Nghĩa Trụ - Từ dòng chảy tự nhiên đến thực tế lịch sử

Sunday, October 9, 2011
_ Bùi Thế Quân _

Chúng ta hãy “Lội dòng nước ngược”, hoà mình vào dòng sông Nghĩa Trụ cũng là để tìm lại chính cái vẻ đẹp muôn đời muôn thuở qua các di sản văn hóa.


Nghĩa Trụ – một chi lưu/phân lưu của dòng sông Hồng (tức sông Cái/sông Mẹ/sông lớn) ngậm đỏ phù sa. Đây là một dòng sông cổ, do bồi lấp và trải qua thời gian mà dòng sông này có khúc chỉ còn như một con mương hoặc bị đứt đoạn. Tìm trong sử sách và nhất là khảo sát thực địa, chúng tôi thấy dòng sông Nghĩa Trụ được bắt nguồn từ sông Hồng mà điểm đầu phân lưu thuộc địa phận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1958, khi xây dựng công trình thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải, đoạn này được đào rộng và phải di chuyển một phần dân cư Bát Tràng vào trong làng, trong đó có ngôi chùa Kim Trúc. Như vậy, hiện nay đôi bờ đoạn đầu sông này (tức đoạn công trình thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải) là cư dân của hai xã Bát Tràng và Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm.

Sau đoạn đầu phân lưu/chi lưu này thì dòng Nghĩa Trụ được chia làm hai nhánh lớn. Nhánh thứ nhất chảy vào địa phận tỉnh Hưng Yên, nhánh sông này bị đứt đoạn làm hai. Đoạn thứ nhất chảy qua địa phận Văn Giang, Xuân Cầu, Đồng Tỉnh rồi đổ vào sông Hoan Ái. Đoạn thứ hai ở phía nam tỉnh Hưng Yên, gọi là sông Cầu Cáp hoặc sông Điềm Xá/Mai Xá. Sông bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông (Phan Sào Nam) chảy qua Cầu Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), rồi chảy đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng xuống Mai Xá (Tiên Lữ).

Nhánh thứ hai của dòng Nghĩa Trụ chảy vào địa phận Hà Nội, đi qua địa phận xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) gọi là sông Cầu Chùa (vì ven sông có một ngôi chùa Minh Ngộ), chảy lên đến địa phận xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) được gọi là sông Đào Xuyên (tức sông Đào), theo hồi cố của các cụ cao niên thì ven sông đoạn thôn Đào Xuyên trước đây có trồng nhiều Đào, chảy qua địa phận thôn Lê Xá (xã Đa Tốn) thì hợp lưu với sông Đài Bi tại miếu Cầu Vương (dòng sông Đài Bi bị “chết” vào thế kỷ 18, nay chỉ còn dấu vết là dải đầm chạy dọc hai thôn Khoan Tế và Thuận Tốn thuộc xã Đa Tốn). Tương truyền xưa kia, nơi đây là ngã ba sông sầm uất đông vui. Nhân dân Đa Tốn còn truyền câu ca dao xưa nói về phong cảnh phồn thịnh:

“Cầu Vương có chốn thanh nhàn
Có sông tắm mát có hàng nghỉ ngơi
Tháng tám thì đi xem bơi
Tháng hai xem hội, tháng mười đúc chuông”

Sách Đại Nam nhất thống chí, Nhà xuất bản Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1971, tập 4, trang 83 cho biết:
“Sông Nghĩa Trụ ở cách huyện Gia Lâm 22 dặm về phía đông nam, do nguồn nước ruộng các xã Lê Xá, Phú Thị, Nông Vụ và Cổ Bi đổ xuống... Năm đầu niên hiệu Vĩnh Khánh triều Lê (1727), đê Cự Linh và các xã bị vỡ, triều đình sai Hữu thị lang bộ Lễ, tiến sĩ Hồ Phi Tích đôn đốc việc khai sông để thuỷ chế các lưu thông...”.
Dòng Nghĩa Trụ tiếp tục chảy qua địa phận xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đến đầu địa phận thôn Thạch Kiều (Thạch Cầu) xã Thạch Bàn (nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên) chỗ giao lưu với con đường thiên lý về xứ Hải Đông (Hải Dương, nay là đường quốc lộ số 5) thì được gọi là sông Cầu Bây. Cái tên Cầu Bây chắc là có muộn, vì rằng vào giữa thế kỷ 19, dòng sông này vẫn được gọi là Nghĩa Trụ. Văn bia đợt tu sửa cầu dưới thời Nguyễn Thiệu Trị thứ 6 (1846) hiện còn tại đình Cầu Bây có ghi:
“Trưởng làng, chức sắc cùng mọi người thôn Thạch Cầu, xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh làm bài minh văn ghi lại sự việc. Ruộng đất của làng được phân chia bởi giữa sông Nghĩa Trụ, cầu cũ đã bị đổ. Vào ngày tháng năm Tân Sửu (1841) cùng sửa lại 10 bộ vì cầu đá. Cho đến mùa Hạ năm Bính Ngọ (1846) việc tu sửa hoàn thành, toàn dân mỗi người một chút bằng những tấm lòng đã gom được công đức...”.
Dòng sông tiếp tục chảy qua địa phận Nông Vụ, xã Hội Xá (nay là phường Phúc Lợi) đi ngược lên Lệ Mật, xã Việt Hưng (nay là phường Việt Hưng) rồi nhập vào dòng Thiên Đức (nay là sông Đuống). Đôi câu đối hiện còn tại chùa Lệ Mật (chùa Cổ Giao), nói về vị thế của ngôi chùa, đề rằng:

“Đối diện Thường Sơn phiếu nhật nguyệt
Cận lâm Nghĩa thuỷ tẩy trần ai”
Nghĩa là:
“Đối diện núi Thường khều nhật nguyệt
Gần sông Nghĩa Trụ rửa bụi trần”

Núi Thường là núi gì? thì chưa có điều kiện bàn đến nhưng ở đây, chúng tôi muốn nói đến cái thuỷ danh Nghĩa Trụ và cũng là nói đến điểm kết của dòng chảy này, của nhánh thứ hai trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên thuộc Hà Nội.

Điểm qua một chút cơ bản về dòng chảy địa lý – dòng sông Nghĩa Trụ chẳng qua là cái cớ/cái mở đầu để tìm về quá khứ, tìm về vẻ đẹp muôn đời qua đúc kết của dòng chảy lịch sử. Đó chính là những giá trị có trong bản thân một vài di chỉ, di tích tiêu biểu bên dòng Nghĩa Trụ thuộc địa phận huyện Gia Lâm và quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Như trên đã đề cập, sông Nghĩa Trụ là dòng sông cổ, ngoài chức năng/nhiệm vụ tiêu/cấp nước của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thì nó còn là huyết mạch giao thông chính của người Việt cổ nơi đây. Chính hai bên dòng sông này, người Việt cổ đã từng sinh sống, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Điều này được minh chứng qua kết quả các đợt khai quật khảo cổ học. Địa bàn xã Đa Tốn (Gia Lâm), dấu tích Đông Sơn phát hiện thấy trên một vùng đất khá rộng. Tại di tích “Nghè Cũ” giáp bờ phải sông Nghĩa Trụ, vào năm 1974 đã phát hiện một chiếc thạp đồng thau loại lớn ở độ sâu 30 cm. Khi mới phát hiện, lòng thạp đầy đất; đáy thạp có màu đen của than củi. Thạp còn khá nguyên lành, bề ngoài có màu vàng xám xen nhiều mảng rỉ xanh. Thạp cao 42 cm, đường kính miệng 44 cm, đáy thạp thu vào, đường kính 37 cm. Thạp có đôi quai kiểu mui thuyền. Trang trí trên thạp có 8 băng hoa văn nổi, gồm hai loại vạch: vạch đứng song song và văn tròn có chấm giữa và tiếp tuyến. Đây là hai loại hoa văn trang trí trên trống đồng, thạp đồng, vũ khí và các dụng cụ khác bằng đồng của văn hoá Đông Sơn. Trong khu vực “Nghè Cũ” còn thấy nhiều mảnh gốm thuộc giai đoạn Đường Cồ, Đông Sơn muộn có trang trí hoa văn khắc vạch chéo, song song hoặc in ô vuông... “Tầng văn hoá” ở đây còn thấy nhờ các mặt cắt của thùng lò, có chỗ dày trên dưới 1m. Niên đại của di tích này vào khoảng đầu Công nguyên. Theo dòng Nghĩa Trụ, chạy đến địa phận thôn Lê Xá, ở phía bờ phải chúng ta lại gặp một di chỉ “Nghè ông Hai”. Di chỉ này phát lộ một chiếc rìu đồng lưỡi cong có họng hình chữ nhật. Trên một mặt rìu trang trí nổi hoa văn ô trám lồng và vạch song song. Rìu có chiều dài 9,3 cm; rộng lưỡi 6,4 cm. ở giữa thân rìu có tra chốt hãm, lưỡi rìu có nhiều vết xước lớn, chứng tỏ rìu đã qua thời sử dụng nhiều. Ngoài rìu còn thấy một chiếc dáo đồng kiểu “búp đa”, dài 10 cm nhưng đã hỏng phần họng và mẻ hai rìa lưỡi. Các mảnh gốm cũng phát lộ nơi đây thuộc cùng loại với như ở “Nghè Cũ”.

Khoảng cách giữa di tích “Nghè Cũ” và “Nghè ông Hai”, ở sát bờ trái sông Nghĩa Trụ là di tích “Gốc Đề”. Nơi đây phát lộ hai chiếc dáo “búp đa” còn khá nguyên lành, thường thấy trong các mộ quan tài hình thuyền, niên đại thế kỉ 1-2 sau Công nguyên.
Cũng tại các di tích nêu trên bên dòng sông Nghĩa Trụ còn tìm thấy nhiều di vật của thời văn hoá kiểu Hán – Lục triều - Đường, thuộc 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đó là những di vật như gạch xây mộ kiểu “Hán” có văn hoa trám lồng nổi trên một cạnh, gốm “Hán” in ô trám lồng, đồ bán sứ, bình hũ gốm men rất độc đáo.

Như vậy, đôi bờ sông Nghĩa Trụ dấu tích văn hoá và lịch sử ở 10 thế kỷ đầu Công nguyên còn thấy khá nhiều. Điều đó chứng tỏ trên vùng đất ven sông Nghĩa Trụ có dấu tích hoạt động liên tục của con người. Ở thời đại Hùng Vương đã có nhiều xóm làng quần cư đông đúc. Đó chính là tiềm năng làm nên điểm sáng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà bằng cứ là nghĩa quân của ba anh em họ Đào ở Lê Xá (Đa Tốn), rồi danh tướng Khoả Ba Sơn được thờ ở Xuân Đỗ Hạ (Cự Khối). Những bằng chứng vật chất ấy, những chiến công ấy vẫn được nhân dân ca ngợi, ghi lòng tạc dạ trở thành tấm gương soi, là niềm tự hào cho các thế hệ lưu danh, thờ phụng.

Dấu tích vật chất dưới thời Lý và Trần bên bờ sông Nghĩa Trụ cũng chỉ tìm thấy trong lòng đất ở các di chỉ khảo cổ học trải dài từ điểm đầu chi lưu của dòng sông Cái (sông Hồng) với hai bên bờ của địa phận xã Bát Tràng và Kim Lan, qua Kiêu Kỵ đến Đa Tốn. Bằng kết quả 3 đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực bãi Hàm Rồng, xã Kim Lan vào năm 2001, 2003 và 2005 cho thấy: Di vật ở bãi Hàm Rồng rất phong phú, bao gồm tiền đồng, gạch ngói, vật liệu kiến trúc trang trí, dấu tích lò gốm, bàn xoay, con kê... Ngoài những di vật có từ thời Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 10) thì nhiều và phổ biến là gốm thời Trần và Lê. Các nhà khai quật khảo cổ học kết luận nơi đây là nơi sản xuất gốm vào thế kỷ 13 – 14. Đó là một sự mở rộng phạm vi của trung tâm gốm Bát Tràng. Cũng tại các di chỉ khảo cổ học bên dòng Nghĩa Trụ được phát lộ vào những năm 1984 (di tích Nghè ông Hai) là cây tháp cao khoảng 50 cm có trang trí nổi ở khoảng giữa một hình phật bà quan âm ngồi trên toà sen và các hoa văn trang trí khác mang phong cách nghệ thuật Lý; rồi những phát lộ vào năm 1978 và năm 1982 tại di tích Nghè Cũ là những hiện vật gốm có trang trí hoa văn cánh sen với các thể loại gốm men nâu, âu gốm men ngọc, chậu và bát đĩa men ngà và rất nhiều những hiện vật khác, với các chủng loại khác nhau có phong cách nghệ thuật Trần. Như vậy với những phát hiện và kết quả khai quật khảo cổ học bên dòng sông Nghĩa Trụ như một khẳng định về giá trị to lớn của cái “Thuỷ danh” này là “nhịp cầu” giao lưu giữa các tiểu vùng miền ven sông nước của chốn Kinh bắc xưa hay nó là một huyết mạch giao thông rất quan trọng của khu vực nam phần tỉnh Bắc Ninh. Điều đó cũng quan trọng, nhưng vấn đề đặt ra là con sông tiêu/cấp nước này nó gắn liền với nghề nông, nghề buôn bán thương thuyền xuôi ngược để từ đó đưa ra nhận định về cách ứng xử của con người vùng ven sông nước này thông qua một vài di tích, lễ hội và những nghi thức cộng đồng tiêu biểu.

Như chúng ta được biết, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, triều đình nhà Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống và do vậy vào thế kỷ 15, phật giáo bị chính quyền hạn chế, ngôi chùa không còn điều kiện phát triển. Trước đó, trong cuộc chiến tranh xâm lược, giặc Minh đã tàn phá khá nhiều ngôi chùa. Và như thế, phật giáo bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, ẩn mình nơi thôn dã. Sang thế kỷ 16, nhà Mạc đã mở đầu cho giai đoạn mới. Trên bình diện mỹ thuật, đó là thời kỳ mở đầu của nền nghệ thuật dân gian phát triển. Sự vươn lên của nền kinh tế, trong đó là sự phát triển của thương mại gắn với thương thuyền, với mặt nào đó, tư tưởng được cởi mở hơn, khiến cho các tôn giáo, tín ngưỡng có điều kiện phục hồi và phát triển. Ngôi chùa và các kiến trúc khác đương thời đã phát triển mạnh mẽ dọc theo các đầu mối giao thông đường sông. Trong những con đường giao thông ấy phải nói đến con sông Hồng cùng các chi lưu của nó mà một trong số các chi lưu ấy cũng không ngoại trừ dòng sông Nghĩa Trụ. Dọc theo bờ dòng sông này phải kể đến những ngôi chùa tiêu biểu như chùa Minh Ngộ (xã Kiêu Kỵ), chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn), chùa Cầu Bây (phường Thạch Bàn), chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng) và nhiều ngôi chùa khác.

Nhang án đá chùa Minh Ngộ (đầu TK XVII)

Trước hết chúng tôi xin tiếp cận với ngôi chùa Minh Ngộ. Ngôi chùa này nằm bên bờ trái sông Nghĩa Trụ mà người dân nơi đây gọi là sông Cầu Chùa. Minh Ngộ theo nghĩa Hán tự có nghĩa là trí tuệ, ánh sáng của Phật chiếu rọi để chúng sinh giác ngộ. Quy mô ngôi chùa hiện nay không rộng, chùa quay hướng Tây Nam, phía trước Tam quan có ao sen cách qua con đường dân sinh, sau Tam quan là khoảng đường rộng tiến vào Tam bảo. Phía bên phải là nhà Mẫu, bên trái là nhà Tổ và đối diện nhà Tổ là đình làng được chuyển về cách đây khoảng 20 năm. Kiến trúc hoàn toàn mới và bố cục mặt bằng các hạng mục công trình đã không còn qui chuẩn theo cổ truyền. Duy chỉ còn ngôi Tam bảo có kết cấu chữ “Đinh” và là sản phẩm của nghệ thuật đầu thế kỷ 20, đang xuống cấp nghiêm trọng. Chắc chắn rằng ngôi chùa đã được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20. Về mặt giá trị của kiến trúc coi như sự nhận thức truyền thống đã bị suy lạc. Chúng ta chỉ có thể đọc được ở đây những giá trị thông qua một vài đồ thờ. Ngoài hệ thống tượng tròn được tạo tác có phong cách nghệ thuật thế kỷ 19, thì đáng quan tâm tới pho tượng Hậu bằng đá được đặt tại bên phải toà Tiền đường mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 18, pho tượng gỗ “Chúa Bà” trong tư ngồi “Kiết già hàng ma”, hai tay để úp thẳng trước lòng đùi với bộ mặt khá đẹp, đầu tượng đội mũ với vành “Thiên quan” có những biểu tượng của các đao mác bay lên và các bông cúc nổi khối. Đây là sự kế thừa nghệ thuật thế kỷ 16, 17. Tường bên trái Tiền đường còn gắn một tấm bia, lòng bia đã bị cạo chữ mà thay vào đó là lời văn dưới thời Nguyễn. Trán bia, diềm bia vẫn còn những hoa văn rồng, cúc, cánh sen mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Điều quan tâm nhất ở ngôi chùa này là chiếc nhang án đá, hiện được đặt giữa lòng hai cột cái gian giữa Tiền đường và hai cột cái cái gian đầu Thượng điện. Nhang án có chiều dài 2,9m, rộng 1,1m và cao 1,15m được chia làm ba tầng. Tầng trên được tạo dạng đài sen với hai hàng ngửa và một hàng úp, thân nhang án được chia làm hai, có chia các ô chữ nhật. Trong lòng ô chữ nhật chạm rồng thân thắt túi và rồng thân yên ngựa, hoa cúc, “sừng tê ngọc báu” trong viền lá đề... Đế nhang án dạng úp có chạm các đường viền lượn, hoa văn sóng nước. Nhang án này là sản phẩm nghệ thuật cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Với những đề tài trang trí như hoa văn “sóng nước”, “sừng tê ngọc báu”, chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm của cư dân thương thuyền.


Trước khi tiếp cận với ngôi chùa Đào Xuyên, chúng tôi muốn nhắc lại câu ca dao khá nổi tiếng mà nhiều lần, trong đó tại cuộc hội thảo khoa học về Luy Lâu năm 1998, Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã đọc:

“Lênh đênh hai, ba mũi thuyền kề
Thuyền ra sông Nhị, thuyền về sông Dâu”

Rõ ràng vào thế kỷ 16, 17 với sự phát triển của thương thuyền buôn bán xuôi ngược từ trung tâm Luy Lâu về Kẻ Chợ/ Kinh đô Thăng Long đã cho ra đời câu ca dao ấy để phản ánh sự tấp nập buôn bán, sự giao lưu thông thương bằng đường thuỷ. Trên con đường từ Thăng Long về Dâu/Luy Lâu ấy thì rõ ràng muốn từ sông Nhị/sông Cái/sông Hồng đến sông Dâu tất phải qua sông Thiên Đức/sông Đuống và cả việc đi qua sông Nghĩa Trụ ra sông Đuống về sông Dâu hoặc qua sông Nghĩa Trụ về thẳng sông Dâu qua khu vực Phú Thị, Dương Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm). Chúng tôi xin nhắc lại câu ca dao của người dân Đa Tốn:

“Cầu Vương có chốn thanh nhàn
Có sông tắm mát có hàng nghỉ ngơi
Tháng tám thì đi xem bơi
Tháng hai xem hội, tháng mười đúc chuông”

chùa Đào Xuyên có tên chữ là Thánh Ân (ơn vua hay ơn chúa), chùa quay hướng Đông Nam, nằm bên bờ sông Nghĩa Trụ, nhìn ra cánh đồng bao la lộng gió (tức Đa Tốn) và dòng sông Nghĩa Trụ quanh năm đầy nước. Ngôi chùa này được tôn thêm cảnh đẹp của sông nước và cây cỏ. Đôi câu đối còn lưu tại chùa có đề:

“Ban sinh thảo thuý lan minh thú
Hậu sắc thanh phong bạch nhật gian”
Nghĩa là:
“Nơi đây cỏ biếc lan thơm ngát
Sắc đượm gió đưa giữa ban ngày” 

Không chỉ có vậy, chùa được dựng trên một thế đất được coi là ‘‘Cổ tích danh lam’’. Trong bài minh của văn bia lập năm Đức Long thứ 7 (1635) có đoạn:
“Đất Bắc nước Việt, có chùa Thánh Ân, nhân bồi nền cũ, xưa có hình kim, thời thế đã lâu, cột tường xiêu vẹo, có Hoàng nội phủ, lòng thành mến thiện, xẻ cây đào gỗ, đốc thúc công trình, quy mô hoành tráng, chế độ nguy nga, ngầm giúp vận nước, phúc khắp chúng sinh, công ấy đức ấy, khắc đá làm minh”.
Cũng trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa được tu sửa nhiều lần, đến nay chúng ta chỉ đọc được những giá trị ở những hiện vật thông qua hệ thống tượng thờ. Hệ thống tượng ở đây chủ yếu có niên đại Nguyễn (thế kỷ 19) nhưng điều đáng quan tâm là pho tượng Quan âm toạ sơn mang phong cách nghệ thuật Lê (thế kỷ 17) đặt tại gian bên phải nhà Tổ và đặc biệt là pho tượng Quan âm Nam hải đặt ở trung tâm phật điện. Có khả năng, khởi nguyên chùa chỉ thờ Quan âm Nam Hải mà câu minh ‘‘Chùa cũ hình kim’’ như một minh chứng. Tượng Quan âm Nam hải ngự trên đài sen, phía dưới có Ô Nan Đà Long Vương dạng quỷ đầu rồng nhô trên mặt biển đội lấy đài sen như sự khẳng định thế giới bên dưới quy y Phật Pháp. Tượng có 42 tay lớn và 652 tay nhỏ, các tay nhỏ được phân bố 5 lớp mọc theo từng cặp cân xứng hai bên sườn. Các đôi tay ấn quyết khác nhau, đôi tay trên cùng đỡ lấy mặt trăng, mặt trời như sự đề cao Phật Pháp, đôi tay chính ấn quyết ‘‘Liên hoa hợp chưởng’’. Ngoài những hoa văn chạm khắc như đài sen, hoa cúc thì còn có biểu tượng “Sừng tê ngọc báu”, hoa văn “sóng nước”. Chính nhờ vào bố cục tạo tác, các hình tượng, hoa văn chạm khắc cho thấy đây là sản phẩm của nghệ thuật Mạc (thế kỷ 16).

Tượng Quan âm Nam Hải (Thời Mạc - TK XVI)

Xuôi dòng Nghĩa Trụ, đến địa phận Thạch Bàn, chúng tôi được tiếp cận ngôi chùa Cầu Bây. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc (tức điều phúc của trời ban xuống cho con người). Ngôi chùa này cũng không còn giữ lại được kiến trúc khởi nguyên, kiến trúc chỉ còn là sản phẩm của nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Chúng ta chỉ đoán định niên đại khởi dựng của ngôi chùa thông qua tấm bia đá niên đại Hoằng Định thứ 10 (1609). Tấm bia này đã có thời bị ‘‘phiêu bạt’’ ở cánh đồng gần chùa, năm 2006 do chính chúng tôi mang về chùa để khảo cứu tư liệu bổ sung cho việc xếp hạng di tích. Nội dung văn bia cho biết năm Đinh Mùi (1607), sư trụ trì đã cho hưng công tu tạo tả hữu hành lang, tiền đường, án tiền, làm mới tượng các toà. Như vậy có khả năng chùa được khởi dựng vào thế kỷ 16. Năm 1797, chùa đúc lại chuông lớn. Nội dung bài minh chuông có ghi:
“Thượng Đức Chân đà Tỳ kheo sa tăng tuỳ nhân vịnh tự Đạo trị pháp Huệ Vũ thiền sư. Trước kia trụ trì ở chùa Phúc , Tổ sư tự là Huệ Viên truyền cho con trai tự là Huệ Nương đến Thiền sư Chí Thử truyền về bản thôn là Hoàng thiền sư tự là Huyền Tiên hiệu đạo là Huệ Tăng hưởng thọ 84 tuổi, truyền cho con trai tự là Đức Trọng hiệu đạo là Huệ Dung thiền sư hưởng thọ 73 tuổi, truyền lại cho con trai trụ trì tại chùa Phúc. Hoàng Đức Tông tự là Pháp Linh hiệu đạo là Huệ Vỹ được 66 năm, tiếp sau là con trai Hoàng Đức Lượng tự là Phổ Tế hiệu đạo là Huệ Hồng phát con trai là Hoàng Nguyên, Hoàng Thượng, Hoàng Đổ cùng tu ở chùa…”
Đây là một chi tiết hiếm thấy và có phần xa lạ với các kiếp tu hiện nay, đó là: Sư có vợ, thậm chí lại còn cha truyền con nối. Trước đây chúng tôi cũng đã đôi lần thấy hiện tượng này nhưng không phải thấy ghi quá kỹ như ở đây. Chi tiết này như gợi ý về một dòng tu thiền đã từng phổ biến ở nước ta trong hàng nghìn năm, đó là dòng Vinitaruci khi đã có sự chuyển hoá để hoà với thiền định mật tông (Tantra), một hệ phái coi trọng cái đức tĩnh dục để đạt đạo, nhưng sau đó kẻ hành giả có thể tự cho cái quyền sử dụng cử chỉ gắn với dục tính để thức tỉnh con rắn tính khí Kundaini, gọi nó vươn lên não bộ phối hợp với "nguồn sống" có nghĩa là sự phối hợp vũ trụ hoá giữa thần linh với chính tinh khí của người biểu hiện.

Bỏ qua các điểm bên đôi bờ Nghĩa Trụ, chúng tôi dừng chân tại một danh lam khá nổi tiếng và cũng là điểm cuối của dòng sông này trước khi nó nhập vào dòng Thiên Đức xưa, đó là cụm di tích đình, chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Trước hết là ngôi đình Lệ Mật, ngôi đình này được khởi dựng từ bao giờ thì chưa biết nhưng cách đây khoảng 100 năm, nó được chuyển về vị trí như hiện nay, trong khu vực của ngôi chùa cũ mà bằng chứng là nó tái sử dụng hệ thống chân tảng cột chùa. Những chân tảng đá có những cánh sen với đường nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật Lê (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18). Những cánh sen này như nói rằng: “8 vạn 4 ngàn pháp môn qui về một cội”. Đình Lệ Mật tôn thờ ông Hoàng Quý công, có công đánh giảo long cứu xác công chúa nhà Lý trên sông Thiên Đức. Ngoài sự tích, những ý nghĩa vượt lên trên hết là việc chống thuỷ quái, trị thuỷ tặc của cư dân nơi đây, nó còn minh chứng rằng xuất thân của con người này đại diện cho một cư dân nông nghiệp và thoáng đâu đó có nghề chài lưới. Chúng tôi nhận diện được như vậy ở khía cạnh sau:
Một là một cư dân ven sông nước làm nghề nông, cái đáng sợ nhất là thiên tai, lũ lụt mà vùng đất Lệ Mật là vùng chiêm trũng. Việc đánh thuỷ quái cũng như hình tượng kiếm của Thần mang yếu tố dương, gắn với lửa, chứa đựng một siêu lực vô bờ bến, được đồng nhất với sấm chớp. Một trong những quan niệm chung của nhiều cư dân trên thế giới là kiếm chém xuống nước được coi như sấm sét đánh xuống thuỷ quái, mang nghĩa của một hình thức chống lụt. Tất nhiên hình thức dùng kiếm thần chém thuỷ quái không chỉ gắn với riêng ông Hoàng Lệ Mật mà còn liên quan tới rất nhiều thần linh khác, như cả Trấn Vũ, Linh Lang, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi.
Hai là, người anh hùng làng Lệ Mật có xuất thân của cư dân chài, rất giỏi bơi lặn. Mà sự tích “Chém giảo long” cho thấy quan quân triều đình không đủ khả năng để tìm xác công chúa, chỉ có người Lệ Mật thuần thục sông nước để mà “sống chung với lũ” trên tinh thần trị thuỷ.

Chuyển sang ngôi chùa Lệ Mật (chùa Cổ Giao) đã bị dịch chuyển trong đợt chuyển đình về vị trí nêu trên. Xưa kia, chùa có quy mô rất hoành tráng. Văn bia tại chùa lập năm Bảo Thái thứ 4 (1723) ghi lại rằng:
“Xã ta vốn có núi đẹp, vốn có mạch nguồn, thật là đất phúc. Phía trước hướng Chu Tước (hướng Nam), phía sau hướng Huyền Vũ (hướng Bắc) tám ngả chầu về, tay trái là Bạch Hổ, tay phải là Thanh Long, bốn thần bao bọc, cảnh tượng dân chúng thái bình, gắn bó mãi mãi. Đào Nhân Thọ chứng vận mệnh trời lấy ruộng chia cho mọi người canh tác, đời sống nhân dân được hưởng phúc thái bình. Có chùa Cổ Giao là danh lam từ xa xưa đã bị nghiêng đổ, mọi người may gặp phủ sĩ sở Hoa Lâm là Khả Văn Tài tự là Phúc Hải, vợ là Lương Thị Ổn hiệu là Từ Niệm đã không tiếc gia sản tự nguyện bỏ ra công đức 40 quan tiền, 5 sào ruộng tốt để mua gỗ tốt làm cột kèo tu bổ chùa. Do vậy mà phật pháp nguy nga, người vật yên ổn. Nhân đó bản xã nguyện lập Khả Văn Tài tự là Phúc Hải, vợ là Lương Thị Ổn hiệu là Từ Niệm làm hậu phật được cúng tế trong chùa. Cứ ngày sóc vọng (rằm, mồng một) và các tết được dâng hiến trang nghiêm”.
Cũng như nhiều ngôi chùa nêu trên, đáng quí nhất ở chùa Lệ Mật còn lưu giữ bộ tượng Tam thế phật được tạo tác ngồi trên đài sen trong tư thế “Kiết già hàng ma”, mỗi pho tượng có ấn quyết khác nhau như pho giữa ân quyết Thiền định “Sâmmachi”, pho bên phải ấn quyết “Gia trì bổn tôn” và pho bên trái ấn quyết “Vô uý”. Tượng có khuôn mặt trái soan, trước ngực có dải “anh lạc”, dưới đài sen là bệ có tạo tác biểu tượng rồng trong lòng lá đề. Đây là sản phẩm của nghệ thuật tạo hình cuối thế kỷ 16, đầu 17.
Chỉ điểm qua vài di tích tiêu biểu nêu trên cũng thấy rằng trong giai đoạn thế kỷ 16 – 17 và cả sang đầu thế kỷ 18 thì dòng Nghĩa Trụ đã được khai thác mạnh mẽ một chức năng hết sức quan trọng, đó là huyết mạch giao thông đường thuỷ, thông thương thương mại. Những di tích bên bờ sông được ra đời trong giai đoạn này mà đặc biệt là những ngôi chùa thờ Quan âm Nam hải như vừa là minh chứng nhưng đồng thời nó là hệ quả của bối cảnh xã hội đương thời.

Trong quá trình khảo sát thực địa trên địa bàn quận Long Biên, chúng tôi thấy rằng sông Nghĩa Trụ còn có các chi lưu nhỏ mà nay chỉ còn là con mương nhỏ hoặc dòng lạch, hoặc chỉ còn tồn tại trong ký ức của người dân địa phương. Những chi lưu nhỏ này tiêu nước từ các khu vực làng quê và những cánh đồng rồi đổ ra sông Nghĩa Trụ. Điều đáng chú ý là bên cạnh các dòng lạch ấy xuất hiện các di tích thờ Linh Lang. Đó là những ngôi đình Ngô, Cầu Bây (phường Thạch Bàn), Thổ Khối (phường Cự Khối), Nha, Trạm (phường Long Biên), Trường Lâm (phường Việt Hưng), Sài Đồng (phường Phúc Đồng)... Và, trong các lễ hội đó còn có những trò diễn, những nghi thức dân gian gắn với việc cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp ven bờ sông Nghĩa Trụ này.
Nổi bật trên hết của những trò diễn, những nghi thức cộng đồng ấy là trò kéo co ngồi, tục “Chạy ngựa” và “Chém lợn” tại đình Cầu Bây (Thạch Bàn) hay múa “Lột rắn” ở đình Trường Lâm (Việt Hưng) và gần đây tại lễ hội đình Nông Vụ (phường Phúc Lợi) vào dịp mồng 10 tháng 2 lịch trăng lại có tục “Mổ trâu”. Trâu được tắm rửa sạch sẽ sau đó chọc tiết rồi đem thui để tế thần. Đáng chú ý là “Bát mao huyết” mà theo các già làng Nông Vụ kể lại thì trước đây tiết trâu được cho vào trong một ống tre/nứa rồi bỏ vào ít lông được lấy từ khoáy trâu dâng tế thần chứng giám, sau đó đem chôn ở một ngôi miếu phía sau đình. Chúng tôi ngờ rằng miếu này là miếu thờ Thổ địa. Việc đem chôn bát mao huyết ở miếu thổ địa cũng như đem chôn trước bức bình phong (có tượng hổ) là gợi ý cho Thổ thần hãy theo cách gợi ý của chúng dân mà mở mang sản xuất đem đến mùa màng bội thu.

Suy cho cùng những trò diễn, những nghi thức cộng đồng của các làng quê ven dòng Nghĩa Trụ là sự hội tụ những điều tốt lành của lịch sử, những ứng xử của con người trước sông nước, mà một khi nó được thiêng hoá thì Linh Lang là hiện thân của thần tiêu thoát nước và Linh Lang lại là sự thiêng hoá của dòng Nghĩa Trụ đầy tính lịch sử này.

Giờ đây những nghi thức ấy, những trò diễn ấy tuy đã bị biến đổi nhiều, vì ý nghĩa khởi nguyên dần bị suy lạc hoặc có nơi mới bước đầu khôi phục lại. Nhưng, trên tinh thần đó chúng ta thấy rằng từ xa xưa cho đến bây giờ, những cư dân bên dòng sông Nghĩa Trụ đã tạo nên những giá trị truyền thống hết sức phong phú. Đó là việc khai thác dòng sông thành con đường huyết mạch, việc ứng xử với thiên nhiên trong việc trị thuỷ và cả việc mở mang sản xuất mà chủ yếu là nông nghiệp nhưng bên cạnh đó có phần nào phát triển thương mại.

Giờ đây những nghi thức nông nghiệp đã chìm trong vô thức mà những diễn xướng dân gian vẫn là phần hữu thức không thể thiếu của đời sống tâm linh. “Lội dòng nước ngược”, hoà mình vào dòng sông Nghĩa Trụ cũng là để tìm lại chính cái vẻ đẹp muôn đời muôn thuở./.

Bùi Thế Quân



Bài cũng được đăng với tên: "Một dòng sông cổ với di sản văn hóa" tại trang Web: UBND Quận Long Biên Thành phố Hà Nội, 10/04/2013.

3 nhận xét:

Tô Thắng said...[Reply]

Sông Nghĩa Trụ: Ở địa phận các xã Lê Xá, Phú Thị, Nông Vụ và Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nước ở ruộng bốn xã trên đỗ ra, khi chảy đến địa phận xã Xuân Cầu thì hợp làm một dòng, rồi chia thành ba chi: một chi chảy qua địa giới huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương làm thành sông Đạo Khê chảy suốt ra cửa biển Thái Bình; một chi từ sông Đạo Khê chảy qua địa phận huyện Cẩm Giàng làm thành sông Vân Đậu chảy vào sông Hàm Giang rồi đổ vào biển; một chi về phía nam chảy vào địa giới huyện Đông An làm thành con sông nhỏ Đông Xá hợp vào với sông Nhị.

Theo: K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c - Chính Biên - Quyển thứ 37

Tô Thắng said...[Reply]

Sông Nghĩa Trụ
Sông Nghĩa Trụ bắt nguồn từ sông Hồng, do bồi lấp, hiện nay gồm 2 đoạn cách xa nhau. Đoạn đầu bắt nguồn từ Gia Lâm chảy qua địa phận Văn Giang, Xuân Cầu, Đồng Tỉnh rồi đổ vào sông Hoan Ái. Đoạn này khi xây dựng công trình thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải được đào rộng, gọi là sông Kim Sơn, có tác dụng tiêu nước và cung cấp nước cho huyện Văn Giang và cả tỉnh Hưng Yên
Đoạn thứ hai ở phía Nam của tỉnh, gọi là sông Cầu Cáp hoặc sông Điềm Xá, Mai Xá. Sông bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông (Phan Sào Nam) chảy qua Cầu Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), rồi chảy đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng xuống Mai Xá (huyện Tiên Lữ). Sông có tác dụng tiêu và cung cấp nước cho huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ.

Theo: Tri Thức Việt

Anonymous said...[Reply]

https://dienbatnblog.blogspot.com/2019/02/luoc-khao-than-tich-cua-lang-ong-tinh_27.html

Post a Comment