Tô Hiệu – Nhà cách mạng tiêu biểu, người cộng sản kiên trung

Wednesday, March 7, 2012


Kỷ niệm 100 năm Năm sinh Nhà cách mạng Tô Hiệu (1912-2012)

_ Hữu Tính _
Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống cách mạng. Tô Hiệu là một trong số ít nhà cách mạng nổi tiếng của Hưng Yên thời dựng nước. Đọc tiểu sử cuộc đời ông càng thấy ông là nhà cách mạng lớn, chiến sĩ cộng sản tiên phong mẫu mực, kiên cường bất khuất.

Tô Hiệu (1912-1944)




Hiến dâng tuổi trẻ cho cách mạng

Tô Hiệu quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Bây giờ không ai nhớ được ngày sinh chỉ nhớ ông sinh năm 1912. Đến năm 2012 này là vừa tròn 100 năm. Tô Hiệu sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông nội Tô Hiệu là vị đốc học Nam Định đức độ đã bỏ chốn quan trường về làng dạy học. Ông ngoại Tô Hiệu là tướng quân Ngô Quang Huy là một vị danh tướng đã cùng Nguyễn Thiện Thuật đánh Pháp tại vùng Bãi Sậy – Hưng Yên. Có lẽ vì thế mà lòng yêu nước đã thôi thúc ông dấn thân làm cách mạng chống Pháp từ tuổi đời còn rất trẻ.

Lúc 14 tuổi, khi còn học ở Hải Dương, ông đã tham gia phong trào bãi khoá để tang cụ Phan Chu Trinh, vì thế mà bị đuổi học. Tô Hiệu được anh cả Tô Tu đưa ra Hà Nội tiếp tục con đường học vấn. Ở Hà Nội, Tô Hiệu lại tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1929, ông vào Sài Gòn với người anh trai ruột của mình là nhà cách mạng Tô Chấn tiếp tục các hoạt động chống Pháp. Năm 1930, ông bị địch bắt kết án 4 năm tù đày đi Côn Đảo cùng bị giam giữ với các nhà cách mạng Lê Duẩn, Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…Tại nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, Tô Hiệu đã thể hiện khí phách can trường, đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù không khuất phục được chàng trai trẻ yêu nước 18 tuổi xuân. Tại đây, Tô Hiệu luôn kiên cường đấu tranh, ra sức học tập về lý luận cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Năm 1934, mãn hạn tù ông bị địch đưa về quản thúc tại địa phương, tuy vậy ông vẫn không từ bỏ con đường đấu tranh cách mạng.

Bằng mọi hoạt động hợp pháp, Tô Hiệu qua mắt bọn địch tập hợp lực lượng, bồi dưỡng hạt nhân, xây dựng phong trào cách mạng ngay tại quê hương ông và vùng phụ cận. Ông vận động, chọn lựa đưa người tốt vào bộ máy chính quyền địch, để làm lợi cho dân, vận động mọi người góp công góp của để xây dựng trường học cho con em. Trường “Kiêm Bị Xuân Cầu” đã ra đời từ đó, sau cách mạng tháng 8 – 1945 ngôi trường được mang tên trường Tô Hiệu. Năm 1936, ông cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Nọn khôi phục lại Xứ uỷ Bắc kỳ, ông được bầu vào Thường vụ Xứ uỷ. Đầu năm 1938, Tô Hiệu được cử làm Bí thư Liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

Từ năm 1938 – 1939, dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ liên tục phát triển, đặc biệt tại thành phố Hải Phòng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nhà máy, xí nghiệp lên rất cao. Nhiều hạt nhân nòng cốt của phong trào, được ông bồi dưỡng rèn luyện, sau này đã trở thành các cán bộ cách mạng nổi tiếng như: chị Hoàng Ngân – người con gái chợ Sắt trở thành một biểu tượng người phụ nữ Việt Nam thời chống Pháp; bà Trương Thị Mỹ (còn gọi là cô Viếng) nguyên phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kể lại lời căn dặn của Tô Hiệu khi bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản: “Từ hôm nay Viếng đã trở thành đảng viên cộng sản, đã trở thành đồng chí. Viếng hãy mãi mãi xứng đáng với Đảng, với cách mạng”.

Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt và bị bọn thực dân xử tù đày đi nhà tù Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, một lần nữa người Cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu đã thể hiện ý chí kiên cường dũng cảm trước đòn roi tra tấn của địch, tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh chống bọn cai ngục. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La. Ông tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Ông đã biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng. Bọn cai ngục ở đây đã thấy Tô Hiệu chính là mối nguy hiểm tiềm tàng chúng đã giam riêng ông, nhưng bằng mọi cách Tô Hiệu vẫn âm thầm lặng lẽ chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của những người tù cộng sản.

Do đòn roi tra tấn dã man, chế độ nhà tù hà khắc của thực dân cùng với bệnh lao phổi nặng, ngày mồng 7 tháng 3 năm 1944 Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi ông mới 32 tuổi. Lời căn dặn cuối cùng của ông với đồng đội “Các đồng chí hãy cố gắng lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình” khác nào như hồi kèn xung trận.


Một tình yêu bất tử

Năm 1934, sau khi mãn hạn tù ở Côn Đảo trở về và bị quản thúc tại địa phương, nhưng ông vẫn tìm mọi cách hoạt động xây dựng phong trào cách mạng. Lúc này Tô Hiệu đang bị bệnh lao hành hạ. Cụ Ngô Thị Lý là thân mẫu của Tô Hiệu hết lòng thuốc thang chạy chữa cho con. Một điều cụ rất quan tâm là muốn lấy vợ cho Tô Hiệu, cụ dỗ dành thuyết phục nhưng Tô Hiệu nhất mực từ chối. Ông nói với mẹ rằng “vì bị bệnh lao, lại hoạt động cách mạng vào tù ra tội nên không muốn làm ai phải khổ vì mình”. Mặc cho con trai khước từ, thân mẫu của Tô Hiệu vẫn nhờ người mai mối. Cô Tường, vốn là người cùng làng Xuân Cầu, một cô gái hàng xén ở chợ Sắt – Hải Phòng đã được chọn. Biết chuyện, Tô Hiệu đã chủ động viết cho cô Tường 1 lá thư từ chối, khuyên cô không nên yêu mình và đi lấy chồng để có hạnh phúc lâu dài. Nhận được thư cô Tường rất đau khổ, nhưng nhân duyên như trời định, cô Tường càng cảm phục, kính trọng và yêu Tô Hiệu hơn – một tình yêu đơn phương kéo dài theo năm tháng. Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt lần thứ hai và giam ở đề lao Hải Phòng. Biết được tin, cô Tường đã đến tận đề lao thăm Tô Hiệu và rất thương cảm.




Đầu năm 1940, ông bị kết án và đày đi Sơn La. Tình yêu đơn phương đẹp như truyện cổ tích của cô hàng xén Hải Phòng dành cho Tô Hiệu được chính ông kể cho nhà văn Hoàng Công Khanh bạn tù với ông trong nhà tù Sơn La. Ông bảo : May mà địch chuyển ông về Hoả Lò – Hà Nội và đày đi Sơn La, chứ nếu cứ ở Hải Phòng thì cô Tường sẽ còn đến và càng thêm đau khổ.

Khi nghe tin Tô Hiệu hy sinh, cô Tường vô cùng đau khổ. Sau 1945, cô tham gia hoạt động cách mạng, là cán bộ thương nghiệp, suốt đời ở vậy không lấy chồng hương khói thờ phụng Tô Hiệu. Bà đã mất khi tròn 90 tuổi. Con cháu Tô Hiệu luôn ghi nhớ và thường kể cho tôi nghe về một tình yêu cao thượng bất tử và đầy kính trọng của cô Tường dành cho người thân gia đình mình. Ông Tô Điển (Tô Quang Đẩu) nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là em họ và cùng bị tù với Tô Hiệu ở Sơn La cho biết: Năm 1957, ông lấy được một số ảnh của Tô Hiệu lưu tại sở mật thám của Pháp, ông đã gửi tặng cho bà Tường một tấm. Nhận được ảnh Tô Hiệu, ngắm nhìn người xưa, bà Tường đã rất xúc động và làm một bài thơ đẫm nước mắt:

…”Cùng nhau xa cách đã bao đông
Nhìn ảnh càng thêm chạnh nỗi lòng”

Cuộc đời mà được một người con gái yêu đơn phương, chung tình, thờ phụng suốt đời như cô Tường dành cho Tô Hiệu thật hiếm hoi, đáng kính trọng. Tôi nghĩ những phẩm chất cao đẹp, sự kiên trung bất khuất của Tô Hiệu cho sự nghiệp cách mạng, cùng những thiệt thòi trong đời sống của ông đã khiến một người con gái ngưỡng mộ và dành cho ông một tình yêu bất tử như thế.


Ánh hào quang sáng mãi

Một năm sau khi Tô Hiệu hy sinh, đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết bài “ Gương hy sinh - Tinh thần Tô Hiệu” trên báo Cờ Giải Phóng của Đảng, ca ngợi đức độ tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của ông: “Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu”.

54 năm sau, ngày 7 tháng 3 năm 1988, Ban liên lạc nhà tù Sơn La, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên và Sơn La đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Tinh thần Tô Hiệu”. Tên bài báo của đồng chí Trường Chinh đã được đặt tên cho cuốn sách này. Viết lời tựa cho cuốn sách, đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: ”Đồng chí Tô Hiệu là một cán bộ xuất sắc của Đảng. Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc, cho cách mạng thật là to lớn”.

Tôi đã có dịp thăm di tích nhà tù Sơn La, ra thắp hương cho nhà cách mạng Tô Hiệu và các đồng chí của ông tại nghĩa trang này. Tôi thật sự xúc động và khâm phục ý tưởng của kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật khi ông thiết kế nghĩa trang có hình một bóng đèn điện toả sáng. Mộ của nhà cách mạng Tô Hiệu được đặt ở tâm điểm nơi phát ra ánh hào quang. Ánh hào quang đó chính là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng ngay ở trên quê hương ông. Đến nay, làng Xuân Cầu (Văn Giang) là địa phương duy nhất của cả nước có năm người con là đại biểu được dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (1-1951) gồm các đồng chí Tô Duy, Lê Giản, Lê Văn Lương, Trần Bình, Tô Quang Đẩu.

5 người con của quê hương Xuân Cầu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (tháng 1/1951).

Cách đây gần 10 năm, tôi có được may mắn dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày hy sinh của nhà cách mạng Tô Hiệu ngay tại ngôi nhà ông sinh ra và lớn lên. Ấn tượng sâu đậm không bao giờ quên là được nghe những tâm sự, những cảm xúc của cách đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, những bạn tù chiến đấu của Tô Hiệu. Các đồng chí lão thành cách mạng nổi tiếng đó mỗi khi kể về Tô Hiệu đều nhìn vào di ảnh ông và “Thưa anh Tô Hiệu” một cách thân thương kính trọng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng nói: “Tô Hiệu là người thày, người anh được mọi người tin yêu cảm phục”. Đồng chí Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ cho rằng: “Bất kỳ hoàn cảnh nào không bao giờ thay đổi được người anh Tô Hiệu”. Đồng chí Đặng Khánh Côn, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban phát thanh và truyền hình Việt Nam coi Tô Hiệu như một “Ngôi sao đỏ” toả sáng dẫn đường cho đồng đội. Nhà văn Nguyên Hồng vô cùng kính phục đã viết “Tô Hiệu – chính Tô Hiệu qua bao nhiêu cuộc đấu tranh đã đẩy một lên cả một cao trào, làm bọn thống trị ở Hải Phòng như điên cuồng”. Đồng chí Trần Văn Thức, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hải Phòng viết “Tô Hiệu là người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí, người anh em chân tình”. Còn rất nhiều những đánh giá những bài viết ca ngợi nhà cách mạng Tô Hiệu mà nhỏ tôi không thể ghi hết. Tầm vóc, đức độ và sự lan toả ảnh hưởng của Tô Hiệu sẽ còn mãi mãi với thời gian. Ông là một trong số rất ít những nhà cách mạng tiêu biểu được đời sau tiếp nhận và lấy tên ông như biểu tượng của quê hương xứ sở mình, đó là thành phố, những con đường, những trường học, nông trường, xí nghiệp mang tên Tô Hiệu ở khắp mọi miền đất nước.


Hữu Tính
28/02/2012



 ✯✯ 


0 nhận xét:

Post a Comment