Hồi tưởng và suy nghĩ - Chương 7: Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ hai (không cho trả lời đã kết luận)

Sunday, August 21, 2011

Hồi tưởng và suy nghĩ

Nguyễn Tài

Chương 7: Gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ hai (không cho trả lời đã kết luận)


Ngày 22/10/1978 - là chủ nhật - tại Văn phòng Trung ương Đảng, tôi gặp đồng chí Lê Đức Thọ lần thứ hai. Đúng giờ, anh Thọ đến. Còn đang đi, anh ấy đã nói - có lẽ do thói quen để dành chủ động lúc ở hội đàm Paris.

Lúc đầu anh Thọ bảo tôi “nói gọn thôi, vì không nhiều thì giờ”. Cuộc gặp diễn ra tất cả trong 3 giờ rưỡi, như thoả thuận trước. Tôi tưởng lần này mình được báo cáo trả lời các vấn đề anh Thọ nêu ra ở buổi gặp 14/4/78. Nhưng không hiểu do quên rằng đây là buổi để tôi được quyền trả lời chất vấn, hay do chủ ý - anh Thọ nói suốt buổi, tôi chỉ tranh thủ nói xen được ở từng quãng, cả thẩy được độ nửa giờ.

Vào đề là anh Thọ phân tích tình hình đấu tranh của tôi khi bị bắt.

Anh Thọ bảo:

- Thôi không nên tranh cãi danh từ khai nhận hay khai báo; vì có người “báo” lại không hại bằng “nhận”, mỗi người hiểu một cách, quan trọng là tác hại. Đã khai, ít nhiều đều có hại. Nhưng của cậu thì cũng không có gì nặng nề, ở miền Bắc, vấn đề công khai, chuyện ở căn cứ, nó chẳng làm gì được. Nhưng từ lúc không nhận tên, đến lúc nhận tên... cũng là có sút. Mình là người có trách nhiệm thì địch nó nghiên cứu lời khai hơn anh em ở bên dưới.

Còn về cơ sở thì mấy cậu Thành ủy hay đơn giản, nhưng cũng đã cho xem lại, thì nơi ta có cơ sở đều không trùng tên. Cho nên cũng coi như thôi.

Nhìn chung, cậu cũng có đối phó, chứ không phải chỉ khai. Trung ương cũng thông cảm cán bộ. Thời Pháp thuộc khác; Mỹ khác. Nhưng nay chào cờ, ký giấy làm ăn lương thiện cũng không tính, miễn là không nhận việc của địch. Bọn chiêu hồi đứa nào cũng nhận việc. Anh H. tuy ký giấy nó in sẵn, nhận làm ăn lương thiện, nhưng tôi (anh Thọ) cũng vẫn giới thiệu vào Trung ương. Nhưng cũng có trường hợp anh Đ. nói là tốt, nhưng bản cung thì là nhận việc địch giao. Ít người không khai tý gì như Nguyễn Văn Trỗi, chị Riêng, anh Chín Ca.

Tóm lại, Đảng xem xét có tình có lý. Đối với cậu, thì làm với tôi (anh Thọ) hôm nay, coi như kiểm thảo là xong. Không có gì đáng phải kỷ luật.

Anh Thọ nói tiếp:

- Như vậy, coi như dự kiến Quyết nghị, sẽ báo cáo Ban Bí thư ra Quyết nghị.

Đến đây đã hết 1 giờ đồng hồ - Tôi mới hiểu là anh Thọ kết luận, chứ không để cho tôi báo cáo trả lời các câu hỏi nêu ra ở lần gặp 14/4/78 nữa.

Nhân đề cập vấn đề hồ sơ, tôi nói:

- Tiểu ban BVĐ có đủ hồ sơ tôi.

Anh Thọ đáp:

- Tản mạn, gom góp mỗi nơi một ít.

Tôi nói:

- Bảo rằng thằng Kiệt đốt là vô lý vì cơ quan của nó thì ở đường Trần Bình Trọng; còn Mỹ hỏi tôi là ở phòng biệt giam trong khu 3 Bạch Đằng kia mà.

Anh Thọ đáp:

- Tình báo nó quản, không cho lấy, sau đến lấy thì cháy, tôi đang cho điều tra mấy thằng đó. Kể cả vụ cháy kho hồ sơ của CA nữa, chỉ nội bộ thôi.

Kế đó, anh Thọ nói:

- Có mấy việc suy nghĩ, chưa kết luận. Báo cáo lúc Mỹ hỏi cung cậu viết có một dòng, tôi đã chú ý ngay.

Tôi đáp:

- Một trang chứ không phải một dòng, và đã nói rõ lý do trong báo cáo 11/7/1978.

Anh Thọ nói:

- Có 3 việc:

  • Một là: Tài liệu trong va ly người nước ngoài.
  • Hai là: cậu hỏi 4 tên Ngụy hồi 6/1976.
  • Ba là: tên phiên dịch Mỹ.

Tôi đáp:

- Đều đã trả lời và đã rõ. Việc tài liệu thì đã dịch sai, phải gạt đi, sao còn nói chưa rõ?

Anh Thọ nói:

- Tôi đã tự kiểm tra cán bộ kỹ thuật, xem phim ảnh, khó kết luận là tại sao bản tài liệu lại ở trong va ly tên người nước ngoài.

Tôi đáp:

- Có nhiều mờ ám vô lý tôi đã nêu, mà không được làm rõ.

Chẳng có thì giờ. Lại chuyển sang việc khác.

Việc hỏi cung bọn Ngụy, tôi nói: “Trước bảo tôi lén lút, xác minh thấy không phải”.

Anh Thọ nói: “Tôi không bảo cậu như vậy. Nhưng cậu gặp nó là dở, lẽ ra không nên gặp”.

Tôi đáp: “Làm có ghi âm, có anh em cùng đi, tôi yêu cầu rà lại hết băng ghi âm để giải đáp, lại không làm. Trong khi đó, Tiểu ban BVĐ đình chỉ công tác tôi mới đi hỏi, thì lại không ghi âm”.

Anh Thọ nói: “Có vậy đó; nên chính tôi gặp cũng khó, không làm thì không triệt để, gặp thì cũng chưa dám tin”.

Nên chuyện về máy ghi âm lúc Mỹ hỏi cung bị tắt, anh Thọ cũng bỏ đi.

Anh Thọ vẫn nhắc lại lời bịa rằng tôi nói “gặp để thúc đẩy tụi nó khai”, tôi lại phải đính chính. Anh Thọ chê tôi phương pháp hỏi; “tại sao định hỏi gì không đi thẳng vào, cứ hỏi lung tung. Dù sao tôi cũng phê phán cậu, nếu không làm việc đó, thì bây giờ rất dễ kết luận; cậu hỏi chúng làm người sau khó hỏi”.

Sang chuyện con phiên dịch và thằng Mỹ. Anh Thọ nói: “Con Chi nó khai khác cậu, mà hai lần hỏi nó, mỗi lần nó khai một cách khác nhau về thời gian nó dịch, nên không biết tin ai bây giờ!”.

Tôi đáp: “đã yêu cầu xác minh qua tụi gác”.

Anh Thọ bảo “Chưa làm; nhưng nếu chúng nó lại nói khác thì rồi cũng không kết luận được”.

Tôi nhắc lại tin nói có thằng Mỹ da đen là sai. (Hình như có lần nào đó, tôi đã nêu ý kiến về việc tôi viết trong báo cáo là “một thằng Mỹ đã đến”, mà do chữ tôi viết khó xem, người đánh máy của Tiểu ban BVĐ nhìn thành “một thằng Mỹ da đen”, rồi người đọc cứ bám lấy đó để truy và nghi vấn tôi vì không giải đáp được).

Chung lại, thấy tôi không chịu, anh Thọ nói:

- Cậu có ý kiến gì thì có quyền trình bầy, xong rồi Ban Bí thư ra Quyết nghị; đừng để Quyết nghị xong rồi thì không nói được nữa. Cậu viết đã nhiều rồi. Nhưng muốn viết 100 trang cũng được. Tôi tin là Ban Bí thư đồng ý với tôi là cần tiếp tục thẩm tra 3 việc đó. Cậu có sự chủ quan của cậu; người ta cũng thế; tôi thì khách quan.

Tôi hỏi “được thời gian bao lâu?”. Anh Thọ đáp “cứ viết đi”.

Chuyển sang việc bố trí công tác.

Hình như anh Thọ cốt nói việc này, nên khi tôi đang cãi về các chuyện mà tôi không đồng ý gọi là chưa rõ, thì anh Thọ đã nói ngay sang chuyện này.

Đại ý: “Không có nguyên tắc nào cán bộ C4 bị tù không về CA. (có lẽ anh Thọ đã đọc thư tôi gửi anh Hoàn phê phán ý kiến này; tôi cho là không có nguyên tắc này, mà nếu dự định thì cũng phải bàn, vì không đúng sẽ gây tiêu cực. Sau này tôi mới được biết đây là ý anh Lê Duẩn; thật lạ lùng với cách làm việc, khi một người có quyền, thì mỗi ý kiến dù sai, cũng trở thành “lời vàng, thước ngọc”. Bởi trong thư nói trên, tôi đã nhận xét rằng cấp ủy Đảng không hề kém quan trọng hơn CA, tình báo, thế thì công bằng mà xét, lẽ ra các đồng chí đã bị địch bắt từ xưa đến nay không được vào cấp ủy Đảng; vậy lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ chỉ gồm những người không qua thử thách, làm sao vững mạnh được? Anh Thọ tiếp: “Nhưng trong tình hình chung hiện nay của Đảng, thì cậu không về Công an; định đưa cậu sang Viện Kiểm sát là chuyên viên, vẫn giữ đãi ngộ như cũ”.

Tôi hỏi: “Đã là quyết định của Ban Bí thư hay chưa?” Anh Thọ trả lời “đó là ý kiến đề xuất, cậu cứ phát biểu ý kiến”.

Tôi nói tóm ý là: “Tôi không có chuyện gì, ở lại CA là đúng. CA sẽ tổ chức lại, tôi làm gì cũng được”.

Anh Thọ phủ nhận: “Không có việc tổ chức lại CA”.

Tôi nói:

- Không vì chức vụ mà đòi hỏi.

Và phê phán sự mâu thuẫn là:

- Tôi đã được kết luận không bị kỷ luật; nay giải quyết như vậy là hạ tầng công tác. Việc đình chỉ công tác đã gây hậu quả xấu, cần có sự thanh minh. Nay bố trí như thế, mọi người sẽ có ấn tượng sai về tôi.

Anh Thọ chữa ngay là “sẽ bố trí với chức vụ tương đương như cũ, sẽ thanh minh”.

Tôi nói:

- Xin đề xuất ý kiến để xét: Nếu Trung ương nhất định thay đổi công tác của tôi, thì trước mắt nên để tôi về CA độ 6 tháng, sau đó hãy điều động. Vì điều động bình thường khác với điều động ngay sau khi đình chỉ công tác, mà lại làm những điều không hay như đã xẩy ra. Để tôi lại CA, thì đỡ phải thanh minh gì, vì bản thân việc đó xoá bỏ mọi điều nói bậy, đảm bảo danh dự cho tôi. Trong thời gian ở lại CA, tôi vẫn có thể làm một số việc có ích cho CA.

Anh Thọ trả lời ngay là:

- Tôi cũng đồng ý có thể để cậu ở lại CA một thời gian.

Một lúc sau, anh Thọ lại nói:

- Nhưng phải để bàn với anh Hoàn đã, vì anh Hoàn cũng khó tính lắm. Như nghe nói: Anh ấy không chịu gặp cậu thời gian qua, tôi cho là cứ gặp, việc gì mà tránh, tuy sự quyết định là ở tôi. Sau khi bàn với anh Hoàn, sẽ báo cáo Ban Bí thư.

Lúc đang nói chuyện thanh minh, tôi đề xuất cách này cách nọ; anh Thọ chưa đồng ý. Nói “Quyết nghị chỉ 2 bản, 1 giao cho cậu, 1 lưu hồ sơ. Nếu gửi lung tung để thanh minh thì không tiện”.

Gần cuối, tôi nhắc lại việc người có ác ý đối với tôi. Như việc sinh hoạt Đảng, người ta nói do anh Khiêm quyết định, anh Thọ nói “làm vậy là sai”. Như việc Bí thư Đảng ủy Bộ bảo cán bộ không đến nhà, anh Thọ hỏi ai là Bí thư Đảng ủy, rồi nhận xét “vậy là không đúng”.

Tôi đưa anh Thọ xem cuốn Trinh sát nội thành trong đó tên tôi bị bôi. Anh Thọ rất tức, hỏi ai làm. Tôi nói: “lúc anh Hoàn, anh Thân đi vắng, do một Thứ trưởng”. Anh Thọ hỏi tên, tôi đáp “là anh Tiến, không rõ có phải không”. Anh Thọ bèn giữ lại cuốn sách đó.

Cuộc gặp chỉ có 2 người. Không khí chung là hòa dịu, chỉ có lúc tôi không đồng ý là còn chưa rõ 3 chuyện, thì anh Thọ tỏ ra hơi găng, nhưng lại dịu.

Anh Thọ cố gài tôi là:

- Cậu cũng đồng ý thẩm tra là nguyên tắc, tại sao lại không chịu là người ta phải tiếp tục thẩm tra.

Tôi đáp:

- Nguyên tắc như thế, nhưng thẩm tra bình thường khác đình chỉ công tác để thẩm ta, có đúng vấn đề đáng lưu để tiếp tục thẩm tra hay không, lại là một vấn đề khác nữa; nó không trái gì với vấn đề nguyên tắc cả.

Trong lúc làm, có lúc anh Thọ nói “Cậu nghỉ lâu, lắm lúc viết tỏ ra bực bội, nhưng thôi không kể làm gì”.

Đứng dậy rồi, nhưng anh Thọ vẫn tiếp tục nói về chuyện người này người nọ có vấn đề; cho đến khi ra tận hè phố cũng vẫn nói. Kể ra thì anh Thọ đã kể tên, hoặc gián tiếp cho tôi biết khá nhiều người mà bây giờ anh ấy đang nghi. Và kêu là “Tình hình phức tạp quá. Làm việc mệt quá”, than thở “Đã gần 70 tuổi mà làm việc không có chủ nhật”.

Sau buổi làm việc này, tôi đã có văn bản lên Ban Bí thư về những sự không đồng ý của tôi với anh Thọ và đã gửi ngày 27/10/78.

Sau buổi gặp anh Thọ ngày 22/10/1978, và tôi gửi báo cáo 27/10/78 lên Ban Bí thư, thì suốt tháng 11 đến tháng 12/1978 vẫn chưa có quyết định bằng văn bản về việc thẩm tra tôi. Trong thời gian này đã có những việc sau đây:

Nhận thư của anh Nguyễn Duy Trinh, ghi ngày 29/10/1978, nói là “đã nhận thư ngày 27/10/1978 của Anh; cần để anh Thọ và anh Hoàn bàn với nhau, xong anh Thọ sẽ làm với Ban Bí thư rồi trả lời một thể”.

Có lẽ tin tức về việc anh Thọ đã gặp và đã kết luận bắt đầu loang ra.

Anh Trần Hiệu, ở Viện Kiểm sát, trước đây chỉ hỏi thăm qua người khác, tình cờ một hôm gặp nhau ở tổ y tế. Bữa nay đến thăm, và hỏi đầu đuôi chuyện; theo ý anh Hiệu, nếu đã kết luận vậy, thì để công tác ở CA là tốt hơn cả; anh ấy không đả động gì chuyện Tổ chức có đến thương lượng gì việc đưa tôi qua cơ quan anh ấy hay không.

Cùng hôm, anh Phan Châu đến thăm một người quen ở tầng dưới, cũng đến chơi; nói trước nghe nói bị theo dõi nên đến nhà dưới mà không dám ghé thăm; mới đây nghe nói được về hưu, nên cho là chẳng có gì đáng ngại và đến chơi (cũng chuyện về hưu, thì vợ anh Phạm Ngọc Mậu nghe con học ở trường Công an, cũng nói là về hưu).

Tiếp đó anh Xứng về hưu cũng đến hỏi kết quả công việc làm với anh Thọ; anh này ngay từ đầu vẫn tỏ ý không tin các chuyện bịa đặt, nay càng củng cố nhận định của mình. Một vài anh em lâu nay vẫn đến chơi, nay tiếp tục đến.

Đầu tháng 11/1978, anh Phan Ân, cùng anh Lại Tuệ đến thăm. Anh ấy nói là nghe Dương Thông kể là không phải không có vấn đề, có khai nhưng không nghiêm trọng, và sẽ có văn bản. Thấy cách nói nội dung không đúng như ý anh Thọ nói. Đã có kinh nghiệm dư luận thường đi trước, rồi chuyện thật tiếp sau. Nên ngày 5/11/978, tôi gửi thư đến anh Nguyễn Duy Trinh, phản ánh dư luận, phản ánh những việc không tốt xẩy bên lề ở ngành Công an; đề nghị cơ quan dự thảo Quyết nghị tiếp xúc với tôi để làm dự thảo, trước khi trình Ban Bí thư ký; gửi hai tài liệu làm ví dụ chứng tỏ BVĐ đã báo cáo sai lên Trung ương (rằng không có tài liệu gì về việc người phiên dịch lúc Mỹ hỏi cung tôi), xin được gặp Thường trực Ban Bí thư. Anh Trinh nhắn qua thư ký, và chỗ thư ký anh Hoàn trả lời là sẽ gặp, nhưng chưa định được ngày.

Nhân dịp này, em rể tôi cũng đến chơi ông Lê Văn Lương (là chú ruột tôi); nhân nói chuyện về một vài người trong đó có ông Hai Văn, thì được biết là anh Thọ nói với ông Lương hoặc các anh ở Trung ương rằng: “Tài không phải là CIA, có ưu điểm bảo vệ được cơ sở và bí mật, đôi thiếu sót không đáng kể, không nghi gì, nhưng không có tài liệu thời Mỹ hỏi cung, và còn băn khoăn chuyện tài liệu của đoàn nước ngoài”. Thấy lại có chuyện nói không đúng sự thật, nên tôi có gửi thư cho ông Lương; vạch rõ sự thật về 2 việc đó, nhằm nói rằng BVĐ đã báo cáo sai đến anh Thọ, làm anh Thọ cũng cứ vậy báo cáo lại cho Trung ương.

Ngày 12/11/1978 tôi định đến thăm anh Hoàn, và đặt vấn đề làm việc với BCSĐ/BNV. Mãi đến 26/11/1978 tôi mới gặp được anh Hoàn. Sau khi thăm hỏi chung, đề cập yêu cầu BCSĐ/BNV làm việc với tôi. Anh Hoàn cho hay “có nhận thư tôi, lẽ ra nếu không mắc họp Bộ Chính Trị thì đã họp Ban Cán Sự rồi. Dự định đưa tài liệu đọc trước, có gì hỏi sẽ làm việc trực tiếp sau”. Tôi đề nghị lại là “các anh nên nghe tôi trước cho rõ, sau đó hãy nghiên cứu và hỏi”. Anh Hoàn cũng đồng ý, nhưng chưa định được ngày.

Và từ đó đến giữa tháng 12/1978 anh Hoàn vẫn đi họp liên miên chưa làm được; rồi lại báo là họp Trung ương, Quốc hội, Công an cuối năm nên có thể phải sau đó mới làm được.

Anh Hoàn cũng nhắc lại sự dè dặt muốn tránh sự dị nghị, vì anh Hoàn cũng bị nhiều dư luận không đúng, trong đó có cả việc của tôi; nay làm thì muốn có tập thể cho tiện. Cũng cho biết anh Hoàng Thao tham gia Tiểu ban BVĐ chỉ là cá nhân, không phải đại biểu Bộ Nội vụ; không có báo cáo thỉnh thị gì, mà khi cho biết thì gì thì biết nấy thôi. Nghĩa là tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ chưa có ý kiến góp với TƯ Đảng việc của tôi.

Để chuẩn bị làm việc với BCSĐ/BNV tôi đã soạn lại thành một bản đối chiếu công văn 149/BVĐ với kết quả xác minh, kết luận của anh Thọ. Đã gửi nhiều trong quan hệ công tác với tôi, giúp ích cho việc xác minh.

Theo lời khuyên của anh Nguyễn Thanh bảo tôi nên tranh thủ gặp riêng trước các anh lãnh đạo để nói cho hiểu các vấn đề. Tôi có thử đến anh Minh Tiến; cũng vướng khách, nên không nói chuyện được nhiều. Nhưng anh Minh Tiến chưa đọc tài liệu gì cả; nên dù tôi chủ động giới thiệu một số việc, nhưng thấy anh này có lẽ không thật chú ý gì lắm. Còn các anh khác, thì phần bận chưa hẹn được, phần thì cũng có những cản trở khác nên cũng chưa gặp được.

Do anh Thọ đã kết luận, nên một số đồng chí đến chơi cũng kể cho biết cụ thể những dư luận không đúng mà họ nghe được trước đây.

Anh X. Thành cũng kể về việc dùng giờ Hà Nội vào giờ Sài Gòn hôm tôi bị địch bắt; cũng có sự hiểu lầm và cho là tôi làm việc ẩu.

Anh Ngọc Châu kể là nghe có chuyện tôi “lén lút gặp tụi Ngụy hồi 1976”; và lại nghe nói “làm việc không đầy đủ trách nhiệm, bàn giao công việc sơ sài lúc đình chỉ công tác, chỉ có nửa giờ” (Riêng anh Châu có dự buổi đó thì lại nghĩ ngược lại với dư luận; cho là người mà có vấn đề thì không có thể có sự bàn giao có trách nhiệm như hôm đó được).

Anh Nguyễn Hiếu kể nhiều dư luận. Nào là “anh Nguyễn Duy Trinh đã gặp, chỉ có 15 phút đưa tài liệu ra là tôi cứng lưỡi phải chịu nhận”. Nào là “tụi địch bố trí gái là bị ngay, và chúng nó đưa đi Mỹ chứ không phải giam ở Sài Gòn”. Nào là “có đủ băng ghi âm”… Cho biết thái độ một số anh em bạn, có người tốt, có người sợ, đặc biệt có người thái độ rất xấu.

Anh Huynh từ lần gặp tình cờ tháng 7/1978, đến nay được tin đã có kết luận và tôi nhắn là nếu anh ấy không còn bị ràng buộc bởi chỉ thị của Bí thư Đảng ủy, thì đến chơi. Nói chuyện khoảng một giờ rưỡi.

Anh Huynh kể là “khi xẩy việc, vào Sài Gòn công tác, có gặp anh Mười Hương hỏi ra sao, thì nhận định không thể nào có chuyện là CIA được”.

Kể lại sau hôm gặp tôi tháng 7/1978, “do tôi gửi thư cho anh Hoàn, nên anh Hoàn gọi vào giao điều tra những sự mờ ám xung quanh chuyện tài liệu đoàn nước ngoài; nhưng ở vào tình thế rất khó vì quan hệ nội bộ, nên còn để đó”.

Tôi kể lại tỉ mỉ cho anh Huynh biết những chi tiết vô lý mờ ám, với yêu cầu các anh ấy nên tiếp tục làm rõ. Qua đây anh Huynh cũng kể tâm tình anh Hoàn, nói với anh Huynh không biết anh Tài có thông cảm cho mình hay không? Kể chuyện anh Viễn Chi họp cán bộ theo yêu cầu của Tiểu ban BVĐ để xác minh tài liệu của Cục D3, mà y hệt bản nói là lấy ở đoàn người nước ngoài; giống như anh Thành đã nói. Thêm chi tiết là anh Viễn Chi hơi nóng, chỉ trích cậu Trọng Bình là không dám nhận sự thật (mà có lẽ người đáng chỉ trích lại là cậu Mão).

Kể chuyện anh Cuông đưa dư luận “anh Tài hủ hóa với con phiên dịch, và đã nhận rồi”, anh Huynh hỏi “do sao biết?”, anh Cuông đáp “nghe vậy thôi”; anh Huynh bảo “vậy thì không nên đi nói lung tung”.

Nhân đây cho biết anh Hoàng Thao, Dương Thông đi nói bậy về tôi rất nhiều. Khác với anh Nguyễn Thanh nói gần đây gặp Dương Thông; “anh ta thanh minh là cùng quan điểm như anh Thành BVĐ, và Dương Thông đã gửi cho tôi tấm hình chụp lúc ở tù, hy vọng tôi hiểu anh ta”. Cũng cho biết Dương Thông đã gặp hỏi con phiên dịch nhiều ngày liền ở Sài Gòn. Cũng kể việc người ta vin vào chuyện tôi gặp hỏi cung 4 tên Ngụy hồi 6/1976 để đặt vấn đề với tôi; và coi đó là việc rất quan trọng. Buổi nói chuyện này ngày 7/12/1978.

Đến ngày 8/12/78, tình cờ anh Lại Tuệ đến tại nhà. Tôi đang đi chơi ở hàng xóm thì con tôi gọi về. Anh Lại Tuệ mục đích đến để kể cho tôi biết Dương Thông chủ động nói chuyện với anh ấy, trong câu chuyện có nói đến tôi, có những nội dung như sau: “Có nhiều cán bộ cao cấp đủ tài liệu mà không bị đình chỉ công tác; riêng đối với anh Tài làm như thế cũng lạ, nay chẳng ra thế nào cả. Ông Hai Văn còn cay cú, tiếp tục tìm thêm tài liệu về anh Tài. Đã được đọc bản kết luận (có lẽ của Tiểu ban BVĐ) cho là khó kết luận, cũng chỉ có thể kết luận đến mức như thế thôi”. Kể là “ông Hai Văn phê phán ông Thao bao che cho ông Tài, nên hai người này làm việc khó, ông Thao muốn xin rút lui khỏi tổ. Về công tác nói là hình như anh Tài sang Pháp chế. Nghe nói anh Tài định có kết luận xong thì xin về hưu, và như thế mới phức tạp”.

Nhân Trung ương Đảng hợp, ngày 13 và 14/12/1978, hai anh Mai Chí Thọ và Mười Hương đến thăm tôi. Ngoài các chuyện linh tinh khác, khi hỏi thăm đến công việc của tôi, tôi có kể lại cuộc làm việc với anh Thọ 22/10/78, và ý kiến thái độ của tôi đã trình bầy ở văn bản 27/10/1978 gửi Ban Bí thư.

Hai anh này chắc có nghe những điều mà chưa tin, nên cũng muốn biết trực tiếp từ miệng tôi. Vậy là tôi lại phải kể rõ một số điều, mà có cái đã trả lời Tiểu ban BVĐ rồi, có cái Tiểu ban BVĐ không hề hỏi tôi, nhưng lại cứ đi nói với người khác. Đó là các chuyện do hiểu nhầm trong việc dùng giờ Hà Nội và giờ Sài Gòn nên bị bắt ra sao; việc nhận là đại tá như thế nào; nguyên nhân bị lộ tung tích là do nhóm 2T bị bắt, có thư của Ba Tâm bảo tìm chuộc tôi mấy triệu cũng được (anh Mai Chí Thọ lại nhầm là Hai Tình của Bến tre mua giúp máy PRC 25); việc suy diễn tinh thần sa sút khi bị tra tấn, các cuộc tra tấn ở các thời kỳ khác nhau; câu chuyện bịa đặt nói tôi “nhận hợp tác có giới hạn”; việc bịa đặt là tôi trực tiếp nói tiếng Pháp khi Mỹ hỏi cung; việc “lén lút” gặp tụi Ngụy hồi 6/1976; việc hỏi cung con phiên dịch, sao lại hỏi nó có được ai bầy việc gì khác ngoài các lúc dịch hỏi cung (câu chuyện về Nguyễn Công Miều đã ghi ở báo cáo kiểm điểm); về chuyện nói có tên phiên dịch người Mỹ. Tôi có kể dư luận đưa ra nói tôi đã nhận hủ hóa với con phiên dịch; anh Trinh gặp đưa tài liệu, tôi cứng lưỡi phải nhận là CIA... (anh Mai Chí Thọ nói “nó còn nói đầy ở Sài Gòn là Mai Chí Thọ ra Hà Nội.”…)

Cũng lại nói chuyện tài liệu đoàn người nước ngoài, và kết quả kiểm tra ở Cục D3, những sự mờ ám. Việc phát hiện sự không trung thực của Tiểu ban BVĐ muốn quy tội cho tôi bằng cách chế biến tài liệu 155 của địch mà Thành ủy Sài Gòn cũng đã có. Hai anh này cho biết: Thường vụ Thành ủy Sài Gòn làm việc cẩn thận và tập thể như thế nào trong việc chuẩn bị và trả lời vấn đề cơ sở; ý trách sau đó của Tiểu ban BVĐ; ý kiến của Thành ủy Sài Gòn viết lên Ban Bí Thư gián tiếp trả lời Tiểu ban BVĐ; phản đối cách làm việc của Tiểu ban BVĐ cứ gặp cá nhân để hỏi ý kiến, mà không làm với tập thể Thường vụ Thành ủy, cũng như sự bác bỏ những lập luận vô lý của Tiểu ban BVĐ.

Hai anh này đều tỏ ý mừng là việc đã rõ. Cũng thấy Tiểu ban BVĐ vô lý, góp ý với tôi là một mặt tiếp tục đấu tranh, nhưng khuyên tôi nên nhận làm việc đã, chớ nên cứ chờ cho sáng tỏ mọi chuyện rồi mới nhận việc. Có một ý của anh Mai Chí Thọ là “phải thấy tương quan lực lượng để định cách làm tiếp, chứ muốn ngay một lần làm triệt để thì khó lắm. Có nhiều cái tức nổ mắt, nhưng chưa giải quyết ngay được. Không phải mọi người thấy ngay cái sai của Tiểu ban BVĐ, nhưng khi phạm thêm sai lầm thì mình có căn cứ để làm rõ cả chuyện cũ (đưa ví dụ chuyện vợ anh Chín Lê). Tức là đi từng bước”.

Anh Mười Hương kể là gặp anh Song Hào ở Hội nghị Trung ương Đảng, có nói chuyện là “Bảo vệ Đảng là cần; nhưng coi chừng làm không đúng sẽ làm yếu Đảng” và nêu ý kiến “trong lúc anh Thọ bận, anh Song Hào ở Ban Bí thư nên xem xét đặt vấn đề làm tập thể việc của Tài” (anh Mai Chí Thọ và anh Mười Hương kể chuyện bệnh thần kinh hiện nay của ông Hai Văn Cho biết anh Thọ cũng muốn để nghỉ hay làm việc khác nhưng chưa được, hình như còn nương nhẹ vì bệnh).

Ngày 16/12/1978, thình lình anh Lại Tuệ đến chơi. Cho biết mới đây gặp Dương Thông. Tay này đang lo việc bị thay công tác, vì dính với một nhà tư sản trong các chuyện tài sản, có chuyện vun vén cá nhân, nhập nhằng công tư ở Sài Gòn...

Về lý do đình chỉ công tác tôi, thì Dương Thông không đả động gì, tuy có kể là có loại Bí thư Khu ủy, Thường vụ Khu ủy có vấn đề nhưng không đình chỉ công tác. Chỉ nói thêm việc ông Hai Văn đòi bắt em vợ Tám Nam, ký giấy đòi bắt một số Đại biểu Quốc hội, định bắt vợ ông Trịnh Đình Thảo. Anh em phản đối, địa phương phản đối.

Về thái độ đấu tranh trong nội bộ “ông Hai Văn nói đen, Thành nói trắng”. Cãi nhau đập bàn. Phạm Ngọc Mậu bỏ ra cửa nói “chẳng có tài liệu gì”. Hai Sớm cũng không phát biểu.

Riêng Dương Thông thì mưu sỹ cho anh Hoàng Thao phát biểu: không đen, tuy trắng, nhưng cũng cảnh giác xem kỹ, vì cũng có một số điều chưa rõ, thành tích cống hiến có thật, nhưng cũng do tập thể chứ riêng gì cá nhân. Ông Hai Văn nắm lấy đó để đề nghị thành kết luận.

Kết luận của anh Thọ là căn cứ ý kiến này.

“Nhưng đến nay, biết dư luận chê nhiều (định lật ông Tài, phản ông Hoàn) thì đang xo lại. Nghe nói anh Hoàng Thao không ở Tiểu ban BVĐ nữa, không họp; còn Dương Thông thì xin rút. Dương Thông thanh minh là bị ông Hai Văn trù, nói bao che cho ông Tài”. Đưa hồ sơ cho anh Lại Tuệ thấy, các cuộc họp Tiểu ban BVĐ, nhưng anh Lại Tuệ thận trọng không tự mở ra xem. Tuy thấy khá dầy, chắc cả tài liệu địch, ta cùng trong đó.

Anh Lại Tuệ nói “sẽ bảo Dương Thông nên vì lẽ phải, vì chân lý, mà tự thanh minh cho mình bằng cách phát biểu sự thật lên Trung ương Đảng. Vì Dương Thông lâu nay không phải Ủy viên Tiểu ban BVĐ nên không được phát biểu, nay thôi công tác đó, nhưng thấy sao thì phải nói vậy cho Đảng biết”.

Ngày 1/1/1979, 8 giờ sáng có điện thoại của anh Lê Quang Đạo hẹn đến nhà anh ấy vào lúc 9 giờ sáng. Đến nơi, nói chuyện Hà Nội độ một giờ đồng hồ. Nói sang việc của tôi. Anh Đạo để tôi kể vắn tắt tình hình. Sau đó nói là “việc của Anh, Ban Bí thư không có bàn tập thể. Lần đầu đã lâu, Ban Bí thư đang họp thì anh Thọ đến, thông báo tình hình miền Nam, và nói có việc thẩm tra Anh. Sau này một lần anh Trinh nói ở Ban Bí thư là anh Tài có khiếu nại và để anh Thọ xem xét kỹ lại. Anh là cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý chứ không phải Ban Bí thư. Lâu nay, trong Đảng có tình hình không bàn tập thể về nhân sự, nếu bàn thì chỉ cần một ý kiến khác là cũng treo lại không quyết được”.

Anh Đạo nhận xét: “Nghe Anh kể miệng cho tôi (anh Đạo) thì cũng bình tĩnh; nhưng đọc thì cảm thấy bản viết không được bình tĩnh. Như vậy có thể không lợi cho anh; nhất là văn bản 22/12/1978” . Theo anh Đạo, “nếu mình chỉ quan tâm làm rõ chân lý, thì cũng phải bình tĩnh, kiên trì, và theo kinh nghiệm thì nên tranh thủ gặp cá nhân làm cho hiểu thì tốt hơn chỉ viết bằng giấy tờ. Có ý kiến hiểu lầm là anh không đồng ý thẩm tra, nay tôi (anh Đạo) hiểu là không đồng ý phương pháp của Tiểu ban BVĐ”.

Về nội bộ Tiểu ban BVĐ, anh Đạo biết là anh Phạm Ngọc Mậu chỉ lo phần Quân đội, chứ không tham gia gì chung. Anh Sớm thì không rõ. Anh Thành có biết, nhưng không tiếp xúc. Có nghe anh Hai Văn bị thần kinh. Nhưng cũng có thể do làm việc không tập thể. Anh Trinh ký quyết định là theo trách nhiệm Thường trực Ban Bí thư.

Theo sự hiểu của anh Đạo, thì có thể chỉ là một số đồng chí Bộ Chính trị đồng thời là Bí thư TƯ Đảng đã bàn bạc. Vậy nên tìm gặp thêm các anh ở Tiểu ban BVĐ để làm cho hiểu rõ chuyện, ngoài ra thì cần gặp anh Thọ, anh Lành [1], anh Hoàn và có thể anh Song Hào. Còn gửi nhiều các đồng chí Bí thư khác thì có gặp cũng không giải quyết được gì.

Đây là những ý kiến tốt, dựa và thực tế. Nhưng nếu suy nghĩ về mặt nguyên tắc làm việc, và phấn đấu đưa công việc của Đảng vào nền nếp nguyên tắc thì tôi cho là chưa thỏa đáng. Vì không riêng các đồng chí Bí thư TƯ Đảng, mà đảng viên nào cũng có thể đề xuất ý kiến với Đảng. Huống chi các đồng chí Bí thư có trách nhiệm và có quyền đặt vấn đề cho tập thể Ban Bí thư xét.

Ngày 2/1/1979, tình cờ gặp anh Nguyễn Thế Tùng. Lâu không gặp, cũng hỏi thăm chuyện của tôi. Nghe chung lại, thì anh Tùng có kể rằng có lần hỏi anh Hoàn, thì anh Hoàn nói có đầy đủ hồ sơ; cả việc địch định giết tôi lúc sắp giải phóng Sài Gòn bằng cách trộn thuốc độc vào thức ăn.

Khoảng đầu tháng 1/1979, tôi tập trung vào việc yêu cầu BCSĐ/BNV làm việc với tôi, như tôi yêu cầu trong văn bản gửi Ban Bí Thư 22/12/1978.

Hồi cuối tháng 11/1978 anh Hoàn đã đồng ý BCSĐ/BNV gặp tôi. Tôi đã gửi tài liệu đến các anh Lãnh đạo ở Bộ Nội vụ. Nhưng khi nhắc, thì cứ thấy chần chừ: Rồi được biết anh Hoàn vì mắc họp TƯ Đảng, Quốc hội, Ngành, nên phải đợi sau đó. Hết họp, nhắc lại, thì lại vướng khách nước ngoài.

Nhưng ở ngoài lề thì có những ý kiến khác thường. Anh Qua kể là có lần hỏi anh Hoàn, thì được trả lời là Ban Bí thư không hỏi, mình thọc vào việc người khác cũng bất tiện. Giữa mấy người thư ký của anh Hoàn và anh Thân, đùn đẩy rằng anh Hoàn đã giao cho anh Thân thu xếp, ngược lại thì anh Thân không hiểu ý anh Hoàn là gặp hay không. Sau đó, lại cũng nghe từ thư ký nói mấy ý: Ban Bí Thư không hỏi, đụng và việc của người khác thì phiền; anh Thọ không nói với anh Tài, như anh Tài kể lại cho anh Hoàn (!?). Cậu Thanh thì khuyên cứ tranh thủ dần.

Tôi gặp anh Quyết đặt vấn đề. Anh Quyết tỏ ra thông cảm, nghe hết ý tôi. Và cho rằng BCSĐ/BNV có nghe tôi một hay hai ngày cũng nên thu xếp; thì giờ thì không khó. Tôi cũng nói rõ là tôi không yêu cầu được bênh che, chỉ cần các anh nghe để hiểu; nếu thấy đáng phát biểu thì phát biểu; nếu khó thì cứ chuyển cả băng ghi âm tôi nói - dù đồng ý hay không đồng ý với tôi - cũng không có chuyện đáng ngại. Còn về công tác, thì tôi không yêu cầu bàn ở đây, cũng không phân đúng sai gì của các đồng chí đã làm sai đối với tôi.

Nhân gặp anh Xứng đã về hưu, anh ấy cho biết cán bộ có nhận xét là “Bộ Nội vụ thiếu sót trách nhiệm không có bàn bạc ý kiến gì với TƯ Đảng việc của anh Tài”. Kể rằng: “Có ý kiến sợ rằng trở về Công an sẽ lấn cấn nội bộ, nhưng anh em cho rằng thiếu gì việc để phân công”. Và kể là chuyện bôi tên tôi ở sách lưu hành nội bộ: người ra lệnh giục đến mấy lần, người thi hành đã phải ghi nhật ký để sau này chứng minh. Người đó chỉ làm thử 1.000 cuốn để xem phản ứng; sau đó được lệnh ngưng.

Tôi có thư cho anh Hoàn, anh Thân, anh Quyết nói rõ về việc tôi yêu cầu gặp BCSĐ/BNV; có nhắc đến kinh nghiệm lúc Cải cách ruộng đất có tình trạng khoán trắng nên sai, có hại chung.

Anh Trinh hoạt động ngoại giao mới về, ngày 7/1/79 tôi gửi thư nhắc lại việc anh Trinh gặp tôi. Không có trả lời.

Tối 12/1/1979, anh Đáng trước cùng hoạt động ở Hà Nội dẫn một người đàn bà tôi không quen đến chơi. Hỏi ra thì mới biết chị này là cơ sở Điệp báo của An ninh T4, đã tham gia gọi điện thoại cho tụi Mỹ hồi cuối 1971, nhằm giao dịch trao đổi tôi hồi đó - mà chị ấy không ngờ là thủ trưởng của mình. Chị ta rất muốn gặp người mà chị ấy đã được giao nhiệm vụ như trên; đến nay có dịp ra thăm gia đình ở Hà Nội, lại là cơ sở cũ của anh Đáng, nên nhờ đưa đến. Anh Đáng nghe nói chuyện của tôi đã kết luận, nên mới dám đưa đến. Cuộc gặp bất ngờ này đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên.

Dịp cưới Hòa Bình - là con gái đầu của chúng tôi - anh Nguyễn Huy Lương đến chơi, có kể rằng “hồi tháng 11/1978, anh Hoàn làm việc kể rằng việc của anh Tài xong rồi. Trước đây cứ để bên Tiểu ban BVĐ làm, tin là rồi sẽ rõ”. Đám cưới đông đủ anh em, bạn bè đến chơi, có cả người không báo, không mời cũng đến. Có người bảo: “Như vậy đủ hiểu được dư luận và tình cảm đối với anh Tài hiện nay ra sao”. Bữa đó Tô Duy hỏi: “Nghe nói phân công sang Viện Kiểm sát, nhưng Anh không nhận”.

Ngày 17/1/1979, bỗng nhiên hai cậu Trọng Bình và Thâm đến nhà. Sau khi hỏi thăm các chuyện, Trọng Bình tỏ ý phiền bị nhận xét không trung thực trong việc bản tài liệu Anh văn. Và cho biết là: “Tìm thấy ở Tổng nha Cảnh sát Ngụy, trong tủ tài liệu tên chuẩn tướng Huỳnh Văn Tây, hồi 9/1975. Có một bản photocopy Anh văn kèm một bản chữ VN nội dung ấy. Trọng Bình cho bản VN là gốc, bản kia là dịch” (còn tôi thì nghĩ bản VN là dịch). Như thế theo Trọng Bình là “bản gốc ở đâu không rõ, vì đó đã là bản photocopy. Trọng Bình mang hết đi, gửi Mão (hồi đó vào Sài Gòn) mang về Cục khoảng tháng 10 hay 11/75. Có nghe Tiểu ban BVĐ sau này kiểm tra ở Cục D3, thì đúng là có làm photocopy hồi sau đó để gửi Thành ủy Sài Gòn; và có ý muốn áp Trọng Bình phải nhận đã đưa tài liệu đó cho anh Tài xem.

Ngày 13/1/1979 anh Lại Tuệ gặp thăm đám cưới và nói chuyện gặp Dương Thông. Trước Dương Thông nói chuyện “bản dự thảo kết luận có dùng từ “cảnh giác”, nay lại nói “chú ý mấy việc”. Trước không nói với anh Lại Tuệ việc gì, nhưng nay lại kể là việc phá bỏ hợp đồng với giao thông viên, và việc địch định giết 23/4/1975”. Không hiểu sao lại không trùng gì ba việc anh Thọ nêu. Dương Thông kể là “đang chuẩn bị cho anh Hoàn gặp anh Tài, còn ý khác nhau về thành phần gặp”. Cũng nghe dư luận các ngành nói về thái độ Dương Thông cơ hội. “Kể là anh Hoàng Thao không dự họp Tiểu ban BVĐ, bị ông Hai Văn báo cáo Ban Bí thư phê bình. Khoe tìm chỗ dựa mới cho con đường tiến thủ sau này. Khoe nhận được giấy báo hỷ đám cưới Hòa Bình, cho là tôi đã nhận định lại về anh ta và tỏ ý mừng”.

Tối 19/1/1979 anh Bảo thư ký anh Hoàn báo là sẽ làm việc với BCSĐ/BNV tuần tới.

Ngày 20/1/1979 tôi gửi một bức thư cho chú Lương tôi, nhắc lại là anh Trinh hứa với chú Lương gặp tôi, nhưng chưa gặp, nhờ nhắc lại. Và cho biết chi tiết việc anh Thọ kiểm tra chưa kỹ việc phát hiện tài liệu ở đoàn nước ngoài; mà sự thật thì xô bồ hơn nhiều. Để thấy không thể loại trừ khả năng nhầm lẫn...

Ngày 18/1/1979, tôi gửi một bức thư cho Tiểu ban BVĐ, yêu cầu cho biết rõ về nội dung ba việc lưu để xét thêm. Tôi điện thoại, thì anh Thành có mặt. Nên tôi đến trao thư. Và trao đổi thêm một số tình hình: công văn 149, thì như đã nói ngay từ đầu, anh Thành không thảo, mà là do ông Hai Văn tự thảo lấy. Trong Tiểu ban BVĐ không làm việc tập thể. Có nghe tập thể băng ghi âm 2 ngày 21 và 22/2/1978. Nhưng từ tháng 4/1978, ông Hai Văn đã làm báo cáo là có việc không xác minh được, xin treo lại và để anh Thọ gặp. Anh Thọ giao cho anh Thành xác minh, sau đó thì chỉ báo cáo anh Thọ, chứ Tiểu ban BVĐ không nghe kết quả xác minh sau đó.

Về ba việc lưu để tiếp tục thẩm tra, thì anh Thành nói là bản Anh văn phát hiện ở đoàn nước ngoài; không có dịch lúc đầu, nên lúc đó không có chuyện dịch sai; cứ thấy có tên ở danh sách là đặt vấn đề (Vậy tại sao không đặt vấn đề đối với cả 4 người, mà chỉ đặt vấn đề riêng đối với tôi?). Không có tài liệu lúc tên Mỹ Frank hỏi cung. Việc tôi hỏi cung bọn Ngụy hồi 6/76 để phát hiện một số tên tình báo Ngụy mà tôi chỉ biết mặt nhưng không biết tên; trước đây đã có ý kiến cho là tôi dùng cách hợp thức hóa để che cái bất hợp pháp (!).

Tưởng Quyết nghị đã ký và đi làm từ lâu. Vì 30/10/78 thư ký anh Thọ dự thảo, đã gọi anh Thành tham gia tu sửa.

Chiều 22 và sáng 23/1/1979 đã làm với BCSĐ/BNV. Anh Viễn Chi đi CPC, anh Minh Tiến đi Hải Phòng. Chỉ có anh Hoàn, anh Thân, anh Quyết, anh Thao. Sáng 23 vắng anh Thân. Làm có ghi âm.

Tôi trình bầy toàn bộ theo đề cương chuẩn bị “Tổng hợp về cuộc thẩm tra của Đảng đối với tôi”. Xong, anh Hoàn chỉ nói mấy ý:

Việc bản tài liệu ở đoàn nước ngoài, anh Thân biết. Đã nói anh Thân gặp Anh nói để thông cảm, kẻo Anh có ý cho là có anh em nào trong nội bộ có ác ý. Tài liệu photocopy của D3 và bản chụp ở đoàn nước ngoài là 2 việc riêng rẽ (việc này không tranh cãi, vì không phải lúc).

Các việc khác, mà Tiểu ban BVĐ nêu, thì Bộ không rõ. Nhưng công văn 149, thì 1977 sau khi nhận thư anh Tài trả lời, anh Hoàn mới được xem. Anh Thành, Dương Thông đến cầu cứu anh Hoàn. Anh Hoàn nói không thể có ý kiến về nội dung, mà chỉ góp là Tiểu ban BVĐ nên làm việc tập thể, và tin như thế sẽ tránh được sai lầm.

Đã nghe Anh (tôi, Tài) trình bầy theo yêu cầu của Anh. Khi Ban Bí thư hỏi, thì sẽ bàn để có ý kiến. Hoặc chuyển cả băng ghi âm này để Ban Bí thư nghe, thì anh Tài đõ phải báo cáo một lần thứ hai.”

Ở ngoài lề buổi làm việc, anh Thân cho biết Ban Bí thư mới ra Thông tri việc phát ngôn xung quanh các việc thẩm tra.

Gặp tôi, anh Thao nói hôm cưới Hòa Bình, vì đi địa phương, nên không đến được. Và kể là ông Hai Văn làm việc cá nhân, thư từ cho tôi không bàn gì trong Tiểu ban nên không biết. Có lần cãi nhau to giữa ông Hai Văn và Thành, nhưng lại nói thêm không phải là về việc của tôi. Nói anh Hai Sớm cũng ngả ngiêng theo ông Hai Văn. Ông Hai Văn giấu Thao nhiều chuyện, vì sợ về nói lộ cho tôi. Ông Hai Văn đã làm nhiều chuyện bắt sai khác, nay phải thả như vụ Biên Hòa, vợ Chín Lê... lại muốn đẩy cho CA phải giam và tha, nhưng anh Thao không chịu. Ông Hai Văn nói “CA bắt được người; Đảng lãnh đạo CA, thì cũng bắt được, và lập nhà giam riêng của Tiểu ban BVĐ (!). Cũng nói “ông Hai Văn thần kinh nặng, đã trình bầy nếu để làm việc này sẽ có hại”.

Tôi có thư 23/11/1979 cho anh Thân nhắc nghe lại đoạn băng ghi âm bữa anh ấy vắng mặt, và yêu cầu thu xếp gặp tôi về chuyện bản tài liệu trong va ly đoàn nước ngoài.

Ngày 24/1/1979, thư lên anh Trinh phản ảnh buổi làm việc với BCSĐ/BNV. Đặc biệt phản ảnh việc nghiêm trọng là công văn 149 được soạn không phải kết quả làm việc của tập thể Tiểu ban BVĐ.

Ngày 24/1/1979, tôi cũng gửi thư cho anh Bách, Chánh Văn phòng TƯ Đảng hỏi xem có dự thảo Quyết nghị về tôi ở Văn phòng TƯ Đảng không; và nhắc nhở việc áp dụng thủ tục thông thường đối với đảng viên: cho tôi được đọc dự thảo để có ý kiến trước khi trình Ban Bí thư ký chính thức. Ngày 31/1/79 anh Bách trả lời chưa nhận được dự thảo Quyết nghị nào về tôi; đồng thời cho biết anh Trinh vẫn có ý định gặp tôi, nhưng chưa thu xếp được thì giờ.

Ngày 31/1/1979, nghe tin anh Thọ ra Hà Nội, tôi gửi thư nhắc anh Thọ để giải quyết dứt điểm việc của tôi. Không có trả lời. Nhưng ngày 30/1/79, nhân gặp thím Lương tôi, được biết anh Thọ ra ăn Tết ở Hà Nội, hỏi thăm chú Lương tôi đi vắng đã về chưa; và chủ động nêu chuyện nói với thím Lương tôi là “ra cũng có ý giải quyết cho xong việc của Tài. Ý anh Thọ nói đã kết luận Tài không có vấn đề gì, vẫn là đảng viên, chức vụ công tác như cũ, thì cứ nhận việc làm, rồi đâu sẽ vào đó, nhận xét Tài nó cứ “rị mọ” mãi. Anh Thọ cũng nói Tiểu ban BVĐ làm sai bậy quá. Và nói Tài không làm Công an nữa là vì nguyên tắc Đảng” (ngược lại ý kiến chính anh Thọ nói với tôi hôm 22/10/78). Sau Tết, tôi được biết: Trước khi đi Huế, thấy anh Thọ chưa về, chú Lương tôi có thư để lại, nhắc anh Thọ việc của tôi, nhưng không rõ nội dung.

Trước Tết, ngày 26/1/1979, anh Lại Tuệ đến thăm; kể rằng có gặp Thanh Sơn ở chỗ Dương Thông; tay này trước đây đã nói anh Lại Tuệ “không hiểu gì, chứ con người anh Tài đã thay đổi rồi” Nhưng lần này thì “Thanh Sơn lại thay đổi hẳn ý cũ. Và nói ông Tài là người có bản lĩnh; đọc các bản cung lúc Mỹ hỏi cung thấy đối phó hay, và có điểm rất cảm động, ví như Phu-xích; ông Tài có chỗ dựa dầy, cần gì phải ai giúp đỡ nữa; ông Tài vô tội”. Đồng thời Thanh Sơn cũng kể rằng: có người không chịu rằng ông Tài là kiên cường, vì có những điều “khó hiểu”; nếu kiên cường, tại sao “phá bỏ hợp đồng với giao thông viên? Tại sao gặp bọn Ngụy hồi 1976 như để thông cung với nhau? Tại sao báo cáo kiểm điểm nói mọi việc, mà CIA hỏi cung thì lại hứa sẽ nói sau? Tinh thần của Thanh Sơn cũng đổ tội cho ông Hai Văn, nói là ông Hai Văn ép các người khác. Anh Lại Tuệ cũng gặp một người khác cũng ở chỗ Dương Thông, anh này cũng chối không có tham dự gì; và kể rằng “khi chuẩn bị cho một cuộc hội nghị tổng kết kinh nghiệm về nội gián, thì anh Hoàng Thao và Dương Thông có ý định lấy việc của anh Tài để báo cáo điển hình, tuy không nói tên, đại ý nói lên phương thức của địch là hợp tác trong danh dự. Nhưng mấy cán bộ nghiên cứu không chịu viết, họ đòi đọc tài liệu, mới có cơ sở chính xác. Không hiểu rồi sau đó, anh Hoàng Thao, Dương Thông giải quyết ra sao?” Anh Lại Tuệ cũng kể chuyện về nhân cách của Dương Thông; và cho biết thái độ đúng đắn của anh Huy Lương, Hoàng Cẩn đối với tôi trong suốt quá trình.

Ngày 3/2/1979, chi bộ Đảng họp. Nhưng vẫn không thấy Đảng ủy cơ quan thông báo gì về bản quy định của TƯ Đảng về việc không được tùy tiện phát ngôn xung quanh lịch sử chính trị của đảng viên, cán bộ.

Hôm này anh Mai Văn Mạc bệnh, tôi đến thăm. Anh ấy kể là “hồi đầu, Vụ Tổng hợp khuyên anh ấy không nên đến nhà tôi, và Dương Thông đến chỗ anh ấy kể là: thái độ Tài rất xấu (nhưng không nói rõ xấu là nghĩa thế nào). Anh Mạc cũng nhận xét sự xoay chiều của số cán bộ Vụ Tổng hợp hiện nay.

Sáng 4/2/1979 tôi đến anh Hoàn. Cho biết lẽ ra đã làm với anh Thân, nhưng anh Thân bị tim bất thường, nên hoãn. Đang bắt đầu thì anh Cả đến, nên không nói được sâu.

Trên đường về, gặp Trần Vân. Anh này nói là anh Sĩ Huynh biết một số chuyện, nhưng không dám nói, sợ tôi lại viết vào văn bản. Công nhận anh Hoàng Thao có bảo nhiều người không đến nhà tôi. Và kể có nghe là anh Trinh nhận xét: việc của anh Tài xử lý không đúng, và cách làm nhiều cái sai; nhưng các thư tôi viết quá găng; và cho là việc cũng không thể giải quyết chóng được. Sau đó tôi ghé thăm anh Sĩ Huynh; dặn nếu gặp anh Trinh thì nhắc thu xếp gặp tôi sớm. Anh Sĩ Huynh, nói nghe là anh Thọ và anh Trinh mới gặp nhau bàn bố trí công tác cho tôi. Có lẽ cũng sắp ngã ngũ thôi.

Ngày 6/2/1979, cậu Hiếu - thư ký anh Thân - bỗng điện thoại cho biết anh Trinh chuẩn bị gặp; vấn đề gì có thể kết luận thì kết luận, không thì gác lại, và cho biết có dự định đưa tôi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Chính phủ. Tôi trả lời ngay là: “Có gì mà không thể kết luận được đến nỗi phải gác lại, và nói giao việc như vậy thì không hợp vì cơ quan đó chẳng có việc gì làm cả” (sở dĩ bầy ra cơ quan đó là đối phó lúc giải tán Bộ Tư pháp, lập Tòa án Tối cao; nhân sự thì toàn quan lại, công chức cũ).

Ngày 8/2/1979, anh Thành điện thoại nói anh Trinh chuẩn bị làm việc và có muốn gặp tôi. Cuộc gặp, theo sự tính của anh Thành, có lẽ chỉ khoảng nửa giờ (nhưng thực tế đã diễn ra suốt chiều hôm đó).

Theo anh Thành cho biết, để chuẩn bị làm việc, anh Trinh đã nghe anh Thành một buổi sáng, các văn bản cần thiết đều được đem ra đọc; anh Trinh dự định khi gặp tôi sẽ có ít nhất anh Song Hào trong Ban Bí thư cùng dự; và anh Thành phải viết lại một báo cáo. Vì hôm anh Thọ gặp tôi 22/10/78, anh Thành không dự, nên nay có việc nắm không rõ, mà thư ký thì tìm chưa ra báo cáo của tôi. Nhân dịp này, tôi đã lấy báo cáo 27/10/78 gửi Ban Bí thư, đọc lại cho anh Thành nghe, và giải thích từng đoạn. Nhờ sự làm việc này mà phát hiện thêm: tấm ảnh chụp tài liệu đoàn nước ngoài là tấm cuối cùng trong các tài liệu chụp của người nước ngoài; ngày Cục E4 chụp là 12/7/76. Trong khi bản photocopy tôi gửi Thường vụ Thành ủy Sài Gòn thì chú thích ngày 15/7/1976. Anh Thành cũng đề cập nhận xét của tôi về tấm ảnh chụp không có vết gấp, thì anh ấy chưa hiểu rõ; tôi bèn cùng anh Thành đối chiếu so sánh phân tích trên hồ sơ của Tiểu ban BVĐ; có 2 thứ tiếng nước ngoài - nói là cùng trong một phong bì thư - thì ảnh chụp có vết gấp y như nhau; ngược lại, ảnh chụp phong bì thư thì không có vết gấp lại, giống như của bản Anh văn, nghĩa là phẳng trơn. Qua đó anh Thành phát biểu: “Có thể có sự nhầm lẫn đáng tiếc”.

Cũng theo anh Thành cho biết, thì có thể kết luận sẽ theo như ý tôi viết ở văn bản 27/10/1978; về ba việc tồn tại thì vì có ý kiến không muốn bỏ, nên có lẽ sẽ ghi là không phải nghi vấn, nhưng để tiếp tục xem xét thêm (tôi nói như thế không hợp lý). Nhưng anh Thành nói đây là ý muốn của anh Thọ. Cũng gợi ý có thể ghi là: “Những nghi vấn không đúng ở công văn 149, đều xóa bỏ”.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị làm rõ các điều gọi là tồn tại, sau khi đã làm với BCSĐ/BNV (nhắc lại các ý) bằng cách Tiểu ban BVĐ làm việc tập thể với tôi. Anh Thành thừa nhận là đúng, nhưng cho là không thực hiện được. Và cho biết tháng 4/1978 anh Hai Văn đã làm báo cáo nói không thể xác minh, xin treo vấn đề, và giao trả lại anh Thọ. Sau đó anh Thành có xác minh và chỉ báo cáo cho anh Thọ, chứ Tiểu ban BVĐ thì không nghe hay bàn tập thể gì nữa. Do đó mới có việc anh Thọ gặp tôi 14/4/1978.

Tôi cũng nhờ anh Thành báo cáo với anh Trinh về ý kiến tôi xung quanh việc bố trí công tác. Tinh thần như đã nói ở văn bản 27/10/1978 của tôi. Và tỏ ý không đồng ý việc bố trí ở Ủy ban Pháp chế vì không hợp khả năng; và yêu cầu Tổ chức TƯ Đảng nên tiếp xúc với tôi.

Sau khi về, tôi có thư cho anh Thành xác nhận các ý đã nói.

Và có thư cho anh Trinh, xin yêu cầu Bộ Nội vụ đưa phim và ảnh in liên quan các tài liệu đoàn nước ngoài lên Ban Bí Thư, vì sau khi gặp anh Thành, đã có những sự phát hiện mới. Đồng thời, tôi cũng có thư cho anh Thân Bộ Nội vụ, cũng nội dung như thế ( 16/2/1979).

Sau mấy lần hẹn nhưng không làm được, đến 26/2/1979 anh Thân mới gặp được tôi về chuyện này. Kết quả đã thành văn bản 27/2/79 tôi báo cáo Ban Bí Thư. Qua đây càng thấy: Sự không làm kiểm tra giám định từ đầu, là một sự làm việc thiếu sót một cách nghiêm trọng; không thể đơn giản loại bỏ khả năng có sự nhầm lẫn đáng tiếc; có rất nhiều trường hợp mà các cơ quan có trách nhiệm đã hết sức thiếu trách nhiệm trước Đảng, trước đồng chí và trước pháp luật đối với những loại việc tương tự.

Chiều 10/2/1979, sinh hoạt chi bộ thường lệ hàng tháng. Nội dung rất nghèo nàn. Nhưng không đả động gì đến bản Thông tri của Ban Bí Thư về phát ngôn đối với lịch sử chính trị đảng viên cả.

Ngày 12/2/1979, làm xong dàn bài làm việc với Thường trực Ban Bí thư.

Ngoài lề được biết những chuyện đáng chú ý:

Anh Dịch cho biết: “Người chụp ảnh là cô Trang (sau anh Thân cũng nói như vậy), phim chụp loại 24x36 (anh Thân thì nói phim 4x6). Cô Trang kể là phim chụp có chữ bác Tài (sau khi hỏi kỹ, thì cô này hiểu nhầm chữ do bọn Ngụy viết – “KĐB và 2 Tài” - thành KD3 và anh Tài)”. Nói: “Tuy việc bề bộn, nhưng làm trật tự, ở chỗ chụp thì không nhầm được (nhưng người mở thư thì không rõ); sau đó phim được cắt thành 3 đoạn vì là 3 việc riêng” (giống ý anh Thân - nhưng khác ý người ở E4 biết việc nói là: phim chụp xong, chưa thành ảnh, giao cho Lê Tẩu, Tẩu mang về Cục, cùng một số cán bộ đọc trên lecteur, thấy có tài liệu có tên anh Tài bèn dịch, báo cáo anh Thân; sau đó như thế nào không nhớ, nhưng Tẩu cắt riêng cái phim chụp tài liệu Anh văn lưu riêng, bên cô Trang đòi mãi, đến năm 1978 mới trả; mà phim này thì bị xén lại, thành ra nếu ghép với đoạn phim chung thì không thật khớp). “Và Trang còn cho biết là phim đã giao anh Thân cả (người biết việc kể trên thì nói anh Minh Tiến lưu); các Bác lãnh đạo Bộ Nội vụ gọi Trang hỏi đi hỏi lại chuyện này lúc gần đây” (giống như anh Thân nói gần đây có kiểm tra lại - nếu đã làm kỹ từ đầu thì chắc không phải kiểm tra lại gì nữa). Đáng chú ý là nay Lê Tẩu không được làm công tác chỗ cũ nữa, mà chuyển sang làm hậu cần, trong khối của anh Thao phụ trách.

Anh Lại Tuệ cho biết “xẩy ra việc bản Anh văn này là trong lúc đang chuyển giao bộ phận phụ trách công tác này giữa Cục của Dương Thông và của Trịnh Lân. Những người tham gia có Đỉnh, Hoa, Khánh, Đào, Chung. Và có Dịch ở Cục G3. Việc này khi báo cáo đến anh Thân, thì anh Thân tỏ ra xúc động, đi báo cáo ngay anh Hoàn và Ban Bí Thư” (nhớ lại lúc tôi không được đi Đại Hội, anh Thân nói là chính anh Hoàn và anh Thân giới thiệu tôi đi Đại hội; nhưng do TƯ Đảng ra nguyên tắc chung thì phải tuân theo). “Việc này làm chẳng có biên bản gì cả” (nhưng anh Lại Tuệ cho là nếu có thì nay cũng thủ tiêu, và rất sợ giám định khoa học). “Lúc trước có dư luận ở Cục của Dương Thông là có thư khám được của người nước ngoài nội dung thư chẳng có gì, gửi cho Mỹ qua Nhật; và tung dư luận do Thành ủy Sài Gòn báo cáo lên TƯ Đảng, chứ Bộ Nội vụ không biết gì chuyện này”.

Anh Huy Lương thì kể là: “Xẩy chuyện này, Cục E4 bịt không cho Cục D3 biết, sợ làm lộ. Nhắc lại chuyện năm 1975, anh Lương nói cán bộ Tổ chức TƯ nói là Sài Gòn đẩy đi, Bộ CA và Ban Tổ chức thì lại xếp về CA; đến Đại hội Đảng thì có những ý kiến khác nhau, Bộ CA đề nghị đề bạt, Ban Tổ chức TƯ chỉ có anh Khiêm nghiên cứu và làm và ông Lương, nhưng đến Đại hội thì bộ phận xét tư cách Đại biểu mới nêu lên rằng việc xét trường hợp của anh Tài chỉ mới có ý kiến Thành ủy Sài Gòn, chưa hợp lệ vì Ban Bí Thư chưa ra Quyết nghị, do đó không đi Đại hội được. Sau Đại hội thì lại bàn, đã không đi Đại hội được mà lại vẫn đề bạt thì ngược đời, cho nên phải có cái gì tỏ ra chưa chấp nhận sự đề bạt mà người ta cho là chưa đúng nguyên tắc, vậy thì phải đình chỉ công tác”. (Ý này liên hệ với thư tôi gửi anh Thọ 11/1976). Anh Huy Lương cũng kể rằng “lúc Đại hội, đúng là đã có danh sách, nhưng anh Thọ từ Sài Gòn ra yêu cầu gạch đi, và khi tôi có thư gửi anh Thọ, thì anh Thọ có nói ý là: “người ta cử ai thì cử, việc gì thắc mắc”.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tấn công biên giới. Ngày 27/2/1979 tôi gửi Ban Bí thư báo cáo việc anh Thân gặp, và xin Ban Bí Thư xét sớm để công tác. Ngày 11/3/79, chú Lương cho biết anh Trinh chủ động nói với chú Lương, đợi anh Thành ra sẽ gặp tôi.

Ngày 3/3/79 anh Sĩ Huynh nhắn cho tôi là: Nếu trong lúc này, có thư gửi anh Trinh xin giao công tác, thì tốt hơn là chỉ chờ; có ý kiến cho là nếu biểu thị Đảng tính bằng cách cứ nhận việc, rồi với thời gian sẽ làm rõ, thì hay hơn; lúc này nêu việc giám định pháp lý sợ không làm được. Tôi đã có trả lời về những sự người ta nói sai về tôi để anh Sĩ Huynh hiểu. Anh Sĩ Huynh cũng cho biết anh Thân có hỏi ý kiến anh ấy, sau khi tôi có văn bản 27/2/79, và anh Sĩ Huynh cũng nói: “Lẽ ra phải làm kỹ từ đầu”.

Thư tôi trả lời anh Sĩ Huynh, anh ấy đưa cho anh Nghĩa - thư ký anh Trinh xem; và cho biết cũng có nói với anh Trinh. Ngày 11/3/79 anh Sĩ Huynh cho biết dự thảo kết luận rất tốt, không lưu gì cả; anh Trinh cho lấy ý kiến từng đồng chí trong Ban Bí thư cho tập thể chu đáo; và nay lại có dự kiến công tác ở Ủy ban Thanh tra. (Chiều hôm nay gặp anh Trúc về hưu, anh ấy cũng nói nghe nói sang Thanh tra; và anh Lung đến chơi tối 14/2/79 cũng nói tưởng đi làm rồi ở Thanh tra).

Ngày 13/3/1979 anh Xứng về hưu đến chơi, nói nhiều anh em bàn thấy Bộ Nội vụ không đấu tranh đòi tôi về CA là thái độ không đúng, và anh ấy có ý định gặp anh Hoàn hoặc anh Quyết nói chuyện đó. (Vì dịp này anh Thân có Quyết nghị thôi CA; sang làm Ban Nội chính của Đảng).



[1]Tố Hữu (BT)




Nguồn: Tài liệu chưa xuất bản, lưu hành dưới dạng samizdat. Bản điện tử do talawas thực hiện

0 nhận xét:

Post a Comment