Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 6: Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ nhất (Khi người ta đeo kính có mầu)

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 6: Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ nhất (Khi người ta đeo kính có mầu)


1.
Ngày 10/4/1978 tôi điện thoại liên lạc được với đồng chí Thành BVĐ, thì được biết đồng chí ấy mới ở Sài Gòn ra, cùng chuyến với đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí Thành cho biết “Tiểu ban BVĐ đã nghe 2 ngày các băng ghi âm cuộc làm việc ngày 21 và 24/2/1978 với Anh; và Tiểu ban đã làm báo cáo lên ban Bí thư và đồng chí Lê Đức Thọ. Về vấn đề xác minh cơ sở thì đồng chí đã gặp đồng chí Chín Lực. Thành ủy muốn có cuộc họp trực tiếp với Tiểu ban BVĐ vào đầu tháng 4/78, nhưng khi tôi (đồng chí Thành) ra Hà Nội, chưa thấy họp được. Trong chương trình làm việc ở Hà Nội của đồng chí Lê Đức Thọ, có việc gặp Anh”.

Chiều tối 13/4/1978, đồng chí Thành điện thoại cho tôi hẹn 8 giờ 30 sáng hôm sau 14/4/78 tới làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ; và bàn việc hẹn người đến ghi âm.

Buổi làm việc đã diễn ra ở trụ sở Ban Tổ chức trung ương, từ 8 giờ 30 đến 12 giờ; có ghi âm do Bộ Nội vụ làm. Ở đây chỉ ghi lại những ý chính, và đối với những ý kiến phát biểu nhiều lần ở nhiều đoạn khác nhau, thì không nhắc lại.

2. Vào đề, đồng chí Thọ hỏi:

- Có phải cậu có thắc mắc tại sao bị đình chỉ công tác? Và đã đề bạt rồi sao còn đình chỉ?

Sau đó, đồng chí giải thích rằng:

- Về nguyên tắc, thì không ai cho cán bộ Công an, Tình báo đã bị địch bắt trở lại ngành cũ. Tôi đã trao đổi kinh nghiệm với Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, họ cũng làm như vậy. Bởi vì phải thẩm tra kỹ lưỡng và lâu dài, nếu để làm công tác cũ thì không xác minh được.
Việc bố trí cậu trở lại công tác Công an là không đúng nguyên tắc; Thành ủy Sài Gòn đơn giản chỉ dựa vào tự kiểm và vài tài liệu địch ta thu được, không thận trọng vì chưa đủ tài liệu xác minh; anh Hoàn và Tổ chức Đảng đều đơn giản, và anh Hoàn đã thừa nhận.
Nay Đảng có tài liệu, có hồ sơ địch - tuy chưa đủ; có lời khai của bọn địch bị ta bắt - tuy cũng chưa đủ và chưa có đối chiếu đến nơi đến chốn. (Nhưng sau đó, khi nhân việc khác tôi hỏi lại, thì đồng chí và đồng chí Thành lại nói chỉ có vài tài liệu đã đưa cho tôi để hỏi, còn thằng Kiệt khai là hồ sơ cũng như băng ghi âm đều đốt hết - Và bữa trước đồng chí Tường ở ngành khác thì nói được nghe một số băng ghi âm, cũng như nhiều dư luận nói là thu được băng ghi âm đúng tiếng tôi).
Với nguyên tắc sử dụng và thẩm tra cán bộ bị địch bắt như trên, hoặc là chuyển công tác khác cho cậu (tôi) để thẩm tra, hoặc đình chỉ công tác để thẩm tra, thì đã chọn cách thứ hai. Đảng thông cảm các đồng chí bị địch bắt, thời kỳ Pháp khác thời kỳ Mỹ, bọn Mỹ làm đủ mọi cách rất ác liệt; vì thế đối với cán bộ trao trả thì chính sách của Bộ Chính trị và Ban Bí thư có phân biệt, trường hợp khai thì đánh giá và xử trí khác với trường hợp nhận nhiệm vụ của địch.

Trong những đoạn sau, nhân nói gì đó tôi quên – đồng chí nói “kinh nghiệm người nhận việc của địch, thì chỉ khi nào Đảng đưa tài liệu cụ thể họ mới nhận, mà ai cũng cam đoan thế này, thế nọ”. Tôi đáp ngay rằng:

- Tôi không phải loại người nếu có khuyết điểm mà không đám nhận, phải đợi Đảng đưa tài liệu như vậy.

Thì đồng chí bảo “không phải tôi nói cậu như vậy đâu”.

Đồng chí nói “đã làm nhiều trường hợp, hồ sơ bây giờ chất đống, chưa khui ra được”.

Cuối đoạn này, đồng chí nhận xét tôi là “trong khi Đảng thẩm tra, đã tỏ ra thiếu bình tĩnh và không nghiêm túc (!?)”. Tôi chưa hỏi căn cứ vào đâu mà đồng chí nhận xét như vậy, bởi đây chưa phải chủ đề của buổi làm việc hôm nay (nhưng thử hỏi các đồng chí khác ở vào địa vị tôi, lý do đình chỉ công tác không rõ ràng, rồi dựng lên nào là CIA, định ngưng sinh hoạt Đảng, tên bị bôi trong sách của Ngành, việc làm kéo dài không đáng, thì các đồng chí sẽ có thái độ ra sao? Còn quan niệm nghiêm túc là thế nào; thì tôi làm mọi việc đều đúng nguyên tắc Đảng. Nếu vin vào thái độ và lời lẽ trong các thư của tôi gửi lên Ban Bí thư, thì nó chẳng thấm đâu so với công văn chất vấn số 149/BVĐ cố ý khẳng định tôi là địch; mà chính trong buổi này, đồng chí Thọ thừa nhận là công văn 149/BVĐ không đúng; sẽ nói dưới đây).

3. Đi vào nội dung: Trước hết đồng chí Thọ nói về việc tôi khai như thế nào trong lúc Ngụy hỏi cung. Đồng chí bảo: “Khẳng định là cậu có khai, chứ không phải là loại người cộng sản không chịu khai báo; về mức độ tác hại trước mắt thì không có, nhưng đã khai là có hại. Ví dụ về Thành ủy, Ban An ninh Thành, Bộ Công an, tuy ở hậu phương, trước mắt nó không đánh được, nhưng nó nghiên cứu lâu dài, cho nên đã khai là có hại, chỉ có mức độ lớn nhỏ mà thôi, không thể nói có người đã khai trước rồi thì mình khai được, mỗi người có trách nhiệm trước Đảng, cậu là cán bộ cao cấp Công an, cho nên lời khai đối với địch có giá trị nghiên cứu hơn cán bộ dưới”.

Đồng chí không chấp nhận ý kiến tôi nói là “trả lời hỏi cung”, không được chơi chữ, nhận xét tôi chưa thành thật; đồng chí nói:

- Nếu cậu không chịu, tôi cũng báo cáo Ban Bí thư kết luận. Tôi đã có kinh nghiệm bản thân 2 lần tù và đã làm công tác thẩm tra nhiều trường hợp rồi.

Mãi sau, đến đoạn dưới nữa, đồng chí mới nói thêm, có lẽ để đỡ một chiều, là “cũng công nhận cậu có đối phó trong quá trình khai, và việc khai cũng có mức độ sau khi bị tra tấn nhiều, mà tôi (đồng chí Thọ) hiểu được những sự tra tấn cho nên tôi nhận xét có lý có tình chứ không chụp mũ đâu”.

Buổi này không phải để tôi trả lời, nên mãi về sau, tôi mới tranh thủ đọc một đoạn ngắn bản viết của tôi về quan niệm trả lời hỏi cung gồm có: khai báo, khai phá mà tôi không phạm phải, tiếp đó là khai phủ nhận, phủ định sự thật hay bịa đặt để đối phó mà tôi đã sử dụng.

Tôi cũng chưa nói lại để đồng chí hiểu là tất cả những điều mà đồng chí muốn kết luận thì cũng giống như tôi quan niệm và đã có báo cáo viết cả rồi, mà rất tiếc là chính đồng chí nói là đã không đọc được hết các báo cáo và bản viết của tôi. Vậy tôi đoán là đồng chí đã chỉ nghe phản ánh gián tiếp qua một sự tóm tắt không đầy đủ và không chính xác các báo cáo trả lời của tôi. Bởi thế, tôi nghĩ là chỉ khi nào đối chiếu hồ sơ thu được của địch với báo cáo của tôi, thấy tôi báo cáo giấu giếm hay báo cáo sai thì khi đó mới có thể nói là tôi không thành thật; còn dùng chữ cho chính xác, cho phù hợp với chính sách xử lý của Đảng lâu nay, thì làm gì có việc chơi chữ trong đó.

Nhân đoạn này, đồng chí Thọ có kể một dẫn chứng rằng: cậu khai Năm Xuân làm An ninh, tuy địch không bắt được, nhưng vẫn có hại; tôi đã trả lời là tôi không hề nói điều đó, và đồng chí Thành cùng dự cũng đã đính chính ngay rằng không phải vậy. Không hiểu đồng chí nghe ai nói chuyện đó; và tôi có thể nghĩ rằng đã có không ít những điều phản ánh sai sự thật như vậy. Bởi thế, tôi tự hỏi rằng: “Tại sao không giao cho Thành ủy, Bộ Công an đánh giá cụ thể xem sao, mà lại cứ dùng ví dụ cá biệt sai sự thật để đánh giá chung, những vấn đề quan trọng đến sinh mệnh chính trị con người như vậy?” Vả lại, chiến tranh đã kết thúc, cách mạng đã thắng lợi, vậy đã thừa cơ sở để đánh giá xem xét, về trước mắt cũng như về lâu dài, cả quá trình, xem tác hại của các lời khai đối với Thành ủy và An ninh Thành, cụ thể ra sao? Dĩ nhiên, về Bộ Công an, tôi sẽ đề nghị cũng làm như thế.

Nhân nói về khai báo, tôi cho rằng vấn đề cơ sở là quan trọng bậc nhất, nên nói rằng theo chỉ thị của Đồng chí, Thành ủy đã huy động cán bộ để xác minh lại toàn bộ và đã có kết luận. Đồng chí nói luôn là: Tôi chưa được nghe báo cáo, còn đồng chí Thành thì nói Thành ủy có hẹn làm việc đầu tháng 4/78, nhưng do Tiểu ban phân tán nên chưa làm được. Đồng chí Thọ bèn nói:

- Thành ủy xác minh đơn giản lắm, Tiểu ban BVĐ phải tự làm.

Vì đồng chí lập luận rằng:

- Dù cậu có bịa để nói trệch đi, nhưng địch vẫn có thể tìm ra người. Vả lại kinh nghiệm bên Tình báo, có khai ra nó cũng dùng ngay để đánh trở lại nên không bắt, cho nên, không thể nào đánh giá được (?).

Tôi chưa trả lời ngay ý này, nhưng trong đầu tôi đặt câu hỏi: “Trong Đảng ta có sự công bằng, nếu ý kiến này được áp dụng đối và tôi thì tại sao nó không được áp dụng cho mọi đồng chí trong thời kỳ chống Mỹ, thậm chí xa hơn nữa cả đến thời kỳ trước cách mạng và thời kỳ kháng Pháp?” (Bởi tôi đã vận dụng đúng như kinh nghiệm đã đúc kết của Đảng, mà chính đồng chí đã truyền thụ cho chúng tôi - trong một lớp huấn luyện bí mật ngắn ngày - từ hồi 3/1945).

Điểm thứ hai trong đoạn này, đồng chí nêu nhận xét rằng “trong quá trình đấu tranh, tinh thần cậu từng bước có xuống dần. Dẫn chứng là đã bàn với giao liên cách đối phó dọc đường, đến khi bị bắt, giao liên chưa khai, mình đã nhận là đại úy tình báo, ngược lại với đã bàn; chứng tỏ không phải có tinh thần. Cũng không phải nhận để đối phó, vì giao liên và cán bộ đi cùng cậu, chưa biết cậu là ai, chứng tỏ là dao động. Khi bị tra tấn, nhận khai có mức độ, khai chưa hết, địch đánh, lại khai (?). Như vậy là không có tinh thần, không phải là trả lời hỏi cung”. Về những nhận xét này tôi cảm thấy đồng chí đã không đọc kỹ báo cáo và có lẽ chưa đọc, nên chưa trả lời vì không có thì giờ.

Trong lúc nói những chuyện này, đồng chí nói là “tụi Ngụy khai đã đốt hết hồ sơ của cậu cũng như các băng ghi âm; mấy thứ lấy được chỉ là báo cáo tóm tắt của địch”. Khi đồng chí hỏi cung bọn Ngụy, thì lúc hỏi vặn, tụi nó nói quên, hoặc do thần kinh không nhớ được.

Cuối đoạn này, đồng chí nói đã kết luận rằng tôi không phải người có tinh thần, không phải là khai không có tác hại gì; tất nhiên tác hại có mức độ.

4. Sau đó, đồng chí Thọ chuyển sang thời kỳ Mỹ hỏi cung và tôi có nhận gì với chúng không?

Mở đầu, đồng chí nói: “Chưa kết luận”, sau cũng nhiều lần nhắc lại ý này. Và nói:

- Cậu phải thông cảm người có trách nhiệm thẩm tra. Nếu cậu ở vào địa vị đó mà cậu không thắc mắc thì cậu không phải người cán bộ Công an.

Theo đồng chí thì có nhiều vấn đề cần suy nghĩ, và phải có nhiều thời gian mới kết luận được (đồng chí nhận xét cán bộ Công an cho tôi đọc tài liệu địch nói về tôi là vô nguyên tắc).

Vấn đề đầu tiên là:

- Trong bản kiểm điểm năm 1975, cậu chỉ nói rõ thời kỳ Ngụy, còn thời kỳ Mỹ thì chỉ nói vài câu; do chủ quan hay thiếu thành thật?

Tôi đáp:

- Không phải chỉ có vài câu. Vì tự thấy không có gì sơ hở đáng nói, mà các việc lớn thì đã nói ở thời kỳ Ngụy rồi.

Đồng chí nói:

- Lẽ ra phải báo cáo cho hết chi tiết.

Tôi cũng chưa trả lời thêm ý này, mặc dù hồi năm 1975, nếu tôi viết chưa đầy đủ thì sao các đồng chí có trách nhiệm không bảo ngay tôi là phải viết tiếp; không nói gì, vẫn giao công tác, rồi bây giờ lại nhận xét này nọ; hơn nữa, tháng 11/1977, tôi đã viết kỹ đoạn này, các đồng chí cứ đánh giá, tại sao không làm cụ thể mà cứ nói chung chung?

Vấn đề thứ hai là:

- Việc cậu gặp hỏi cung bọn Ngụy.

Đồng chí cho là “việc làm vô nguyên tắc, khó cho việc điều tra và làm kéo dài việc”.

Tôi chưa trả lời, nhưng chú ý là có lúc đồng chí lại giải thích rằng chỉ có một mình đồng chí Thành phải lao vào nhiều việc gấp, và chưa thật tập trung dứt điểm từng việc.

Đồng chí nói:

- Điều tối kỵ là người bị bắt gặp lại bọn đã hỏi cung mình, cán bộ Công an phải thận trọng. (Tôi cũng chưa hiểu từ đâu có nguyên tắc này; và tôi làm việc này không phải vào lúc Đảng tuyên bố thẩm tra tôi).

Đồng chí nói thêm:

- Chính thằng Lâm nói: “Lẽ ra cậu không gặp nó mới phải”(?) Về các câu tôi hỏi bọn chúng, đồng chí nói đã đọc thấy linh tinh quá, các câu hỏi không đi đúng vào vấn đề định hỏi, làm cho việc xác minh gặp trở ngại và khó cho Đảng hiểu mình.

Tôi liền đáp:

- Tôi đã có bản viết về kết quả việc hỏi cung đã giúp phát hiện một số tên tình báo Ngụy tôi biết mặt mà không biết tên, còn không chịu ra trình diện; đã gửi cho Cục D3 Bộ Nội vụ và CA thành phố Sài Gòn. Nếu cần, thì nay xin cho hệ thống lại sẽ rõ.

Thì đồng chí bảo:

- Hệ thống lại càng thêm phức tạp.” (Tôi không hiểu ý là thế nào, nhưng cũng không nói thêm nữa vào buổi này).

Đồng chí nói tiếp:

- Việc cậu gặp chúng là để uy hiếp tinh thần chúng. Nay cậu có cương vị Thứ trưởng đến, thì chúng nó sợ. Chứng tỏ câu đầu tiên là cậu trấn an chúng; nó sợ rồi làm người khác khó hỏi, trở ngại tìm sự thật và kéo dài. Cậu biết là ta thu được hồ sơ, và Đảng thế nào cũng thẩm tra nên mới gặp chúng để hỏi.

Trong bọn chúng thì đồng chí Thọ nhận xét “tên Lâm nói đúng, vì nó khai cho ta nhiều việc đúng, tỏ ra nó muốn quay lại, thằng Thắng cũng tương đối; còn thằng Kiệt thì ngoan cố, và đến cuối cùng nó vẫn khen cậu, làm tôi càng nghi cậu”. “Thằng Lâm nói có lúc máy ghi âm bị tắt, nó phản đối tụi Mỹ vì như thế khó cho nó góp ý kiến, còn tôi (đồng chí Thọ) thì cũng cho rằng lúc đó có nội dung quan trọng, nên tụi Mỹ chủ động tắt máy (!?)”.

Đồng chí kể là:

- Thằng Lâm nói cậu khai về Bộ Công an rất đúng (?)

Tôi hỏi:

- Sao không hỏi đối chiếu với một thằng phản bội khác, mà đã cùng với thằng Lâm ngồi ở phòng bên cạnh - qua máy thu hình, ghi âm - theo dõi các buổi Mỹ hỏi cung tôi?

Thì đồng chí nói: “Thằng này Mỹ tin hơn thằng Lâm, ngoan cố lắm, không chịu khai gì”.

Vấn đề thứ ba là:

- Con Chi phiên dịch khai là hồi thằng Mỹ trẻ hỏi, lúc sau nó bệnh không làm nữa, và một thằng Mỹ “da đen” biết tiếng Việt làm đến chót; không có tên Lâm, cũng không có ghi âm.

Tôi đáp:

- Hồi tháng 1/1978 đã đề nghị xác minh câu chuyện không có sự thật này bằng cách hỏi những tên gác thì đều có thể làm rõ được. (Nhưng cả đồng chí và đồng chí Thành đều nói chưa làm. Đến đoạn này đồng chí chỉ thị cho đồng chí Thành phải làm như tôi đề xuất).

Đồng chí nói:

- Con Chi thì nói vậy, còn cậu thì chối cho nên phải làm rõ.

Tôi đáp:

- Tôi không có việc gì phải chối, việc đó không đúng sự thật.

Sau đó có đoạn đồng chí lại nói “con Chi này khôn ngoan lắm, nó là thẩm vấn chứ không phải phiên dịch” (chính điều này do tôi phát hiện khi hỏi cung thằng Thắng, và ghi vào báo cáo cho Bộ Nội vụ; không rõ đồng chí biết là do đọc báo cáo của tôi, hay do người khác “phát hiện” ra?)

Vấn đề thứ tư:

- Thằng Thắng viết là khi Mỹ hỏi cung, cậu đã không khéo tránh né”.

Nhưng ngay lập tức, đồng chí Thành xin cải chính và nói rằng trong bản viết tay nó ghi “khôn khéo tránh né”, nhưng người đánh máy ghi thừa một chữ “g” làm sai hẳn nghĩa. Nhưng đồng chí Thọ vẫn nói có một đoạn mà anh Hoàn đọc cũng chú ý, đánh dấu và nói lại với đồng chí Thọ; mà đồng chí Thọ đã đọc rồi (?).

Vấn đề thứ năm:

- Việc định thủ tiêu cậu, theo lệnh thằng Bình và thằng Giầu; nhưng nó lại không thủ tiêu. Thằng Kiệt thì nói do nhân đạo; thằng Thắng thì nói thằng Kiệt chuyển lệnh nhưng nó không giết vì nhân đạo; tôi đã chửi ngay chúng nó về sự nhân đạo của chúng.

Dù sao, theo đồng chí thì “việc đó cũng làm cho người ta phải suy nghĩ”

Tôi hỏi:

- Tại sao không xác minh có sự kiện gì xẩy ra trong những ngày đó qua tụi gác (tôi hiểu ngầm rằng các đồng chí muốn nghi do địch uy hiếp cái chết nên tôi đã nhận gì với chúng chăng?). Thì đồng chí và đồng chí Thành mới bàn nhau sẽ làm.

Vấn đề thứ sáu:

Chuyện bản tài liệu trong va ly đoàn nước ngoài.

Đồng chí cho biết ta lấy được cùng nhiều tài liệu quan trọng khác, danh sách 4 người trong đó có tên tôi, do anh Hoàn trực tiếp đưa cho đồng chí (có lẽ để ngụ ý việc đó có thật - nhưng sau này khi việc đã lộ rõ, thì là do anh Thân đưa chứ không phải do anh Hoàn đưa).

Tôi nói với đồng chí Thành “có phải bản tài liệu mà tôi đã gửi đến Tổ chức không? và tôi đã có dịp nói với đồng chí Thành về việc dịch cho đúng danh từ “handling” kẻo sai nghĩa không?” Thì đồng chí Thành trả lời “đúng”, và mở hồ sơ lấy bản tài liệu đó, nói là đã cho cán bộ Công an biết tiếng Anh, và đã dùng từ điển, để dịch lại là “giải quyết số cán bộ” mà trước đúng là có dịch nhầm là “sử dụng”.

Tôi không phát biểu gì thêm, nhưng cảm giác rằng chính là lúc đầu do dịch sai nghĩa, nên đã có dư luận tôi là CIA; và đó là nguyên nhân tôi bị đình chỉ công tác cấp tốc với những biện pháp nghiêm ngặt như đã xẩy ra.

Đồng chí Thành nói tiếp “Bản tài liệu này do Cục E4 phát hiện, nhưng anh Tài thì lại được Cục D3 chuyển cho xem”. Đồng chí Thành xác nhận “đúng là anh Tài có gửi cho Thành ủy để gửi đến cơ quan Tổ chức Đảng”. Đồng chí Thọ liền chỉ thị cho đồng chí Thành chiều nay 3 giờ gọi cậu cán bộ đã trực tiếp làm việc này lên cho đồng chí hỏi; tôi liền đề nghị “nên mời Cục trưởng hồ sơ và cán bộ kỹ thuật đã làm việc này; bởi vì đúng sai ra sao, thì cứ đối chiếu theo chế độ công tác ắt sẽ rõ”. Đồng chí Thọ thừa nhận bản này chỉ nói việc trao trả 4 cán bộ ta trong đó có tên tôi, nhưng dù sao tài liệu đó lại ở trong va ly của đoàn nước ngoài là việc phải suy nghĩ. Khi tôi nói “cũng nên đề phòng sự làm việc xô bồ, tài liệu thu được trong hố sơ cũ của địch, trót bỏ lầm vào đó, rồi nay không dám nhận nữa”; thì đồng chí Thọ nói “Nếu vậy thì lại có hiểu dễ hơn”.

Đồng chí còn nói thêm là: trong bốn người có một người tôi không quen, thì đã là CIA và đã chết mới đây; còn hai người kia cùng ở Đảng bộ Sài Gòn, mà nay hồ sơ tìm được thì khai cũng nhiều, nhưng hiện nay chưa thẩm tra được. Đến đây tôi có suy nghĩ rằng sự giải thích cho tôi về lý do đình chỉ công tác của tôi lúc đầu buổi làm việc, có lẽ đã không được nói thẳng vào vần đề.

Vấn đế cuối cùng nêu lên là:

- Việc thằng Mỹ hỏi cung cậu, tại sao nay lại công khai viết bài báo để bào chữa cho cậu?

Ngay lúc đó, đồng chí Thành đính chính rằng: “Đó là một đoạn trong cuốn sách mà báo Quân đội đã dịch, chứ không phải một bài báo”.

Đồng chí Thọ nói: “Nghe rằng đó là một bài báo mới đây”. Có lẽ ngụ ý là sau khi tôi bị đình chỉ công tác mà nó lại kịp thời làm việc đó, thì rất đáng chú ý.

Đồng chí nói:

- Nó viết khen cậu cũng buộc tôi phải suy nghĩ. Nó nói sắp đánh gục cậu nhưng chưa gục hẳn.

Tôi chỉ đáp rằng: “Như trên báo Quân đội, thì sách này xuất bản ở Mỹ từ cuối năm 1977, chứ không phải mới vài tháng nay như Anh (đồng chí Thọ) nghe nói”.

Chung cả đoạn này, đồng chí Thọ nhắc lại là không có kết luận; mà nói hết cho tôi những vấn đề làm đồng chí băn khoăn suy nghĩ.

5. Trong quá trình làm việc, có lúc đồng chí có nhắc đến và gần cuối buổi thì tôi nêu hẳn vấn đề, và đồng chí Thọ đã có ý kiến về các vấn đề đó.

Đồng chí cho rằng: “Bộ Nội vụ thông tri đến các cấp trong ngành Công an việc đình chỉ công tác cậu là không đúng; lẽ ra việc này của Ban Bí thư và chỉ Đảng đoàn biết mà thôi”. Tôi cũng không trả lời rằng: “Dù không thông tri, nhưng chỉ bản thân việc đình chỉ công tác của tôi nhất định sẽ gây thành dư luận”.

Do đề nghị của tôi, đồng chí Thọ hứa sẽ nói lại với anh Hoàn cần nói lại trong ngành công an, cũng như sắp tới nhân có một Hội nghị cán bộ của Đảng thì đồng chí cũng sẽ nói một số vấn đề và sẽ đề cập việc của tôi, yêu cầu không được phát ngôn bừa bãi trong lúc Trung ương chưa có kết luận.

Đồng chí nhắc lại “Việc kiểm tra là cần, đến nay tôi không nói cậu là CIA; nhưng vì còn đang điều tra, cho nên tôi cũng không thể khẳng định không phải, mà chỉ có thể nói là đang thẩm tra, không nên kết luận bừa bãi”. Đồng chí lại giải thích rằng: đối với cán bộ làm rất thận trọng, có tình lý chứ không chụp mũ.

Tôi nêu vấn đề “công văn 149/BVĐ có tính chất khẳng định tôi là địch; một tổ chức được Đảng ủy nhiệm làm việc mà nói như thế thì ý Anh ra sao?”

Đồng chí đáp:

- Lúc đó tôi bệnh nghỉ, sau nghe được; đã có nói làm thế không được.

Tôi không trả lời, nhưng cho rằng nó có xuất xứ là sự dịch sai hồi đầu từ “handling”, mà Tiểu ban BVĐ quá tin ở bản tài liệu Anh văn bị dịch sai đó, nên cho là có thể nhanh chóng vạch mặt phản bội để kết thúc việc của tôi chỉ với tài liệu đó.

6. Tôi yêu cầu bố trí một buổi khác đề tôi có thể trả lời. Đồng chí Thành đề nghị tuần tới; nhưng đồng chí Thọ bận chuẩn bị Hội nghị, nên từ nay đến hết tháng 4/1978 không làm được.

7. Cuối cùng đề cập đến công tác, đồng chí Thọ nói thấy tôi chờ lâu cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, nên đồng chí có ý kiến bố trí cho tôi làm việc, đồng thời vẫn tiếp tục việc thẩm tra.

Đồng chí nói: “Cậu không về Công an nữa, vì nhiều lẽ, không phải chỉ vì vấn đề này; mà là theo nguyên tắc thẩm tra cán bộ Công an, Tình báo”.

Đồng chí hỏi nguyện vọng của tôi. Tôi đáp:

- Đây là lần đầu nêu cho tôi; mấy chục năm nay, tuy có nhiều năm tham gia cấp ủy Đảng, nhưng tôi chỉ làm Công an, chẳng có nghề gì khác; tôi đã 52 tuổi, theo quy chế của lực lượng vũ trang thì chỉ còn 3 năm nữa là tôi có thể được nghỉ hưu; nếu làm việc gì khác, thì học chưa quen là vừa về hưu rồi. Còn nếu đó là chính sách sử dụng cán bộ của Đảng, thì xin Đảng cứ nghiên cứu.

Đồng chí Thọ nói: “Nếu vậy thì giao cho anh Khiêm nghiên cứu để tôi báo cáo Ban Bí thư”.

Nếu đối chiếu buổi làm việc này về nội dung thì tôi thấy về cơ bản không có gì tiến hơn công văn 149/BVĐ ngày 12/12/1977. Còn mục đích buổi gặp thì thực chất là gì, liệu có thật sự sẽ có buổi gặp tiếp hay không, tôi chưa đủ điều kiện để kết luận. Nhưng tôi nhớ lại công văn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh tháng 11/1977 đã đề cập đến việc: theo tinh thần Ban Bí thư thì sau khi thẩm tra xong, tôi sẽ được giao công tác mới mà không làm công tác cũ nữa; đối chiếu với cuộc làm việc có ghi âm ngày 21/12/1978 thì đồng chí Thọ đã chỉ thị cho đồng chí Thành làm 3 việc: trực tiếp chất vấn tôi, xác minh vấn đề cơ sở ở Thành ủy Sài Gòn, bản thân đồng chí Thọ gặp mấy tên tình báo để hỏi; sau đó báo cáo lại với đồng chí Thọ, để có một cuộc họp cả Tiểu ban với tôi - có đồng chí Thọ cùng dự - gợi ý lần chót xong, thì kết luận và giao công tác; vậy thì bao nhiêu sự trả lời của tôi trên máy ghi âm hay bằng viết; tôi cảm thấy đều không được sử dụng gì cả; vì có nhiều ý hỏi tỏ ra không đọc hoặc không đếm xỉa gì đến các sự trả lời giải đáp của tôi, mà tôi đã mất bao công sức làm cho kịp thời với hy vọng việc của tôi được sớm làm rõ và có kết thúc đúng đắn.

Đảng ta là Đảng Cộng sản. Trước hết trong Đảng phải có công lý và có chân lý, theo quan điểm duy vật biện chứng. Tôi ao ước và phấn đấu để trong nhân dân, mà trước hết là trong Đảng có những điều đó; để Nghị quyết Đại hội IV của Đảng được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh.

Sau buổi gặp anh Thọ ngày 14/4/1978, tôi chờ ngày hẹn mới của anh Thọ để báo cáo trả lời. Suy nghĩ lại về nội dung anh Thọ nêu ra thì tôi thấy là vì trước đây anh Thọ chỉ mới được nghe phản ánh có một chiều, cho nên dĩ nhiên là khó tránh được những ấn tượng, định kiến.

Chiều ngày 16/4/1978, tôi đến gặp anh Thân, báo cáo việc gặp anh Thọ, trong đó có việc dự kiến của anh Thọ đối với công tác của tôi sắp đến để Bộ có thể chủ động. Bữa đó có báo cho anh Hoàn, nhưng thư ký anh Hoàn điện thoại cho biết anh Hoàn ở Sài Gòn về hồi trưa, nên còn mệt và hẹn gặp sau.

Tối 16/4/1978, tôi nhận được công văn 33/TU ngày 8/4/1978 của Thường vụ Thành ủy Sài Gòn (gửi qua Bộ Nội vụ) nói về việc thẩm tra tình hình cơ sở trong thời gian tôi ở tù, và kết luận của cuộc họp giữa Thường vụ Thành ủy với Tiểu ban BVĐ, khẳng định lại một lần nữa rằng tôi đã “bảo vệ được cơ sở, cán bộ, phong trào và tổ chức của Thành phố mà đồng chí Tài biết”. Rất tiếc là mọi lần thư từ đi khá nhanh, nhưng lần này quá chậm. Bởi vì ngày 11/4/78 tôi đã có điện nhờ Bộ Nội vụ chuyển yêu cầu Thành ủy gửi ý kiến ra Hà Nội cho kịp buổi tôi làm việc với anh Thọ vào ngày 14/4/1978. Và sáng 17/4/1978 tôi nhận được điện của Thường vụ Thành ủy nói là đã gửi văn bản cho tôi, yêu cầu cho biết khi đã nhận được.

Ngày 19/4/1978, tôi gửi một thư cho anh Thọ, đồng gửi anh Trinh, anh Hoàn và Tiểu ban BVĐ, trong đó tôi báo để anh Thọ rõ là vấn đề cơ sở đã có kết luận, cũng như vấn đề dịch sai tài liệu đoàn nước ngoài như vậy là đã xác định; tôi đề nghị với anh Thọ một số việc nên được các cơ quan, cán bộ có liên quan tham gia chuẩn bị trước khi tôi làm việc lại với anh Thọ để cho cuộc làm việc có chất lượng; vả lại đối với những vấn đề đó thì chính là các cơ quan và cán bộ đó phải trả lời anh Thọ chứ không phải tôi. Kèm thư này gửi đến anh Trinh, tôi cũng đề xuất thêm 4 vấn đề; kèm theo thư gửi anh Hoàn, tôi cũng có đề xuất thêm 6 vấn đề, có bản lưu thư. Ngày 20/4/78, tôi đến cơ quan Bảo vệ Đảng trao tay bản đồng gửi thư đó.

Mấy hôm trước, tôi liên lạc điện thoại với anh Thành không được, phải nhờ qua đồng chí Gia ở Bộ Nội vụ, định để nêu mấy việc như đã gửi cho anh Thọ. Đồng chí Thành tưởng tôi có việc gì cần báo cáo chính thức thêm sau khi anh Thọ nêu vấn đề; nên nhắn hỏi là có cần ghi âm hay không để còn báo cáo anh Thọ. Tôi qua trung gian trả lời là không cần. Ngày 20/4/1978 - do anh Thành hẹn ngày - tôi đến, được biết là anh Thành có xin ý kiến anh Thọ, và được đồng ý là cứ gặp tôi.

Tôi trao thư đã gửi anh Thọ, yêu cầu anh Thành xem; và cũng nhờ báo cáo nhắc anh Thọ cho ý kiến đối với các vấn đề tôi nêu ra.

Tôi báo là sau buổi làm việc với anh Thọ, đã nhận được công văn 33/TU ngày 8/4/1978 của Thành ủy Sài Gòn; anh Thành cho biết anh Thọ cũng mới nhận được và mới chuyển cho anh Thành tối 19/4/1978, anh Thành mới đọc nhưng chưa hết. Tôi nói: “Hôm trước anh Thọ khẳng định tôi có khai, nhưng cũng nói là vấn đề cơ sở thì hôm đó coi như chưa xác minh; vậy bây giờ đã có kết luận, không rõ ý anh Thọ ra sao?” Anh Thành đáp: “Như vậy chắc anh Thọ đọc xong cũng sẽ có sự suy nghĩ lại”. Tôi nói các vấn đề khác mà địch hỏi cung tôi, tôi có đề nghị là giao trách nhiệm cho Thường vụ Thành ủy Sài Gòn và Đảng đoàn Bộ Nội vụ phát biểu ý kiến.

Chuyển sang nói về chuyện “bản tài liệu mật trong va ly đoàn nước ngoài”, tôi có nêu ý kiến đã viết trong thư. Anh Thành nói đã có sự kiểm tra lại ở Bộ Nội vụ, và cho tôi xem bản ảnh chụp một số tài liệu lấy ở đoàn nước ngoài, trong đó có bản Anh văn gọi là “tài liệu mật”.

Tôi xem và nhắc lại quá trình diễn biến từ khi tôi được đọc bản Anh văn này, cho đến lúc gửi photocopy cho Thành ủy Sài Gòn.

Qua trao đổi ý kiến với anh Thành, thì anh ấy công nhận có những điều cần chú ý như sau:

Anh ấy đã tìm thấy bản tôi gửi cho Thành ủy Sài Gòn, mà các đồng chí trong ấy để lộn xộn; trước đây không tìm thấy; đúng là mặt sau bản đó có chữ tôi viết nhận xét, mà nhờ đó anh Thành biết được ai là người đã đưa cho tôi tài liệu đó, và nay người đó đã nhận đúng (đúng là một cán bộ Cục D3 Bộ Nội vụ. Nhưng trước đây từ Cục trưởng đến một số cán bộ khác đều nói không làm việc đó và không biết - dĩ nhiên, tôi không hề bao giờ nói là đồng chí Cục trưởng đưa, còn ai đưa, vì không nhớ rõ là ai, nên tôi không nói được - nay ở bản tài liệu này tôi có ghi rõ tên người đưa tài liệu).

Chúng tôi cùng phân tích và đều chú ý rằng:

- Chữ viết tay thêm trên bản tài liệu đánh máy của Cục D3 và trên bản mà Cục E4 nói là lấy ở đoàn nước ngoài, có nội dung hoàn toàn giống nhau và chữ viết tay thêm là của một người duy nhất (không phải nét chữ tôi). Và nội dung chỉ rõ đó là tài liệu trong hồ sơ cũ của Tổng Nha Cảnh sát Ngụy mà ta thu được sau giải phóng miền Nam.

Về thời gian tính, thì rõ ràng là tôi được đọc bản Anh văn này trước khi nói là lấy được một bản như thế ở đoàn nước ngoài; và ngày lấy tài liệu ở đoàn nước ngoài theo anh Thành là khoảng 13/7/76 và đưa đến anh Thọ là 15/7/76; trùng với khoảng thời gian tôi gửi bản Anh văn cho Thành ủy Sài Gòn. Nhận xét của anh Thành: “Nếu bản do Anh (tôi, Tài) gửi Thành ủy là bản lấy ở đoàn nước ngoài thì không đúng” (ngụ ý cho là có 2 bản khác nhau). Tôi có nêu một số ý kiến đề nghị kiểm tra thêm xung quanh vấn đề này, và khẳng định dù xuất xứ tài liệu ra sao, thì với việc đã dịch đúng lại tài liệu này, đã chẳng có gì có thể buộc tôi, như công văn 149/BVĐ đã viết cả.

Anh Thành bàn sang chuyện tôi hỏi cung bốn tên Ngụy hồi tháng 6/1976. Cho tôi thấy một bản báo cáo đánh máy, nghiên cứu và phát hiện những điều nghi vấn trong các câu hỏi của tôi. Không rõ ai làm báo cáo này, và làm trước hay sau khi tôi bị đình chỉ công tác, trước hay sau khi tôi có báo cáo 15/12/1977 trả lời công văn 149/BVĐ? Những nội dung đó, anh Thành gợi ý là tôi nên báo cáo cho anh Thọ biết. Và cho tôi biết là hôm anh Thọ nhận xét tôi nói là hỏi chúng để “thúc đẩy” chúng khai (điều này sai, mà tôi đã đính chính) thì anh Thọ bực vì tôi cãi. Tôi đã giải thích sơ bộ cho anh Thành về các điều tôi đã hỏi bọn Ngụy hồi 6/76, như:

- Việc tôi hỏi tên Lâm “... tại sao nhìn lên trần nhà (hồi 1971)” lúc nó đến nhận diện tôi (ở ban U đường Trần Bình Trọng), thì người nghiên cứu đã chẳng hiểu gì về các địa điểm tôi đã bị giam, liền coi như “khó hiểu” vì họ chỉ nhớ việc tên này được Mỹ sử dụng giám sát lúc hỏi cung tôi năm 1972 ở phòng giam đặc biệt tại 3 Bạch Đằng.

- Cũng như việc tôi hỏi con phiên dịch việc lúc hỏi cung, tên Mỹ hỏi tôi về người tên là Nguyễn Công Miều (tức là tên khai sinh của chú Lê Văn Lương tôi, chỉ trong gia đinh biết) - mà lúc đó tôi bịa để trả lời là người họ hàng nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Sau đó không phải là buổi hỏi cung - mà nó lại đến cửa phòng giam hỏi lại tôi một lần nữa về việc đó - thì có phải tụi Mỹ bầy cho nó hỏi hay không? Thì người nghiên cứu chẳng hiểu đầu đuôi của việc, liền suy diễn là tôi dò hỏi con phiên dịch xem nó biết gì về sự bí mật giữa tôi và CIA hay không?

Qua đây, thấy rõ chỉ do chủ quan người nghiên cứu không đếm xỉa gì đến không gian, thời gian của các sự kiện, và không đối chiếu các báo cáo 9/11/1977 và các báo cáo chuyên đề của tôi trả lời Tiểu ban BVĐ để tự hiểu vì sao tôi hỏi các câu đó; nên coi là sự “khó hiểu” của tôi và suy diễn thành nghi vấn đối với tôi.

Rồi gộp lại thành nhận định suy diễn rằng tôi “thăm dò”, “uy hiếp”, để bịt miệng bọn Ngụy ta đang giam nhằm “đối phó sự thẩm tra của Đảng”.

Tôi nhắc lại đề nghị đã nói trong thư 19/4/78 gửi anh Thọ. Anh Thành cho biết “mới đánh dấu chú ý để anh Thọ đọc những chỗ do việc hỏi cung tôi - phát hiện những việc có ích cho công tác, mà tôi đã có trả lời trong báo cáo ngày 22/2/1978” - và nói là anh Thọ đang đọc lại. Nhân đây, tôi được anh Thành hỏi kỹ lại về phòng biệt giam, và cho biết anh Hai Văn, Hai Sớm đã cùng tên phản bội làm (cho) CIA là Hai Lâm đến xem tại chỗ (!). Nếu so với báo cáo của tôi thì đúng là chỗ đó (nên nhớ là tôi đã yêu cầu các đồng chí đi thực địa từ lâu, và tôi không nghĩ rằng các đồng chí lại đi với tên Hai Lâm như vậy).

Anh Thành nêu thắc mắc về tấm hình địch chụp lén tôi đang ăn cơm (có lẽ nghi chụp ở nơi khác), tôi đã chỉ rõ cho thấy việc chụp ảnh đó ở ngay cửa phòng biệt giam của Mỹ ở khu 3 Bạch Đằng.

Anh Thành cũng nói lại việc “anh Thọ đã nói là tên Kiệt đã đốt hết hồ sơ và băng ghi âm về Anh”; trước đây vì kỷ luật tổ chức và không có cương vị nên anh ấy không dám nói.

Tôi nói tôi không tin là thằng Kiệt đã tự làm việc đó, thì anh Thành nói “Đúng. Nhưng chính thằng nhân viên đốt tài liệu đã nhận”.

Tôi trả lời “tôi tin là còn nhiều nơi có bản lưu mà các anh không biết chỗ để tìm mà thôi”. Anh Thành nói “Theo anh Nguyễn Đức Thuận thì tại Phủ Thủ tướng Ngụy quyền thường có hồ sơ, nhưng khi Tiểu ban BVĐ đến tìm thì đã chuyển hết về lui ở Nguyễn Du rồi, mà cách đây trên một tháng có một vụ cháy hồ sơ, và kết luận do nội bộ đốt”. Giá như tôi còn đang làm việc, có lẽ lại gán cho tôi việc này nữa, vì đây là một hệ thống công tác thuộc phạm vi phụ trách của tôi (!).

Tôi nói thêm: “Các anh thử tìm thêm ở văn phòng thằng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh Quốc phòng cho thằng Thiệu xem”. Thì được biết chưa có làm.

Cũng theo anh Thành thì “Những tài liệu địch nói về Anh, đều do Cục tình báo quân đội của ta cung cấp, vì họ tiếp quản khu vực 3 Bạch Đằng, mà trước đây nhiều quá không khui ra được. Nay cũng có hàng nhà băng ghi âm mà chưa mở nghe được” Tôi đề nghị cứ làm việc đó thì càng làm rõ trường hợp của tôi. Tôi còn bàn với anh Thành dùng máy nào, hoặc bàn với Bộ Nội vụ.

Chuyển sang việc tên Frank Snepp “viết báo” sau khi tôi bị đình chỉ công tác, “khen” tôi, có ngụ ý là để “bào chữa” cho tôi. Tôi chưa đi vào nội dung. Nhưng căn cứ ý kiến anh Thành đã xác nhận đó là một cuốn sách in 1977, và bài báo bình luận cuốn sách đó, thì vào tháng 11/1977; tôi đã giới thiệu chút ít kiến thức về nghề in, xuất bản, cách nghiên cứu, phân tích yếu tố thời gian để anh Thành thấy sự vô lý của lập luận này; cá nhân anh Thành thấy có sự tiếp thu. Nhưng đáng chú ý là Tiểu ban BVĐ đã nhiều trường hợp đặt những nghi vấn do suy diễn chung chung mà không chú ý gì đến tính chính xác trong các yếu tố thời gian, không gian, là những điều đơn giản nhất nó phải thấm trong xương máu của người làm công tác nghiên cứu về tình báo và phản gián; kế đó là tính hợp lý của các sự kiện xét về mọi mặt nội dung.

Cuối buổi anh Thành đề nghị tôi chuẩn bị kỹ để trả lời anh Thọ, sao cho rõ ngay vào một số điểm có thể giải đáp được băn khoăn. Tôi yêu cầu nhắc lại 6 vấn đề mà anh Thành thấy anh Thọ đã nêu, tôi ghi lại thì đều là những vấn đề về thời kỳ Mỹ hỏi cung.

Tôi phản ứng nói:

- Về cái mà anh Thọ nói đã kết luận, thì hôm đó có chuyện cơ sở mà anh Thọ nói là chưa được báo cáo, nay đã có văn bản kết luận của Thành ủy Sài Gòn thì sao lại vẫn khẳng định là tôi “khai” được? Vả lại, các vấn đề khác gọi là tôi “khai”, lẽ ra cũng nên có sự xác nhận cụ thể của Thành ủy Sài Gòn và Đảng đoàn Bộ Công an, như tôi đã đề nghị trong thư 19/4/78 gửi anh Thọ, và theo Điều lệ Đảng tôi cũng còn được có ý kiến chứ?

Tôi có nói thêm:

- Những vấn đề thuộc bí mật của Bộ Công an thời đó, theo tôi chỉ có anh Hoàn, anh Thân mới có thể đánh giá, chứ anh Thao, anh Dương Thông lúc đó còn là cấp dưới tôi, làm gì biết được.

Tôi cũng nhắc lại quan niệm của tôi:

- Việc anh Thao thay mặt Bộ Nội vụ tham gia Tiểu ban BVĐ là một việc, còn việc phát biểu về tôi thì cần có tập thể Đảng đoàn mới đúng nguyên tắc và thoả đáng.

Anh Thành đáp:

- Nếu thấy cần nói lại về các vấn đề đó, thì anh cứ việc nói.

Trong câu chuyện hôm nay, anh Thành cũng nói lại là “anh Thọ rất thương cán bộ, rất khách quan và có tinh thần tự phê bình cao, để thay đổi ý kiến nếu trước đây có nhận xét chưa đúng. Ví dụ việc anh Vịnh, chính trước đây anh Thọ đề xuất việc kỷ luật, nhưng nay xét thấy không thoả đáng nên chính anh Thọ là người đề nghị sửa cho anh Vịnh”. Tôi cũng muốn tin và hy vọng như vậy.

Sau buổi nói chuyện, tôi bỗng nhớ đến một ý kiến nói tôi đã làm những việc (thực ra là đàng hoàng) mà “gây rối” cho việc Đảng hiểu tôi và thẩm tra xác minh (như việc hỏi cung bọn Ngụy 6/76; mà hôm nay anh Thành nói “giá như anh Quyết ngăn tôi đừng gặp chúng thì có phải đỡ phiền biết bao nhiêu không”)- Nhưng tôi thì lại nghĩ khác.

Sự gây ra chính là ở chỗ: dịch sai tài liệu nói là lấy ở đoàn nước ngoài, từ chỗ “giải quyết các cán bộ cộng sản bằng cách trao trả...” mà dịch là “sử dụng các cán bộ Cộng sản...” trong đó có tên tôi, cho nên khẳng định hoặc ấn tượng sâu tôi là CIA. Từ đó suy diễn ra biết bao nghi vấn “hàng con cháu” của “cái gốc” sai đó. Đến nay, tuy đã dịch đúng lại cái “gốc”, nhưng không dám mạnh dạn gạt bỏ những cái nghi vấn “suy diễn ở ngọn”.

Thêm vào đó, bản tài liệu địch nói tôi “khai 14 cơ sở” có từ bao giờ không biết; nhưng do cộng với định kiến từ 7/76 rằng tôi là CIA, nên lẽ ra phải gặp Thành ủy Sài Gòn để xác minh từ trước 10/77 – là lúc đề xuất đình chỉ công tác của tôi- mà để đến tận 2/1978 theo chỉ thị của anh Thọ mới làm - kết quả là sau 2 tháng làm việc đã có kết luận 33/TU như nói trên. Có lẽ nhiều đồng chí đã thiếu khách quan tự phê bình đề nhìn lại sự diễn biến của nhận thức suy diễn và đặt nghi vấn của bản thân suốt quá trình việc của tôi; bởi thế những rắc rối do cách làm việc không thận trọng (dịch sai, để kéo dài), không kịp thời (xác minh cơ sở, dịch đúng lại tài liệu), chưa phù hợp với nguyên tắc làm việc của Đảng (lẽ ra phải tin và dựa hẳn vào tập thể cấp ủy Đảng ở Sài Gòn từ 1970 đến nay; và tập thể Đảng đoàn Bộ Công an cũng vào thời gian đó) (kết luận việc kiểm tra mà không có biên bản làm việc ghi nhận những điều nhất trí và chưa nhất trí giữa người bị kiểm tra với cơ quan kiểm tra, chỉ trình Trung ương ý kiến đơn phương của mình), lề lối làm việc (cách nghiên cứu, việc xác minh không trúng nơi, trúng cách), cộng với phương pháp tư tưởng của người làm việc, đã làm cho việc lẽ ra đơn giản, trở nên rắc rối thêm; và tôi lại là người bị quy cho tội “gây rắc rối”.

Cuối tuần từ 17 đến 23/4/1978 bỗng nhiên có nhiều dư luận ở Hà Nội là tôi đã bị bắt; bạn bè và người trong họ đến hỏi. Có một đồng chí cho biết có đồng chí đó kể là: “Ông Tài có mưu đồ to lắm, kéo bè phái lật đổ ông Hoàn, bị bắt rồi”. Có người nói: “Một Thứ trưởng Bộ Nội vụ là gián điệp bị còng số 8 mang đi rồi, có liên quan đến một ông tướng nữa”.

Sáng 25/4/1978, anh Thành điện thoại cho tôi hay là anh Thọ đã nhận được thư 19/4/1978 của tôi, chỉ thị cho anh Thành làm các việc như tôi đề nghị, có khi phải vào cả Sài Gòn; do đó ngày làm việc tiếp với tôi có thể phải giữa tháng 5/1978. Tôi có nhắc nội dung thư gửi anh Thành ngày 22/4/78 mà anh Thành chưa nhận được: xin ghi âm buổi báo cáo trả lời của tôi, nếu các công việc chuẩn bị do các cơ quan cấp bộ phải làm mà chưa xong thì xin cho tôi 6 tiếng để báo cáo, và bữa đó anh Thành cần mang theo đủ các báo cáo trả lời của tôi từ trước đến nay và các tài liệu khác để nếu cần thì dẫn chứng cho dễ. 



Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment