Nhân chuyện "cây đào Tô Hiệu", bàn về hư cấu trong truyện lịch sử

Wednesday, February 29, 2012
_ Nhà văn Nguyên Xuân Hưng _


Gần đây, tôi có theo dõi một số bài viết về "cây đào Tô Hiệu", truyện ngắn của ông Nguyễn Anh Tuấn và ý kiến của ông Lại Nguyên Ân.

Trong lời bạt của trang lethieunhon.com, cho biết tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã đi điền dã, thu thập tư liệu và cho rằng cây đào ở nhà tù Sơn La do Tô Hiệu trồng là sự thật. Từ đó ông viết nên thiên truyện về Tô Hiệu. Tôi đã tìm trên mạng, thì truyện ngắn này đăng trên trang trieuxuan.info lại có nhan đề "Tô Hiệu - một số phận kỳ lạ" và cuối truyện đề là 1990.

Vấn đề đáng bàn ở đây là, nếu như việc trồng đào của ông Tô Hiệu là huyền thoại khuyết danh, thì truyện của ông Nguyễn Anh Tuấn là vẽ rắn thêm chân thành rồng thôi thì cũng được, nhưng nếu nó là sản phẩm hư cấu trong tác phẩm của một người khác, thì việc sáng tác văn học, hay viết truyện lịch sử như vậy khó chấp nhận được.

Tôi có lý do để quan tâm đến số phận ông Tô Hiệu (và cũng định viết về ông ấy). Về giai thoại cây đào Tô Hiệu, tôi rất chú ý tìm hiểu xem trong văn bản, chứng thư nào nói về chuyện này sớm nhất, hay nhân chứng nào chứng thực chuyện này.

Trong việc viết truyện lịch sử, để làm nổi bật phong cách nhân vật, phục vụ chủ để, hướng trọng tâm "sức nặng" nội dung vào thông điệp sau câu chữ, nhà văn có quyền hư cấu chi tiết. Đôi khi chi tiết sau khi được bịa ra, khiến người đọc tin rằng nó là thật, thật hơn sự thật. Ví dụ, trong Tam Quốc diễn nghĩa, có hàng trăm chi tiết kiểu như vậy, như Đốc Bưu trong Hán sử chép là do Lưu Bị đánh, trong tiểu thuyết thì lại bị Trương Phi đánh. Rõ ràng, Trương Phi đánh Đốc Bưu có vẻ thật hơn. Hồi những năm sáu mươi, tôi đọc một truyện ngắn trên báo Thiếu niên tiền phong thấy có chi tiết tết năm đó, Nguyễn Huệ ở Bắc Hà, sai kị sĩ mang cành đào vào Huế tặng Ngọc Hân. Có vẻ rất thật. Đến nỗi sau này con tôi kể, trong tiết dạy lịch sử, cô giáo lịch sử cũng nói chuyện đó (như một sự thật lịch sử?).

Cho đến nay, thời gian so với năm xảy ra sự thật lịch sử đã quá xa, khó mà tìm thấy lời giải đáp chắc chắn về vấn đề cây đào Tô Hiệu. Nếu vậy, thì đây tạm coi như một giai thoại, một huyền thoại đẹp. Bất luận cách ra đời của nó như thế nào, do một ông tuyên huấn kể lại, do ý đồ tuyên truyền cộng sản… thì cho đến nay cũng là di sản văn hóa phi vật thể rồi. Câu chuyện ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người bất chấp lao tù. Nhà văn cần hư cấu trên nền huyền thoại như thế nào mà thôi.

Tình tiết Tô Hiệu trồng đào hoàn toàn có thể là hư cấu, mà chấp nhận được, mà có thể tin được. Vấn đề là, nếu nó là hư cấu, thì phải phân biệt rất rõ. Người viết văn càng cần phải phân biệt. Mặt khác, cũng cần phải phân biệt chi tiết lịch sử nào có thể là chi tiết phải tôn trọng, nó như cái đinh neo câu chuyện lại với thời đại đó. Trong câu chuyện của Nguyễn Anh Tuấn, có mấy chi tiết không nên hư cấu, nó làm cho chân dung tinh thần của nhân vật bị vẽ sai lệch đi. Đó là chi tiết về cha mẹ, về gia đình.

Có thể tác giả Nguyễn Anh Tuấn viết câu chuyện về Tô Hiệu vào năm 1990, cho nên trong câu chuyện ca ngợi phẩm chất của người tù cộng sản Tô Hiệu, không khỏi chịu ảnh hưởng của quan niệm về "con người mới" thời đó.

Đến đây, phải mở ngoặc khi nói thế này. Ông Tô Hiệu là người trong họ nhà tôi. Bà nội tôi và cụ thân sinh ông Tô Hiệu là hai anh em ruột. Sự nghiệp của ông Tô Hiệu thì mọi người trong nhà tôi chỉ biết qua sách báo, nhưng thân thế của ông thì bố tôi, các anh tôi biết rất rõ. Tôi cũng trực tiếp tiếp xúc với nhiều người cùng thế hệ ông Tô Hiệu, họ đều phản ứng cái điều sách báo thời xưa nói rằng ông Tô Hiệu sinh ra trong một gia đình "nông dân nghèo". Không đúng. Bây giờ, tôi có thấy trong wikipedia, mục về Tô Hiệu ghi ông sinh ra trong gia đình "nhà nho nghèo" là chính xác. Nhà nho và nông dân khác nhau chứ. Có lẽ chính vì cái lý lịch lưu hành trước đây của ông Tô Hiệu, mà tác giả Nguyễn Anh Tuấn, trong đoạn về mẹ Tô Hiệu, viết thế này:
"Những trưa hè nắng như rang như thiêu, một người mẹ già lọm khọm với cái giỏ bên hông bắt cua cáy ở những thửa ruộng chiêm ngập nước. Mắt anh hoa lên những vòng quáng nắng. Cái chõng tre đã lung lay. Cái phiên nhà đã mọt. Cái chổi cùn trong xó bếp lạnh tạnh… Đất nước nghèo trong bùn lầy, vách nát, buồn trong từng câu ca, trong mỗi cái nhìn và mỗi đường gân trên bàn tay răn deo của người mẹ già. Tô Hiệu thấy sống mũi cay cay…"

Tưởng tượng về gia cảnh và bà mẹ Tô Hiệu quả là hoàn toàn không đúng. Mà không đúng thì diễn biến tâm lý của người con thương mẹ cũng sụp đổ. Tôi được nghe kể lại là, bà cụ là một người tháo vát, nội trị trong gia đình rất giỏi. Khi anh em Tô Hiệu, Tô Chấn bị truy nã, bà cụ vẫn tiếp tục thuê xe tay đi Hải Dương, Hà Nội để "bắt đền". Cái lý của cụ là chúng tôi gửi con cho Nhà nước bảo hộ ăn học, giờ không thấy chúng nó đâu, các ông phải tìm về cho tôi. Bà cụ chắc chắn không bao giờ mò cua bắt ốc ở ngoài đồng. Gia cảnh nhà Tô Hiệu lúc đầu khá, còn tiền cho các con đi ăn học, nhưng sau có sa sút, một phần cũng là do gia đình tội phạm.

Trong các sách về Tô Hiệu, chỉ nhắc đến mẹ, chứ không nhắc đến bố. Có lẽ vì do ông cụ thân sinh ông Tô Hiệu là nhà nho (hình như có làm quan lại nhỏ), và tự tử. Theo các cụ nhà tôi kể lại, đó là do ông cụ chán cảnh bị quan lại, hào lý hạch sách, nhà lại nghèo dần, phải bán dần của cải đi. Có lẽ hồi xưa, viết về người cách mạng thì phải hội tụ những yếu tố được cho là tốt đẹp: gia đình công nông, nghèo, ý chí cách mạng… Chuyện tự tử của người cha không phải giai cấp cần lao là khó chấp nhận trong lý lịch của đồng chí Tô Hiệu?. Chủ nghĩa lý lịch thấm vào các nhà báo, nhà văn chăng? Tôi thì tôi cam đoan rằng, ông Tô Hiệu trong gian lao nhất định phải nhớ cả cha lẫn mẹ. Ông Tô Hiệu nhớ một bà mẹ đi xe tay, nhà khá giả thì chắc nhớ khác với nhớ bà mẹ chân lấm tay bùn mò cua bắt ốc.

Chính vì chi tiết sai sự thật lịch sử này, mà tôi cho rằng, truyện về ông Tô Hiệu đã đăng lại của Nguyễn Anh Tuấn kém giá trị. Thiên truyện ca ngợi sức sống của con người trong lao tù, ca tụng nhân cách một người hy sinh vì tự do, độc lập, đáng tiếc lại bị những giới hạn về nhãn quan một thời vô tình "can thiệp" vào, khiến cho việc dựng lại chân dung Tô Hiệu có phần khiên cưỡng.

Nói thêm về một tư liệu lịch sử: Chúng ta chỉ biết làng Xuân Cầu là làng sinh ra nhiều hào kiệt như Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tô Chấn, Lê Giản… nhưng ít biết làng Xuân Cầu là một làng quê có truyền thống buôn bán, làm nghề. Nghề cổ xưa là nhuộm thâm. Làng có tục săn chuột, thịt chuột mang ra chợ huyện bán. Trong làng có nhiều nhà làm nghề: bánh mỡ, bánh tro, bánh tráng… Người Xuân Cầu đi làm ăn buôn bán khắp nơi, thường có truyền thống sinh sống tụ hội thành một phố, hay quần cư thành một khu vực cạnh nhau, có tinh thần tương trợ nhau làm ăn. Việc này chắc có nguồn gốc gần một nghìn năm hình thành nên làng, trước thời Nguyễn làng có tên là Huê Cầu.

Tại Hải Phòng, phố Hạ Lý thời trước năm sáu mươi thế kỷ trước là phố của người Xuân Cầu. Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có đến một nửa thị trấn là dân Xuân Cầu (Ông Nguyễn Công Hoan đã dạy học và viết nhiều truyện ngắn châm biếm ở phố huyện này, lấy nguyên mẫu nhân vật và sự kiện ở đây). Còn nhiều chi tiết về ông Tô Hiệu ở hai địa danh này mà tôi được biết qua bố mẹ, anh chị. Ông Tô Hiệu bị bắt ở Hạ Lý, chính là tại xóm của người Xuân Cầu.

Tôi thường nghe kể nhà ông Tô Hiệu có ba anh em trai đều đi học trường tỉnh, rồi ra Hà Nội học (ông anh cả ở làng). Người em họ là ông Tô Điển, tức Tô Quang Đẩu, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Khi ông Đẩu còn sống, tôi có nhìn thấy ông ấy nhiều lần đến nhà tôi. Ông Tô Điển chưa bao giờ chứng thực việc bà mẹ đi hỏi vợ cho ông Tô Hiệu. Chuyện gán ghép, "nhìn ngó" đám này đám khác thì trong làng bao giờ cũng có, nhưng đến mức ăn hỏi thì coi như người trong nhà rồi. Chi tiết này cũng không có đâu. Bà Đen sau này là người trông nhà lưu niệm Tô Hiệu, tôi nghe kể bà không phủ nhận, cũng không kể gì về chuyện đó. Tình tiết này có lẽ hư cấu cũng không sao, an ủi cả người đã hy sinh lẫn người còn sống, nhưng tôi biết nhiều người Xuân Cầu thế hệ trước nói dứt khoát không có chuyện đó.

Xuân Cầu ngoài họ Nguyễn, họ Cao, còn có mấy chi họ Tô, xa xôi chắc cũng có chung ông tổ.

Bài này viết nhân kỷ niệm ngày mất của ông Tô Hiệu (7/3/1944), tôi coi như một nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ ông.

30/3/2012


 ❧ ❀ ❧ 



0 nhận xét:

Post a Comment