1 BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”

Thursday, March 22, 2012


Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”


BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
“Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”
do đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày


Kính thưa đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương !
Kính thưa đại biểu gia đình đồng chí Lê Văn Lương!
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý tham dự Hội thảo!

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương, hôm nay Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”. Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương về dự, chỉ đạo Hội thảo; chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và gia đình đồng chí Lê Văn Lương đã về dự Hội thảo. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo thu được nhiều kết quả tốt đẹp!

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, là phên giậu phía đông nam của kinh đô Thăng Long xưa (thủ đô Hà Nội ngày nay), Hưng Yên đã được nhân dân trong và ngoài nước biết đến với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều người con ưu tú, góp sức mình dựng xây đất nước, quê hương.

Thời kỳ dựng nước và giữ nước, quê hương Hưng Yên tự hào có Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân; tướng quân Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám…

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, lịch sử đã ghi nhận những tấm gương ngời sáng của các chiến sỹ cách mạng là những người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, như: cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ Tô Hiệu, Trung tướng Nguyễn Bình, nữ anh hùng Bùi Thị Cúc, …

Một trong những người con ưu tú của quê hương Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận: “có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta” [1][1] Thông cáo của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. là đồng chí Lê Văn Lương.

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nho học, khoa bảng, yêu nước ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Đạo Khang, cụ từng đỗ tú tài, làm huấn đạo, cụ sinh được 7 người con, trong đó có 5 con trai, 2 con gái, cả 5 con trai của cụ đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp từ truyền thống của gia đình, dòng họ và quê hương, ngay từ khi còn là học sinh, đồng chí đã mang trong mình nặng sâu tình yêu quê hương, đất nước, căm thù thực dân xâm lược và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1927, khi mới ở tuổi 15, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Với nhiệt huyết muốn được hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc, tháng 6/1929, khi 17 tuổi, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, đến năm 1930, khi ba tổ chức Cộng sản hợp nhất thành một Đảng, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc thế hệ những đảng viên đầu tiên của Đảng ta.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, bị đầy đoạ khắc nghiệt trong xà lim, án chém, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã tham gia Ban chi ủy chi bộ nhà tù, là một trong những hạt nhân chính trị, người truyền lửa cách mạng cho các đồng chí cùng bị tù đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhiều trọng trách: Cuối năm 1945 đồng chí là Uỷ viên dự khuyết Xứ uỷ Nam Bộ; đầu năm 1946, đồng chí giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo công tác báo chí, xuất bản. Đồng chí là một trong những người được thường xuyên làm việc gần Bác Hồ, được Trung ương và Bác Hồ giao nhiều nhiệm vụ, như: Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tại Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951, đồng chí được vào Ban chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, sau đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Tổ chức và Văn phòng Trung ương Đảng.

Năm 1954, đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo triển khai cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức, phối hợp với cuộc vận động cải cách ruộng đất, đồng chí được cử tham gia Ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất. Đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực giúp Đảng, Bác Hồ xây dựng báo cáo, đề xuất những biện pháp sửa sai về cải cách ruộng đất trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Đồng chí cũng đã nghiêm khắc tự nhận sai sót của mình trong cải cách ruộng đất và xin rút khỏi Bộ Chính trị. Tinh thần nghiêm khắc của đồng chí Lê Văn Lương trong công tác tự phê bình và phê bình được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận và trân trọng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí lại được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Năm 1973, đồng chí kiêm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Đồng chí là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI và khóa VII. Năm 1986, đồng chí được Bộ Chính trị phân công giúp Trung ương tổng kết công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, chăm lo công việc của Đảng, của nhân dân cho đến những ngày cuối đời mình. Đồng chí Lê Văn Lương mất ngày 25/4/1995 tại Thành phố Hà Nội, thọ 83 tuổi.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương cao quý khác.

Trong Lễ truy điệu đồng chí Lê Văn Lương, ngày 5/5/1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trân trọng đánh giá: “... Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương hay ở cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, ở đâu đồng chí cũng nêu gương sáng về lòng tận tụy trung thành, đức cần, kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Bao giờ đồng chí cũng đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sáng của đồng chí gắn liền với sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân... Đồng chí vẫn lo toan việc nước, việc Đảng đến những ngày cuối đời mình”. Là người có vinh dự được công tác gần Bác Hồ từ những năm tháng ở Việt Bắc cho đến ngày Bác đi xa, đồng chí Lê Văn Lương và gia đình luôn được Bác Hồ dành cho những tình cảm đặc biệt. Bác Hồ đã nhận xét:
đồng chí Lê Văn Lương là người kiên định, tận tuỵ, kín đáo, cẩn thận, trầm tĩnh nhưng đi vào nội tâm mọi người với tình cảm chân thành [2][2] Trong bài Bác Hồ với anh Lê Văn Lương của đồng chí Vũ Kỳ..





Cảm phục về tinh thần người cộng sản kiên trung, mẫu mực, chí tình nhà thơ Tố Hữu đã dành tặng đồng chí Lê Văn Lương những vần thơ sâu nặng ân tình:

“Hư vị hư danh không vướng bận
Trung kiên, trung thực vẫn khiêm nhường
Thuỷ chung tình bạn lòng thanh bạch
Sáng mãi đời anh một tấm gương”
[3][3] “Nhớ anh Lê Văn Lương” của nhà thơ Tố Hữu..

Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

Sự nghiệp cách mạng mà thế hệ các đồng chí đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta đặt móng, xây nền đã phát triển xanh tươi và bền vững, trong sự nghiệp đó có sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương.

Sự nghiệp vẻ vang ấy sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau kế tục và phát triển nhằm đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến thắng lợi vinh quang.

Tự hào là miền quê văn hiến và cách mạng, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực cùng cả nước tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát về kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, song được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sau 15 năm tái lập, Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, toàn diện và tương đối vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước bình quân trên 12% năm. So với khi mới tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 50 lần; thu ngân sách tăng gấp 40 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 25 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng (tăng gấp 6 lần). Thu ngân sách của tỉnh năm 2011 đạt 4.248 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp 24% - công nghiệp, xây dựng 45%, dịch vụ 31%. Hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện được nâng cấp và đầu tư xây mới. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày một khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy, dân chủ được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân; cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ.

Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội.

Đạt được những thành tựu nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên luôn tri ân những đóng góp to lớn cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho công cuộc đổi mới đất nước của thế hệ cha anh đi trước, nhất là những người con Hưng Yên đã góp phần làm rạng danh cho đất nước, quê hương, như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Lê Văn Lương…


Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

Để có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm làm rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và cũng như những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; làm sáng rõ hơn nữa phẩm chất cách mạng kiên cường và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, mẫu mực của đồng chí; bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí qua các thời kỳ, đồng thời góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng của các thế hệ cách mạng tiền bối đối với các thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại Hội thảo khoa học này, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung làm rõ một số vấn đề:

Một là, khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Văn Lương đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, làm nổi bật những yếu tố hình thành nhân cách, lý tưởng, tấm gương đạo đức trong sáng của đồng chí Lê Văn Lương: với công việc: tận tuỵ, trung thành, liêm chính, bao giờ cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết; với quân thù: hiên ngang, bất khuất, coi án chém nhẹ tựa lông hồng; với đồng chí: khiêm nhường, chu đáo, gần gũi, thân tình; với bản thân: một tấm gương mẫu mực về tự phê bình, một nếp sống trong sáng, giản dị và khoan dung. Chú trọng đề cập, khai thác những tác động sâu sắc từ truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương đến quá trình hình thành nhân cách, lý tưởng sống của đồng chí, cũng như vai trò, ảnh hưởng, sự giác ngộ cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương đối với gia đình, anh chị em, cháu con trong dòng họ và nhân dân quê hương; động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hưng Yên noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương của các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, tấm gương của đồng chí Lê Văn Lương, đồng sức, chung lòng xây dựng quê hương Hưng Yên giàu mạnh, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Ba là, làm rõ những đóng góp tích cực về tư tưởng, tổ chức của đồng chí Lê Văn Lương đối với các lĩnh vực đồng chí được phân công phụ trách. Đáng chú ý, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4, Đảng ta vừa ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Tổ chức Hội thảo đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học đi sâu phân tích những đóng góp của đồng chí Lê Văn Lương về công tác xây dựng Đảng, thể hiện trong hai tác phẩm “Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng như thế nào?” [4][4] Bài đăng Báo Nhân Dân số 13, ngày 21/6/1951.“Đẩy mạnh công tác Xây dựng Đảng” [5][5] Bài được đăng trên Báo Nhân Dân từ số 14, ngày 26/6/1951 đến số 18, ngày 26/7/1951., giúp cho việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, mỗi tập thể, cá nhân học tập những kinh nghiệm của đồng chí Lê Văn Lương để có những suy nghĩ sâu sắc và hành động sáng tạo trong các lĩnh vực công tác của mình.

Bốn là, trong phần lớn cuộc đời cách mạng của mình, do sự phân công của Đảng, của tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương ít hoạt động trên địa bàn Hưng Yên. Song đồng chí Lê Văn Lương luôn nặng nghĩa, vẹn tình với gia đình, dòng họ và quê hương, luôn quan tâm đến sự phát triển và dành thời gian về thăm quê hương. Trân trọng những tình cảm mà đồng chí Lê Văn Lương đã dành cho quê hương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên nêu cao tấm gương đồng chí Lê Văn Lương, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp tỉnh Hưng Yên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ngoài những nội dung nêu trên, tại Hội thảo này, chúng tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến phát biểu, cung cấp thêm tư liệu về đồng chí từ phía gia đình, dòng họ, và quê hương Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin kính chúc các vị đại biểu, các nhà khoa học và các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

---------------------
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Thông cáo của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
[2] Trong bài Bác Hồ với anh Lê Văn Lương của đồng chí Vũ Kỳ.
[3] “Nhớ anh Lê Văn Lương” của nhà thơ Tố Hữu.
[4] Bài đăng Báo Nhân Dân số 13, ngày 21/6/1951.
[5] Bài được đăng trên Báo Nhân Dân từ số 14, ngày 26/6/1951 đến số 18, ngày 26/7/1951.


 ✯✯ 




0 nhận xét:

Post a Comment