Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 4: Những biện pháp ngầm

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 4: Những biện pháp ngầm


1. Bí mật đình chỉ sinh hoạt Đảng:

Đầu tháng 11/1977, tôi bận vào việc viết lại báo cáo kiểm điểm, sau đó là nghỉ phép năm - một cách bất đắc dĩ - trong 15 ngày. Do đó, tôi gửi báo cáo đến Bí thư chi bộ về lý do có thể phải vắng mặt trong cuộc họp chi bộ.

Đầu tháng 12/1977, tôi viết thư nhắc đồng chí Bí thư chi bộ, thì đồng chí này trả lời là đang chuẩn bị công tác cuối năm, nên chưa họp.

Ngày 16/1/1978, tôi viết thư nhắc lại, nói là nếu chi bộ chưa họp thì là quá chậm; còn nếu Chi bộ tự ý hay được lệnh ở cấp trên mà không triệu tập tôi thì xin cho biết. Trong thư trả lời cùng ngày, đồng chí Bí thư nhắc lại, vì bận công chuyện cuối năm, nên mới sắp họp, và sẽ báo ngày họp cho tôi.

Bỗng, sáng 22/1/1978, chủ nhật, đồng chí Bí thư chi bộ đến thăm. Tôi được đồng chí thông báo rằng theo ý kiến đồng chí Phó Bí thư kiêm Thường trực Đảng ủy Bộ Nội vụ, thì không triệu tập tôi họp chi bộ nữa. Theo đồng chí nghe, thì việc này là do ý kiến của đồng chí Khiêm, Phó Ban Tổ chức trung ương đồng ý. Tôi nói “Xin các đồng chí cho văn bản về việc này, bởi vì đồng chí nguyễn Duy Trinh trả lời cho tôi, thì đình chỉ công tác không phải là hình thức kỷ luật Đảng, vậy Ban Bí thư chưa hề ra một kỷ luật nào đối với tôi ở mức đó, và bởi vì tôi là đảng viên thuộc diện do Trung ương quản lý, nên cần có văn bản của cấp quản lý tôi” Đồng chí Bí thư chi bộ hứa sẽ phản ánh lại.

Nhân đây, đồng chí nói:

- Hình như đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã gặp Anh, và có lẽ Anh cũng đã hiểu rồi.

- Chưa lần nào, mà chỉ có thư gửi, nói về ý nghĩa đình chỉ công tác, và nói là Ban Bí thư chưa có kết luận trường hợp của tôi. Tôi đáp.

Đồng chí lại nói một ý không được rõ ràng, hình như gần đây tôi có làm một việc gì đó.

Tôi đáp:

- Có phải các đồng chí sợ tôi đến họp chi bộ thì tôi sẽ nói ra việc này, việc nọ chăng? Xin nhớ rằng theo hệ thống Đảng, tôi đã phát biểu những ý kiến cần thiết thẳng đến Ban Bí thư rồi.

- Không phải như vậy. Đồng chí đáp.

Sau đó, tôi nói:

- Nhân gặp đồng chí, tôi muốn nói vài ý để rút kinh nghiệm công tác Đảng và công tác chính trị của cơ quan ta. Ngay đối với một người có khuyết điểm rõ ràng, nếu có đình chỉ công tác để kiểm điểm, thì Đảng cũng vẫn gặp để động viên họ nên thành khẩn kiểm điểm, huống chi một người mà vấn đề nêu ra còn vu vơ. Vậy mà từ 3 tháng nay, có những đồng chí không có quan hệ về tổ chức Đảng thì vẫn đến thăm tôi, còn các đồng chí có trách nhiệm thì không hề đến. Dù các đồng chí có sợ sệt gì đi nữa, thì đến với danh nghĩa tổ chức đàng hoàng, tôi cho đó là một vấn đề nên suy nghĩ trong tình Đảng, tình người.

Cuối cùng tôi nói rằng:

- Việc sinh hoạt Đảng là một vấn đề có tính nguyên tắc, cho nên yêu cầu nguyên tắc Đảng được tôn trọng. Hiện nay, tôi đang tập trung để cùng Đảng làm rõ trường hợp của mình, sau đó tôi sẽ nêu ra những vấn đề về chấp hành nguyên tắc Đảng để đề nghị xét.

Cuộc “thăm” kết thúc trong khoảng 15 phút, mặc dù chúng tôi đã cùng làm việc với nhau lâu.

Quên một điều là đồng chí đưa lý do:

- Vì họp chi bộ có bàn công tác, mà anh thì đang đình chỉ công tác.

Tôi đáp:

- Chúng ta đều hiểu: trong chi bộ ít khi bàn vào công tác cụ thể, cho nên lý do đó không đúng.

Khi tôi nói về việc các đồng chí không đến, thì đồng chí nói:

- Anh cũng thông cảm, chúng tôi sống trong tổ chức, nên cũng có sự ràng buộc trong tổ chức.

Tôi nói:

- Các đồng chí Mai Chí Thọ, Sáu Hoàng vẫn đến tôi.

Đồng chí đáp:

- Vì các anh đó có cương vị.

Sau khi đồng chí Bí thư chi bộ ra về, tôi đã viết thư gửi Ban Bí thư yêu cầu được giải đáp xem Đảng ủy Bộ Nội vụ xử sự như vậy là đúng hay sai; và xin Ban Bí thư có văn bản hoặc ý kiến rõ về việc này.

Riêng tôi thấy rằng: Chúng ta thường nói bây giờ Đảng ta có chính quyền, nhưng hình như nhiều người chưa thấy rõ đặc điểm độ chi phối các mặt công tác như thế nào. Khi đình chỉ công tác của tôi, có lẽ có người tưởng đâu như thời kỳ bí mật, chỉ có trong một số đảng viên biết với nhau - Người ta quên rằng: tôi là Thứ trưởng một Bộ trong chính quyền, cho nên việc làm như vậy tự nhiên là không thể giấu được ai.

Bây giờ người ta lại nghĩ làm như lúc hoạt động bí mật, bí mật đình chỉ sinh hoạt Đảng là xong. Người ta không nghĩ rằng: bây giờ không còn phải là lúc dùng những biện pháp phi Điều lệ Đảng như vậy. Bởi vì Đảng đã công khai, đã có chính quyền, việc làm quang minh chính đại của bất cứ tổ chức nào của Đảng cũng phải tuân theo Điều lệ, giống như mọi việc của Nhà nước phải tuân theo pháp chế. Đó là hành động một cách hợp pháp, hợp lệ trong Đảng. Đó cũng là một biểu hiện của chính quy hóa, công nghiệp hóa mà các Nghị quyết Đảng đều đòi hỏi.

Ngày 30/11/1978, tôi viết thư yêu cầu đồng chí Bí thư chi bộ trả lời như đã hứa là có văn bản về việc không triệu tập tôi sinh hoạt chi bộ, đồng thời gửi thư yêu cầu gặp anh Thân. Thư ký của anh Thân báo hẹn gặp sáng 31/1/1978.

Tối hôm đó, cậu Hiếu - thư ký của anh Thân - đến thăm, nói chuyện chung, và hỏi thăm tình hình tiến triển ra sao. Ý kiến chung của Hiếu là nhiều vấn đề tùy tiện quá.

Sáng hôm sau, gặp anh Thân, tôi nói vắn tắt diễn biến từ sau hôm gặp anh Hoàn và anh Thân. Anh Thân nói mới đi về, nhận được thư bên anh Bách Văn phòng Trung ương chuyển sang hỏi việc ngưng sinh hoạt Đảng của tôi. Anh Thân đã nói với Đảng ủy là phải tiếp tục triệu tập như thường. Tôi yêu cầu Đảng đoàn Bộ can thiệp cho việc được nhanh lên, thì anh Thân tỏ vẻ thoái thác, vì đã có một Tiểu ban riêng, Bộ xen vào không tiện. Cuối cùng anh Thân hứa nếu có dịp gặp Ban Bí thư thì sẽ đặt vấn đề.

Giục lại Bí thư chi bộ, thì đồng chí này bệnh, nhắn lại là Đảng ủy sẽ có người tới gặp. Đợi đến ngày 3/2/1978 lại phải nhờ giục lại. Tan giờ làm việc chiều, đồng chí Lai - thường trực Liên chi- đến, nói là: vì hôm trước có ý kiến nói để tôi tập trung thì giờ viết, cho nên chi bộ có nói không báo để tôi đến họp; tháng 12/1977 anh em bận cũng không họp, và kỳ này họp sẽ báo để tôi đến họp. Tôi chỉ trả lời rằng tôi chỉ chờ, chứ chẳng có gì viết từ sau 9/11/77 đến nay.

Trong vài ngày qua, đã dự thảo một thư, định gửi anh Trinh để yêu cầu được giải quyết việc. Nhưng nghe nói mấy đồng chí Tiểu ban Bảo vệ Đảng đã ra Hà Nội, nên còn ngưng lại. Ngày 3/2/1978, nhờ tìm đồng chí Thành, không được.

Chiều viết thư, cho đưa thẳng đến nhà đồng chí Thao, đồng chí này vội đi đâu có việc, nhắn sẽ đến gặp và sẽ báo trước.

Sáng 4/2/1978, anh Gia báo cho biết đã liên lạc được với anh Thành. Lát sau, anh Thành gọi điện thoại đến. Theo anh Thành, thì anh ấy mới ra Hà Nội chiều hôm kia. Tôi yêu cầu cho biết công việc dự định tiếp tục ra sao. Thì được trả lời:

- Vào Sài Gòn, tôi (anh Thành) đã gặp được chị Năm giao thông, anh Bẩy Siết, là người cùng bị bắt với Anh (tôi, Tài). Trước hôm ra, có làm việc với anh Năm Xuân [1] , Sáu Ngọc về tình hình cơ sở, các anh này nói “có nhận được thư của Anh (Tài) yêu cầu xác nhận tình hình cơ sở, và đang chuẩn bị để có báo cáo cụ thể về việc này, để làm tròn trách nhiệm với đồng chí”. Đã làm việc hai lần với anh Sáu Thọ, mỗi lần chỉ được ít thì giờ. Anh Thọ đồng ý là “tiếp tục làm rõ về vấn đề cơ sở “(?). Anh Hai Văn thì nằm Viện, nên đến thăm cũng không nói được công việc (?). Về công việc tiếp tục, thì anh Thọ nói “có nhận được thư anh Tài gửi Ban Bí thư”, nên cũng giục phải làm trực tiếp, có đến đâu làm đến đó, kẻo phải chờ lâu (!?).

Vậy dự kiến của anh Thành là sau Tết ít ngày sẽ làm, ngày cụ thể thì chiều hôm nay sẽ thương lượng với anh Mậu và anh Thao, rồi sẽ báo, có thể khoảng 10 âm lịch. Tôi hỏi:

- Vậy các vấn đề các anh nêu mà tôi đã có trả lời, thì các anh có ý kiến gì?

Anh Thành nói:

- Đã sao gửi các tài liệu đến các anh khác rồi, nhưng chưa thấy phát biểu ý kiến gì cả (!?).

Tôi yêu cầu trả lời sớm cho về ngày làm việc. Anh Thành nói:

- Tết cứ yên trí đi chơi (?).

Tôi đáp:

- Buồn, chẳng đi đâu cả. Như anh đã biết đấy, thông tri đi các nơi, nay dư luận nói lung tung cả, đi làm sao được.

Anh Thành nói: có được đọc thư tôi, nhưng cũng không giải thích gì được hơn.

Như vậy, với cuộc nói chuyện điện thoại hôm nay, cũng vẫn là cách nói trì hoãn, lảng tránh nói thẳng và những việc chính, và không thể hiểu được là Tiểu ban BVĐ đã làm việc như thế nào?

Sáng chủ nhật 5/2/1978, là 28 Tết, sau khi cả gia đình tôi đi viếng mộ Cha tôi về được một lát, thì đồng chí Hoàng Thao đến. Sau vài câu thăm hỏi sức khỏe, và nói là đến theo lời hứa, chúng tôi đi vào đề.

Đầu tiên, đồng chí Thao nhắc lại mối quan hệ xưa kia tôi là cấp trên của anh ấy, nên bây giờ làm việc cũng có băn khoăn; khi Bộ Chính trị (?) quyết định việc đình chỉ công tác tôi để thẩm tra thì trong Lãnh đạo của Bộ cũng rất buồn (!?), nhưng không thể nào làm khác được:

- Làm việc trong Tiểu ban BVĐ cũng có khó khăn, vì việc nhiều, người ít, quan hệ Nam Bắc chưa quen nhau, mà đối với cán bộ Nam thì còn nặng nề tình cảm. Về việc của Anh (tôi) thì cũng còn phức tạp. Hôm rồi, Tiểu ban họp công việc cuối năm, cùng có anh Thọ dự, có đưa việc của Anh ra bàn, thấy cần làm nhanh hơn, nhưng cũng có điểm thì trong Tiểu ban đều nhất trí, có điểm chưa nhất trí. Tôi (anh Thao) cũng đã đề nghị nên sớm gặp Anh để hỏi kẻo quá lâu. Hiện anh Hai Văn đang bàn với anh Thọ về nội dung sẽ hỏi (?). Tết này anh Thọ ra Bắc ăn Tết, Tiểu ban sẽ làm việc với Anh, định mời anh Thọ dự luôn để khỏi phải báo cáo lại, vì anh Thọ là người quyết định cuối cùng.

Tôi có đề cập đến tình hình dư luận đã công khai nói việc tôi nghi vấn, anh Thao ở Công an, chắc đã biết nguyên tắc đảm bảo bí mật, cũng như thời hạn phải xác minh làm rõ; không hiểu Tiểu ban nghĩ như thế nào về tình trạng này.

Anh Thao đáp “để sẽ điện báo cáo”. Tôi nói việc này, tôi đã có thư đến anh Trinh rồi.

Tôi nhắc: “Nếu Tiểu ban làm việc thì tôi yêu cầu cho ghi âm, như anh Trinh đã đồng ý”. Anh Thao trả lời “anh Sớm cũng đã hỏi ý kiến anh Hoàn, thì anh Hoàn nói cứ cho ghi. Vậy chắc không có gì khó”. Theo anh Thao, thì vụ chống Đảng, chẳng phải người mình yêu cầu, người ta cũng ghi âm. Chưa hiểu ngụ ý muốn nói gì qua câu này.

Tôi nói đã có gửi các thư 15/12/1977, 5/1/1978, 11/1/1978. Anh Thao nói đã có được đọc, kể cả bản kiểm điểm của tôi. Tôi nhắc là đến phiên làm việc, tôi yêu cầu trả lời kết quả kiểm tra và giám định cái gọi là “bản tài liệu mật trong va ly của người nước ngoài đến Việt Nam”, mà gán cho tôi chữ “liên quan”. Về vấn đề này, không thấy anh Thao trả lời thẳng vào vấn đề, mà xoay sang chuyện khác.

Anh Thao hỏi tôi “đã gặp anh Thành ở Bảo vệ Đảng chưa?” Tôi đáp: “Có nói điện thoại. Anh ấy hứa thu xếp làm việc sau Tết, nhưng bằng điện thoại, nên không tiện nói gì”.

Tôi chẳng hề có ý định “moi” xem Tiểu ban đặt vấn đề gì. Tuy vậy, thấy cách nói chuyện của anh Thao là tìm cách lảng tránh.

Tôi phàn nàn:

- Công việc làm quá lâu. Tuy Tiểu ban thì mới thành lập sau này, nhưng cơ quan Bảo vệ Đảng thì đã có từ lâu, và ngay từ trước cũng đã cho thu thập tài liệu về tôi rồi.

Anh Thao đáp:

- Đó là việc của anh Thành; bên Bộ có tài liệu gì thì không có nghiên cứu, mà anh Hoàn cho chuyển sang đó cả. Anh Thành đã có nghiên cứu hồ sơ của Anh, và đề xuất vấn đề.

Anh Thao hỏi thăm về mẹ tôi. Tôi đáp:

- Sức khỏe không tốt. Tôi không để Bà biết mọi chi tiết, nhưng cũng phải để Bà biết việc tôi đang phải đình chỉ công tác để thẩm tra. Tuy không nói ra, nhưng Bà rất buồn. Và Bà nói là “Đảng bây giờ hình như không được như trước”. (Mấy năm sau, khi tôi nghĩ đến cha mình thì cảm thấy an ủi phần nào là ông đã ra đi trước khi chuyện oan ức của tôi xẩy ra; nên ông đã không phải chứng kiến sự đau khổ lẽ ra không đáng có trong đời tôi).

Anh Thao hỏi Tết tôi có cần Bộ giúp đỡ gì không? Tôi đáp theo quy định chung, tôi đã có đủ. Hỏi tôi, có đi chơi đâu không, tôi nói buồn chẳng đi đâu; vì như Anh đã biết, thông tri các nơi, bây giờ dư luận đồn như vậy, đi thế nào được.

Nhân đây nói lại câu chuyện điện thoại hôm trước với anh Thành, anh ấy nói là Bộ vẫn để ô tô cho anh đi mà? Tôi đáp: không phải việc có hay không có phương tiện đi chơi hay không, mà là việc đi gặp anh em, thì khó cho cả hai bên, với cách làm việc như hiện tại.

Chiều 5/2/1978, anh Ngọc Châu đến tìm 2 lần, mà không gặp tôi. Anh ấy nhắn con tôi là định đến bình những bài thơ của tôi làm trong tù. Cảm ơn anh Ngọc Châu.

Tối đến chơi anh Mạc. Anh ấy hôm trước có nghe tôi nói chuyện không triệu tập sinh hoạt Đảng. Hôm sau anh ấy gặp anh Thân, hỏi là đối với anh Tài “chúng tôi làm việc lâu năm, bây giờ có được phép đến chơi hay không?” Anh Thân trả lời: “Tại sao không? Cứ như bình thường chứ”. Sau đó anh Mạc cũng hỏi việc sinh hoạt Đảng, thì anh Thân cũng trả lời anh Mạc giống như đã giải quyết và trả lời tôi. Anh Mạc cũng cho rằng có những người họ ngại, và bây giờ làm việc tùy tiện quá.

Đến đây phải kể một chuyện khác. Lúc tôi còn làm việc, anh Trí - cán bộ của Phòng tổng hợp - được phân công làm thư ký cho tôi; hôm Tết, anh ấy đến thăm tôi, ai cũng hiểu là vì tình cảm đã cùng nhau làm việc; thế mà sau đó anh ấy bị anh Dư - là Vụ trưởng - phê bình, bắt viết kiểm điểm (!).

Sáng 5/2/1978, đồng chí Bí thư chi bộ đến, có ý thanh minh việc sinh hoạt Đảng. Tôi trả lời “tôi hiểu không phải do Chi ủy”. Và nói chuyện chơi.

Nhà xuất bản Công an nhân dân, trong tủ sách truyền thống, mới in cuốn Trinh sát nội thành của Tôn Ái Nhân, viết về hoạt động của Lê Nghĩa, trước tên là Đoàn Giáp, nay là Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Trong cuốn sách có một vài chỗ có ghi tên tôi. Bản mà tôi được đọc thì nghe nói là những bản đầu. Còn bây giờ, thì ở các cuốn phát hành sau, tên tôi đều bị bôi xóa (!?).

Có người nói là thu lại để bôi xóa tên tôi, rồi mới cho phát hành. Một cán bộ hỏi chuyện vợ tôi có thấy cuốn sách còn để tên tôi hay không? Và người đó nhận xét là việc làm thô bạo quá. Tôi sẽ có dịp để chính thức hỏi ý nghĩa việc này; dù sao, đây cũng là một hành động có thực. Tôi bỗng nhớ đến một ý trong cuốn Nhớ lại và suy nghĩ của Giu-cốp là: “Người ta có xuyên tạc lịch sử, nhưng không thể thay đổi được lịch sử”. Việc này là một chủ trương của tập thể, hay của cá nhân?

Ngày Tết Nguyên đán, có một số đồng chí ở cơ quan đến thăm; có người tối 30, có người vào các ngày sau. Mới gặp tôi chiều 4/2/1978, đến chiều Mồng Một, đồng chí Hoàng Thao cùng vợ lại đến. Tôi theo nguyên tắc có ai đến thì tôi đáp lễ, và tôi đáp lễ ngay tối hôm đó.

Tôi chủ động đến thăm anh Nguyễn Tạo, là đồng chí già hoạt động từ 1926, và đã có lúc cùng công tác với tôi. Tôi trọng anh Tạo vì quá trình chiến đấu, đồng thời ở tính tình của anh. Vào nhà, sau khi mời ngồi, anh Tạo nói ngay. Hôm rồi, Trung ương chiêu đãi Tết các đồng chí lâu năm về hưu. Tại buổi đó, anh Duẩn gặp anh Tạo nói chuyện, anh Tạo bèn hỏi anh Duẩn có biết việc của anh Tài không? Anh Duẩn đáp có nghe, có nhận được hồ sơ, nhưng anh Duẩn chưa có ý kiến gì. Anh Tạo nói có nghe thấy chuyện nghi vấn tôi sao đó; và phát biểu ý kiến riêng cá nhân anh Tạo hiểu về tôi, đánh giá tôi, và kết luận rằng “CIA nó dùng người thì không khi nào làm ăn như vậy, do đó rõ là kế hoạch ly gián” Anh Duẩn không có trả lời. Đó là chuyện tôi được nghe trực tiếp từ miệng anh Tạo kể lại. Cũng hôm Tết, tôi nghe một đồng chí khác kể lại rằng: anh Tạo cũng nhân dịp gặp một vài đồng chí Trung ương khác, cũng nêu thắc mắc về trường hợp của tôi. Nhưng điều này không thấy anh Tạo nói với tôi. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng: điều mà tôi đã từng nhận xét về anh Tạo lâu nay là đúng. Tôi cho anh là người cương trực. Và qua chuyện này, thấy Anh can thiệp vào việc chẳng hề là của mình một cách không vụ lợi, mà cũng chẳng hề có ý kiến gửi gắm nhờ vả của tôi. Anh nghĩ sau thì nói vậy, và làm theo tự mình nhận thức, thấy trách nhiệm của người Cộng sản đối với chân lý. Tôi bỗng nhớ đến một số đồng chí có trách nhiệm đối với trường hợp của tôi, mà đang có cương vị, tôi chỉ yêu cầu tập thể cơ quan lãnh đạo có ý kiến để công việc được xúc tiến, nghĩa là: tôi “được bị chất vấn” - chỉ có thế thôi, chứ không yêu cầu bênh che gì cả - để việc được ngã ngũ, vậy mà các đồng chí này thái độ ngãng ra, hoặc rất mập mờ. Quả thật ở đời, hiếm người thật sự vì bảo vệ chân lý, cho dù bản thân mình sẽ có thể gặp khó khăn vì việc làm đó của mình. Và trong Đảng ta hiện nay, liệu có thể có được bao nhiêu người như vậy?

Thư gửi anh Nguyễn Duy Trinh đã đánh máy hôm trước, chỉ sửa vài chữ, đã được gửi đi; đồng gửi anh Lê Đức Thọ và anh Trần Quốc Hoàn. Trong thư tôi đã kiểm điểm diễn biến công tác thẩm tra đối với tôi trong 3 tháng qua, vạch rõ do chủ trương đình chỉ công tác với cách tiến hành sau đó, thì việc Đảng nghi vấn tôi đã được công khai hóa, sinh mệnh chính trị của tôi bị đặt thành vấn đề, danh dự cá nhân và gia đình tôi bị xâm phạm vô cớ. Nhưng đối chiếu với nội dung đặt vấn đề nghi vấn thì rõ ràng là không có căn cứ, do đó biện pháp đình chỉ công tác là quá mức cần thiết, thời gian 3 tháng là quá đủ để kết luận. Cho nên đề nghị Ban Bí thư cần ấn định thời gian chót cho công việc thẩm tra xác minh, để công tác được tập trung; tôi cũng khẳng định việc có thể kết luận rõ ràng, không thể để mập mờ, nhất là việc đã công khai hóa, nếu không đi đến kết luận mà cứ để buông trôi, thì như vậy là trái pháp luật xã hội chủ nghĩa, trái chính sách và đạo đức của Đảng.

Tôi không muốn kể sâu đến việc các đồng chí đến thăm tôi tại nhà đều bị có người bí mật ghi tên hoặc số xe (xe đạp hồi đó còn có biển đăng ký). Anh em có người hỏi thẳng anh Thông - là Trưởng phòng ngoại tuyến - thì anh ấy không cải chính, mà chỉ cười đánh trống lảng.

Cũng như có lần gia đình tôi về quê viếng mộ Tổ tiên - gặp phải hôm mưa phùn - thì tôi thấy có những người lạ mặt không phải người làng mang áo mưa, đứng lảng vảng ở khu nghĩa trang (Tôi nghĩ bụng: “Chắc họ ngờ mình dùng “hộp thư chết” để bỏ hay nhận thư mật đây”).



[1]Ông Mai Chí Thọ (BT)

- Về trang: Mục lục
- Xem tiếp: Chương 5: Tiểu ban Bảo vệ Đảng chất vấn



Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment