24 Dấu ấn Lê Văn Lương với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản ưu tú, một trong những chiến sĩ lớp cận vệ của Đảng và cách mạng Việt Nam - hoạt động yêu nước và cách mạng từ thời dựng Đảng; vượt qua thử thách khốc liệt suốt 15 năm trong lao tù đế quốc, từ Khám Lớn - Sài Gòn đến địa ngục trần gian Côn Đảo; trải qua 30 năm trường chiến tranh cách mạng bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước theo con đường đổi mới. 83 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động, đồng chí đã được Đảng và nhân dân giao phó nhiều trọng trách, dấu ấn hoạt động, cống hiến của Lê Văn Lương trải rộng khắp các nẻo đường đất nước, nhiều địa phương, trong đó Thủ đô Hà Nội là địa bàn in nhiều dấu ấn sâu đậm.

Hoạt động yêu nước ở Hà Nội lúc đang học tú tài ở Trường Bưởi - nơi hội tụ của những anh tài - khi mới 15 - 16 tuổi, Lê Văn Lương sớm đứng vào đội ngũ thanh niên cấp tiến cùng thời với Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Phong Sắc, Trường Chinh … Các anh là những người tiên phong trong tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là dấu ấn đầu tiên Lê Văn Lương in trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, chiến thắng và vượt qua thử thách trong lao tù đế quốc, khoảng giữa năm 1946, khi đang giúp việc Tổng Bí thư Trường Chinh ở báo Sự thật và Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, cùng với Hoàng Tùng, Anh hiện diện tại Hội nghị Thành ủy Hà Nội, do Bí thư Lê Quang Đạo chủ trì, với tư cách phái viên của Tổng Bí thư dự Hội nghị bàn việc Hà Nội chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hai năm sau, ngày 28-3-1948, Anh kết hôn với nữ đảng viên cộng sản người Hà Nội, nguyên là nữ sinh Trường Đồng Khánh đang hăng hái tham gia kháng chiến - chị Nguyễn Thị Bích Thuận [1][1] Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, con một viên chức Sở Bưu điện Hà Nội thời Pháp thuộc, người làng Lãng Yên (ô Đống Mác), nay thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đỗ bậc học Thành Chung năm 1941 tại Trường nữ sinh Đồng Khánh - nay là Trường Trung học Trưng Vương, Hà Nội.. Có lẽ chính điều này mà suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Lê Văn Lương luôn dành tình cảm đặc biệt cho Thăng Long - Hà Nội.

Kháng chiến thắng lợi, Thủ đô được giải phóng, việc tiếp quản Hà Nội được Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Tháng 8 - 1954, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Tố Hữu, đồng chí Lê Văn Lương - lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Cùng các đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Thành ủy, Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính, Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính và lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Quân chính, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc việc chỉ đạo tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954 [2][2] Để chuẩn bị việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 29-8-1954, Trung ương Đảng đã kiện toàn Thành ủy Hà Nội, gồm các đồng chí Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Lê Trung Toản, Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa; ngày 6-9-1954, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương cử làm Bí thư Thành ủy kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập theo Quyết định của Chính phủ ngày 17 - 9 - 1954, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch..

Dấu ấn nổi bật nhất của đồng chí Lê Văn Lương đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội là trong 10 năm liền (1976 - 1986) đồng chí được giao trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tháng 7 - 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI - kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội - Quốc hội đã ra quyết định lịch sử: lấy tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ đô là Hà Nội.

Bước vào giai đoạn lịch sử mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đứng trước yêu cầu nhiệm vụ phải xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị trí là Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thống nhất. Ngày 20-9-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về qui hoạch, cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết nêu rõ: Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật; đồng thời là một trung tâm kinh tế quan trọng, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội phải được xây dựng thành một thành phố tiêu biểu cho chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, vừa có tính dân tộc, vừa hiện đại. Đây là sự cỗ vũ, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Để tăng cường lãnh đạo cho Đảng bộ và chính quyền Thành phố, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Văn Lương về làm Bí thư Thành ủy. Cuối tháng 12 - 1976, với tư cách Bí thư Thành ủy, đồng chí dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương cử vào Bộ Chính trị.

Trong các ngày từ 25-5 đến 02-6-1977, tại Câu lạc bộ Lao Động (nay là Cung văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội), đồng chí Lê Văn Lương dự Đại hội Đại biểu lần thứ VII Đảng bộ Thành phố Hà Nội (vòng 2). Đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Lê Văn Lương đã khái quát: Trong ba năm của nhiệm kỳ khóa VI (1974 - 1977), đặc biệt là từ sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Song nhiều khó khăn, yếu kém vẫn tồn tại, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật của Thủ đô còn nhỏ bé, thấp kém, tốc độ phát triển chậm; trình độ năng lực quản lý điều hành còn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, những biểu hiện tiêu cực đang có chiều hướng phát triển, khí thế cách mạng, phấn khởi sau chiến thắng của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa được phát huy thật mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng Thủ đô. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương chỉ rõ: Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của Đảng bộ Hà Nội là phải tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy tính năng động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy cao độ tinh thần cách mạng và quyền làm chủ của nhân dân lao động, tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, chủ động thúc đẩy việc tiến hành 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, thực sự đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Thủ đô thành một thành phố hiện đại, văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với niềm tin và sự quan tâm của Trung ương Đảng, của đồng bào và chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Tại Đại hội này, đồng chí Lê Văn Lương đã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; được kỳ họp thứ nhất Thành ủy khóa VII bầu làm Bí thư Thành ủy [3][3] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, khóa VII, gồm 44 đảng viên (1 đảng viên dự khuyết; Ban Thường vụ Thành ủy gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị là Bí thư; Phó Bí thư là các đồng chí Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Đông).. Đây là lần đầu tiên, nhiệm kỳ đầu tiên, đồng chí Lê Văn Lương đảm nhận trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô Hà Nội.

Tiếp nối nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội khóa VII, đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục được bầu vào Thành ủy, đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành ủy khóa VIII (1980 - 1983) và khóa IX (1983 - 1986). Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thành phố khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn thử thách, chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới.

Nhìn lại dấu ấn Lê Văn Lương trong ba nhiệm kỳ ở cương vị người đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền Thủ đô Hà Nội, có thể thấy, ở nhiệm kỳ khóa VII (1977 - 1980) Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cùng cả nước phấn khởi trong không khí đất nước vừa thống nhất, ra sức phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ thành phố. Nhưng rồi 2 cuộc chiến tranh biên giới nổ ra ở hai đầu đất nước. Vừa xây dựng đất nước trong hòa bình vừa sẵn sàng giáng trả sự quấy nhiễu, xâm lược của các thế lực phản động bên ngoài, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội vẫn phấn đấu không mệt mỏi, vừa giữ vững an ninh chính trị, vừa ổn định và phát triển sản xuất; việc xây dựng các công trình phòng thủ tại chỗ và các công trình phòng thủ từ xa đã được Thành ủy và chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thành tích của 4 tiểu đoàn dự nhiệm của ngoại thành Hà Nội, theo điều động của Bộ Quốc phòng tăng cường cho tỉnh Lạng Sơn tác chiến tháng 2 - 1979 đã làm nên chiến thắng trên điểm cao 202 thuộc huyện Văn Lãng khiến quân xâm lược phải khiếp sợ [4][4] 4 tiểu đoàn dự nhiệm là của 4 huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Tác chiến ở điểm cao 202 cùng quân dân Lạng Sơn là Tiểu đoàn Đông Anh. Trong trận này, hơn 350 tên xâm lược đã bị tiêu diệt.. Ngay trong tháng 3- 1979, theo lệnh của Chủ tịch nước về việc thành lập Quân khu Thủ đô, Thành ủy và chính quyền thành phố đã chỉ đạo kịp thời việc thành lập Sư đoàn 301 thuộc Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô; các trung đoàn 59 và 47 chủ lực của thành phố cũng được tăng cường; Đoàn Nguyễn Huệ gồm 24 trung đoàn dự nhiệm nhanh chóng hình thành với quân số hơn 5 vạn chiến sĩ được điều động cho việc xây dựng phòng tuyến Sông Cầu; 5 trung đoàn dự nhiệm được Bộ Tư lệnh Thủ đô điều động tăng cường cho tuyến phòng ngự Sơn Tây - Ba Vì. Trong thành phố và vùng ven, hơn 600 km giao thông hào, gần 30.000 công sự, trận địa pháo được xây dựng, nhiều tuyến đường kéo pháo được khai thông. Đất nước vừa hòa bình, vừa có chiến tranh, Hà Nội cùng với cả nước đã sẵn sàng chiến đấu. Trong những ngày nóng bỏng này, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô luôn được đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương động viên, khuyến khích, được sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén của Thành ủy và chính quyền thành phố. Ngày 7 - 3 - 1979, Hội đồng nhân dân thành phố đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết về nhiệm vụ của quân dân Thủ đô sẵn sàng giáng trả quân xâm lược; ngày 8 - 3, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng các công trình phòng ngự, sẵn sàng chiến đấu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Theo các quyết định này, các công tác xây dựng lực lượng quân sự địa phương; các lĩnh vực đời sống xã hội nhanh chóng chuyển sang tình thế đất nước có chiến tranh; công tác phòng không sơ tán như thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhanh chóng được triển khai.

