Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 8: Gặp thường trực Ban Bí thư

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 8: Gặp thường trực Ban Bí thư


Ghi lại buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư chiều 25/4/79.

Sau nhiều lần hoãn, sáng 25/4/1979 tôi được xác định sẽ gặp Thường trực Ban Bí thư - theo yêu cầu của tôi trước đây - để trình bầy ý kiến của tôi trước khi Ban Bí thư quyết nghị.

Dự cuộc gặp có anh Trinh và anh Song Hào ở Ban Bí thư, anh Thành ở Tiểu ban BVĐ. Bắt đầu hồi 15 giờ.

Anh Song Hào đến trước. Vì đã quen nhau từ Tân Trào và có nhiều dịp cùng làm việc với tôi, nên nói chuyện thân mật. Anh Trinh đến sau, bảo chia nhau ngồi, 4 người 2 bên bàn cho tiện máy ghi âm (do tôi đề nghị). Mở đầu, anh Trinh hỏi thăm gia đình, sức khỏe. Tôi đề nghị cho biết cách làm việc; anh Trinh bảo tôi có thể trình bầy ý tôi trong thời gian đề nghị, sau đó các anh phát biểu, đến 5 giờ chiều hay hơn một chút thì nghỉ.

Tôi nói: Để đỡ mất thì giờ các anh và để dễ theo dõi, tôi đã đánh máy các ý trình bầy, có gì cần mở rộng sẽ mở rộng, có gì các anh cần hỏi xin cho biết. Sau đó tôi đưa tài liệu và căn cứ đó mà trình bầy. Trong quá trình, ngoài một số điểm mở rộng bằng dẫn chứng, thì có đưa thêm 2 tài liệu cụ thể bản ghi lại cuộc làm việc 20/4/1979 với các G3 Bộ Nội vu, và đoạn trích báo cáo 6/5/1975 của tôi, đoạn nói về lúc Mỹ hỏi cung tôi, để bác bỏ ý kiến tôi giấu không báo cáo.

Khoảng 4 giờ rưỡi chiều thì tôi trình bầy xong. Anh Trinh nghe có đánh dấu hoặc ghi chú, có vài chỗ hỏi cho rõ thêm ý.

Xong thì anh Trinh hỏi anh Song Hào có ý gì không; và nêu 3 câu hỏi:

  • Sau khi nhận công văn 149, thì TB BVĐ có đề cập gì về phân công hay không?
  • Có thư gửi anh Trinh phàn nàn việc gặp của anh Thọ chậm, không được nói là thế nào?
  • Có thư nói chưa được kiểm điểm với Đảng đoàn Bộ Nội vụ, nhưng anh Hoàn nói có gặp riêng một lần và có làm tập thể một lần, là như thế nào?

Bắt đầu trả lời thì có người mời anh Trinh ra có điện thoại. Tạm nghỉ khoảng 15 phút. Ngoài hành lang, anh Song Hào nói chuyện: “Đã làm kiểm tra 16 năm, trong Đảng có nhiều trường hợp rắc rối éo le, chứ không phải chỉ có một trường hợp của Anh; lúc ở chiến khu, hồi đó Anh còn thanh niên nên không biết, chứ lúc đó cũng đã có chuyện, nếu không có anh Song Hào thì anh Đặng Việt Châu cũng chết rồi; bây giờ ở Nam Bộ, khu 5, cũng còn chuyện Việt Minh cũ Việt Minh mới, mà có đồng chí còn khiếu nại… Anh Đạo có nói chuyện với anh Song Hào việc gặp và góp ý với anh Tài về thái độ; theo anh Song Hào thì anh Đạo góp vậy là đúng; vì thái độ cũng quan trọng lắm đấy. Hôm họp TƯ Đảng, Mười Hương có nói chuyện với tôi (anh Song Hào) việc của Anh...

Làm tiếp, tôi theo thực tế trả lời anh Trinh 3 việc.

Sau đó anh Song Hào nêu 2 câu:

- Anh (tôi, Tài) nói có trường hợp có ý cá nhân; nhưng theo anh Song Hào thì có đồng chí ý thế này hay thế khác, nhưng không ảnh hưởng gì, vì tổ chức có bàn (tôi trả lời sở dĩ nói vậy, vì được anh Thao nói công văn 149 là riêng anh Hai Văn tự làm, không có bàn gì với các đồng chí trong Tiểu ban BVĐ).

- Có bị ảnh hưởng gì về các dư luận không; vì theo anh Song Hào, thì dư luận có trường hợp không đúng, không tốt; mình là đảng viên cứ nghe tổ chức (tôi đáp không để dư luận ảnh hưởng đâu, chứng tỏ tôi bỏ qua rất nhiều; nhưng như đã trình bầy thì có những hành động phân biệt đối xử mà không thể không suy nghĩ... đã dẫn chứng... tôi có nhận thư anh Trinh nói TƯ Đảng chưa kết luận, nên tôi cũng yên tâm chờ TƯ Đảng).

