Chuyện về hai anh em họ Tô

Saturday, May 14, 2011
_ Bài của Đặng Trí Nghiêm _
Đầu năm 1930, thực dân Pháp ráo riết đàn áp các phong trào cách mạng yêu nước của nhân dân ta. Đảng trưởng Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) – Nguyễn Thái Học bị xử tử. Để trả thù cho VNQDĐ và phát động phong trào cách mạng, Tô Chấn (người được đề cử thay Nguyễn Thái Học) cùng Tô Điển thực hiện kế hoạch mưu sát 2 tên toàn quyền Đông Dương và Nam Dương (Indonesia).

Họ cùng sinh ra và lớn lên tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, Hưng Yên. Tô Chấn sinh năm 1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng giàu truyền thống yêu nước. Ông nội là Tô Ngọc Nữu làm Đốc học Nam Định. Ông ngoại là Ngô Quang Huy, Đốc học Bắc Ninh, được vua Hàm Nghi phong tước Tán Dương quân vụ cùng với Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Các anh em của ông đều tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Người em út là Tô Hiệu cũng tham gia cách mạng từ năm 1929, rồi hy sinh tại nhà tù Sơn La. Năm 1925, Tô Chấn tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Bộ, đến năm 1927 tham gia VNQDĐ và trở thành một đảng viên cốt cán, rồi được cử làm Đảng trưởng kỳ bộ Nam Kỳ. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Tô Chấn được đề cử thay Nguyễn Thái Học, rồi lập ra kế hoạch mưu sát 2 tên toàn quyền Đông Dương và Nam Dương.

Tô Quang Đẩu (tức Tô Điển) – luôn là người bạn, người đồng chí thân tình, đồng cam cộng khổ, san sẻ mọi toan tính trong những kế hoạch hoạt động của Tô Chấn. Tô Quang Đẩu là em họ, kém Tô Chấn hai tuổi. Hai người từ nhỏ đã rất hợp và chơi thân với nhau. Tô Quang Đẩu sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, đánh máy chữ cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng, sau đó chuyển sang hiệu Xuân An bán hàng tạp hóa ở Kinh Môn, Hải Dương. Tại đây, Tô Quang Đẩu đã tham gia phong trào đòi để tang cụ Phan Chu Trinh. Rồi ông lên Hà Nội làm thợ xếp chữ cho nhà in Ngô Tử Hạ, ở cùng Tô Chấn và Tô Hiệu. Ông có điều kiện tiếp cận nhiều sách báo cách mạng. Thấm nhuần tinh thần yêu nước, ông và Tô Chấn, Trần Huy Liệu vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong VNQDĐ, tham gia truy điệu cụ Lương Văn Can, bán sách tuyên truyền chính trị của Hội „Duy Tân thư xã” do Trần Huy Liệu sáng lập.

Năm 1929, sau cuộc bạo động ở Yên Bái bị thất bại, ông Trần Huy Liệu bị bắt, ông Tô Chấn lên thay làm Đảng trưởng Nam Kỳ. Lúc này tình hình rất rối ren, một số Đảng viên còn lại của VNQDĐ ở ngoài Bắc như Cô Giang, Cô Bắc, Cô Thành vv... triệu tập Tô Chấn ra Hà Nội họp bàn việc cải tổ VNQDĐ. Trong cuộc họp, ông Tô Chấn đã phân tích, đánh giá tình hình thực dân Pháp đang khủng bố mạnh, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, phong trào nhiều nơi bị xẹp. Do vậy nhân dịp tên Toàn quyền Nam Dương – Degreff sang Việt Nam gặp tên Toàn quyền Đông Dương – Pasquier để bàn kế hoạch chống phá cách mạng, ta sẽ thi hành một bản án đối với chúng và cũng là để phát động phong trào. Ý kiến của Tô Chấn được tổ chức tán thành và qui định phân công việc ám sát. Theo kế hoạch, nếu tên Toàn quyền Nam Dương đến miền Bắc trước, thì bộ phận ở Hà Nội do Cô Giang thi hành. Nếu hắn sang miền Nam trước thì bộ phận miền Nam do Tô Chấn thi hành. Trong thời gian đợi hắn sang, công việc cả hai nơi đều được chuẩn bị tích cực. Nhưng vài ngày sau hội nghị của VNQDĐ, thực dân Pháp đem Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính ra xử tử. Vì Cô Giang và Nguyễn Thái Học đã thề nguyền với nhau là „đồng sinh đồng tử” nên sau khi báo chí đưa tin ấy đã gây xúc động rất mạnh. Cô Giang liền mang súng lục về Vĩnh Tường (Vĩnh Yên) tự sát để giữ chọn chữ tín, giữ lòng chung thủy với người đồng tâm đồng chí, để lại nhiệm vụ lớn lao chưa thực hiện được. Tiếp theo, một số đảng viên còn lại của VNQDĐ ở Hà Nội đều bị bắt. Bởi vậy, bộ phận Hà Nội không có điều kiện thi hành bản án nên bộ phận miền Nam do Tô Chấn – người có trách nhiệm cao nhất của VNQDĐ được đề cử thay Nguyễn Thái Học phải tự lo toan để hoàn thành nhiệm vụ. Tô Chấn đã triệu tập, họp bàn số ít các đồng sự còn lại, đi các nơi tập hợp lực lượng, kêu gọi các nhân sĩ, trí thức có tâm huyết với quốc gia hưởng ứng phong trào, ủng hộ nhân tài, tiền bạc (vì lúc này Đông Dương đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế). Mặt khác sau cuộc bạo động ở Yên Bái thất bại là cuộc nổi dậy của nông dân Nghệ Tĩnh nên thực dân Pháp khủng bố và truy lùng các chiến sĩ cách mạng rất gắt gao, do đó tổ chức cũng gặp nhiều bất lợi lớn. Về vũ khí phải lo mua được khẩu súng lục và tự chế một quả bom. Mua súng là vấn đề vô cùng khó khăn, còn làm bom không quá khó vì thuốc nổ đã có công thức của Trịnh Văn Yên. Công nhân cơ khí được giao tiện lắp chế tạo vỏ bom, chỉ cần có tiền và có người tháo vát, khôn khéo đi tìm mua nguyên liệu. Theo như tin tức của báo chí đương thời thì tên Toàn quyền Nam Dương – Degreff sẽ đến Hà Nội trước. Được tin đó, Tô Chấn và Tô Quang Đẩu cấp tốc đi tàu ra Hà Nội. Tô Quang Đẩu trong vai một điền chủ giàu có, với y phục sang trọng đi toa hạng nhì đắt tiền (92 đồng Đông Dương), đem theo vali và chăn gối (bom và truyền đơn để trong gối). Tô Chấn trong vai một thường khách đi toa hạng tư rẻ tiền hơn để tránh sự nghi ngờ của bọn mật thám, mặt khác do tiền bị hạn chế. Chỉ đi xe lửa từ Sài Gòn đến Nha Trang, sau đó phải đi ô tô ra Đà Nẵng và tiếp tục đi xe lửa từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Dọc đường an toàn, đến Hà Nội vào lúc 5 giờ sáng, bỗng có bọn mật thám lên khám xét, chúng lùng sục đến toa hạng nhì, Tô Quang Đẩu nhanh trí vội quặp chiếc gối lên tay rồi để mặc chúng khám. Không phát hiện được gì, chúng bỏ đi.

Tô Quang Đẩu về nhà người anh họ là Tô Tu (anh ruột Tô Chấn) ở số nhà 107, phố Hàng Bông. Còn Tô Chấn đến ở trong một gian phòng thuê ở phố Phủ Doãn, rồi bắt liên lạc với đồng chí Phiếm Chu (tức Đỗ Ngọc Du) là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tô Chấn đặt vấn đề với đồng chí Phiếm Chu về chủ trương ám soát Toàn quyền Đông Dương. Nghe xong, đồng chí Phiếm Chu không đồng tình và giải thích: „Chúng ta làm cách mạng là để đánh đổ cả chế độ thực dân, chứ ta ám sát thằng này, nó sẽ cử thằng khác thay. Giết nó đi để chấn động phong trào thì trái lại nó càng khủng bố mạnh, càng tăng cường bắt bớ tù đày, chém giết làm cho quần chúng hoảng sợ, phong trào sẽ suy sụp thì có lợi gì cho cách mạng, cho nhân dân?”. Sau cuộc trao đổi với đồng chí Phiếm Chu, Tô Chấn trở về bàn bạc với Tô Quang Đẩu. Hai người thống nhất với quan điểm của Đảng Cộng Sản Đông Dương nên đã hủy bỏ kế hoạch thi hành bản án tử hình đối với hai tên Toàn quyền, rồi đem bom và truyền đơn ném xuống Hồ Tây. Vậy mà bọn mật thám vẫn lần ra dấu vết và bắt được Tô Chấn tại Bệnh viện Phủ Doãn rồi kết án tử hình trong một phiên tòa xử kín. Nhưng với những lý lẽ sắc bén, Tô Chấn đã tự bào chữa cho mình, mặt khác cũng vì lý do bọn thực dân cáo già không muốn làm rùm beng, gây bất lợi cho chúng. Bởi vậy, án của Tô Chấn được giảm xuống chung thân và bị đày đi Côn Đảo vào cuối năm 1930. Ra đến Côn Đảo bị giam trong khám tù nguy hiểm trong banh 1 cùng với đồng chí Lê Văn Lương, Tô Chấn nhanh chóng chuyển sang Đảng Cộng Sản, rồi hăng hái tham gia ban lãnh đạo nhà tù cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng. Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, Tô Chấn luôn là người giữ trọng trách giảng dạy, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin cho các đảng viên và có những sáng kiến xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng. Đầu năm 1936, Chi bộ nhà tù tổ chức vượt biển để tung cán bộ về đất liền gây dựng lại phong trào. Đồng chí Phạm Hùng mới đầu được cử về cùng chuyến với đồng chí Ngô Gia Tự. Nhưng vào phút cuối cùng được cắt lại đi sau, vì Chi ủy nhà tù đề nghị Phạm Hùng nhường cho Tô Chấn về trước, bởi án chung thân của tô Chấn về tội mưu sát Toàn quền Pasquier thì không biết đến bao giờ Pháp mới chịu thả. Nhưng chẳng may khi thuyền đang lênh đênh trên biển, gặp sự cố, các đồng chí đều hy sinh.

Về Tô Quang Đẩu, sau kế hoạch mưu sát không thành, cuối năm 1930, bị truy nã phải chạy chốn lên làng Đình Bảng (Bắc Ninh) bán thuốc, một thời gian thì bị lộ nên phải chốn sang Chợ Chờ ở Yên Phong (Bắc Ninh). Sau một thời gian nghe ngóng không thấy động tĩnh gì của bọn mật thám, Tô Quang Đẩu lại về Hà Nội làm nghề nấu nước mắm ở Cầu Giấy, rồi gặp các đồng chí Tô Hiệu, Trần Huy Liệu từ Côn Đảo và đồng chí Minh ở Liên Xô về nên tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội cho đến năm 1938, được thành ủy giao nhiệm vụ dạy chữ Quốc ngữ cho tổ chức Hữu ái nhữnh người lái xe ô tô con và làm phóng viên cho báo „Đời nay”.

Trong di cảo, đồng chí Tô Quang Đẩu còn ghi lại những chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian truân của mình: „Tháng 9 – 1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, chưa kịp rút vào bí mật thì tôi bị mật thám bắt và đưa xuống Hải Phòng, tòa án Hải Phòng xử 6 tháng tù về tội tuyên truyền sách báo cách mạng. Hết hạn tù, đang chờ Thành ủy phân công công tác thì tôi lại bị bắt và bị kết án tù 5 năm, đày đi nhà tù Sơn La. Trải qua các nhà tù ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, nay phải đi Sơn La, tôi vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Hết hạn tù Sơn La, vừa trở về Hà Nội hoạt động thì tôi lại bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ở Hỏa Lò ra tôi là cán bộ Xứ ủy An toàn khu ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Đến tháng 8/1945, Xứ ủy quyết định cử tôi xuống phụ trách công tác Đảng ở Hải Phòng, hồi đó anh Hoàn là Bí thư. Tháng 1-1946, đồng chí Lê Thanh Nghị phụ trách miền Duyên Hải điều tôi sang làm Chủ tịch UBHC tỉnh Kiến An, đồng chí Mai Côn làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1945, đồng chí Nghị lại điều tôi sang làm Chủ tịch UBHC, kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Yên, đồng chí Trần Qúy Kiên là Bí thư Tỉnh ủy. Khi Pháp đánh Hải Phòng, tôi làm Phó Chủ tịch UBKC chiến khu 3 vừa mới thành lập. Năm 1948, tôi làm Khu ủy viên, Phó Chủ tịch UBHCKC liên khu 10, Bí thư Đảng toàn chính quyền liên khu. Năm 1950-1953, tôi là Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ. Năm 1954 là Ủy viên Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ trách bộ phận hỏa tuyến từ Sơn La đến Điện Biên. Từ tháng 9/1954 đến 12/1956 là Tham tán Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, Bí thư cán sự Đảng. Từ năm 1957 đến 1975 là Bí thư Đảng đoàn Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ”.

Ông Tô Quang Đẩu là người sống thanh liêm cho đến khi từ biệt cõi trần. Mặc dù xa quê hương nhưng ông luôn về thăm làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ) và có nhiều đóng góp vật chất với quê hương. Theo ông Quản Ngọc Tuấn, cựu Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trụ thì ông Tô Quang Đẩu là người rất gần gũi và luôn quan tâm đến bà con nông dân. Khi về làng ông thường đến thăm và mua quà biếu các gia đình thương binh, liệt sĩ. Khi Sở VHTT tỉnh Hưng Yên về viết lịch sử và xây dựng Nhà truyền thống của thôn, ông còn căn dặn: ”Các đồng chí làm sao phải tập hợp và ghi nhận hết công lao của nhân dân qua 2 cuộc kháng chiến. Còn công lao của chúng tôi có đấy, nhưng ít thôi. Khi đưa một số ảnh chân dung của chúng tôi vào, các đồng chí xem có nên hay không?”.

Với những công lao đóng góp to lớn cho cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; năm 1991, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất tháng 11/1990.



Đã đăng tại báo CÔNG AN NHÂN DÂN
số 1228 - thứ hai ngày 12-11-2001
và số 1229 - thứ ba ngày 13-11-2001


Nguồn: Báo Công an nhân dân, 12-13/11/2001

0 nhận xét:

Post a Comment