22 Lê Văn Lương người cộng sản kiên cường, hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh và giành chính quyền ở Côn Đảo tháng 8 năm 1945

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912-28/3/2012), chúng ta không chỉ nhớ về đồng chí một nhà cách mạng tiền bối, một chiến sĩ cận vệ thời dựng Đảng, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một Ủy viên Bộ Chính trị nhiều năm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, mà còn nhớ về một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trong lao tù đế quốc, một đảng viên có uy tín luôn “đi trước cho làng nước theo sau” trong các cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ hà khắc của nhà tù thực dân Pháp, một hạt nhân lãnh đạo trong cuộc đấu tranh và giành chính quyền ở nhà tù Côn Đảo tháng 8 năm 1945, những nhân tố làm nên bản lĩnh lãnh đạo chính trị Lê Văn Lương, để học và noi theo đồng chí làm cán bộ lãnh đạo phải biết làm gương và nêu gương ở mọi lúc mọi nơi, trong khó khăn gian khổ cũng như thuận lợi vẻ vang.

Đọc lịch sử Côn Đảo, các hồi ký, những cuốn tiểu sử của các đồng chí cách mạng tiền bối, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta không chỉ khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần, ý chí của những người cộng sản nói chung, Lê Văn Lương nói riêng, mà càng khâm phục, kính trọng ý chí, vai trò gương mẫu, bản lĩnh lãnh đạo của các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta những năm trong nhà tù đế quốc, ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Có lẽ trong số các nhà cách mạng tiền bối, những cán bộ lãnh đạo cao cấp đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập và rèn luyện Đảng ta, xây dựng nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong 31 ủy viên Trung ương Đảng được Pháp “tặng” cho 222 năm tù mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới, thì sau Tôn Đức Thắng cùng với Phạm Hùng là Lê Văn Lương, những người bị đọa đầy ở địa ngục trần gian Côn Đảo nhiều ngày nhất, đồng thời các đồng chí lại là những người lãnh đạo chủ chốt, có uy tín nhất trong các cuộc đấu tranh và giành chính quyền ở nhà tù Côn Đảo.

Lê Văn Lương quê ở Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, bị thực dân Pháp bắt trong vụ lãnh đạo hơn 400 công nhân Hãng dầu Socony (Nhà Bè) ngày 23/3/1931 biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi bồi thường cho một nữ công nhân có thai bị đánh đập tàn nhẫn trong lúc làm việc và chỉ huy đội tự vệ chống trả quyết liệt khi chủ hãng gọi lính đến đàn áp, đã đánh chết tên chỉ huy, gây thương tích cho nhiều tên khác. Lê Văn Lương bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 5 năm 1933, Tòa đề hình Sài Gòn sử “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương” trong đó có Lê Văn Lương và kết án tử hình đồng chí rồi đưa về xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn giam cùng với Phạm Hùng, Lê Quang Sung và mấy tù thường phạm. Đối với mỗi con người một ngày tù đã là khủng khiếp, nhưng với Lê Văn Lương không chỉ là những ngày ngồi tù mà còn là những ngày chờ lên máy chém, chờ để chết sẽ càng khủng khiếp bao nhiêu cho tinh thần của người thanh niên trí thức 21 tuổi, nếu không phải là người đảng viên từ thời Đông Dương Cộng sản Đảng, thuộc lớp cộng sản đầu tiên ở Việt Nam - Lê Văn Lương. Nhưng cũng chính trong những ngày này, bản chất người lãnh đạo và ý chí kiên cường của người cộng sản Lê Văn Lương càng được bộc lộ. Lê Văn Lương cũng như nhiều người khác khao khát được sống tự do, hạnh phúc. Vì muốn sống tự do, ấm no, hạnh phúc mà Lê Văn Lương con một gia đình nho học khá giả, dấn thân vào con đường tranh đấu. Nhưng cái chết mà kẻ thù cố tạo ra đã không làm cho những người cộng sản Lê Văn Lương khiếp sợ, ngược lại, ngay trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn, Lê Văn Lương cùng với Phạm Hùng muốn dùng cái chết của những người cách mạng, người cộng sản để làm- nói như Phạm Hùng - cho bọn Tây nó phục và kính nể, để chúng thấy luật pháp của chúng có án xử tử cũng không đạt được ý muốn. Khi chúng không thể xử tử được các đồng chí lại muốn các đồng chí phải xin ân xá để “cho hợp thể thức” thì các đồng chí cự lại “Có tội gì mà xin ân xá? Làm cách mạng không có tội. Chúng tôi chỉ chống án, chống lại tòa án, pháp luật của các anh chứ không xin ân xá. Muốn chém hay thế nào tùy các anh”. Từ suy nghĩ đúng đắn đó, Phạm Hùng, Lê Văn Lương không chỉ tự làm công tác tư tưởng cho mình mà các đồng chí còn cảm hóa những tù thường phạm trong xà lim án chém suy nghĩ và hành động theo gương cộng sản “không để cho bọn thực dân nó khinh, mình chết nó cũng không khinh thường được”. Nghe theo Phạm Hùng và Lê Văn Lương, hiểu ra lẽ phải, họ cũng đã sống những ngày cuối đời đứng đắn hơn, đã tỉnh táo, bình tĩnh lên máy chém. Dù không phải là người cộng sản, trước lúc vĩnh biệt cuộc đời, họ đã hô vang khẩu hiệu: “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Pháp”. Những tiếng hô đó không chỉ là lời chào từ biệt những người bạn tù án chém mà còn là những lời khẳng định gương cộng sản Phạm Hùng, Lê Văn Lương đã tỏa sáng trong quần chúng nhân dân, đến cả những người tử tù. Riêng cá nhân mình, Lê Văn Lương bình tĩnh chuẩn bị mọi việc khi lên máy chém để chết một cách đường hoàng. Đồng chí chuẩn bị cho mình từ hình thức gọn gàng, sách sẽ, rửa mặt, chải đầu, đến những câu nói, bài hát, các khẩu hiệu cần hô dõng dạc thế nào. Nghĩa là thanh thản, bình tĩnh đi vào cõi vĩnh hằng dù lý tưởng, hoài bão của mình chưa thực hiện được. Đó chính là phong cách cộng sản, phong cách Lê-ninnít, phong cách Hồ Chí Minh giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay và uy vũ không khuất phục được.

Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Quang Sung những bạn tù cộng sản trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn được giảm án từ tử hình xuống chung thân khổ sai nhờ sự đấu tranh kiên quyết và thắng lợi của Đảng cộng sản Pháp, có sự ủng hộ của Quốc tế cộng sản đòi ân xá chính trị phạm ở Đông Dương và phản đối phiên tòa đầu tháng 5 năm 1933 xử những người cộng sản trong đó có Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Quang Sung. Thực dân Pháp đã đưa Lê Văn Lương, Phạm Hùng từ xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn đày ra nhà tù Côn Đảo với án khổ sai chung thân. Ngày 17/1/1934 với số tù 6214 Lê Văn Lương đã có mặt tại Côn Đảo và bị giam giữ ở Banh I. Từ đây, tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và hy vọng của Lê Văn Lương gắn liền với địa ngục trần gian Côn Đảo. Cũng từ đây Lê Văn Lương bước vào cuộc chiến đấu mới, ở cương vị mới trong ban lãnh đạo chi bộ nhà tù.

Lê Văn Lương ở tù Côn Đảo từ tháng 1/1934 đến tháng 9/1945 và cũng bằng ấy thâm niên trong Ban lãnh đạo Đảng của nhà tù Côn Đảo, Chi ủy viên Chi bộ đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên Lê Văn Lương liên tục được tín nhiệm tham gia lãnh đạo Đảng của nhà tù, làm cán bộ lãnh đạo của những người cộng sản trung kiên, hăng hái và giàu kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh thực tế đã bị địch bắt vào tù và là cán bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù nhân trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mọi mặt, đó là môi trường nhà tù cách biệt lại bị đòn roi khống chế. Được chọn làm cán bộ lãnh đạo, đương nhiên Lê Văn Lương phải có năng lực và trí tuệ, nhưng trong một cộng đồng những người đều có năng lực và trình độ thì vai trò đầu tàu gương mẫu, làm gương và nêu gương của người lãnh đạo giữ vị trí quyết định. Điều này lại là thế mạnh của Lê Văn Lương mà người Bí thư chi bộ nhà tù Côn Đảo Ngô Gia Tự biết rất rõ, từ khi Ngô gia Tự là cán bộ cấp trên của Lê Văn Lương trong hoạt động bí mật tại Bắc kỳ cũng như ở Sài Gòn những năm 1929-1930 tuyên truyền cho Đông Dương cộng sản Đảng và thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930. Ở Lê Văn Lương việc làm gương và nêu gương, đầu tàu, xung kích trong công việc cũng như cuộc sống đã thành tố chất cá nhân, tạo nên phẩm chất Lê Văn Lương. Từ khi ra Côn Đảo, Lê Văn Lương luôn luôn tiên phong trong các cuộc đấu tranh, đứng ở hàng đầu trong các cuộc chống đàn áp của kẻ thù. Chính vì vậy Lê Văn Lương bị cầm cố nhiều lần, bị đầy xuống khu Nhà hầm xay lúa đến gần hỏng đôi mắt vì tối, bụi.
Qua Lê Văn Lương và từ Lê Văn Lương chúng ta thấy bài học gương mẫu, làm gương và nêu gương đi đầu của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt trong công tác cán bộ hiện nay vẫn nguyên giá trị.

Lê Văn Lương được các đảng viên tin tưởng, tín nhiệm cử làm cán bộ lãnh đạo Đảng trong nhà tù Côn Đảo còn ở chỗ lập trường của đồng chí vững vàng và kiên định mục tiêu đấu tranh. Trên đường ra Côn Đảo và đến đảo, Lê Văn Lương biết được trong những người tù cộng sản đã có cuộc tranh luận ở nhà tù Côn Đảo nói riêng và các nhà tù nói chung có cần thành lập chi bộ không? Lãnh đạo như thế nào? Đấu tranh như thế nào? Và thái độ của Lê Văn Lương rất rõ ràng, đã là chiến sĩ cộng sản không được thủ tiêu đấu tranh dù ở đâu và chỉ có bằng tổ chức và qua tổ chức chi bộ để đoàn kết, tăng cường sức mạnh của những người cộng sản trong đấu tranh và lãnh đạo đấu tranh để bảo vệ tính mạng tù nhân, bảo vệ cán bộ cho Đảng. Do vậy, ra đảo một thời gian ngắn Lê Văn Lương được bổ sung vào Chi ủy của Chi bộ Đảng do Ngô Gia Tự làm Bí thư.

Bọn sĩ quan Pháp và chúa ngục ở Côn Đảo biết rất rõ Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng và một số đồng chí khác là đảng viên cộng sản, thậm chí còn xếp họ vào hàng chính trị phạm nguy hiểm. Chúng không trả tự do cho các đồng chí trong dịp Mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi trong bầu cử ở Pháp và yêu cầu nhà chức trách Đông Dương ân xá cho tù chính trị phạm vào những năm 1936-1937. Sau đợt ân xá này, số lượng đảng viên cộng sản trên đảo còn khoảng 60 người, nghĩa là lực lượng lãnh đạo là đảng viên và lực lượng tích cực là chính trị phạm giảm đi nhiều nhưng trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ đảng không hề giảm, thậm chí còn tăng lên.Trong đó có vai trò và trách nhiệm của Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương. Chi bộ không chỉ lãnh đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc hơn, tình hình ngày càng xấu đi khi Mặt trận bình dân Pháp thất thế, nhất là khi đế quốc Pháp tham gia Chiến tranh thế giới II. Để bảo vệ sinh mạng tù nhân khỏi chết vì đòn roi, hành hạ trả thù vô cớ, chết vì đói, ăn uống cực khổ và bệnh tật tràn lan, mà còn lãnh đạo đấu tranh chống lại sự phân hóa thành các phe nhóm trong tù thường phạm, hiềm khích lẫn nhau, tấn công tù cộng sản, Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo đã được củng cố, Nguyễn Duy Trinh làm bí thư, Lê Văn Lương, Phạm Hùng tham gia chi ủy, Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch hội tù nhân.

Cuối năm 1941 hết hạn tù Nguyễn Duy Trinh về đất liền, Phạm Hùng được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ của đảo, Lê Văn Lương vẫn trong Đảo ủy. Từ năm 1941 tình hình cách mạng Việt Nam và tình hình nước Pháp có những biến đổi, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù đồng thời cũng khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảo ủy. Ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tháng 5 năm 1941 Hội nghị Trung ương lần thứ VIII thành công, Mặt trận Việt Minh ra đời, cao trào cách mạng mới xuất hiện. Từ đất liền đã có nhiều bưu phẩm gửi ra Côn Đảo cho tù chính trị. Nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, ở Đông Dương phát xít Nhật nhòm ngó, chuẩn bị hất cẳng Pháp. Trong đất liền thực dân Pháp tăng cường khủng bố phong trào cách mạng, ngoài Côn Đảo mã tà, gác ngục thẳng tay đàn áp tù nhân, cắt giảm khẩu phần lương thực. Chi ủy đứng đầu là Bí thư Phạm Hùng đã nhận định sát tình hình, khẳng định Nhật - Pháp có mâu thuẫn, chỉ thị cho tất cả đảng viên phải tỉnh táo trong đấu tranh, sử dụng các hình thức cho phù hợp không bị mắc mưu địch để chúng kiếm cớ đàn áp, bảo vệ sinh mạng tù nhân, giữ gìn lực lượng, tích cực tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, chuẩn bị vượt ngục bổ sung lực lượng cán bộ cho phong trào cách mạng.

Ngày 6/2/1945 tàu chiến Nhật đến Côn Đảo và đổ bộ khoảng 20 tên lính đánh chiếm đài vô tuyến, tước hết rađiô của nhân viên, khống chế nhà ở của các sĩ quan Pháp và đóng quân trên đảo bất chấp sự phản đối của người Pháp. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3/1945 hai tàu chiến Nhật đến đảo, đổ bộ thêm một trung đội lính tiến hành tước vũ khí, tống giam lính Pháp, khống chế công chức, bắt chúa đảo và sĩ quan chỉ huy lính Pháp đưa về Sài Gòn. Quyền chỉ huy bộ máy cai quản tù nhân giao cho công chức thân Nhật Lê Văn Trà đảm nhận. Trong đất liền Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim gửi đạo dụ ra đảo tuyên bố phóng thích chính trị phạm. Thực tế chỉ có 150 tù thân Nhật được phóng thích. Trước tình hình đó Đảo ủy đứng đầu là Phạm Hùng lãnh đạo tù nhân đấu tranh buộc Lê Văn Trà phải nhượng bộ cho phần lớn tù chính trị ra ngoài làm việc và mở cửa trại giam từ 6 giờ đến 21 giờ.

Được tin cuộc Tổng khởi nghĩa đã và đang giành thắng lợi trong đất liền, Bí thư Đảo ủy Phạm Hùng chủ trì bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo tù nhân đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, thông qua đàn phán buộc Lê Văn Trà và đồng bọn bàn giao quyền lực trên cơ sở đoàn kết tù chính trị, nắm chắc lực lượng bảo an. Thực tế trên đảo đến 25/8/1945 không còn lực lượng quản lý và binh lính người nước ngoài nên Đảo ủy đứng đầu là Phạm Hùng chủ trương kiên trì thuyết phục những người lính bảo an tham gia thương lượng giành chính quyền, tránh bạo động đổ máu. Vì, như Phạm Hùng giải thích, cho đến lúc này mỗi sinh mạng cán bộ, đảng viên là tài sản vô cùng quí giá của cách mạng, của Đảng, phải nâng niu giữ gìn. Ngày 26/8/1945 đoàn đại biểu đại diện tù chính trị gồm Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Tôn Đức Thắng, Trần Ngọc Danh, Văn Viên, Võ Sỹ, Lã Vĩnh Lợi gặp chúa đảo Lê Văn Trà yêu cầu bàn giao chính quyền trên đảo cho tù chính trị. Trà viện cớ chưa có lệnh của Chính phủ. Sau nhiều lần đàm phán, Lê Văn Trà và đồng bọn chấp nhận việc tổ chức các đại biểu bầu cử chính quyền liên hiệp theo tỉ lệ không lợi cho tù chính trị. Đó là: Quản đốc đảo Lê Văn Trà 1 đại biểu, công chức 3 người, giám thị 5 người, tù chính trị 50 người 1 đại biểu, tù thường phạm không được tham gia. Để giành thắng lợi, Đảo ủy trong đó có Lê Văn Lương chỉ đạo các đảng viên tích cực tuyên truyền việc Việt Minh đã giành chính quyền trong cả nước để giám thị, công chức bỏ phiếu cho tù cộng sản. Kết quả: Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo ra đời với phần lớn đại biểu là tù cộng sản.Việc đầu tiên Hội liên hiệp quốc dân Côn Đảo tiến hành là thành lập Đoàn phòng thủ đảo do Bí thư Phạm Hùng trực tiếp chỉ huy để điều hành và giữ gìn an ninh trên đảo.Việc điều hành hoạt động hành chính quản trị vẫn giao cho Lê Văn Trà thực hiện dưới sự giám sát của các đồng chí Trần Ngọc Danh và Lã Vĩnh Lợi. Lê Văn Lương được phân công chỉ đạo biên tập, xuất bản tờ báo Độc Lập và đích thân viết bài xã luận: Kiên quyết bảo vệ Độc Lập – Tự Do của Tổ quốc. Nghe được đài nước ngoài truyền đi bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Hùng cùng đảo ủy tổ chức ngay cuộc mít tinh chào cờ đỏ sao vàng mừng nước nhà độc lập, sau đó là cuộc tuần hành biểu dương lực lượng trên các tuyến đường ở đảo. Không khí hào hùng, tự do, phấn khởi tràn ngập trên hòn đảo trước đó ít ngày còn là địa ngục trần gian.

Sau bao ngày khát khao trở về đất liền chiến đấu và đã từng vượt ngục không thành, ngày 23/9/1945 Phạm Hùng, Lê Văn Lương cùng ban chỉ huy Đoàn phòng thủ Côn Lôn đi trên chiếc ca nô mang tên Giải phóng do người tù Côn Đảo lâu năm nhất Tôn Đức Thắng cầm lái, rẽ sóng trở về đất liền, tiếp tục một trận chiến đấu mới trên tư thế người chiến thắng.

 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment