Vụ án khai man thần sắc

Sunday, July 24, 2011
Xin nhấp chuột vào mục cần đọc để xem chi tiết


_ Bùi Xuân Đính _
Sử cũ ghi lại: Vụ án khai man thần sắc được đưa ra xét xử vào năm Tân Mùi đời Gia Long (1811).


Vào tháng 2 năm Gia Long 3 (1804), các quan ở Bắc Thành tâu xin phong tặng cho thần thiêng các địa phương, sai các làng xã xét hỏi rõ linh tích, phàm vị nào có công đức với dân, các triều vua đã phong tặng thì làm danh sách tâu lên để xin phong tiếp. Vua Gia Long sai Nguyễn Gia Cát (đỗ tiến sĩ năm 1787) bàn tâu về việc kê khai này. Gia Cát uỷ cho Thiêm sự Vũ Quý Dĩnh trực tiếp chỉ đạo việc kê khai; sai con là Nguyễn DựcTài liệu khác ghi là Nguyễn Dục và em vợ là Cống sĩ Tô Văn DậuTài liệu khác ghi là Tô Văn Dâu phụ giúp. Song, lợi dụng cương vị được giao, Vũ Quý Dĩnh làm bản khai giả và sắc giả, phong cho cả ông bà, bố mẹ mình làm phúc thần để được cấp sắc mới. Bọn Nguyễn Dực cũng dựa theo đó làm các sắc giả và khai man văn bản về các vị thần, khiến cho việc phong sắc mới cho các vị thần bị nhầm lẫn, man trá, đảo lộn rất nhiều. Mãi đến năm Tân Mùi (1811), vụ việc trên đây mới bị phát giác. Các quan ở Bắc Thành phát hiện được có đến hơn 560 đạo sắc bị làm giả để phong cho các “man thần”. Vua Gia Long nghe lời tâu nổi giận, sai đình thần xét lại.

Điều đáng lưu ý của vụ việc là trong số các “man thần” kể trên, có cả Hoàng Ngũ Phúc - đại tướng đã dẫn quân Lê - Trịnh vượt sông Gianh để đánh quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào năm Giáp Ngọ - 1774, bị chết trên đường trở về Đàng Ngoài, đã được nhiều làng xã lập đền thờ. Đặng Trần Thường - một trong những “tâm phúc”, có công lớn giúp Nguyễn Ánh - Gia Long gây dựng cơ đồ, khi còn giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành, tuy biết việc thờ này nhưng vẫn “cho qua” và cho liệt vào điển thờ. Đến đây, bọn Nguyễn Gia Cát cứ theo đó mà làm bản tâu xin gia tặng Hoàng Ngũ Phúc làm “Thanh danh văn võ thánh thần đại vương”!

Khi việc khai man và khai nhầm thần để xin cấp sắc phong trên đây bị phát giác, Đặng Trần Thường sợ hãi xin chịu tội.
Vua Gia Long cả giận nói: ”Phong trật cho bách thần là điển lễ lớn của Nhà nước, bọn Cát gian trá, dối người, khinh thần, không tội nào lớn bằng”, rồi giao cho đình thần nghị xét.
Có quan đề nghị cách chức Đặng Trần Thường và xử tử Nguyễn Gia Cát, song Lê Bá Phẩm lại tâu rằng, Thường và Cát mắc tội như nhau, cùng một tội mà hình phạt khác nhau là không đúng luật, vậy nên cả 2 người đều phải chịu tội chết. Án được dâng lên, Vua Gia Long lại sai xét lại, nhưng các quan mỗi người một ý, không quyết được, lại trình lên vua.

Cuối cùng, vua theo lời của Lê Bá Phẩm:
  • Vũ Quý Dĩnh bị xử trảm quyết (chém ngay, không xét lại),
  • Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát cùng bị trảm giam hậu (bị tội chém, nhưng được giam để xét lại án “thu thẩm” vào mùa thu năm sau, (đến tháng 7 năm Quý Dậu - 1813, hai người mới được tha, nhưng bị xóa quan tịch).
  • Nguyễn DậuNguyễn Dực hay Dục thì đúng hơn là Dậu. bị tội đồ (đi làm lao dịch),
  • những người khác có liên quan bị giáng phạt khác nhau.

Vua lệnh cho thu hết các “man sắc” vềĐại Nam thực lục, sđd, tr. 815–816.. Đây là vụ án “khai man thần thánh” duy nhất dưới thời quân chủ chuyên chế.

_ TS Hà Mạnh Khoa _
Triều Nguyễn cũng có những chính sách khảo xét - thưởng phạt công minh đối với các học quan. Để bảo vệ giữ gìn các di sản văn hoá, các truyền thống tốt đẹp trong dân gian, nhà Nguyễn trong những năm đầu đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp và cũng rất nghiêm minh xử phạt những hành vi vi phạm dù người đó đang giữ chức vụ gì trong triều. Đó là vụ án xử Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát vào năm 1811. Đại Nam thực lục ghi rõ:
Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát có tội đều bị bỏ ngục. Trước đây Thanh - Nghệ và Bắc Thành tâu sự tích bách thần”…. “Đăng trật cho bách thần là điển lễ lớn ở buổi đầu của nhà nước. Bọn ngươi làm gian trá, dối người, khinh thần, không tội nào lớn bằng. Vả cuộc biến loạn năm Giáp Ngọ, Hoàng Ngũ Phúc chính là thủ ác, nay lại cất lên mà cho là thần, thế chẳng phải là bán tước sao? Việc ấy còn nỡ làm thì việc gì lại chẳng nỡ”. Sau khi định thần nghị tội, vua theo lời tâu của Bá Phẩm mà phạt “Văn Thành, Quý Dĩnh bị tội trảm, Trần Thường và Gia Cát đều giam hậu; bọn Dục bị tội đồ, những người khác đều bị giáng và phạt khác nhau. Tham quân Lê Chấn cũng vì nhận riêng một đạo thần sắc phần hoàng bị giáng làm điểm quân. Nhân đó hạ chiếu thu lại thần sắc, rồi sai quan Lễ bộ bàn lại việc phong tặng”.

Đây là một vụ án nổi tiếng trong thời kỳ phong kiến, bởi nó thuộc lĩnh vực văn hoá - một lĩnh vực ít có “vai vế” trong xã hội; tội danh vi phạm chỉ là lợi dụng chức vụ để xét và cấp sắc phong cho người thân trong gia đình và người quen. Mà những người vi phạm lại là những quan lại cao cấp trong triều đình, có nhiều huân công như: Đặng Trần Thường là Thượng thư bộ Binh; Nguyễn Gia Cát là tả Tham tri bộ Lễ; Vũ Quý Dĩnh là Thiêm sự bộ Lại…

Sau khi sự việc bị phát giác, có lẽ ít ai nghĩ rằng vụ việc đó lại trở thành một “trọng án”. Gia Long và hàng ngũ quan lại lúc bấy giờ chắc gì đều có cùng quan điểm “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Đây chính là thời điểm thể hiện “phép nước” của những người được giao cầm cân công lý. Với thái độ kiên quyết, nghiêm minh, nhất là sự “công minh” của vua Gia Long thể hiện “phép nước bất vị thân”, nên tất cả những người vi phạm đều không được châm chước, không được lấy công lao giúp nước, chức vụ cao để mong được giảm nhẹ hình phạt, dù ở cương vị nào khi phạm tội vẫn chiếu theo quy định của pháp luật để xét xử, không phân biệt đẳng cấp, chức vụ. Một vụ án “độc nhất vô nhị” trong lịch sử từ xưa đến nay thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp nhà nước và đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá trên nhiều lĩnh vực cho muôn đời.



Nguồn: Trích bài: "Trọng dụng và đào tạo nhân tài của Thăng Long-Hà Nội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc." của TS Hà Mạnh Khoa (Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
_ Việt Nam Đại Chí Truyện _

Hồi Kết

Giết công thần, đế vượng hẹp lượng
Lập Thế tử, bất hảo đại thần
Đặng Trần Thường vì có nhiều công lao, hiến nhiều mưu kế để đánh bại nhà Tây Sơn được cho giữ chức Tán Lý sau tham gia Binh bộ thăng Kinh Lược Sứ Bắc Thành cùng với Tổng Trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành đảm trách công việc các trấn phía Bắc. Sau Đặng Trần Thường còn được kiêm Tổng Lý trông coi việc đắp đê chính ở Bắc Thành.

Gia Long Đế thấy Đặng Trần Thường ở Bắc Thành đã lâu bèn triệu về Kinh, phong giữ chức Binh Bộ Thượng Thư. Bổng có cáo giác Đặng Trần Thường lũng nhạm quyền hành khi ở Bắc Thành, Gia Long liền truyền bắt giam Đặng Trần Thường để tra xét.

Nguyên Tham tri Lễ bộ Nguyễn Gia Cát làm sớ tâu về sự tích Bách Thần. Quan lại Bắc Thành là Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát giao việc ấy cho Thiêm sự Vũ Quý Đĩnh và Nguyễn Dục (con của Nguyễn Gia Cát) và Cống sĩ Tô Văn Dâu (em vợ Nguyễn Gia Cát) lo liệu. Bọn Vũ Quý Đĩnh làm giả sắc gian phong cho ông cha và bố mẹ vợ làm phúc thần, bọn Nguyễn Dục và Tô Văn Dâu cũng dựa thế làm gian khiến điển thờ đảo lộn, nhầm lẫn rất nhiều. Việc phát ra, truy xét hơn 560 đạo sắc, bọn Vũ Quý Đĩnh đều nhận tội. Trong số đạo sắc có lẫn cả sắc phong cho Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc là Bình Nam Đại Tướng quân của họ Trịnh ở Bắc Hà, năm Giáp Ngọ đem quân đánh vào phía Nam lấy Phú Xuân. Đặng Trần Thường trước ở Bắc Thành biết việc ấy đem dấu đi, liệt lẫn vào đều thờ, Nguyễn Gia Cát cũng phụ theo mà phong là “Thanh danh văn võ thánh thần đại vương”. Việc đã truy xét rõ ràng, Đặng Trần Thường liền nhận tội, bèn giao xuống Hình bộ nghị tội. Lễ bộ Thượng thư Phạm Như Đăng cho tội Đặng Trần Thường phải cách chức, Nguyễn Gia Cát phải xử tử. Tham tri Hình bộ Lê Bá Phẩm nói tội hai người như nhau, phải xử chết cả. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành xin cho Đặng Trần Thường lấy công chuộc lỗi theo điều Bát Nghị, Thượng thư Hộ bộ Lê Quang Định, Tham tri Công bộ Nguyễn Đức Huyên, Hữu Tham tri Hộ bộ Nguyễn Hữu Thận đều xin theo lời của Nguyễn Văn Thành. Thượng Thư Lại bộ Trần Văn Trạc, Trịnh Hoài Đức lại xin theo lời Phạm Như Đăng. Bàn mãi, cuối cùng Gia Long theo lời Lê Bá Phẩm phạt án Vũ Quý Dĩnh bị tội trãm, Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát trãm giam hậu, bọn Nguyễn Dục bị tội đồ, những người liên quan đến đều bị phạt và giáng chức. Lại hạ chiếu thu lại sắc thần, giao cho Lễ bộ bàn lại việc phong tặng.

Sau Gia Long xét lại các trọng án, nghĩ thương Đặng Thần Thường đã có nhiều công đánh dẹp, bèn tha cho tội chết, chỉ xóa tên trong quan tịch, cho sinh sống ở Kinh Thành.

Sau khi Lê Chất ra làm Tổng trấn Bắc Thành thay Nguyễn Văn Thành, lại phát hiện ra Đặng Trần Thường ẩm lậu thuế đầm ao đinh điền. Đặng Trần Thường lại bị hạ ngục. Trong lúc bị giam, uống rượu say lại nói những lời phạm thượng. Đình thần nghị thẩm án đều cho là phải chết. Gia Long Đế đọc án sớ càng tức giận, ra lệnh xử giảo Đặng Trần Thường và tịch biên gia sản.

Đặng Trần Thường trong ngục hay tin Gia Long Đế bội ân, xử chết mới nhớ lại lời thơ của Ngô Thì Nhậm khi trước “Vị Ương cung cố sự, Diệc nhĩ thị thu trường” thì đã muộn. Bèn ngậm ngùi làm bài thơ hoài cảm Hàn Vương Tôn Phú, tự ví mình như Hàn Tín rồi treo cổ chết. Năm ấy Đặng Trần Thường được 59 tuổi.

Trong Hàn Vương Tôn Phú có câu:
Ta nay xem xem pho Cựu sử, đọc truyện nhân thần, thấy câu “Hán đắc thiên hạ, đại để giai Tín chi công”. Chưa từng chẳng “Thán tích Hàn vương tôn chi anh tài, mà thâm trách Hán Cao Hoàng chi sai kỵ”


Dịch nghĩa:

Ta nay xem sách sử xưa, đọc truyền nhân thần, có câu: Nhà Hán được thiên hạ, thì phụ bạc Hàn Tín tướng quân. Cũng chăng than tiếc cái tài của Hàn Vương tôn mà chỉ sâu trách cái lòng nghi kỵ của Hán Cao Hoàng vậy!

--------------------------------------------------------
Hàn Tôn Vương: Đại Tướng quân nhà Hán Hàn Tín.
Hán Cao Hoàng: Cao Tổ Hoàng Đế nhà Hán Lưu Bang







Một vài suy nghĩ về vụ án làm giả sắc phong thần của Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát vào năm 1811
Lê Quang Chắn - NCS., Viện Sử học
Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội - Số cũ / 2 (374) 2014 - Phát hành ngày 2015-12-15
Xem PDF



Tại cuộc họp của CLB Sách xưa và nay vài vị thành viên có đề cập đến cuộc đối đáp tuyệt vời giữa hai ông Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường, tôi muốn nhân cơ hội này sưu tập một số sử liệu để làm thành một tài liệu gọn nhẹ cho Bản Tin của Câu Lạc Bộ.

Thật ra nhiều người cũng đã biết về hai câu đối của hai nhân vật lỗi lạc này. Tôi dùng chữ "hai nhân vật lỗi lạc" lý do là vì cả hai ông đều… lỗi lạc, tài trí siêu quần. Về võ nghệ, văn chương thi phú thì kẻ tám lạng người nửa cân. Tuy nhiên qua giai thoại của hai ông thì đa số đều có khuynh hướng cho Ông Ngô Thì Nhậm ở "bên trọng" còn ông Đặng Trần Thường thì ở "bên khinh". Có nhà nghiên cứu cho trận đòn thù tại Văn Miếu năm 1803 là tàn nhẫn và bỉ ổi, hoặc cho Đặng Trần Thường là "tiểu nhân". Ít ai để ý đến việc sĩ phu đương thời cũng có chê trách Ngô Thì Nhậm đã ít nghĩ đến vua Lê mà chỉ hết lòng với chúa Trịnh, sau lại bỏ cả Lê, Trịnh mà theo Tây Sơn như thế là bất trung. Người ta lên án ông đã đứng về phía Đặng Thị Huệ mà tố cáo âm mưu của bè lũ Trịnh Tông. Người ta còn phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Ngô Thì Nhậm đối với tổ quốc, với nhân dân; coi đó chỉ những hành động xu thời.

Dư luận là như vậy đấy, nhưng chúng ta là những hậu bối xa lắc xa lơ đều cũng phải tâm phục khẩu phục khẩu khí tuyệt vời của hai đại tiền bối này. Vậy thì câu chuyện giữa hai ông Ngô Thì Nhậm và ông Đặng Trần Thường như thế nào?


Trước hết là nhân vật thứ nhất, Ngô Thì Nhậm:


Ngô Thì Nhậm là con Ngô Thì Sĩ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ năm 1775. Sau khi đỗ đạt làm quan dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý phục. Vụ án năm Canh Tý (1780) nổ ra, ông không can dự gì nhưng cũng phải bỏ trốn về Thái Bình lánh nạn. Khi biết Nguyễn Huệ nổi dậy khởi nghĩa, đánh đâu được đấy, đi đến đâu cũng cứu giúp dân nghèo, Ngô Thì Nhậm đã có ý muốn theo phò Nguyễn Huệ. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông đã thực hiện được mong muốn này. Nguyễn Huệ phong ông làm Tả thị lang Bộ Lại.

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn.

Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Không chỉ là một danh sĩ, thành viên của Ngô gia văn phái mà Ngô Thì Nhậm còn là người văn võ song toàn, giỏi về chính trị, ngoại giao, quân sự. Tài ngoại giao của ông đã góp phần quyết định, ngăn chặn ý đồ gây chiến phục thù của nhà Thanh sau trận Đống Đa 1789.

Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.

Khi Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, tiến hành cuộc trả thù man rợ. Nhiều võ tướng triều Tây Sơn như Trần Quang Diệu Bùi Thị Xuân... bị hành hình. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Ngô Thì Nhậm sau trận đánh đòn, về nhà thì chết.

Vì sao Ông còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm? Ấy là vì thế này: Đến đời ông vua thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức trở về sau người ta gọi Ông là Ngô Thời Nhiệm chẳng qua sợ phạm húy, đó là vì vua Tự Đức có cái tên cúng cơm là Nguyễn Phúc Thì và tên hiệu là Hồng Nhậm, kế tiếp vua cha là Miên Tông, tức vua Thiệu Trị, theo Đế hệ thi (Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh...). Ngày xưa phạm húy là tội rất nặng, chết như chơi, có khi còn bị tru di tam tộc.


Và nhân vật thứ hai, Đặng Trần Thường:


Đặng Trần Thường (1759 - 1813), người huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ Hà Đông), đậu sinh đồ về cuối đời nhà Lê. Đặng Trần Thường là con cháu của nhà Trần từng ba lần oanh liệt thắng quân Nguyên, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước khi tới định cư tại thôn Lương Xá xưa (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Tới đời nhà Lê, dòng họ Đặng này lập được nhiều công tích lớn nên rất được trọng dụng (từng có câu ca: "Làm quan họ Đặng..."). Cụ tổ chín đời trước của ông là một đại công thần của thời Lê trung hưng.

Cha ông là Đặng Thông Mẫn. Mẹ họ Phạm, là con gái thứ hai của Tiến sĩ Công bộ Thượng thư tước Quận công Phạm Quang Dung. Tương truyền, cha Đặng Trần Thường đã tới cầu tự tại chùa Viễn Sơn, nằm mộng thấy thiên sứ cầm cờ đeo chuông từ trên trời xuống mang theo một người và nói: "Đây là Văn khúc Tinh quân, vâng mệnh Thượng đế ban xuống làm con ông..."

Chín tháng mười ngày sau giấc mơ đó của chồng, Phạm phu nhân đã sinh hạ người con trai cả vào ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Mão (1759; cũng có sách chép là năm 1758). Thông minh, dĩnh ngộ, Đặng Trần Thường được cha cho học văn từ năm lên 9 tuổi.

Không quá chăm chỉ đèn sách nhưng do sáng dạ nên năm 16 tuổi, Đặng Trần Thường đã thi Hương trúng cách vào đệ Tam trường. Tuy nhiên, đúng lúc đó thân phụ lại lâm bệnh nặng nên Đặng Trần Thường đã không đi theo nghiệp lều chõng nữa mà về nhà chăm sóc cha.

Rồi ông phải chịu liên tiếp hai tang lớn: Cha ông qua đời và hai năm sau, mẹ ông vì quá đau buồn cũng đi theo chồng về nơi suối vàng. Gia cảnh của Đặng Trần Thường lúc ấy thực khó khăn, tiền của sa sút dần nên ông hay phải nhờ vả bạn bè.

Mãi tới năm 1782, Đặng Trần Thường mới lại tới kinh sư làm học trò của vị Tiến sĩ họ Nguyễn, người làng An Vĩ. Ông học rất sáng dạ nên được vị Tiến sĩ họ Nguyễn kỳ vọng sẽ đỗ cao trong kỳ thi năm 1783. Tuy nhiên, giai đoạn đó triều đại vua Lê chúa Trịnh đang dần bước vào suy vi, kỷ cương lỏng lẻo, quan lại đồi bại, sĩ tốt kiêu loạn.

Nhận rõ thời cuộc và biết rằng chẳng thể làm gì có ích cho đời theo nghiệp bút nghiên, Đặng Trần Thường đã quyết định sẽ lập thân bằng nghề võ và đi khắp thiên hạ kết giao cùng các bậc hào kiệt và trí giả để cùng chờ thời. Trong thâm tâm ông chỉ mong ngóng có một minh quân để theo làm nghiệp lớn, ích nước lợi nhà.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lận đận, bôn ba, Đặng Trần Thường đã sớm hiểu ra rằng, cách hành xử dựa vào ngoại bang để khôi phục lại vương triều như của Lê Chiêu Thống sẽ không thể dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Là con cháu một dòng họ chịu ơn sâu nặng của nhà Lê và họ Trịnh, Đặng Trần Thường dĩ nhiên là không thể dễ dàng lìa bỏ những tín điều trung quân truyền thống, nhưng ông cũng phải chịu sống ẩn dật không cộng tác với ông vua này… để rồi cuối cùng ông tìm đến Nguyễn Ánh.

Tới năm 1808, Đặng Trần Thường đã được giữ Tổng lý đê chính Bắc Thành. Một năm sau, tháng 8/1809, Đặng Trần Thường được triệu về Phú Xuân để nhận chức Thượng thư rồi mới lại quay ra Bắc Thành thực thi công vụ. Tới năm 1810, có chiếu triệu ông về kinh đô Phú Xuân làm việc tại Bộ Binh. Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần.

Chính khi ở đỉnh cao danh vọng mà Đặng Trần Thường đã bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm. Tin theo lời Lê Chất là kẻ vốn có nhiều hiềm khích với ông, triều đình nhà Nguyễn đã xử treo cổ ông. Trong đại lao, Đặng Trần Thường không những không nhụt chí, mà vẫn uống rượu say túy lúy và làm cả một chùm thơ "Ngục trung bát vịnh". Ông cũng làm "Hàn vương Tôn phú", ví mình như Hàn Tín lập nhiều công tích trong chiến trận nhưng khi vinh hoa phú quý rồi thì bị Bái Công phụ rãy... Dĩ nhiên, hay tin này, vua Gia Long lại càng tức giận.

Đặng Trần Thường bị xử giảo năm 1816. Con cháu về sau làm giỗ ông vào ngày 25/10.


Sau cùng, giai thoại về câu ứng đối tuyệt vời.


Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Khi trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm lên lớp thét bảo Thường:
Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác .
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.
Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
(Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
(Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).

Hai câu đối nhau chan chát, cực kỳ chỉnh không sai trật một ly. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ, nói theo kiếm hiệp, hào khí ngất trời.
Có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế
hoặc là:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói "thế đành theo thế" (hay "thế thời theo thế" hoặc là "thế thì phải thế"). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.

Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.
Tạm dịch:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.

Trước khi kết thúc xin được nói thêm Ngô Thì Nhậm còn có thêm biệt tài về tướng số và bói toán vì vậy ông mới biết được Đặng Trần Thường sau này bị hung tử.


Nguồn: Newvietart.com (Sưu tập và biên soạn từ Internet).



0 nhận xét:

Post a Comment