Hồi tưởng và suy nghĩ - Lời nói đầu

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Lời nói đầu


Ngày 10/6/2002, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức trọng thể lễ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ cho tôi.

Các bạn bè gặp chúc mừng. Họ đều nói: “Anh hùng ở tuổi 76! Chậm! Nhưng hơn là không có”. Bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc đã 27 năm; và ở ta đã từng có 2 đợt tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLLVTND) thời chống Mỹ.

Có người nói:
Về ý kiến của anh Sáu Dân [1] “… quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Tài, cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một Anh hùng”, thì mọi người đều hiểu được, nếu đã đọc cuốn hồi ký Đối mặt với CIA Mỹ.

Còn về ý kiến cũng của anh Sáu Dân: “Sau giải phóng, đồng chí Tài đã kiên trì thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt giam cầm và đã được các cơ quan chức năng của Đảng kết luận. Việc đó càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”, thì cho đến nay nhiều người chỉ mới nghe loáng thoáng.

Vì thế, nhiều bạn bè nhắc nhở tôi sau cuốn Đối mặt CIA Mỹ đã xuất bản năm 1999, nên viết tiếp hồi ký về đoạn đường khúc khuỷu của tôi kéo dài 11 năm; mà trong thư đề xuất việc xét phong danh hiệu AHLLVTND cho tôi, anh Sáu Dân đã nêu lên là 1 trong 2 căn cứ.

Tuy nhiên, nếu so với chặng đường đời đã 76 năm của tôi thì đoạn đường khúc khuỷu mà tôi đã trải qua 11 năm, vẫn còn là ngắn.

Từ khi kết thúc câu chuyện không hay đó, đến nay đã trên 20 năm trôi qua, nên cũng đã đến lúc tôi có thể và nên công bố câu chuyện – không thuộc bí mật quốc gia – về đoạn đời khúc khuỷu của tôi từ 1977 đến 1988 để mọi người đều hiểu đúng; đồng thời cùng nhau rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết về xây dựng Đảng, xây dựng Công an (CA).

Để biên soạn hồi ký này tôi đã có sẵn đầy đủ tư liệu, là những trang nhật ký cũ.

Hồi 1977, tôi đã bắt đầu ghi những dòng nhật ký này. Khi đó, tôi đặt tên cho bản viết là Mối nghi vấn xung quanh một chuyện nghi vấn.

Đến năm 1995, với chương trình làm việc mới, tôi đã chép lại những dòng đã ghi các năm trước; có chỉnh đốn về văn; còn nội dung vẫn theo bản cũ; nhưng đặt cho tên mới 11 năm liên tục đấu tranh để sự thật và lẽ phải được thừa nhận, bởi lẽ nhật ký cũ chỉ mới dừng lại ở cuối năm 1981, trong khi tình hình phát triển đến cuối năm 1988 đã có nhiều thay đổi một cách căn bản.

Đến năm nay – năm 2002 – là đã trải qua trên ¼ thế kỷ - với cách nhìn mới, tôi đã đọc lại tập nhật ký cũ và thấy nên đặt tên mới – như ở bản này – khi công bố một sự thật lịch sử đã từng xẩy ra đối với mình – và cũng là đã xẩy ra trong Đảng ta – sau thắng lợi của giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ Quốc.

Ông Nguyễn Tài (1970),
ảnh trong tác phẩm Decent Interval của Frank Snepp, Random House New York, 1977
Bạn bè có kiến thức về văn học góp với tôi nhiều ý khác nhau về thể loại có thể sử dụng.

Tuy nhiên, vì tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp; nên tôi gọi cuốn hồi ký này là loại Hồi tưởng và suy nghĩ.

Lời nói đầu dẫn chuyện, và chương cuối cùng (XIII) là xen kẽ nhật ký về các sự kiện cũ với những suy nghĩ của tôi từ năm 1955 cho đến hiện nay. Từ chương I đến chương áp chót (XII) là ghi lại y nguyên những sự kiện và những suy nghĩ của tôi vào đúng thời điểm có sự kiện ấy – xẩy ra cách đây đã trên 20 năm [2] .

Vậy, nếu sự thể hiện không đạt được yêu cầu là do trình độ viết của tôi còn kém; mong được độc giả gần xa thông cảm và lượng thứ cho.

Đặc tính của Hồi ký là phải phản ánh trung thực về việc và về người trong đời (không được hư cấu). Để soạn cuốn Hồi ký này tôi đã gặp phải sự phân vân: Vì câu chuyện này của tôi liên quan đến rất nhiều nhân vật trong nội bộ ta ở nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau (mà một số người nay đã qua đời). Do đó bạn bè có góp ý là: Để giữ sự tế nhị, nên viết tắt tên các nhân vật trong cuộc. (Tuy nhiên, rồi độc giả cũng vẫn sẽ tự tìm cách đoán xem từng nhân vật thật là ai).

Nói thật tình, ngay khi tôi còn chưa được minh oan triệt để, tôi cũng đã không hề có ý nghĩ oán hận đối với bất kỳ ai đã gây khó khăn rắc rối cho tôi trong 11 năm ấy. Huống hồ đã trên ¼ thế kỷ trôi qua, mọi việc và người – hồi đó dù tốt hay xấu, là hay hay là dở - đến nay đối với tôi tất cả đều đã trở thành dĩ vãng. Còn: Tôi vẫn là tôi; trước sau như một.

Vả lại, khi công bố trung thực cuốn Hồi ký này, chỉ với mong mỏi để rút được bài học kinh nghiệm bổ ích trong xây dựng Đảng, xây dựng CA, thì sau khi cân nhắc kỹ - tôi thấy rằng: tốt nhất là cứ nên ghi mọi người trong cuộc với tên thật của từng người. Bởi: ai có động cơ tốt và hành vi trong sáng; ai tuy có nhiệt tình cách mạng, nhưng phạm sai lầm trong phương pháp tư duy và cách làm việc; độc giả đều rất minh mẫn để tự phân biệt được với ai có hành động không trong sáng, tuy chưa kết luận được về động cơ. Như thế sẽ tránh được mọi sự hiểu nhầm không đáng có về người này hay người khác – tuy có khi không ở trong cuộc mà do có chữ tên được viết tắt Xem tiếpgiống nhau – nên bị hiểu nhầm thành người trong cuộc.

Đó là một chi tiết quan trọng về quan điểm thể hiện mà tôi mong được độc giả hiểu đúng trước khi đọc những trang viết sau đây của tôi.



[1] Ông Võ Văn Kiệt (BT)
[2] Mọi sự trích dẫn hay thể hiện lời nói đều bằng chữ nghiêng; còn ý nhấn mạnh đều bằng chữ bôi đậm.

- Về trang: Mục lục
- Xem tiếp: Chương 1: Giở lại nhật ký cũ
Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment