việt Bắc lần thứ hai tiêu diệt cơ quan đầu não Việt Minh nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới, đồng thời xóa bỏ tình trạng bị bao vây, cô lập, tháng 6/1950, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định mở chiến dịch Biên giới với các nhiệm vụ chiến lược; Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; Khai thông biên giới Việt – Trung tranh thủ viện trợ của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.
Để phù hợp với chủ trương phát triển chiến lược và yêu cầu quản lý nhà nước, Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Cầu, năm 1950 nhận quyết định chính thức đổi thành Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Trụ, hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Trụ lại được điều chỉnh thay đổi địa giới giữa các làng sau khi chia tách thành các thôn; Đại Tài, Lê Cao, Phúc Thọ, Tam Kì, Đồng Tỉnh, 11,12,13,14. Trong xã Nghĩa Trụ mới thành lập, phong trào tản cư theo kháng chiến được nhân dân xã Nghĩa Trụ triệt để hưởng ứng qua các cuộc vận động thanh niên trong xã không đi lính cho Pháp, chủ động tìm đường lên chiến khu, hoặc lẩn trốn trong các hầm bí mật tại địa phương tham gia du kích, địa phương quân. Tiêu biểu cho tinh thần này ở làng Đồng Tỉnh có Trần Vinh, Trần Loát, đã dũng cảm lợi dụng đêm tối, vượt qua vòng giám sát chặt chẽ của quân Pháp đang giăng toả dày đặc xung quanh làng, tìm đường lên chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến.
Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương họp, quyết định xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, công khai trực tiếp lãnh đạo và tổ chức cuộc kháng chiến, các mục tiêu phát triển kinh tế, tài chính, văn hoá, y tế, giáo dục được đưa ra như những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu cần củng cố và phát triển lâu dài phục vụ cho cuộc kháng chiến. Hậu phương kháng chiến được mở rộng, đặc biệt là các vùng tự do ở Việt Bắc, Khu IV và Khu V được củng cố vững chắc thành hậu phương chiến lược của kháng chiến.
Trên chiến trường, với chủ trương phát huy thế chủ động tiến công, quân và dân Việt Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công và phản công như các chiến dịch Tây Bắc (14.10 – 1.12.1952); Chiến dịch Thượng Lào (8.4 – 3.5.1953).
Ở các vùng địch hậu, kết hợp cùng công tác đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp trong các vùng bị tạm chiếm, du kích Nghĩa Trụ và đội nữ du kích Hoàng Ngân, thường xuyên cùng du kích xã Trưng Trắc tổ chức các trận đánh phong toả đường Năm và thực hiện đánh phá đường tàu vận chuyển Hà Nội – Hải Phòng gây cho Pháp nhiều thiệt hại, hoang mang, sự kiện treo cờ Việt Minh trên ngọn cây đa giữa chợ Cầu Váu và tung rải truyền đơn trước phiên chợ của lực lượng du kích Nghĩa Trụ đã thực sự gây cho lính Pháp đóng đồn tại Hưng Yên nhiều dao động, có tác dụng rất lớn thúc đẩy phong trào ủng hộ kháng chiến của nhân dân trong xã lên cao, góp phần cùng cả nước hướng tới trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ.


Giữa năm 1953, Pháp thực hiện kế hoạch Nava, cố giành một thắng lợi quân sự "làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có danh dự", với một lực lượng lúc cao nhất (3.1954) đến 191 tiểu đoàn bộ binh, 550 máy bay, 10 trung đoàn thiết giáp, 390 tàu chiến và ca nô. Bằng cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân trên khắp chiến trường mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13.3 – 7.5.1954) quân và dân Việt Nam đã đánh bại những cố gắng cao nhất của Pháp và sự can thiệp vũ trang của Mĩ, buộc phe thực dân đế quốc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương (21.7.1954). Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tượng đài chiến thắng của phe Xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới trong cuộc chiến đấu chống lại các thế lực ngoại xâm và phe cánh thực dân đế quốc, xóa bỏ vĩnh viễn sự đô hộ của chế độ thực dân trên lãnh thổ Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Nhân dân Nghĩa Trụ đã đóng góp cho cuộc kháng chiến ..............con em là liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc quyết sinh.

Từ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, hoà bình lập lại trên một nửa đất nước, kể gianh giới quân sự tạm thời từ vĩ tuyến 17 trở ra, nhân dân miền Bắc vui hưởng không khí tự do, thanh bình, người người, nhà nhà thi đua dốc bầu tâm huyết xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, mô hình sản xuất tập trung được áp dụng rộng rãi trên toàn miền Bắc, các Hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các vùng nguyên liệu, các nhà máy chế biến, sản xuất, khai thác tài nguyên khoáng sản được phát triển rầm rộ. Trên mảnh đất Xuân Cầu xưa, Hợp tác xã Nghĩa Trụ ra đời đã thu hút được đại đa số tầng lớp nhân dân vào làm xã viên Hợp tác xã, cùng nhiệt tình tham gia mọi phong trào tăng gia chăn nuôi sản xuất, tăng năng xuất thâm canh cây trồng, tăng vụ, xen canh được xã viên hết lòng ủng hộ. Giai đoạn này, Hợp tác xã Nghĩa Trụ thực sự là tổ chức để các xã viên trong xã tham gia hoạt động sản xuất chung theo phương thức bình công chấm điểm, là điểm tựa thúc đẩy cho các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với mô hình quản lý vừa mới sơ khai hình thành. Song song cùng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Nghĩa Trụ là cửa hàng Bách hoá Nghĩa Trụ cũng được nhân dân góp công xây dựng ngay trên nền bốt canh cũ của quân Pháp, sát cùng chợ Chỉ cũ (chợ Cầu) giữ nhiệm vụ phân phối và thu mua nông thổ sản cung cấp cho nhân dân trong vùng.
Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong xã Nghĩa Trụ thường xuyên được cải thiện với sự góp mặt của các đội chiếu bóng, các đoàn ca vũ kịch hàng tháng được cử về trình diễn trên sân kho Hợp tác xã, đã trở thành đầu mối gắn kết các mối quan hệ bang giao và giao lưu văn hoá giữa những người dân trong các làng, các thôn và các xã bạn.
Các lớp học xoá mù, xoá dốt thường xuyên được tổ chức thành những phong trào học tập của nhân dân trong xã với các lớp bình dân học vụ, phong trào vận động người biết ít dạy người biết nhiều đã thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, ở Đồng Tỉnh có Đào Thành là người tham gia vận động phong trào có hiệu quả trong xã.
Cuộc cải cách ruộng đất khởi sự ở tỉnh Hưng Yên từ ngày 25 tháng 12 năm 1955 cho đến thời điểm kết thúc ngày 30 tháng 07 năm 1956, diễn ra ở hầu hết các thôn làng trong xã Nghĩa Trụ cũng có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống người dân, ruộng đất do người Pháp, người dân di cư, Việt gian (những người theo Pháp) bỏ lại, hay ruộng đất bị bỏ hoang vì chiến tranh, đều được thu hồi phân chia cho tá điền, đồng thời áp dụng triệt để chính sách cắt giảm địa tô tới 35%, bãi bỏ mọi khoản tiền thuê ruộng. Lê Văn Lương người con của quê hương Nghĩa Trụ giai đoạn này là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng, được đề cử làm Trưởng ban chỉ đạo thí điểm ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ở hai làng Đồng Tỉnh và Tam Kì vốn có sự hiềm khích từ hàng trăm năm trước bởi đám hào mục, hương lý hai làng dã tâm trục lợi, manh nha kích động dân trong làng kiện tụng nhau tranh chấp địa gianh, địa giới, đã đem chôn tượng voi đá và tượng hổ đá ở đầu làng mong trấn yểm nhau. Giai đoạn này được đội cải cách ruộng đất triệt để xoá bỏ bằng việc cho chuyển tượng “hai ông” cùng về “tọa” trên vườn hoa trụ sở của Uỷ ban nhân dân xã, sự mất đoàn kết giữa nhân dân hai làng từ đây được xoá bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên cuộc vận động cải cách ruộng đất này cũng để lại những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống nhân dân như một số văn bia di chỉ, sắc phong còn lưu giữ tại các đền chùa, miếu mạo sau các cuộc bắn phá của Pháp trong chiến tranh, thời gian này cũng bị thất tán nhiều, cá biệt còn một số trường hợp vì tư thù cá nhân đã gây ra những bản án oan sai trong quá trình kết tội những thành phần bị coi là địa chủ, đại địa chủ trước nhân dân trong xã.
Đội trưởng đội cải cách ruộng đất của thôn Đồng Tỉnh giai đoạn này là Đỗ Đình Đấu cùng ban thi hành là các đội viên du kích như Phan Lại, Hoàng Dĩ đã thực thi bản án tử hình lý Điển (Điển Tép) bằng mã tấu vì bị khép tội “Việt Gian” bởi khi làng còn tề, ông lý này đã từng cộng tác cùng quân Pháp khi chúng đóng quân ở đây (làm thông ngôn, phiên dịch cho quan Pháp khi hỏi cung các nghi can người Việt)...
Cuộc sửa sai bắt đầu từ tháng ngày 29 tháng 10 năm 1956 của Chính phủ đã kịp thời khắc phục được những sai lầm còn tồn tại ở các đội cải cách ruộng đất trong ban cải cách xã Nghĩa Trụ.
Sự kiện lớn đã đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc dân sinh tới từng người dân trong xã bắt đầu từ năm 1958, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khởi công xây dựng công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải phục vụ công cuộc trị thuỷ cho một vùng rộng lớn đất đai châu thổ, và Bác Hồ đã dành nhiều tâm hyết cho công trình này trong ngày lễ khởi công 20 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ đã phát biểu: "Ngày trước, dưới chế độ thực dân phong kiến, ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương mười năm chín hạn, năm nào cũng đói kém, nhân dân cực khổ nghèo nàn. Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giả phóng, đời sống nhân dân ba tỉnh được cải thiện ít nhiều, nhưng vẫn còn nhiều ruộng thiếu nước cấy và thu hoạch vẫn bấp bênh. Nay Đảng và Chính phủ quyết tâm cùng nhân dân xây dựng công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào..." Theo lời Bác, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Hà Văn Tấn cùng hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh, sinh viên, cán bộ Trung ương và địa phương, các đoàn khách quốc tế và nhân dân Nghĩa Trụ cùng nhân dân trong các tỉnh bạn từ Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang, từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên, từ Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang đổ về với những công cụ đào đắp thô sơ, chủ yếu dùng sức người đã tiến hành khai thông, đào mới và nạo vét mở rộng dòng chảy hệ thống sông Nghĩa Trụ chỉ sau 7 tháng, đúng ngày 1 tháng 5 năm 1959 công trình được hoàn thành với khối lượng khổng lồ: Xây đúc 7.500 m3 bê tông, xây lát đá 226.000 m3, đào đắp gần 3 triệu m3 đất.., đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác cải thiện cuộc sống mới cho nhân dân Nghĩa Trụ và nhân dân các tỉnh bạn có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua trong công tác thâm canh gieo cấy, chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tăng năng suất cây trồng.
Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc sôi nổi thì đế quốc Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm liên minh hợp tác, phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương 1954, với mục đích biến Miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mĩ, cự tuyệt hiệp thương giữa hai Miền Bắc - Nam và tổng tuyển cử thống nhất đất nước; thẳng tay khủng bố, đàn áp những người yêu nước và cách mạng, tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương để chống lại nhân dân Miền Nam Việt Nam và phá hoại Miền Bắc.
