Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 2: Đột ngột bị đình chỉ công tác

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 2: Đột ngột bị đình chỉ công tác


Đầu tháng 10/1977, theo yêu cầu của Bạn, Bộ trưởng cử tôi đi công tác ngắn hạn sang Lào. Về đến Hà Nội, tôi đang thu xếp công việc sắp sửa đi công tác vào Sài Gòn, thì trong một buổi họp, anh Lê Quốc Thân ghé tai tôi, nói:

- Anh xem có thể giao việc đi Sài Gòn cho anh em nào khác chăng; vì anh Hoàn đang nghỉ bệnh, mà tôi (anh Thân) thì sắp đi vắng lâu.

- Tôi sẽ suy nghĩ; tuy nhiên lúc này cũng còn có nhiều đồng chí Thứ trưởng khác đang có mặt ở nhà. Tôi đáp.

Sáng 28/10/1977, đang nghiên cứu một kế hoạch công tác, tôi nhận được thư “Hỏa tốc” của Tiểu ban Bảo vệ Đảng trung ương (sau này viết tắt là Tiểu ban BVĐ) triệu tập tôi có mặt hồi 14 giờ cùng ngày, để nghe phổ biến Quyết định của Ban Bí thư.

Tôi hẹn gặp anh Lê Quốc Thân – là Thứ trưởng thường trực – để báo cáo, nhưng anh Thân bận suốt buổi. Sợ trễ, tôi đành báo gặp anh Trần Quốc Hoàn – Bộ trưởng – mặc dù anh Hoàn đang nghỉ bệnh.

Anh Hoàn nói với tôi:

- Anh cứ thu xếp công việc theo thư triệu tập (Tuy anh Hoàn cũng không nói biết nội dung là việc gì.)

Trả lời một số ý kiến do tôi nêu ra, anh Hoàn nói tiếp:

- Anh có quyền phát biểu ý kiến của anh, nếu Đảng kiểm tra trường hợp của anh.

- Anh có thể đề nghị cho ghi âm, và Bộ Nội vụ sẵn sàng giúp việc đó.

- Anh Thọ có bảo tôi (anh Hoàn) tham gia vào việc kiểm tra trường hợp của anh, nhưng để cho khỏi có sự dị nghị cho nên tôi xin cứ để Tổ chức làm, rồi sẽ phát biểu ý kiến sau.

Vì anh Hoàn đang là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và là Thủ trưởng trực tiếp của tôi, nên tôi tỏ ý đồng tình với cách đặt vấn đề đó của anh Hoàn.

Trở về phòng làm việc, tôi tập trung sức, tự viết lấy cho hoàn tất bản kế hoạch công tác quan trọng, mà các đồng chí được giao dự thảo đã để quá chậm trễ.

Hồi 14 giờ cùng ngày, tôi đến trụ sở Bảo vệ Đảng- nằm trong khu vực Ban Tổ chức trung ương. Đồng chí Trần Văn Sớm - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kiểm tra kiêm Phó Tiểu ban BVĐ, cùng đồng chí Tấn, Phó Vụ Bảo vệ Đảng, đã đợi.

Sau vài lời thăm hỏi, tôi yêu cầu đi vào đề.

Đồng chí Sớm đọc Quyết định số 254/QĐ/NSTW ngày 12/10/1977 của Ban Bí thư, nội dung viết: “Căn cứ báo cáo và đề nghị của Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương, xét thấy đồng chí Nguyễn Tài, Thứ trưởng Bộ Nội vụ có một số vấn đề chưa rõ trong thời gian bị địch bắt giam giữ”, nên “Ban Bí thư quyết định đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Tài, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để kiểm điểm những vấn đề chưa rõ..”;  “ủy nhiệm Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương hướng dẫn cho đồng chí Nguyễn Tài kiểm điểm báo cáo, và giúp Trung ương thẩm tra… để báo cáo Ban Bí thư kết luận”.

Đồng chí Sớm yêu cầu tôi thu xếp để từ hôm sau, hàng ngày đến trụ sở Bảo vệ Đảng làm việc.

Tôi hỏi và được đồng chí Sớm trả lời:

- Đình chỉ công tác không phải là hình thức kỷ luật, vì Điều lệ Đảng không quy định; cũng không phải là cất chức, mà chỉ là để tạo điều kiện cho Anh (tôi, Tài) tập trung kiểm điểm. Việc xong chắc cũng hết khoảng 3 tháng.

Tôi nêu vấn đề:

- Đề nghị cho ghi âm các buổi làm việc. Vì chữ tôi viết khó xem; ghi âm vừa nhanh, lại tiện cho người nghiên cứu. Việc này tôi có trao đổi với anh Trần Quốc Hoàn và đã được anh Hoàn hứa là Bộ Nội vụ sẽ giúp đỡ Tiểu ban BVĐ.

Nhưng đồng chí Sớm thoái thác:

- Tiểu ban BVĐ không có máy, lại chưa quen dùng; còn phải đợi hỏi anh Hai Văn đã.

15 giờ, tôi trở về Bộ Nội vụ, tìm anh Thân để báo cáo; thì được biết anh Thân đã sang anh Hoàn. Tôi đến anh Hoàn, thì đông đủ các đồng chí lãnh đạo Bộ đang có mặt ở đó…

Tôi tranh thủ báo cáo ngay nội dung việc gặp đồng chí Sớm. Rồi hỏi sẽ bàn giao công tác đang phụ trách cho ai; thì được trả lời bàn giao cho đồng chí Thứ trưởng Minh Tiến.

Tôi cũng đã báo cáo điều mà đồng chí Sớm trả lời tôi về ý nghĩa đình chỉ công tác. Sau đó cùng thống nhất ý kiến là nên cho các cán bộ cấp Vụ, Cục đang công tác trong khối do tôi phụ trách được biết, vì đây là việc bình thường theo nguyên tắc Đảng, để tránh việc bàn luận lung tung.

Ngay sau đó - vì đã xế chiều - tôi chỉ còn có được khoảng một giờ đồng hồ để bàn giao nội dung công việc và hồ sơ cho anh Minh Tiến. Tiếp đó là gặp các cán bộ cấp Vụ, Cục - thuộc khối do tôi được phân công phụ trách - để thông báo. (Nhớ lại hồi đầu 1964, trước ngày lên đường đi Nam, tôi đã được có hơn nửa tháng trời để bàn giao chi tiết mọi công việc đang làm cho anh Viễn Chi; mà nay thì phải làm quá gấp; riêng tôi thấy không yên lòng. Mà sau có nhiều đồng chí cho biết, các công việc tôi làm dở dang đó, có những việc vẫn để đọng lại sau khi tôi không đến làm việc ở Bộ).

Trong số hồ sơ bàn giao, tôi đưa anh Minh Tiến cất riêng:

  • Tập lưu các bản ghi tay của Cục G 3, dựa và bản ghi âm hồi tháng 6/1976, khi tôi hỏi cung mấy tên tình báo Ngụy mà ta đang giữ.
  • Các bản ghi ý kiến của tôi về một vài tên tình báo Ngụy mà tôi biết mặt - trong thời kỳ tôi bị chúng giam giữ - nhưng không biết tên để cung cấp cho Cục D3 và Công an Sài Gòn.
  • Bản lưu thư tay của anh Hoàn trả lời tôi là đã giúp đưa đến anh Thọ mấy thứ tôi gửi đến anh Thọ hồi 1/1977.
  • Bản báo cáo của một đồng chí trước làm cơ yếu ở trong Nam về việc lúc tôi bị bắt, thì ban An ninh Miền đã thông báo rộng rãi các nơi, trái với quy định của Bộ là phải giữ bí mật (đồng chí này có ý đóng góp vào việc tìm rõ nguyên nhân tại sao tôi bị lộ tung tích - tuy rằng việc tôi bị lộ, lâu nay tôi hiểu là do một việc làm sơ hở khác của các đồng chí An ninh Sài gòn, viết thư cho một cơ sở nội thành yêu cầu tìm người có tên - như trên căn cước giả mà tôi sử dụng - để lo tiền hối lộ bọn địch - nhằm chuộc tôi ra trong thời gian tôi chưa bị lộ tung tích; cơ sở này bị địch bắt có cả thư).

Sau này, tôi được nghe một số việc như sau: Trong một cuộc họp bất thường và cấp tốc các Vụ, Cục trưởng quanh Bộ, anh Trần Quốc Hoàn đã thông báo rất đúng mức ý nghĩa việc đình chỉ công tác của tôi, và yêu cầu không bàn tán lộn xộn; Bộ cũng có văn bản thông báo như thế đến các Sở, Ty CA trong toàn quốc.

Nhiều đồng chí nhắn lời hỏi thăm, an ủi; một số đồng chí đến thăm tận nhà. Hầu hết đều sửng sốt, băn khoăn về việc đột ngột tôi bị đình chỉ công tác.

Có người lo công việc tôi đang phụ trách sẽ bị bê trễ; có người thắc mắc về chính sách sử dụng cán bộ của Đảng. Nói chung, đều băn khoăn về lý do đình chỉ công tác không rõ ràng, và cho là một biện pháp quá mức cần thiết.

Trước những ý tốt của các đồng chí đối với tôi, tôi vẫn chỉ có một ý nghĩ, và đã giải thích lại cho các đồng chí:

  • Tôi cho rằng: để trọn tin nhau, thì phải kiểm tra lẫn nhau; trong Đảng thì việc Đảng kiểm tra đảng viên là việc bình thường, có tính chất nguyên tắc; đã là đảng viên thì ai cũng tự giác đặt mình dưới sự kiểm tra của Đảng, riêng tôi thì lại tạo thuận lợi cho sự kiểm tra đó, đồng thời tôi cũng xác định có quyền đấu tranh góp phần giữ vững nguyên tắc Đảng và luật pháp Nhà nước.
  • Tôi cũng cho rằng: Người nào mà trên lời nói và nhất là trên hành động, đã tự coi mình là không ai có thể và không ai có quyền được kiểm tra mình; thì dù người đó có cấp bậc như thế nào đi nữa thì - nói ngay thẳng - kẻ đó đã không đáng được gọi là đảng viên cộng sản, đầy tớ tận tụy của nhân dân nữa rồi.
  • Thêm nữa, riêng trường hợp của tôi, từ khi có chuyện rắc rối dịp Đại hội Đảng IV cuối 1976 (sau này sẽ nói trở lại kỹ hơn), thì tôi cũng “đã phát biểu nguyện vọng được Đảng kiểm tra lại, để có kết luận ngã ngũ một lần cho xong”.

Bởi thế, tôi nghĩ: đang làm việc mà bị đình chỉ công tác thì tuy có buồn thật và cách làm thì chưa thỏa đáng; nhưng là dịp để cho ngã ngũ, thì dù sao cũng là tốt.

Do đó, ngay khi gặp đồng chí Sớm, tôi đã nói sẵn sàng thi hành Quyết định của Ban Bí thư.

Từ ngày 29/10/1977, hàng ngày tôi đến trụ sở Vụ Bảo vệ Đảng để làm việc.

Chiều 28/10/1977, đồng chí Sớm yêu cầu tôi viết lại toàn bộ bản báo cáo kiểm điểm về thời kỳ bị địch bắt giam giữ.

Tối hôm đó, tôi mới có thì giờ đọc kỹ lại Quyết định 254-QĐ/NSTW; cho nên sáng 29/10/1977, tôi có yêu cầu được giới thiệu các vấn đề gì gọi là chưa rõ - như Quyết định 254 nói - để tôi trả lời trực tiếp vào đó.

Đầu tiên, đồng chí Sớm hẹn sẽ gặp lại tôi để trả lời, nhưng sau lại đổi ý kiến. Tôi phải nhờ đồng chí Tấn, Vụ phó, hỏi giùm. Sau khi thỉnh thị đâu đó, đồng chí Tấn trả lời tôi là: cứ viết theo ý đồng chí Sớm. Tôi thấy làm việc như vậy chưa đúng với lời văn của Quyết định 254, và thấy làm như vậy chưa hợp lý. Nhưng với tinh thần nghiêm túc, tạo thuận lợi cho công tác thẩm tra, tôi vẫn viết lại từ đầu. Nói là “viết lại”, vì từ đầu tháng 5/1975, tôi cũng đã 1 lần viết báo cáo kiểm điểm gửi Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, mà theo đồng chí Mười Hương cho tôi biết, thì bản kiểm điểm đó của tôi đã được giao tận tay đồng chí Khiêm, Phó ban Tổ chức trung ương rồi.

Đồng chí Tấn, Vụ phó BVĐ, có việc hay đi vắng, nên giới thiệu một đồng chí tên là Dũng, hàng ngày đưa giấy cho tôi viết; và mỗi chiều thu lại các tờ đã viết. Cần nói thêm là hôm 28/10/1977 tôi đã hỏi đồng chí Sớm xem có thể để tôi viết ở nhà, rồi nhờ Văn phòng Bộ Nội vụ giúp đánh máy để nộp; thì đồng chí Sớm không đồng ý. Ngay chiều 28/10/1977, trước đủ mặt các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, tôi có nói rằng:“Tuy chưa phát biểu với đồng chí Sớm - nhưng tại đây - tôi nói thẳng rằng làm như viết cung vậy”.

Và từ 29/10/1977 đến 9/11/1977 tôi đã viết xong lần thứ hai về trường hợp bị địch bắt của tôi, trong một bản báo cáo chi tiết gần 200 trang.

Mỗi ngày tôi viết đến đâu, đồng chí Dũng - cán bộ BVĐ - đều có ghi số trang, đánh dấu để hôm sau tôi viết tiếp; tức là để tôi không thể thay đổi được cái gì đã viết. Tôi viết đến đâu là cho đưa đi đánh máy ngay đến đó; nói là “để gửi cho các đồng chí có trách nhiệm kịp nghiên cứu”. Tôi hy vọng nếu làm khẩn trương như vậy, thì chẳng làm gì hết 3 tháng như dự kiến của đồng chí Sớm. Tuy thế, việc đánh máy chậm và có nhiều lỗi, nên sau ngày 9/11/77, tôi còn phải xếp thêm gần một tuần lễ nữa đến trụ sở Bảo vệ Đảng, tự soát lại trên một bản đánh máy, để sau đó các đồng chí sẽ soát các bản còn lại.

Lương tâm tôi vẫn yên ổn lâu nay - Đến khi viết xong trang cuối cùng của bản báo cáo, thì tôi càng thấy yên ổn, vì đã làm xong nhiệm vụ theo yêu cầu mới của Đảng. Tôi nghĩ rằng: Có thể do bản báo cáo cũ (năm 1975) chỉ có vài chục trang, lại bị đánh máy sai nhiều, nên các đồng chí nghiên cứu có thể thấy có chỗ chưa rõ. Nay viết thật chi tiết, thì chẳng còn có chỗ nào có thể gọi là chưa rõ được nữa.

Lúc đó, đồng chí Thành, Vụ trưởng, là Ủy viên Tiểu ban BVĐ đi công tác mới về. Tôi nói là đã viết xong, và sẵn sàng làm việc trực tiếp với Tiểu ban.

Thực bụng, tôi nghĩ rằng: Sau 2 năm rưỡi chuẩn bị, để đi đến chỗ đề nghị lên Ban Bí thư đình chỉ công tác của tôi để kiểm điểm, thì chắc chắn Tiểu ban BVĐ đã sẵn sàng rồi. Bởi thế, tôi đã hết sức cố gắng để viết xong sớm. Nhưng đồng chí Thành cho biết “còn cần có thì giờ để các đồng chí nghiên cứu”. Và theo đồng chí Thành, thì độ 15 ngày sau, Tiểu ban mới có thể làm việc với tôi được. Nên để tiết kiệm cho Đảng, tôi nói: “Năm 1977 tôi chưa nghỉ phép năm, vậy tôi kết hợp để nghỉ”. Theo đồng chí Thành, thì lúc nghỉ, tôi muốn đi chơi đâu thì đi; nhưng thực tế là đến 16/11/1977, tôi mới soát xong được đến trang đánh máy cuối cùng của bản báo cáo; mà ngày 15/11/1977 khi đồng chí Mai Chí Thọ ở Sài Gòn ra Hà Nội họp, đến thăm tôi, thì đã cho hay là việc đình chỉ công tác của tôi do được thông tri đến CA các địa phương nên tin đã loang rộng; do đó tôi thấy chỉ có việc nằm ở nhà chờ đợi Tiểu ban BVĐ gặp làm việc là hơn cả.

Nhân gặp tôi, đồng chí Thành nói chuyện cho biết: có được đồng chí Lê Đức Thọ chuyển để lưu thư tôi gửi anh Thọ dịp Đại hội IV; và đồng chí Thọ dục anh Thành làm sớm việc của tôi; bản báo cáo cũ của tôi năm 1975 bị đánh máy sai nhiều quá; có những tên Ngụy hiện bị ta giam giữ, chúng biết rõ tôi còn sống, nhưng không chịu khai những điều hiểu biết của chúng về trường hợp của tôi. Ngoài ra, có hỏi chuyện tôi một số chi tiết lặt vặt mà tôi không còn nhớ rõ.

Ngày 9/11/1977, sau khi hoàn thành viết lại báo cáo kiểm điểm, tôi viết thư đến đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Thường trực Ban Bí thư, báo cáo đã thi hành nghiêm túc Quyết định số 254; yêu cầu cho biết hiệu lực của việc đình chỉ công tác, bởi vì đồng chí Sớm nói là để cho tôi tập trung kiểm điểm, thì tôi đã kiểm điểm xong rồi; yêu cầu cho biết ý nghĩa việc đình chỉ công tác, vì đã có những dư luận lộn xộn xung quanh việc này.

Với cách làm việc nghiêm túc, bằng thư số 238/VPAT ngày 16/11/1977 - do tự tay ký - đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trả lời tôi là “đang trao đổi với bộ phận Bảo vệ Đảng, và sẽ trả lời anh trong ít ngày nữa”. Qua đây, một mặt tôi thấy cách làm việc đàng hoàng của anh Nguyễn Duy Trinh; mặt khác tôi cũng có cảm giác rằng: với cương vị Thường trực Ban Bí thư, tuy anh Trinh đã ký Quyết định 254, nhưng có lẽ anh Trinh cũng chỉ tin vào Tiểu ban Bảo vệ Đảng, hoặc đồng chí chuyên trách Tổ chức, chứ không hiểu rõ tình tiết công việc.

Do đó, tôi đã gửi tiếp một thư nữa, trình bầy rõ những sự không bình thường và dư luận đã xảy ra đối với trường hợp của tôi, và nhắc lại yêu cầu của tôi.

Bằng thư 331/VPAT ngày 21/11/1977 - cũng do tự tay ký - đồng chí Nguyễn Duy Trinh cho tôi biết: “Sau khi Ban Bí thư đã hỏi bộ phận Bảo vệ Đảng, thì việc đình chỉ công tác không phải là một hình thức kỷ luật của Đảng, mà chỉ để cho công tác thẩm tra được tập trung, vì có những việc phải thẩm tra chu đáo và có kết luận rõ ràng, theo tinh thần Ban Bí thư thì sau khi đã thẩm tra xong, anh sẽ được giao công tác mới, mà không làm công tác cũ nữa”.

Nhận được thư này, tôi đã có ngay thư trả lời anh Trinh, trong đó có 3 ý:

  • Một là: Theo đúng QĐ 254, tôi yêu cầu được nêu rõ vấn đề gì Đảng cho là chưa rõ để tôi báo cáo trực tiếp vào đó, làm cho công tác thẩm tra được tập trung và đi đến kết luận mau chóng.
  • Hai là: Xin cho được ghi âm cuộc thẩm tra để tôi chịu trách nhiệm về báo cáo của tôi, để việc thẩm tra được cụ thể, để việc phản ánh báo cáo được đầy đủ, chính xác đến các đồng chí có trách nhiệm và có thẩm quyền kết luận.
  • Ba là: Về hướng công tác sau này của tôi, thì tôi xin để lại sẽ phát biểu vào lúc thích hợp.

Sở dĩ như vậy, vì tôi cũng đã từng được Đảng giáo dục về nguyên tắc làm việc trong Đảng; nếu vì nhu cầu mà thay đổi công tác của tôi thì không nên đợi kết hợp với việc thẩm tra; còn việc thẩm tra chưa xong mà đã có hướng thay đổi công tác thì quá sớm, không đúng tinh thần thực sự cầu thị và không hợp nguyên tắc làm việc của Đảng.

Dịp này, đồng chí Hùng - bạn cùng làm việc ở CA Bắc Bộ với tôi từ 1945 - đến thăm; nghe việc dự định thay đổi công tác của tôi, thì đồng chí Hùng nói: “Chỉ có khai báo nghiêm trọng, hay là tay sai địch thì mới không được ở Công an”. (Sau này tôi mới hiểu là có chủ trương chuyển bằng được tôi khỏi Công an - kể cả sau khi đã kết luận là tôi hoàn toàn trong sáng. Và đây chính là một vấn đề đáng phải bàn trong Đảng về chính sách cán bộ).

Hạn nghỉ phép năm của tôi đã hết; tôi dục nhiều lần, nhưng Tiểu ban BVĐ vẫn chưa định được ngày làm việc. Tôi lại chưa được anh Trinh trả lời thư của tôi.

Trong lúc anh Hoàn nghỉ bệnh, anh Thân đi công tác vắng, ngày 27/11/1977 tôi đến gặp đồng chí Trần Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ (sau đây viết tắt là BCSĐ/BNV) can thiệp để Tiểu ban BVĐ sớm làm việc, nêu vấn đề chất vấn tôi có ghi âm; và đề nghị xác định trách nhiệm tập thể của BCSĐ/BNV giúp Đảng về phương pháp thẩm tra đảng viên, và theo dõi cụ thể trường hợp của tôi, chứ không chỉ khoán trắng cho một đồng chí nào đó.

Ít ngày sau, đồng chí Quyết điện thoại cho tôi là đã gặp đồng chí Hai Văn và đồng chí Sớm trong Hội nghị Trung ương lấn thứ 3; các đồng chí hứa sau Hội nghị thì sẽ làm với tôi, đồng ý ghi âm; riêng về trách nhiệm của tập thể Ban cán sự thì các đồng chí lãnh đạo Bộ hiện có mặt ở nhà không đồng ý với đề xuất của tôi. Về ý thứ hai, thì tôi không đồng tình với quan niệm về trách nhiệm như vậy.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Gia, cán bộ Văn phòng Bộ Nội vụ được phân công giúp tôi liên lạc với đồng chí Thành ở Vụ BVĐ. Đồng chí Thành hứa sẽ thu xếp làm việc vào đầu tháng 12/1977, khi mà đồng chí Hai Văn và đồng chí Sớm có mặt ở Hà Nội.

Cần xen vào đoạn này để nói rằng: Do phương pháp công tác của cơ quan BVĐ, nên một tháng sau khi tôi bị đình chỉ công tác, thì dư luận về việc này đã loan truyền khá nhanh và khá rộng. Tôi không có điều kiện để hiểu ở các địa phương, mà chỉ có thể biết được chừng nào đó ở Hà Nội, do bạn bè trực tiếp kể lại cho tôi, hay nói qua người trong gia đình tôi. Bởi vì đó đang là một chuyện thuộc loại “giật gân” trong nội bộ Đảng.

Một loại ý kiến, đã từng thấy có những vụ đình chỉ công tác, mà tiếp theo đó là sự phanh phui một vấn đề chính trị; nên với nếp nghĩ đó, người ta chờ đợi có chuyện lớn xẩy ra trong ngành công an. Lúc này cũng xẩy ra vụ giết người ở đường Phạm Đình Hổ, nên những người ưa đả kích Công an lại có thêm đề tài.

Không biết từ đâu, người ta kể cho nhau, thậm chí có người đến hỏi tôi trực tiếp.

  • Nào là “có thằng tướng hay thằng tá gì đó của Ngụy cũ bị ta bắt, bây giờ khai ra việc gì đó về Tài”.
  • Nào là “Hoàng Minh Chính viết rồi xé, có ngày được có một trang, còn thằng cha Tài viết chẳng có đấu tranh tư tưởng gì cả; 10 ngày viết liền 200 trang”. Nghe thấy thế tôi rất buồn cười, và đau lòng là trong Đảng còn có những người quen làm việc theo lối “suy bụng ta ra bụng người” như vậy.

Một người bạn cũ, một hôm hớt hơ hớt hải đến tìm tôi kể chuyện có tin đồn “có một đoàn người nước ngoài đến Việt Nam, họ có một cái thư tìm không được địa chỉ bèn gửi người phiên dịch, người này nộp cho Công an; thì thấy trong thư có tên Tư Trọng (là bí danh của tôi hồi ở miền Nam)”.

- Anh có tin không? Tôi hỏi.

- Coi đó là kế ly gián trẻ con trong nghề tình báo. Anh ta trả lời.

- Vậy anh khuyên người biết việc hay đi báo cáo một cách có trách nhiệm với Đảng, mà chớ nên “làm việc không công” cho chiến tranh tâm lý địch. Tôi đáp.

- Người ta còn nói cả việc đang chuẩn bị nhân chứng đấu tranh với Tài - anh ấy tiếp - nhưng chính họ cũng bình luận rằng cứ nghe chúng nó thì có ngày chết hết.

Một loại ý kiến khác, của những người đã chứng kiến những sự tiêu cực còn tồn tại trong Đảng và Nhà nước ta, thì họ lập luận rằng có sự mâu thuẫn gì đây trong nội bộ Đảng; thậm chí họ còn cho rằng đây chỉ là để mở đầu cho đòn đánh vào những đồng chí khác có cương vị quan trọng hơn ở trong Đảng.

Những người đã quen với “bài bản”, hễ đình chỉ là tiến đến kỷ luật; sau khi nghe ngóng cả tháng chưa thấy nêu rõ lý do đình chỉ công tác là việc gì, toàn là đồn đại lung tung, cũng bắt đầu băn khoăn nghi ngờ.

Cũng có người nói đến tai tôi là đồng chí này không tốt, đồng chí kia không tốt.

Đối với những đồng chí có lòng tốt kể đến tai tôi những việc như vậy, tôi đều nói rõ thái độ tôi đối với công tác kiểm tra của Đảng, và quan điểm của tôi về sự đoàn kết trong Đảng.

Quan điểm của tôi là mọi việc trong Đảng phải công khai, cụ thể, rõ ràng; làm việc mập mờ chỉ có hại cho Đảng, ít nhất là có những dư luận nói xấu Đảng; hơn nữa là nó gián tiếp cho phép sự nói sau lưng - là điều xưa nay bị cấm ở trong Đảng - dẫn đến bịa đặt và gây rối trong nội bộ Đảng. Đồng thời, tôi cũng không tán thành trong tình hình đó lại có những sự bàn tán ngược lại, nhằm chỉ trích một số người có lời nói hay hành động mà người ta chê trách; vì cuối cùng, làm như vậy chỉ thêm chia rẽ trong Đảng.

Cũng có ý kiến chê trách chính sách cán bộ của anh Trần Quốc Hoàn là không thận trọng. Nhưng cũng có nhiều đồng chí đã làm việc lâu năm với tôi thì tỏ ra vẫn hoàn toàn tin tưởng ở tôi, và họ cho rằng cách làm việc của bộ phận BVĐ là không thỏa đáng.

Rất nhiều bạn bè tiếp tục gửi lời thăm, an ủi, khuyên tôi kiên nhẫn; có người làm mấy câu thơ tặng tôi bầy tỏ niềm tin đối với tôi.

Nhưng cũng có người tìm cách lánh, thậm chí có người bắt đầu nói xấu.

Bỉ ổi là có kẻ dựng chuyện nói rằng: “Bà Bắc - là vợ tôi, đang công tác ở Bộ - tìm cách gặp một đồng chí giám thị một trại giam bọn Ngụy để hỏi xem bọn chúng khai gì về ông Tài (!?).

Vừa buồn cười, lại vừa buồn lòng về việc có một đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói trực tiếp với vợ tôi: “Chị nên khuyên anh ấy suy nghĩ kỹ, còn gì chưa báo cáo thì báo cáo sớm với Đảng, nếu có khuyết điểm cũng cứ nhận sớm, không nên để Đảng phải nêu ra cho mình”(!?).

Trước những tình hình đó, tôi đã có lần nói chuyện với một vài đồng chí đã có cùng làm việc ở Công an là: Trong khi cùng sống và chiến đấu, làm việc với nhau, các đồng chí chúng ta phải tìm hiểu nhau cho cặn kẽ; mỗi người phải tự mình xem xét đánh giá người khác một cách đúng đắn, và phải tự tin ở sự nhận xét của mình qua thực tiễn. Đảng viên, nhất là cán bộ Công an, làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, thì phải dám bảo vệ chân lý, những cái mà mình đã có căn cứ cụ thể để khẳng định rồi, trong đó gồm cả việc nhận xét người. Nếu một cán bộ Công an mà lúc này thì nhận xét người ta thế này, lúc khác lại nhận xét người ta thế khác, nhất là gió chiều nào theo chiều ấy, thì người đó khó lòng dám bảo vệ chân lý. Như vậy có nghĩa là anh cũng không dám tự tin ở anh; và như thế là anh chẳng có chân lý nào để tin và phục vụ cả.

Cũng không thể bỏ qua một chuyện: Đồng chí Nguyễn Vịnh, ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Ủy viên Trung ương Đảng, là cậu ruột tôi. Thấy tôi bị đình chỉ công tác, nhân gặp đồng chí Hoàng Thao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mới hỏi thăm xem “Tài nó đã được phân công chưa”. Một câu hỏi không có tính chất tò mò gì, mà đã được trả lời như sau: “Tài là cháu anh phải không?”

Sau đây, khi nói đến công văn 149/BVĐ của Tiểu ban Bảo vệ Đảng, ta càng hiểu rõ ý nghĩa của chuyện này. Và sau khi mọi việc đã sáng tỏ, tôi mới biết đồng chí Hoàng Thao là ủy viên của Tiểu ban BVĐ, đã đóng góp nhiều ý kiến trong Tiểu ban để buộc tội tôi.


- Về trang: Mục lục
- Xem tiếp: Chương 3: Công văn 139 của Tiểu ban Bảo vệ Đảng


Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment