Quê hương trong khói thuốc (Trích)

Sunday, September 11, 2011
_ NAM ĐAN _

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Thật là lạ khi người xưa lại nhân cách hóa và ví von thuốc lào với một con người để mà thương nhớ. Mà cái tình ấy lại chừng như quá sâu quá đậm. Khi người ta dùng đến từ “chôn” là có vẻ như người ta muốn dứt khoát, muốn đoạn tuyệt vĩnh viễn với một điều gì đó. Chôn như chôn cất một mối tình, hay chôn vùi một dĩ vãng, vào tận đáy lòng chẳng hạn. Đau đớn lắm nhưng cũng dứt khoát lắm. Nhưng tuy đã chôn chặt như vậy mà dường như người ta vẫn biết rằng mình không chịu đựng được nỗi niềm nhung nhớ, không chịu nổi nỗi chia lìa kia. Chính vì vậy người ta không đập vỡ hẳn điếu bát đi, mà chỉ chôn nó xuống đất, vì đã tiên liệu rằng một buổi chiều nào đó không cầm được lòng lại sẽ phải đào “cố nhân” lên.

Ngày xưa chưa có thuốc lá nên thuốc lào chiếm lĩnh toàn phần, và chỉ hiện diện ở Việt Nam nên còn được phong cho danh phận là loại thuốc “quốc hồn quốc túy”. Với người sính chữ, thuốc lào còn được gọi một cách âu yếm, văn vẻ là “tương tư thảo”.

***

Khởi thủy, theo truyền thuyết được kể lại rằng, một vị tướng mang quân đi đánh xứ Ai Lao đã tìm thấy loại lá thuốc dùng để hút này rồi mang về đất Việt trồng. Xứ sở Ai Lao còn gọi là xứ Lào, vì thế loại thuốc lá này được gọi là thuốc lào để ghi lại xuất xứ.
Vùng đất đầu tiên người ta gieo trồng thuốc lào là vùng Đồng Tĩnh ở miền Bắc. Ca dao ngày xưa còn có câu:

Ai về Đồng Tĩnh, Huê Cầu
Đồng Tĩnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm

Về sau tương truyền rằng một số cô thôn nữ ở vùng Đồng Tĩnh sánh duyên cùng các chàng trai xứ Vĩnh Bảo. Và khi theo về quê chồng, họ mang giống thuốc và những kinh nghiệm trồng bón theo như món hồi môn. Vĩnh Bảo là đất gần biển, phong thổ rất hạp nên thuốc trồng ở đây rất tốt và có vị thơm đậm đặc biệt. Về sau, qua những người buôn hàng chuyến, thuốc lào trồng ở Vĩnh Bảo lại được vận chuyển về Đồng Tĩnh để được gia giảm chế biến và đóng thành từng bánh phân phối đến Hà Nội và khắp các nơi. Kỹ thuật ướp tẩm phơi phóng thường do gia truyền từ đời này sang đời khác. Theo thời gian, ở đó hình thành những làng nghề chế biến thuốc chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam. Có bà lão theo nghề từ khi còn là cô bé 13 tuổi cho đến nay đã trên 70, bà không hút nhưng lại có khả năng thẩm định chất lượng thuốc bằng khứu giác, và chỉ dùng tay sờ vào cũng biết được độ ẩm cũng như các yếu tố quan trọng khác của thuốc.

Trong Nam, Cái Sắn cũng là một hiệu thuốc lào có tiếng...


1/2005

NAM ĐAN


0 nhận xét:

Post a Comment