Kế đó, anh Trinh nói “Hôm nay thì nghe anh Tài, và có vài ý nói, chứ chưa kết luận, mà đợi Ban Bí thư bàn rồi ra kết luận; đồng thời để Tổ chức TƯ Đảng gặp trao đổi ý kiến để có thể ra Quyết định công tác vào một lần. Đã nghe kỹ và xem bản trình bầy. Công tác cũng cố gắng giải quyết sớm; để chậm, vừa thiệt thòi cho cá nhân lẫn cho Đảng”.

Về việc kết luận, lúc đầu anh Trinh nói một cách khó khăn; có thể gọi là lúng túng trong cách diễn đạt, nội dung đề cập những gì về cuộc thẩm tra, về các vấn đề nêu ra... Sau thì nói tất nhiên, kết luận tổng quát đánh giá cán bộ (anh Trinh nói rất nhỏ nên chữ câu ghi lại thật khó chính xác, chỉ là đại ý).

Về việc đình chỉ công tác để thẩm tra, thì theo ý anh Trinh “là bình thường (có lẽ để giải đáp ý tôi nói phân biệt thẩm tra thường và đình chỉ công tác để thẩm tra), trước nay Đảng cũng đã áp dụng, cán bộ đảng viên nên tự giác nhận rõ. Còn về cách làm thì có thể rút kinh nghiệm... (có một câu không nghe rõ; cũng tiếp ý này). Lẽ ra có thể gặp Anh sẽ hơn để nói rõ ý này”.

Về công tác thì cố gắng bố trí sớm. Ban Tổ chức TƯ Đảng sẽ nghiên cứu; vì để chậm thì không lợi như trên. Có ý gì đó nói việc bố trí thích hợp khả năng… tự giác. Anh Trinh nói một ý là: trước nay tôi chỉ làm Công an tức là phạm vi nội chính; nay hỏi tôi 53 tuổi, nếu làm việc mới, nắm được cũng vất vả và tuổi lại sẽ cao hơn.

Về các thư tôi viết, “một phần do ảnh hưởng dư luận... nên bực bội cũng dễ hiểu, nhưng cũng có một ý nói như là cần đặt trong tình hình chung để hiểu vấn đề cho đúng...; trong quá trình đấu tranh cách mạng, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cho nên cần bình tĩnh, khách quan”…

Muốn giải quyết gấp, nhưng từ mai phải họp kế hoạch, nhiều chuyện tiêu cực ảnh hưởng vào kế hoạch, cho nên bàn cũng rất mất thì giờ; lại còn đối ngoại. Nghe nói tôi phàn nàn, rủi gặp lúc thì đột xuất Campuchia, rồi lại Trung Quốc xâm lược, không biết việc còn kéo đến bao giờ. Ban Bí thư phân công anh Trinh và anh Song Hào, cũng có tranh thủ ý kiến anh Thọ, làm cẩn thận từng câu, từng chữ. Sẽ cố gắng trao đổi ý kiến trong khoảng thời gian họp kế hoạch để có thể gặp lại trong một giờ đồng hồ. Cũng đợi các đồng chí phụ trách Tổ chức để bàn (ý nói Ban Bí thư chưa có quyết định gì về công tác).

Anh Thành báo cáo “anh Khiêm mới về hôm nay rồi”; anh Trinh nói, “vậy báo anh Khiêm tiếp xúc”.

Coi như xong, mọi người xếp đồ về.

Nhưng lúc đó anh Trinh mới lại nói thêm.

- Kết luận về cán bộ là xét về phẩm chất chính trị, về đạo đức, các khía cạnh chính trị (ý không phải là xét lắt vặt). Việc thẩm tra xem xét thêm (không hiểu có phải là lưu vấn đề không) vì có khi mình thấy là rõ, nhưng cũng nên hiểu người khác hiểu như thế nào, có ý như là nói có khi không ghi gì vào kết luận, nhưng vẫn phải để xem xét. Đó là lợi ích của Bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng.

Nói lại “việc cố gắng nghiên cứu phân công”.

“Nói riêng một chuyện, là thực ra đáng lẽ gặp sớm trước mấy tháng. Nhưng ở Sài Gòn ra nhận một thư, mà nội dung có vẻ exigeant [1] , có tính cách biện luận, nên cũng bực mình và để khoan lại”. Sau anh Lương có nói chuyện rằng, có thể do ở tù, rồi nay lại gặp trường hợp như thế này, nên cũng bực bội; “nên cũng thông cảm”. Tôi nói “nếu anh thấy có gì không phải thì xin bỏ qua đi”. Liền đó anh Trinh cầm tay tôi (vì ngồi bên phải tôi), nắm lấy cổ tay tôi hồi lâu, nói: “Tôi nhiều tuổi hơn anh, tôi cũng hiểu, không có việc gì đâu”. Cũng kể: “Anh Huynh, đồng hương tôi, và cũng nhiều năm làm việc với tôi, trong hai lần nhân làm việc, có nhắc việc của Anh, tôi (Trinh) cũng bảo nên nói anh ấy (Tài) bình tĩnh”.

Lúc nghỉ 15 phút, anh Trinh ra nghe điện thoại, anh Thành nói riêng với tôi:“Anh nói có thể đúng vào các vấn đề tập trung đấy” (tôi không cho anh Thành biết trước nội dung, và cũng tại chỗ mới đưa văn bản).

Trên đường về, lúc 17 giờ 30, anh Thành nói “hôm nay anh Trinh nói thẳng vậy là tốt, tôi cũng đảm bảo nguyên tắc không dám nói với anh” (ý là có biết sự bực mình làm chậm việc, nhưng không dám nói - Liên hệ buổi gặp anh Lê Quang Đạo, cũng đã có nói đến một số thư viết có thể bất lợi cho tôi, và khuyên gặp trực tiếp nói thì dễ thông cảm).

Không khí chung buổi làm việc bình thường.

Trong buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư, tinh thần nói của anh Trinh là cố gắng giải quyết sớm; có thể không phải trong vài ngày, vì bận họp, nhưng cũng khoảng một tuần.

Ngày 3/5/1979, tôi liên lạc điện thoại với anh Thành, được biết anh ấy hôm sau đi Sài Gòn; trước khi đi anh ấy có hỏi Văn phòng anh Trinh xem có phải tham gia gì vào dự thảo văn bản hay không, thì được trả lời cứ đi, nếu cần sẽ gọi về. Anh Thành cũng cho biết anh Thọ mới ra, và anh Trinh có ý định bàn thêm với anh Thọ cả về kết luận lẫn công tác.

Ngày 5/5/1979, cậu Phong - công tác ở Viện Kiểm sát - bỗng nhiên điện thoại hẹn gặp tôi tại nhà. Và cho biết anh Hiệu ở Viện Kiểm sát cho hay bên đó đã đồng ý nhận tôi công tác ở đó, và góp ý nếu Tổ chức TƯ Đảng có hỏi nguyện vọng thì chỉ nói một nơi là Viện Kiểm sát.

Ngày 6/5/1979, chú Lương tôi đến chơi sau khi đi ở Sài Gòn về. Hỏi thăm việc làm ở nhà; tôi kể việc làm với Bộ Nội vụ, với anh Trinh. Chú Lương gặng hỏi ý kiến việc coi tài liệu đoàn nước ngoài không dính dáng và không có gì phải thẩm tra tôi nữa, là ý anh Thân hay ý chung của Bộ Nội vụ; theo chú Lương thì có lẽ anh Thân hoặc anh Hoàn, chứ Tiểu ban BVĐ thì có lẽ định kiến nặng. Về các nội dung khác, chú Lương hỏi sao nghe nói có hai lần Mỹ hỏi cung gì đó mà chỉ có tài liệu về một lần, còn thì không có tài liệu. (Như vậy là quan niệm vấn đề này có lẽ vẫn theo những sự báo cáo hồ đồ của cá nhân này hay cá nhân khác; hoặc từ đầu sau khi phá sản mọi sự buộc tội tôi).

Ngày 8/5/1979; nhân nói cho anh Huynh biết việc làm với Cục G3, anh Huynh xin sao lại một bản ghi cuộc làm việc đó để dùng cho công tác xác minh sau này (vì anh Hoàn cũng đã có lần giao nhiệm vụ này cho anh Huynh). Mới đi Sài Gòn về, anh Huynh làm việc với anh Trinh, nhưng chưa có thì giờ hỏi chuyện; qua thư ký chỉ biết đã có bàn thống nhất về kết luận, còn công tác ra sao thì thư ký nói: “không được phép nói”.

Ngày 9/5/1979, anh Lê Nghĩa mới đi Sài Gòn về, kể chuyện có gặp Dương Thông ở chỗ anh Mười Hương. Theo Dương Thông ba hoa, thì y đã giúp bảo vệ cho tôi, nào là nhận xét là Phu-xích, Thành thì nói là Dimitrov, nhưng cãi nhau với Hai Văn. Anh Mười Hương có vẻ tin Dương Thông là tốt, nên Nghĩa đã phải nói cho anh Mười Hương hiểu. Dương Thông cũng kể là sẽ sang Thanh tra, mà theo ý riêng Lê Nghĩa thì việc đó tốt, vì cần có người làm việc triệt để; và như thế là thỏa đáng. Anh Mười Hương có thư hỏi thăm, nói nghe là Ban Bí thư đã kết luận, và nhắc có thư cho biết.

Ngày 10/5/1979, anh Tường lại cho biết rõ thêm chi tiết việc Cục G3 chữa sổ (chữa bằng bút bi mầu đen, chữa trước mặt nhiều người, kể cả người phụ trách). Nếu quả vậy, thì thật kinh khủng. Liên hệ với cái mắt thấy, thì chỗ ghi sai sự thật trong sổ, nói là ở cuộc làm 20/4/79, đúng là mực đen, mà tôi không thể xác nhận bằng bút gì.

Ngày 12/5/1979, anh Tư Ngãi đến chơi nói chuyện tình cảm cán bộ trong Nam đối với tôi khi nghe tin bị nghi; anh chị em không tin, có người khóc. Tư Ngãi về Hà Nội, đã viết thư cho anh Hoàn ngay từ tháng 8/78 về ý anh Năm Xuân, về ý Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, về việc Ban An ninh Sài Gòn cũng có văn bản xác nhận với TƯ Đảng (tôi không nhận được báo cáo này). Hình như anh Hoàn giao cho Dương Thông nên trong một lần gặp, Dương Thông thanh minh với Tư Ngãi rằng lúc đầu được giao việc cũng hoang mang, nhưng sau nghiên cứu dần thì thấy rõ; và cũng kể lại những chuyện tranh thủ cảm tình của tôi. Tư Ngãi cũng cho biết những xử sự của Dư, như tìm cách chuyển công tác của Tư Ngãi nay lại ngỏ ý nếu muốn trở lại, sẽ xin trở về.

Ngày 16/5/1979, anh Huynh cho biết nhân làm việc với anh Trinh, được biết cảm tưởng tốt, đã xong văn bản kết luận; nhưng về công tác thì chưa bàn xong, đang còn tranh thủ ý kiến anh Ba [2] và anh Thọ. Nếu không có việc tài liệu người nước ngoài của Bộ Nội vụ làm compliqué [3] , thì việc dễ giải quyết.

Trước hôm anh Thành đi Sài Gòn - nhân có việc gia đình nhờ anh Qua - anh Thành nói với anh Qua là việc của anh Tài cơ bản xong, cũng tốt thôi, nhưng không được như ý muốn của anh Tài đâu. Sẽ làm việc khác.

Bữa làm với anh Trinh, anh Huynh cũng gợi ý là tại sao không để làm công tác cũ, thiếu gì việc anh Tài có thể làm được. Anh Trinh nói việc thay đổi công tác đã có ý kiến tập thể. Nay đang nghiên cứu việc để có thể làm ngay, không mất công mầy mò học hỏi, vì cũng chú ý đến tuổi tác.

Ngày 19/5/1979, anh Bảo thư ký anh Hoàn liên hệ giúp với Văn phòng anh Trinh cho biết: trong tuần tới chỉ có vài buổi không họp nhưng chưa biết ý anh Trinh định ra sao. Và được biết anh Trinh còn muốn chờ một quyết định nữa thì mới gặp.

Sáng 21/5/1979, ngay đầu giờ, anh Bảo gọi báo là Văn phòng anh Trinh nói tuần này bận cả tuần, nên không xếp thì giờ nào được. Văn phòng không dám xếp làm việc tối, sợ mệt anh Trinh.

Anh Luân đến chơi sáng 20/5/1979 hỏi thăm công chuyện, và nói bây giờ chẳng ai chịu nhận khuyết điểm làm sai đâu. Chiều anh Hồ đến nói chuyện chơi trong đó đáng chú ý một vài chuyện về nội bộ, nhân sự mà nếu không được chú ý thì sẽ là kẽ hở cho ngoại quốc mua chuộc, và lấy tin tức trong nội bộ.

Ngày 27/5/1979, gặp anh Đàm. Anh ấy nói mới gặp anh Thân, nhân việc góp ý phê bình anh Thân về một số chuyện trong lúc công tác ở Công an, thuộc trách nhiệm anh Thân.

Anh Đàm nói về sự hồ đồ trong chuyện bản tài liệu đoàn nước ngoài. Anh Thân nói là ý anh em phát hiện, anh Thân báo cáo anh Hoàn, sau không rõ giải quyết ra sao (trong lúc anh Hoàn thì nói anh Thân báo cáo anh Hoàn, anh Hoàn xem xong trả lại, và không rõ giải quyết thế nào); mới đây, hình như Cục G3 đã gặp anh Tài rồi. Anh Đàm nói nghe là cục G3 gặp thì việc càng rắc rối hơn. Anh Thân nói vấn đề phức tạp, có nhiều chuyện, chứ không phải chỉ có chuyện này. Anh Đàm nói nghe là trước sau chỉ quanh đi quẩn lại có chuyện đó là có tài liệu mà thôi.

Anh Đàm lại nói là nghe Ban Bí thư đã kết luận rồi; anh Thân hỏi thế à? Tóm lại là tránh, coi mình không có trách nhiệm gì trong việc này.

Ngày 28/5/1979, anh Bảo thư ký anh Hoàn cho biết đã liên hệ với anh Nghĩa – thư ký anh Trinh. Được biết đã đưa ngay anh Trinh thư của tôi ngày 14/5/1979, nhắc việc kết luận như anh Trinh đã hẹn, anh Trinh đọc nhưng lặng thinh không nói gì; văn bản thì đang soạn; anh Trinh rất bận. Tôi nói anh Trinh hẹn sẽ cho anh Khiêm – Tổ chức TƯ gặp, nhưng không thấy; Văn phòng anh Hoàn phản ảnh, Văn phòng anh Trinh hứa sẽ lựa lúc, nói lại anh Trinh rõ.

Tối 28/5/1979, anh Huynh kể là mới gặp anh Trinh, có nhắc việc tôi. Anh Trinh cho biết sau khi nghe tôi, các anh Ban Bí thư đã bàn lại. Đã kết luận, không có chuyện gì tồn tại. Nhưng bận quá, dự định dứt điểm trong tuần bằng gửi văn bản thôi, bởi vì cũng không cần có gì nói thêm mà phải gặp trực tiếp. Anh Huynh có gợi ý vậy thì tốt nhất trả về làm CA; anh Trinh nói trước đây không ai có ý đó, và nay cũng không ai nêu để bàn lại việc này (ngụ ý vẫn chuyển làm công tác khác). Theo anh Huynh kể, thì anh Thọ, anh Trinh rất bực sự làm việc của CA, gây rắc rối; anh Hoàn cũng tỏ ý bực cách làm việc của anh Thân.

Nhưng sau đó thì được biết anh Trinh bệnh, phải nằm bệnh viện và ngưng việc.

Tôi cũng phải vào nằm Viện, kiểm tra nghi ruột thừa.

Hôm 31/5/1979, nhân sinh hoạt chi bộ, tôi có một bản phát biểu viết về việc thi hành Thông tri của Ban Bí thư về việc phát ngôn lịch sử chính trị đảng viên. Bản này có gửi chi bộ, Đảng ủy và BCSĐ/BNV.

Sáng chủ nhật 10/6/1979, anh Hoàng Thao đến nhà tôi. Đang có khách. Đến 11 giờ, anh Thao nói với anh bạn đang ngồi, xin lỗi để có chuyện nói riêng với anh Tài.

Sau đó đi vào thanh minh.

Việc nói với cán bộ không đến nhà tôi, anh Thao nói không bao giờ làm như vậy, dù với danh nghĩa gì. Chỉ có 2 trường hợp anh em hỏi ý. Một là: anh Thanh Vân, Phó Giám đốc CA Sài Gòn, cuối 1977 nhân họp CA; hỏi anh Thao việc đến gặp tôi (vì tôi nhắn đến để gửi một bức thư cho Thành ủy). Anh Thao kể là đã trả lời không có thẩm quyền, phải hỏi anh Thân. Sau đó hỏi thì anh Thân nói được; và đã trả lời anh Thanh Vân. Hai là: anh Huynh, một hôm nói định đến chơi tôi. Anh Thao bảo cứ đến. Nhưng ngay lúc đó, nhớ là hôm ấy Bảo vệ Đảng đang làm việc, nên khuyên là nên để hôm sau, vì hôm đó Tổ chức đang làm việc.

Việc nói lung tung ở Đức, cũng thanh minh không có. Hoàng Tú thấy sang chữa bệnh, có mời đến nói chuyện thời sự trong nước, phạm vi hẹp, không hề nói gì đến tôi cả.

Anh Thao nói là nhận được bản phát biểu của tôi, suy nghĩ mấy đêm; rất buồn vì có sự hiểu nhầm. Lúc nào anh Thao cũng tôn trọng tôi, vẫn coi như Thủ trưởng cũ; hơn nữa cũng biết làm việc, khi nào lại thất thố như thế được. Rồi kể việc làm trong nội bộ Tiểu ban BVĐ, không được biết gì các chuyện đặt ra với tôi; ông Hai Văn nêu gì thì nghe đó, chứ không được đọc hồ sơ tài liệu (kể cả anh Phạm Ngọc Mậu cũng vậy); lại tế nhị ở chỗ, cùng ngành Công an nên sợ bị hiểu lầm bênh che; công văn 149, chỉ một mình ông Hai Văn làm, các nội dung chất vấn khác thì chỉ có các ông Hai Văn, Hai Sớm, và có thể có anh Thành tham gia, chứ không bàn chung; chuẩn bị anh Thọ gặp cũng thế. Có lần cãi nhau trong nội bộ Tiểu ban BVĐ giữa anh Thành với các ông Hai Văn, Hai Sớm, đến nỗi anh Mậu và anh Thao phải hòa giải.

