Cảm nhận một chuyến đi

Thursday, April 12, 2012
_ Trần Thị Bích HằngThs, Phó Hiệu trưởng Trường. _

Vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, trong không khí vui xuân của những đoàn xe đi trẩy hội, đi du xuân, xe của đoàn cán bộ Trường Chính trị Tô Hiệu cũng khởi hành trong sự rộn rã. Nhưng xe của chúng tôi không đi lễ chùa, trẩy hội mà về xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để dự Lễ Kỷ niệm 100 năm năm sinh (1912 - 2012) người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một tấm gương cộng sản kiên cường, một người luôn chăm lo đến công tác đào tạo cán bộ, đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng trong những thập niên đầu của thế kỷ XX - Liệt sĩ Tô Hiệu.

Vượt qua gần 100 km đường 5, xe vòng vào con đường nhỏ, đưa chúng tôi về với quê hương đồng chí. Ngay ở đầu thôn chúng tôi đã thấy nhân dân, trong trang phục chỉnh tề vẫy tay chào đón xe chúng tôi. Những lời hỏi thăm thân tình, ấm áp của bà con, những cái bắt tay rất chặt của các đồng chí công an làm nhiệm vụ dẫn đường, của cán bộ lãnh đạo địa phương, và đặc biệt là những cử chỉ nồng hậu, chân tình của thân nhân liệt sĩ Tô Hiệu, đã coi chúng tôi như những người thân, những người con của quê hương trở về, thắp nén tâm nhang cho người anh liệt sĩ của mình. Đoàn chúng tôi ai cũng nghẹn ngào, xúc động ! Có những giọt nước mắt đã rơi!

Trong khói hương trầm nghi ngút, linh thiêng, sau phần lễ dâng hương, chúng tôi được nghe đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hưng Yên, đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu tóm tắt thân thế, sự nghiệp và những cống hiến lớn lao của đồng chí Tô Hiệu đối với sự nghiệp cách mạng trong những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, một giai đoạn cách mạng đầy chông gai thử thách, thử thách lòng kiên trung của mỗi con người trước vận mệnh của đất nước.

Điều đặc biệt và cũng là điều làm cho chúng tôi vô cùng xúc động là được nghe bác Nguyến Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương đảng, nguyên bí thư chi bộ nhà tù Sơn la, người đồng chí, người bạn tù của đồng chí Tô Hiệu kể chuyện về cuộc sống của những người tù chính trị tại nhà tù Sơn La. Bác Trân nay đã 97 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, giọng nói ấm, trầm, đầy truyền cảm. Sau ít phút nghẹn ngào ban đầu, càng nói, càng kể lại những câu chuyện về đồng chí Tô Hiệu giọng bác càng hào sảng, khúc triết, rõ ràng. Dường như ý chí của người chiến sĩ cách mạng năm xưa đang truyền thêm sức mạnh cho bác. Tuần tự từng việc làm một, từng ký ức lại dội về, bác đã đưa mọi người trở về quá khứ, trở về cuộc sống nhà tù, mà ở đó có một người, tuổi đời còn rất trẻ, bị tra tấn dã man, đói rét, bệnh tật hành hạ không hề nản chí, sờn lòng, đã trở thành tấm gương hoạt động tiêu biểu của những chiến sĩ cộng sản kiên trung, sống chết vì lý tưởng cách mạng - liệt sĩ Tô Hiệu.

Nói về đồng chí Tô Hiệu, một người cộng sản kiên trung, người mà cả cuộc đời đã dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc thì không bao giờ hết. Tấm gương chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của đồng chí Tô Hiệu đã được nhiều sách báo đề cập đến. Song tại buổi lễ trang trọng và ấm tình đồng chí này, qu lời kể của Bác Nguyễn Văn Trân kể về đồng chí Tô Hiệu, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về một đồng chí Tô Hiệu với những đóng góp cho phong trào cách mạng, cho công tác xây dựng Đảng và những hoạt động lãnh đạo của đồng chí trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Sơn La. Những lời kể đầy xúc động của bác Trân như tạc nên chân dung một con người, một con người không chỉ kiên trung với lý tưởng, toàn tâm toàn ý phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng mà Tô Hiệu còn là nhà lãnh đạo cách mạng đầy sáng tạo, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ đầu của cách mạng.

Sau khủng bố của thực dân Pháp những năm 1930 – 1931, các cơ sở đảng nhiều nơi không còn giữ được, phong trào quần chúng bị đổ vỡ hết. Rồi đến thời kỳ 1936- 1939, khi ở Côn Đảo về, mặc dù sức khỏe còn rất yếu, song Tô Hiệu cùng với một số đồng chí khác bắt tay ngay vào xây dựng lại Xứ ủy Bắc Kỳ. Các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh, Tô Noong (người Cao Bằng), Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã cùng nhau tập hợp lại để củng cố, xây dựng lại Xứ Ủy Bắc Kỳ và từ Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức lại tỉnh ủy các nơi. Trong hoạt động này, đồng chí Tô Hiệu là nòng cốt, là người năng động, có nhiều đóng góp lớn. Từ những bài học về công tác xây dựng Đảng mà đồng chí được dạy trong nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu đã nhận thức sâu sắc về vai trò của cán bộ. Vì thế trong khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức quần chúng, cũng là lúc Tô Hiệu tiến hành đào tạo cán bộ (Bác Trân kể, tôi cũng là 1 trong những cán bộ được đồng chí Tô Hiệu đào tạo trong phong trào Mặt trận Bình dân).

Theo đồng chí Tô Hiệu, muốn xây dựng Đảng thì trước hết phải có cán bộ. Cán bộ tốt không phải tự nhiên mà có, mà phải được đào tạo, bồi dưỡng. Cho nên đồng chí Tô Hiệu đã tìm mọi cách để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng (gồm những người hăng hái, những thanh niên, những công nhân, nông dân, trí thức … nếu họ có cùng chí hướng) đều được theo học. Nếu không đào tạo (hiểu theo nghĩa giác ngộ con đường đấu tranh cách mạng) thì các hoạt động của họ chỉ mang tính tự phát, và vì vậy, phong trào khó mà có thể phát triển được.

Để phong trào cách mạng mạnh, cần phải có sự tham gia của đông đảo người dân, vì thế, đối tượng đi học, theo Tô Hiệu không phân biệt họ là ai, thuộc thành phần nào, dân tộc nào mà bao gồm tất cả những người có cùng chí hướng. Với nhận thức như vậy, nên sau khi bị quân Pháp bắt lại, và giam ở nhà tù Sơn La, Tô Hiệu cùng với một số đồng chí khác đã biến nhà tù thành trường học cộng sản, thành nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Vào nhà tù Sơn La, việc đầu tiên, theo đồng chí Tô Hiệu là phải có chủ trương đối phó với bọn cai ngục (đặc biệt là đối đầu với tên công xứ mật thám người Pháp Dăng cut-xô khét tiếng, được thực dân Pháp đưa lên để khủng bố người dân ở đây). Để đối phó với bọn tay sai phản động, bọn cai ngục, Tô Hiệu đã có nhiều chủ trương sáng tạo, tùy tình hình để có lúc cương quyết lúc lại mềm mỏng, đạt hiệu quả cho mỗi cuộc đấu tranh.

Vào nhà tù trong số gần 300 tù nhân, với nhiều thành phần khác nhau: Cộng sản có; Quốc dân đảng có; một số anh em Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội; một số anh em hoạt động từ trước, chưa mãn hạn tù, vẫn trong thời gian ở trại tập trung; một số thành phần thân Nhật và đặc biệt có cả Phạm Công Tắc - Giáo chủ Cao Đài.

Vì vậy quan hệ giữa những người tù phức tạp lắm, làm sao để đoàn kết họ lại, để cùng tranh đấu chống đế quốc? Trong khi đó, cũng tại nhà tù Sơn La, bài học những năm 30- 35 của những người tù cho thấy, trong tù vừa có Cộng sản, vừa có Quốc dân đảng, nhưng vì luôn mâu thuẫn, đấu tranh không thống nhất được với nhau, cho nên tình hình đời sống của anh em trong tù hết sức khó khăn, và việc chống lại chế độ cầm quyền không thành công. Kết quả là trong số hơn 150 tù chính trị thì có tới 50 người bị chết do không đoàn kết, nên không bảo vệ được nhau. Nhưng sau này, từ năm 40- 45, trong số hơn 250 tù nhân chỉ chết có 7 người, vì dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù, trong đó đồng chí Tô Hiệu là linh hồn, đã có nhiều chủ trương đoàn kết họ lại để cùng:

Một là đấu tranh đòi lại quyền lợi cho tù nhân: đòi bỏ chế độ nhà thầu cung cấp thức ăn để buộc họ phải giao lại nhà bếp cho chính những người tù tự làm, đảm bảo chế độ ăn, vì thực tế cho thấy chế độ nhà thầu thức ăn đã tạo điều kiện để cai tù bớt xén khẩu phần, cho tù nhân ăn không đủ chất dinh dưỡng tối thiểu, điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của anh em.

Hai là đấu tranh đòi hưởng chế độ thông tin, đòi được đặt mua, cung cấp sách, báo ... để cải thiện đời sống tinh thần

Ba là đấu tranh đòi được cải thiện đời sống bằng chính công lao động của người tù: đòi được tự tăng gia trồng rau, nuôi lợn…và chính nhờ hoạt động lao động ngoài trời mà những người tù được giao lưu với nhau, và thông qua đó nâng cao được sức khỏe, giảm được bệnh tật, có điều kiện để thông tin với nhau về các chủ trương của chi bộ, thông tin về tình hình bên ngoài do một số anh em được cung cấp.

Một điều đặc biệt (theo bác Trân kể) là Tô Hiệu nói, chúng ta ở tù nhưng phải nghĩ đến sau này khi mãn hạn tù được trở về phải tiếp tục hoạt động, vì vậy, ngay từ bây giờ, trong điều kiện nhà tù, phải tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với suy nghĩ đó, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức các lớp học chính trị, học văn hóa (người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít; không chỉ dạy tiếng Việt mà còn dạy tiếng Pháp, tiếng Trung..), khác với nhà tù khác, ở đây còn dạy, còn huấn luyện quân sự. Một điều nghe như xa vời nhưng đó lại là hiện thực, điều không thể lại trở thành có thể. Bác Trân kể lại, trong những lần đi lao động khổ sai, 4 tù nhân có 1 lính dõng đi coi tù, anh em đã thuyết phục người lính dõng cho mượn súng để tập luyện quân sự, cứ thế, các đợt lao động khổ sai trở thành lớp huấn luyện quân sự. Phải chăng tấm gương kiên trung của những người tù cộng sản đã cảm hóa được người lính dõng, phải chăng trong dòng máu của những con người có thể do hoàn cảnh đã buộc họ phải đứng bên kia chiến tuyến vẫn còn le lói dòng máu Lạc Hồng, nên khi được tiếp xúc với những người tù cộng sản, cảm phục trước sự chịu đựng vô song, một nghị lực sống phi thường, họ đã không ngần ngại trao súng, bất chấp sự trừng phạt đang chờ đợi họ, nếu việc làm trên bị phát hiện. Cứ như vậy, tối đến, đêm về, các trại tù đã trở thành nơi học tập, trại này học văn hóa, trại kia học chính trị, trại kia ôn tập lại những điều mới tiếp thu được từ khâu tháo lắp súng, các yếu lĩnh bắn súng…vv. Trong các lớp học thì lớp học chính trị thu hút đông đảo người tham gia nhất. Một số anh em tù nhân có điều kiện nhận được các tài liệu bí mật từ bên ngoài gửi vào, đã biên tập thành tài liệu tuyên truyền của Việt Minh, số ít anh em đã viết được tài liệu gửi ra bên ngoài để tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Các lớp Nông vận, Công vận, Binh vận , Thanh vận và công tác hoạt động bí mật... cũng được triển khai. Dẫu sao, trong chốn tù đầy, những người Cộng sản, mà đặc biệt là Tô Hiệu, đã tranh thủ mọi thời cơ, mọi điều kiện, để biến nhà tù thành trường học, học ngay những điều mà kẻ thù không thể ngờ được. Chính từ những nội dung đào tạo, bồi dưỡng đó mà các anh em sau này khi được thả tự do, với những kiến thức tiếp thu được trong tù đã vươn lên, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, và trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc, giữ những cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Chính những chủ trương, những hoạt động lao động, học tập trong nhà tù, những phong trào đấu tranh đòi quyền lợi, những người tù đã quên đi sự khác biệt về thành phần, trình độ văn hóa, nhận thức... trở thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, mà Tô Hiệu là linh hồn, cùng chung một chí hướng chống lại đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ, mọi người hình như không ai chú ý đến thời gian, vẫn chăm chú nghe từng lời bác Trân kể để được ôn, được nhớ lại cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Mặc dù trời vẫn còn lạnh nhưng chúng tôi ai cũng thấy ấm lòng, bởi những cảm xúc của bác khi kể về người bạn tù, người anh, người đồng chí đã truyền thêm sức mạnh cộng sản, truyền nghị lực sống cho mỗi chúng tôi. Quên đi tuổi tác, quên đi thời gian, bác như thầm nhủ, chúng ta, những người Cộng sản ngày nay hãy sống cho Tô Hiệu, học và làm theo tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường.

Chia tay với buổi Lễ kỷ niệm trở về, đoàn cán bộ Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng không chỉ mang trong lòng những tình cảm thân thương của bà con và lãnh đạo xã Nghĩa Trụ, sự chân tình nồng hậu của dòng tộc họ Tô, mà quan trọng hơn cả là mọi người ai cũng mang trong lòng những trăn trở của bản thân: Trong hoàn cảnh tù đầy, ốm đau bệnh tật, bị sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, thiếu thốn trăm bề…mà những người cộng sản đã luôn vượt lên, sáng tạo, khôn khéo trong cách làm, luôn chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng…hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Thiết nghĩ, với nhà trường mà nhiệm vụ, trọng trách chính được giao là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho thành phố và hơn nữa là Trường lại được vinh dự mang tên đồng chí Tô Hiệu, vậy học tập Tô Hiệu không chỉ ở tấm gương chiến đấu kiên trung của người Cộng sản mà là học tập sự sáng tạo, học tập tinh thần vượt khó vươn lên. Mỗi cán bộ, giảng viên cần sáng tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đồng thời cũng luôn tự trau dồi, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới, đặng góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tin tưởng giao cho trường./.

Nội san Số 1/2012


Ths, Phó Hiệu trưởng Trường

0 nhận xét:

Post a Comment