Đối phó với tình hình mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã phát động phong trào đấu tranh đòi Mĩ - Diệm phải thi hành hiệp định Giơnevơ chống đàn áp, khủng bố khắp nơi trong nước, kết hợp cuộc đấu tranh chính trị vận động sự ủng hộ của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa cùng nhân dân tiến bộ thế giới có cảm tình với Việt Nam gây áp lực đối với chính phủ Mỹ. Ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, nhiệt liệt đón chào và hưởng ứng theo chủ trương của Đảng, nhân dân xã Nghĩa Trụ hăng hái tham gia sản xuất với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” và tích cực động viên con em trong thôn xã tham gia chiến đấu. Đứng trước nguy cơ sụp đổ của hệ thống Nguỵ quyền, đế quốc Mĩ phải đối phó bằng thủ đoạn phát động "chiến tranh đặc biệt", nâng số quân từ 1.077 cố vấn và nhân viên kĩ thuật quân sự (1960) lên 10.962 (1962). Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên cả ba vùng chiến lược, đặc biệt sau khi thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam (15.12.1961). Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng phát triển ở cả nông thôn và đô thị. Nhiều cuộc bãi công, biểu tình, bãi khoá, tuần hành đã nổ ra ở Sài Gòn, Gia Định, Đà Nẵng, Huế, kết hợp đấu tranh vũ trang, tổ chức đánh phá các Ấp chiến lược của đối phương khiến hệ thống này bị phá vỡ từng mảng, buộc Mỹ phải áp dụng nhiều chiến thuật mới cùng quân đội Sài Gòn như tổ chức các chiến dịch: "Trực thăng vận", "Thiết xa vận", "Phượng hoàng..." đều bị thất bại dẫn đến phá sản hoàn toàn chiến lược. Sự kiện ngày 01 tháng 11 năm 1963 chính phủ Ngô Đình Diệm bị đảo chính và sụp đổ đã chứng minh cho sự quyết tâm tham gia đến cùng sự can thiệp quân sự của Mĩ vào Việt Nam. Cục diện cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới đòi hỏi kỹ thuật và trình độ tác chiến của Quân giải phóng theo thời gian càng được đẩy mạnh cho phù hợp với diễn tiến cuộc chiến tranh. Nhờ sự chi viện sức người, sức của không ngừng từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhất là tầng lớp thanh niên, trí thức sẵn sàng gác bút nghiên lên đường cầm súng đánh giặc mà chất lượng chiến đấu của quân giải phóng không ngừng phát triển. Ở xã Nghĩa Trụ các thế hệ thanh niên trưởng thành đều háo hức xung phong theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ hăng hái ghi tên tòng quân, gia nhập vào đoàn quân Nam Tiến trùng điệp, cùng lực lượng Thanh niên xung phong, dân công phục vụ hoả tuyến và toả đi khắp nơi trên dãy Trường Sơn, sẵn sàng đóng góp xương máu cho công cuộc giải phóng và xây dựng tái thiết đất nước.
Nhờ có sự chi viện đóng góp công sức to lớn của quân dân miền Bắc, vùng giải phóng được mở rộng dần về phương Nam, mặt trận Dân tộc Giải phóng giai đoạn này được củng cố và phát triển nhanh chóng, trở thành lực lượng đại diện chân chính cho nhân dân Miền Nam, là động lực chính thúc đẩy tâm lực nhân dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước đoàn kết lại dưới ngọn cờ giải phóng chính nghĩa do Đảng và Bác lãnh đạo kiên quyết đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của lực lượng xâm lược Mĩ. Nhưng với bản chất “sen đầm quốc tế” của một số thế lực nắm quyền tối cao trong chính phủ Mỹ, sau thất bại của "Chiến tranh đặc biệt", bộ máy chiến tranh của Mĩ lại tiếp tục vận hành theo chiều hướng mới, chuyển thất bại trước thành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", lợi dụng sự rối ren trong chính quyền Nam Việt Nam, đã ồ ạt tung thêm quân vào Miền Nam, bỏ qua hòng nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" là nguyên cớ hợp lý, được bộ máy tổ chức chiến tranh và chính quyền của Tổng thống Mỹ Johnson dựng lên ngày 4 tháng 8 năm 1964, nhằm mục đích làm giảm sự quan tâm của dư luận quốc tế đang ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam theo xu hướng đàm phán hoà bình, thống nhất đất nước qua con đường qua cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc, giúp Mĩ có cơ hội phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam và kéo dài sự có mặt của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời công khai ngăn chặn, phá hoại triệt để sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, cũng như ngăn chặn sự giúp đỡ vũ khí, quân nhu từ phía Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cho cuộc chiến tại Việt Nam bằng hành động cho máy bay ném bom bắn phá các cửa biển, cảng biển của miền Bắc. (sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” sau này đã được chứng minh là hoàn toàn bịa đặt sau hơn ba thập kỷ kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam với con số thiệt hại về phía Mĩ hơn 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng và cuộc chiến kéo dài cho tới năm 1973 khi Mỹ rút quân theo Hiệp định Paris). Chỉ riêng tháng 12.1965 tổng số quân Mĩ tham chiến tại Việt Nam đã lên 184.314 nhân mạng, tới tháng 11.1966, lại tiếp tục tăng lên 389 nghìn quân, tháng 12.1967 là 480 nghìn quân và cho đến lúc thời điểm cao nhất là ngày 27.3.1969, quân số Mĩ ở Miền Nam Việt Nam lên tới 625.866 nhân mạng; quân các nước chư hầu 72 nghìn và trên 1 triệu quân bản địa Sài Gòn.
Quân Mĩ tham chiến và thực hiện ráo riết chủ trương dồn dân lập "ấp chiến lược" tạo vành đai trắng nhằm cách ly hoàn toàn lực lượng kháng chiến nằm vùng của quân Giải Phóng Miền Nam với người dân, đã gây ra nhiều thiệt hại, khó khăn cho quân giải phóng. Vùng giải phóng bị thu hẹp từng giờ, các lực lượng quân giải phóng bị đánh bật khỏi căn cứ, phải vào đồn trú trong các vùng đầm lầy, rừng núi, việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, quân nhu và liên lạc hầu như bị đứt đoạn, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chịu đựng gian khó, không ngại hi sinh, lực lượng quân giải phóng miền Nam đã cùng quân dân miền Bắc đoàn kết chiến đấu, làm nên những chiến công vang dội.
Đầu 1968, bên kia giới tuyến quân sự, quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đêm 30 rạng sáng 31.1.1968 (tức mồng một Tết Mậu Thân), đánh vào 6 thành phố, 44 thị xã, cùng hàng trăm quận lị và căn cứ quân sự đối phương. Ở bên này giới tuyến, lực lượng quân giải phóng miền Bắc khẩn trương chi viện cho chiến trường Miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ. Phong trào tòng quân Nam Tiến được đẩy tới cao trào, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam thân yêu” được nhân dân và giới học sinh, sinh viên trong toàn miền Bắc (nói chung) và trong xã Nghĩa Trụ nhiệt liệt hưởng ứng, nhiều lá đơn xin ra mặt trận được các học sinh cấp II, III tình nguyện viết, biểu lộ quyết tâm hy sinh cao độ, quyết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước cầu vinh. Phía Mĩ, trước thất bại nặng nề, và sức ép dư luận trong nội bộ nước Mĩ, cũng như quốc tế, ngày 1.11.1968, Tổng thống Mĩ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom Miền Bắc và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chịu họp Hội nghị bốn bên ở Pari. Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mĩ bị phá sản. Mĩ phải xuống thang chiến tranh chuyển sang thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương.
Ngày 18 tháng 3 năm 1970, sau khi lật đổ chính quyền của quốc vương Xihanuc ở Cămpuchia, Mĩ đã huy động một lực lượng quân đội lớn với mục đích chuẩn bị cho cuộc xâm lược toàn diện Cămpuchia. Những toán quân đầu tiên vượt qua biên giới Việt Nam - Cămpuchia trong xâm lược Cămpuchia lâu dài của Mĩ đã đặt chân trên mảnh đất biên giới này vào ngày 30 tháng 4 năm 1970. Để đối phó với âm mưu mới này của Mĩ và chính quyền Sài Gòn, Quân Giải phóng Miền Nam đã chủ động phối hợp với quân cách mạng Cămpuchia tổ chức đánh trả quyết liệt làm cho đoàn quân xâm lược thiệt hại nặng nề, buộc Mĩ phải rút quân khỏi Campuchia vào ngày 30.6.1970, tạo điều kiện thuận lợi cho quân cách mạng Cămpuchia mở rộng căn cứ kháng chiến trên 5 tỉnh.
Tháng 2.1971, quân đội Mĩ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục mở cuộc Hành quân ‘’Lam Sơn 719’’, đây là cuộc hành quân thí nghiệm của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" dùng quân đội Sài Gòn có quân Mĩ hỗ trợ phía sau đánh ra Đường 9 - Nam Lào, hòng cắt đứt con đường chi viện Bắc – Nam của quân đội miền Bắc Việt Nam cho quân giải phóng miền Nam. Sau 43 ngày chiến đấu, Quân giải phóng Miền Nam đã đánh bại cuộc hành quân này.
Đầu năm 1972, Quân giải phóng Miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của chính quyền Sài Gòn, mở những mặt trận lớn theo những hướng chiến lược quan trọng như: Mặt trận Bình Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ), đập tan hệ thống phòng ngự chiến lược của Mĩ và quân lực Cộng hoà, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
Để ngăn chặn sự tiến công mạnh mẽ của quân dân Việt Nam vào thành trì cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, quân đội Mĩ đã được lệnh từ Lầu Năm Góc sử dụng máy bay ném bom B52 oanh tạc Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thông qua cuộc "hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II”, với chủ quan của chính phủ Mĩ; đè bẹp và tiến tới tiêu diệt, xoá sổ toàn bộ ý chí cũng như thành quả công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân miền Bắc, khi này đang là hậu phương lớn đồng thời là điểm tựa vững chắc hỗ trợ cho nhân dân miền Nam sức người, sức của hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước. Một số báo chí Mỹ khi cuộc tiến công mới bắt đầu, đã tung tin phác họa một bức tranh tương lai cho Hà Nội: "Hà Nội sẽ là một khu vực chết", "Những ai may mắn còn lại sau trận bom hủy diệt thì đó là những kẻ sống sót", "Những nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại", "Hà Nội sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ"..vv. Liên tục trong 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972 quân và dân Miền Bắc đã tập trung giáng trả nhiều cuộc tập kích chiến lược bằng đường không và máy bay ném bom B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, cùng một số tỉnh, thành phố lân cận. Trong cuộc đối kháng mặt đất và không trung này, lực lượng du kích và dân quân tự vệ Nghĩa Trụ là nòng cốt cho công tác chỉ đạo nhân dân trong các thôn xã đào hầm tránh bom và tham gia các tổ súng cao xạ, tiếp tế đạn dược cho bộ đội phòng không địa phương tổ chức các trận đánh trả máy bay giặc.
Kết thúc 12 ngày đêm leo thang bắn phá miền Bắc, với nấc thang chiến tranh cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai của Mĩ vào Việt Nam đã hoàn toàn thất bại, khiến chính phủ Mĩ phải chịu nhiều tổn thất như lời Ních - xơn đã thừa nhận sau này trong hồi ký của mình: "Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”. Nỗi lo sợ của Ních – xơn đã được số hoá cụ thể trong các bản báo cáo gửi về cho Lầu năm góc là 34 máy bay chiến lược đã bị bắn rơi trên tổng số 193 chiếc được huy động, cùng 47 máy bay chiến thuật bị hạ, Thiệt hại ngoài những chiếc B52 đã bị bắn hạ được thống kê, còn phải kể đến khá nhiều chiếc bị dính đạn và phải nằm liệt nhiều ngày để sửa chữa, thậm chí có những chiếc không thể phục hồi. Theo Đơ-rên-cao-xki (Drenkowski) viết trong tạp chí "Không quân Mỹ" số 7-1987: Có 9 B52 về được U-ta-pao nhưng do hỏng nặng, cả 9 chiếc không còn bay được nữa.
Tổng thống Ních-xơn đã phải chịu thua và bỏ cuộc, đành gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam với lời lẽ ôn hòa, đề nghị nối lại cuộc thương lượng ở Pa-ri, và cuối cùng phải chấp nhận những nhượng bộ cực kỳ cay đắng đối với kẻ đi xâm lược; Chấp nhận rút hết quân Mĩ và quân các nước ngoại bang ra khỏi Miền Nam Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Sau cuộc không kích tàn bạo của Mỹ trên vùng đất châu thổ sông Hồng màu mỡ, nhân dân Nghĩa Trụ lại miệt mài bắt tay vào mùa lúa mới, tiếng kẻng lấy từ xác bom để báo hiệu giờ làm việc, đều đặn vang âm trong mỗi xóm thôn thay thế dần tiếng mõ gỗ lốc cốc, lốc cốc mỗi buổi sáng. Thanh niên, đàn ông trong thôn làng lần lượt ra trận, trong mỗi ngõ xóm và trên cánh đồng chỉ còn bóng dáng những người mẹ, người chị, những chủ nhân thực sự của cánh đồng lúa vàng với phong trào phụ nữ ba đảm đang, ba sẵn sàng, họ chính thức trở thành lực lượng lao động nòng cốt của các Hợp tác xã, các nhà máy, xí nghiệp trong xã giai đoạn này.
Tận dụng tối đa thời cơ và phát huy triệt để những thắng lợi quân và dân Việt Nam đã giành được, từng bước đẩy lui và đánh bại các cuộc tiến công của lực lượng quân ngoại bang và quân đội chính quyền Sài Gòn. Khai thác và nắm bắt kịp thời khi thời cơ lớn xuất hiện vào tháng 3 năm 1975, giải phóng quân, cùng bộ đội chủ lực miền Bắc đã phối hợp với quân và dân Miền Nam mở cuộc Tổng tiến công, nổi dậy với ba mục tiêu chiến lược.
Mục tiêu thứ nhất là tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột và toàn bộ Tây Nguyên bắt đầu từ ngày 4 tháng 3, kết thúc thắng lợi ngày 3 tháng 4 năm 1975.
Mục tiêu thứ hai là giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng và hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng mở màn chiến dịch vào ngày 5 tháng 3, kết thúc thắng lợi ngày 29 tháng 3 năm1975.
Mục tiêu thứ ba là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc Kháng chiến chống Mĩ hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chiến dịch bắt đầu ngày 9 tháng 4 năm 1975, kết thúc thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975, với việc giải phóng hoàn toàn các tỉnh cực Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, và giải phóng Sài Gòn - Gia Định cùng toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hết các biển đảo, kết thúc toàn diện cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho cách mạng Cămpuchia và cách mạng Lào đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau bản tin của đài Tiếng nói Việt Nam báo tin chiến thắng vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, không khí tưng bừng ngập tràn niềm vui chiến thắng, ngời lên trong từng ánh mắt, nụ cười của nhân dân Nghĩa Trụ, họ náo nức đón chờ những người con anh hùng vừa trải qua cuộc chiến vệ quốc vĩ đại và toàn thắng trở về. Trong tiếng hát khải hoàn chào mừng chiến thắng của dân tộc Việt Nam, quê hương Nghĩa Trụ cũng vinh dự góp thêm nốt nhạc vui qua giọng hát của nghệ sĩ Tô Lan Phương, người nữ văn công đã không quản ngại hiểm nguy, lặn lội khắp dải Trường Sơn, mang tiếng hát, giọng ca của miền quê quan họ cổ vũ đoàn người ra trận năm nao nay trở về tiếp tục cất cao tiếng hát của mình phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước.


0 nhận xét:

Post a Comment