Anh Thao nói cũng phấn khởi là trong bản phát biểu của tôi cũng ghi là các đồng chí có thể đính chính, nếu điều gì không đúng. Nên định gặp từ lâu để nói chuyện, nhưng bận quá. Nay gặp để thông cảm.

Tôi không đôi co; chỉ nói là việc nào, thì tôi được biết như thế nào, một cách chính xác ra sao. Ví dụ: chuyện bên Đức thì Tài Trung - em họ tôi - thư về hỏi, rồi mới đây về nước cũng nói rõ.

Anh Thao lại nói cả đến quyết định đình chỉ công tác. Anh Thao cũng không được bàn gì; và khi thấy có như vậy cũng bất ngờ.

Ngày 11/6/1979, tôi thông qua Văn phòng TƯ Đảng, yêu cầu nếu anh Trinh định gặp tôi, nhưng do tình hình hiện nay cản trở, thì tôi yêu cầu anh Song Hào, là người được Ban Bí thư phân công cùng anh Trinh giải quyết việc tôi, sẽ tiếp tục cho dứt điểm. Nhân chú Lương vào bệnh viện thăm, nhưng tôi đã về, nên đến nhà chơi; tôi cũng nói ý đó. Chú Lương thấy cũng đúng, và cũng hứa nói chuyện với anh Song Hào.

Có thể do tôi có thư ngày 10/6/1979 nhắc anh Trinh và anh Song Hào cho tiếp tục giải quyết việc của tôi, đồng thời chú Lương nhận lời nhắc anh Song Hào; nên ngày 12/6/1979, anh Khiêm Tổ chức TƯ Đảng thông qua Bộ Nội vụ, mời tôi đến gặp ngày 16/6/1979. Tôi hỏi lại, để chuẩn bị tài liệu mang theo; thì một cán bộ Ban Tổ chức TƯ Đảng điện thoại nói chỉ bàn công tác, không cần mang tài liệu gì.

8 giờ sáng 16/6/1979, tôi đến Ban Tổ chức TƯ Đảng; một cán bộ đã đợi và đưa đến buồng anh Khiêm. Một người đang làm việc ở đó rút lui.

Anh Khiêm chẳng biết mở đầu ra sao, hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi; tôi trả lời xong, lại im lặng. Tôi bèn nói: “Chờ sốt ruột quá, các anh tính giải quyết ra sao.”

Thì anh Khiêm mới nói: Về nội dung thì không nói hôm nay nữa; chỉ bàn về công tác. Anh Trinh thì ốm, chưa làm gì được với anh Trinh (vào thăm chỉ đứng dòm thôi). Anh Song Hào bảo tôi gặp Anh.

“Theo Ban Bí thư thì sẽ không giao chức vụ gì cho Anh, mà chỉ bố trí làm chuyên viên”. Anh ấy nói một câu gì nhớ không rõ lắm, rằng đây là ý anh Song Hào nói lại ý anh Trinh (không rõ về chủ trương hay về việc gặp tôi).

Tôi hỏi: “Vậy đã có văn bản kết luận ra sao?” Anh Khiêm nói: “tôi chưa nhận được”. Hỏi: “Vậy Anh phải được thông báo nội dung”. Trả lời: “Anh Song Hào cũng không cho biết nội dung kết luận ra sao”. Hỏi: “Vậy Anh có theo dõi cuộc thẩm tra này đến đâu chưa?” Đáp: “Có đọc bản của Thành ủy Sài Gòn kết luận”, tôi tưởng là bản 8/4/1978 xác minh cơ sở, nhưng té ra là Biên bản kiểm thảo hồi 1975; cũng nói “anh Thành có cho tôi biết vài việc”. Tôi nói: “Như vậy chắc Anh không theo được tình hình”.

May mà - tuy đồng chí cán bộ Ban Tổ chức TƯ Đảng nói không cần mang tài liệu gì - nhưng tôi vẫn mang đủ một số cần thiết. Tôi nói: “Để tôi đọc Anh nghe vài đoạn trong hai văn bản mà hôm nọ tôi có yêu cầu Anh đọc trước khi gặp tôi, mà có lẽ Anh chưa đọc”. Im lặng. Tôi đọc văn bản 28/10/1978 của tôi gửi lên Ban Bí thư, đoạn nói “về sự phân công tác, các ý anh Thọ ban đầu, ý tôi trả lời, và ý anh Thọ cuối cùng” (có ưu điểm bảo vệ cơ sở, thiếu sót không có gì đáng phải thì hành kỷ luật Đảng; sẽ bố trí chức vụ tương đương như cũ nếu đi ngành khác, để thể hiện không bị kỷ luật và không bị hạ tầng công tác; chú ý thanh minh; việc ở lại CA một thời gian sẽ bàn với anh Hoàn). Sau đó tôi đọc văn bản làm với anh Trinh, anh Song Hào hôm 25/4/1978, đoạn yêu cầu TƯ Đảng nhận xét tổng quát con người tôi, đoạn về công tác của tôi sau thẩm tra.

Sau đó tôi nói: “Nếu chưa có văn bản kết luận, thì việc nghiên cứu phân công chưa đúng mức”. Anh Khiêm nói: “Tôi cũng nói với anh Song Hào là chưa có kết luận, mà tôi gặp thì tôi cũng lúng túng nội dung nói nhưng anh Song Hào bảo cứ gặp” (tuy anh Khiêm định đề nghị anh Song Hào gặp, mà anh Song Hào thì đùn cho anh Khiêm). Anh Khiêm cũng nói: “Anh Thọ có báo cáo Ban Bí thư xếp chức vụ như cũ, nhưng Ban Bí thư không đồng ý” (không thể kiểm tra được là bao giờ, và có đúng hay không). Và anh Song Hào nói: “Cũng cứ nói, coi như báo trước cho anh ấy biết”.

Tôi nói: “Nếu chưa kết luận, mà như tạm giao công tác, thì không ổn. Vì từ tháng 4/1978, lúc còn đang thẩm tra, anh Thọ nói tạm giao công tác, tôi còn không chịu, cho nên tiếp tục thẩm tra và có kết quả mới đi đến kết luận của anh Thọ 10/1978. Hôm làm với anh Trinh, anh Song Hào, hai Anh cũng không có ý kiến gì đối với ý kiến của tôi. Anh Trinh chỉ hứa báo cáo Ban Bí thư ra văn bản kết luận và giao công tác. Mà theo anh Trinh, thì văn bản chuẩn bị kỹ, coi như hoàn tất rồi”.

“Nếu nay giao công tác như vậy, thì trái ngược ý anh Thọ đã nói. Tôi tự xét không có gì vi phạm, và so sánh chung từ phẩm chất đến năng lực cũng chẳng có gì đáng phải hạ tầng công tác”. Và muốn thế, thì Anh làm Tổ chức, tất phải biết thủ tục; mà tôi thì chưa được qua thủ tục như thế. “Đây không phải là tham quyền cố vị, nhưng bên cạnh vấn đề chân lý, công bằng về chính sách, còn có vấn đề danh dự, sinh mệnh chính trị tôi sau khi kết thúc thẩm tra trước dư luận bậy bạ đã tràn lan”.

“Xét cho cùng, tôi không có vấn đề gì, thì tôi tiếp tục làm Công an là thuận tiện, đúng chính sách sử dụng cán bộ của Đảng, dùng sở trường đã tích lũy nhiều năm của tôi. Vả lại, tôi nào có được học hành gì”. Anh Khiêm hỏi: “Ở Công an anh quen gì, chắc chỉ làm lâu về tình báo (tỏ ra một cán bộ lãnh đạo Ban tổ chức TƯ Đảng, nhưng không hiểu gì về tổ chức Công an, và về một cán bộ mà mình quản lý cả). Tôi đáp: “Tôi ở Đảng đoàn lâu năm, nên tôi biết chung, và cũng đã làm nhiều loại việc”. Anh Khiêm hỏi: “Việc gì?” Tôi đáp: “Vấn đề huấn luyện hay vấn đề cảnh sát, tôi cũng đã có lúc phụ trách, tuy không sâu bằng công tác An ninh, Tình báo”.

Anh Khiêm lại nói một câu này, không nhớ vào lúc này hay lúc sau: “Nếu bố trí chức vụ như cũ, thì anh thấy làm ở đâu hợp?”

Rồi anh ấy ngồi kể: “Nếu anh làm ở ngành Kinh tế, thì cũng khó cho Anh. Có lẽ Anh chỉ quen ở khối Nội chính. Cũng có nghĩ để anh làm nghiên cứu khoa học xã hội, nhưng chắc anh không thích. Anh Trinh cũng có ý kiến để anh làm Thanh tra, nhưng ở đó nếu là chuyên viên, thì người ta chỉ giao từng việc, như phái viên”.

Tôi nói: “Gặp anh Trinh, tôi đã từ chối pháp chế (tuy chỉ là dư luận), mà Tòa án hay Pháp chế cũng vậy”. Anh ấy cũng nói “Có nghe nói. Kể ra gần với Công an thì chỉ có công tác Kiểm sát thôi”; rồi không nói gì nữa, và cũng không gợi thêm ở đâu nữa, hoặc nói trở ngại gì ở Kiểm sát.

Tôi lại nói: “Kể ra chưa có kết luận thì ở vào địa vị Anh, thật khó”. Được lời, anh ấy cũng nhắc lại: “Đồng ý với Anh là có kết luận rồi thì bàn mới dễ. Vả lại, đảng viên còn có thể bảo lưu ý kiến đối với kết luận”. Rồi cũng nhận là: “Bàn công tác trước khi có kết luận thì khó”.

Đang làm, tôi bị cơn đau bao tử. May mà kết thúc lúc 9 giờ.

Tôi không hiểu, đây là sáng tạo riêng của anh Khiêm? Hay là anh ấy dựa theo ý cũ từ trước một năm nay? Hay là anh ấy được phổ biến ý mới của anh Trinh và anh Song Hào? (Vì có nghe nói Tổ chức TƯ Đảng đề xuất ý kiến đã được anh Trinh, anh Song Hào đồng ý - còn đợi đưa ra Ban Bí thư). Như vậy thì hoặc là kết luận thẩm tra phải không tốt (ngược với ý anh Trinh đã nói với anh Huynh là tốt, không còn gì tồn tại), hoặc người ta cố ý lưu việc gì đó để bố trí như vậy - đây là một thủ đoạn của kẻ xấu mà tôi đã vạch ra trong văn bản gửi TƯ Đảng từ tháng 8/1978 và là một điều làm người ta phật ý). Thấy cần phải làm sao cho người có trách nhiệm biết việc này, đề phòng sự phản ảnh của Tổ chức TƯ Đảng không đúng như đã làm với tôi. Chú Lương nhận lời chuyển thư của tôi cho anh Song Hào, là người đã cùng anh Trinh giải quyết việc này; nên tôi đã có thư đánh máy gửi anh Song Hào qua chú Lương chuyển. Kể tóm tắt buổi làm với anh Khiêm, ý anh Khiêm và ý tôi xung quanh việc kết luận, việc bố trí công tác, mà theo nguyên tắc, cũng như theo ý các anh Ban Bí thư trước đây, thì cách nêu vấn đề của anh Khiêm là không đúng.

Như thế tình hình phát triển không phải chỉ là chậm, mà lại có thể có cả chiều hướng tiêu cực, sau khi anh Trinh bị ốm bất ngờ.

Lại nhớ đến cậu Hiếu, mấy lần cứ nói: “Rồi anh xem, người ta sẽ chỉ giao công tác mà không kết luận đâu!” Tôi không tin, nói là anh Trinh hứa có hai loại văn bản. Cậu ấy nói: “Hai năm là nhanh”.

Đáng quan tâm, có thể có sự đấu tranh giữa các nhân tố tích cực và tiêu cực trong Đảng vẫn âm ỉ xung quanh việc của tôi.

Cuối tháng 6/1979, gặp anh Trần Hiệu, anh ấy cho biết:

- Năm 1978, Tổ chức TƯ hỏi ý kiến việc đưa tôi sang Viện Kiểm sát; nhưng lúc ấy, ý kiến bên đó có khác nhau; vì số người làm việc còn đủ, và còn dự kiến đề bạt tại chỗ.

- Gần đây, anh Khiêm Tổ chức TƯ Đảng gặp anh Trần Hiệu ở sân bóng, nhắc bàn lại, nhưng chưa bàn được, vì đang làm vụ Polpot; anh Dực cũng có một lần tham khảo ý kiến anh Hiệu về tôi. Chắc có hỏi gì đó anh Dực; nhưng cũng tháng 8/1978 mới họp Ban Cán sự được.

Anh Kỷ ở cùng nhà, kể là Quốc Minh đến chơi, có nói chuyện về tôi rằng có bọn không tốt đang tìm cách cản trở công việc; theo anh Kỷ, có lẽ muốn nhắn tin cho tôi.

Đầu tháng 7/1979, tôi làm văn bản chính thức hóa các ý đã gửi anh Song Hào, để gửi Ban Bí thư; với yêu cầu: Ban hành sớm bản kết luận thẩm tra, còn việc nghiên cứu công tác, thì dù có chậm một chút cũng được.

Đợi suốt tháng 7 và sang tháng 8/1979, không có ai trả lời.

Gặp anh Huynh, anh ta cho biết có đến thăm anh Trinh. Và được biết mọi tài liệu còn ở chỗ anh Trinh. Bữa anh Trinh đã đỡ, anh Huynh có nhắc chuyện tôi, thì anh Trinh nói, định đợi đưa ra Ban Bí thư rồi ký; không có gì thay đổi so với trước cả.

Ngày 9/8/1979, điện thoại được cho anh Thành BVĐ; anh ta nói không được giao làm văn bản; là ở chỗ anh Trinh.

Tối chủ nhật anh Mười Hương ra họp TƯ Đảng cũng đến chơi. Anh ấy cho là tại sao chưa xong công tác, thì không cho đi học một lớp Nguyễn Ái Quốc.



[1] đòi hỏi, yêu cầu (BT)
[2] Lê Duẩn (BT)
[3] Rắc rối, phức tạp (BT)

Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment