NGUYỄN CÔNG HOAN từng phản biện về Cây Đào Tô Hiệu

Wednesday, February 29, 2012
_ Lại Nguyên Ân _

Nhân đọc thiên truyện lịch sử “Cây đào của Người Tù Áo Sạch”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cung cấp tư liệu: Đầu những năm 1960 ở miền Bắc, khi bắt đầu xuất hiện một số bài thơ bài hát về nhà tù thực dân ở Sơn La và “cây đào Tô Hiệu”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng lên tiếng – nói như ngày nay – “phản biện”. Ta nên biết Nguyễn Công Hoan là người cùng làng, lại có họ hàng với Tô Hiệu. Ý kiến ấy ông nêu trong một bài (đăng số 6/1962 trên tập san “Nghiên cứu văn học” của Viện Văn học) góp ý kiến với hai nhà giáo Đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy là Bạch Năng Thi và Phan Cự Đệ, tác giả giáo trình “Văn học Việt Nam 1930 - 1945” (Nxb. Giáo dục, 1960), nhân đấy Nguyễn Công Hoan nói thêm vài chuyện khác, trong đó có chuyện “cây đào Tô Hiệu”. Nguyễn Công Hoan truy nguyên ra, người nêu ra chuyện “cây đào Tô Hiệu” với báo chí đương thời chính là nhà văn Nguyễn Tuân (Lần theo hướng Nguyễn Công Hoan đã chỉ, tôi đã thấy bài bút ký “Đào Sơn La” của Nguyễn Tuân đăng báo Văn học số Tết Kỷ hợi 1959); chuyện này sẽ nói đến vào dịp khác. Ta hãy trở lại ý kiến nêu trên của Nguyễn Công Hoan.



Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết:
“Mấy năm trước tôi đọc một bài của Nguyễn Tuân, nói đến một cây đào ở Sơn La. Không rõ anh đã hỏi ai mà cây đào ấy được khẳng định là của đồng chí Tô Hiệu trồng. Từ đó cây đào may mắn ấy đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều nhà văn nhà thơ. Riêng tôi cứ thắc mắc, tôi có hỏi một vài anh em chính trị phạm cũ. Trong những người này, đồng chí Lê Giản là người cũng có họ với đồng chí Tô Hiệu và với tôi, nói rằng không đúng, vì người tù nào lại có thì giờ đi trồng đào bao giờ? Vả lại nếu cây đào trồng từ ngày đồng chí Tô Hiệu thì đến năm nay, trải qua hơn hai chục năm, nó còn xanh hay đã cằn cỗi?”
Nguyễn Công Hoan cho biết ông đã có vài kinh nghiệm về sự quy công cho những người nổi tiếng. Ví dụ như ở ngay quê làng Xuân Cầu (Hưng Yên) của ông từ xa xưa đã có tục làm đám cưới vào ngày Nguyên đán (mồng 1 Tết), là vì người ta tính rằng: ngày ấy nhà nào cũng có cỗ bàn rồi nên đám cưới khỏi lo việc ăn uống, đỡ tốn kém.
Thế mà đến lúc này (lúc Nguyễn Công Hoan viết bài báo, tức là năm 1962) người làng lại kể như là do Tô Hiệu ở tù Côn Đảo về thay lệ làng cũ nên mới có tục lệ mới ấy! Nhà văn Nguyễn Công Hoan khẳng định chuyện ấy không đúng, vì theo ông, khi Tô Hiệu ở Côn Đảo về, tuổi anh còn trẻ, chưa thể gây ảnh hưởng lớn tới dư luận trong làng; mà trong tâm lý làng xã thì ‘bụt chùa nhà không thiêng’, còn nói theo lối nói thông dụng ở miền Bắc hồi những năm 1960 thì lúc ấy sự giác ngộ của dân làng ông cũng hãy còn kém!
Đó là điều mà ngày nay có thể gọi là sự “phản biện” của nhà văn Nguyễn Công Hoan trên một tình tiết cụ thể liên quan đến sử học và văn học.

Tất nhiên, ta dễ thấy ý kiến này của ông rất ít được người ta quan tâm; có lẽ vì biểu tượng “cây đào Tô Hiệu” tương đối thông dụng ngày nay chủ yếu được sử dụng như là một biểu tượng của du lịch.

1/3/2012

 ❧ ❀ ❧ 

0 nhận xét:

Post a Comment