Đề cao cảnh giác trước các hành động xâm lược phá hoại của các lực lượng thù địch, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh, nêu cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ đảng viên và các tầng lớp quần chúng nhân dân là bài học lớn nhất mà Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội.

Từ tháng 2 - 1980 đến tháng 10 - 1986 là khoảng thời gian giữa hai nhiệm kỳ Đại hội VIII và Đại hội IX Đảng bộ thành phố Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và chính quyền thành phố do Ủy viên Bộ Chính trị Lê Văn Lương là Bí thư, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã phấn đấu và vượt qua những khó khăn thử thách vô cùng khắc nghiệt, cấp bách nhằm giải quyết tình hình khó khăn thiếu thốn, khắc phục tình trạng bảo thủ, trì trệ, tìm phương hướng đổi mới lãnh đạo.

Nhìn tổng quát, nhiều chỉ tiêu của Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng bộ thành phố không thực hiện được, nhưng đặt trong bối cảnh chung của tình hình cả nước, trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, sự vững vàng của Đảng bộ thành phố, sự tiên phong, gương mẫu của Bí thư và các đồng chí trong Thành ủy, chính quyền thành phố là niềm tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội vững vàng, kiên định phấn đấu vượt qua thách thức.

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, cán bộ và nhân dân thành phố vẫn giữ mãi, nhớ mãi hình ảnh một ông già tóc bạc, da mồi đi khắp các nẻo đường Thủ đô, từ xóm nghèo ngoại thành đến các ngõ phố nội thành. Đó là Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương. Ông đi kiểm tra việc phân phối lương thực, việc cấp nước sạch và trực tiếp yêu cầu phải đưa lương thực xuống các tổ dân phố, bán trước hết cho những gia đình trong tháng chưa mua được lần nào; phải dùng xe téc đưa nước vào các ngõ phố cấp cho dân khi hệ thống cấp nước sạch trục trặc. Ông lặn lội xuống tận các vùng chuyên canh rau ở Nam Hồng, Vân Nội, nông trường nuôi lợn ở Vân Trì, nuôi gà ở Phúc Thịnh (Đông Anh), ở Cầu Diễn, Minh Khai, Tây Tựu (Từ Liêm), nông trường nuôi cá ở Yên Duyên, Yên Sở (Thanh Trì), để kiểm tra việc sản xuất rau, thực phẩm cung cấp cho thành phố. Ở tuổi ngoài 70, ông còn nhiều lần vào thăm và trực tiếp chỉ đạo công tác Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng; Nông trường Thanh niên Hà Nội ở Bảo Thắng Hoàng Liên Sơn; Công ty khai thác than của thanh niên Hà Nội ở Quảng Ninh và những cơ sở sản xuất của Hà Nội ở các địa phương đề nghị giúp đỡ Thủ đô theo tinh thần “Cả nước vì Hà Nội”.

Thật xúc động khi nhắc lại những sự kiện, những câu chuyện về Lê Văn Lương với người dân Hà Nội. Năm 1978, khi vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng vừa hình thành, ông cùng các đồng chí Trần Vĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và một số cán bộ Thành ủy, Ủy ban Nhân dân vào nghiên cứu khảo sát tại chỗ. Tây Nguyên hồi đó vẫn còn sự quấy nhiễu, phá hoại của bọn thổ phỉ FULRO, những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết khí hậu. Có đồng chí lãnh đạo đề nghị đưa đồng chí về Đà Lạt nghỉ ngơi, đồng chí trả lời một cách thản nhiên: Tại sao phải về Đà Lạt. Các anh em đã ở đây được thì tôi cũng ở được, không phải về đâu!

Hai năm sau, khoảng năm 1980 - 1981, ông lại đến thăm vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng. Ông rất mừng vì nông trường cà phê ở Đức Trọng, nông trường dâu tằm và chè ở Bảo Lộc đang phát triển tốt. Nhưng khi thấy bà con vùng kinh tế mới đang thiếu lương thực, Ông yêu cầu thành phố gửi cấp tốc 50 tấn gạo vào Lâm Đồng. Trở về Hà Nội, khi ông đang ở viện chữa bệnh, ông còn điện và viết thư nhờ “bạn cũ” [5][5] Đồng chí Chín Cần, trước là Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lúc đó đang là Bí thư Tỉnh ủy Long An. đang là lãnh đạo tỉnh Long An “cho mượn” 500 héc ta đất trong 10 năm, để mở vùng kinh tế mới Hà Nội ở Long An, tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho các vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Đức Trọng, Bảo Lộc (Lâm Đồng), đồng thời cử đồng chí Trần Duy Dương - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch thành phố phụ trách nông nghiệp Hà Nội trực tiếp chỉ đạo các khu kinh tế mới Hà Nội. Sự phát triển của khu kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng - nay trở thành huyện Lâm Hà kết nghĩa với Hà Nội đã in đậm dấu ấn Lê Văn Lương.

Từ ngày 17 đến ngày 23 - 10 - 1986, sau quá trình chuẩn bị, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X đã được tiến hành tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô. Tại Đại hội, Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương đã trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Với tinh thần đổi mới toàn diện theo Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V chuẩn bị trình Đại hội VI, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ do đồng chí Lê Văn Lương trình bày đã khái quát những thành tựu trên các mặt công tác của Đảng bộ Thủ đô, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và những nguyên nhân của nó. Đồng chí nhấn mạnh: Phương châm để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém đó là phải thật sự đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành của thành phố, trên tất cả các lĩnh vực công tác. Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; phải coi trọng công tác tổ chức thực tiễn; phải kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; quan tâm đến lợi ích của người lao động, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích chung của toàn xã hội… 6 mục tiêu cơ bản của Đảng bộ thành phố được báo cáo khẳng định rõ là:

  • Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân; tạo được tích lũy cho công cuộc xây dựng Thủ đô.
  • Phát triển sức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý của Thủ đô.
  • Đổi mới quản lý kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN.
  • Nâng cao chất lượng công tác văn hóa xã hội; đẩy mạnh xây dựng con người mới, nếp sống mới Thủ đô.
  • Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Thủ đô.
  • Nâng cao sức chiến đấu của Đảng; đặc biệt coi trọng công tác củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở; kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Cùng với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, của Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Văn Linh đã mở ra thời kỳ mới cho công cuộc xây dựng Thủ đô của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, trong đó dấu ấn Lê Văn Lương - Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô ghi nhớ [6][6] Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X bầu Thành ủy mới gồm 55 đồng chí (có 14 ủy viên dự khuyết), do đồng chí Nguyễn Thanh Bình là Bí thư. Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương do tuổi cao không tham gia ứng cử vào Trung ương và được Bộ Chính trị phân công giúp Trung ương Đảng tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ..

Nhấn mạnh công lao và cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: “Với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 10 năm, từ khi đất nước thống nhất đến năm 1986, đồng chí đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố. Đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quí báu trên các lĩnh vực mà đồng chí phụ trách” [7][7] Điếu văn của Đảng và Nhà nước Việt Nam tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương do đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng đọc ngày 5 - 5 - 1995..

Để ghi nhớ và tôn vinh đồng chí Lê Văn Lương, Thành ủy và chính quyền Thủ đô Hà Nội đã quyết định một đường phố được mang tên Lê Văn Lương. Đó một trong những con đường đẹp nhất của Thủ đô, trải dài gần 4km, nối quận Đống Đa với các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, qua huyện Từ Liêm đến quận Hà Đông ở phía Tây Nam thành phố, với nhiều công trình kiến trúc, văn hóa hiện đại, thể hiện tầm vóc Thủ đô Hà Nội đang vươn lên trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.





---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
[1]Bà Nguyễn Thị Bích Thuận - phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, con một viên chức Sở Bưu điện Hà Nội thời Pháp thuộc, người làng Lãng Yên (ô Đống Mác), nay thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đỗ bậc học Thành Chung năm 1941 tại Trường nữ sinh Đồng Khánh - nay là Trường Trung học Trưng Vương, Hà Nội.
[2]Để chuẩn bị việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 29-8-1954, Trung ương Đảng đã kiện toàn Thành ủy Hà Nội, gồm các đồng chí Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Lê Trung Toản, Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa; ngày 6-9-1954, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương cử làm Bí thư Thành ủy kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập theo Quyết định của Chính phủ ngày 17 - 9 - 1954, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, khóa VII, gồm 44 đảng viên (1 đảng viên dự khuyết; Ban Thường vụ Thành ủy gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị là Bí thư; Phó Bí thư là các đồng chí Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Đông).
[4] 4 tiểu đoàn dự nhiệm là của 4 huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Tác chiến ở điểm cao 202 cùng quân dân Lạng Sơn là Tiểu đoàn Đông Anh. Trong trận này, hơn 350 tên xâm lược đã bị tiêu diệt.
[5] Đồng chí Chín Cần, trước là Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lúc đó đang là Bí thư Tỉnh ủy Long An.
[6] Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X bầu Thành ủy mới gồm 55 đồng chí (có 14 ủy viên dự khuyết), do đồng chí Nguyễn Thanh Bình là Bí thư. Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương do tuổi cao không tham gia ứng cử vào Trung ương và được Bộ Chính trị phân công giúp Trung ương Đảng tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.
[7] Điếu văn của Đảng và Nhà nước Việt Nam tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương do đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng đọc ngày 5-5-1995.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment