Chìm nổi Hoàng Công Khanh

Wednesday, February 29, 2012

_ Vân Long _

Nhà thơ Vân Long gửi đến lethieunhon.com bài viết “Chìm nổi Hoàng Công Khanh” để góp thêm tư liệu về hồi quang của cây đào Tô Hiệu:
“Ít ai biết Hoàng Công Khanh trải qua 5 năm tù chính trị ở Sơn La, từ năm 17 tuổi, không do công tích gì lớn mà chỉ vì anh có mặt trong một cuộc mít tinh. Rồi cũng không do là chính trị phạm nguy hiểm gì mà anh bị vào sà lim cách ly giam chung với đồng chí Tô Hiệu, mà chỉ do anh bị lao phổi sơ phát như Tô Hiệu. Nhờ những ngày tháng ấy, sau này Hoàng Công Khanh có tập ký sự “Hoa nhạn lai hồng” (NXB Văn Học-1992) gần 500 trang in. Trong đó bằng những chứng lý địa hình thay đổi, ngày tháng Tô Hiệu bị giam, không thể có cây nào mọc trên con đường trải đá, lính coi ngục vẫn nện gót giầy đinh đi tuần tra. Giai thọai hình thành do có hai nhà văn tên tuổi đến thăm sà lim Tô Hiệu, thấy cây đào gần sà lim, một ông thốt lên “Có thể cây đào này đồng chí Tô Hiệu đã trồng!”.



Tôi không sao quên được quang cảnh trước mùa kịch 1953 ở Hà Nội, trong một ngôi nhà ở phố Trần Quốc Toản, hàng đêm, anh Băng Sơn và tôi, hai cậu thanh niên không mấy khi vắng mặt khi ban kịch Hoa Quỳnh dàn tập vở “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh do Phan Tại đạo diễn. Lúc đó giọng nam trung sang sảng của nghệ sĩ Văn Phú thu hút chúng tôi, rồi cái dáng rất nghệ sĩ của đạo diễn Phan Tại chiếc pip thuốc luôn lơ đễnh trên môi ông. Tôi còn nhớ hai nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh quen thuộc với khán giả những năm sau và bây giờ là Dương Quảng và Trịnh Thịnh. Hai ông bước những bước đầu tiên trên sân khấu có lẽ từ vai Đặng Ich và vai lính Tàu trong vở kịch đó? Người khơi nguồn cho toàn bộ hoạt động của vở kịch ấy là Hoàng Công Khanh tôi lại được diện kiến ít nhất. Chỉ nhớ một dáng dấp cao gày. Trên gương mặt khắc khổ, đặc biệt có đôi mắt hau háu “nhìn” như nghe như nuốt từng câu thơ diễn viên ngâm lên, lỡ có diễn viên nào phát âm, nhả chữ sai chệch, ông cau mày đau khổ như chính cơ thể mình đang bị hành hạ.

Thuộc lứa thanh niên tuổi 20 sống trong thành phố địch chiếm đóng, tôi không khỏi gai người khi nghe tiếng ngâm da diết:
Nơi đây tay gối làm dao
Ngủ trong tủi cực nuốt vào hờn căm
Trong hoàn cảnh ấy, viết những câu thơ ấy là rất bạo! Rồi những câu thơ cảm khái hợp với cái “sầu vũ trụ” và cái “gu” của anh tiểu tư sản như chúng tôi:
Mộng đời trắng cả hai tay
Sầu lên vi vút ngàn mày tràng giang
Tâm trạng Thị Trinh mong ngóng người tình tráng sĩ cũng là tâm trạng trông ngóng “phía bên kia” của một số phụ nữ Hà Nội lúc ấy:
Gió lùa lạnh ngắt áo xiêm
Ngày đơn quán lẻ vô duyên lạ thường
Hẳn là tác giả về Hà Nội trong hoàn cảnh bất đắc dĩ nên ông mượn lời nhân vật nói hộ:
Thời chưa lại, cờ thiêng còn đợi gió
Phiêu dạt bờ trăng lênh đênh bến cỏ
Sau này tôi mới biết Hoàng Công Khanh lúc ấy đang hoạt động trí thức vận nội thành cùng với Bùi Xuân Phái, Sỹ Tiến, Thy Thy Tống Ngọc (Thy Ngọc) và Hoài Việt do Nguyễn Bắc phụ trách.

Hoàng Công Khanh sinh năm 1922 quê ở thị xã Kiến An, Hải Phòng. Ông có thể cao hứng đọc thuộc hàng trăm câu thơ trong kịch bản, nhưng không nhớ nổi ngày sinh. Qua nhiều cuộc họp mặt những văn nghệ sĩ viết trong Hà Nội tạm chiếm, tôi móc nối lại những hiểu biết về Hoàng Công Khanh: Hoá ra tôi đã thuộc thơ ông ngay từ nhỏ, lại cũng qua một vở kịch thơ khác “Về Hồ” với hai câu chơi chữ rất dễ nhớ:
Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ
Chàng về Hồ Hán thiếp về hồ Tây
Đêm đó là lần đầu tiên tôi được vào ngồi xem đàng hoàng ở Nhà Hát Lớn (sau những ngấp nghé lén xem bên cánh gà đôi buổi dàn tập những vở kịch khác) trong chuỗi ngày chộn rộn hào hứng sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà Hát Lớn Hà Nội không còn là nơi sinh hoạt thường dành cho tầng lớp trên com-lê cà vạt, áo dài màu với phấn son thơm nức. Tôi được một anh ở đoàn Hướng đạo cho đi cùng, lúc đó tôi là một chú bé 12 tuổi. Giọng nữ cao ngâm lên mấy lần câu thơ trên, như một điệp khúc của vở kịch, cũng là lần đầu tôi được xem kịch thơ nên nó gây ấn tượng với tôi sâu đậm lắm!
Sau này được nghe chính tác giả Hoàng Công Khanh kể, tôi mới rõ đêm công diễn vở kịch đó là để chào mừng Quốc Hội khoá đầu tiên 1946. Đêm đó, Bác Hồ cũng xem diễn, có gọi tác giả đến và khen “Chú kêu gọi đoàn kết chống giặc như thế là tốt!” Vở kịch dựng lại không khí giặc Minh lấy danh nghĩa giúp nhà Trần, truy diệt Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương để sang xâm chiếm nước ta. Trước vận nước chông chênh, những người ngu trung với triều Trần dần thức tỉnh, tập hợp dưới lá cờ chống giặc ngoại xâm.
Những người trẻ làm nên lịch sử, tôi đọc câu đó ở đâu, thật đúng với giai đoạn đầu của cuộc Cách Mạng. Vị nghị sĩ quốc hội trẻ măng 22 tuổi Nguyễn Đình Thi vừa được bầu lúc đó hẳn cũng đang chăm chú theo dõi với cả những giác quan của người làm nghệ thuật: vở kịch thơ của một tác giả vô danh cùng lứa tuổi ông mà được công diễn trong dịp long trọng này, nếu ta nhớ những vị tiền bối của làng kịch thơ trước đó: Yến Lan và Nguyễn Bính viết chung “Bóng giai nhân”, Trần Tử Anh có “Nửa đêm truyền hịch” và “Thế chiến quốc”, Thao Thao có “Ải Bắc”, “Quán biên thùy”, Phạm Huy Thông có “Anh Nga”, Vũ Hoàng Chương có “Vân Muội”, “Kinh Kha sang Tần”…

Vở "Về Hồ" những ngày đầu cách mạng hầu như được diễn khắp Trung Nam Bắc. Nhưng ít ai biết tác giả vừa trải qua 5 năm tù chính trị ở Sơn La, từ năm 17 tuổi, không do công tích gì lớn mà chỉ vì anh có mặt trong một cuộc mít tinh. Rồi cũng không do là chính trị phạm nguy hiểm gì mà anh bị vào sà lim cách ly giam chung với đồng chí Tô Hiệu, mà chỉ do anh bị lao phổi sơ phát như Tô Hiệu. Nhờ những ngày tháng ấy, sau này Hoàng Công Khanh có tập ký sự "Hoa nhạn lai hồng" (NXB Văn Học-1992) gần 500 trang in. Trong đó bằng những chứng lý địa hình thay đổi, ngày tháng Tô Hiệu bị giam, không thể có cây nào mọc trên con đường trải đá, lính coi ngục vẫn nện gót giầy đinh đi tuần tra. Giai thọai hình thành do có hai nhà văn tên tuổi đến thăm sà lim Tô Hiệu, thấy cây đào gần sà lim, một ông thốt lên “Có thể cây đào này đồng chí Tô Hiệu đã trồng!”. Rồi in báo in sách “tam sao thất bản”, cây đào trở thành vật chứng của tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản. Hoàng Công Khanh đã gửi tặng tỉnh uỷ Sơn La cuốn sách. Ít lâu sau, ông nhận được công văn của Tỉnh uỷ Sơn La, ông kể tôi nghe nội dung sự xác nhận của Tỉnh ủy về những điều tác giả đã sống, đã viết không có gì sai. Nhưng khi một giai thoại phù hợp với lòng dân đã được lưu truyền thì chả cần phải giải thiêng làm gì. Tôi nghĩ: Điều này hẳn cũng tương tự như cành đào lãng mạn của Nguyễn Huệ gửi về kinh cho công chúa Ngọc Hân đâu chỉ là sáng tạo riêng của Trúc Đường (theo lời kể Trần Lê Văn) trong kịch bản!
Hoàng Công Khanh đã kịp thời cùng với đoàn tù tự giải phóng khỏi ngục Sơn La (theo tổ đồng chí Hoàng Tùng). Rồi tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Kiến An Hải Phòng (cùng các đ/c Lê Quang Đạo, Hoàng Hữu Nhân). Nhiệm vụ đầu tiên của ông là phụ trách văn hoá cứu quốc, Công giáo cứu quốc Hải Phòng, Ủy viên Thông tin Tuyên truyền trong Uỷ Ban nhân dân Cách Mạng Hải Phòng. (theo sơ yếu lý lịch HCK).

Mấy năm hoạt động đầu kháng chiến (1947-1950) là những năm ông sống thoải mái nhất. Ông làm trưởng đoàn kịch Thông tin tuyên truyền liên tỉnh Hải- Kiến, sau là của Liên khu 3, tổng thư ký Hội Văn hoá LK 3, chủ bút tuần báo Sóng Mới (chi hội Văn Nghệ LK3), rồi phóng viên báo Cứu Quốc của đồng chí Xuân Thủy. Thời gian này, ông có tập truyện ngắn Trên bến Búng được giải thưởng địch vận của Liên khu, có thơ in rải rác trên các báo Văn Nghệ, Cứu Quốc, Quân Du kích, Quân Bạch Đằng, in chung tập thơ với Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Yên Thao, Lan Sơn. Có tập thơ in riêng Hà Nội không ngủ (1948), vở kịch 5 màn Ở chung một nhà do Lộng Chương đạo diễn và đóng vai chính, thu hút khá nhiều bạn bè nhà văn lên sàn diễn: Trần Lê Văn cũng đóng một vai, nữ sĩ Tuyết Khanh vợ nhà thơ Hoàng Cầm cũng sắm vai (đồng thời, cũng là nhân vật trong câu thơ tôi thuộc: Khanh của Hoàng ơi lửa bốn phương - Sầu lên ngùn ngụt ý tha phương nhưng Hoàng đây là Vũ Hoàng Chương chứ không phải Hoàng Cầm!).
Sau khi ông tham gia đoàn đại biểu Văn Nghệ LK 3 và 4 lên Việt Bắc dự Đại hội Văn Nghệ toàn quốc về đến Thanh Hoá, bệnh lao tái phát, được tổ chức cho phép về Hà Nội chữa bệnh rồi tìm bắt liên lạc với cơ sở nội thành làm công tác trí thức vận trong hậu địch.
Tôi ngỡ hoạt động nội thành của ông chủ yếu là bí mật (hồi còn ít tuổi, tôi không nhìn thấy hết những hoạt động báo chí công khai của Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 1950-1954) trong lòng địch, chỉ cảm thấy tờ Dân Ý có khuynh hướng cảm tình với kháng chiến) hoá ra ông được phân công làm chủ bút báo Dân Ý với nhiệm vụ chống văn hoá đồi trụy. Báo hoạt động được một thời gian, rồi sở Mật thám liên bang gọi ông lên đe dọa, rồi đóng cửa báo Dân Ý. Ngay sau đó, Thành uỷ cho ra đời tờ Niềm Vui (nhật báo công khai) tiếp nối nhiệm vụ của Dân Ý mà Hoàng Công Khanh lại là biên tập viên chủ chốt (đồng chí Nguyễn Bắc, người lãnh đạo các hoạt động văn hoá nội thành Hà Nội còn giữ được toàn bộ báo Dân Ý và một số tờ Niềm Vui để đưa vào Tổng tập lịch sử báo chí Việt Nam). Đó là nhiệm vụ của ông với tổ chức, còn với chúng tôi, những bạn văn đàn em của ông coi giai đoạn này của ông là “giai đoạn tiểu thuyết”, bởi có đến 6 cuốn tiểu thuyết của ông được xuất bản trong 4 năm: Mối tình đầu, Yêu chỉ một lần, Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (NXB Kuy Sơn 1951,1952,1953) Trại Tân Bồi, Bạn đường, Éo le (các NXB Vỡ đất, Chân lý, Thống nhất 1953,1954).

Theo các nhà văn đi kháng chiến về, ông là một cây bút “thường thường bậc trung”, bởi khi đó ông đã ra cuốn tiểu thuyết nào đâu! Nhất là vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ mà chúng tôi đánh giá cao về giá trị văn học (cả về nội tâm và tính cách nhân vật) về sự công diễn phổ biến ở khá nhiều nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, vì nội dung yêu nước được thể hiện bằng lời thơ đẹp, trong sáng, cảm khái thu hút được sự đồng thuận của nhiều tầng lớp khán giả. Có thể xem như đến sau năm 1950, ông mới viết văn như một nhà văn chuyên nghiệp.
Sau 1954 là “giai đoạn làm báo” của ông, ông làm chủ bút báo Nói Thật, viết bài cộng tác với báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính và các báo khác. Chính ở giai đoạn này, ông đã bị tai nạn nghề nghiệp do dịch một tản văn của Lỗ Tấn với nội dung nghi vấn phụ họa Nhân văn Giai phẩm…

Trong mấy năm đầu thập kỷ 70, tôi hay gặp Hoàng Công Khanh, ăn mặc giản dị, nếu không muốn nói là lam lũ với gánh đồ nghề thợ mộc trên vai. Mời được ông một tách cà phê, tôi dấu tiếng thở dài qua làn khói thuốc “Chả lẽ thế là kết thúc một đời viết kịch, viết văn, làm thơ của Hoàng Công Khanh chăng?” Còn ông, đôi mắt đau đáu “nhìn” từng câu thơ của mình năm nào, nay đã trở nên lơ đãng nhìn thiên hạ…
Nhưng không! Sức sống của một cây bút đã từng sung sức như vậy dễ đâu nửa đường đứt gánh! Năm 1975, trong không khí hào hứng thống nhất đất nước, ông cầm lại bút, khởi thảo kịch thơ Vua Đen (Mai Hắc Đế) với chủ đề lấy dân làm gốc dài tới 7.150 câu thơ (1975-1978). Đến giai đoạn đổi mới văn học, cơ chế thoáng xuất bản đã làm ông già Hoàng Công khanh hồi xuân. Mang tặng tôi cuốn sách mới xuất bản, mắt ông sáng lên khi thông báo những tin vui về vở kịch Bến nước Ngũ Bồ, vì nó mà tôi biết ông 40 năm trước. Mặc cho tác giả của nó “379” thế nào (đó là tên tập thơ mới nhất của ông, ngụ ý: ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh), Bến nước Ngũ Bồ vẫn phiêu du đậu vào bao bến bờ xa lạ: Khi tôi xem vở đó ở Hà Nội thì Ban kịch miền Trung do Mai Lân đạo diễn cũng cho công diễn ở Huế. Đầu năm 1954, Bích Thuận đạo diễn và đóng vai Thị Trinh ở Sài Gòn. Đầu 1955 Bùi Khoát tổ chức Liên hiệp sinh viên Việt Nam ở Paris dàn dựng. Rồi Dương Ngọc Châu dựng ở Ý, Đỗ thế Phiệt dựng ở Bỉ. Năm 1991, nó được công diễn ở Bolsa (California) nơi tập trung đông đảo người Việt. Nhờ nhuận bút bằng đô la gửi về mà tác giả xuất bản được tập kịch tôi đang cầm trên tay. Cung phi Điểm Bích viết xong năm 1989 cũng là một thành công đáng nể của ông. Tình huống kịch xuất hiện từ nội tâm mỗi nhân vật. Lộng giả thành chân, từ yêu giả khi được trao nhiệm vụ, Điểm Bích đi đến yêu thật, một tình yêu khao khát trong sáng làm tăng sức mạnh quyến rũ của người cung phi tài sắc. Một cảnh đậm màu sắc huyền thoại: các đồng nam đồng nữ trên bức chạm cũng xuống tham gia với Điểm Bích mở cuộc “tiến công tổng lực” vào vị thiền sư trẻ, cùng với khúc hát huê tình mời trầu tình tứ, điệu chầu văn mê đắm đong đưa, điệu múa tôn giáo phồn thực của đồng nam đồng nữ. Cuộc đấu tranh giữa thiền và tục đẩy lên đến mức ma quái…

Mấy năm cuối đời, ông nặng tai, trò chuyện cùng ông rất vất vả, có lẽ vì vậy ông càng sống cô đơn hơn. Ngấp nghé tuổi 90, ông nghe đã đủ, nay là lúc thanh thản nhìn lại, vẫn cặp mắt đau đáu ấy: cuộc đời Ba Bẩy Chín của mình. Cho nên phút ra đi của ông là phút thanh thản nhất: Thày em đi dạo về tắm rửa ăn sáng xong đang ngồi đọc báo thì…
(Kính sợ một lầm lụi Hoàng Công Khanh, ghi chép của Xuân Ba, Tiền Phong cuối tuần số 18 (7/5/2010) ).





Tái bút 1: Ngày 13 tháng 5/2010, tôi nhận được tin nhắn qua mạng của nhà báo, nhà văn Trần Chiến (con ông Trần Huy Liệu), có cung cấp thêm chi tiết: “ông Trần Huy liệu làm tập Thơ văn yêu nước và Cách mạng đưa vào bài thơ ký tên ĐXK (Đoàn Xuân Kiểu), ông Trường Chinh hỏi ai đấy, mà nhiều người cứ tưởng của tôi, cứ khen hay. Ông Liệu chỉ cười, vì lúc ấy ông Khanh đang nằm trong “tù ta”. Ông cụ hồn nhiên lắm. Tù Sơn La họp, họ không mời vì ông không phải CS, cụ cứ đứng bên ngoài ngó vào bẽn lẽn. Còn đoạn ở chung cellule isolée ( phòng biệt giam) với Tô Hiệu là vì cùng bị lao. Hồi ký về tù Sơn La của cụ nói thật không có cây đào làm Tỉnh và nhiều người lúng túng lắm.” Tôi chắc chỉ viết một lần về nhà thơ họ Hoàng này, nên xin bổ xung cho đầy đủ về tính cách, nhân thân một con người, một nhà văn Hải Phòng mà tôi quý mến.
(Bài này đã đăng trên báo điện tử Hoinhavanvietnam.vn, sau lễ tang HCK đầu tháng 5 / 2010, không có đọan tái bút).


Tái bút 2: Nếu các bạn tin Cây đào Tô Hiệu là một huyền sử đẹp nhằm tôn vinh danh nhân như cây đào của hoàng đế Quang Trung cho quân phóng ngựa trạm đem về Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa (sáng tạo trong kịch thơ của Trúc Đường), nay lại có thêm bằng chứng từ tư liệu do nhà văn Trần Chiến cung cấp (từ tư liệu của thân phụ nhà văn: nhà sử học Trần Huy Liệu (chung phòng biệt giam) thì tôi xin góp một câu: Nếu cuộc đời Tô Hiệu là một khu rừng nguyên sinh quý hiếm thì cây đào huyền thoại Tô Hiệu chỉ là một biểu trưng cho khu rừng ấy. Các nhà văn, nhà viết kịch cứ việc xử dụng.. Nhưng con em ta đã ở một tầm dân trí khác, cái gì của lịch sử xin trả cho lịch sử, chuyện gì có thể “giải thiêng” xin mạnh dạn giải thiêng! Sòng phẳng như vậy, chỉ có ích, không mất lòng tin của thế hệ sau. Tôi nhớ đến bài thơ Dặm về của Nguyễn Đình Tiên, suốt trên 40 năm được giới nghệ thuật cả nước coi là của nhà thơ Quang Dũng, từ khi được chứng minh không phải của Quang Dũng, thì sự nghiệp thơ ông có vì vậy mà suy suyển gì đâu! Quang Dũng càng được chứng tỏ là trung thực, kiên quyết gạt bài đó ra khỏi bản thảo Mây đầu ô (Đi tìm xuất xứ một bài thơ, Văn Nghệ số 37, 16/9/1989, Bóng mây qua đỉnh Việt, Văn Nghệ số 51, 17/12/2011).



8/3/2012




 ❧ ❀ ❧ 

0 nhận xét:

Post a Comment