3 Đồng chí Lê Văn Lương với công tác tổ chức xây dựng đảng

Thursday, March 22, 2012

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Văn Lương (28/3/1912 - 28/3/2012)

Đồng chí Lê Văn Lương là một trong những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta. Năm nay, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí diễn ra trong thời điểm rất có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” và đang tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua đây, chúng ta có dịp liên hệ, thấm nhuần hơn những kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác cán bộ mà đồng chí đã để lại.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1912 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí có nhiều năm gắn bó với công tác đảng, được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Trưởng ban Tổ chức Trung ương (giai đoạn 1948-1954 và giai đoạn 1973-1976), Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1949-1956); Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương (từ 1957-1959), Bí thư Thành uỷ Hà Nội (1976-1986)… Đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) và được Trung ương bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, rồi Uỷ viên Bộ Chính trị...

Đồng chí Lê Văn Lương là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tấm gương trong sáng: Với quân thù - hiên ngang bất khuất; với công việc luôn tận tụy, trung thành, liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết; với đồng chí, khiêm nhường, chu đáo, thân tình; với bản thân là gương sáng về tự phê bình, một nếp sống giản dị, khoan dung.

Năm 15 tuổi (1927), đồng chí gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng; 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; 19 tuổi, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tử hình. Sau đó, do sức ép phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới, đồng chí được giảm án xuống chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, là một trong những hạt nhân lãnh đạo của đảng bộ nhà tù, đồng chí đã cùng cấp uỷ nhà tù đề ra nhiệm vụ đoàn kết các lực lượng tù nhân, đấu tranh giành quyền sống. Đồng chí dành nhiều tâm sức, trí tuệ để biên soạn tài liệu, tuyên truyền, giáo dục các bạn tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, qua đó cùng đảng bộ nhà tù đào tạo được nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ lý luận, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong đấu tranh gian khổ, những cán bộ này đã trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử và những thắng lợi vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.

Cuối năm 1948, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị và Bác Hồ phân công thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Đảng vụ. Trên cương vị công tác này, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều đóng góp vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồng chí đã tham mưu, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị tổ chức Đại hội, soạn thảo điều lệ mới, chuẩn bị nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau hơn 15 năm Đảng mới tổ chức đại hội, số lượng đảng viên tăng lên rất nhanh, trong đó rất nhiều đồng chí xứng đáng được lựa chọn; vì vậy, việc tham mưu lựa chọn, giới thiệu vào Trung ương phải thật sự khách quan, công tâm. Là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội II của Đảng, đồng chí đã phát huy dân chủ, điều tra, thăm dò, quan tâm lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên các cấp, chú trọng chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá, lựa chọn cán bộ. Một tác phong cẩn trọng trong đánh giá, sử dụng, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Cũng trong thời kỳ này, đồng chí đã tham mưu mở cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với cuộc vận động cải cách ruộng đất tại những vùng mới giải phóng theo đúng tinh thần Cương lĩnh chính trị của Đảng; đồng thời, chú trọng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức đảng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, xây dựng hậu phương vững chắc để để kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sớm nhận thức sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng với cán bộ, đảng viên, đồng chí xác định những nhiệm vụ cơ bản của công tác này là: Nâng cao ý thức phục vụ Đảng, phụng sự nhân dân; nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng của Đảng. Trong bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng” (đăng trên báo Nhân dân số 14 ngày 26-6-1951), đồng chí viết: “Bên cạnh những ưu điểm của cán bộ, đảng viên, không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng phụng sự nhân dân, trong Đảng ta còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của nhân dân, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích của Đảng và của nhân dân. Vì vậy, cần tập trung trau dồi ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm tổ chức. Giáo dục lý luận tất phải kết hợp với cải tạo tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng. Cải tạo và lãnh đạo tư tưởng hằng ngày cũng cần dựa vào giáo dục lý luận. Nếu chúng ta chú ý làm những công tác trên thì chúng ta nhất định nâng cao được chất lượng của Đảng, làm cho Đảng thật xứng đáng đóng vai trò tiền phong lãnh đạo của nhân dân trên con đường kháng kiến quốc”. Đồng chí đã tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Quá trình thực hiện, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, đến các địa phương nắm tình hình, thấy nơi nào có khuyết điểm chỉ đạo kiên quyết uốn nắn. Sau khi chủ trì sơ kết tình hình, kết quả thực hiện, đồng chí đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Về sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện”.

Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm, kịp thời báo cáo với Trung ương và Bác Hồ, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai như: thả ngay và minh oan cho những người bị bắt oan, xử lý oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai... Do đó công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) tháng 9-1956, đồng chí đã thẳng thắn, nghiêm túc tự phê bình và với ý thức trách nhiệm đầy đủ trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí đã đề nghị và được Trung ương đồng ý cho đồng chí không tham gia Bộ Chính trị và phân công về làm Bí thư Khu uỷ Tả Ngạn để tiến hành sửa sai.

Năm 1957, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo Ban, tập trung chỉ đạo công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, mở cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng, tổ chức phối hợp với cuộc vận động cải cách ruộng đất; định hướng chỉ đạo kết nạp vào Đảng những nhân tố tích cực được lựa chọn trong quân đội và trong cải cách ruộng đất; mở rộng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên; đặc biệt là nâng cao ý thức tổ chức, làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân, xây dựng dựng Đảng thành một khối thống nhất. Đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ và đảng viên, bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới, đều phải đoàn kết, nhất trí. Phải hăng hái chấp hành nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng, đồng thời, đem ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc”.

Trong giai đoạn 1973-1976, trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, như: Nghị quyết số 225 ngày 20 tháng 2 năm 1973 của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn mới”. Đây là một văn kiện rất quan trọng, ra đời đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình và nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Để triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đồng chí nhấn mạnh: Có phương án xây dựng bộ máy tổ chức tốt sẽ quyết định việc xây dựng từng người cán bộ được tốt. Quán triệt phương châm trên, cần nhận rõ tác động qua lại giữa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức với việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tổ chức. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức và tiêu chuẩn cán bộ mà tiến hành đánh giá cán bộ, điều chỉnh cán bộ và kiện toàn bộ máy. Trong công tác cán bộ, đồng chí rất coi trọng kết hợp cán bộ già, trẻ, cũ, mới, cán bộ là trí thức, cả cán bộ ngoài Đảng và xác định sự nghiệp cách mạng là lâu dài, lớp người sau kế tiếp lớp người trước, đội ngũ cán bộ từng bước, từng bước phải được mở rộng, phải được bổ sung, phát triển, được tiếp nối liên tục giữa lớp cán bộ này với lớp cán bộ khác và phải kế thừa có chọn lọc. Phải có sự đoàn kết giữa các lớp cán bộ, tránh gây ra những tâm trạng tiêu cực, không có lợi cho sự nghiệp chung. Đồng chí lưu ý: Cần khắc phục tình trạng một số cơ quan và cán bộ lãnh đạo chỉ bàn nhiệm vụ chính trị, còn về công tác cán bộ thì bàn rất qua loa, khoán cho vụ tổ chức. Như vậy là chưa làm đầy đủ trách nhiệm của người lãnh đạo.

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La.Bác Hồ và đồng chí Lê Văn Lương (người đội mũ, thứ 2 phải sang) trong buổi họp Thường vụ Trung ương Đảng ngày 25-7-1950.


Nhằm kịp thời bổ sung, kiện toàn cán bộ cho Trung ương Cục, Khu uỷ khu V, các tỉnh, thành phố miền Nam và tiếp quản, quản lý, xây dựng, phát triển các vùng mới giải phóng, đồng chí đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Thông tri số 316-TT/TW ngày 21 tháng 4 năm 1975 về việc điều động cán bộ cho miền Nam. Các văn bản như Chỉ thị số 201-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 1973 của Bộ Chính trị về chính sách đối xử với những người có vấn đề cần xem xét về mặt quan hệ gia đình; Chỉ thị 236-CT/TW ngày 18-9-1976 của Ban Bí thư về công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng miền Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nói chung cũng như việc xem xét, giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Thông báo số 11-TB/TW, ngày 18 tháng 4 năm 1975 của Ban Bí thư quy định về phân công và phân cấp quản lý cán bộ, trong đó nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ trong việc quản lý cán bộ, về chế độ nhận xét đối với cán bộ. Đồng chí Lê Văn Lương đặc biệt quan tâm công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng, thể hiện qua việc tham mưu cho Trung ương các văn bản như: Thông tri số 314-TT/TW ngày 19 tháng 4 năm 1975 của Ban Bí thư về tự phê bình và phê bình trong đợt sinh hoạt chính trị để thi hành Nghị quyết số 23; Chỉ thị 230-CT/TW ngày 13 tháng 7 năm 1976 của Ban Bí thư về đợt giáo dục chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Trong số đó, cá biệt có người đã không chịu nổi sự tra tấn của địch, đầu hàng, làm tay sai cho chúng. Do đó, một số tổ chức đảng đã nghi ngại, thiếu tin tưởng những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, có nơi không bố trí, đề bạt vào các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư ra chỉ thị “Về việc đón tiếp những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày là những người chiến thắng trở về”. Từ đó, những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ bị địch bắt được xác minh rõ ràng đều được bố trí, đề bạt như những cán bộ khác. Chính sách đúng đắn đối với những cán bộ, đảng viên, chiến sỹ bị bắt, bị tù đày trong hai cuộc kháng chiến được dư luận hoan nghênh, thể hiện rõ thái độ nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng chí Lê Văn Lương nêu một tấm gương sáng về phong cách làm việc dân chủ, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng ý kiến tập thể, quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng. Đồng chí thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng: “Chính trong công tác thực tế hàng ngày, những tư tưởng và ý thức sai lầm mới biểu lộ rõ nét và cụ thể. Các cấp uỷ đảng cần nắm lấy những cơ hội đó để kịp thời phê bình sửa chữa. Bởi vậy, trước khi phát động thực hiện một công tác gì, các cấp chỉ đạo phải chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giải thích rõ ý nghĩa và nội dung của công tác đó và phương pháp thi hành. Trong thời gian tiến hành công tác, phải theo sát tình hình, kịp thời uốn nắn những tư tưởng, hành động lệch lạc, sửa chữa những tư tưởng, hành động sai lầm. Khi kết thúc công tác, phải làm tổng kết, kiểm thảo từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Hiện nay, đây là phương pháp thực tế và có hiệu quả nhất để giáo dục tư tưởng trong Đảng ta, để xây dựng Đảng ta về mặt tư tưởng. Song cũng cần nhận rõ việc giáo dục đảng viên theo phương pháp trên đây là một công trình lâu dài mà chúng ta phải kiên nhẫn, bền bỉ tiến hành mới đạt được kết quả tốt”. (Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, tr.66, NXBCTQG - Hà Nội 2000).

Trong đánh giá cán bộ, đồng chí hết sức công tâm, coi trọng ưu điểm, khoan dung với những khuyết điểm của cán bộ và thường tin tưởng ở khả năng tiến về phía trước ở mỗi người. Trong tự phê bình và phê bình đồng chí rất chú trọng phương châm chữa bệnh cứu người, tình thương yêu đồng chí, tính tự giác nhận và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Trong công tác đánh giá cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, khi thấy đồng chí mình có dấu hiệu bị oan sai, bị vu khống, bịa đặt đồng chí đều xem xét cụ thể và có kết luận rõ ràng, đánh giá đúng người, đúng việc. Từ những việc đó cho thấy nhiều bài học quý trong công tác đánh giá cán bộ, không chỉ đánh giá con người qua lối ứng xử bên ngoài mà phải đi sâu vào bản chất; đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ có cái tâm, cái tình, khách quan và công bằng trong sử dụng, phê bình và bảo vệ mới có thể đánh giá đúng cán bộ, mới tập hợp, khai thác trí tuệ và nhiệt tình của họ trong sự nghiệp chung.

Trong chiến đấu với kẻ thù, đồng chí Lê Văn Lương nêu tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh. Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí nêu tấm gương sáng của một người cộng sản chân chính, bản lĩnh, nghiêm khắc tự phê bình với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trước Đảng về những khuyết điểm trong cải cách ruộng đất, tự đề nghị với Đảng cho mình rút khỏi Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Điều này thể hiện rõ nhân cách của một nhà lãnh đạo tổ chức, một lòng vì Đảng, vì dân, thấy sai thì tự phê bình, nghiêm khắc sửa, dũng cảm tự phê bình, tự giác nhận khuyết điểm, không vin vào hoàn cảnh khách quan để giảm nhẹ khuyết điểm.

Đồng chí Lê Văn Lương luôn dành tình cảm, quan tâm không chỉ cán bộ trẻ mà chăm lo cả lão thành cách mạng và chính sách với người có công, chia sẻ, động viên những cán bộ gặp khó khăn, không chỉ động viên mà còn có những chính sách cụ thể để họ yên tâm công tác, tu dưỡng, rèn luyện sẵn sàng cống hiến đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Từ năm 1986, đồng chí không còn tham gia Trung ương nhưng vẫn nhận nhiệm vụ làm công tác tổng kết xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí đã tập trung trí tuệ, sức lực của mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng đó.

Những năm 1990, đã gần 80 tuổi, đồng chí vẫn quan tâm công tác xây dựng đảng, nêu những băn khoăn, trăn trở góp ý với Đảng về công tác tổ chức, cán bộ: Phương châm cơ bản xây dựng Đảng về tổ chức hiện nay là: chọn lọc lại đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường giáo dục, rèn luyện họ, củng cố nâng cao các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là các cơ quan lãnh đạo của Đảng, định ra các thể chế, hoàn thiện quan hệ nội bộ Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đó thực chất là chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Bác Hồ… Để đội ngũ cán bộ làm tròn nhiệm vụ phải tiến hành một kế hoạch rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực cán bộ rất tích cực và công phu, phải lựa chọn và sắp xếp lại (là một việc phát hiện nhân tài), cải tiến chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Điều quan trọng là có quan điểm đúng về cán bộ tốt và giỏi để trân trọng phát hiện và quy tụ nhân tài, có thái độ công minh và khôn khéo trong sử dụng…

Đồng chí Lê Văn Lương thường nhắc nhở cán bộ cần nghiên cứu một cách nghiêm túc những lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đảng, đặc biệt là những lời của Bác về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong công tác cán bộ, mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân.

Ở mỗi cương vị đồng chí đã nêu cao tấm gương một đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng với thực tiễn công tác của mình, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, với phần lớn thời gian trên cương vị phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Qua thực tiễn đấu tranh gian khổ, đồng chí Lê Văn Lương đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thành công cũng như vấp váp. Điều đáng quý ở đồng chí là bản lĩnh thừa nhận và rút kinh nghiệm về những vấp váp, vươn lên suốt đời phấn đấu vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Ở đồng chí Lê Văn Lương có cái “tâm” của một người làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng và có cái “tình” trong cách ứng xử với mọi người, yêu thương cán bộ, gần gũi quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí mình. Những nội dung của công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà đồng chí Lê Văn Lương nêu ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình, mạnh dạn nhận khuyết điểm và hình thức kỷ luật của đồng chí Lê Văn Lương càng có ý nghĩa khi mà Đảng ta đang triển khai thực Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, đội ngũ những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng bày tỏ lòng tri ân, tự hào về những công lao to lớn của đồng chí Lê Văn Lương - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo gương mẫu của Đảng, người con ưu tú của dân tộc, người Anh kính mến của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

23/03/2012

---------------------
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

 ✯✯ 

0 nhận xét:

Post a Comment